- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VÌ KIẾP TRƯỚC EM ĐÃ LÀM KHỔ ĐÀN ÔNG

14 Tháng Năm 20215:31 CH(Xem: 11549)

VI KIEP TRUOC -TOPA

Truyện ngắn

TOPA

Vì Kiếp Trước Em Đã Làm Khổ Đàn Ông

 

 

Tôi trở về nước lần này không phải để du lịch, mà để hoàn tất các thủ tục để đi định cư ở Vương Quốc Hòa Lan. Xa quê hương chỉ một thời gian ngắn, ngày trở về lòng tôi đã bồi hồi xúc động khi nhìn thấy lại quê hương Miền Nam… huống chi những người xa quê nhà đã trên bốn mươi năm vẫn chưa một lần trở về, thì nỗi thương nhớ quê hương sẽ làm cho họ khắc khoải biết bao nhiêu.

Hôm nay là ngày đầu tuần nên người đến làm hồ sơ tại Chi Cục Thuế của quận…  không đông. Tôi là người cuối cùng của buổi chiều hôm nay khi đồng hồ chỉ ba giờ hai mươi phút.

 

Tôi nhìn ông Chi Cục Trưởng, người sẽ ký xác nhận tôi không thiếu thuế với nỗi lo lắng. Tôi lo vì nếu bị trục trặc thì công việc làm ăn buôn bán bên kia cũng sẽ bị đình trệ theo. Trước khi đến đây tôi được người quen khuyến cáo: “Nếu muốn mau lẹ cô phải chịu cái thủ tục gọi là đầu tiên. Luật pháp của đảng là vậy. Luật pháp của đảng đã dung túng cho một số đông các cán bộ làm giàu bằng những thủ đoạn bất chánh...” Tôi hít một hơi thật dài cho không khí vô đầy buồng phổi để lấy can đảm nói ra điều mà, nếu người được đề nghị muốn bắt chẹt thì ngưòi đề nghị là tôi sẽ gặp rất nhiều điều phiền toái. Có khi còn bị ở tù nữa. Tôi nghĩ: “Ông ta là người ký xác nhận cho mình, thì mình phải nói, phải hỏi… để mọi việc được trôi chảy…”Nhớ lại lời người quen trước khi đến đây… “… Đất nước này người dân nào cũng phải biết đến bốn chữ ‘thủ tục đầu tiên.’ Người có tiền còn mua được những cán bộ có chức cao và những cán bộ có quyền thế một cách dễ dàng. Các viên chức cán bộ nhà nước người nào cũng khoái tiền và thèm gái cũng như danh vọng nên xã hội từ ngày…” Mấy mươi năm trôi qua rồi mà người nghèo thì vẫn còn nghèo mà người giàu thì càng giàu hơn  Nếu tôi rụt rè không dám nói không dám hỏi thì không chừng lại là điều thất sách.

 

**

 

Đó là người đàn ông còn trẻ, tuổi của ông khoảng ngoài ba mươi. Gương mặt của ông đầy đặn và trí thức. Nghĩ vậy nên tôi mạnh dạn lên tiếng hỏi:

“Thưa ông, hồ sơ xác nhận của em có cần phải bổ túc giấy tờ gì thêm nữa không ạ?”

 Người đàn ông ngước mặt lên nhìn tôi và nói:

“Không em. Không thiếu gì cả.Tôi chỉ...”

Tôi mạnh miệng nói lên điều thông thường vẫn xảy ra ở nước Việt Nam tôi:

“Ông giúp em, em sẽ đền ơn ông xứng đáng.”

Người đàn ông tỏ vẻ bối rối nên vội vàng nói:

“Không, không phải vậy đâu em…”

Có lẽ ông thấy tôi nhìn ông với vẻ lo lắng. Ông nói ngay để tôi yên tâm:

“Hồ sơ xác nhận không thiếu thuế của em hoàn toàn… tốt. Tôi sẽ giải quyết ngay bây giờ cho em. Tôi… tôi muốn hỏi em một đôi câu. Em có thì giờ nóí chuyện không?”

“Dạ thưa ông, em không bận việc gì cả. Ông muốn hỏi gì em xin ông cứ hỏi.”

Ông hơi chồm về phía trước và nói như chỉ để tôi nghe thôi:

“Tôi mới từ Ba Lan về làm việc ở đây chưa lâu. Tôi thắc mắc... có phải đây là phong trào, hay do từ những nguyên nhân nào mà các người phụ nữ Việt Nam bây giờ lại cứ tìm mọi cách để được lấy chồng Việt Kiều, hoặc, lấy chồng người nước ngoài trong khi ở Việt Nam mình cuộc sống cũng đã khá hơn xưa nhiều rồi. Luật pháp cũng đã rõ ràng và dễ dãi hơn xưa nhiều rồi.”

“Dạ, em hiểu ý ông . Vì ông làm việc ở đây chưa được bao lâu mà ông phải giải quyết nhiều hồ sơ của các thiếu nữ xin đi định cư ở các nước, nên vì vậy mà ông nghĩ người phụ nữ Việt Nam chúng em kiếm chồng ngoại quốc hay kiếm chồng Việt Kiều là phong trào… có phải vậy không thưa ông?”

Ông nhếch môi cười rồi nói:

“Em thông minh lắm.”

“Thưa ông, theo em nghĩ thì… phong trào chỉ bùng phát trong một thời gian rồi lại sẽ chìm xuống. Còn đây là... từ bao năm qua và cho đến khi nào mà xã hội vẫn không thay đổi, người dân vẫn không có tự do và vẫn chịu quá nhiều điều bất công thì, chừng đó người phụ nữ Việt Nam chúng em vẫn sẽ bỏ nước để theo chồng đến phương trời xa và, như vậy xem như sẽ là thông lệ. Điều mà ông nói về những đổi thay, tuy đó cũng là sự thật, nhưng, đó lại chỉ là mặt nổi thôi ông ạ. Nếu ông thật sự muốn biết, muốn nghe, và đừng… dị ứng với những gì em nói thì em sẽ nói cho ông biết tại sao em, tại sao người phụ nữ Việt Nam lại thích lấy chồng Việt Kiều hoặc lấy chồng ngoại quốc, hơn là lấy những người đàn ông trong nước.”

“Em là người phụ nữ thông minh và lại có sắc nữa. Tôi rất muốn được nghe từ chính miệng một người phụ nữ Việt Nam thông minh như em nói cho biết về điều đó lắm.Tôi rất hiểu câu chuyện em sắp nói sẽ có những điều… đụng chạm đến chính trị. Nhưng, tôi rất muốn được nghe. Tôi đảm bảo với em sẽ không có chuyện … dị ứng ở đây.”

“Vậy em xin được bắt đầu thưa chuyện cùng ông. Thưa ông, ngày em vừa bước chân lên bậc thềm trung học, em rất thích thơ văn nên cũng thuộc truyện Kiều của Ngài Nguyễn Du. Với cái tuổi chưa đủ khôn ngoan, nhưng em đã có nhiều lần xúc động đến rơi nước mắt để khóc thương cho một kiếp người. Khóc thương cho người cũng là vì em lo sợ cho số phận của chính mình. Ngài Nguyễn Du đã viết:

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Như ông đã nhìn thấy, em cũng có dáng người cao ráo và cũng có nhan sắc trên trung bình… Chính vì vậy mà em thường lo sợ cho số phận em sẽ phải bị gian truân bởi câu hồng nhan bạc phận luôn theo em như là một ám ảnh.

Gia đình em trước kia thuộc thành phần lao động. Ba em là Hạ sĩ quan trong quân đội Miền Nam và bị thương tật. Mẹ em vừa buôn bán vừa lo việc nội trợ. Thế rồi… cuộc sống của gia đình em đã không còn được bình thường nữa khi chiến tranh chấm dứt… nhiều năm và em được ra chào đời, và, cho đến một ngày thì cả gia đình em bị tai nạn. Dưới sự bảo bọc của dì em, em được đến trường. Em được học hành đến nơi đến chốn. Và, em đã lớn dần lên theo năm tháng. Khi em đến tuổi trưởng thành và người đàn ông đầu tiên đến với em là anh chàng kỹ sư mới ra trường. Ngày ấy em cũng vừa bước qua tuổi mười tám được một tuần. Dáng người anh dong dỏng cao và khoẻ mạnh. Anh có cái sống mũi cao với hàm răng trắng muốt, cùng đôi mắt to với cái nhìn thật hiền hậu. Đó là những điều đáng ghi nhớ nhất trong lần đầu em gặp anh. Người dì của em nói: “Người ta con nhà giàu lại học giỏi và có nghề nghiệp vững vàng. Chắc chắn cuộc sống của con sẽ được hạnh phúc và sẽ không phải bươn bả chạy kiếm  miếng ăn từng bữa.” Em đã nghĩ, thế là ông trời đã sắp đặt cho em có một cuộc sống thanh cao khi đem đến cho em một người đàn ông mà các cô gái hằng mơ ước.

Chúng em chung sống với nhau thật hạnh phúc được một năm thì, em khám phá ra anh ấy đã phản bội em khi có nhiều đêm anh nói phải làm thêm cho kịp công việc mà cấp trên đã giao. Nhưng, em đã tìm hiểu cho cặn kẽ và em biết rất rõ ràng những lần đó anh đã đi ngủ với những cô gái bán bia  ôm. Em vô cùng thất vọng. Anh đã ngoại tình. Ông có hiểu điều đó đã làm cho em đau khổ đến như thế nào không? Em đã có tất cả mọi thứ mà các phụ nữ khác mơ ước: Một gia đình với người chồng có học và có tài. Chồng em được mọi người nể trọng. Nhưng, đồng thời em cũng có người chồng đa tình. Mặc dù anh đã phân trần: “Công việc ở xứ này bắt buộc phải thù tiếp nhau trong những quán bia ôm để bàn công việc và để được ký những hợp đồng. Em đã là vợ thì em phải thông cảm cho anh. Anh hứa sẽ không bao giờ phụ em.” “Em phải thông cảm cho anh ấy được thường xuyên - mỗi tháng khoảng hai hoặc ba đêm - ngủ với gái để có được những hợp đồng? Còn nếu như em không thông cảm thì sao?” Em đã hỏi lại anh ấy như vậy. Và, thế là em đã nhận được những trận đòn đến sưng mình, đến thâm tím mặt mũi. Anh ấy đã có hành động của hạng người đứng đầu đường xó chợ. Anh ấy không còn yêu em thì hãy để anh ấy đi tìm hạnh phúc mới và niềm vui bên những chai bia…”

Ông ngắt lời tôi:

“Anh ấy đánh em bằng vật gì hay chỉ bằng tay?”

“Dạ, anh ấy đấm và đá em liên tu bất tận chứ không dùng vật gì cả.”

“Một người có ăn học và đã thành tài mà hành động như vậy thì chắc chắn phải có người đàn bà khác… như thế nào đó chứ không thuần là gái bia ôm đâu. Nếu vì gái bia ôm mà hành động như vậy thì… đáng bỏ lắm. Tôi nghĩ vậy.”

“Dạ, lúc đó em chỉ nghĩ anh ấy vì bạn bè rồi bị cô gái bia ôm nào đó hớp mất hồn chứ em không nghĩ… như ông. Bây giờ nghe ông nói và em nghĩ… có lẽ như vậy thì đúng hơn.”

 

“Rồi sau đó em gặp người… bây giờ?”

“Dạ thưa ông, em chưa được cái ‘may mắn’ như vậy ngay đâu. Trong lúc em đau khổ vì hạnh phúc gia đình bị đỗ vỡ thì, em đã gặp người đàn ông thứ hai. Người này cũng có địa vị trong xã hội và đã qua một đời vợ. Em dường như đã cảm nhận được hạnh phúc trở lại bởi sự chân thật của anh. Em đã lấy lại được niềm tin để tiếp nối cuộc sống tưởng như đã chấm dứt vĩnh viễn rồi. Nhưng, rồi tất cả đã dừng lại và em lại bỏ ra đi khi mọi việc còn chưa kịp bắt đầu. Em không hiểu gì cả. Người đàn ông thứ hai này cũng vì bia ôm với bạn bè mà đã phụ em. Bây giờ em tin chắc một điều là, chín mươi chín phẩy chín mươi chín phần trăm người đàn ông Việt Nam sống trong nước đều thích nhậu và ngoại tình. Em không muốn dì em và bất cứ người thân nào biết về cuộc sống thật của em. Em không thể nói gì về hai người đàn ông đã trải qua đời em. Tất cả chỉ là sự nín nhịn giả dối. Em chấp nhận thua thiệt và, nỗi buồn đau đã theo em suốt thời gian dài mà chẳng thiết phải ra khỏi nhà không phải vì thiếu những nơi để đến chơi, bởi em bây giờ có thể vui chơi thỏa thích. Cũng chẳng phải vì em không có bạn bè, bởi em có thể tìm ra bạn bè. Đau buồn và âu lo như một thứ tâm bệnh khiến em từ từ thích sự cô đơn. Hoảng sợ, em quyết định phải tạo cho mình một cuộc sống giàu có với nghề mua bán bất động sản.”

Ông nhướng đôi con mắt lộ vẻ ngạc nhiên:

“Em có học qua ngành nghề đó à?”

“Dạ. em có học hai năm về kinh doanh… Em… em hơp tác với một người đàn ông đang có văn phòng hẳn hoi làm nghề mua bán bất động sản. Và… người đàn ông này sau đó là người đàn ông thứ ba trong đời em.’

Ông ngã lưng ra phía sau và hỏi với cái hé môi như cười nửa miệng:

“Cũng chưa phải là người… trăm năm?”

“Dạ… chưa. Người thứ ba này bằng tuổi em nhưng chưa lập gia đình vì mãi mê công việc cũng như luôn lo lắng chăm sóc cho người mẹ già, người thân duy nhất của anh trên thế gian này. Anh thật hiền và có hiếu với mẹ. Anh ấy đã dịu dàng đưa em vào một chân trời mới, ấm áp, vị tha và đầy tình người. Anh thật kỳ diệu. Anh luôn tỏ ra chân thành, si mê và nồng nhiệt. Em luôn được thương yêu, nâng niu và trân trọng. Em được sống trong tình yêu thương và hạnh phúc... Rồi đột ngột anh buông tay thả cho em rơi từ thiên đường hạnh phúc xuống địa ngục của khổ đau. Em thật xót xa khi phát giác ra, anh cũng đã có nhiều lần đi vô khách sạn với gái bán bia ôm. Em khao khát tình yêu nhưng bây giờ em đã vô cùng thất vọng. Trong cái ký ức từ những lần giao thiệp của em với những người đàn ông có tư cách, có ăn học cao hay thấp thì, tất cả họ đều ngoại tình. Những người đàn ông có tiền ở xứ này, tất cả đều muốn - đều tạo cơ hội để ngoại tình. Tất cả đều thích gặp gỡ nhau bên bàn rượu, trong các quán bia ôm để bàn công việc làm ăn chân chính hay bất chính.

Buồn quá em đã tìm đến với điều mà trước kia em vẫn đả kích. Em đi xem bói. Người xem cho em là người cũng có tiếng tăm. Em không hề nói là em đã có qua ba đời chồng, thế nhưng người này quả quyết em đã chung sống như vợ chồng với ba người đàn ông. Người đó quả quyết, em sẽ gặp người đàn ông thứ tư; người đang sống ở nước ngoài trong một dịp mà em không ngờ. “Cô sẽ chung sống với người thứ tư này như là một sự trả nợ… cho kiếp trước. Số của cô đã định như vậy. Cô phải chấp nhận vì kiếp trước cô làm khổ đàn ông quá nhiều, nên kiếp này cô phải trả.”

Em không tin lời người thầy bói. Nhưng, trước đó em đã nguyện là sẽ không bao giờ lấy chồng là người ở trong nước nữa. Nếu phận số của em may mắn, em sẽ lập gia đình với người Việt đang sống ở nước ngoài. Bằng không thì, em chấp  nhận ở vậy cho đến hết cuộc đời này.

 

**

 

Cuộc sống của em cứ lẳng lặng trôi qua với công việc em đang làm và rất bận rộn. Một ngày kia, sau một ngày làm việc khá mệt mỏi và, nếu như em phải nấu ăn nữa thì… có lẽ em cũng chẳng ăn được bao nhiêu. Nghĩ vậy nên em đi ăn ở tiệm. Trong một lúc em ngước mặt nhìn lên thì, em thấy người đàn ông trẻ đang nhìn em. Hắn ngồi đối diện em và cách em một cái bàn trong quán Ngon tọa lạc tại số 160 đường Pasteur quận 1. Hắn mặc áo hở ngực có chi chít những lỗ nhỏ như muốn khoe bộ ngực nở nang mà, mới nhìn thoáng qua thì ai ai cũng phải nghĩ ngay đây là chàng công tử ăn chơi cũng thuộc loại có hạng trong thành phố. Ngồi hai bên trái và phải của hắn, là hai cô gái rất dễ dàng để mọi người nhận ra ngay, đó là hai cô gái điếm chỉ vì cách chưng diện và những lời đối thoại. Có một điều gì đó làm cho em cảm thấy thú vị vô cùng khi một tay ăn chơi nghĩ em cũng là gái điếm. Hắn đứng lên bước qua bàn em xin được làm quen. Hắn nói những điều gì đó nhiều lắm, nhưng em không trả lời. Em chỉ nhìn hắn và cười thôi. Em cười là vì em tội nghiệp cho hắn quá. Hắn sẽ không bao giờ hiểu được tại sao một con điếm đẹp đi ăn một mình như thể đang đi kiếm khách, vậy mà lại dửng dưng từ chối trả lời những câu hỏi của hắn. Thế rồi sau đó hình như em loáng thoáng nghe như hắn nói hắn mới từ ngoại quốc trở về thăm quê hương. Và, em nghe như hắn nói hắn đang sinh sống ở Hòa Lan nữa. Gương mặt, lời nói và thái độ của hắn làm cho em tự tin và nghĩ rằng, hắn thành thật muốn quen em. Em cho hắn số điện thoại cầm tay và hắn trở về lại bàn với hai cô gái điếm của hắn. Hắn kín đáo trả năm đô la Mỹ cho bữa ăn tối của em.

Nếu quả hắn là Việt Kiều thật thì, em cũng nên quen thử xem hắn xử sự ra sao. Còn nếu không phải thì cũng không sao cả, vì em đã có mất mát gì đâu mà phải sợ chứ, phải không ông? Nếu hắn là Việt Kiều thì cách ăn mặc như thế cũng có thể thông cảm được chứ phải không ông?”

“Đúng vậy em à, Việt kiều trẻ ăn mặc như thế nào nhìn cũng… xem được. Rồi… em và anh Việt kiều đó diễn tiến ra sao?”

“Ngày hôm sau hắn điện thoại xin được gặp em tại một nhà hàng sang trọng. Hắn đến trước giờ hẹn để đón em. Em nhìn ngay mặt người đang đứng trước mặt em và tự hỏi: Đây là người, là hắn của đêm hôm qua đã đi ăn với hai cô gái điếm đây sao?

Ba người đàn ông trong nước đã “giúp” em biết ăn, biết nói và, đã cho em thấy quan tài nên em biết như thế nào rồi. Nhưng, với hắn em quyết tâm sẽ không để mình phải học thêm một bài học gì ở nơi hắn cả. Khi ăn món khai vị vừa xong, hắn nói ngày mai hắn sẽ trở về lại Hòa Lan. Em nghĩ, câu kế tiếp hắn sẽ rủ em đi khách sạn đồng thời với những lời hứa hẹn sẽ… đưa em lên mây. Trong khi chờ món ăn chính đưa ra, hắn đưa cho em một phong bì và nói: “Trong phong bì này có địa chỉ của anh và năm trăm euro. Nếu em muốn gặp lại anh và quen anh… lâu dài thì em mua vé máy bay qua thăm anh, rồi anh sẽ hoàn tiền vé lại cho em. Bằng ngược lại... buổi gặp hôm nay sẽ là kỷ niệm… đẹp cho anh.”

Có tiếng hát của người phụ nữ vừa cất lên bản dân ca với tiếng đệm đàn piano. Nhà hàng không lớn lắm nhưng cũng theo phong trào “hát cho nhau nghe.” Em không nói gì và chờ đợi. Đây là lần đầu em ngồi ăn uống với Việt kiều. Những mất mát và thua thiệt trong đời sống hôn nhân của em, thật khó mà chịu đựng nổi nếu như em không thử trắc nghiệm với một người đang sống ở nước ngoài, mà, theo những gì em được biết thì những người này về đây chỉ là để hưởng thụ. Hưởng thụ vật chất và, hưởng thụ thân xác người phụ nữ. Những sự phòng ngừa cho bản thân tuy cũng rất cần thiết nhưng không quan trọng, vì bản thân em đã có kinh nghiệm qua ba lần dang dở.

Chương trình nhạc mới bắt đầu nên hắn kêu thêm rượu. Người hầu bàn đem ra cho em dĩa tôm. Tôm tươi được ướp gia vị thật tuyệt ngon. Hắn chỉ ăn rau trộn và nói sợ bị mập. Em vừa ăn vừa quan sát hắn. Hắn ngồi đó, thản nhiên nhìn về phía sân khấu mà không tỏ thái độ nào. Chính điều này khiến em bỗng nhiên có đôi chút cảm tình với hắn. Em đẩy dĩa tôm đến truớc mặt hắn. “Tôm ngon quá. Anh ăn một chút với em cho vui.”

Hắn là người trầm tĩnh, dễ thương và vui tính. Hắn nói hắn đem về Việt Nam rất ít tiền nên chỉ đưa được cho em ngần ấy thôi. Em không nói nhiều mà chỉ nghe. Em sợ rồi em sẽ hỏi hắn, thế mà anh cũng cần phải có đến hai cô gái điếm ngồi bên anh sao? Như  vậy không phải anh nghĩ em chỉ đáng giá năm trăm euro hay sao?  Mắt hắn nhìn em chằm chằm nhưng không phải cái nhìn thèm  muốn.

Em và hắn từ giã tại ngay nhà hàng đó. Và, em hứa sẽ liên lạc lại với hắn khi nào em quyết định đi Hòa Lan. Hơn tháng sau em thu xếp công việc rồi báo tin cho hắn biết em sẽ qua Hòa Lan. Qua điện thoại em cũng nói thẳng cho hắn biết, em qua Hòa Lan là để cho biết cuộc sống của hắn như thế nào. Hắn vui vẻ nói: “Rất mong chờ đón em.”

 

Phi trường Schiphol Amsterdam của Vương quốc Hòa Lan sáng hôm đó có nhiều nắng, nhưng nhiệt độ chỉ mười bảy độ C nên em cảm thấy lạnh vô cùng.

Anh ấy ăn mặc thật đẹp, miệng cười thật tươi, đón em ngay cổng ra và trao cho em bó hoa thật đẹp. Anh hỏi: “Em đi máy bay có bị mệt lắm không? Anh vui mừng chào đón em đến thăm anh và thăm đất nước này.”

Em nói thật:

“Cám ơn anh đã cho em bó hoa thật đẹp. Em… ngồi quá lâu trên máy bay nên cũng có hơi... ê mông, nhưng em không mệt. Anh à. Vì đi gấp quá nên em không kịp mua quà tặng anh làm kỷ niệm. Vả lại… em chỉ mang theo mình được hơn năm mươi đô Mỹ thôi. Em chưa biết...”

Hắn nghe em nói như vậy thì lộ vẻ mặt sửng sốt thật sự. Hắn nói: “Em nói gì mà lạ vậy. Anh mời em tất nhiên là anh phải lo cho em. Nói theo như bên Việt Nam mình là lo cho em từ A đến Z. Em yên tâm đi. Bây giờ mình ra xe rồi về nhà nghỉ hay em muốn đi ăn...”

Câu nói của hắn làm em thật sự xúc động. Em nói: “Trên máy bay họ cho ăn nhiều quá rồi anh à. Em no quá. Về nhà trước để xem cái tổ ấm của anh ra sao đã.”

Hắn nhìn em và cười thật hiền: “Anh... Anh chỉ có tấm lòng chân thật và trái tim để yêu một mình em thôi, ngoài ra anh không có gì cả.”

Hắn đưa em đi lấy xe rồi chạy thẳng một mạch về nhà.”

“Chuyện em đem theo chỉ có năm mươi đô Mỹ… là thật?”

“Dạ thưa ông, đó là sự thật. Việt Kiều thì cũng có nhiều thành phần chứ không phải ai ở nước ngoài thì đều giống nhau cả. Hắn... Anh ấy và em quen biết nhau chưa được bao ngày nên cũng cần nhiều thử thách lắm. Em tin anh ấy muốn quen em thật nên em không sợ khi chỉ mang theo người có ngần ấy tiền. Ông nghe em kể về người đàn ông Việt Kiều Hòa Lan của em đến đây, có lẽ ông sẽ nghĩ, đây là anh chàng có đầy ắp tiền trong tủ sắt hoặc trong ngân hàng mặc sức mà lấy ra tiêu xài, muốn tiêu xài bao nhiêu thì tiêu, phải vậy không thưa ông? Hoàn toàn khác hết ông ạ. Anh ấy cũng có chiếc xe bốn chỗ ngồi để đi làm. Anh ấy cũng có căn nhà mới mua nhưng còn phải còng lưng ra trả đến mấy chục năm nữa mới xong. Trong nhà thì trống trơn không có đến một vật gì gọi là đáng giá gọi là cho ra hồn ra vía gì cả. Sàn nhà lót cây thì mới lót chưa được đến phân nửa đành phải ngưng lại vì hết tiền. Máy giặt thì cũ rích. Máy xấy quần áo thì... đang còn ở ngoài tiệm đợi chừng nào có tiền sẽ đem về. Cũng may là còn có cái giường nệm cũ chứ không thì... Đó! Đó là những hình ảnh thê thảm của ngày đầu em bước chân vô căn nhà của một người Việt Kiều. Và, đúng như anh ấy đã nói với em ngoài phi trường, “Anh chỉ có tấm lòng chân thật và con tim dành để yêu một mình em thôi. Ngoài ra anh chẳng có thứ gì khác.”

Trong những ngày ở bên nhau, em rất cảm phục tư cách của anh ấy. Em rất cảm động về cách đối xử của anh ấy. Đúng như nhiều người phụ nữ ở trong nước đã nói với nhau là, đàn ông Việt Nam sống ở ngoại quốc biết thương yêu chiều chuộng và tôn trọng người phụ nữ, dù đó là người phụ nữ ở bất cứ quốc gia nào. Cho đến ngày cuối cùng ở Hoà Lan em vẫn chưa trả lời dứt khoát là sẽ về chung sống với anh ấy. Em như con chim đã bị thương nhiều lần nên chỉ cần một vật gì đó đưa ra trước mặt, dù vật đó là cành hoa thật đẹp cũng làm cho em hoảng sợ. Sau một tuần. Em chia tay anh ấy để về lại Việt Nam. Em xin anh ấy hãy cho em một thời gian để suy nghĩ. Và, hai tháng sau anh ấy và em tổ chức đám cưới thật lớn tại nhà hàng Caravelle Sàigòn với sự có mặt đông đủ của gia đình và bạn bè của anh ấy. Bên đàn gái chỉ có dì của em hiện diện thôi.

 

**

 

Khi về ở hẳn với anh ấy, em mới thấy anh ấy nói đúng. Anh là người chì có trái tim để yêu mình em thôi chứ anh ấy chẳng có gì cả. Về sống với anh ấy đuợc hai tuần, em nhận ra, anh ấy chỉ có hai bộ quần áo đẹp để mặc trong những dịp như… gặp em lần đầu tại bữa ăn trong nhà hàng có nhạc sống. Quần áo làm đám cưới anh ấy mướn. Để có tiền sửa nhà và đi Việt Nam, anh ấy đã làm đám cưới giả với cô gái nước nào đó đang sống bất hợp pháp ở Hòa Lan. Anh ấy không có tiền mà lại còn có một cái tính xấu rất lớn. Tính ba hoa. Tính hay nổ. Anh thường khoe khoang những điều không có thật mà nhiều khi em phải thẹn đến đỏ mặt. Anh ấy học hành chưa đến đâu, thế mà anh ấy lại nổ từng được một nhà băng lớn mướn làm một dự án, một công trình gì đó rất quan trọng.

Em không ngờ một cô gái khá xinh đẹp như em lại cứ phải luôn gặp những người đàn ông… kỳ quái. Nhưng, anh ấy khác những người đàn ông trước kia của em là vì anh thương yêu em thật sự… thế thôi. Lúc này em mới chợt nhớ đến lời của vị thầy bói năm nào nên em chỉ biết thở dài chấp nhận vì phần số của mình đã định như vậy rồi. Nếu em muốn thay đổi thì người kế tiếp không chừng sẽ còn tệ hại hơn. Em phải tìm cách để từ từ sửa đổi anh ấy. Và, em tin em sẽ sửa đổi được anh để anh trở thành người ăn ngay nói thật. Anh ấy phải làm ăn thật sự chứ không phải chỉ trong trí tưởng tượng. Đầu tiên em mở một cửa tiệm để buôn bán đồ trang sức phụ nữ bằng đá quý. Em chọn được một cửa hàng khá rộng rãi ở bãi biển du lịch nổi tiếng. Anh ấy sẽ trông coi cửa hàng và tiếp khách. Còn em, em sẽ đi đến các quốc gia trong vùng Châu Á để tìm mua hàng. Công việc mới bắt đầu nhưng lại khá suôn sẻ nên … em về lại đây để hoàn tất hồ sơ chuyển qua sinh sống luôn với anh ấy.”

“Em sẽ nhận giấy tờ ngay ngày hôm nay. Thế… khi nào thì em lên đường?”

“Dạ, khoảng mười ngày cho đến hai tuần.”

“Tôi… tôi cũng mừng cho em. Quả thật người phụ nữ Việt Nam từ bao đời rồi vẫn luôn chịu nhiều những thiệt thòi.”

“Theo em, người phụ nữ Việt Nam mãi mãi vẫn là người biết thương yêu chồng con và lo gìn giữ hạnh phúc gia đình luôn được  bền chắc. Nếu có thay đổi tính nết là do ở người đàn ông Việt  Nam quá khinh thường người phụ nữ mà ra. Dù không tiền nhưng  vẫn thích đàn đúm ăn nhậu. Rượu là một trong những nguyên  nhân làm gãy đỗ hạnh phúc, làm tan nát mái ấm gia đình, làm  chia ly tan vỡ những mối tình đẹp và thơ mộng, và, làm mất phẩm  cách. Xã hội Việt Nam với sự giáo dục đã xuống cấp nên đạo đức  cũng đã suy đồi trầm trọng đến khó mà một sớm một chiều vực  dậy được.

Ngày nào người đàn ông Việt Nam ở trong nước nhận biết được sự tai hại của rượu, biết giữ gìn đạo đức và phẩm cách, biết quý trọng người phụ nữ, biết chu toàn bổn phận của người chồng người cha trong gia đình… thì chừng đó người phụ nữ Việt Nam mới thật sự chấm dứt cảnh bỏ xứ Việt đến sinh sống nơi xứ lạ.”

“Em vừa nói rượu là một trong những nguyên nhân làm gãy đỗ hạnh phúc gia đình.Vậy những nguyên nhân khác nữa là gì?”

“Dạ, nhà cầm quyền này đã sai lầm khi đàn áp mọi tôn giáo và khủng bố những con chiên, những thiện nam tín nữ để mong mọi người từ bỏ đạo và trở thành người vô thần. Nhà cầm quyền này đang ra sức cố phá bỏ những nơi thờ phượng. Nhưng, một khi con người đã không còn niềm tin ở tôn giáo thì con người sẽ dễ dàng làm việc ác, thường xuyên phạm vào tội ác mà không hề lo sợ bị trừng phạt bởi Thượng Đế. Ông còn làm việc ở đây lâu và ông sẽ được dịp chứng kiến mỗi ngày con người gây ra những tội ác man rợ không khác gì thời loài người còn ăn lông ở lỗ. Nhà cầm quyền này thường có những hành động lỗ mãng đối với các viên chức của các chính phủ mà họ có bang giao. Nói theo cố nhà văn Duyên Anh thì, “Họ lập đi lập lại những giáo điều khốn kiếp của chủ nghĩa và mệnh lệnh đê tiện của lãnh tụ. Giống hệt phát xít, người mác xít mắc chứng nan y. Đó là ung thư óc. Ung thư óc biến họ thành con người tự tôn sùng mình một cách buồn cười. Với họ, cộng sản là quê hương của loài người, chủ nghĩa của họ bách chiến bách thắng, giai cấp của họ siêu việt. Khi họ nhân danh chủ nghĩa phát biểu một cái gì, cho một quyền lợi nào, ở bất cứ đâu, họ đều vinh danh cái tuyệt đối đúng của họ và xác định nó là chân lý. Mọi bất đồng, mọi phản kháng bị chụp mũ chống đối, bị chụp mũ phản động. Nói về giai cấp vô sản, lãnh tụ luôn luôn ngậm nước hoa phun vào giai cấp của mình từ tóc xuống đến móng chân. Nhưng, khi phê bình giai cấp đối kháng, nhất là giai cấp tiểu tư sản, thì họ cũng thừa khả năng ngậm nước cầu tiêu để vấy nhơ, để bôi nhục.”

“Em tin lời vị thầy bói năm nào đã nói với em nên kiếp này em phải bị nhiều điều trái ngang. Kiếp sau em vẫn muốn làm người Việt Nam. Khi đó chắc chắn cái đảng cộng sản này đã bị tận diệt từ lâu lắm rồi… phải không ông?”

Ông nhoẻn miệng cười nhưng không phát ra thành tiếng. Ông nói:

“Qua câu chuyện của em, nếu chúng ta tin vào kiếp luân hồì là có thật thì… cũng vì kiếp trước em đã làm khổ đàn ông nhiều nên kiếp này em phải trả… đúng như vị thầy bói nào đó đã xem cho em. Tôi chưa thấy người phụ nữ nào được may mắn gặp toàn những người có ăn học và có bằng cấp cao… Thế mà. Tôi chúc em nhiều may mắn và được hạnh phúc với người thứ tư này. Thỉnh thoảng nếu em có trở về thăm lại quê hưong thì… đến đây thăm tôi nhé.”

 

Tôi bắt tay ông từ giã với sự xúc động. Lần đầu tiên tôi gặp và nói chuyện thoải mái với người cán bộ cộng sản thật cởi mở. Phải chi quê hương Việt Nam của tôi toàn những viên cán bộ như ông Chi Cục Trưởng này thì… Ngoài đường vẫn còn nắng nhưng không nóng. Người qua lại trên đường phố vẫn đông đúc mà người nào mặt cũng tươi vui như thể họ đang mừng cho tôi, một người phụ nữ mà chiều nay đã nói ra được cái đau khổ mà phần đông những người phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng từ bao đời qua vì những thói hư tật xấu của những người đàn ông Việt.

 

Trời Saigon buổi chiều nay sao tôi thấy đẹp quá. Đẹp vô cùng./.

 

Topa (Hòa Lan)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 16921)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 18779)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13295)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 15869)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 14960)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15128)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.
13 Tháng Tám 20204:54 CH(Xem: 16732)
Còn hơn một tuần nữa là bắt đầu công việc mới ở một bệnh viện khác, Na tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ở Hawaii. Lúc mua vé không để ý, Na phải ngồi cạnh lối thoát hiểm nên không có cửa sổ nhìn ra ngắm cảnh. Cạnh Na là một chàng người Mỹ tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng vẻ tầm thước, mắt nâu hạt dẻ trông rất hiền, đang lặng lẽ coi phim tài liệu về thiên nhiên bằng iPad. Na cảm thấy buồn chán nên đợi lúc người ta phát đồ ăn, Na đánh bạo hỏi “mắt nâu” làm sao mà có phim coi, anh ấy bảo phải tải app của hãng hàng không về thì mới coi được phim của họ mà không cần wifi. Giờ phi cơ đang bay nên phải chờ khi có internet kết nối thì mới tải được. Thôi vậy, Na đành đọc báo và ngủ suốt chuyến bay.
17 Tháng Năm 20206:43 CH(Xem: 16695)
Quang “bản phủ”, vốn là chánh án ở Toà án nhân dân huyện. Nhưng hình dáng bên ngoài, giống y như nhân vật Bao Thanh Thiên bên tàu trong bộ phim truyền hình nhiều tập chiếu trên đài. Tối hôm trước xem phim, sáng hôm sau đến toà, từ bị can, đương sự đến nhân viên, thư ký toà…giật mình thon thót, nhìn lên ghế chánh án, cứ như thấy ông Bao Chửng ngồi trên thật. Cũng tai to mặt lớn đen sì.
23 Tháng Tư 20207:45 CH(Xem: 15592)
Cách đây ba tuần, khi con vi khuẩn độc ác xâm nhập, tấn công ồ ạt vào lãnh thổ Hoa kỳ, lúc ấy mọi người đã bắt đầu thức tỉnh lo sợ trước một cuộc chiến vô cùng gian nan, một mất một còn với kẻ thù vô hình có sức mạnh tấn công tiêu diệt hàng loạt sinh mạng con người mà loài người vẫn chưa có vũ khí chống lại chúng. Chúng không biết phân biệt già, trẻ, lớn bé hay người ấy là ai, nếu không may đến gần chúng, đụng phải chúng, coi như chúng đã chiếm đoạt cái số phận của người ấy, quyết định sống hay chết là do sự chống trả của một có thể cố gắng đánh bại chúng.
13 Tháng Tư 202011:23 CH(Xem: 17274)
Thế là từ hôm ấy trở đi, trên tất cả các phương tiện truyền thông nước nhà đều dành chỗ, dành thời lượng để tôn vinh ngài Kê. Kiểu như: “Cuộc đời ngài Kê”, “Chuyện ngài Kê”, “Ngài Kê liệt truyện”, “Tấm gương Giáo sư Kê”, “Huyền thoại Kê vàng” vân vân và vân vân. Thôi thì trăm hoa đua sắc, trăm nhà đua nở. Thơ ca nhạc họa, truyện ngắn tiểu thuyết bút ký trường thiên dài kỳ các kiểu. Thậm chí bên bộ dục còn phát động cuộc thi kể chuyện về ngài Kê trong học sinh các cấp, rầm rộ. Có con bé học trò lớp ba mãi trên Mù Căng Chải chưa xuống núi lần nào được giải nhất. Nó kể về công đức ngài Kê với các đồng bào mèo mán lô lô trên quê nó cực hay, nức nở. Hay đến nỗi ngài Kê hôm ấy mở ti vi xem cũng rơi nước mắt.