- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐUỔI THEO BÓNG NẮNG

23 Tháng Tư 201910:21 CH(Xem: 18232)



BAT NHAN
Bát nhang - ảnh Internet



Nhà tôi ở sườn đồi, nhìn xuống dòng sông Mã. Cha tôi kể rằng, xưa kia đây vốn là vùng chuyên quy tập hài cốt bộ đội hy sinh. Sau này, đất chật người đông, những cặp vợ chồng trẻ tuổi, nghèo khó như cha mẹ tôi ra đó tìm mảnh đất cắm dùi. Rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên được cha tôi làm lễ, quy tập thành một nghĩa trang riêng do chính bà con xóm núi hương khói. Chuyện gia đình, ngôi làng nhỏ bé của tôi là những nỗi đau thương nối dài không hồi kết. Tôi lớn lên giữa bốn bề sim mua lau sậy điểm xuyết những nấm mồ cỏ xanh ngắt vây quanh. Từ nhỏ, tôi luôn có những giấc mơ kỳ lạ, trùng lặp. Tôi mơ thấy một cô bé trạc tuổi mình, tóc tết đuôi sam mặc chiếc áo hoa đứng bên cửa sổ cười cười, đôi bàn tay nhỏ xinh đưa lên vẫy vẫy. Có lần lại thấy cô bé ấy đứng thẫn thờ mở to cặp mắt đọng nước gọi mẹ, gọi anh rồi đưa tay quệt ngang dòng nước mắt…

Những đêm cha ôm tôi trong lòng, đung đưa cánh võng, tôi thủ thỉ kể lại giấc mơ của mình. Cha bần thần nhớ lại: “Hồi cô Hà nhà mình mất, cũng trạc tuổi con bây giờ. Đó là buổi sáng tựu trường đầy nắng, từ hôm trước bà nội gom tiền bán chum vại mua cho cô chiếc áo hoa dưới chợ phiên. Cô đến trường trong tà áo mới nhưng vẫn tung tăng chân đất. Buổi trưa ấy, khi cả nhà đang theo thuyền đổ hàng trên thượng nguồn thì nghe tin bom Mỹ dội xuống trường làng. Tất cả thầy cô, học trò có mặt vào sáng tựu trường hầu hết đều vùi xác trong bom đạn. Cha về được đến làng, xuống trường tìm cô, chỉ nhận ra cô nhờ manh áo hoa ban sáng rách tả tơi lẫn giữa đống đổ nát hoang tàn. Tiếng kêu khóc, than van u uất cả vùng quê”.

Đó là ngày đại tang khắp miền quê nghèo khó bên dòng sông Mã. Tấm bia đá với dòng chữ đầu tiên “Thù này nhớ mãi không quên” tạc cùng ngày tháng năm và số người chết vì bom Mỹ được dựng lên ngay mỏm núi đầu làng tôi.

“Ngày 27 tháng 9 năm 1969, vào hồi 8 giờ sáng, đế quốc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay từ biển lao vào đánh phá. Sau những chớp lửa xanh lè là tiếng nổ ran, tiếng la hét kêu cứu từ các lán học sinh, ngõ xóm. Giặc Mỹ ném xuống quê hương ta 4 quả bom bi mẹ, chứa 1.280 quả bom bi con làm 68 người chết, trong đó có 44 em học sinh cấp 1, 70 người bị thương. Cán bộ, nhân dân các địa phương lân cận phải góp vải, hòm, ván hỗ trợ mai táng”.

Hàng loạt thi thể oan khuất lần lượt qua các cuộc mai táng ở bãi sông thành dãy dài những nấm mồ trông ra dòng nước cuộn trôi thao thiết. Đau thương chồng chất đau thương. Nhiều năm sau đó, chỉ bởi một giấc mơ của bà nội tôi thường xuyên thấy cô Hà trở về cười nói, khoe vừa chạy chơi từ bờ sông lên, gió còn thổi rung rinh mái tóc mà bà ngỏ ý với cả gia đình cứ để phần mộ của cô gần sông cho cô còn nghe trai gái làng hò sông Mã, nghe tiếng kẻng ông thuyền chài khua cá giữa đêm khuya và tiếng bước chân bộ đội hành quân về làng. Hài cốt của cô không được cải táng lên đồi cao như bao phần mộ của những người xấu số trong làng. Rồi trận lũ đỉnh điểm năm ấy đã san phẳng bến sông, gò bãi. Nước rút, nhìn lớp bùn bồi dày loang loáng phù sa, cả làng đều kinh ngạc, thất thần, bất lực khi gia đình tôi không thể tìm được phần mộ của cô Hà. Nước mắt bà tôi gần như khô cạn, tròng mắt cũng lòa dần cho đến lúc nhìn mọi thứ chỉ đỏ đục, lờ mờ một màu nước lũ.

***


Nhâm nói, trong gia đình, chỉ anh và một người anh họ tin rằng người bác ruột bị bệnh viện kết luận mắc chứng tâm thần. Nhưng trong tình yêu với vợ vẫn hoàn toàn tỉnh táo, vẹn nguyên. Tình yêu ông dành cho người đàn bà nhiều lần bỏ mình ra đi là thứ duy nhất, sau cuối còn tồn tại. Mấy người con gái, cháu chắt của ông gọi điện liên tục cho Nhâm để thông báo rằng, từ khi bác gái trở về, bác trai ngoài 80 tuổi vẫn cặm cụi giặt đồ cho vợ, cẩn trọng mắc lên dây phơi, cứ thế đứng hàng giờ nhìn áo quần nhỏ nước xuống sân, ráo khô và bay trong gió. Nắng đến đâu ông chống gậy ra sân dịch chuyển đám áo quần theo bóng sáng. ÔNg chờ đợi vợ ròng rã mấy chục năm trời thì việc chờ nắng đâu thấm tháp gì.

Bác của Nhâm từng là bộ đội, sau chiến tranh theo ngành sư phạm, thành thầy giáo dạy Vật lý ở trường cấp ba một huyện miền núi. Nhờ năng lực tốt, bác được cử đi học nước ngoài. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy trong suốt vài năm ông xa vợ con họ mạc đi tu nghiệp, chỉ biết ông trở về với trạng thái sức khỏe, tâm lý bất thường, bỏ cả trường lớp, ở nhà làm bạn với khói bếp, bóng đêm. Ông gọi tất cả những ai nhòm ngó, trêu chọc, khuyên giải, can ngăn mình đều là “bọn tâm lý chiến”. Thuở nhỏ, Nhâm rất thích được bố mẹ đưa đi khỏi Hà Nội lên vùng tản cư thăm gia đình bác. Thực ra, với người lớn, đó là những cuộc trông nom, dò la bệnh tình rất căng thẳng. Nhâm chỉ thấy thú vị. Bác anh vẫn ngày đêm chế tạo ống nhòm bằng cách tự nấu thủy tinh, thất bại lại cắt hàng loạt bóng điện hỏng trong nhà làm kính lồi, kính lõm, nung chảy nhựa đường để gắn kết các chi tiết với nhau. Nhà bác ngổn ngang ống nhòm, có chiếc ống nhòm dài cả mét. Ông trìu mến gọi tên chúng là Quá Khứ, Tương Lai, Tình Yêu, Ký Ức… Nhâm và lũ trẻ đưa mắt vào đó, tầm nhìn xa đến cả cây số. Quá khứ tương lai đâu chẳng biết, ban ngày bọn trẻ nhòm vào thấy rõ những bóng người trên đê khom lưng thồ hàng xuống dưới xuôi bán đổi, ban đêm ghếch ống nhòm thấy trăng sao, dải ngân hà, cả chòm sao hình ông Thần Nông khom lưng tát nước. Thỉnh thoảng, ông lên cơn co giật, luôn miệng hú hét lệnh cho lũ trẻ: “Vào nhà ngay kẻo “bọn tâm lý chiến” nó nhằm thẳng vào mình. Không thấy mít ngoài vườn nó cũng cầm gậy đập cho rụng đi à!. Không thấy nó ném đá tảng vào giữa sân nhà à?”… Sau này, ngay cả việc bác dâu Nhâm bỏ đi, ham mê cờ bạc, bán sạch đất đai nhà cửa… với bác trai cũng chỉ là âm mưu của “bọn tâm lý chiến”. Ông luôn tưởng tượng về một thế lực nào đó đẩy vợ mình đi xa. Còn tình yêu họ giành cho nhau vẫn là nguyên vẹn.

“Những lúc tỉnh táo, bác anh luôn nói, nếu bác gái trở về, bác sẽ tha thứ hết mặc hai đứa con gái được ăn học đàng hoàng mà không hiểu chuyện, kệ lũ cháu chắt cứ nhấp nhẳng trách móc, tủi hờn. Ở cái phố núi nhỏ bé quanh co ấy, chuyện phức tạp trong một gia đình dưới xuôi lên tản cư như nhà bác cả vùng đều xôn xao. Người ta đồn đại, sau nhiều năm tháng đằng đẵng đợi chờ, hy sinh tuổi xuân, người đàn bà ấy đã không còn đủ kiên nhẫn sống bên người chồng tâm thần. Bà bỏ nhà đi theo người đàn ông khác, ngập chìm vào những cuộc đỏ đen. Có người về xuôi tận mắt trông thấy. Sự thể thế nào không rõ, nhưng việc bà hai lần trở về bán hai căn nhà của gia đình là có thật. Từ một căn nhà lớn mặt đường, bà bán đi mang theo toàn bộ tiền bạc có được. Họ hàng dưới xuôi thương hoàn cảnh ba bố con éo le, chia nhau nuôi giúp hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, gom góp tiền mua cho bác trai một căn nhà nhỏ hơn nằm sâu trong con ngõ. Sau thời gian mất hút, bà lại trở về tìm đủ cách bán tiếp căn nhà. Cuối cùng, một người họ hàng thân gần đành cắt một phần mảnh đất của gia đình, dựng căn nhà nhỏ để bác trai có chỗ trú mưa trú nắng. Nhà chật nhưng càng lúc càng nhiều ống nhòm. Người ta bảo, chứng tỏ bác ngày càng điên nặng. Gia đình anh đưa bác xuống trại tâm thần chỉ ngày một ngày hai lại tìm cách trốn về. Ngày qua ngày, bác gắn từng con mắt vào những chiếc ống nhòm nói rằng nhìn trong đó đôi khi thấy vợ với một bầy trẻ nhỏ ngày xưa. Anh luôn tự hỏi chính mình, nếu bác là người điên thực sự, lòng bao dung chờ đợi có đến mức cao cả, tôn thờ thế không?”, Nhâm nói với tôi trong buổi chiều đã cạn.

***


Làng tôi có ông Thư cụt, chuyên “cầm cái” đám lô đề cờ bạc khét tiếng cả vùng. Ông xóc đĩa bằng chính cái cùi tay cụt. Ông khoe, lúc nào cũng có lựu đạn bên mình, ai hỗn hào ông “xung phong” một tiếng là cháy rụi. Vợ con, thiên hạ đều biết đó chỉ là những quả lựu đạn giả được đẽo gọt, mài giũa, sơn màu như thật. Ông nửa giấu nửa khoe đeo sát mạng sườn. Lạ thay, mỗi lúc ông lên cơn điên loạn, dọa “rút chốt” thì mọi người đều chạy thục mạng. Chạy vì thoáng gặp hai đốm lửa đỏ ối lan dần trong đôi mắt ông. Dân cờ bạc đồn thổi, cái cùi tay cụt của ông điều khiển được hai đồng xu âm dương trong đó. Ông lên voi xuống chó cũng bởi cái nghề đen bạc rủi may. Riêng lũ con lít nhít chẳng được học hành gì, chúng luôn có câu cửa miệng: “Cụt như ông Thư nhà tao còn kiếm được bộn tiền, cần gì học”.

Có lần cha tôi kể, thực ra ông bị thương trong tình huống rất oái oăm. Nhập ngũ chẳng bao lâu, trong lúc huấn luyện, ông quan sát người chỉ huy làm động tác chậm mô phỏng quá trình ném một quả lựu đạn, đến khi thực hành bằng lựu đạn diễn tập, đầu óc bấn loạn thế nào, ông vẫn y nguyên động tác chậm ấy. Quả lựu đạn ông vừa rút chốt còn nắm chặt trong tay mới kịp vòng ra sau lưng đã “đoàng” một tiếng, nửa cánh tay nát bét ròng ròng máu tươi. Đồng đội cùng chiến đấu không ai nỡ kể lể câu chuyện ấy. Nhưng sau này, mỗi lúc ông dọa “xung phong” vẫn có người nói hờn nói mát. Với người lính như cha tôi, mất mát nào cũng đều là máu xương chiến trận. Ông thường nói, cũng có thể vì nỗi tự mặc cảm mà ông Thư chẳng thế nào đứng dậy sống tiếp cuộc đời tử tế. Ông là con trai độc nhất trong gia đình khá giả, noi gương thanh niên làng viết đơn bằng máu lên đường nhập ngũ. Ngày ông trở về, người ác miệng rêu rao: “Họ nhà ấy đến đời thằng Thư là mạt vận!”.

Từ ngày người đàn bà xa lạ kia về làng tôi, lao vào cuộc đỏ đen, ông Thư  cược theo và thắng lớn, gỡ gạc vốn liếng đã mất, mấy đứa con không học hành gì rủng rỉnh tiền chơi khăng đánh đáo và ăn kẹo bột bạc phếch môi. Đó cũng lần đầu tiên người làng tôi tận mắt thấy một người đàn bà ngồi chiếu bạc. Người ta bảo họa có điên mới thế. Bằng không là kiếp trời đày. Vậy mà ông Thư ngang nhiên tuyên bố sẽ lấy người đàn bà ấy làm lẽ. Người vợ quanh năm nín nhịn chỉ biết lén chùi nước mắt thuận theo. Từ bấy, bên chiếu bạc, cạnh cánh tay cụt thêm một cánh tay lành.

“Bà lo chuyện nhà mình đi, quan tâm gì cái thứ đàn bà thiên hạ lăng loàn ấy”, cha tôi trách mẹ sau cuộc họp gia đình vẫn đang ngồi bên bể nước nói chuyện nhà ông Thư với các cô, các bác trong họ mạc. Bà nội tôi vừa mở cuộc họp gia đình bàn chuyện tìm lại phần mộ thất lạc của cô Hà. Bà một mực nói rằng có thể hài cốt của cô vẫn ở quanh quất bến sông mà chưa xuôi theo dòng nước. Một lần đi lễ chùa, bà tình cờ gặp được người tự xưng là nhà ngoại cảm. Lời nói của họ trùng những gì bà thắt ruột nghĩ về đứa con gái út xấu số. Người ta hứa giúp gia đình lễ lạt, kêu cầu để tìm hài cốt của cô. Câu chuyện ấy khuấy đảo cuộc sống, tâm tư trong đại gia đình tôi. Chín người mười ý nhưng tất cả cùng kết luận cứ phải “vái tứ phương”.

Ngày thầy ngoại cảm làm lễ bên bờ sông, già trẻ gái trai làng tôi không ai vắng mặt. Sau một hồi xì xụp khấn vái, người ấy vung cây gậy trúc buộc lụa trắng khoanh tròn khoảnh đất có những cụm cỏ mần trầu xanh um đang mặc sức bò lan. Các anh họ tôi trực tiếp đào xới. Bỗng cả đám đông kêu lên thất kinh, phá vỡ không khí im ắng nín thở bao trùm khi nghe tiếng ai đó hô: “Có cốt”, “Là cốt trẻ con”, “Dùng tay đi, nhẹ nhẹ thôi kẻo vụn vỡ hết”... Đám người đứng vây quanh quỳ sụp xuống chắp tay vái lạy liên hồi, đan xen thêm tiếng kêu khóc, rền rĩ, nấc nghẹn. Bà nội tôi rên rẩm đầy tức tưởi: “Mẹ biết con chết oan khuất nên thiêng lắm mà!”.

***


Tôi quen Nhâm khi anh về làng tôi tìm người bác dâu nhiều năm bỏ nhà đi biệt. Buổi chiều ấy, anh đứng ngay phía sau tôi, lúc tôi thắp hương lên ngôi mộ mới cất đề tên cô Hà. Bác dâu Nhâm đã có bến đỗ mới, bà khước từ cuộc trở về với người chồng mắc chứng bệnh tâm thần. Nhâm nói, thời gian, bi kịch chồng chất bi kịch khiến tâm tính bà thay đổi, không còn là người phụ nữ chung tình, nhẫn nhịn ngày xưa. Tôi và Nhâm ngồi trên đồi cao, dõi mắt nhìn xuống dòng sông Mã.

Khi câu chuyện trở nên gần gụi như giữa chúng tôi được nối chung một mối tâm giao, Nhâm nói từng lời rủ rỉ.

“Từ ngày bác dâu bỏ đi, họ hàng nhà anh thay nhau lên chăm nom bác trai. Có lần, đến phiên cha anh lên ở cùng bác, ông giật nảy mình khi vừa sáng dậy đã gặp dáng người lừng lững của bác bước ra từ căn bếp toàn khói. Bác mặc chiếc quần lụa đen nhức của vợ, tần ngần trông ra ngoài nắng. Nắng lọt qua giàn cây, hắt bóng vào bác, màu đen nhức của chiếc quần đàn bà bỗng rực lên. Cha anh nhắc nhở khuyên can, con cháu bác buông lời cáu gắt, bác rơm rớm nước mắt đi thay quần, gấp chiếc quần của vợ lại, để ngay ngắn chỗ mình vẫn ngả lưng. Bác bắt đầu thở than: “Chung quanh tôi toàn bọn “tâm lý chiến”. Chả trách bà ấy đi mãi chẳng về”.

“Người nhà anh kể lại, khi bác mới nhập ngũ vẫn đều đặn thư từ về. Bẵng một thời gian không dòng tin, cả khu phố tang tóc khi giấy báo tử liên tiếp gửi về từng nhà. Ngày nào ông bà anh cũng đứng trên gác ngóng người đưa thư. Chỉ nhìn dáng bộ của họ đứng trước những cửa nhà là biết tin mừng hay tin dữ. “Thư nhé!”. Lời thông báo ngắn gọn từ người bưu tá vào một tối muộn lúc cả nhà đang bên mâm cơm đủ làm tất cả rộn ràng. Đáng tiếc, đó không phải thư của bác. Một lá thư có nội dung đề gửi từ chiến trường nơi bác đang chiến đấu, báo tin bác đào ngũ, bác là một kẻ hèn hạ, bán nước, bất lương... Chừng ấy cặp mắt hết nhìn xoáy vào bức thư lại ngước trông ban thờ tổ tiên với năm di ảnh liệt sĩ trong dòng họ. Đó là nỗi đau, nỗi nhục không gì gột rửa nổi. Ông nội anh lăn đùng, đột quỵ và qua đời không lâu sau đó. Lúc hấp hối, ông vẫn đinh ninh: “Nó không thể là thằng phản bội! Là cha nó, tôi hiểu chứ! Trời ơi!”. Hòa bình lặp lại, bác anh trở về trong bộ quân phục bạc màu. Có cả xe đưa tới tận nhà. Hai anh bộ đội đi cùng khoe từ đầu phố: “Bà con ơi! ra đón anh hùng”. Bác lập nhiều chiến công, chế tác cả vũ khí, ứng dụng đạn dược trong nhiều trận đánh. Còn lá thư nặc danh kia chỉ là một trong những trò “tâm lý chiến” của kẻ thù. Người đầu tiên bác gọi là ông anh. Chân dung người ruột thịt đầu tiên bác thấy cũng chính là tấm ảnh của ông trên ban thờ nghi ngút khói nhang”.

Tôi nói với Nhâm, từ nhỏ tôi đã luôn nghĩ về bóng nắng, như mảnh áo hoa chập chờn trở đi trở lại trong mơ. Bóng nắng ấy lan tỏa trong tôi cho đến tận bây giờ. Tôi luôn thấy cô bé đứng bên cửa sổ chìa tay về phía mình, chúng tôi nắm lấy tay nhau đuổi theo bóng nắng, chui qua những dây phơi áo quần, chỉ trỏ giàn hoa mướp vàng ươm, đuổi bắt ra đến tận bờ sông cát lấm chân phẳng mịn. Cô bé ấy lướt đôi chân nhỏ xinh trên mặt sóng, ra đến giữa dòng sông thì vẫy tay chào… Có lần, cũng cô bé ấy, toàn thân ngập chìm trong nước, bàn tay bé nhỏ huơ lên khoảng không...

Cũng chính Nhâm khi nghe chuyện gia đình tôi đã nói với tôi khi ấy mới là cô học sinh cấp hai rằng nên tiến hành xét nghiệm ADN cho bộ hài cốt mà cả gia đình tôi tin của cô Hà. Khỏi phải nói bà nội đã nổi cơn uất giận thế nào. Nỗi đau, linh cảm bấy lâu của người mẹ mất con khiến bà chỉ còn tin vào những giấc mơ cũng như cuộc gặp gỡ tình cờ với người xưng là nhà ngoại cảm. Bà chối bỏ, chì chiết mọi thứ lý lẽ, xác minh thuộc về khoa học. “Khoa học là cái chi chi, chỉ làm người đau thêm đau, người tủi thêm tủi thôi mà”, bà than khóc kêu trời. Tôi đưa Nhâm về gặp cha mình.

“Cán bộ pháp y sẽ lấy mẫu của người đã mất đối chiếu với mẫu của mẹ người đó nếu còn sống. Nếu mẹ mất thì đối chiếu với anh chị em ruột, không còn anh chị em ruột thì lấy mẫu của cháu con chị gái hoặc cháu con em gái. Mẫu của người đã mất không đối chiếu được với bố đẻ, cũng không đối chiếu được với con anh trai hoặc con em trai. Gene theo dòng mẹ gọi là gene ty thể sẽ được truyền qua năm đời còn gene theo dòng bố khi chôn xuống đất sẽ mất”, Nhâm chậm rãi giải thích với cha tôi. Nhiều năm qua, khi công việc đỡ bận rộn, anh theo các đoàn tình nguyện đi quy tập mộ liệt sĩ khắp dọc dài đất nước. Nhâm chứng kiến không ít cuộc nhầm lẫn dai dẳng, buồn đau, không ít người mẹ như bà nội tôi. Rốt cuộc sự thật vẫn phải trả về sự thật. Sau cuộc trò chuyện rất dài, cha đặt tay lên vai Nhâm vỗ chắc nịch: “Ở thời điểm này, tôi tin cậu!”.

***

Tôi hứa với Nhâm xong chuyến công tác miền núi sẽ ghé thăm hai bác của anh. Họ đón tôi từ đầu ngõ. Bác trai dẫn tôi tham quan khối gia tài là những chiếc ống nhòm có tên riêng.

“Cô biết không, uống thuốc đều mà đêm tôi vẫn ngủ chập chờn lắm. Cứ sợ bà ấy đi đâu thêm lần nữa. Ngoài kia, toàn bọn “tâm lý chiến” cả chứ chả đùa! Chúng đánh mình một lần là còn nhiều lần khác”.

“Trong đám con cháu, thằng Nhâm là đưa giống tôi nhất. Niềm tin cũng có di truyền đấy. Không niềm tin, “tâm lý chiến” vào là chết!”, bác của Nhâm nói với tôi bằng dáng điệu có vẻ rất tỉnh táo, tự tin.

Ban đầu, bác dâu anh đẩy về tôi cái nhìn rụt rè cảnh giác, sợ lại phải nghe những lời trách móc như bao ngày tháng sau cuộc trở về bà nhận từ láng giềng, họ mạc, con cháu. Đôi mắt bà trũng sâu nhìn theo bóng chồng đang chạy đua với bóng nắng ngoài dây phơi áo quần. Sự im lặng của tôi khiến bà có thể mở lời. Bà kể, bà quyết định rời khỏi nhà ông Thư không hẳn bởi ông vũ phu tối ngày đánh đập vợ lớn vợ bé hay lũ con chồng hỗn láo mà bà đi sau những đêm trăng sáng bên sông cứ nghe văng vẳng tiếng hò, tiếng bước chân thậm thịch hành quân, cả tiếng cười tiếng khóc... Nửa đêm bà ra miếu cầu an. Nơi đó từng tồn tại ngôi chùa lớn, nhiều lần bị bom Mỹ dội chỉ còn nền gạch đổ nát và những bức tượng đá bị chém khúc ngổn ngang. Sau chiến tranh, dân làng phục dựng ngôi miếu nhỏ. Trong đêm trăng sáng, gió đông hây hẩy hắt từ mặt sông, bà thấy một cô bé mặc áo hoa ngồi khóc nhờ dẫn về nhà với mẹ. Rất nhiều đêm lặp đi lặp lại như thế. Bà hỏi han, dân làng kể chuyện cô Hà. Họ kể thêm, sau cái chết của cô, trẻ con đến người lớn trong gia đình tôi không mặc áo hoa bao giờ. “Đến một đứa trẻ còn mong về nhà, tôi cớ gì có nhà mà rời bỏ?”, bác dâu Nhâm nghẹn ngào ngước đôi mắt đẫm nước nhìn tôi. Bà khóc nhiều như cái đêm gục bên nền chùa đổ.

***

Kết quả giám định ADN cho thấy, mẫu xương cốt dưới ngôi mộ đang đề tên cô Hà không có quan hệ huyết thống với gia đình tôi. “Vậy là nhà mình đã đưa một ngôi mộ vô chủ về thờ phụng hương khói?”, “Thế ông thầy ngoại cảm đó giờ biến đâu rồi”, “Sao trùng hợp thế được, đã bảo là cốt trẻ con mà?”, “Liệu phần mộ cô Hà vẫn ở bãi sông hay trước đây nhà khác đã cải táng nhầm?”… những lời nói thảng thốt như có nước vang lên trong ngôi nhà chật kín người. Bà nội tôi sau đận ngất lên ngất xuống, tỉnh dậy thắp hương lên ban thờ tổ tiên chỉ lặp đi lặp lại một câu hỏi: “Vậy cớ sao từ ngày đưa bộ hài cốt ấy lên đồi cao, mẹ không còn mơ thấy em Hà về nữa?”… Đó là câu hỏi mà cho đến tận bây giờ, chẳng ai có thể giải đáp cho bà được.

Bà nội cùng cả gia đình ra bờ sông lập đàn vái vọng. Bà gọi: “Hà ơi! Con có nằm đâu cũng trên đất quê mình. Bom đạn, chiến tranh làm bao người đến lúc chết không về được quê cha đất tổ. Chắc con cũng gật đầu bằng lòng cho đứa trẻ cùng cảnh lưu lạc như con được nhà ta hương khói. Mộ đắp lên rồi, không ai về nhận, mình không đào xới thêm lần nữa, phải không con? Nhìn cảnh người, tủi kiếp mình, nhưng lòng yêu thương sẽ đưa đường cho con siêu thoát”. Ông Thư cụt và tất cả dân làng tôi chứng kiến toàn bộ câu chuyện đau buồn ấy. Ông chợt quỳ xuống trước dòng sông như tạ tội, rút bên hông quả lựu đạn giả ném đi. Khóe mắt ông nhỏ hai dòng nước.

Khi tôi học hành, lập nghiệp ở xa, cha tôi vẫn giữ thói quen viết thư tay cho con cái mỗi tuần, dù có điện thoại. Cha tôi kể chuyện làng, ông Thư đã bỏ nghề đỏ đen, cùng cha và dân làng hương khói nghĩa trang liệt sĩ, sơn lại tấm bia đá trên mỏm đồi và đón tiếp, chăm lo cho những gia đình ở xa về tìm mộ.

Một ngày, Nhâm trao cho tôi cuốn nhật ký đã bạc màu anh cất giữ suốt hành trình đi tìm bác dâu. Anh nói, anh không phải nhà văn nên chẳng biết bắt đầu từ đâu để kể cho mọi người nghe bao câu chuyện đầy yêu thương, trắc ẩn mà oan khuất. Anh họ của anh, một họa sĩ đã luôn tin vào tình yêu vẹn nguyên của người lính trở về sau cuộc chiến cũng nói, tuy anh là họa sĩ nhưng không thể vẽ được ánh nắng ảo mộng chập chờn trên chiếc dây phơi áo quần đầy ám ảnh hay màu đen nhức nhối của chiếc quần lụa đàn bà lóe lên suốt chuỗi ngày bác anh đợi vợ trở về sau những chuyến đi xa. Lật giở những trang nhật ký của bác ruột Nhâm, mắt tôi nhòa nước.

Tôi vẫn tin vào tình yêu vĩ đại của người phụ nữ đã đợi chờ mình suốt cuộc chiến tranh. Tôi từng nghĩ, nếu có thể trở về, sẽ dành cả cuộc đời còn lại để yêu thương, bù đắp. Dù cố giấu gia đình mọi vết thương chiến trận, cả mảnh đạn găm trong đầu thì nó vẫn lộ ra bằng những cơn điên loạn, những trận đòn roi tôi trút lên cô ấy… Chỉ riêng những chiếc ống nhòm khiến tim tôi đập chậm…

Hà Nội, tháng 7/2018

LỮ THỊ MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Năm 20211:47 SA(Xem: 11476)
Nguyễn Vinh. Con trai lớn của Ông Nguyên Vĩnh và bà Trần Thị Dung. Bà Dung đưa con gái út là Vân đi học bằng xe đạp điện. Một chiếc mô tô 125 phân khối tông một phát. Vậy là, cả mẹ cả con ra người thiên cổ. Kẻ gây án vù một hơi mất dạng. Đoạn đường nơi xẩy ra tai nạn không có camera hành trình nên bó tay cái vụ truy thủ phạm. Nhưng...
22 Tháng Tư 202112:08 SA(Xem: 13082)
"Chiến thích được vuốt ve, âu yếm. Tôi cũng thích được vuốt ve, âu yếm. Nhưng tôi không thích làm cái chuyện đó với chàng. Chiến thích hôn môi, nhưng tôi cố tránh, vì không thích mùi thuốc lá quá nặng. Răng của thằng chả cũng không được đẹp, đôi lúc dính thịt gà, thịt vịt… thật khủng khiếp. Cho nên tôi luôn xoay mặt tránh chỗ khác. Chàng có hơi bực với thái độ hờ hững này…" (Nguyễn Thạch Giang)
21 Tháng Tư 202110:34 CH(Xem: 12269)
Sáng ngày 22, toàn bộ các lãnh đạo, y bác sỹ, y tá, hộ lý , kể cả nhân viên xét nghiệm, điều dưỡng v.v… đều được huy động xuống phòng họp của bệnh viện phụ sản, theo lệnh Ban giám đốc, chỉ trừ ê-kíp trực đang chờ các cuộc lâm bồn mới. “Đề nghị báo cáo số trẻ sinh ngày 22 đến giờ này và tôi cần một vài bé sinh đúng 0h00 giờ”, ông Giám đốc bệnh viện phụ sản nói. / “Dạ, báo cáo đồng chí, rất tiếc là tới giờ, không hiểu sao vẫn chỉ có một trẻ thôi, không có nhiều hơn, và không có trẻ nào sinh vào giờ đồng chí cần ạ,” bà Phó Giám đốc nói. “Thế à, khỉ thật! Đúng lúc mình cần thì các bà không đẻ cho. Bình thường thì đẻ như gà!”, Giám đốc bực và có vẻ hơi lo. / Đâu đó có tiếng cười khúc khích, hình như trong đám cán bộ, y tá, điều dưỡng trẻ.
14 Tháng Tư 20216:58 CH(Xem: 11984)
Từ trung tâm Luân Đôn, hãng tuyển dụng do tòa báo X thuê gọi cho một nhà báo là tài năng của hãng BBS (Bờ bờ Sông) có trụ sở quốc gia đặt tại xứ Tô Cách Lan: “Này, bọn keo đó trả cô cậu bao nhiêu một năm?” “Dạ ngần này ạ”, tài năng đáp. “Cái gì? Thật chó chết! À, chỉ định nói là chết tiệt thôi, gấp rưỡi nhé?”, nhà tư vấn tuyển dụng bảo. “Ôi tuyệt vời ạ! Em đang trên mặt Trăng ư?,” tài năng đáp, ngất ngây.
14 Tháng Tư 20216:52 CH(Xem: 11306)
Ngày tôi theo chồng đến thành phố này sinh sống, vì thường nhớ nhà nên tôi cũng thường khóc bởi cảnh vật nơi đây quá im lìm và hoang vắng đúng như cái tên Buồn Muôn Thuở mà người nào đó đã đặt. Tôi có nhiều bạn ở quê nhà nhưng ở thành phố này tôi chưa có bạn. Người bạn gái đầu tiên tôi quen là người Thượng còn rất trẻ tên là Sai Luông. Sai Luông một tuần một lần đem rau muống từ trong buôn làng của cô ra chợ Ban Mê Thuột bán. Sai Luông chỉ bán mỗi một thứ là rau muống thôi. Mỗi lần đi bán như vậy, Sai Luông gùi trên lưng hai mươi lăm bó, có đôi khi hơn được một vài bó. Tôi nghĩ, Sai Luông bán như vậy sẽ không được bao nhiêu tiền nên tôi thường mua ủng hộ mỗi lần ba bốn bó. Mua riết rồi Sai Luông và tôi quen nhau.
12 Tháng Tư 202111:48 CH(Xem: 11524)
Thầy tôi là anh trai tráng trong làng, học cuối đệ nhất cấp, lớp đệ tứ, tức lớp 9 bây giờ, thầy về làng dạy học. Ngôi trường- đình làng đó cách xa với khu dân cư, nó tọa lạc trong khu đất rộng. Ban ngày, khu đó náo nhiệt với lũ học trò chúng tôi, quậy lên đó không khí của sự sống, vô tư hồn nhiên. Nhưng khi bóng chiều buông xuống thì khu đình đó bước sang một thế giới khác, thế giới của loài dơi, của lũ chim ăn đêm và là thế giới của sự tưởng tượng, hoang tưởng phong phú của con người.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 13051)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 12789)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
31 Tháng Giêng 202112:30 SA(Xem: 13255)
Hắn ở một tỉnh xa, mới chuyển về thủ đô chưa lâu. Do công việc. Nhưng cũng đã kịp hòa nhập ngay với vài nếp sống kinh kỳ. Người kinh kỳ thanh lịch, tết đến không chỉ là ăn, mà chủ yếu là chơi tết. Tết đến xuân về là phải đi chợ hoa. Ngắm và mua một vài thức gì đó mang về bày ngắm chơi, nghênh xuân.
23 Tháng Mười Hai 202012:01 SA(Xem: 12436)
Một vụ án mạng cực kỳ nghiêm trọng xảy ra hồi tối hôm qua ở bưu điện y. Nạn nhân là hai cô gái độ khoản 23 tuổi, là nhân viên bưu điện. Hai nạn nhân bị giết bởi một dụng cụ đặc biệt, hung thủ đã cao bay xa chạy. Cơ quan chức năng đang điều tra để làm rõ sự việc vụ án.