- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MÙA XUÂN Ở TRÊN CAO

08 Tháng Ba 20194:00 CH(Xem: 20257)



deo-hai-van-thien-ha-de-nhat-hung-quan-ivivu-4
Đèo Hải Vân - Đà Nẵng - ảnh Internet

     Hùng lấy rừng làm nghiệp chính để phụ giúp gia đình. Nói tiếng phụ nhưng anh là nhân vật không thể thiếu trong cái nhà gồm mười một con người. Sự sụp đổ của một chính thể - mà - cha và anh của Hùng là những thành viên đã kéo gia đình  rơi tự do. Bao nhiêu của nả sau hai mươi năm lính đã trôi tuột vào hư vô. Cha và anh đi cải tạo nên Hùng phải chủ trì chuyện kiếm sống và thăm nuôi. Một mình không xuể vì thế những đứa em buộc phải nghỉ học. Đứa đi bán cà rem đứa chạy chợ. Má và chị Hùng bê mỗi người một thúng bánh ít trần đi rao khắp làng trên xóm dưới. Thị trấn rất sầm uất trong chiến tranh đã nhanh chóng tẻ buồn bởi nguồn thu nhập  là lương lính đã chấm dứt. Ai cũng chạy chợ, ai cũng thúng bánh, nhà nào cũng có một cu con vác thùng cà rem nên tự ăn lấy cái mình bán là chính. Trẻ trai và không dính líu đến súng đạn như Hùng thì rừng là cứu cánh.

      Thành phần bị liệt vào lính đánh thuê sau cải tạo không kinh tế mới là không xong. Chí ít phải có mảnh vườn hay sào ruộng thì mới có thể sống được mà chờ thời. Thời gì? Ông Hiền - cha Hùng - và Bằng – ông anh trai – ngu tín rằng Cộng hòa và nước Mỹ không bao giờ bỏ miền Nam Việt-nam. Vì tin vào điều nầy nên họ bỏ lỡ hai đợt kinh tế mới. Một đợt đi Tây Nguyên và một lần lên Lâm Đồng. Đất đỏ Bazan và ma thiêng nước độc ăn thịt người nhiều hơn bom đạn. Chết ở đồng bằng dù sao cũng hơn trong núi thẳm rừng sâu. Và ông chắc rằng người Mỹ sẽ trở lại. Chính thể Cộng hòa phải trả lại cho ông mấy mươi triệu mà ông đã bỏ vào ngân khố quốc gia.

      Vậy nên họ chọn kinh tế mới giáp ranh Long Mỹ làm chốn tạm dung.

      Long Mỹ cách thị trấn chỉ bảy cây số đường bộ. Mỗi hộ được cấp ba sào đất vườn và sáu tháng lương thực. Được cấp cả hạt giống để làm mùa. Người dân có quyền lên núi phát rừng làm rẫy. Long Mỹ rừng núi bạt ngàn và những người muốn dựng lại đời dựng lại nhà phải chi thuận theo thời thì hay quá. Thuận là chi? Có đất đai vườn tược và lương ăn còn chi nữa mà không thuận?

     Xin thưa rằng chín mươi phần trăm dân số của kinh tế mới Long Mỹ là lính cộng hòa và con em của họ - những người mà – cả đời cầm súng ăn lương nên nào biết chi cuốc đất trồng khoai. Đa số nghĩ như ông Hiền rằng Mỹ không thua. Họ sẽ trở lại. Râm ran đâu đó Bảo Long phục quốc đang hành động. Đồn rằng ông Mỹ lôi ông Long về phục hận. Vì thế những nông dân cày đường nhựa nhận lương ăn rồi quấy quá cho xong buổi. Cán bộ kinh tế mới cũng có truyền đạt kinh nghiệm cấy hái trồng tỉa. Khốn thay có lương ăn nên dân tình ăn cái đã rồi mai hậu tính sau. Vụ mùa thất bát. Hết tài trợ. Để no bụng ba quân bèn lên núi chặt củi đốt than. Người người than, nhà nhà củi nên bọn thu mua ưng cho giá nào là chịu giá đó. Mùa nắng hạn còn thở được tí chút chứ mưa xuống thì ôi thôi rồi. Cái xứ mà mưa thâm ngày thâm đêm, gió bấc thổi vù vù lạnh buốt xương. Vậy là có cái chi ta cầm cố cái đó. Nhưng kinh tế mới thì có cái chi để cầm? Đừng nghĩ không là nhầm đó nghe. Mỗi hộ đều hưởng một đặc ân là ông nhà nước kính biếu một sổ mua hàng và mỗi người trong hộ đều có một phiếu mua vải ở cửa hàng thương nghiệp quốc doanh. Mỗi năm được mua hai lần theo giá của nhà nước. Mua xong bán lại cũng lãi được nhiều nhiều chút. Vậy nên kẻ có của sẵn sàng cầm cố cái gọi sổ và phiếu nầy.

     Nhà Hùng cũng vườn, cũng phát rẫy trỉa lúa trồng bắp, thất vụ cũng lên núi chặt củi đốt than và toe xơ mướp như bất kỳ ai trong cái đận thất mùa của năm 78. Nhà anh bi hơn thiên hạ một khoản rất quan trọng. Sau khi lên kinh tế mới ông Hiền sa vào trầm uất vì chờ đợi sự trở lại của một chính thể ngày một xa vời là một. Thứ hai là tiếc của cải đã mất. Cái sự tiếc ngày một cao vì thiếu đói ngày một lớn. Khi thiếu thốn đến cùng kiệt nhân phẩm mất luôn chứ thấp là tất nhiên. Chả có chi đánh sập ý chí con người bằng thiếu ngô khoai.  Ông Hiền ngồi trên võng than thân trách phận, luôn nhắc về một thời huy hoàng khi còn là lính. Ông làm bên quân lương và tiếp tế nên tiền bạc và lương ăn là từ dư đến dư. Nay thiếu đói thì tiếc đến cuồng cũng nên thông cảm. Anh Bằng của Hùng thì khác. Bằng học hành gần đến nơi. Rớt tú tài nên mộng sĩ quan trong Quân lực Cộng hòa rơi là đà vào quân trường Đồng Đế. Sau sáu tháng lăn lê bò toài Bằng mang lon trung sĩ ra tận Quảng Trị nhận lệnh hành quân. Trước khi đi anh ta ngâm rằng “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Đại khái chí của Bằng lớn tầm trời chứ không ít. Sau năm năm trở về trong phận bại binh và sau ba năm kinh tế mới chí lớn đã thành chí mén khi bị thiếu đói đánh gục. Bằng cũng ngồi mà : “Ta đứng giữa một vòng vây mộng ước. Với một hồn đầy ắp những thương đau. Với hoang mang của một kẻ đi tìm. Với đớn đau một gia tài đã mất...”.  (thơ Cao Thoại Châu)

      Hùng gần như là người làm ra cái ăn chủ lực trong gia đình sau khi cô em gái lấy chồng. Gió nam lào, gió bấc, nắng thủy tinh và mưa rền rĩ cùng khoai lang củ mì đã biến Hùng đen đúa và ốm nhách như một con cá lẹp phơi khô. Một cô bồ từ thị trấn sau vài lần lên thăm đã vội ôm cầm theo thuyền khác vì anh xơ xác quá. Khi cô người yêu thứ hai đi lấy chồng Hùng nhận ra nghèo đúng là một cái tội lớn. Anh ngồi bên chai rượu với miếng khô hố rẻ tiền mà nghiệm bốn từ “phi thương bất phú”. Nhận ra người tàu Minh Hương sang An-nam chỉ một gánh ve chai lông vịt mà nên ông nên bà. Hùng cũng muốn ve chai lắm nhưng vốn ở đâu? Và nếu có vốn thì anh buôn bán cái chi? Ve chai ư? Trai đâu mà ve?

      Đang buồn thì Thanh Xuội đi ngang.

   Thanh. Xuội một tay nhưng luôn ăn ngon và mặc đẹp. Trong kinh tế mới nhà Thanh dạng có của. Có mà phải kinh tế là bởi gia đình Thanh nằm trong dạng phản cách mạng thứ thiệt. Xuội do đu xe rác Mỹ bị té.

-         Làm gì mà bảnh dữ anh Thanh?

-         Tao thì lúc nào cũng bảnh.

-         Có gì cho em út theo tà lọt cho.

-         Tao đi buôn.

-         Buôn gì?

-         Gạo. Tao đi gạo từ Diêu Trì ra Quảng Ngãi, Đà nẵng, Huế.

-         Có ăn không?

-         Cũng có nhưng không ngon. Tao tính đi than ngon lành hơn.

    Nghe đến than củi Hùng lắng nghe liền. Nghề của chàng mà.

-         Than ở xứ mình năm trăm một ký ra Quảng Ngãi một ngàn. Trừ chi phí ba trăm còn lời hai trăm. Đó là tụi buôn bình thường còn tao một ký phải lời bốn trăm.

-         Là sao?

-         Muốn biết và muốn thoát đói thì theo tao.

-         Tôi không vốn anh Thanh ơi.

-         Mày ra một lò than. Gom sao cho đủ một tấn rồi tập trung tại ga Diêu Trì. Lên tàu đã có tao lo.

   Hùng cũng có chút máu liều. Trắng tay mà muốn khá thì lấy liều làm tôn chỉ. Hùng ra hai lò than. Anh đóng một tấn trong mười lăm bao tải rồi thuê xe ra ga. Từ kinh tế mới về ga phải qua trạm kiểm lâm. May quá. Mấy anh bảo vệ cũng thiếu thốn nên cho qua miễn chung chi đẹp. Hùng tuy rách nhưng biết sống biết chơi - biết rằng - cái chi cũng mua được miễn có tiền. Than là mặt hàng cấm nên phải tập trung ở sân ga lúc ba giờ sáng. Bảo vệ ở ga cũng có quyền tịch thu nhưng hàng của Thanh Xuội nên họ ngơ miễn biết điều. Gì chứ tay chơi Thanh Xuội thì chung chi là chuyện hằng ngày.

     Hàng lên tàu xong Hùng hỏi:

-         Sao không mua vé hả anh Thanh?

-         Mua ở đây thì lấy gì chung chi?

     Kiểm soát viên đến và vé được xé ở ga cuối cùng. Tiền vận chuyển chỉ hết một nửa sạc cả lót tay cho kiểm soát. Xuống ga đã có bốc xếp đưa lên cộ bánh hơi kéo về vựa. Tiền trao và cháo múc. Chuyến đầu tiên trừ mọi cái Hùng và Thanh Xuội lãi ba trăm nghìn. Lò than năm trăm ký chỉ được năm trăm nghìn vừa chặt củi, đốt lò ra than cả chục ngày vất vả. Chỉ một chuyến Hùng thu trăm rưởi nghìn.

      Đúng là phi thương bất phú.

                                                                 ***

     
      Hùng nhận ra bán sức để ăn là bất trí khi ta có chút đỉnh vốn trong tay. Không chặt củi đốt than nữa mà thu mua. Để cạnh tranh và gom cho lẹ Hùng tăng thêm một giá. Vai u thịt bắp khoái bao nhiêu thì bọn mua đi bán lại ghét Hùng bấy nhiêu:

-         Sư cha nó – họ chửi – nâng giá kiểu đó là chết cả lũ. Nó đi lần cả tấn lời nhiều chứ bọn mình bán lẻ thì có mà ăn cám. Tao cầu cho kiểm lâm hốt cho nó biết thế nào là sạch bách.

-         Nó với thằng Xuội biết mua đường nên êm lắm mày ơi.

-         Rồi mày coi...

     Hùng gom được tấn rưởi. Lòng rất yên vì tết gần đến rồi. Gia đình chắn chắn sẽ thịt mỡ dưa hành và bánh tét bánh chưng. Hai thằng em út sẽ có bộ đồ mới mặc ba bữa tết. Đã mấy năm gia đình anh hiu hắt lắm khi xuân về tết đến. Hùng sẽ mua một ký thuốc lá rê cho ông Hiền hút thỏa thích. Chả là cha Hùng có một kiểu thưởng thức thuốc lá kỳ lạ nhất trần gian. Ông không hút như thiên hạ mà đốt thuốc rồi cho khói bay vào lỗ mũi. Ông sợ hít sẽ mau hết. Thiếu đói mà ngay cả điếu thuốc hút xong vẫn lưu lại cái tàn. Có câu đố rằng : “Ba tàn vô một điếu hỏi chín tàn mấy điếu?” ai trả lời ba điếu là sai bét. Phải bốn điếu mới đúng.

      Hùng chung chi qua trạm. Hầu hết bảo vệ là bạn nên chả khó nhọc chi. Khi cho than xuống xe để tập trung vào ga thì sự cố xẩy ra. Đã nói là hàng cấm thì ai có súng trên vai đều có quyền hỏi xuất xứ. Đây là địa bàn hoạt động của Thanh Xuội – và – lạ quá. Chả hiểu sao giờ nầy Thanh không có mặt:

-         Dạ... – Hùng nói – đây là hàng của Thanh Xuội...

-         Thanh Xuội là thằng nào? Không có giấy tờ là tịch thu đó nghe.

    Gì chứ lót tay Hùng cũng biết chút chút. Anh ấn vào tay kẻ có súng ít bạc giấy:

-         Anh thông cảm...

    Kẻ mang súng nhận tiền và bước. Những tay đi ăn lẻ thì xin xỏ chỉ tổ tốn thì giờ vô ích. Họ chịu cầm tiền là tốt rồi. Hùng chưa kịp thở phào và toán bốc xếp chưa kịp đưa than lên xe kéo thì nguyên một tốp khác lại đến. Nguy rồi – Hùng nhủ thầm – cả toán đi truy quét hàng lậu như thế nầy là mất trắng. Lời cảnh báo coi chừng ba ngày tết họ làm gắt lắm đến vào ba giờ sáng thì chỉ có mất sạch:

-         Than của ai đây?

    Hùng không lên tiếng. Họ lôi về nơi làm việc thì bị nhốt là chắc. Anh chạy đến những nơi mà Thanh Xuội tạm đóng đô. Quán bi-a, quán nhậu đều không có. Thời điểm này nếu không ôm gái thì Thanh đang trong sòng bạc. Tay chơi nầy tứ đổ tường chả chi sót. Sư cha nó – Hùng chửi thề - làm ăn chung mà thế nầy thì chết mẹ tao rồi Xuội ơi là Xuội. Hùng săn đến tận sáng nhưng Thanh bặt vô âm tính. Quay trở lại thì tấn rưởi than đã bị di lý về phương trời vô định rồi.

     Hùng ngồi ở sân ga nhìn thiên hạ ngược xuôi với cái bụng đói và chán nản đến cùng cực. Nghĩ đến một gia đình chật vật và tết đang đến. Màu của mùa xuân trong mắt Hùng đen ngòm ngòm như hắc ín. Mua bán kiểu nầy là ra ăn mày chứ bất phú bất phiếc chi nữa trời hỡi. Không một xu một chữ trong tay Hùng lại ra bàn bi-a chầu đồng. Bây giờ Xuội mới ló mặt:

-          Ủa… sao còn ở đây?- Thanh hỏi- không có tao mày không đi được à?

-         Bị tó hết rồi. Ông làm cái con mẹ gì mà bỏ tui một mình? Đù mà… vốn liếng của tui, ông chỉ có cái mạng chia lời mà như củ thìu biu…

-         Tao… tao ghé sòng chơi cho vui ngờ đâu thua quá… tao quên mất…

-         Cái con tườu… giờ tui bó tay luôn. Gia đình tui chuyến này chết vì đói.

   Thanh Xuội và Hùng ghé quán bánh bèo. Gì cũng phải ăn cái đã. Thanh nói:

-         Yên tâm. Tao về nhà chôm chỉa ông bà già cái chi đó kiếm vốn làm lại. Mày có thể kiếm đâu đó chút đỉnh không? Từ đây đến tết kiếm hai chuyến nữa là êm ru bà rù liền. Tin tao đi... buôn bán mất là thường, có gì mà mày bấn lên vậy? Binh gia thắng bại là đương nhiên.

   Nghe nói chỉ hai chuyến khả năng làm lại cuộc đời là có nên Hùng phấn khởi lên. Nhưng mà vốn? Làm sao cho có để hùn hạp đây? Chung chạ là Thanh Xuội không dám sống chết thây kệ. Có hắn là trăm phần thắng lợi. Vốn đâu bây giờ?

     Hùng sực nhớ đến cuốn sổ mua hàng và mười cái phiếu vải.

                                                             ***

    Hùng tính toán rằng muốn lôi mấy cái phiếu và cuốn sổ đi cầm cố thì phải kịch cạc sao cho không ai biết mình mới bị sạch bách. Phải làm sao cho bọn mua bán ở kinh tế mới tin mà bán thiếu cho vài chục ký gạo, chục ký nếp và những cái linh tinh đủ cho ba bữa tết. Phải lôi chừng ấy về nhà tạo niềm tin thì mới mở được cái va ly mà lôi tài sản đi thế chấp. Hùng phải tươi như hoa và bố láo trơn như mỡ để qua ải. Anh ngồi trong quán bánh xèo kiêm tạp phẩm bảnh như công tử:
-         Cho xị rượu sương sương chị Hai.

-         Chà... bảnh dữ Hùng. Buôn bán ngon lành ha?

-         Bảnh gì chị Hai ơi. Chuyến nầy chủ vựa nó thiếu nên kẹt chết bà luôn.

-         Chủ vựa thiếu thì lo gì... chừng nào họ thanh toán.

-         Đi chuyến tiếp lấy luôn.

-         Mày giao bao nhiêu một ký than?

-         Ngàn rưởi.

-         Mẹ cha quơi... lời một ngàn một ký luôn...

     Có rượu vô Hùng mạnh miệng:
-         Chị đong cho tui ba chục gạo, chục ký nếp với ba cái linh tinh... đi chuyến nữa về tui thanh toán luôn được không?  

     Bán thiếu cho dân buôn bán lơn lớn thì ngu chi ta không để mất cái lãi ngon. Với lại chỉ vài ngày và nhà nó đây thì mất đâu mà sợ. Chủ quán đắc co liền. Tất nhiên là giá của thiếu phải khác với tiền tươi. Hùng mượn luôn chiếc xe đạp của chủ quán cho toàn bộ lương ăn dành cho một cái tết thồ về. Ông bà Hiền tin con trai đang ăn nên làm ra nhờ chuyển hướng. Thiên hạ còn tin nói chi hai ông bà già. Vậy là can ke bà già tội nghiệp vắng nhà Hùng mở va ly.

      Hùng cố tài sản cho vợ chồng Liên Thọt. Thọt tuyên bố một tháng mà không chuộc là xem như mất. Ô kê thì nhận tiền. Tại sao có lời hâm dọa nầy? Nếu không cho chuộc và kẻ đứng tên trong sổ không có mặt để ký xác nhận thì làm sao mua được hàng? Chả là Liên Thọt là cửa hàng trưởng mua bán quốc doanh. Hắn mua không được thì cầm cố mà tế à? Hùng đang trong thế tận không đồng ý là không xong. Với lại chỉ hai chuyến là xong thôi mà. Chuộc chứ. Không chuộc lại thì anh không yên với ánh mắt xa vắng của cha, nước mắt của mẹ chưa kể đến các thành viên trong nhà sẽ có thái độ thích nghi liền. Đói còn chịu được với khoai lang củ mì chứ không phiếu vải thì ở truồng là chắc.

        Hai tấn than qua trạm, qua sân ga, lên tàu êm ru nhờ có bàn tay Thanh Xuội. Có đi buôn lậu mới tường tận thế nào là biết sống biết chơi. Mới biết thế nào là sức mạnh của kim tiền. Thuốc lá Samit Thanh trao tay kiểm soát viên cả gói hút cho thơm râu, nhét vào túi anh vài đồng để ăn trưa uống nước... Cái phong cách nầy khó học lắm. Phải từng trãi. Không quen lớn đố ai dám nhận tiền. Hai tấn than là cả một gon tàu mà đến ga cuối mới xé vé thì đủ biết Thanh Xuội uy biết là bao nhiêu.

      Nhưng đến Quảng Ngãi mà Thanh vẫn không cho than xuống:

-         Đi Đà Nẵng luôn.

-         Sao vậy? – Hùng hỏi.

-         Đã Nẵng ngàn rưởi một ký.

   Nghe nói ngàn rưởi Hùng khấp khởi mừng. Cho chi phí hết năm trăm thì lãi ròng năm trăm nhân cho hai tấn thì một chuyến là lên luôn trời đất ạ. Và ngon nhất là kiểm soát viên của tuyến Quảng Ngãi – Đà Nẵng với Thanh như thủ túc mới là trên cả tuyệt vời. Anh ta xé vé Nông Sơn-Đà Nẵng sau khi nhận chung chi. Ông tàu hỏa mất chứ của ai mà bận lòng cho mệt. Đôi bên cùng có lợi chả phải hay lắm ru?

     Tàu vào ga Đà Nẵng lúc bảy giờ tối. Một toán bốc xếp bu quanh gon hàng:

-         Thằng Châu Huế đâu tụi bây? – Thanh Xuội hỏi.

-         Anh Châu ra Huế rồi anh Thanh. Hàng anh em kéo cũng được mà. Giá cả thì như làng chứ có hơn đâu mà anh lo.

-         Rồi... kéo về vựa than trong chợ Cồn cho tao.

    Hai tấn than chất lên bốn cộ bánh hơi. Một kéo một đẩy vào phố. Thuở xe như con xăng như máu phố cũng lù mù. Sang cả lắm mới có đèn bình accu còn lại thì tất tật chìm trong bóng tối. Điện hả? Bốc xếp trả lời rằng - thì có - nhưng cúp một tuần sáu buổi là thường ngày ở huyện nhưng mắt của bọn em là “thép đã tôi thế đấy”. Ra bọn bốc xếp nầy cũng biết Pa-ven Cócsaghin và Tania.

   Giờ này vựa than đóng cửa rồi. Cái gì cũng phải đợi đến mai. Mai thì mai. Nhưng bây giờ phải bỏ hàng xuống để bốc xếp về ga kiếm chuyến khác:

-         Nhưng không thể để đây được. Công an và dân phòng đi tuần là mệt cho mấy anh. Để bọn em đi kiếm nơi tập trung cho. Có gì mai bán xong hai anh bồi dưỡng thêm cho bọn em tí chút.

     Than được tập trung vào sân nhà một bốc xếp. Tất nhiên là Thanh và Hùng phải ngồi lại để trông coi. Bóng tối và sân nhà là nơi tập trung của muỗi. Muỗi ơi là muỗi. Chúng vo ve bên tai như ong vỡ tổ. Cả hai đập riết rồi cũng phải ngủ. Mệt quá mà. Cả một ngày cật lực với tàu hỏa và cộ bánh hơi thì tề thiên còn mệt nói chi người trần. Lúc mệt ngủ ngon lắm. Đỉa hút máu còn không ngại nói chi ba con muỗi nhép. Bẩy giờ sáng bốc xếp lại cho than lên cộ lần thứ hai và kéo đến vựa:

-         Toám trem được thì cân.

   Hùng giật thột. Tám trăm một ký thì có mà đi ăn xin kiếm tiền xe về xứ. Lại kéo đến vựa khác. Từ sáng đến mười giờ trưa qua mười vựa giá chỉ tám trăm không hơn. Thôi thì cân quách cho rồi. Bốc xếp kéo từ ga về vựa, vựa về nhà, từ nhà lại qua mười vựa họ lấy tiền công một ký hai trăm đồng. Lại phải cho nơi tạm gửi qua đêm vài đồng uống nước ăn sáng.

     Cả hai buồn rầu kéo nhau lội bộ ra ga chờ tàu đi cọp. Chao ôi là buồn. Buồn không thể nào hơn. Người yêu đi lấy chồng cũng chưa qua được nỗi buồn nầy. Cái loa ở sân ga thông báo rằng “vì lý do… đoàn tàu chợ đi từ ga Huế sẽ đến ga Đà Nẵng vào lúc hai mươi mốt giờ… xin quý khách thông cảm”. Ừ thì thông. Không thông cũng phải thông. Lại lang thang trên sân ga. Ga Turan lớn thiệt nhưng mà khai ôi là khai mùi nước tiểu. Đói rồi. Khai cũng phải ăn. Ăn cái đã tính sau. Đời còn sống là còn thay đổi. Tiền nay trong tay anh mai vào tay tôi ấy lẽ thường.

      Ăn xong ta tựa vào tường sân ga kiếm giấc ngủ chờ tàu đến.

       Mệt quá – gần tết nên trời lạnh. Hùng vừa ngã lưng đã vào giấc. Và tỉnh dậy không phải tàu mà truy quét tệ nạn đi tuần tra.

       Thanh Xuội và Hùng và nhiều nữa tứ cố vô thân kéo một đoàn về đồn công an. Hùng và Thanh bị hốt về tội để tóc dài. Hippy hả? Ma cô ma cạo sân ga hả? – Một dân phòng gằn giọng.

       Lúc ấy đã là hai mươi bẩy tết.

                                                                  ***

       Hai ngày sau tức hai mươi chín tết Hùng mới về lại Long Mỹ.

       Anh phải náu mình dưới thị trấn chờ đến chiều rồi lết bộ những tám cây số đường để về nhà. Đường về phải qua một con đèo lằng ngoằng những năm trăm mét. Ngồi trên đỉnh ngắm cái thung lũng có mái nhà tranh nơi anh cư ngụ. Ngắm thôi chứ chả cảm nhận được chi với một kẻ thua trận. Hùng cháy túi đúng nghĩa đen của nó. Vào phòng làm việc của công an sân ga bao nhiêu của nả trong túi phải lôi ra trình lên bàn. Bán than xong tiền đã được xé ra làm hai. Hùng một nữa và Thanh một nữa. Nhìn xấp tiền đặt trên bàn, viên công an nói với Hùng:

-         Bao nhiêu đây cũng chưa đủ để nộp phạt cái đầu tóc cao bồi của mày.

     
      Sáng hôm sau anh ta lôi ra một cây kéo và mái tóc của Hùng là nơi để anh ta chơi trò múa kiếm. Sau đó một dân phòng đưa Hùng ra tiệm hớt tóc. Nhìn cái đầu gã thợ nói:

-         Cạo trọc nghe chú mình? Xắp kiểu nầy anh không thể nào sửa được.

    Vừa cạo anh ta vừa khuyên Hùng nên biến đi. Không biến mày bị tống lên Ba-tơ là hết đường về quê mẹ luôn. Tội hả? Tóc dài là bị liệt vô ma cô sân ga, là tệ nạn xã hội... tao nói ít mày hiểu nhiều. Khôn hồn thì biến đi.  

     Lợi dụng gã dân phòng hơ hỏng Hùng đâm đầu bỏ chạy. Chạy được một đoạn thấy không có ai đuổi theo anh ngồi xuống thở và ngộ ra mình ngu. Rõ là họ cố tình gài thế cho mình chạy. Chạy là bao nhiêu tiền xem như mất. Sao mà mình ngu dại quá trời ơi. Không một xu dính túi Hùng ra sân ga chờ tàu đi cọp... Thêm một đêm vật và vật vờ ở sân ga Hùng xơ xác như con gà đá thua trận. Trên đỉnh đèo Long Mỹ vào đêm hai mươi chín, năm nay lại không có ba mươi. Trời đen một màu của bóng tối. Thăm thẳm đen.

     Xuống đèo. Đi thêm ba cây số đường đất. Những căn nhà tranh vách đất của cư dân khu kinh tế hiện ra. Giờ này thì chắc chắn chủ nợ đã cơm no rượu say rồi. Giờ nầy chắc chắn ông Hiền đang ngồi trên võng... nghĩ đến cha, đến mẹ và anh em... nghĩ đến cuốn sổ mua hàng và chục cái phiếu vải Hùng hết muốn về nhà. Anh đứng lại tần ngần một lát rồi ngước nhìn đỉnh núi có tên Hòn Quỳ. Ở Long Mỹ người ta đặt tên núi là hòn. Hòn Quỳ. Hòn Ngang. Hòn Nhọn và Hòn Vàng. Lò than của Hùng nằm ở Hòn Ngang. Đỉnh cao chừng ba trăm mét.

     Nghĩ một lát Hùng quyết định lên lò than ngụ cho qua ba ngày tết. May quá. Dân kinh tế nhà nào cũng có bàn thiên. Bàn nào cũng có vài cây bánh tét để cúng trời đất. Hùng ăn cắp của đất trời ba cặp bánh. Anh lột một đòn bánh rồi nhồm nhoàm nhai. Đói quá mà. Qua một con suối anh dừng lại nghỉ mệt và vục mặt xuống dòng chảy để uống. Đường lên đỉnh cao không hề tăm tối. Trong rừng đêm ánh dạ quang của cây chết lâu năm rực khắp nơi. Đóm đóm lập lòe và tiếng côn trùng rền rĩ dội tư bề. Những một tiếng đồng hồ Hùng mới lên đến lò.

      Nằm trong chòi lá kè che chắn lò than phòng mưa gió, Hùng nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được. Lạ thực. Anh không buồn, không vui, chả còn chi nữa để lo âu cũng không lạ chỗ bởi lò than là nơi thợ rừng ngủ lại thường xuyên. Vậy mà không ngủ được là sao? Lại vô cùng mệt mỏi sau mấy ngày sương gió. Là sao? Hùng chong măt nhìn vào thăm thẳm bóng tối.  

      Có tiếng pháo giao thừa mừng năm mới từ khu kinh tế vọng lên non cao.

                                                                    ***

    
      Hùng tỉnh giấc. Thật lâu anh mới nhận ra mình đang ở lò than. Mặt trời đã xế qua đầu cho hay Hùng đã qua một giấc ngủ dài. Đưa tay sờ cái đầu trọc và anh thèm tắm kinh khủng. Hùng đứng dậy vươn vai, lắng nghe tiếng róc rách của dòng suối chảy bên dưới. Trên đỉnh cao lò than luôn được đào gần suối để tiện sinh hoạt. Hùng lắng tai vì anh nghe có tiếng động như có ai đó đang bên dưới dòng chảy. Ai? Tết nhất lên lò than để làm gì? Khỉ? Cùng có thể. Ba ngày tết rừng cao yên ắng quý vị trở về cũng là có lắm. Heo rừng? Cũng có luôn. Hùng thò tay vào cái hốc nơi anh dấu lưỡi rựa chặt củi. Rựa trong tay, anh nhẹ chân bước xuống dòng chảy. Mới đi được mươi mét Hùng dừng lại vì có tiếng hát vang lên.

    Đó là giọng hát của Hồng Loan.

    Đã lâu anh không gặp cô. Yêu nhau nhưng má cô bảo đã hứa hôn khi má Hùng bóng gió về một nối kết thân tình. Hùng chủ động không gặp cô ít cũng vài tháng. Anh nhíu mày không hiểu cô lên núi làm chi vào cái ngày thiêng liêng nầy. Hùng vọng xuống suối vì e cô đang tắm:

-         Loan hả?

    Bóng hồng hiện ra. Cả mùa xuân nở trên nụ cười của cô.

    Hùng ngồi xuống gộp đá nghe Loan nói. Rằng hôm qua em có gặp anh Thanh. Anh ấy kể cho em nghe chuyện anh bị bắt. Khi hôm em ra sân đứng thì thấy anh đi ngang nhà. Em biết anh lên lò...

      Cô ngồi xuống bên Hùng và chủ động tựa đầu vào vai anh. Hùng thở dài:

-         Bao giờ em lấy chồng?

-         Có đâu… má em nói vậy thôi. Bà sợ em khổ.

-         Thực vậy… ngày mai của anh tăm tối quá.

-         Không đâu mà… không có ngày mai nào tối hết… có nhiều nơi trên thế giới nầy trời vẫn nắng suốt đêm.

NGUYỄN TRÍ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Bảy 20188:59 CH(Xem: 22400)
Ngọn nến nhỏ gồng mình chống lại gió ác len lỏi. Xa xa có thể là gò hoang, nghĩa địa. Cái mùi máu tanh tanh ùa về. Chúng tôi không thể nói lớn, nào dám nói lớn. Bọn an ninh có thể đến đây và bắt chúng tôi bất cứ lúc nào. Nhưng dù sợ vào tù hay chịu lưu đày, tôi vẫn phải thành hôn với Bình. Tôi chọn Bình. Em có đôi mắt trong veo hiền lành dù bước qua đau khổ vẫn không thay màu sắc lạnh. Em cúi đầu dưới thánh giá hôm nay mà hồn em đã nguyện trao gửi cho tôi từ thuở khai sinh rồi. Ánh Dương cầu chúc cho chúng tôi mãi mãi hạnh phúc. Nhiên đã đứng ra làm chủ hôn lễ.
19 Tháng Bảy 20188:31 CH(Xem: 22205)
Mark đứng lặng nhìn những chiếc xe lướt qua khu phố yên tĩnh đến trầm mịch. Anh hít hà thật sâu mùi không khí xung quanh nhà thờ. Mùi của gỗ sồi, của mặt đất ẩm ướt, của nước mưa trượt dài trên gương mặt thằng đàn ông ba mươi bảy. Đâu đó có mùi của Liz còn vươn vất. Bậc thang này Liz đã bước qua mỗi sáng chủ nhật. Chiếc ghế này Liz đã từng ngồi bao nhiêu lần? Liz đã mặc chiếc váy màu gì khi đi lễ? Con phố này Liz đã chạy xe qua lại mỗi ngày bao nhiêu quận? Cứ thế, Mark đứng đó hít lấy hít để thứ mùi không rõ tên cho đến khi trời sẫm tối.
10 Tháng Bảy 201810:24 CH(Xem: 23780)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Lý Minh Kỳ sống và làm việc tại Sài Gòn. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quý độc giả và văn hữu những sáng tác mới nhất của Lý Minh Kỳ.
13 Tháng Sáu 201812:14 SA(Xem: 25872)
Linh hồn lang thang qua hiu hắt chợ quê, như ai níu chân lại, đi không rời. Đi đâu xa rôi vẫn nhớ nhất chợ quê. Thức ăn tươi rói mới hái từ liếp rau sau nhà, rùa rắn tôm cá đồng từ bảy dòng sông tụ về, một nhắm rau sam chua, đọt bí nham nhám, bắp chuối sứ non, củ khoai từ lừ đừ, trái cà chua vườn nhỏ đèo đẹt, mấy trái me chín dốt, cọng đậu đũa tươi ngon, đọt rau lang mướt mắt, rau má đồng, rau đắng đất...tất cả đều được bày ra trên rỗ nhựa ,mẹt tre bắt mắt.
28 Tháng Năm 20185:45 CH(Xem: 23059)
Sáng, An dậy sớm, ủi thẳng thớm chiếc váy đủ màu và tô lên môi màu son mới trước khi rời khỏi nhà...Hôm ấy, ngày đầu tiên An đặt chân đến văn phòng TsMedia, đó là tòa nhà cao vút nằm ngay trung tâm đại lộ Victoria. Khanh lẫn lộn trong hơn năm mươi nhân viên già, trẻ, lớn, bé, Châu Á, châu Âu… nhưng An dễ dàng phát hiện ra Khanh bởi đôi mắt rất Việt Nam, dáng người cao ráo và nụ cười hồn nhiên như đứa trẻ. Trưa hôm ấy, An thấy tách cà phê pha sẵn đặt trên bàn mình, bên dưới là tờ note được ghi nắn nót bằng tiếng Việt : “Số điện thoại khi cần trợ giúp 6265653445”. An vô cùng ngạc nhiên quan sát cử chỉ mọi người trong phòng và giật thót tim khi chạm phải nụ cười Khanh giấu sau máy tính.
25 Tháng Năm 201812:45 SA(Xem: 26438)
Lủ nhỏ không chỉ mê mẫn nhan sắc chị Tuyết như mấy anh choai choai chuyên lượn lờ trước cổng nhà chị, mà mê cặp em sinh đôi của chị hơn cả. Hai đứa bé bụ bẫm tầm 3 tuổi không có gì đặc biệt hơn đứa trẻ khác. Ngoại trừ miếng da đen như da lợn nằm choán từ cổ đến hết nửa lưng! Em cũng như lũ nhỏ, vừa tò mò vừa mê thích được tận tay sờ mó tấm lưng da lợn của hai anh em sinh đôi. Tấm da sần sùi thô ráp vì rậm rạp lớp lông đen cứng ấy có sức thu hút lạ kỳ.
18 Tháng Năm 20188:59 CH(Xem: 24689)
Chúng tôi hỏi: -Cậu cần gì? Triết bảo: -Tớ cần được tự do sáng tác. Tớ yêu cầu gia đình trả tớ giấy bút mực màu bảng vẽ, kể cả đàn địch của tớ, kể cả máy tính nữa. Tớ cũng yêu cầu hàng xóm không tọc mạch, tớ yêu cầu công an hộ khẩu không ghé qua ghé lại hỏi han ông cả thủ, tớ yêu cầu tập thể không ai được kỳ thị tớ, tớ cũng là đồng nghiệp cũ của nhiều bạn trong cơ quan, mà tớ còn học giỏi, đỗ cao và đỗ sớm hơn khối đứa đấy. Viện trưởng bây giờ, hồi đi bộ đội về, tớ phụ đạo nó thi đại học chứ ai… Rồi tớ yêu cầu gia đình, mọi người, trước khi cấp giấy cho tớ làm thơ, vẽ tranh, làm nhạc, viết kịch thì không được hỏi tớ định viết vẽ gì, cái đó là quyền của tớ… Tớ cũng yêu cầu các cửa hàng net ở xung quanh tạo điều kiện để tớ được vào mạng tự do lướt web, vào facebook, vào bờ lốc nọ bờ lốc kia…
17 Tháng Năm 201812:16 SA(Xem: 24989)
Kết quả xét nghiệm lần cuối cùng cho thấy các thể bệnh đã phát triển khá nặng, nhưng anh không muốn tất cả trở thành một bộ phim, như loại phim Hàn quốc xem nát một thời bên nhà bởi các bà hàng xóm của mẹ anh và bọn trẻ cấp hai, cấp ba… Anh cũng không bắt chước những bệnh nhân bên Phi châu gồng mình lo toan cho con cái, trồng luống rau cạnh lỗ huyệt mộ tự đào, để lo trước cho các con sau khi họ ra đi… Anh không nghĩ gì hết, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn trời mây và lũ trẻ…
16 Tháng Năm 201810:24 CH(Xem: 22914)
Tiếng chuông cửa bất ngờ vang lên. Nàng giật thót người nhón từng bước chân, nheo mắt lại he hé nhìn xuyên qua cánh cửa màu trắng. Đôi mắt to với hàng mi dài đang nhìn thẳng vào nàng khiêu khích. Anh đứng đó, sừng sững như ngọn núi, chìa chai rượu nàng yêu thích trước mặt “Xin lỗi, quí cô có yêu cầu một chai Merlot? Rất hân hạnh được phục vụ!”. Liền sau động tác chuyên nghiệp của một người làm quản lý khách sạn 5 sao hơn 10 năm đó là nụ cười tươi, chuyển động cơ mặt cùng ánh mắt nhìn thẳng vào chiếc áo ngủ mỏng manh nàng khoác trên người. Nàng mỉm cười ngước lên nhìn anh, tầm mắt nàng chỉ tới được chiếc cằm vừa vặn trên gương mặt thanh tú. Sau màn trình diễn mời rượu điêu luyện là màn rót rượu vào ly cho nàng thẩm định.
10 Tháng Năm 201811:21 CH(Xem: 25261)
Chẳng biết từ bao giờ hình ảnh mẹ đã đồng nhất với cây hương nhu lá tía. Chị Hai nói có lẽ từ lúc mẹ sanh chị ba, bố dắt người tình đầu tiên vào tận nhà bảo sanh thăm mẹ, cô ấy đẹp và trẻ, và gợi mùi hương nồng nàn. Lúc đó ôm chị Ba trong vòng tay còn non ngày tháng, khi bà hơ lá hương nhu cho mẹ, mái đầu của mẹ đã gục xuống run rẩy như chiếc lá hương nhu gặp lửa than.