- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bãi Ô Quắn

26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 32987)

 

nguyentuongthiet_hl110_0_300x174_1Phú chạy dọc bờ biển Nha Trang ngăn đôi bãi cát với một dẫy những khách sạn cao tầng. Chiều xuống. Nắng còn gắt lóa trên mặt biển phía xa sau dẫy cây bàng rậm lá. Từ khách sạn Hải Yến đi ra có hai người bận đồ tắm, một đứa bé con giắt tay một ông già đi về hướng biển. Đến chỗ giữa đường nơi có lề đất ngăn đôi thằng bé đưa tay cản ông già đứng lại chờ đoàn xe máy chạy qua. Xe vãn. Ông già lụm khụm ôm bọc khăn tắm theo thằng bé bước qua đường.

Dưới tàn lá dừa trên hai chiếc ghế gỗ xếp thoải trên cát hai người đàn bà ngả lưng tay vòng sau gáy nhìn biển. Thằng bé con tiến lại chiếc bàn nhỏ đặt trước ghế hai người đàn bà quơ tay bốc một nắm kẹo vừng bỏ miệng rồi vùng chạy ra bãi cát mịn. Một trong hai người đàn bà nói:

– Cẩn thận sóng to đó con.

Rồi nàng nhỏm hẳn dậy ngoái nhìn phía sau lưng ghế. Ông già dáng người mập mạp lệnh khệnh bước những bước nặng nề trên cát. Khi ông già lại gần nàng chỉ vào cái ghế trống dưới một gốc dừa cách đó mươi thước nói:

– Ba ngồi ghế đó. Chiều nay sóng to ba đừng xuống nước. Ba đưa con cái bọc...

Lát sau ba người nằm ngả trên ghế nhìn biển. Người đàn bà thứ hai quay lại hỏi:

– Ông già của Nga trông còn khỏe nhỉ? Năm nay ổng bao nhiêu rồi.

– Chưa được tám mươi. Khỏe thì có khỏe thật nhưng ổng lẫn lắm rồi. Ở bên Mỹ người ta gọi đó là bệnh Alzheimer.

– Giây mơ? Bệnh gì vậy?

– Bệnh mất trí nhớ. Ổng còn khỏe lắm. Bữa nào cũng ba bát cơm đầy. Hôm nào tao xới cơm vơi một chút là ổng cự liền. Ba tao còn khỏe thế tao mới dám đưa về Việt Nam chơi. À, mà đám bạn cũ của bọn mình ở Nha Trang có con nào còn ở đây không?

– Còn độc mình mình thôi. Dạo đó... cũng đã mấy chục năm rồi còn gì... bây giờ tứ tán hết mỗi đứa mỗi phương. Từ ngày có "nét" mình mới lại liên lạc được với nhau. Nga còn nhớ con Tảo không? Nó ngồi cùng bàn với Nga đó. Nghe nói nó chết rồi, trong chuyến vượt biển...

– Thật hả?

Hai người thủ thỉ nói chuyện. Người đàn bà tên Nga lát lát lại ngừng nói đứng thẳng người lên giơ bàn tay ngang trán nhìn lung về phía biển. Ngoài xa đám người tắm biển nhấp nhô trên sóng. Gần mé nước trên vùng cát ướt từng cơn sóng soải xuống chân đám người tản bộ dọc bờ. Mấy bà già bận đồ lụa bà ba, gió thổi mạnh ép dính những cánh áo sát vào người. Một người đàn bà bận quần jeans, ống quần vén cao, ngồi khuỵu chân dang tay đón đứa bé con bước chập chững chạy trốn những đợt sóng tàn ào lên liếm cát. Mé trái trên vùng cát khô một lũ trẻ con chạy lăng xăng dành nhau một quả bóng đá.

Dưới tàn dừa ông già nằm thiu thiu ngủ. Ông lơ mơ tỉnh thức. Mắt ông nhìn ra ngoài khơi trong lúc trí ông trôi đi trong tiếng sóng vỗ bềnh bồng. Chân trời xa in mờ màu lam của hòn Pyramid. Ông già không nhìn thấy hòn đảo. Ở đó ông chỉ thấy một cái lô-cốt in trên nền trời. Lô-cốt của mỏm Ô Quắn một thuở nào thật xa. Rồi Cap St Jacques hiện ra cùng với hình ảnh Gabrielle ngồi đó trên bờ thành của lô-cốt đầu dựa vào vách đá nhìn ra khơi. Lẫn với tiếng sóng dạt dào của biển ông nghe thoảng trong gió tiếng hát thầm thì của Gabrielle trong bản nhạc Etoiles des neiges: Dans un coin per-du de mon-ta-gne... Un tout pe-tit sa-vo-yard... Chan-tait son a-mour dans le cal-me du soir... Près de sa ber-gère au doux re-gard...

 

*

Năm Bôn mười sáu tuổi cha Bôn được bổ làm chánh án tòa thượng thẩm Sài Gòn. Chính phủ cấp cho cha Bôn một căn nhà nằm trong một dẫy biệt thự khang trang hai tầng dành cho viên chức cao cấp tại đầu đường Chasseloup Laubat gần Sở Thú Sài Gòn. Thời gian đó vào khoảng năm cuối của thập niên 1940, những con đường của thành phố Sài Gòn vẫn còn mang tên tây. Cạnh dẫy biệt thự là hai cao ốc 6 từng dành cho gia đình những viên chức người Pháp ở. Phía sau hai cao ốc là sân banh Citadelle khá rộng bao bọc bởi ba con đường Chasseloup, Albert 1er và Richaud. Hàng ngày cắp sách đi học tại trường trung học Chasseloup Laubat Bôn vẫn thường đi tắt băng qua sân banh ấy. Khu vực Bôn ở có khá nhiều cây xoài thân cao, lá rậm, quanh năm lúc nào cũng trĩu nặng những quả; những quả xoài tượng xanh, lớn, treo từng chùm lủng lẳng trên cao, trông rất bắt mắt. Vì cây xoài thân lớn và cao không thể trèo lên hái được nên cách duy nhất là dùng ná bắn cho xoài rớt xuống. Trong số những thằng tây sống trong cao ốc Bôn thân với Robert, vì nó cũng như anh có cái thú dùng ná bắn xoài. Thỉnh thoảng Bôn cũng theo cha con thằng Robert đi vòng vòng khu vực gần nhà để xem ba nó bắn chim. Thấy một con chim lớn đậu trên ngọn cây, ba thằng Robert bẻ gập khẩu súng hơi rồi nhắm bắn. Sau tiếng nổ đánh phẹt một cái con chim lạng đi, đâm chúi vào bụi keo, Robert và Bôn chạy đi lùng chim. Có bữa ba thằng tây bắn một con chim cu nhưng chim chỉ bị thương, nó bay là là xuống nằm yên trên mái nhà Bôn. Không có cách chi lên mái nhà cao để lấy chim, ba thằng Robert giải quyết bằng cách nhắm bắn con chim trên mái nhà một lần nữa. Ông ta nhắm rất lâu trước khi bóp cò, chắc vì ông sợ nếu bắn hụt thì đạn có thể làm vỡ mái ngói nhà Bôn. Súng nổ, con chim cu trúng đạn dẫy lên quay quay mấy vòng trên mái nhà trước khi rớt xuống.

Bắn đuợc xoài thì Bôn thường chùi vỏ vào quần rồi cắn ăn. Thằng Robert thì không thế, nó rút trong túi ra một con dao díp, gọt vỏ cẩn thận rồi mới ăn. Bôn nhìn cách thằng tây gọt vỏ xoài thấy ngồ ngộ. Hắn đặt lưỡi dao trên quả xoài rồi hớt ngược từ ngoài vào trong chứ không xỉa xỉa lưỡi dao ra ngoài như cách Bôn vẫn làm.

Một bữa thằng Robert rủ Bôn lên trên sân thượng của cao ốc. Nó bảo là ở sát nhà nó có một cây xoài rất cao, từ sân thượng có thể dùng ná bắn xuống những chùm xoài tượng ở trên ngọn. Có thằng Robert Bôn mới được phép đi vào cao ốc. Hai tòa nhà 6 tầng này được được bảo vệ kỹ bởi một nhân viên an ninh cao lớn và đen thui người chà-và. Hắn mặc đồng phục xanh, có dùi cui trên thắt lưng, sẵn sàng tống cổ những thằng Mít như Bôn muốn tò mò phiêu lưu vào trong hai tòa nhà. Lần đầu Bôn biết thế nào là thang máy. Vào trong cao ốc thằng Robert kéo một cánh cửa sắt đẩy Bôn chui vào một cái lồng đen ngòm. Nó bấm nút thì cái lồng đi lên vùn vụt. Nhìn ra ngoài song sắt thấy các từng nhà lướt qua mà Bôn chóng cả mặt. Thang máy ngừng Bôn theo thằng Robert bước lên một cái cầu thang hẹp, mở một cái cửa nhỏ thông ra một cái sân thượng rất rộng. Đứng gần bờ sân Bôn nhìn bao quát xung quanh. Một dải xanh lá cây nhấp nhô phía trước là đỉnh của rừng cây trong sở thú và vườn bách thảo. Thấp thoáng sau đó là con sông Thị Nghè uốn khúc. Khu Hàng Xanh hồi đó không có lấy một căn nhà gạch chỉ là cánh đồng ruộng bát ngát, rải rác một vài căn nhà tranh. Về phía sân banh Citadelle khu Đa Kao hiện ra với những tòa nhà thấp, mái ngói san sát. Chỉ ở xa lắm về phía trung tâm thành phố Bôn mới thấy một vài cao ốc nhô lên ở chân trời.

Một bữa kia Bôn mạo hiểm lên trên sân thượng một mình vì lúc đó thằng Robert đi theo ba nó lên Đà Lạt nghỉ mát từ mấy tuần lễ. Bôn chờ cho đến lúc thằng chà-và đi tuần ở cao ốc bên kia thì lẻn vào cao ốc bên này. Vào thang máy anh bấm nút lung tung. Loay hoay một hồi rồi Bôn cũng lên được sân thượng. May quá hôm đó Bôn không đụng phải một ông tây bà đầm nào xử dụng thang máy, nếu không chắc chắn anh sẽ bị đuổi xuống. Sau nửa giờ dùng ná bắn xoài Bôn trở xuống. Vừa đến cửa sân thượng Bôn giật mình nghe tiếng chân người bước lên cầu thang. Lập tức anh thối lui tìm chỗ trốn. Tim anh đập loạn xạ vì anh cứ đinh ninh đó là bước chân của thằng chà-và. Cả cái sân rộng có khoảng mười cái ống – không biết ống khói hay ống thông hơi – khá rộng có mái xi-măng thấp che, trông tựa như những cái nấm khổng lồ nhô lên khỏi sân. Chọn một cái thông hơi ở gần Bôn bò xuống chui vào trong đó ngồi thu lu. Vì vướng cái mái che nên tầm nhìn ra ngoài sân thượng của anh chỉ giới hạn khoảng một hai thước xung quanh chỗ ngồi. Có tiếng bước chân nhẹ lại gần. Rồi hai ống chân trần của một bà đầm hiện ra. Bà ta trải xuống sân một cái khăn tắm thật rộng rồi nằm xuống đó phơi nắng. Từ chỗ nấp nhìn xuống Bôn thấy nửa phần dưới thân thể của bà đầm trong bộ đồ tắm bikini hai mảnh hiện ra rất gần chỉ cách khoảng vài gang tay. Mặc dù Bôn ở ngay sát cạnh có thể nghe được cả tiếng thở của bà, bà ta không biết có Bôn núp ở đó, nếu anh chịu khó ngồi yên không để phát ra một tiếng động nào. Nhưng sau gần nửa tiếng đồng hồ ngồi yên trong một tư thế nhất định người Bôn mỏi rừ, mồ hôi vã ra như tắm vì nắng buổi trưa hấp trên sàn xi-măng sân thượng nóng không chịu nổi, anh xoay người và đụng lưng vào một tấm thiếc. Tiếng động khiến bà đầm đứng hẳn dậy cúi gập người nhìn vào trong ống thông hơi. Trước mặt Bôn hiện ra khuôn mặt lộn ngược đầy kinh ngạc của bà Simône.

Bà Simône ngoắc ngoắc ngón tay và kêu suỵt suỵt ra hiệu cho Bôn chui ra như kiểu bà ta gọi một con chó. Lúc Bôn ra ngoài đứng thẳng dậy, bà ta nhìn vào mặt anh rồi bỗng rũ ra cười. Không hiểu bà đầm cười cái gì anh lí nhí nói mấy câu tiếng tây giải thích lý do lên sân thượng, nhưng bà ta tỏ vẻ không quan tâm tới lời giải thích của Bôn, bà nhặt khăn tắm vắt lên vai rồi nói anh đi theo bà ta xuống cầu thang. Hai người đi trong một hành lang. Bà Simône mở cửa vào nhà bà ta, một căn trên lầu 5 của cao ốc. Vào nhà bà đẩy Bôn đi qua phòng khách, nhà bếp rồi vào phòng tắm. Khi đèn phòng tắm bật lên Bôn thấy trên một tấm gương lớn hình anh và bà Simône và đến lúc ấy anh mới hiểu thái độ lúc nãy của bà Simône: tóc tai mặt mũi Bôn dính đầy nhọ nồi, trông còn đen hơn cả thằng chà-và gác cửa. Bôn bật lên cười. Bà Simône cũng cười theo anh trong gương. Bà cao hơn Bôn một cái đầu, tóc bà màu vàng hung hung, hai mắt bà xanh biêng biếc, chiếc mũi của bà cao và hơi vểnh lên, da mặt rám hồng vì phơi nắng, nom bà còn trẻ vì nước da còn căng tuy nhiên khi cười, cái cười của bà có kèm vài nếp nhăn nơi đuôi con mắt, cho thấy cái tuổi toan về già của bà Simône. Bà dúi vào tay Bôn một cái khăn, mở vòi nước hoa sen và bảo anh tắm rồi bà đi ra đóng cửa phòng tắm lại.

Tắm xong Bôn đi ra. Bà Simône ngồi hút thuốc lá trên ghế xa-lông ở phòng khách. Bà vẫn bận đồ tắm hai mảnh nhưng khoác ngoài một chiếc áo choàng bằng lụa. Bôn xin kiếu để về, nhưng bà Simône khoác tay bảo anh ngồi chơi một lát. Ngồi xuống ghế anh đưa mắt nhìn quanh. Căn nhà của bà Simône tuy nhỏ nhưng mọi thứ bầy biện gọn ghẽ và lịch sự. Phòng khách mở ra một cái ban-công hướng về phía sân banh Citadelle. Tường treo các bức tranh của Renoir và Cézanne. Trên một giá sách có đặt hai bức ảnh, một bức ảnh gia đình ba người, bà Simône ngồi giữa chồng và con gái, bức ảnh thứ hai chụp chồng bà, ông Henry bận quân phục. Bà Simône hỏi tên tuổi Bôn và khi biết anh theo học ở trường Chasseloup Laubat, bà nói:

"Gabrielle học kém Paul một lớp. Nó học ở Marie Curie"

Nói chuyện với bà Simône anh được biết là hai mẹ con ở cao ốc này từ năm ngoái, ông Henry thỉnh thoảng lắm mới về. Ông ta là sĩ quan của quân đội viễn chinh Pháp và đơn vị của ông ta trú đóng ở xa tận miền bắc. Lúc Bôn về bà Simône nói là lần sau muốn lên sân thượng thì cứ lên nhà bà. Bôn gật đầu nhưng từ đó anh không lên sân thượng bắn xoài nữa. Vài tháng sau, một bữa đi trên đường Catinat Bôn gặp mẹ con bà Simône trước một cửa tiệm bán đồ thêu. Bà giới thiệu anh với Gabrielle. Anh thấy con bé đầm dễ thương nên khi bà Simône mời anh hôm sau lại nhà bà ta để xem trận đấu bóng bầu dục Rugby giữa hội tuyển quân đội Pháp và hội tuyển Algérie trên sân Citadelle anh nhận lời ngay.

Hôm sau đến nơi anh mới biết là hai mẹ con xem đấu bóng từ trên ban-công của tòa cao ốc nơi bà Simône đặt một cái bàn nhỏ và mấy cái ghế mây. Trên bàn để chai bia Larue, bao thuốc lá Cotab và cái gạt tàn thuốc. Bà Simône thỉnh thoảng đưa ly bia lên miệng uống, mắt bà không rời theo dõi trận đấu đang diễn ra sôi nổi ở dưới kia. Cô con gái bà ta thì thờ ơ cúi đọc một quyển truyện hình Tin Tin cầm trên tay, lâu lắm nó mới giật mình rời mắt nhìn xuống sân banh mỗi khi mẹ nó đứng hẳn người lên vì kích động, tay vỗ liên hồi miệng hô lớn: Bravo!

Lần đầu tiên xem môn bóng bầu dục Bôn không hiểu luật chơi ra sao nhưng xem một hồi anh cũng bị lôi cuốn trong không khí căng thẳng của trận đấu và tiếng reo hò của khán giả. Ở hai đầu sân banh thay vì hai khung lưới như bóng tròn, họ thế bằng hai cây cọc thật cao. Dưới sân hai đội đấu thủ Pháp, một đội quần xanh áo vàng, một đội quần trắng áo đỏ, cúi xuống khoác vai nhau làm thành một vòng tròn ủi vào nhau, quả banh bầu dục được thẩy vào chân giữa hai đội, rồi một người trong đội áo vàng bắt được ôm banh chạy vụt phía trước, tức thời đội áo vàng dàn hàng ngang chạy theo, banh được chuyền tay thẩy từ người nọ sang người kia, trong khi đội áo đỏ cũng dàn hàng ngang chạy lên truy cản. Trong lúc theo dõi trận đấu bà Simône giải thích cho Bôn về luật lệ và cách tính điểm của môn bóng Rugby, nhưng anh chỉ nhớ được hai điều là mỗi đội banh bàu dục có 15 cầu thủ chứ không phải 11 như trong môn bóng tròn và khi chuyển banh cho đồng đội không được thẩy cho người phía trước mà phải thẩy cho người ở ngang hoặc ở phía sau mình. Lúc ấy anh mới hiểu vì sao mà khi dàn hàng ngang để tiến lên bao giờ người ôm banh cũng dẫn đầu.

 

Mùa hè năm ấy vào ngày lễ 14 Juillet bà Simône rủ Bôn đi ra Cap St Jacques tắm biển với mẹ con bà vào mấy ngày cuối tuần. Đến Cap ba người ở khách sạn nơi bãi trước. Hôm sau bà Simône thuê xe ngựa chở ba người đi bãi sau tắm. Chiếc xe ngựa lộp cộp trên con đường ven biển quanh co. Nửa giờ sau đó trước khi đến bãi sau bà Simône bảo xe ngừng lại trước một bãi biển hoang vắng. Người xà ích giật mạnh giây cương. Con ngựa nghẹo đầu sang một bên thở phì phò, chân trước quẹt lộp cộp trên mặt nhựa. Từ trên lộ cao ba người nhìn xuống dưới bãi.

Lõm sâu phía dưới thành một hình vòng cung bãi tắm bao bọc bởi những khối đá tảng xanh đen. Ba người xuống xe. Bà Simône chỉ vào chỗ có bóng mát một tàn cây phía bên kia đường nói tiếng Việt với người phu xe: "Đợi, Đợi!". Rồi bà xách một cái giỏ lớn đựng thức ăn và đồ tắm tiến về phía những bực đá dẫn xuống bãi. Gabrielle quay lại hỏi mẹ bằng tiếng Pháp:

"Bãi biển gì thế?"

"Bãi Point Au Vent". Bà Simône trả lời.

Bôn nói:

"Bãi Ô Quắn. Người ta nói thế".

Gabrielle nói tiếng Việt với Bôn:

"Ô Văng chứ sao lại Ô Quắn?"

Không đợi anh trả lời con bé kéo tay Bôn chạy xuống bực đá nằm giữa hai bờ dứa dại.

"Đi, đi mau, Paul!"

Bà Simône lững thững bước xuống bực đá. Trước mặt bà ở dưới sâu kia là bãi cát trắng và cong của Ô Quắn như một mảnh trăng lưỡi liềm ăn sâu vào đá. Bên phải của bãi là một bờ đá dài nhô ra biển, một con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn tới một lô-cốt nằm chênh vênh trên một mỏm đá. Gió thổi mạnh khiến bà Simône phải chụp mạnh tay giữ chặt chiếc mũ trên đầu. Lát sau khi bà xuống đến lưng chừng giốc thì ở dưới kia Bôn nắm tay Gabrielle chạy ùa xuống biển rỡn sóng.

Một đợt sóng cao đánh bật hai đứa trẻ dang xa nhau. Mồm mũi Bôn sặc sụa trong nước biển mặn tanh. Nhoài người nhìn Gabrielle Bôn thấy nó cũng như anh đang ngụp lặn trong những đợt sóng to chồm tới. Lát sau con bé đứng thẳng người dậy day lưng phía biển đi vào bờ. Trong vũng chỉ còn mình Bôn. Anh hơi sợ. Gió to quá, sóng lớn, bãi vắng không ai tắm. Gió to thế thảo nào mà chỗ này người ta gọi là bãi Nghinh Phong. Bôn nhào lộn với sóng thêm vài chập rồi bỏ cuộc. Lên bãi anh men bờ biển theo hướng Gabrielle đi về phía xa nơi có bờ đá.

Gabrielle đứng đợi dưới chân bờ đá cao. Nó chỉ về phía biển bảo Bôn:

"Chúng mình ra chỗ lô-cốt kia đi, nếu leo lên đây được thì khỏi phải đi lên đường cái xa lắm".

Bôn nhìn những hòn đá tảng lớn chồng lên nhau cao ngất rồi anh tiến lên trước, mỗi lần leo lên một tảng đá anh lại thò tay xuống nắm tay Gabrielle kéo lên. Hai người leo tới đỉnh thì mệt nhoài. Gabrielle quay nhìn bãi Ô Quắn giơ tay vẫy gọi mẹ lúc đó đang nằm dài trên bãi cát phía dưới tít xa. Không thấy bà Simône vẫy tay lại, Bôn đoán là bà ta đang mải đọc sách hay bà ta đang ngủ cũng không chừng.

Theo con đường mòn nhỏ ngoằn nghoèo, hai người đi vào vùng đất nhô sâu ra biển mà lô-cốt nằm ở trên mũi nhọn. Đến gần thì lô-cốt là một cái nhà vòm làm bằng đá dầy cộm, phía sau trống hổng, phía trước chắn bởi một bờ tường đá dầy chỉ cao ngang bụng, mở ra một khoảng xanh ngắt của biển khơi Thái Bình Dương dưới tít sâu. Trước kia ở nơi này lính Pháp đặt một cỗ đại bác lớn chĩa ra biển để bảo vệ vùng duyên hải nhưng nay khẩu súng bị gỡ đi chỉ còn lại cái chân giá bằng sắt nằm chính giữa nhà vòm.

Hai người nhẩy lên ngồi trên bờ tường đá phía trước. Gabrielle ngồi đong đưa hai chân, ngửa mặt hứng gió thổi lồng lộng, hai bàn tay nó vòng ra sau buộc lại lọn tóc màu hung vàng. Bôn nói:

"Hôm nay sóng to quá, không có ai tắm hết"

"Moa không sợ sóng to". Gabrielle trả lời. "Moa sợ nhất là những con sứa biển. Sao mà ở đây lắm thế. Toa không nhìn thấy hả? Chúng nó trong vắt hình ngôi sao lượn lờ trong nước thấy mà ghê! Đụng vào chúng là ngứa lắm nhớ. Lại còn có san hô ở dưới đáy, dẫm lên đau cả chân... Bãi Au Vent này trông thì đẹp nhưng không tắm được.

"Moa thích tắm ở đây hơn, bãi trước đông nghẹt những người".

Gabrielle không trả lời, nó ngồi dịch người vào trong, dựa lưng vào vách, nhắm mắt lại. Lát sau Bôn nghe nó hát một bản nhạc anh vẫn thường nghe qua một đĩa hát ở nhà bà Simône. Tiếng hát nhỏ nhẹ và mỏng bay tạt theo gió: E-toi-les des nei-ges! Mon coeur a-mou-reux... C’est pris au pi-ège... de tes beaux yeux... Je te don-ne en-gage, cet-te croix d’ar-gent... Et de t’ai-mer tou-te ma vie, je fais ser-ment....

Nửa giờ sau hai đứa theo con đường cái xuống bãi. Người xà-ích ngồi tựa vào gốc cây ngủ. Con ngựa bị buộc lâu một chỗ nó ngứa ngáy cái đầu hục hặc. Xuống đến bãi Bôn thấy bà Simône trải trên cát một tấm vải lớn trên bầy bánh mì cho buổi ăn trưa. Bà sửa soạn bánh mì jambon và pho-mát cho hai người ăn, còn bà không ăn chỉ uống. Bà rút trong túi xách một chai rượu vang đã khui sẵn rót đầy một cốc đưa lên miệng uống nhấm nháp. Lâu lâu bà Simône quay đầu lại khum tay che gió bật lửa châm điếu thuốc lá, bà thở ra những làn khói nhẹ nhàng ở khóe môi. Ăn bánh mì xong, Gabrielle thò tay cầm cốc rượu vang của mẹ đưa lên miệng, bà Simône lườm con giơ tay toan cản nhưng lại thôi, con bé uống một hớp lớn, nhăn mặt, đặt mạnh cốc xuống đất làm rượu đổ loang trên vải một vệt tím thẫm. Lát sau con bé lại mò mẫm cầm bao thuốc lá của mẹ, tính rút ra một điếu nhưng bà Simône giằng lại bao thuốc.

Bôn nằm xấp trên cát cạnh bà Simône. Gabrielle nằm ở phía bên kia. Cảm thấy buồn ngủ anh thiếp đi một lát. Tỉnh dậy nhưng mắt vẫn nhắm anh nghe có tiếng hai mẹ con nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp:

"Maman, sao lâu quá không thấy papa trở về? Mẹ có tin tức gì của papa không?"

"Mẹ vẫn nhận được thư của papa đều. Dạo này chiến trường ở miền bắc không yên, mẹ cũng thấy không an tâm lắm. Nhưng papa có hứa là tháng tới thế nào cũng về... Còn con ra sao? Dạo này không thấy Robert lại chơi với con..."

"Con ghét nó! Con không muốn gặp nó... Nếu nó có đến mẹ nói là con không có nhà nhớ!"

"Chuyện gì thế con?"

Không thấy tiếng Gabrielle trả lời mẹ. Im lặng một hồi lâu. Chắc Gabrielle đã ngủ. Bôn quay đầu hé mở mắt. Bà Simône trong bộ đồ tắm đang nằm co một chân đọc sách, bà đội chiếc mũ rộng vành, mắt đeo đôi kính dâm, chiếc mũi cao của bà in trên nền trời xanh. Bôn nhìn xuống cặp đùi của bà Simône, cặp đùi chắc nịch, rám nắng, nước da hồng lấm tấm những hạt cát bám giữa những sợi lông tơ vàng óng ánh. Lóe trong trí anh cái cảnh ở trên sân thượng buổi trưa hôm nào anh cúi xuống nhìn thật sát cặp đùi ấy. Hình ảnh một con ruồi bay ngoằng một cái rồi đậu lên bẹn bà Simône in trong trí Bôn. Con ruồi đậu yên một lát. Nó lấy hai càng sau địu đôi cánh mỏng xuống vuốt vuốt rồi nó bắt đầu thám hiểm đi len lỏi giữa những sợi lông măng. Trong lúc con ruồi di chuyển anh thấy da đùi của bà Simône rùng rùng. Rồi một bàn tay của bà Simône vu vơ khuơ phía dưới. Con ruồi bay đi nhưng lại đậu ngay trên mu cao của chiếc quần bikini. Một lát nó bò xuống đường riềm của chiếc quần tắm nơi có những sợi lông màu vàng quăn thò ra. Bà Simône chuồi bàn tay qua rốn thọc vào trong quần tắm gãi. Con ruồi bay đi.

Bôn nhắm mắt lại lòng hực lên một sự thèm muốn. Trưa hôm ấy trên bãi Ô Quắn, nằm úp mặt trên cát mềm, lưng bỏng lên vì nắng, Bôn lịm đi trong một cảm giác bềnh bồng thấy mình ôm cứng một vật gì mềm mại giống như cặp đùi của bà Simône. Rồi anh trôi đi mê man trong cơn khoái cảm mà anh chưa từng biết đến trước đó; cảm giác thống khoái tăng lên từng chặp, từng chặp, như những đợt sóng biển dạt dào ngoài kia trồi lên hạ xuống càng lúc càng nhanh và cao, cuối cùng đẩy anh lên đỉnh chất ngất anh rùng mình ngạc nhiên thấy lành lạnh ở quần tắm.

 

Mùa hè đã hết. Sau chuyến đi Cap St Jacques ấy vào đầu niên học mới Bôn đổi lên trường Yersin trên Đà Lạt học và kể từ đó anh không gặp lại mẹ con bà Simône nữa. Mấy năm sau tình cờ găp lại thằng bạn cũ, Robert cho anh hay là Gabrielle và mẹ nó đã trở về Pháp sống. Còn ông Henry, chồng của bà Simône đã tử trận trong chiến trường Điện Biên Phủ.

*

 

Dưới biển số người bơi đã vãn nhiều, nhưng trên bãi người đi dạo mặc thường phục đông hơn. Hòn Pyramid ở ngoài khơi thẫm lại trong bóng chiều. Dưới tàn dừa hai người đàn bà vẫn tiếp tục nói chuyện. Nga bảo bạn, giọng đè thật nhỏ như sợ ông già nghe thấy:

– Khi nào già tao nhất định về Việt Nam sống. Thấy cái cảnh ông già tao sống ở bển mà ớn quá. Ổng lú lẫn quá rồi tao không coi sóc nổi phải để ổng ở nhà già. Mà như thế có yên đâu. Ổng quậy quá người ta dọa đuổi đi mấy lần. Báo hại tao phải năn nỉ hết cỡ bây giờ mới tạm yên.

– Nga nói ổng quậy là thế nào?

Liếc nhanh về phía ông già lúc đó vẫn còn như đang ngủ, Nga trả lời bạn:

– Nói ra thật xấu hổ. Ông già tao đúng là già dịch. Cứ thấy mấy bà y tá Mỹ nào lại gần là ổng làm bậy, bóp vú người ta tùm lum. Có bữa họ gọi cảnh sát bắt ổng. Sau phải có giấy bác sĩ chứng minh ổng bị bệnh Alzheimer không ý thức việc mình làm mới yên. Mà ổng cũng kỳ lắm hè! Không phải bạ ai ông cũng sờ soạng đâu nhé. Bóp vú mà cũng có chuyện kỳ thị đấy! Ổng chỉ lựa mấy bà Mỹ trắng tóc vàng thôi, còn mấy bà y tá đầu đen người Phi hay người mình ổng chê. Khi bị người ta cự thì ổng lại chống chế sổ ra một tràng tiếng tây chả ai hiểu ổng nói gì.

– Thế ba của Nga có biết việc mình làm không?

– Tao cũng chẳng biết. Có bữa tao hỏi ông cụ: "Ba có biết mình sờ người ta như thế là xấu không?". Ổng trả lời: "Biết chứ sao không biết! Đụng vào người ta thì nó tát cho mấy tát ấy chứ lỵ!"

Lát sau Nga ngồi nhỏm dậy, xỏ đôi dép rồi đứng lên bảo bạn:

– Mình về thôi. Cũng muộn rồi.

Khi người bạn đứng lên, Nga khoác tay lên vai bạn, nói nhỏ:

– Hồi chiều tao hoảng quá! Lúc xuống thang máy ở khách sạn Hải Yến, trong lồng thang máy có một bà du khách ngoại quốc ông cụ cứ nhìn trừng trừng vào ngực bà ta làm tao vội vàng phải xen vô đứng chắn giữa hai người. Nếu chuyện ấy xẩy ra ở đây bà ta hô hoán lên thì cứ là ế mặt hết. Thật khổ!

 

Bốn người đi trên cát, lưng quay phía biển. Thằng bé con lăng xăng đi trước, vừa đi vừa đá một cái vỏ dừa. Hai người đàn bà đi giữa. Bà bạn của Nga dáng nghiêng nghiêng vừa đi vừa nói chuyện trên cell phone. Ông già bước những bước chậm chạp trên cát. Đến vỉa hè xi-măng của đại lộ Trần Phú hai người đàn bà dừng lại đợi ông già lững thững phía sau. Ông già dừng lại thở, quay nhìn phía cây bàng, nơi có những quán rượu với những chiếc bàn tròn phủ khăn trắng và du khách ngoại quốc ngồi đầy kín trong những nhà chòi bằng lá dưới những chiếc đèn lồng màu sặc sỡ đã bắt đầu thắp sáng. Có tiếng hát từ trong quán vẳng ra. Một bản nhạc xưa. Ông già lắng nghe và nhận ra giọng cao vút của nữ ca sĩ Edith Piaf. Ông mấp máy đôi môi theo với tiếng hát: Mou-lin des a-mours... Tu tour-nes tes ai-les... Au ciel des beaux jours... Mou-lin des a-mours... Mon coeux a dan-cé.... Sur tes ri-tour-nel-les... Sans mê-me y pen-ser... Mon coeux a dan-cé... Ah, mon Di-eu, qu’ils é-taient jo-lie... Và ông lịm đi trong giây lát nhớ lại tiếng hát của bà Simône. Phải, cũng bản nhạc ấy. Moulin Rouge. Tiếng hát hòa lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp khi cỗ xe rời bãi Ô Quắn trên đường trở về.

 

Nguyễn Tường Thiết
Hoa Kỳ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 94378)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91974)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 30901)
...Làn da của Khánh dưới lớp áo kimono ngăm một cách chậm rãi, sẫm dần theo bóng râm hắt vào phòng. Giống chúng muốn biến mất sau khi tôi vừa nhìn ngắm. Giống chúng đã khô đi ở lớp vỏ ngoài dù vẫn hô hấp bằng hơi thở trẻ thơ. Tôi biết thiếu nữ vẫn còn là một đứa trẻ dù đã làm đàn bà. Làn da của nàng duy nhất. ‘‘Làn da của tôi bảo tồn từ sau 75.’’ ‘‘Làn da của tôi thay đổi rất nhiều từ ngày ấy.’’
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 33187)
Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đã gặp ông lão ở đây. Đúng chỗ cái bến sông này. Có điều ngày đó, ở đây chưa có cây cầu bắc qua sông. Sở dĩ tôi dám chắc như vậy vì hôm đó lúc bị muộn đò, tôi cứ đứng nhìn chân chân sang cái cây cao vút đen thẫm chơ vơ bên kia bờ.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 31941)
Căn hộ tầng mười bốn. Ở giữa lưng chừng trời. Thành phố bàng bạc xám bên dưới còn chưa thức giấc. Và hình như cũng chưa hề hay biết về một cơn bão đã mon men đến rất gần. Nàng ngồi thu mình trong thứ ánh sáng lờ lợ rạng đông. Không hẳn là bóng đêm nhưng cũng chưa thể gọi là bình minh.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 30623)
- Mấy anh à, kiểu thơ hiện đại này như virút gây bệnh dị ứng thơ, đọc xong hổng còn biết thơ bây giờ là chi ráo trọi. Bây giờ tui mới hiểu tại sao báo chợ miễn phí chuyên sài thơ lục bát vần vè zui zui… Thôi, dẹp cái chuyện văn học cách tân này đi cho rồi!... Họ ríu rít như chim...trong văn chương Giao Chỉ quận Cam ở độ phải cách tân cho kịp trào lưu hậu hiện đại.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 36520)
...Nước ấm nhấp nhô ve vuốt ở bờ ngực, nơi mà không lâu trước đó nó cũng được vuốt ve bởi đôi bàn tay, bởi môi hôn cuồng nhiệt. Trò chơi chấm dứt trong rã rời, giờ này nó được đền bồi bằng một ngơi nghỉ thực thụ. Nó cần phải tẩy xóa, kỳ cọ đi dấu tích. Những lỗ chân lông sẽ giãn nở để da thịt thôi bám lấy mùi mồ hôi, thôi dính nhờn những tinh dịch vung vãi. Người đàn bà nhắm mắt...
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 36081)
LTS: Minh Hà tên thật là Nguyễn Thanh Phong sinh viên khoa sáng tác tại Hà Nội. Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, bằng một lối hành văn gọn, mạnh và nhiều hình ảnh, anh đã dẫn câu chuyện rất lôi cuốn từ những dòng đầu tiên... Chúng tôi hân hạnh gới thiệu tác phẩm "Vực thẳm" của Minh Hà đến quí độc giả. TCHL
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 32981)
Gần nhà Thiên An có một cái hồ nằm đối diện khu nghĩa trang mênh mông phía dưới chân đồi. Dân trong thành phố gọi đó là hồ dĩ vãng. Ít người tìm hiểu tại sao lại có tên như thế. Nhưng họ bảo nhau rằng nếu ai ngồi bên hồ vào lúc mặt nước bất chợt chuyển động xoáy tròn thì sẽ nhìn lại được quá khứ của mình. Vòng bờ hồ ngoằn ngèo tua tủa như răng cá sấu nhưng lại làm tăng vẻ huyền ảo kỳ diệu của mặt nước xanh biếc lá cây. Hình như mọi người có thói quen quay đầu nhìn lại sau lưng mặc dù đôi bàn chân phải bước về phía trước. Nên thành phố giàu hơn nơi khác nhờ du khách tò mò về hồ dĩ vãng. Họ đến đấy để hi vọng tìm lại được quá khứ đã ngủ yên.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 38165)
Người phụ nữ Nhật ngồi trên hai gót chân mình, bà cúi đầu thật sát vào hai bàn tay úp trên mặt chiếu, bà chào khách. Mười người khách ngồi chung quanh chiếu tatami , họ lễ phép cúi đầu chào lại, sau lưng họ những cánh cửa Shoji khép kín. Trong chiếc kimono cổ truyền, bà thong thả cử hành nghi thức pha trà.