- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHÚA HOA

19 Tháng Tám 20193:54 CH(Xem: 18363)

hinh-anh-dep-ve-bien-dao-viet-nam
Biển đảo Việt Nam-ảnh Internet

      Tôi đứng một mình bên cửa sổ. Đêm lặng.

        Ngọn đèn hành lang rọi xuống chậu cây chi mai đang nở hoa trắng, tạo thành một quầng sáng đơn độc. Tôi vốn có thói quen đọc sách khuya. Những lúc đêm khuya thanh vắng, khi người đời đã chìm trong mộng mị, là lúc tôi thả hồn mình lang thang với những con chữ. Đọc đến một lúc nào đấy, cảm thấy đầu mình u mê, tôi hay tới bên  cửa sổ, đứng khoanh tay nhìn ra ngoài hiên. Tôi thường hay nhìn một cách vô định vào bóng cây sấu già đang chập chờn cô đơn khua lá. Như là một phép dưỡng sinh cho mắt. Từ hôm có chậu chi mai thì hồn tôi trút cả vào chậu cây nhỏ xinh đang nở hoa trắng xoá. Tôi say mê ngắm. Tôi đang mê đắm vẻ đẹp của một loài hoa đã từng được bao thi nhân từ cổ chí kim ca tụng… Dưới ánh sáng đèn led, những bông hoa lung linh trắng, cánh hoa mong manh trong suốt như không thực. Huyễn hoặc. Cây chi mai mang dáng lả lướt của cô gái trẻ, hiển hiện rõ ràng từng bông, từng nụ, từng búp lá xanh non. Đứng lặng ngắm trong đêm hồi lâu, tôi thấy mắt mình bỗng nhoà đi, mọi hình ảnh chập chờn lạ lẫm. Cây chi mai trên chiếc chậu gốm uốn mình lay động. Một mùi hương thanh tao thoảng lướt trong đêm…  Trên tán hoa trắng xanh, bông hoa to nhất bỗng nhiên nở bừng ra. Nở to mãi ra. Lúc chiều tôi ra tưới cây đã thấy hơi lạ, sao trong bao nhiêu bông hoa nho nhỏ với những cánh hoa li ti muốt mát, lại có một bông to hơn hẳn. Tôi lấy làm thú vị, xoay chậu cây hướng bông hoa đó vào cửa sổ. Để ngồi trong thư phòng, tôi có thể ngắm nhìn lúc nào tuỳ thích. Nhưng lúc này, tôi thấy bất an, trong lòng tràn ngập một nỗi hoảng sợ mơ hồ. Tôi hoang mang nhìn những cánh hoa nở to ra, hư ảo. Những cánh hoa vẫn trong suốt, trắng mướt mát đến lạ kỳ. Đêm vẫn yên ắng. Cái yên ắng của đêm khuya thật lạ lùng trên phố xá…  

       Bông mai trắng tự nhiên sáng rực lên.

       Hiển hiện ra một khuôn mặt đàn bà đăm đắm nhìn tôi. Tôi cảm thấy tim mình như ngưng đập trong giây lát. Thân thể tôi như người đang đi trên đường bỗng rơi tụt xuống một cái hố sâu thẳm. Chơi vơi. Tôi cố nhận thức xem là mơ hay tỉnh. Tôi dụi mắt nhìn lại cho kỹ. Cấu tay xem còn có cảm giác đau không. Vẫn đau. Nhưng sao mọi thứ lại như đang trong một giấc mơ… Khuôn mặt người đàn bà chập chờn ẩn hiện trong bông chi mai thật khó đoán định. Đẹp. Một vẻ đẹp khó tả bằng lời. Một gương mặt không tuổi. Kiêu sa. Đài các. Lạnh lùng. Mà vẫn có nét gì đó gần gũi, nồng nàn. Lạ. Tôi cứ loay hoay với đoán định là thực hay mơ của mình. Đầu óc đang rối rít bùng nhùng như vương trong đám mạng nhện. Thì bỗng có một  tiếng nói cất lên. Vang vang trong tai. Nhưng lại cứ như vọng về từ nơi xa thẳm. Giọng nói không âm sắc. Tôi nghe rõ từng lời. Giọng nói nhẹ như tiếng thở của đêm xuân, thì thầm, nhưng rành mạch:

       -Ta là Vương hậu Paramecvari của Đức vua Chế Mân vương quốc Chiêm Thành. Ta vốn là trưởng nữ công chúa của Đức Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông. Ta đang rất buồn phiền. Ta vừa sinh hoàng nam được một tháng mười ba ngày thì chồng ta băng hà. Đức vua oai hùng của Vương quốc Chiêm Thành. Người đã sát cánh cùng cha ta đánh bại quân Hung Nô đã về trời. Ngài bỏ ta cô lẻ trong đền đài cung điện của một nơi ta mới chỉ vừa tới. Ôi, ta đau đớn quá…

      Tôi rùng mình.

      Chiều nay, tôi vừa ngồi với bạn gái mình. Một cô giáo dạy văn tại trường trung học trong thành phố.

Trong quán cà phê vắng, đẹp thơ mộng bên bờ một hồ nước mênh mang. Nàng xinh xắn, bé nhỏ. Nhưng rất lạ là nàng lại có đôi mắt xanh biếc và mái tóc màu nâu như những cô gái vùng Địa Trung Hải. Nàng bảo, có khi em là kết quả của công cuộc khai phá văn minh của dân Châu Âu cho dân Annam thế kỷ trước cũng nên. Nàng nói chuyện rất hay. Khi bên nàng tôi thấy mình vui lạ.

      Nickname của nàng là Hạ Lan.

Hồi mới làm quen trên facebook, nàng khoe nhà ở trên con phố mang tên Huyền Trân Công Chúa. Nàng ngưỡng mộ bà công chúa triều Trần, gác tình riêng, đem thân mình đổi cho vương triều hai Châu Ô- Lý. Mở mang lãnh thổ Đại Việt mấy trăm dặm bờ cõi về phương nam.

       Thốt nhiên, bông chi mai trước mặt tôi mờ đi.

       Gương mặt người đàn bà đẹp trong hoa bỗng như thở dài. Một luồng hơi giá lạnh toả ra xung quanh khiến không gian ngưng đọng. Những giọt sương đêm xuân sa vào tay tôi buốt giá. Người tôi đông cứng. Môi mấp máy muốn nói mà không thốt nên lời.

      -Ta đâu muốn đem đổi tình yêu lấy ngàn dặm đất. Nó có nghĩa gì với ta đâu. Ta chỉ cần một gian nhà nhỏ dưới trại Bạch Mai cùng với Trần thượng tướng. Thế là đủ. Ta đã nguyện từ bỏ mọi tước vị hoàng cung, mọi danh giá trên đời. Ta sẵn lòng làm thê thiếp của người đàn ông mà ta yêu thương kính trọng. Miễn là ta được sống với người mình yêu. Ta sẵn sàng đem tấm thân quí giá ngàn vàng dâng hiến cho người yêu dấu. Hầu hạ ngài. Vậy mà…

      Tôi quen nàng qua facebook.

      Nàng chăm viết status. Rất đều đặn, mỗi hôm nàng viết một cái, kèm theo cả hình minh hoạ. Buổi offline đầu tiên, cũng trong quán cà phê, bên cái hồ mênh mông này. Hôm ấy cuối thu, nắng rời rợi trên sóng, hơi nước bốc lên mờ ảo lành lạnh. Nàng rực rỡ váy áo phấn son. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau thân mật. Và rất nhanh chóng trở thành tâm giao, “như có duyên từ trong tiền kiếp.” Đấy là lời cả hai đứa cùng thốt lên, sau vài lần gặp gỡ và hàng đêm thức trắng chát với nhau trong inbox. Nàng khoe đang viết một vở kịch về cuộc đời sầu thảm của Huyền Trân Công Chúa, người mà nàng yêu thích. Nàng nói, sẽ dựng vở ca kịch này cho học sinh lớp chuyên văn nàng dạy biểu diễn. Nàng đã đọc cho tôi nghe đoạn thoại của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông với Trần thượng tướng, người yêu của công chúa, khi quyết việc gả bán cho Chế Mân:

      -Tâu Thái Thượng Hoàng, người quyết gả trưởng nữ công chúa cành vàng lá ngọc của nước Đại Việt cho một tên vua già xứ nam man, chẳng hoá ra thiệt thòi cho công chúa lắm sao?

      -Nhà ngươi thân làm Thượng tướng quân, nắm binh quyền trong tay mà chỉ biết một không biết hai, chưa nói là phải biết đến mười! Đại Việt ta bao đời âm mưu thôn tính Chiêm Thành không xong. Quân sĩ cũng giao tranh nhiều trận mà chưa chiếm nổi một tấc đất của nó. Nay chỉ một đám cưới, ta có hẳn hai châu Ô-Lý với mấy trăm dặm dài và hàng ngàn dặm vuông cho bờ cõi thênh thang rộng mở. Mà không phải tốn một mũi tên, hy sinh một quân sĩ nào! Thử hỏi có đáng không? Vả lại Chế Mân cũng là bậc anh hùng kiệt hiệt trong thiên hạ, năm xưa đã cùng ta đánh cho Toa Đô phải chạy mất vía, kể cũng xứng là mối duyên trai anh hùng gặp gái thuyền quyên vậy.

      -Tâu Thái Thượng Hoàng, xin cho thần đem toàn bộ binh lực nước Đại Việt vào làm cỏ dân Chiêm, san phẳng thành quách của chúng, đem đất đai của nó nhập vào Đại Việt ta. Thần xin nguyện đem thân nam nhi ra chiến trường, chém tướng, lập công giành đất. Chứ thần không cam tâm ngồi khoanh tay bó gối an hưởng lộc từ bông hoa của công chúa mang lại…

      -Láo xược ! Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đập bàn quát lớn- Nhà ngươi dám nói xàm! Ta cho tứ mã phanh thây bây giờ!

      -Xin người cứ làm. Thần cam chịu chết để khỏi phải nhìn thấy lá ngọc cành vàng rơi vào tay kẻ man di- Trần thượng tướng lột mũ quan võ nhất phẩm, quỳ sụp, dập đầu xuống nền gạch toé máu…

       Bông Chi Mai ngoài hiên lay động.

       Khuôn mặt Vương hậu mờ đi, như có một lớp sương mù phủ lên. Nhưng giọng nói vẫn rõ ràng như khắc trong tai tôi…

      -Ta biết tiếng Trần thượng tướng quân từ lâu. Nhưng đến đêm hội nguyên tiêu trong điện Trùng Quang, năm ta mười sáu tuổi, ta mới gặp ngài. Ôi, trái tim thiếu nữ của ta lập tức rung lên trước một trang anh hùng cái thế. Người đã từng một mình một ngựa xông thẳng vào trại quân Nguyên như vào chỗ không người. Đám vương tôn công tử triều đình, những kẻ đang rắp ranh cầu hôn ta, bên ngài thật như đom đóm so với nhật nguyệt. Ta yêu người ngay từ phút giây đó. Trái tim ta không còn chỗ cho ai khác. Nhưng thật trớ trêu. Ngài đã có gia thất đề huề. Còn ta là trưởng nữ công chúa lá ngọc cành vàng. Cha ta không cho phép mối tình ngang trái này kết quả. Giá ta chỉ là một cô thiếu nữ con nhà dân lành, ta đã có thể bỏ hết mà đi theo ngài, làm tỳ thiếp cũng được. Miễn là ta được ở bên ngài. Bên người trong mộng của mình…

        Tôi cũng yêu nàng trong một mối tình si điên rồ.

        Nhìn ngoài vào, chúng tôi quá chênh lệch. Nàng trẻ đẹp, còn tôi xấu đen. Nhà nàng thuộc hàng trí thức danh gia vọng tộc, còn nhà tôi xuất thân thấp kém… Thế nhưng bất chấp tất cả. Chúng tôi lao vào nhau như định mệnh. Mỗi khi bên nhau, nàng hay gối đầu lên ngực tôi nằm nói chuyện. Với một tâm trạng vô cùng thoải mái, thư thái, chúng tôi hay trò chuyện lan man đủ thứ. Và rất loanh quanh, cuộc nói chuyện hay bị xoay về câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng: “Tại sao mình lại yêu nhau nhỉ?” Mỗi đứa đưa ra một mớ những phân tích lý luận của mình. Thậm chí, có hôm tôi đã huy động trong trí nhớ mù mờ sót lại vài kiến giải của quý ngài Sigmund Freud, để soi rọi cho cái hành động của chúng tôi. Vô ích. Không có gì sáng tỏ hơn. Chúng tôi bảo nhau: Kệ! Cứ yêu nhau đã. Mặc kệ mọi chuyện đến đâu thì đến. Mọi việc đã có giời sắp đặt…

      Bông chi mai chợt rung rinh.

      Khuôn mặt đẹp cao sang của Vương hậu bỗng như giãn ra, trên môi nở một nụ cười se sắt:

     -Các ngươi quả là những kẻ điên tình rồ dại đáng yêu. Người tình trong mộng của ta, Trần thượng tướng cũng chỉ trong một khoảng khắc giáp mặt đêm nguyên tiêu. Mời nhau một chén rượu xuân. Thế rồi tình bùng cháy. Chàng đã dập đầu xin với Thái Thượng Hoàng cha ta. Ta cũng đã quỳ gối xin người… Cha ta yêu ta. Nhưng người còn yêu cái gọi là giang sơn xã tắc và sự nghiệp của ngài hơn. Ngài vẫn quyết gả ta về phương nam. Ta đành nhắm mắt đưa chân. Vâng lời cha. Cũng là bảo toàn cho người mình yêu…

       Tôi ngày càng mê nàng hơn.

       Nhưng với nàng, hình như thú vui viết lách vẫn cuốn hút hơn việc gặp gỡ người tình. Hay ít nhất là cũng ngang nhau. Gặp, thế nào nàng cũng nói về những cái đang ấp ủ. Tôi hỏi nàng: em viết thế để làm gì? Nàng nói rằng, nàng không biết. Nàng thấy có một nhu cầu từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, nó thúc đẩy, nó bắt nàng phải viết ra, phải trải lòng mình trên trang giấy. Nàng kể với tôi là khi viết vở kịch về câu chuyện đời của công chúa Huyền Trân, nàng đã để cho Trần thượng tướng trong cơn bi phẫn của tình yêu đã gào lên rằng, cả một triều đình oai hùng, từng ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông mà phải nhờ vào một cái bướm của đàn bà để mở mang bờ cõi sao? Tôi cười, luồn tay sang véo yêu một cái: “Thế nàng không nhớ là triều nhà Trần, suy cho cùng cũng được đẻ ra bởi bông hoa sen của bà Trần Thị Dung đó sao? Bà không cưới Lý Huệ Tông, một ông vua quặt quẹo cuối triều Lý thì nhà Trần làm gì có cơ hội… Kết thúc nhà Lý, bà lại về làm vợ một người đàn ông vĩ đại mà tầm vóc của ngài đến bây giờ lịch sử vẫn chưa đánh giá hết: Thái sư Trần Thủ Độ. Thế rồi bà vẫn được tôn vinh là Linh Từ Quốc Mẫu.” Nàng cấu trả tôi một cái đau điếng: “Chuyện ấy ai chả biết! Thế nên Thượng Hoàng Trần Nhân Tông mới nói với Trần thượng tướng thế này: Nhà ngươi can tội khi quân phạm thượng. Đáng phải cho tứ mã phanh thây. Nhưng nể tình ngươi có nhiều công lao với triều đình. Nể lời cầu xin của con gái ta trước khi xuất cung theo chồng. Ta miễn tội. Đuổi ra khỏi triều, cho về dưới trại Bạch Mai an trí. Khi nào ta gọi mới được vào.”

       Chợt có tiếng ca văng vẳng.

       Trong không gian tĩnh lặng. Một giọng hát sầu thảm não nề:

                      “Nước non ngàn dặm ra đi

                        Mối tình chi

                        Mượn màu son phấn

                        Đền nợ Ô, Ly.

                        Xót thương vì

                        Đương độ xuân thì

                        Số lao đao hay nợ duyên gì…”*

Điệu Nam Bình, ca Huế… tôi lẩm nhẩm trong vô thức.

Mặt hoa buồn bã nhìn tôi. Một cái nhìn thăm thẳm. Buồn mênh mang. Tê tái...

     -Ta theo chồng về Chiêm Thành. Ta phải làm phận sự của một vương hậu. Ta sinh cho vương triều một hoàng nam. Những tưởng cuộc đời ta sẽ yên ổn với tước vị cao quý. Nhưng đức vua Chế Mân, chồng ta băng hà, khi con ta còn đỏ hỏn, xung quanh ta thì không có một người thân thích. Những gièm pha chốn cung đình được dịp trỗi dậy. Họ nói, ta sẽ phải bước lên giàn hoả cùng chồng…

      Tôi vốn không thích hoa mai.

      Xưa nay, mỗi dịp xuân về tôi phải mua bằng được một cây đào hay chí ít là một cành đào. Đối với tôi, không có đào, nghĩa là không có tết. Là chưa có mùa xuân. Nhưng từ ngày yêu nàng, tôi bỗng thích hoa mai. Mà phải là mai trắng xứ bắc chứ không phải là những cây mai vàng rực rỡ miền nam. Khi nghe nàng kể là gia đình nhà nàng vốn sinh sống nhiều đời ở phía nam thành phố, khu trại Bạch Mai của Trần thượng tướng xưa. Ngắm hình ảnh những bông chi mai trắng muốt thỉnh thoảng nàng khoe trên Facebook. Đọc những status giàu chất thơ văn biểu cảm của nàng. Rồi gặp mặt. Tôi bỗng liên tưởng đến nhành chi mai trong thơ Mãn Giác Thiền Sư. Nàng trắng như cánh hoa mai vậy. Khi nàng khoả thân, tôi chỉ dám dùng môi hôn thật nhẹ nhàng những ngọc ngà châu báu của nàng. Tôi sợ mình hành động phàm phu tục tử, không xứng với vẻ đẹp thuần khiết của nàng. Chỉ cho đến khi nàng lồng lên, vít đầu tôi dúi xuống… Dịp gần tết năm ấy, tôi đi lang thang xuống dưới khu Bạch Mai- Trương Định. Tôi đi như một kẻ ngơ, cố tìm xem còn một nét nào của trại Bạch Mai trắng hoa mỗi dịp xuân về xưa không. Không còn gì. Chỉ có phố xá nườm nượp ô tô, xe máy. Tiếng còi, tiếng phanh xe. Nhộn nhạo. Chát chúa. Đang chán nản, thì tôi chợt nhớ gần đây có nhà ông bạn mới quen. Chúng tôi biết nhau trong những dịp chơi lăng nhăng- cách nói của ông bạn. Tôi gọi điện thoại và rẽ vào. Thật thú vị, chỉ cách mặt đường phố vài chục mét, mà ông bạn tôi tạo dựng được một khu vườn đẹp đến không tin nổi. Tôi miên man trong vườn cây đang khoe sắc. Đến bên một chậu chi mai đang e ấp những nụ trắng xanh. Tôi như bị níu lại. Tôi lặng đi hồi lâu bên cây hoa được trồng trong một cái chậu sứ. Tôi thốt nhiên cảm giác mình có một mối giao tình kỳ lạ với cây chi mai này. Tôi quanh quẩn cả buổi bên cây mà không dứt ra nổi. Ông bạn tôi là một người rất tinh tế và hào sảng, nói: “Nếu ông thích cây chi mai này đến thế, ông có thể mang về nhà ngắm tết.” “Tôi thật sự mê đắm cây chi mai này. Vậy tôi không khách khí, tôi có thể gửi ông bao nhiêu tiền?” “Không cần tiền”, ông bạn khoát một động tác phóng khoáng rồi nói tiếp: “Quý vật xứng với quý nhân. Tôi đồ trong đám bạn hữu lăng nhăng chúng ta, có lẽ chỉ ông xứng với cây mai quý này. Tôi biếu ông.”

       Bông mai trắng lại rung rinh.

       Vương hậu Paramecvari mỉm cười nhìn tôi. Một cái nhìn bí hiểm:

      -Nhà ngươi chính là hậu duệ đời thứ bốn mươi mốt của dòng họ nhà ta. Nên khi gặp dưới trại Bạch Mai, tổ tiên mới linh ứng sai ngươi rước ta về. Hương hồn ta bị một pháp sư cao cường nhất Chiêm Thành bí mật vào Đại Việt, đến trại Bạch Mai, nơi chôn cất di cốt của ta bên lăng mộ của Trần thượng tướng, nguyền rủa, yểm bùa. Khiến cho ta mãi mãi bị giam cầm trong thân chi mai, không thể siêu sinh đi đầu thai khiếp khác được. Tên pháp sư đó đã nguyền: Bốn mươi mốt đời nữa mà không có hậu duệ đoái đến thì ta sẽ vĩnh viễn làm kiếp vô tri… Đối với vương quốc Chiêm Thành, việc ta đương là vương hậu mà bị Trần thượng tướng cướp mang về Đại Việt là một mối nhục ngàn năm rửa không trôi. Họ đã năm lần mang quân đánh phá Thăng Long. Họ muốn bắt sống cả tôn thất nhà Trần về phanh thây xé xác dưới thành Đồ Bàn mới hả…

         Tôi thấy một cơn lạnh buốt từ tâm can lan ra.

       Vừa mấy hôm trước, tôi đã được người tình của mình đọc cho nghe những tài liệu đông tây kim cổ mà nàng sưu tầm được về Huyền Trân Công Chúa. Nàng chuẩn bị cho vở kịch này thật kỹ. Nàng nói, hành động cướp công chúa và không trả lại hai châu Ô, Lý dưới góc nhìn quốc gia là hành động đáng hổ thẹn. Là một trong những góc khuất của lịch sử nước nhà ít người nhắc đến. Xét về phương diện quốc gia với nhau, một khi đã ký kết thì phải thực hiện. Không thể đưa ra bất kỳ lý lẽ gì để biện minh cho sự bội ước. Nhưng xét trên phương diện tình yêu. Đấy lại là hành động đáng ca ngợi của một đấng trượng phu. Không có lý gì đứng nhìn người yêu của mình sắp bị thiêu sống mà trong tay có binh hùng tướng mạnh, lại không cứu.

       Khi thấy đoàn thuyền của Đại Việt tiến về thành Đồ Bàn, nói là viếng quốc vương Chế Mân, người Chiêm Thành đã nghi ngờ. Đến viếng, chỉ một thuyền là đủ, đằng này kéo một đoàn bảy chiếc… Họ chỉ cho phép một thuyền nhỏ chở Trần thượng tướng lên bờ, vào thành.

       Đến bên linh cữu viếng quốc vương, Trần thượng tướng đã kịp nói nhỏ với Huyền Trân Công Chúa- Vương Hậu Paramecrasi: “Trưa mai ta nhổ neo về bắc. Nàng hãy ra bờ biển tiễn ta lần cuối.”

      Vương hậu cùng một tốp lính cận vệ và vài thị tỳ đến bờ biển. Chưa kịp nói câu gì thì Trần thượng tướng đã rút gươm, thét lớn: “Ta phụng mệnh của Hoàng Thượng đến đón công chúa về Đại Việt. Kẻ nào ngăn trở, giết không tha.” Ngài xông đến cắp nàng vào nách, một tay vung gươm chém mở lối. Khốn khổ, mấy tên lính ấy làm sao đánh nổi một viên võ tướng dày dạn trận mạc. Chúng bỏ chạy về thành cấp báo. Chiến thuyền của Chiêm Thành lập tức đuổi theo. Hai bên giao tranh dữ dội trên biển. Trần thượng tướng ra lệnh cho thuyền quân ở lại đánh cản đường, còn mình thân chinh cầm lái thuyền tướng chạy thẳng ra biển. Mùa gió chướng cuối năm, ngược bắc chậm, sẽ bị quân Chiêm đuổi kịp, Trần thượng tướng cho thuyền lựa gió chạy theo hướng đông nam. Rất nhanh, thuyền mất dạng. Khi thuỷ quân Chiêm Thành đánh tan thuỷ quân Đại Việt thì không còn thấy tăm tích thuyền chở Vương hậu nữa…

      Bông mai trắng bỗng rung lên trong một vũ điệu lạ kỳ.

      Những cánh hoa mong manh dường như đang bị một cơn cuồng phong dữ dội giày vò. Tả tơi. Vặn xoắn. Ngả nghiêng. Vật vã… Nhưng không rách nát, rơi rụng. Tôi cố dùng trí óc của mình để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi không hiểu. Tôi thấy mình rơi vào một trạng thái bùng nhùng khó tả. Tôi như bị kẹt giữa hai trường thời gian: quá khứ và hiện tại…

     -Thuyền chở ta và Trần thượng tướng lao thẳng ra biển. Khi đã ở giữa tít mù khơi, bốn bề xung quanh chỉ có trời và nước. Trần thượng tướng vào phòng ta. Ngài nói…

     Tôi cũng đã được nàng đọc cho nghe đoạn thoại trên thuyền:

       -Công chúa! Ta trăm nhớ ngàn thương nàng. Ta không quản gian lao nguy hiểm xông vào chỗ cừu thù để mang nàng về đất tổ cùng hưởng vinh hoa. Ta đã chờ thời khắc này lâu lắm rồi. Ta và nàng hãy mau cùng nhau giao bôi ân ái, trước sự chứng giám của biển trời.

      -Tướng quân! Ngài hành động thô bạo, bất chấp thể diện quốc gia. Ta đang là vương hậu. Chồng ta vừa chết chưa hoả táng. Con ta đỏ hỏn. Ngươi dùng vũ lực cướp ta đi. Thử hỏi đó có phải là hành động của một sứ thần, một chính nhân quân tử không?

      -Nàng đừng quá lời. Ta vâng mệnh quân vương Đại Việt, huynh cả của nàng, đến đưa ra khỏi lũ man mọi. Ta làm theo tiếng gọi của lòng mình. Sao nàng lại trách móc ta? Chả lẽ trong nàng không còn chút tình nào với ta sao…

     -Trần thượng tướng! Ngài là quan đứng đầu triều, đáng ra thấy vương huynh ta vì thương xót em gái mà cả quyết hồ đồ thì ngài phải can ngăn, cớ sao ngài lại hùa vào? Ngài có xứng là trụ cột rường mối nước nhà không? Ngài có biết rằng làm thế này thoả được chút tình riêng, nhưng còn mối giao hảo Chiêm- Việt sẽ vĩnh viễn mất đi không? Ngài có biết là sẽ có bao xương máu dân lành sắp đổ ra không? Mà ngài là tướng, giãi thây trăm họ làm công một người, có sá kể gì. Còn thân ta, vâng mệnh cha già, gác tình riêng đền nợ nước. Ta đã là người của Chế đại vương, ta đã là dân Chiêm Thành rồi. Tình của ta và ngài không thành, phận trời đã định. Để yên ổn cho dân lành hai nước, ta đã quyết lòng bước lên giàn hoả. Thân ta như cánh hoa tàn, ngài còn cố vấn vít làm gì.

      -Không được!- vừa quát to lên, Trần thượng tướng vừa xông đến bên công chúa: Nàng vẫn là người trong mộng của ta bao năm nay, ta phải có nàng!

     -Không!- Huyền Trân Công Chúa lùi lại hét vang: Ngài mà cậy sức làm càn, ta sẽ cắn lưỡi, ta sẽ nhảy xuống biển cho ngài biết. Ôi Chế Đa Đa, con ta… ngực mẹ căng nhức, con đang hết nước mắt vì khát sữa mẹ đây…

Hai dòng nước từ đôi mắt to u uẩn của công chúa bỗng tràn ra như suối. Đời mình, chưa bao giờ Trần thượng tướng nhìn thấy một người đàn bà khóc sầu thảm thiết như vậy. Nàng co rút toàn thân, khuôn mặt đẹp trong sáng rạng rỡ khi xưa bỗng méo đi, tím tái. Chỉ có dòng nước mắt tuôn ra là sáng rực như ánh trăng đêm nguyên tiêu hôm nào…

      Trần thượng tướng tự nhiên thấy mình không còn chút nhuệ khí chiếm đoạt nào. Ngài bỏ ra mũi thuyền ngắm sóng. Sóng biển bỗng cồn lên cao ngất. Một con sóng lừng vỗ mạnh vào thuyền. Nước biển lạnh ngắt bắn rào rào lên mặt…

     Thốt nhiên, tôi thấy mặt mình cũng bị nước biển bắn vào giá buốt, ướt đẫm. Tôi choàng mình tỉnh dậy. Thì ra tôi đã đứng bên cửa sổ ngắm hoa mà thiếp đi. Cơn gió lạnh cuối năm thổi vào mặt, khiến tôi tỉnh hẳn. Hoá ra đó chỉ là một giấc mơ.

      Ngư dân Việt vùng miền trung vẫn truyền nhau kể rằng, hồi ấy, sau khi bắt được Huyền Trân Công Chúa lên thuyền. Trần thượng tướng dong buồm chạy thẳng ra biển. Thuyền cứ đi, đi mãi theo chiều gió. Đến một hôm, thuyền bị mắc cạn ở một bãi cát dài lập lờ giữa khơi xa. May ở gần đó có hòn đảo nhỏ, trên mọc khá nhiều giống cây như cây bàng trên đất liền nhưng quả vuông khá lạ. Trần thượng tướng đoán có cây là có nước ngọt, có sự sống, ngài cùng cả đoàn chèo thuyền nhỏ vào kiếm thức ăn thế nên mới sống sót. Ngài và công chúa cùng tuỳ tùng ở trên đảo gần năm. Mấy trăm năm sau, người Pháp ra thám hiểm và đặt bia chủ quyền còn thấy một dòng chữ khắc trên đá san hô: Đại Việt Trần thượng tướng quân cùng Huyền Trân Công Chúa lưu tự.   

       Tháng mười năm ấy, có một cơn bão muộn đã vô tình thổi trôi dải cát, thuyền lớn thoát cạn. Trần thượng tướng cùng tuỳ tùng đưa thuyền ngược bắc. Mấy tháng sau họ về đến Thăng Long. Tính ra, kể từ lúc Trần thượng tướng vâng mệnh đức vua Trần Anh Tông vào Chiêm Thành đón Huyền Trân Công Chúa đến khi về tới kinh thành là một năm lẻ mười một ngày.

      Huyền Trân Công Chúa về Thăng Long, bái lạy tổ tiên rồi xuất gia ở núi Trâu Sơn.

     Trần thượng tướng về ở hẳn trại Bạch Mai, không tham chính. Ngài mất năm 1330.

     Mười năm sau, 1340, Huyền Trân Công Chúa viên tịch. Di chúc lại đem tro cốt về táng trong trại Bạch Mai, cạnh mộ Trần thượng tướng.

    Tết năm vừa rồi, có một sự lạ trong nhà tôi. Hôm hăm tám tết, tôi lên đường Lạc Long Quân, đất đào Nhật Tân cũ, mua một cành đào phai rất đẹp. Dày nụ, lắm lộc. Tôi mang về nhà cắm lọ, cho nước ấm, tưới thêm chút bia. Trong lòng chắc mẩm mấy hôm nữa đào nở đẹp phải biết. Nhưng rất lạ, tết, qua tết, đến tận rằm tháng giêng, cành đào vẫn chả nở một bông nào. Những nụ đào cứ héo dần đi, quắt lại, như bị hơ lửa. Tôi hoang mang, đã mấy chục năm nay chơi đào, chưa khi nào tôi gặp trường hợp như thế này. Thế nhưng cây chi mai tôi mang từ nhà ông bạn dưới khu trại Bạch Mai cũ về thì nở trắng xoá. Hàng đêm, tôi vẫn ra đứng bên cửa sổ ngắm nhìn. Có lúc mất điện, hoa trên cây rực lên trong đêm, ánh hào quang lung linh và mùi hương thanh khiết toả ra…

       Hôm gặp người tình đầu xuân, tôi kể cho nàng nghe. Nàng bảo: “Anh không biết sao, mai trắng là chúa của mọi loài hoa. Một khi chúa hoa đã nở thì các loài hoa khác phải cụp cánh. Không dám khoe sắc.”

      Tôi bỗng ngẩn ngơ. Thật vậy sao?

Đêm hôm ấy, tôi lại đứng cạnh cửa sổ ngắm cây chi mai. Hoa đã tàn hết từ mấy hôm rồi. Tôi nhìn vô định vào chậu cây. Chợt tôi thấy một nụ hoa duy nhất còn lại trên cây từ từ nở ra, nở ra, bung cánh trắng muốt. Và hương thơm thanh tao quyến rũ bỗng tràn ngập cả đêm xuân yên ắng.

 

3/2016.
Trần Thanh Cảnh

 

 

 

*Lời một bài ca Huế cổ, tương truyền do Huyền Trân Công Chúa viết trên đường vào Chiêm Thành.

 

Ý kiến bạn đọc
20 Tháng Tám 20196:06 SA
Khách
Hay quá nhà văn ơi! Em cũng lạc trong mạch câu chuyện. Đọc mà không phân định được thật và ảo. Em cũng là hậu duệ nhà Trần. Em vẫn luôn thắc mắc, không biết là hiện thân của ai? Vì có mấy thầy đồng cốt nói với em rằng, con gái nhà Trần đầu thai là để trả nợ nghiệp của dòng họ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 29447)
...Làn da của Khánh dưới lớp áo kimono ngăm một cách chậm rãi, sẫm dần theo bóng râm hắt vào phòng. Giống chúng muốn biến mất sau khi tôi vừa nhìn ngắm. Giống chúng đã khô đi ở lớp vỏ ngoài dù vẫn hô hấp bằng hơi thở trẻ thơ. Tôi biết thiếu nữ vẫn còn là một đứa trẻ dù đã làm đàn bà. Làn da của nàng duy nhất. ‘‘Làn da của tôi bảo tồn từ sau 75.’’ ‘‘Làn da của tôi thay đổi rất nhiều từ ngày ấy.’’
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 31597)
Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đã gặp ông lão ở đây. Đúng chỗ cái bến sông này. Có điều ngày đó, ở đây chưa có cây cầu bắc qua sông. Sở dĩ tôi dám chắc như vậy vì hôm đó lúc bị muộn đò, tôi cứ đứng nhìn chân chân sang cái cây cao vút đen thẫm chơ vơ bên kia bờ.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 30506)
Căn hộ tầng mười bốn. Ở giữa lưng chừng trời. Thành phố bàng bạc xám bên dưới còn chưa thức giấc. Và hình như cũng chưa hề hay biết về một cơn bão đã mon men đến rất gần. Nàng ngồi thu mình trong thứ ánh sáng lờ lợ rạng đông. Không hẳn là bóng đêm nhưng cũng chưa thể gọi là bình minh.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 31674)
Phú chạy dọc bờ biển Nha Trang ngăn đôi bãi cát với một dẫy những khách sạn cao tầng. Chiều xuống. Nắng còn gắt lóa trên mặt biển phía xa sau dẫy cây bàng rậm lá. Từ khách sạn Hải Yến đi ra có hai người bận đồ tắm, một đứa bé con giắt tay một ông già đi về hướng biển.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 29092)
- Mấy anh à, kiểu thơ hiện đại này như virút gây bệnh dị ứng thơ, đọc xong hổng còn biết thơ bây giờ là chi ráo trọi. Bây giờ tui mới hiểu tại sao báo chợ miễn phí chuyên sài thơ lục bát vần vè zui zui… Thôi, dẹp cái chuyện văn học cách tân này đi cho rồi!... Họ ríu rít như chim...trong văn chương Giao Chỉ quận Cam ở độ phải cách tân cho kịp trào lưu hậu hiện đại.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 35295)
...Nước ấm nhấp nhô ve vuốt ở bờ ngực, nơi mà không lâu trước đó nó cũng được vuốt ve bởi đôi bàn tay, bởi môi hôn cuồng nhiệt. Trò chơi chấm dứt trong rã rời, giờ này nó được đền bồi bằng một ngơi nghỉ thực thụ. Nó cần phải tẩy xóa, kỳ cọ đi dấu tích. Những lỗ chân lông sẽ giãn nở để da thịt thôi bám lấy mùi mồ hôi, thôi dính nhờn những tinh dịch vung vãi. Người đàn bà nhắm mắt...
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 34707)
LTS: Minh Hà tên thật là Nguyễn Thanh Phong sinh viên khoa sáng tác tại Hà Nội. Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, bằng một lối hành văn gọn, mạnh và nhiều hình ảnh, anh đã dẫn câu chuyện rất lôi cuốn từ những dòng đầu tiên... Chúng tôi hân hạnh gới thiệu tác phẩm "Vực thẳm" của Minh Hà đến quí độc giả. TCHL
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 31608)
Gần nhà Thiên An có một cái hồ nằm đối diện khu nghĩa trang mênh mông phía dưới chân đồi. Dân trong thành phố gọi đó là hồ dĩ vãng. Ít người tìm hiểu tại sao lại có tên như thế. Nhưng họ bảo nhau rằng nếu ai ngồi bên hồ vào lúc mặt nước bất chợt chuyển động xoáy tròn thì sẽ nhìn lại được quá khứ của mình. Vòng bờ hồ ngoằn ngèo tua tủa như răng cá sấu nhưng lại làm tăng vẻ huyền ảo kỳ diệu của mặt nước xanh biếc lá cây. Hình như mọi người có thói quen quay đầu nhìn lại sau lưng mặc dù đôi bàn chân phải bước về phía trước. Nên thành phố giàu hơn nơi khác nhờ du khách tò mò về hồ dĩ vãng. Họ đến đấy để hi vọng tìm lại được quá khứ đã ngủ yên.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 36713)
Người phụ nữ Nhật ngồi trên hai gót chân mình, bà cúi đầu thật sát vào hai bàn tay úp trên mặt chiếu, bà chào khách. Mười người khách ngồi chung quanh chiếu tatami , họ lễ phép cúi đầu chào lại, sau lưng họ những cánh cửa Shoji khép kín. Trong chiếc kimono cổ truyền, bà thong thả cử hành nghi thức pha trà.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 28935)
Sáu tấu khúc của một tuổi hoa niên đến khi chấm dứt vẫn là đột ngột. Tôi từng tự hỏi nén được không những thứ như tình yêu, quá khứ, kỷ niệm và cả mặt đại dương đã tràn vào phố? Tôi tự trả lời là một giọt nước mắt cắt làm sáu khúc vẫn giữ nguyên những óng ánh trong suốt của tuổi thơ và niềm chua xót. Viết là một hành động thao thức. Viết thành truyện là mang trả cho đời sống những gì đời sống đem đến: sự khắc khoải của chính mình. (Trầm Hương)