Đêm thị trấn đã tới lúc tĩnh lặng.
Những tiếng trao đổi khẽ khàng bằng tiếng Mông, tiếng Dao ở hành lang khách sạn hình như càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng của cao nguyên. Khi những người bán hàng rong cuối cùng tìm chỗ ngủ qua đêm, cũng là lúc hắn chậm rãi tháo cục ắc quy vừa xạc xong, lắp vào máy quay, bật chế độ quay hồng ngoại rồi bước ra ngoài cửa phòng khách sạn, thận trọng bước qua những người dân tộc ngồi nằm ngổn ngang. Hắn tìm quanh quẩn một cách vô thức, mặc dù hắn biết rõ không thể tìm thấy người mà hắn muốn tìm ở quanh khách sạn này...
Đường phố Sapa chìm trong thứ ánh sáng mờ ảo của đèn cao áp lẫn sương mù. Thỉnh thoảng có một hai khách du lịch trở về khách sạn, hoặc một đôi nam nữ Dao đỏ đứng tự tình bên gốc cây. Khí lạnh từ trên đỉnh Fanxipan tràn về thung lũng từng đợt. Hắn hơi co ro, khép chặt lại cổ áo. Hắn đi, lúc thì như người mộng du, lúc thì ra người như cố ý tìm kiếm một ai đó.
Đã hơn hai ngày nay, cô bé ấy cố tình lẩn trốn hắn... Sương trắng chơi vơi để lộ ra những vùng tối mịt hun hút như các lỗ đen trên thiên hà.
Đêm nay cháu ở đâu, bé Siu?
Đây là lần thứ hai hắn có mặt ở Sapa để thực hiện một bộ phim về du lịch. Lần trước hắn chúi mũi vào quay tư liệu, hỏi han, ghi chép. Hắn không có phút rỗi rãi để thưởng thức cảnh đẹp, để thư giãn, nghỉ ngơi như mọi khách du lịch. Bù lại, hắn được các ấn tượng mới mẻ tràn ngập hắn. Hắn vốn không lạ gì cuộc sống của người Mông, người Dao, người Thái vùng Tây Bắc - nơi hắn từng gắn bó gần hết tuổi trẻ với nghề dạy học. Nhưng đây là cuộc sống đồng bào dân tộc ở một vùng du lịch nổi tiếng! Hắn đã thu góp được những tư liệu xác thực, những hình ảnh đẹp, những ý tưởng lý thú cho một bộ phim mà hắn tự an ủi: đây không chỉ là một bộ phim làm theo đơn đặt hàng, mà còn là một bộ phim của riêng hắn. Và mặc dù chưa có dịp được làm khách du lịch Sapa nhưng hắn sẽ là người hạnh phúc hơn tất cả những du khách của Sapa! Lần này, sau mấy tháng, trở lại Sapa để thu nhập những tư liệu hình ảnh còn thiếu, hắn đã có đủ tự tin.
Nhưng hắn đã bị hụt hẫng, hoang mang, ngay khi xe hợp đồng du lịch hắn đi nhờ dừng lại trước một khách sạn, chứ không phải ở bến xe khách như lần trước. Cả một đám đông bu lại quanh cửa xe. Lớp đầu tiên là những nhân viên nhà hàng khách sạn sấn xổ đưa cácvidít, lớp thứ hai là những phụ nữ dân tộc tay ôm những xấp vải thổ cẩm nặng trĩu chen chúc nhau, lớp thứ ba là những cô bé dân tộc cũng cầm đồ thổ cẩm đang đùn đẩy, giành giật nhau để tiếp cận đối tượng. Và giữa cái đám đông đủ lứa tuổi, đủ loại sắc tộc quần áo đang nháo nhác kêu gọi mời chào bằng tiếng dân tộc, tiếng Kinh lơ lớ, tiếng Anh giả cầy lẫn tiếng Anh khá chuẩn kia, hắn phát hiện ra một cô bé khoảng bảy tuổi, cũng chính bởi sự rụt rè và bé bỏng của em. Em bị lọt thỏm giữa đám người đang sôi sục lên. Thoạt tiên, em có vẻ hoảng sợ. Nhưng sau đó, ánh mắt em ngời sáng một niềm quyết tâm cao độ. Em cũng cố chen chúc với đám con gái lớn tuổi hơn để có thể luồn sâu vào vòng trong. Nhưng rồi em bị gạt bắn ra phía ngoài cùng. Em đứng nhìn, mặt xịu xuống như vừa bị mắng oan.
Hắn cố lách nhanh ra phía ngoài đám đông, tới gần em bé, không để ý tới những lời chèo kéo và những đồ vật nhiều màu đang bay lượn tứ phía... Đôi bàn tay còn thấp thoáng vết chàm xanh lét đang giữ chắc mấy sợi thổ cẩm và mấy vòng tay giả bạc hạ xuống trước bụng- nơi đeo lủng lẳng túi đựng đồ lép kẹp bằng vải chàm. Thấy hắn đến gần, em bé thảng thốt trước dịp may, em giơ hai bàn tay cầm đồ lên, ngước đôi mắt cầu khẩn. Em làm điều đó như một thứ bản năng, một thói quen, và thốt lên một câu tiếng Anh ngọng nghịu chưa kịp trở thành thói quen: “Please”.
Hắn kín đáo ra hiệu cho em bé đi theo mình ra chỗ khác. “Cháu mấy tuổi ?”. “Bảy tuổi”. “Cháu tên gì?”. “Siu”. “Nhà cháu ở đâu?”. “Xa lắm”... Cứ thế, em cộc lốc trả lời hắn. Và tình bạn giữa hắn và em bé bắt đầu từ đó. Không hẳn vì hắn đã mua cho em những hai sợi thổ cẩm để em buộc cả hai cổ tay hắn, hay vì mấy cái bánh mỳ ngọt bọc giấy bóng- suất ăn đêm trên toa tàu nằm Hà Nội - Lào Cai hôm trước mà hắn tiện tay quơ theo để phòng bị... Dường như, có một nỗi xót xa dịu dàng nào đó ở hắn khiến em bé tin cậy. Hắn những muốn kể cho em nghe chuyện những em bé dân tộc nhặt từng cánh hoa ban rụng đem về nấu cho cả nhà ăn ngày giáp hạt, chuyện những lán cỏ canh nương để mấy em bé chui ra chui vào như những con thú nhỏ, chuyện con gái hắn đòi mua thêm một đôi giày để làm phong phú thêm cho bộ sưu tập giày dép tuy còn mới nhưng lạc mốt và hắn đã chiếu lên cái đoạn băng về một lớp học vùng cao mùa rét trống huyếch cả tường lẫn mái, mười lăm bộ quần áo chàm phong phanh và mười lăm đôi bàn chân đất nứt nẻ...
Nhưng hẵng cứ từ từ, em bé còn chưa sõi tiếng phổ thông. Thật ra, hắn cũng tỉnh táo đề phòng bởi một kinh nghiệm cay đắng của lần đi trước: hắn đề nghị một cô bé gái trạc 13 tuổi thổi kèn lá đồng để hắn quay phim, cô bé đã mặc cả thẳng thừng: “Xong rồi, ông mua cho tôi chứ ?” Hắn đã phải mua chiếc kèn lá đồng ấy với giá đắt gấp bốn lần trong chợ Sapa. Chưa hết, cô bé còn kỳ kèo đòi hắn mua áo thổ cẩm, không được, đòi mua cho một gói kẹo bán dọc đường, thoả mãn rồi thì cười nhạo hắn với một câu chào điệu nghệ “Good bye!”
Nhưng với bé Siu, hắn đã nhanh chóng hiểu rằng em chưa bị nhiễm thói “chợ búa” của những cô bé lớn tuổi hơn đã bắt đầu có sự táo tợn gần đến độ trâng tráo... Như một thứ giao ước ngầm, cứ chiều tối, hắn lại ra phía nhà thờ để tìm gặp bé Siu. Mấy ngày qua, tình thân mật giữa hắn và bé Siu mỗi lúc một tăng thêm. Tới lúc, khi hắn dắt em đến những gánh hàng hoa quả, bánh kẹo, em đã biết lắc đầu từ chối thứ này và chỉ tay vào thứ khác mà em thích. Em kể mỗi ngày em bán được trung bình mười lăm nghìn đồng, trừ đi bốn nghìn cho hai bữa cơm bụi. Hắn đã quay chộp được quán cơm bụi dưới mức bình dân ấy. Nhờ giời, những người đàn bà và trẻ con bán rong may mắn có được một quán cơm của riêng mình, giá một suất chỉ bằng một phần tư lon Coca. Em cũng chỉ cho hắn chỗ em hay ngủ qua đêm: một cái hiên của chợ Sapa... Một lần, hắn bắt gặp em đứng lặng trước gian hàng đồ chơi gần nhà thờ. Những con rối, những con búp bê gỗ đủ hình dáng màu sắc làm em mê mẩn. Em ở cái tuổi mà trẻ gái bắt đầu thích chơi búp bê hơn mọi thứ đồ chơi khác! Ống kính máy quay của hắn di chuyển tới gần và đột ngột xoay trực diện mặt em, em mới giật mình. Rồi cười ngượng nghịu. Hắn giơ con búp bê kiểu Nga Matriốtka lên, mở bụng từng lớp ra. Em cười tít mắt. Nhưng khi hắn dúi vào tay em: “Chú mua cho cháu đấy”, thì em rụt tay lại tựa phải bỏng. Hắn ngạc nhiên “Sao vậy?”. Em chỉ bặm môi lại. Gặng hỏi mấy lần, em mới thốt lên vẻ hốt hoảng: “Đắt lắm đấy”. Hắn chợt vỡ lẽ. Hẳn không ít lần, giống như nhiều trẻ gái ở Sapa, quên hẳn mớ hàng đồ chơi thủ công rẻ tiền mình đang có, em đứng trước gian hàng búp bê công nghiệp sang trọng để mơ ước... Sáng nay, trên khu du lịch Hàm Rồng, hắn đến gần một chiếc đu xinh xắn, trẻ con du lịch đang tươi cười ngồi đu cho bố mẹ chúng chụp ảnh. Những chiếc đu ở một nơi đẹp như chốn bồng lai kia đâu đã phải để dành cho những cô bé cậu bé như em! Đôi chân hắn lê từng bước trên hàng trăm bậc đá diễm lệ.
Lần trước tới đây, hắn đã mê mải quay những giọt sương sớm đọng trên lá sa mu, trên những cánh hoa lan, hoa sương rồng và liên tưởng chúng với một truyền thuyết vùng cao Sapa. Bộ phim du lịch của hắn không thiếu những chi tiết long lanh quyến rũ như thế... Hắn đã thoáng hy vọng nhìn thấy bé Siu đi cùng những người dân tộc ôm đồ thổ cẩm trong dòng người hớn hở kia. Thỉnh thoảng cũng có vài em bé gái dân tộc cỡ tuổi Siu hoặc nhỏ hơn, nhưng là đi theo mẹ để tập dượt cái công cuộc thuyết phục túi tiền của khách du lịch!... Chính lúc đó, hắn trĩu xuống trong một nỗi ân hận. Quả là có đôi lần hắn phản ứng bực dọc vô lý với bé Siu. Đang đi với hắn, nhìn thấy một khách du lịch sang trọng, nhất là khách Tây thì em bỏ hắn, chạy vụt đến, cố nở một nụ cười dễ thương, bập bẹ vài câu tiếng Anh học lỏm, giơ đồ lưu niệm lên một cách kiên nhẫn. Mặt hắn sa sầm, hắn hùng hổ bước tới kéo tay em đi, trước những con mắt ngạc nhiên. Em chống cự một cách yếu ớt rồi lại cun cút đi theo hắn. Nhưng hắn dã làm gì vậy? Hắn có quyền gì? Hắn bực bội với chính hắn... Vài lần hắn đi qua cái Gallery ở phố chính, hắn nhìn vào ngắm những bức tranh, cái thì siêu thực lập thể, cái thì ra mặt “sú-vơ-nia”. Có mấy bức chân dung sơn mài, sơn dầu loại chân chỉ dễ nhìn, vẽ những cô gái nhỏ. Hắn có cảm tưởng anh họa sĩ trẻ này, con ông chủ Gallery Sapa đã chọn chính bé Siu làm mẫu. Đêm nay hắn chợt nhớ đến một bức chân dung vẽ theo lối ấn tượng hậu hiện đại ở Gallery ấy. Gương mặt một cô bé dân tộc được tút-tát những mảng sơn dầu tối sẫm bằng những vệt panh-xô lớn. Loại tranh nào diễn tả đúng thực chất của bé Siu và chúng bạn của em đây ?...
Hắn cứ miên man với những ý nghĩ quái đản khi xục xạo vô vọng tìm kiếm ở khắp các hẻm tối, nơi có những người dân tộc đang ngủ li bì sau một ngày làm việc và hát hò... Anh chàng họa sĩ kia, nhờ khai thác mảng dân tộc độc đáo, tìm tòi bút pháp lạ, chịu khó vẽ lại có “đầu ra” tại một khu du lịch có tiếng, đã bán được khá nhiều tranh, lại được in vựng tập trong nước và nước ngoài, cũng đoạt vài giải thưởng mỹ thuật châu Á. Thực là một quy trình khép kín, đáng vì nể, đáng được giới nghệ sĩ, giới lý luận lẫn giới kinh doanh văn hóa nghệ thuật phải nghiên cứu học hỏi. Và nền văn hóa đặc sắc của họ cũng đã được trân trọng đưa vào các khu bảo tàng. Trên cổng trời Hàm Rồng Sapa chẳng đã có một khu bảo tàng văn hóa dân tộc như thế là gì! Hắn chợt nảy ra một ước muốn: rồi đây, cả những hàng lưu niệm rẻ tiền và nhỏ xíu nọ cũng sẽ được bày trong một tủ kính sang trọng- như một vật chứng về cuộc vật lộn mưu sinh thấm mồ hôi nước mắt của những em bé gái Sapa!
Chiều hôm đó, hắn đã thuyết phục được bé Siu đưa về thăm nhà em. Một chiếc xe Minkh chở hai chú cháu trên con đường lởm khởm những đá cuội, đá núi dài gần chục cây số. Một bên là vực thẳm, một bên là núi đá dựng đứng. Tay lái của anh thanh niên người Mông thật cừ khôi, nhưng cũng khiến hắn nhiều lúc hoảng hồn. Tới một chỗ có hẻm xuống vực, anh xe ôm dừng lại, bảo sẽ đợi. Hắn đi sau bé Siu, theo một lối mòn xói lở vì mưa lũ, đá ngổn ngang. Hắn giơ máy quay để ghi lại lúc thì bước chân thoăn thoắt, lúc là cái dáng bé nhỏ giữa núi rừng. Đây là con đường em vẫn đi bộ để ra thị trấn Sapa từ lúc gà chưa gáy. Em đi về nhà mình như chim sổ lồng, không giống những lúc thẹn thò hay vờ bạo dạn trước những vị khách nước ngoài to vật như hòn núi. Sau những đoạn dốc toàn đá là đá, làng Mông hiện ra, và đến những đoạn ngập bùn, ngập phân trâu ngựa. Bé Siu có vẻ vui lắm, vì đã mấy hôm không về. Tiền đâu mà đi xe ôm và mua quà cho các em! Hắn lặng đi trước sự hớn hở của bé Siu lúc chia quà cho hai đứa gái nhỏ lít nhít chạy theo chị và cho đứa em tí hỏn trên tay mẹ. Người mẹ trẻ cười với hắn bằng khuôn mặt đã bắt đầu héo úa vì công việc nặng nhọc và sinh nở. Còn ông bố trò chuyện với hắn bên bếp lửa phải nhờ đến bé Siu phiên dịch thêm. Ngôi nhà đơn sơ và ấm cúng của người Mông bỗng tràn ngập tình thương mến với cuộc trở về chốc lát của bé Siu! Dù chỉ có nửa giờ đồng hồ, mẹ em cũng không bỏ qua việc dạy dỗ con gái trở thành một phụ nữ Mông đích thực: chị đã bắt con phải luyện mấy đường thêu trên thổ cẩm... Tới giờ lên đường, người mẹ nhét thêm vào túi dết của con gái những hàng hoá nhỏ đủ một cơ số để bán trong vài ngày tới. Rồi hắn và bé Siu lại vội vã ra đi. Hắn nhìn lại ngôi nhà Mông truyền thống bằng tre nứa, chỉ có mái phibrô ximăng là hiện đại, và chúng kết hợp với nhau để tôn thêm cái nghèo của một gia đình đông con, sinh sống trông vào mấy mảnh ruộng bậc thang, vài nương ngô sắn cheo leo...
Tối mịt, hắn và bé Siu mới có mặt ở thị trấn. Không như mọi lần, em từ chối hoặc chạy trốn mỗi khi hắn dắt tay em bước qua ngưỡng cửa nhà hàng, lần này em ngoan ngoãn theo hắn vào ngồi ở một bàn ăn có thắp nến. Hắn để em ngồi đối diện. Khách Tây, khách ta và các nhân viên phục vụ trố mắt lên nhìn. Em ngồi lúng túng, nhưng khi bắt đầu uống lon Coca bằng ống hút, em tự nhiên hơn. Em ăn một cách chăm chú, từ tốn, mút kỹ từng chân xương cá, ăn tới đâu gọn tới đó trên đĩa cho tới khi gần hết con cá sốt. Hắn có dịp quan sát kỹ hơn đôi bàn tay nhỏ có những móng cáu bẩn, những vết nhuộm chàm như máu tụ sắp tan, mái tóc bết nhiều ngày không gội chải. Bỗng có tiếng huýt sáo, em quay ngoắt lại. Ngoài cửa là một tốp thiếu nữ dân tộc tuổi từ 13 đến 16 đứng nhìn vào chằm chằm, vẻ vừa chế giễu vừa đe dọa. Bé Siu xấu hổ, cúi gằm mặt. Bất giác, em vùng đứng dậy, chạy vọt ra ngoài, tay vẫn đang cầm lon Coca. Một đứa con gái ra dáng đàn chị nhất chìa tay ra, chủ động cầm lấy lon Coca dở, hớp một hơi rồi đưa cho những đứa trẻ khác chuyền tay nhau. Rồi nó ghé tai nói cái gì đó với bé Siu, vẻ rất bí mật. Sau đó, nó lôi bé Siu đi xềnh xệch. Em hốt hoảng nhìn hắn như cầu cứu. Hắn chạy ra túm lấy bả vai bé Siu níu lại. Đứa con gái cầm túi xắc đỏ đập mạnh vào tay hắn, rít lên: “Cái lão già này!”. Hắn bỗng nhận ra đứa con gái, còn nó thì nhận ra hắn từ lúc nãy. Mấy lần hắn đã ghi hình cái cảnh nó tuôn ra những câu tiếng Anh sành sỏi với khách du lịch, cứ thấy hắn chĩa máy quay tới là nó quay lại gầm gừ. Mặc dù hắn chưa già chút nào, việc gọi hắn là “lão già” là cách trả đũa thích đáng nhất chăng? Lúc này, không hiểu vì sợ hãi hay vì uy lực che chở của người chị cả trong đồng bọn mà bé Siu đã phục tùng vô điều kiện. Cả bọn dắt tay em chạy đi thật xa. Bé Siu quay lại một thoáng nhìn hắn lần cuối. Phải, đó là lần cuối cùng hắn nhìn thấy bé Siu. Chắc hẳn em đã được một bài học vì sự “chơi trèo”, phản bội lại đồng bọn- mặc dù những đứa lớn tuổi hơn em vẫn có quyền đàng hoàng ngồi uống Coca cùng khách Tây, một khi được mời. Hình như có một thứ luật lệ bất thành văn nào đó giữa những đứa trẻ bán hàng rong ở Sapa, chúng có đẳng cấp, có quy định về sự bảo vệ lẫn nhau, và cả sự trừng phạt nữa.
Đã hai ngày và ba đêm, hắn đi tìm bé Siu quanh nhà thờ, quanh các biệt thự nhiều dáng vẻ, quanh những con đường âm u rợp bóng cây ăn quả và hoa, hoặc những con đường tấp nập mua bán. Khi chỉ còn đôi ba người phụ nữ dân tộc đang cố gạ bán thêm chút hàng để sau đó ngủ vạ vật qua đêm, thì lúc này, em ở đâu, trong các góc chợ, các hành lang khách sạn, nhà hàng, hay bất kỳ một góc khuất nào có mái che?... Đêm tối Sapa được lấp đầy bởi tiếng khèn dìu dặt và tiếng hát thầm thì của nam nữ Mông, Xá Phó, Dao đỏ... Nỗi lo lắng của hắn thì không gì lấp nổi. Em bé của hắn đi đâu? Hắn biết chắc là em chưa thể về nhà một khi túi đồ hàng chưa xẹp lại.
Trước mặt hắn, từ trong một khách sạn tối om chuệnh choạng bước ra một ông khách Tây ngà ngà say, có hai cô bé dân tộc trạc 15-16 tuổi, đứa dắt tay đứa kéo thắt lưng. Ông khách để chúng nhảy lên bá vai, ôm cổ, hôn chùn chụt. Những câu tiếng Anh xã giao trong khung cảnh ấy sao mà ngọt ngào đáng sợ khiến hắn rùng mình. Hắn đi sau ba người suốt con đường vắng vẻ dài nửa cây số, máy quay cứ thế chạy trong một nỗi uất hận khó hiểu. Bé Siu của hắn lẽ nào sẽ trở thành một thiếu nữ thớ lợ, thành thạo nghệ thật mơn trớn kẻ có tiền như thế kia?...
Hắn đi theo ba người qua sân vận động, rồi tiến đến phía nhà thờ. Bất chợt một cô bé quay ngoắt người lại, trừng mắt lên, nhe răng ra gào bằng tiếng dân tộc. Thật không may cho hắn, hắn đã từng học được vài câu nguyền rủa độc địa nhất cũng như vài câu dân ca say đắm nhất của họ từ hơn hai chục năm trước ở vùng tự trị Thái - Mèo cũ! Hắn sững lại như bị một cú giáng trúng đầu. Hắn kiệt sức. Hắn gượng quay trở về khách sạn. Máy quay đeo lủng lẳng trước ngực vẫn chạy, ở chế độ đen trắng, hắn không biết rằng hắn đã vô tình tạo ra những hình thù kỳ dị của mặt đất lúc tối lúc sáng lắc lư theo bước chân, lối dẫn vào Thập Điện Diêm phủ.
Hắn ngồi phịch xuống ghế, tu hết một cốc nước lạnh. Đập vào mắt hắn là mấy tờ bản thảo của hắn phác những ý tưởng lời bình cho bộ phim tương lai. Hắn thẫn thờ cầm lên một tờ, lướt nhìn như thể may ra hắn sẽ tìm được một gợi ý nào chăng về chỗ ẩn náu của bé Siu.
... “Có vị cao tăng Việt Nam trước khi lên đường thăm quan Tây Tạng đã tìm cách lên đỉnh Fanxipan lấy cho được một cây gậy trúc phất trần sống ở độ cao trên ba nghìn mét này làm vật cầu may, bùa hộ mệnh để đến với quê hương xa xôi của các vị Lạt Ma Tây Tạng và các vị Đại sư đã từng đi vào truyền thuyết về các khả năng kỳ diệu vô tận của con người. Phải chăng, không chỉ vị Đạo sư nọ mà mỗi chúng ta cũng có thể tìm thấy ở “mái nhà Việt Nam”kia hình bóng của Tây Tạng huyền bí?”... “Tu viện dòng Tâm Đan xây dựng dở tại ngoại vi thị trấn Sapa là một công trình kiến trúc đá đồ sộ nằm lẫn giữa sương mù và cây, đá. Chính sương mù đã tạo ra một thứ rêu phong đặc biệt màu đỏ tía trên những bức tường đá nham nhở, thứ rêu gắn với một truyền thuyết vùng cao về một mối tình đẹp nhưng dang dở”... “Bãi khắc đá cổ xưa với những dòng chữ lạ, những hình vẽ, những sơ đồ bí ẩn mà theo truyền thuyêt là văn tự hoặc giao ước của một nền văn minh cổ đại, từng làm bất kỳ du khách nào tới đây cũng phải ngẩn ngơ và ao ước được giải mã chúng...” Hắn là một trong những người có ao ước như thế. Nhưng chính hắn thì không giải mã được bản thân mình. Những bí ẩn của đêm Sapa cứ chập chờn trong óc hắn, có lẽ còn khó giải mã hơn những hình thù kỳ lạ trên đá kia!...
Sự tức giận và tuyệt vọng lúc nãy dần dần được thay thế bằng nỗi xót xa. Hắn thấy cồn cào thương bé Siu. Một ý nghĩ chợt đến: hắn sẽ thuyết phục chủ đầu tư để làm một phim du lịch dành riêng cho các em bé dân tộc ở ngay Sapa, giúp các em hiểu và tự hào với chính mảnh đất quê hương mình. Phải, hắn sẽ kể cho các em nghe về những giọt lệ của nàng Tiên Đá nghe chàng Mây bày tỏ giấc mộng đẹp, nơi đất và trời gặp gỡ... Điều an ủi hắn là, dù bé Siu có thuộc vào tầng lớp nghèo khổ nhất ở vùng đất du lịch này, em vẫn là một trong những cội nguồn tạo ra các truyền thuyết làm say lòng người trên vùng cao Sapa, như từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay... Hắn bất giác nhìn xuống hai cổ tay hắn. Hai sợi thổ cẩm do chính tay bé Siu buộc. Với hắn, giờ đây cái vật chứng thương mại này đã được hoàn lại ý nghĩa nguyên thủy: đó là biểu tượng cho sự cầu may, chúc phúc, theo đúng một phong tục đáng yêu của đồng bào miền núi... Hắn nảy ra quyết định sẽ kể lại câu chuyện này cho con gái hắn nghe. Và hắn bất giác gọi thầm: “Siu ơi! Giờ này cháu đang ở đâu?
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN