- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NƠI ẤY TÔI QUA...

02 Tháng Mười 20195:13 CH(Xem: 16836)


tam than 1
Biện viện tâm thần - ảnh Internet

 

* Bệnh viện Tâm thần.

 

Thời còn học trung học, có một lần tôi theo bạn cùng đi đến bệnh viện Tâm thần ở cầu Sông Ngang, bạn tôi có một đứa em trai mới vừa chuyển đến đây điều trị.

Trong lúc bạn tôi dở cà mèn cơm và thức ăn cho em ăn. Tôi ngồi cái ghế chờ ở phía trước lơ đễnh quan sát chung quanh bệnh viện. Chợt có một bàn tay ai đó nắm chặt tay tôi "Em!", tôi ngẩng lên trước mặt tôi là một người đàn ông cao lớn, khá đẹp trai, đôi mắt như si dại, ông đang mặc bộ đồ bệnh viện. Thôi chết rồi!...mình gặp "ông điên" rồi. Ui chao hồn vía tôi lên mây. Tôi rút bàn tay mình ra khỏi tay ông í nhưng không được. Một bàn tay còn lại ông ta chồm lên như muốn kéo lấy tôi về phía ông. Các chị y tá chạy tới, trừng mắt hét lên " Thả người ta ra, thả ra chớ không là bị đòn đó". Ông ta cương quyết không thả:

- Bắt được em rồi anh không bỏ em đâu.

Chợt một người phụ nữ tóc bạc muối tiêu hớt hãi chạy đến.

-Đừng con, nghe mẹ nè thả người ta ra đi, không phải là con Thi đâu....

Bà quay qua tôi, đôi mắt khẩn cầu.

-Con ơn con làm ơn nói ngọt ngọt, nó nghe đó con. Đừng để người ta đánh nó tội nghiệp.

Đôi mắt và gương mặt của người mẹ làm tôi mềm lòng. Thuở còn bé, bà nội tôi luôn dạy tôi: "... Khi gặp bất cứ điều gì khó khăn con phải nhớ xin Phật Quan âm". Tôi ghi dấu và thực hành điều ấy trong suốt đời mình và lần này cũng thế... Tôi bình tĩnh dịu giọng xuống:

 

-Em không đi đâu, anh thả tay em ra đi, anh nắm đau tay em quá.

- Đau em hả anh thả liền, anh lỡ nhen em, anh không dám... không dám nữa.

Ông ta vừa thả tay tôi ra, tôi hết hồn chạy lẹ đi. Các bác sỹ y tá bao lấy ông và đưa về phòng. Tiếng "Em, em!" la hét đầy phẫn nộ và tuyệt vọng của người đàn ông này làm tôi thắt ruột. Tội nghiệp quá. Mong người ta đừng đánh anh ta, tôi thất hứa rồi, tôi gạt anh ta, cầu mong cho anh bớt đau đớn trong lòng. Tội cho bà mẹ của anh nữa, ôi người đau khổ nhất chính là mẹ, bà mẹ của anh...

 

Mấy mươi năm sau... Tôi không đến trại tâm thần lần nào nữa.

Một buổi chiều, nghe nhỏ bạn nói có đoàn thiện nguyện ở Đà lạt về để giúp đỡ người nghèo. Tôi còn hai bao túi xách và bóp hàng đẹp model. Hôm sang hàng tôi tiếc của nên lựa ra hàng đẹp rồi gởi bên lô nhỏ Hằng nhờ nó bán giúp. Lần này về nó trả lại cho tôi vì thuế cao quá nó cũng nghỉ bán như tôi. Tôi gọi bán sol lại nhưng họ trả rẻ quá mức không bán được. Tôi tần ngần mãi không biết phải làm sao và lại xin xỏ :"Xin bồ tát giúp cho con có cách để giải quyết số hàng này"... Và rồi nghe có đoàn thiện nguyện, tôi quyết định với một tâm thái hài lòng là sẽ chất hai bao hàng này lên xe đi đến đoàn thiện nguyện ( họ sẽ rất mừng vui khi nhận quà của mình đây...). Tôi nghĩ như thế nhưng khi chở tới nơi thì cô Đức trưởng đoàn thiện nguyện nói:

- Kỳ này đoàn đi bệnh viện Lao và trại Tâm thần mà cho họ bóp đầm thì không hợp...

-Vậy hả cô, con tưởng về miền quê chứ. Ôi làm sao bây giờ. Nó nặng trịch mà con đi xe đạp chất hàng lên xe phải dắt bộ mà đi.

-Chị ơi đem lên nhà cô Quế đi, cô về miền núi làng quê mà cho quà đó. Chị để đó đi, chiều em chở giúp cho chị, giờ chị vào phụ tụi em gói quà đi, tới năm ngàn suất làm cho kịp mai đi.

Tôi mừng quá, mà tôi cũng đang ở không nên tôi phụ gói quà đến 8g tối mới xong hết tôi mới về. Ngày mai tôi sẽ đi cùng họ...

 

* * Người điên... biết nhớ.

 

Tôi đến trại tâm thần vào tận nơi họ sống sau mấy song sắt rào quanh. Tôi cùng các bạn chuyền tay trao quà cho từng người. Họ xếp thành hàng dài đứng nghe gọi tên rồi nhận. Đây là bệnh viện tâm thần ở cầu Sông ngang, họ là những bệnh nhân mới nhập viện hoặc là chưa đến nỗi nguy hiểm lắm, bên cạnh họ còn có người thân đi theo chăm sóc. Tôi may mắn được theo đoàn thiện nguyện này vì thật lòng tôi không có tiền để chung tay góp vào mà tôi lại thấy thích muốn đi cùng họ.

Cũng may là cô Đức trưởng đoàn đã chu toàn tất cả nên không nhận thêm bất cứ một đồng nào của bất cứ ai. Cô đã chuẩn bị cho mỗi bệnh nhân một túi quà đầy đủ thực phấm sữa, bánh trái, đồ dùng rồi mà còn kèm thêm cho mỗi người một phong bì tiền nữa.

Theo hướng dẫn của Ban Quản lý bệnh viện, chúng tôi vào trong phía song sắt cổng nơi sinh hoạt của các bệnh nhân. Bệnh nhân được đưa ra khỏi phòng và xếp thành từng hàng dài và được đọc tên theo danh sách để được nhận quà nên không sót một ai. Mà cũng lạ, bệnh nhân ở đây hầu hết đều biết tên mình và không thấy người già, dường như không ai quá 50 tuổi. Tôi thấy có những thanh niên nam nữ còn rất trẻ, độ tuổi chừng dưới ba mươi nhưng đã bị nhốt trong khu bệnh nhân chính thức của trại. Tôi là người cầm quà và trao tiền tận tay cho mỗi người. Đến người cuối. Cô quản lý gọi.

-Trần văn An- Trần văn An.

-!!!...

-À cái ông quỷ đó ngồi hát kìa.

Một cô gái chừng bốn mươi tuổi, tóc cột ba bốn cái sừng chạy đến chen lên.

-Chị cho em nhận cho

-Em có phần rồi chị mới đưa đó.

-Dạ em nhận dùm cho ảnh.

Tôi nhìn theo hướng mắt của cô gái tôi thấy có một người đàn ông đang ngồi trên ghế đá dưới bóng cây xanh mát.

-Thôi đưa cho bả luôn đi chị không mất đâu. Bả mê cái ông An này ngày nào cũng vẽ mặt vẽ mày, cột tóc mấy sừng mà đeo theo ông đó.

Tôi đưa quà cho cô ta và tò mò tôi đi theo hướng chỗ người đàn ông ấy. Cô gái ôm cả hai gói quà đặt trên ghế đá rồi ngồi bệt dưới chân ghế, ngước mắt nhìn say mê người tình của mình. Người đàn ông ngồi quay lưng lại nên tôi không thấy rõ mặt, anh ta đang ôm cây quạt ( quạt bếp) mà khảy đàn và hát. Tôi lắng nghe. Ồ anh ta hát rõ từng câu và hát khá là hay. "Anh chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái. Anh chỉ là người say bên đường em nhìn thấy. Em đi đi người điên không biết nhớ và người say không biết buồn..." Cô gái nhỏm dậy nũng nịu nép sát vào người anh ta.

-Không em không đi đâu hết. Anh không có điên, anh với em chỉ "khùng" giúng nhau thâu mà.

Tôi ngẩn ngơ nhìn họ đang ở bên nhau. Sao nơi này lại cho phòng nam và nữ ở gần nhau như vậy chứ. Người điên họ cũng có tình yêu nam nữ kia mà. Thế gian này nhờ có sự nhiệm màu của tình yêu nên xoa dịu đi hết những nỗi đau đớn trong đời. Nhưng tình yêu và tình dục luôn đi đôi với nhau, luôn là như vậy.

Có ai đó ví von rằng:

" Tình yêu xuất phát trong cái nhìn

Lớn lên trong nụ cười

Nở hoa trong nụ hôn

Và chết đi bằng nước mắt chia xa..."

Tôi nghĩ rằng khi họ đã hết yêu nhau thì có xa nhau cũng chẳng thấy đau. Chắc là như thế nên khi còn say đắm bên nhau họ luôn nhắn nhủ cho nhau như ông nhạc sỹ Trịnh công Sơn :" Ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu. Ngày nào đời thôi có nhau. Xin người biết đau".

Phụ nữ khi yêu một ai đó luôn muốn được nép vào lòng người yêu của mình. Còn đàn ông thì lại muốn được hôn... Từ đó dần dần họ tiến xa hơn nữa. Người không điên mà vẫn bị cuốn hút từ tình yêu rồi đến tình dục huống chi người mất trí họ sẽ làm theo bản năng sinh lý thôi. Hai người này không khéo họ có con với nhau đi mất...

( Ôi chao! một người ngốc trong tình yêu như tôi mà hôm nay tôi lại dám triết lý cùn đến chuyện tình yêu ở đây chứ, lẩm cẩm thật).

Tôi lững thững về phòng cấp cứu của bệnh viện. Còn bảy suất quà trao cho bảy người ở nơi đây. Họ đều là những người rất trẻ. Cô Đức bảo:

- Các con chắp tay Mô Phật đi rồi cô cho quà.

Cả bảy đứa xếp thành hàng ngang và đồng niệm Mô Phật. Một cậu con trai quỳ xuống chắp tay lạy. Cô gái đứng cạnh bên kéo cậu ta lên:

-Còn sống mà lạy cái gì. Bộ khùng hả. Chết mới lạy biết chưa. Phải không cô, chết mới lạy, còn sống là không được lạy.

-Ừ, các con chắp tay Mô Phật thôi là được rồi.

-Thấy chưa, khi nào chết mới lạy. Sống mà lạy ngừ ta nói mình khùng đó.

Cậu con trai ngừng lạy, ôm túi quà đứng lên phân bua:

- Lạy là để cảm ơn chớ bộ.

-Cảm ơn thì " then kiều" được rầu. Ngừ ta còn sống mà lạy cái gì chứ, đúng là điên.

Chúng tôi phì cười vì cái bộ "làm gái làm mụ" của con bé. Nó nổi bật nhất trong bảy đứa vì nó xinh quá. Nó đẹp từ đôi mắt, sống mũi cho đến nụ cười nhìn gương mặt rất thông minh lanh lợi không thể ngờ được là bị tâm thần. Cho quà xong tôi hỏi:

-Con nay bao nhiêu tuổi?

-Dạ hai lăm.

-Con đau cái gì mà vô đây?

-Con đâu có đau cái gì đâu cô, con bị mất ngủ không hà. Mà "cả gan" dám đưa con dô đây.

-Ai cả gan?

-Cậu con nè ( cô xoay qua chỉ cậu đang ngồi gần đó)

-Mẹ con đâu?

-Mẹ con ở nhà chăm em.

-Còn ba con?

-Ba con bị điên nhốt trên An lão.

Cô Đức nói:

-Vậy là nhà đây có gien di truyền rồi.

-Đâu có gien gì đâu. Ba con bị nhức cái răng, ba đi nhổ cái răng, cái ba bị điên luôn phải dô nhà thương điên.

Tôi hỏi cậu con bé:

-Nhìn nó xinh và trả lời rõ ràng như vậy mà sao lại vào đây.

-Dạ, nó học giỏi lắm, làm việc cũng giỏi nhưng quen bạn trai rồi yêu đương, bị bỏ rơi khi đã có thai nên nó bị trầm cảm dần cho đến giờ thành điên luôn.

Tôi nhìn lại con bé, giờ mới phát hiện ra bụng nó lum lúp chắc phải năm tháng tuổi rồi. Thật là tội, rồi đây đứa bé trong bụng nó sẽ ra sao đây. Thật là có những cái ác vô tình mà người làm ra không lường được hậu quả đau đớn như vầy...

Một con bé nữa nãy giờ cứ nắm tay tôi ra vẽ yêu mến lắm.

-Con bao nhiêu tuổi

-Dạ mười sáu tuổi

Người mẹ đỡ lời

-Nó 24 rồi đó chị. Nó cứ nhớ cái tuổi hồi mới vào đây. Tui ở đây nuôi nó đã tám năm rồi. Nhà có ai bị đau thần kinh đâu tự nhiên nó bị . Mà tui chỉ sinh có một mình nó, nó đau ốm, thương con phải ở cạnh nó tới 8 năm rồi, ba nó phải đi làm nuôi cả hai mẹ con không biết ngày về. Nước mắt chị lăn trên gò má, nước mắt đớn đau của người mẹ bất hạnh.

Tôi nhớ hồi xưa còn bán ở chợ cũ. Có một người đàn ông thường dắt đứa con bị giật kinh phong để xin tiền. Thằng bé mỗi lần lên cơn nó cắn vào tay ba nó đến chảy máu. Ai cũng kinh sợ mà tránh ra. Chỉ duy nhất người cha là chịu đựng. Trên cánh tay ông đầy vết sẹo chằng chịt theo năm tháng. Từ lúc thằng bé còn nhỏ cho đến khi nó cao lớn, rồi theo thời gian mái tóc xanh của người cha cũng đã bạc màu. Nó níu tóc ghì đầu ông xuống, nó cắn nó đạp vào ông rất hung tợn nhưng ông vẫn cắn răng cam chịu. Và giọt nước mắt của sự chịu đựng kềm nén lại chảy dài trên má của ông...

Ôi! nghiệp đời quả đắng cay đau khổ. Chẳng có cách nào khác trả nghiệp hay sao mà lại phải trả bằng cách này, đau khổ vô hạn cho những người làm cha làm mẹ có những đứa con bị mất trí. Nỗi đau này họ phải gánh trong trọn kiếp người.

 

Những người điên hôm nay tôi gặp vẫn còn biết nhớ. Họ khóc họ cười theo cảm xúc của tâm tư. Rồi đến một lúc nào đó họ không còn biết cái gì trong thế giới quanh đây. Rồi đến một lúc cả cha mẹ vợ chồng con cái còn sống nhưng đời chia họ bao lối rẽ đi rồi...

Đến nơi này để thấy rằng ta quá có phúc.

Đến nơi này để thấy ta phải nhìn ngắm lại mình mà thận trọng bước đi trong đời.

Ta còn mắc nợ ở cuộc đời này nặng trĩu yêu thương...

 

* * * Người điên không biết nhớ.

 

Tôi tiếp tục cuộc hành trình cùng đoàn thiện nguyện. Suốt ngày hôm qua tôi ngồi xe và đứng phát quà cả ngày mà không hề thấy mỏi mệt. Tôi yêu thích công việc này...

Hôm nay chúng tôi đi trại Tâm thần ở An lão. Đường đi xa hơn vì trại nằm thuộc về tỉnh miền núi hẻo lánh hơn. Nơi đây những người điên lâu năm, họ không còn thân nhân thăm viếng nữa. Bạn tôi bảo rằng gần nhà nó có một người đàn ông làm cán bộ bự, ông có đến ba con trai nhưng rồi ông bị điên. Con ông đã trói ông bằng dây xích, cho ăn uống, xịt nước tắm rửa như một con vật. Cuối cùng chúng trói ông lại bỏ vào cái bao và đưa lên đây. Lúc ban đầu một năm thăm một lần nhưng sau này thì chúng bỏ mặt ông luôn ở trên này...

 

Lần đi này, cô Đức nói:" Chúng ta chỉ cho quà thôi chứ không cho phong bì tiền như trại Cầu Sông ngang nữa vì ở đây họ không có thân nhân và họ không biết xài tiền nữa".

Xe dừng lại ở chợ Bồng Sơn cô Đức ghé mua hoa và trái cây, mua cả nhang đèn nữa. Lần này ngoài túi quà thực phẩm và đồ dùng ra. Cô không nấu bún nữa mà cho họ ăn bánh xèo. Cô đã đặt trước từ hôm qua từng bì cả xấp bánh để họ dùng buổi trưa cho kịp.

Đến bệnh viện cả đoàn chúng tôi cùng

nhau chuyển số quà xuống khỏi xe. Khác với bên bệnh viện cầu sông ngang Ban Quản lý bệnh viện An lão không sắp xếp cho bệnh nhân xếp hàng để nhận quà nữa. Vì những người điên bên này lâu quá không có thân nhân nên họ quên mất tên mình là gì. Chúng tôi đi lần qua khu họ ở. Nam nữ riêng biệt. Giường ngủ của họ đúc bằng xi măng, song sắt bao quanh, mùa đông ở đây chắc là lạnh lắm. Tôi thấy có những ống nước nối dài để xịt nước tắm cho họ và để dọn vệ sinh khi họ không tự chủ được. Nơi này có cây cao râm bóng mát nhưng họ không được hưởng lấy vì phải ở trong phòng khóa lại. Đất trời cao rộng, cỏ cây xanh mát của thiên nhiên ngoài kia không ban tặng cho những người điên như họ.

Quà được trao và nhận từng phần cho mỗi người xong đã đến giờ ăn. Tất cả bệnh nhân được ngồi vào bàn để chờ ăn. Tôi cùng các anh chị bỏ bánh xèo và nước chấm ra chén đĩa cho họ ăn. Bên này toàn những người lớn tuổi và đặc biệt ngôn ngữ tại đây không hề xử dụng. Tất cả im lặng, đôi mắt họ nhìn mình đăm đăm không cảm xúc. Có người lột trái chuối dài ra chấm nước mắm mà ăn. Có người lật cái bánh xèo ra to rồi lấy lau mặt...

Tôi chú ý đến một người đàn ông. Anh ta có lẽ trên bảy mươi tuổi. Anh cứ nhìn theo tôi mà không chịu ăn, lặng lẽ không nói gì.

Tôi bây giờ đã sáu mươi, qua xa rồi cô gái năm xưa còn nhút nhát e dè... Tôi đến bên cạnh anh đặt tay lên vai anh nói khẽ:

-Anh ăn đi ngon lắm đó!

Anh vẫn ngồi im. Tôi lấy bánh chấm nước mắm và đút cho anh, anh hả miệng ăn và đôi mắt lóng lánh niềm vui... Tôi rời khỏi bàn chỗ anh, anh không ăn nữa, níu lấy cánh tay tôi lại, nước mắt chảy quanh. Miệng mấp máy môi gọi " Mẹ, mẹ..." anh lại nhầm tôi là mẹ rồi, sao thương quá.

Tôi phải đi theo đoàn nên cũng phải gỡ tay anh và bước ra cửa đi nhanh.

Cả đoàn ra trước chụp hình lưu niệm nhưng tôi không chụp vì nhỏ Hoa nói:

-Chết rồi chị ơi người ta gởi tiền để góp từ thiện mà cô Đức không nhận thì làm sao đây.

-Em cầm vào trao hết cho bác sỹ, y tá ban quản lý ở đây đi. Họ đáng được nhận vì họ đã hy sinh lớn lắm khi đến nơi này để chăm sóc canh giữ cho những người điên này.

-Dạ chị đi với em.

 

Khi tôi đi ra với đoàn là lúc cô Đức sắp bánh trái, bông ra để cúng. Chúng tôi đi đến dãy nhà tang lễ của bệnh viện. Trong nhà chính giữa thờ Đức Địa tạng Vương Bồ tát. Hai bên là bàn thờ linh của Nam và Nữ người điên. Không có hình chỉ ghi tên và ngày chết trong từng ô nhỏ. Họ đã ở đây cho đến lúc xa lìa trần thế không một người thân bên cạnh. Hết một kiếp đời đau khổ...

Cầu xin Đức Địa tạng vương Bồ tát cứu giúp cho linh hồn của họ sớm được siêu thoát. Cầu xin nghiệp đời vướng mắc của họ được trả hết trong đời này. Cầu xin Đức Địa tạng nghe được lời khấn nguyện này của con, xin xót thương mà cứu giúp cho họ... Ông bà, cùng các anh chị xin buông lại hết mà đi an lành nhé. Xin cúi lạy tất cả.

 

Xe rời khỏi trại Tâm thần An lão lúc trời đã về chiều. Tôi quay lại nhìn lần cuối nơi này. Không thấy một ai, những người điên giờ đã bị nhốt trong phòng có khóa. Đồi núi quạnh hiu, cho lòng một cảm giác bâng khuâng khắc khoải. Tạm biệt tất cả. Tôi đi đây. Mong rằng sang năm tôi sẽ về đúng lúc để được theo đoàn thiện nguyện đến trại Tâm thần lần nữa. Mong rằng có một phép lạ nào đó giúp cho họ được hồi tỉnh lại mà qua hết cơn mê...

Cầu xin Đức Phật giúp cho con cùng toàn thể pháp giới chúng sanh bớt gây đau khổ, bớt đi tội nghiệp để không vô tình hay cố ý mà gây thương tổn cho ai... Xin hãy độ trì cho tất cả chúng con gặp được nhân duyên lành để đến với Phật pháp, tu theo Phật pháp và được sự chở che của chư Phật chư Bồ tát. Xin hãy độ trì cho tất cả chúng con...

 

Thái Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14692)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14782)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14633)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15003)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17224)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19095)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13730)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16353)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15242)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15439)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.