- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Truyện Ngắn Thái Thanh

14 Tháng Tám 20199:09 CH(Xem: 19812)

THAI THANH
Nhà văn Thái Thanh

LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Thái Thanh tên thật là Tạ Thị Thái Thanh. Quê ở Qui Nhơn, Bình Định. Năm 1979 là giáo viên dạy ở Hoài Ân tỉnh Bình Định, năm 1986 buôn bán nhỏ tại chợ Lớn Qui Nhơn. Hiện đang sống tại Sài Gòn cùng gia đình. Văn của Thái Thanh mộc mạc chân tình. Qua những câu chuyện của Thái Thanh bạn có thể  bắt gặp những mảnh đời vui buồn chung quanh, đôi lúc chính mình. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quý độc giả và văn hữu hai truyện ngắn “Gìa Thì Giống Nhau Mà” và “ Một Kỷ Niệm Xưa”  của người viết Thái Thanh.

TẠP CHÍ HỢP LƯU

 

GIÀ THÌ GIỐNG NHAU MÀ...

( Vu lan 2019 viết khi nhớ mẹ thương yêu)

Mẹ tôi ít muốn làm phiền đến người khác... Sau khi ba mất. Bảy anh chị em nhà tôi người nào cũng thương mẹ, có hiếu với mẹ nên muốn phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già. Nhưng mẹ lại cứ thích và muốn ở với tôi. Đứa con gái thiếu hụt nhất trong nhà.

Thời đó nhà tôi chưa có ĐT bàn. Anh ba tôi được công ty cho đi du lịch ở đâu anh đều dẫn mẹ đi theo. Hôm đó anh được đi biển Nha trang mà mẹ thì đang ở với tôi tại Quy nhơn. Tôi đưa mẹ lên Tàu Chợ ở ga Quy nhơn, tôi tìm chỗ cho mẹ ngồi rồi tôi đứng đó chờ tàu chạy. Nhưng mẹ cứ hối: " Con dìa đi buôn bán kiếm ít đồng đi, má tự đi được". Tôi không an tâm nên đứng bên dưới chờ tàu chuyển bánh, rồi vẫy tay với mẹ cho đến khi tàu chạy xa khuất... Mẹ đến nơi an toàn vì có anh Ba ra đón.

Hồi ấy mỗi lần đi xe vào SG rất cực, xe nhỏ ngồi chen lấn chật hẹp. Có một lần mẹ được chị tôi mua cho một vé máy bay để vào SG chơi. Chỉ một vé cho mẹ thôi vì rất đắt mà tôi thì mắc buôn bán, đi đâu lại còn có hai đứa con đi kèm nên không thể mua thêm. Tôi đạp xe đạp chở mẹ lên chỗ xe đưa đón khách của hãng Hàng không ở Quy nhơn. Xe chạy, tôi mới đi về.

Mẹ đi một mình lên sân bay Phù Cát, tự làm thủ tục để lên máy bay vào SG. Lúc ấy là 9g sáng.

Đến 7g tối, thằng Hải em trai tôi gọi điện về, tôi chạy qua nhà hàng xóm nghe máy, nó báo là đón không thấy mẹ đâu. Hoảng hồn tôi chạy ra Bưu điện gọi lên sân bay Phù Cát, thì ra máy bay hoãn chuyến bay trễ hơn nên đến 8g tối mới bay... Mẹ tôi không có tính ăn vặt ngoài đường ngoài xá. Từ nhỏ hai chị em tôi thuộc nằm lòng câu ví von của mẹ: "...Ra đường trăm vật trăm ngon, từ từ cái miệng cho chồng con nó nhờ..." nên chị em tôi cũng không có tính ăn hàng ngoài đường. Hôm ấy, mẹ cứ ngồi yên đó chờ cho tới khi máy bay bay đến tối mới vào đến SG. Hồi đó nghĩ đến mẹ phải nhịn đói suốt gần cả ngày, tôi vừa thương vừa giận mẹ. Sao mẹ lại kỳ cục vậy không hiểu nỗi.

Bây giờ tôi bằng tuổi mẹ hồi đó. Con gái tôi mỗi lần thấy tôi hà tiện không dám tiêu xài nó đều bảo. "Mẹ y Quại hồi đó!" Ngẫm lại. Nếu tôi gặp tình huống lỡ đường bất tử như vậy. Chắc chắn một điều, tôi cũng sẽ chẳng dám đi đâu và sẽ nhịn đói cho đến lúc vào đến nơi. Tôi giống mẹ keo kiệt khiếp lắm... nhưng mẹ còn lanh hơn tôi, mẹ đi đây đi đó một mình được. Còn tôi không dám đi nên đến bây giờ tôi cứ quanh quẩn ở xó nhà chẳng biết nơi đâu.

Mẹ tôi có tính tiết kiệm, ăn uống lúc nào cũng nhường món ngon cho chồng cho con ăn. Khi ba tôi mất, quần áo mới mẹ cứ cất tủ cho đến khi mất còn mới tinh, có cái mẹ chưa mặc. Tôi bây giờ y chang như mẹ, lâu rồi tôi cứ nghĩ rằng mình không có chồng có con nên đâu cần chưng diện làm gì. Con gái tôi thương mẹ nên nó sắm cho mẹ toàn bộ quần áo, son phấn... Tôi đơn giản không phấn son chưng diện... Nên đến hôm tôi dọn nhà tôi lôi ra đồ mới còn quá nhiều, áo quần đẹp, cả đồ lót phụ nữ còn nguyên lố lố mới kít. Tôi không thể mang hết vào SG nên tôi cho từ thiện hết toàn bộ. Tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu tôi chết, con tôi nó sẽ chôn hết đống đồ này theo tôi như mẹ.

Mẹ tôi là một phụ nữ xinh đẹp. Chị tôi giống mẹ nhưng vẫn không đẹp bằng mẹ. Còn tôi thì không giống mẹ nên xấu xí nhất nhà. Nhưng mẹ tôi không hề biết làm đẹp ( cái này thì tôi y chang mẹ). Mẹ không bao giờ son phấn, uốn tóc hay làm gì cho khác một chút. Nhưng nhờ mẹ rất đẹp, rất sang nên chỉ cần mẹ mặc một bộ đồ mới là mẹ đẹp tuyệt rồi. Phải chi tôi đẹp như mẹ thì đỡ biết mấy, vì tôi đã xấu lại rất vụng về không hề biết làm đẹp chút nào dù là việc nhỏ như nhổ chân mày, tôi cũng để nguyên y chưa bao giờ biết nhổ. Ba tôi thương mẹ nên mẹ đơn giản như thế ba vẫn thương. Còn tôi thì bị chồng chê từ khi còn son trẻ. Thế nên số phận thì chẳng ai giống ai.

Con gái tôi nó cứ phải " tân trang" cho mẹ cho gột bớt lần cái chất " cù lần" . Nó bảo: " Mẹ y chang như Quại, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc... Đâu có đói khổ nữa đâu mà mẹ cứ phải như vậy". Tôi sống đơn giản mà lại thích sống như thế mỗi ngày. Mà giờ tôi cũng đã qua rồi thì son sắc nên bây giờ tôi sẽ sống theo ý mình mà thôi.

Nghĩ đến mẹ rồi nhìn lại mình. Tôi thấy:

Ừ , mà giống thiệt vì tôi nay cũng đã già già rồi.

Già thì phải giống già phải không ta...

Thái Thanh

 

 

 

MỘT KỶ NIỆM XƯA

 

 

Khi đến tuổi chiều, người ta thường thích đơn lẻ một mình, thích lặng ngắm trầm tư về năm tháng cũ của ngày xưa. Năm nay tôi đã gần tròn 60, cái tuổi về chiều. Có những điều rất gần, rất quen thuộc hằng ngày mà sao tôi lại lẫn quên nhưng có những điều rất xa trong quá khứ mà sao cứ còn hoài còn mãi ở trong tôi.

Hồi ấy tôi chỉ mới học lớp đệ tứ, tuổi đời vừa chẳn trăng rằm. Hồi ấy, tôi là cô nữ sinh Nữ trung học Ngô chi Lan mà người người thường gọi một cách âu yếm là nữ sinh " Ngu chi Lạ".

Hồi ấy đi học, dù trường xa cách mấy chúng tôi cũng đi bộ đến trường chứ không đi xe máy như bọn trẻ bây giờ. Nữ sinh Ngô chi Lan đi học, lúc nào cũng mặc áo dài trắng thướt tha, sạch sẽ tinh khôi như những bông hoa trắng, suốt cả tuần.

Tôi 15 tuổi hồi ấy thật sự đúng là ngu chi lạ nào biết tình yêu là gì !? Nhưng cũng đã đến tuổi tò mò muốn biết xem hương vị nó thế nào. Trái cấm bao giờ cũng hấp dẫn cơ mà...

Hồi ấy nhà chàng ở trên đường tôi đi học mỗi ngày. Cổng nhà chàng có giàn hoa giấy trắng trong rất đẹp, có cái bảng hiệu to đùng màu đỏ chót trên cao với cái tên ngộ nghĩnh là "Đồng ý ".

Tôi với Linh Lan những buổi tan trường về áo dài trắng tung tăng như cánh bướm. Linh Lan học cùng lớp với tôi nhưng lớn hơn tôi hai tuổi, tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu. Thế nhưng nhỏ lại xinh đẹp, điệu đàng trông rất đáng yêu. Do vậy nên tuy mới học lớp chín nhưng nàng đã " lắm người theo" còn tôi thì hầu như chả ai để ý. Tuy vậy, nhưng tôi không lấy làm buồn mà lại rất thân với nhỏ, lòng tôi chưa bao giờ nhuốm lên màu ganh tị bạn.

Hồi ấy khi ngang qua nhà chàng, cả hai đứa chúng tôi đều thích cái giàn hoa giấy trắng uốn lượn và cái bảng hiệu "Đồng ý" bên dưới. Nhỏ Linh Lan e lệ thường nói nho nhỏ "Đồng ý không T". Tôi đúng chất là con gái Bình định dũng cảm dõng dạc hét to "Đồng ý" rồi hai đứa phá ra cười nắc nẻ. Khi ấy nhìn qua song cổng, chúng tôi thấy chàng mặc quần xà lỏn , áo mayo, đang ăn xoài sống chấm mắm ruốc ngon ơ. Chàng ngẩn lên nhìn, cặp kiếng cận trễ xuống và ngớ ra trước đôi mắt tinh quái của tôi với tiếng cười hai đứa.

Và như thế hôm nào cũng thế, chúng tôi đồng thanh đọc bảng hiệu trêu chàng. Nhưng từ hôm ấy chàng thì không như thế nữa, chàng thay đổi phong cách, không ngồi ăn cái món xoài khoái khẩu nữa. Chàng mặc áo sơ mi quần dài, ngồi ghế mây trước cổng chờ đợi. Dần dần sau này tôi mới biết chàng đang học lớp đệ nhất trường Cường để, mà học sinh trường Cường để thì rất được bọn nữ sinh chúng tôi ngưỡng mộ. Cũng như bao chàng trai khác thời ấy chàng đã say nắng cô bạn gái xinh đẹp của tôi tự lúc và Linh Lan mặc dù nhỏ luôn có ong bướm lượn quanh mình nhưng nhỏ cũng xao xuyến bởi chàng...

Cho đến một buổi chiều, trời thu gió mát, chàng gởi cho L Lan một lá thư tình để làm quen. L Lan mắc cỡ nên chẳng dám cầm thư, tôi thấy chàng luống cuống tội quá nên tôi cầm hộ lá thư giúp chàng. Tôi không nhớ là thư chàng viết gì, chỉ nhớ là chàng đã viết là một bài thơ. Khổ nỗi người trả lời thư cho chàng lại chính là tôi, cả nét chữ cũng là của tôi, chỉ ký tên bên dưới là Linh Lan. Vì tội tôi lớn lắm đã to miệng hét hai chữ "Đồng ý" làm chàng chú ý. Tội tôi nhanh nhẩu cầm hộ thư chàng và rổn rảng nói chuyện trên trời dưới đất với chàng. Tội tôi chữ nghĩa rõ ràng ,văn vẻ nhẹ nhàng , đã từng viết thư tình hộ cho nhỏ Sang ở lớp. Chao ơi! tình yêu của nó mà nó buộc tôi phải viết đây nè. Tôi cắn bút rặn hoài mà không ra chữ. Cuối cùng tôi đành "ăn cắp" thơ của Huy Cận bốn câu mà tôi rất thích để trả lời:

Em ép trong sách vở 
Một chút gì hắt hiu 
Nhiều khi hồn bỡ ngỡ 
Hình như là Tình yêu...

Tôi ghi tên Linh Lan ở dưới, Linh Lan không thích thơ, nên cứ tưởng của tôi làm nhưng chàng là dân thơ nên chàng biết đây là thơ " cop". Khi người ta yêu người ta bỏ qua tất cả, rồi thư đi thư lại nhiều lần... Trả lời thư những lần sau đều chính tôi là tác giả. Cho đến những lần cả hai hẹn hò dưới bãi cát vàng ngoài biển, dưới gốc cây dừa cũng có mặt tôi. Hồi đó sao tôi ngu lắm, cứ ngồi chung chỗ hẹn hai người, cả hai người thì nói chuyện trời mây non nước, còn tôi thì ngồi xơi hết lon đậu phộng luộc một cách ngon lành. Tình yêu cứ thế nẩy mầm, lớn lên xanh tốt.

Tháng 3 năm 1975 miền trung chiến tranh nổi lên khốc liệt. Ở Quy nhơn người người thấp thỏm, xôn xao trước quyết định sẽ đi hay ở. Bảng đen, phấn trắng, thầy cô bạn hữu ở trường cũng rời rã, thưa thớt âu lo. Nhà tôi có xe tải lớn, những ngày cuối tháng 3, chính tay ba tôi cầm lái chở những chuyến xe từ Quy nhơn vào Sài gòn di tản. Nhà Linh Lan cũng đã dọn đi, nghe bạn bảo rằng đi sớm để tránh bom đạn chiến tranh. Những ngày cuối chỉ còn lại tôi và Dĩ Kha ( tên của chàng), chúng tôi ngồi bó gối ở bãi cát vàng nhìn ra biển xa khơi mà nghe tiếng bom đạn, tiếng súng nổ thật gần. Tôi đã bớt xí xọn tía lia cái miệng mà lắng nghe Dĩ Khang tâm sự về mình. Ba anh là một sỹ quan quân đội VNCH đã mất tích từ năm 1968 đã có giấy báo tử nhưng anh biết rõ rằng ba anh còn sống. Có một đêm khuya, mẹ và anh đã nghe trộm đài Hà nội trong Radio, đúng là tiếng nói và tên của ba anh, nhắn cả nhà là ba vẫn còn sống và được đối xử rất tốt ở miền Bắc. Tôi nhìn gương mặt Dĩ Khang, đôi mắt u buồn nhìn rất đỗi xa xăm mà thương cảm.


Những ngày còn lại của tháng ba, tôi cùng anh chị em trong nhà di tản trước vào Ngã ba Thành tị nạn. Ba tôi vì thương cho nhà bác, nhà cô, nhà cậu của tôi nên đã quay lại chuyến chót để đưa họ đi. Chiến tranh khốc liệt mỗi lúc một cận kề. Chuyến xe cuối cùng chở ba tôi, mẹ tôi, chị tôi và bà con nội ngoại đã đi giữa lằn tên mũi đạn kinh hoàng. Cái sống và cái chết chỉ còn trong gang tất. Tôi đã cảm nhận được nỗi hãi sợ chiến tranh, tôi thấp thỏm lo âu và cầu nguyện từng phút. Có lẽ Bồ tát đã nghe được tiếng cầu nguyện của tôi nên đã đưa được chuyến xe của ba đến Ngã ba Thành được bình an.


Ngày 31 tháng 3 năm 1975 thị xã Quy nhơn hoàn toàn thất thủ, đoàn quân Bắc Việt lần lượt tiến vào Nam.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 Sài gòn lại bị thất thủ, toàn lãnh thổ Miền nam Việt nam rơi vào tay Bắc quân. Những ngày tháng di tản , cả nhà chúng tôi sống chật vật thiếu thốn , nên ba tôi quyết định chở cả dòng họ quay về. Nhờ có xe tải của nhà, nên chúng tôi về đến Quy nhơn trước hết mọi người. Trên đường về tiếng súng đã lặng yên nhưng hai bên đường xác người nằm la liệt. Những người lính thất thủ chạy ra đón xe ba tôi xin nước uống , xin thức ăn .Những người lính Cộng hòa còn mặc áo chiến trận nằm chết la liệt bên đường không một nén nhang, không một giọt nước mắt của người thân bên cạnh..Xe về đến Quy nhơn vào buổi tối , thành phố cúp điện tối đen không một bóng người .Một thành phố đầy âm khí , chết chóc bao trùm .
Đêm ấy rất dài tôi không ngủ được, trời vừa hửng sáng tôi đã dậy và đi ra khỏi nhà. Tôi lang thang một mình ra biển, đến trường. Cổng trường Nữ mở toang hoang vắng, xác người nằm chết trong sân dưới hàng Dương liễu đầy la liệt. Phía sát cổng, những nấm mộ chôn vội vàng trong sân hoang lạnh cũng không một nén nhang. Tôi đứng ngẩn ngơ trước cổng chỉ một mình, không dám vào sâu trong trường. Tôi lại đi dần ra biển, chiếc xe tăng giao tranh trong cuộc chiến nằm sát trong bờ sóng vỗ. Xác người lính nằm chết cảnh thê lương. Biển hôm ấy sóng vỗ rất to, dập dềnh vào bờ cát trắng, xác những người lính chết oan thê thảm. Trời tháng tư không nắng mà u sầm, biển tháng tư mà không người đi tắm, phố tháng tư bên đường cây cối xác xơ, nhành Phượng vĩ chưa nở hoa đỏ. Tôi lặng buồn nước mắt nuốt vào tim.

Mấy tháng sau biến động, người người về lại chốn quê nhà. Lịch sử đất nước đã sang trang, tôi tiếp tục đến trường để học. Trường của tôi bây giờ không còn là trường Nữ như xưa nữa, mà trộn lẫn tất cả trường khác có cả nam sinh. Các bạn xưa đã tứ tán không còn chung lớp cũ, thầy cô giáo cũng đã thay người mới, tất cả đã đổi thay, có kẻ được người mất khóc cười bên nhau. Linh Lan cũng theo gia đình chuyển hẵn vào Nam, ba của Lan là một Việt cộng nằm vùng có công rất lớn với chế độ đương thời. Nhà Dĩ Khang thì ngược lại, thuộc diện ngôi nhà của người "có tội với nhân dân" nên không được ở đó nữa mà ở một căn nhà khác nhỏ hơn, chờ ngày đi kinh tế mới. Giàn hoa giấy và bảng hiệu Đồng ý đã bị phá bỏ, nhà được trưng dụng ngăn che thành nhà tập thể cho cán bộ ở. Ba anh cũng mất tăm không có ngày về. Dĩ Khang cùng gia đình đi vượt biển nhưng không thành, bị bắt. Cả ba chúng tôi mất liên lạc nhau từ đó.

Tôi học tiếp 3 năm Cấp ba, học hành sa sút. Tôi thi rớt đại học, giấy báo "nghĩa vụ lao động" thay cho giấy báo đậu đại học đã làm cho ba tôi rất lo lắng. Cuối cùng nghe lời ba, tôi nộp hồ sơ vào Sư phạm vì lúc này ngành giáo rất thiếu. Tôi trở thành cô giáo ở miền núi xa xăm với đám học trò nhỏ của mình. Rồi tôi bỏ dạy lấy chồng, sinh con , rồi... cô độc một mình với những ngày vất vả cơm ăn áo mặc để nuôi con... Tôi không có thời gian thơ thẩn như xưa, tôi quên hết những ngày xưa xa xôi ấy...

Năm năm sau ngày tôi lấy chồng, vào tháng 9 năm 1985 trong một đêm khuya khoắt, đứa con gái út của tôi bị sốt rất nặng. Hồi đó thuốc thang rất hiếm, trước đó tôi đã bồng cháu đi khám chui ở nhà bác sỹ tư. Vì khám chui nên bữa được, bữa mất, đến phút cuối bác sỹ lắc đầu và bảo cho cháu nhập viện. Ba cháu không có nhà, tôi gởi đứa con lớn cho bà ngoại rồi bồng đứa bé đi trong đêm đến bệnh viện. Con gái tôi chỉ mới 9 tháng tuổi , cháu nằm phòng Cấp cứu .Cái đầu tròn trắng lơ thơ mấy sợi tóc, bác sỹ đã tiêm thuốc thẳng vào các đường gân xanh trên đó .Hồi ấy tôi gầy nhom, má hóp, hai mắt trỏm lơ, không thiết gì ăn uống dán mắt vào cửa kính của bệnh viện thắt thỏm từng giây. 

Qua đêm sau, một người đàn ông bế xốc đứa con của mình nhập viện. Đứa bé sốt cao cũng nằm phòng cấp cứu như con tôi. Tôi sững người khi nhận ra người đàn ông ấy chính là Dĩ Khang. Cả hai chúng tôi cùng nhận ra nhau nhưng trong giờ phút căng thẳng của phòng cấp cứu, chúng tôi không nói được nhiều lời với nhau. Con gái tôi lúc đầu phát bệnh là Viêm phế quản nặng, nhưng khi nhập viện thì tôi chẳng biết cháu bị bệnh gì. Con trai anh lớn hơn con tôi 1 tuổi, cũng bị bệnh y như vậy.


May mắn cho tôi đêm ấy tôi gặp bs Trung , BS Trung là bác sỹ miền Bắc đi du học ở nước ngoài về, tôi quen được vì bs là chồng của bạn tôi. Tôi đã nhờ Bác Trung giúp cho tôi. Bác sỹ vào phòng cấp cứu và khám cho các cháu khoa Nhi. Biết rõ bệnh của con gái tôi, bs Trung đã ra ngoài nói nhỏ với tôi " Bệnh của cháu phải dùng thuốc ấy ( tôi không nhớ ) thì chữa kịp thời. Nhân đó anh cũng hỏi bs Trung khám cho con anh, bác sỹ bảo cháu cũng như thế, rồi bs ghi toa thuốc cho tôi đi mua. Nhưng thuốc này mua rất khó, vì năm đó việc buôn bán thuốc không được cho phép toàn là bán chui .Thấy vậy bác Trung mang cho tôi 2 chai để chích cho cháu, nhà bác chỉ còn mỗi 2 chai. Tôi nhìn đôi mắt thắt thỏm của Dĩ Khang lúc đó đầy sự khổ đau van nài , câm nín.

-Bác sỹ ơi chuyền 1chai có đủ không ạ?

- Có thể mà cũng không thể vì nếu sức đề kháng tốt cháu sẽ qua .

Không lúc nào tôi thương đứa con gái bé bỏng của tôi bằng lúc này, tôi không thể đánh cược mạng sống của con tôi , tôi phải dành trọn cho con tôi. Lòng tôi dằng xé, tâm tôi bần thần đau khổ khi nhìn Dĩ Khang bật khóc. Một người cha, một người đàn ông khóc, thật đau lòng.

Nhưng may quá con gái tôi đã hồi tỉnh khi chỉ chùyên mỗi một chai thuốc. Đắn đo và suy nghĩ, cuối cùng tôi đưa chai còn lại cho anh. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện Bồ tát Quan Âm, còn anh thì cầu Chúa nhân từ cứu giúp. Cả hai chúng tôi quỳ gối giữa trời mà cầu nguyện theo cách riêng của mình. Có lẽ lòng thành của chúng tôi đã thấu được đấng trọn lành nên đã cứu sống hai cháu được an toàn cho đến ngày xuất viện. Bồ Tát đã giúp tôi vì tôi đã làm một việc ngoài hẳn sức của tôi. Có lẽ nhờ cái ân đức đó mà đứa con gái của tôi sau này lớn lên trở thành một cô gái tuyệt vời. Rất ngoan hiền, hiếu thảo, học giỏi. Nó chính là ngôi sao thắp sâng cho cuộc đời đầy bóng tối của tôi. Ra viện tôi và Dĩ Khang lại chia tay nhau, đầy thương mến, ngậm ngùi.

Rồi thời gian trôi đi, 18 năm sau, với bao điều thay đổi. Các con tôi đã vào Đại học ở Sài gòn. Nhà của ba má tôi đã bán không còn ở chỗ cũ. Tôi đã trở thành một cô bán hàng ở chợ để nuôi con, tôi đang sống cùng mẹ ở Quy nhơn. Dĩ Khang trở về, dắt theo cậu con trai năm xưa để tìm tôi. May sao, những người bên cạnh nhà ba má tôi, biết tôi bán ở chợ nên chỉ giúp cho, nhờ đó nên anh đã tìm ra tôi. Con trai anh lúc này đã 20 tuổi, cao lớn, đẹp trai. Chắc được nhắc đến nhiều lần, được nuôi dạy kỹ, cháu khoanh tay, quỳ gối cảm ơn tôi và gọi tôi bằng mẹ. Tôi mừng vui và xúc động vô cùng. Đây là lần cuối cùng chúng tôi được gặp lại nhau, cha con anh đã có được giấy bảo lãnh đi Mỹ. (Thời đó tôi sống khó khăn và lạc hậu chưa biết xài ĐT, nhà thì đang tranh chấp chỗ ở chưa ổn nên tôi mất hẳn liên lạc nhau).


Đêm cuối cùng Dĩ Khang đưa tôi, mẹ tôi và con trai anh cùng đi ăn ở một nhà hàng nơi khu đầm Đống đa. Rồi chúng tôi ngồi ở bờ kè Phan đình Phùng hóng gió. Dĩ Khang ngập ngừng dường như muốn nói điều gì với tôi. Tôi hỏi bâng quơ:
- Anh còn nhớ Linh Lan không? 
-Nhớ chứ em, anh nhớ rõ cả những ngày tháng cả ba chúng ta bên nhau thời xa đó. Nhưng T ơi, biết là muộn rồi nhưng anh muốn nói thật lòng với em một điều sâu kín nhất trong lòng anh. Người mà anh nhớ và yêu nhất đó là em. Anh biết rõ lòng mình từ năm 75, lúc QN còn trong biến động. Em ấm áp, hiền hòa và như một thiên thần mà Chúa đã gởi tới cho anh... Ngày ấy anh biết rõ người viết thư cho anh chính là em, linh hồn của em đã gởi trọn trong đó. Ngày ấy đã bao lần anh muốn ngỏ cho em, nhưng anh không dám, em như lá ngọc cành vàng còn anh thẳm sâu bóng tối.
-Cảm ơn anh đã nghĩ đẹp về em. Gía như hồi đó mà anh nói với em, có lẽ em sẽ đợi anh về dù cho lúc đó anh có đi kinh tế mới, anh có đi tù. Nhưng số trời đã định anh ạ và tất cả đã qua rồi, ta đã sống và chấp nhận hết những gì ta có mãi cho đến hôm nay. Lâu rồi ta cũng quen và ta cũng vẫn còn được hạnh phúc khi còn ngồi lại bên nhau bình an như bây giờ.

Từ đêm chia tay cuối cùng ấy chúng tôi xa nhau - xa mãi cho đến bây giờ. Tôi mang kỷ niệm ấy, cất sâu tận đáy lòng mình , trân trọng và thương yêu mãi. Một kỷ niệm xưa trong đời tôi có được để nhớ nhung. Tôi vẫn mong, cõi đời này còn cho chúng tôi có được mối Duyên lành để còn gặp lại nhau lần nữa, nhưng con đường đi còn lại đã ngắn dần cùng với thời gian...

Thái Thanh

 

 

Ý kiến bạn đọc
06 Tháng Mười Hai 20198:38 SA
Khách
Cảm ơn Oanh đã khen hình Thai Thanh nha. Mong được bạn đọc văn Thai Thanh. Hình chụp Thai Thanh chụp năm 46 tuổi. Bây giờ đã 61 tuổi rồi không như xưa nữa đâu. TT xin lỗi vì đến hôm nay mới trả lời bạn vì đến hôm nay Thai Thanh mới mở được Hợp lưu net đó. Chúc an vui nha
06 Tháng Mười Hai 20198:33 SA
Khách
Cảm ơn Le minh Hiền nhiều lắm nha. TháiThanh xin lỗi đến hôm nay mới đọc được tin nhắn của anh vì đến hôm nay mới mở được Hợp lưu net. Chúc anh vui khỏe hạnh phúc mỗi ngày nha.
20 Tháng Chín 201912:55 SA
Khách
Mình tên Lê Minh Hiền. Trên bạn hai lớp đã từng học tr. Cường Để. Hay đạp xe ngang trường bạn! Đồng hương thì dễ đồng cảm bạn nhỉ. Cảm động lắm. À mình cũng có thơ đăng ở đây. Chúc bạn cùng gđ hai cháu luôn vui, khỏe nhé!
21 Tháng Tám 20199:33 SA
Khách
mình chưa đọc nhưng xem hình thấy Thái Thanh đẹp quá, lại có nét hao hao giống ca sĩ Thái Thanh 'tiền bối'!
cs Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy thì không còn gì để nói, vậy văn của Thái Thanh 'hậu bối' chắc là không tệ ?
Mình sẽ đọc và gửi comment sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Tư 20216:58 CH(Xem: 11625)
Từ trung tâm Luân Đôn, hãng tuyển dụng do tòa báo X thuê gọi cho một nhà báo là tài năng của hãng BBS (Bờ bờ Sông) có trụ sở quốc gia đặt tại xứ Tô Cách Lan: “Này, bọn keo đó trả cô cậu bao nhiêu một năm?” “Dạ ngần này ạ”, tài năng đáp. “Cái gì? Thật chó chết! À, chỉ định nói là chết tiệt thôi, gấp rưỡi nhé?”, nhà tư vấn tuyển dụng bảo. “Ôi tuyệt vời ạ! Em đang trên mặt Trăng ư?,” tài năng đáp, ngất ngây.
14 Tháng Tư 20216:52 CH(Xem: 11054)
Ngày tôi theo chồng đến thành phố này sinh sống, vì thường nhớ nhà nên tôi cũng thường khóc bởi cảnh vật nơi đây quá im lìm và hoang vắng đúng như cái tên Buồn Muôn Thuở mà người nào đó đã đặt. Tôi có nhiều bạn ở quê nhà nhưng ở thành phố này tôi chưa có bạn. Người bạn gái đầu tiên tôi quen là người Thượng còn rất trẻ tên là Sai Luông. Sai Luông một tuần một lần đem rau muống từ trong buôn làng của cô ra chợ Ban Mê Thuột bán. Sai Luông chỉ bán mỗi một thứ là rau muống thôi. Mỗi lần đi bán như vậy, Sai Luông gùi trên lưng hai mươi lăm bó, có đôi khi hơn được một vài bó. Tôi nghĩ, Sai Luông bán như vậy sẽ không được bao nhiêu tiền nên tôi thường mua ủng hộ mỗi lần ba bốn bó. Mua riết rồi Sai Luông và tôi quen nhau.
12 Tháng Tư 202111:48 CH(Xem: 11146)
Thầy tôi là anh trai tráng trong làng, học cuối đệ nhất cấp, lớp đệ tứ, tức lớp 9 bây giờ, thầy về làng dạy học. Ngôi trường- đình làng đó cách xa với khu dân cư, nó tọa lạc trong khu đất rộng. Ban ngày, khu đó náo nhiệt với lũ học trò chúng tôi, quậy lên đó không khí của sự sống, vô tư hồn nhiên. Nhưng khi bóng chiều buông xuống thì khu đình đó bước sang một thế giới khác, thế giới của loài dơi, của lũ chim ăn đêm và là thế giới của sự tưởng tượng, hoang tưởng phong phú của con người.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 12383)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 12146)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
31 Tháng Giêng 202112:30 SA(Xem: 12728)
Hắn ở một tỉnh xa, mới chuyển về thủ đô chưa lâu. Do công việc. Nhưng cũng đã kịp hòa nhập ngay với vài nếp sống kinh kỳ. Người kinh kỳ thanh lịch, tết đến không chỉ là ăn, mà chủ yếu là chơi tết. Tết đến xuân về là phải đi chợ hoa. Ngắm và mua một vài thức gì đó mang về bày ngắm chơi, nghênh xuân.
23 Tháng Mười Hai 202012:01 SA(Xem: 12180)
Một vụ án mạng cực kỳ nghiêm trọng xảy ra hồi tối hôm qua ở bưu điện y. Nạn nhân là hai cô gái độ khoản 23 tuổi, là nhân viên bưu điện. Hai nạn nhân bị giết bởi một dụng cụ đặc biệt, hung thủ đã cao bay xa chạy. Cơ quan chức năng đang điều tra để làm rõ sự việc vụ án.
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14429)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14197)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14173)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...