- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGÂU

19 Tháng Mười Hai 20189:44 CH(Xem: 21874)


Tuong - ảnh Nguyen Hoang Nam
Tượng - ảnh Nguyễn Hoàng Nam

Bắt đầu những ngày mưa rã rích, hay chỉ là lớt phớt ẩm ướt, giữa màu trời xám chì sũng nước, là khoảng thời gian chộn rộn nhất.

Của tháng 7.

Của mùa ngâu.

Không kể người lớn bận rộn, con nít cũng tíu tít. Bắt đầu từ mùng 5 tháng 7, đã nghe theo hơi mưa mà hối hả trông ngâu về.

 

Đi học về, chưa kịp tụt quai giày sandal, đã túm vội tóc loe hoe đuôi gà, chạy tót vào bếp. Từ đó bốc lên mùi thơm của cháo hoa, cùa xôi vò, của gà luộc, của đậu phộng nấu, của khoai lùi, của mè rang, của bắp ngô non luộc chín tới, của củ mì hấp dừa, rồi kẹo lạc, kẹo gừng, cốm ngào đường trộn gừng xắc lát, nào chuối luộc, nào mía cây, nào cóc chín, ... trăm thứ quà bánh thường ngày của trẻ em, nay ngập tràn trên mâm, trên khay, trên bàn, vừa chỉnh chu, nghiêm túc, vừa nho nhỏ, vui rộn, đầy màu sắc như trò chơi trẻ con. Gà thì ngậm hoa hồng, hoa thọ vào mỏ, Xôi nếp thì nắm chim chim thôi, càng nhỏ, càng vừa khéo trong lòng bàn tay, mà là bàn tay trẻ con càng tốt. Cháo hoa thì nấu thật loãng lênh, chỉ thấy gạo tẻ nở bung như hoa trắng, lục sục sôi trên bếp than đỏ hầm, rồi múc ra chỉ một muôi vừa đầy gọn trong chiếc lá đa, rồi lá đa cháo lúp xúp bày biện ra khắp các gốc cây, bụi bờ quanh nhà, nơi những linh hồn cô đơn vật vờ từ đầu tháng 7 đã đi lang thang ngóng chờ cháo thí.

 

Thì chỉ có thế, bà nói cô hồn là đấy, không nơi nương tựa, không ai cúng giỗ, quanh nặm đói khát, chỉ chực chờ một mùa ngâu khi Qủy môn quan mở rộng cửa thì túa bay lên chốn dương trần " Sống thì nhờ miếng cơm, tấm áo. Thác lại nhờ hớp cháo lá đa”.

 

Với lũ trẻ nít, thì đâu chỉ có thế, lại phải hì hục, mắm môi, vùi đầu vào cắt, dán, vẽ, chồng giấy tiền, vàng mã, áo xống, cái nào cũng nho nhỏ như đồ trẻ chơi, cái nào cũng đơn giản, cổ tròn, vạt ngắn, ống quần vừa xắn, vừa loe, màu thì chỉ vàng hoặc xám. Áo quần cho thập loại chúng sinh nên không cần cầu kỳ lòe loẹt làm gì, cũng không cần đủ kiểu cọ lệ bộ, chỉ càng nhiều càng tốt, càng đông càng tốt. Mà phải cẩn thận nhé, cắt xếp ra từng bộ, không để nhàu nhỉ, không để rách, cũng không rúm ró. Cả năm cô hồn chỉ có nhận được một bộ áo quần lành lặn, không thể cẩu thả mà được.

 

Mẹ nói làm chi cũng phải để cả tấm lòng vào đó. Dù là ngày "Ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy", thì cũng phải tùng tiệm mà tinh tươm.

 

Sau cùng, chiếc lò đốt vàng mã cũng được khuân ra, thân lò thì vàng chóe mà lại ám khói xám đen, miệng lò loe rộng ra cho dễ nuốt giấy tiền, mà lại thông được khói un và lửa xém. Mâm cúng cũng được bày biện ngoài sân vườn. Cổng vườn thì khép hờ, vừa phải, chỉ cho trẻ con đang lấp ló xếp hàng mắt liếc mày la lém nhìn qua gai rào, thấy được 3 mâm đồ ăn tú hụ, sắp xếp không lớp lang thứ tự ngổn ngang, tràn lan mà đầy ắm mùi thơm màu sắc. Nhà khá mới có thể cúng thí thực được như thế.

 

Chỉ việc trông chừng trẻ em cướp mâm thôi cũng có việc cho lũ trẻ con trong nhà nơm nớp bồn chồn. Có lúc nhang vừa được cắm trong bát muối gạo, chưa kịp bắt gió hanh hao mà cháy đều, thì cửa rào đã đổ sập. Lũ trẻ ngoài rào ùa vào, trong tích tắc, 3 mâm đã rào rào tuôn vào bị cói hay nhanh tay thì đứa to con bậm trợn nhất đám đã khuân trọn mâm chạy mất biến, rồi sau đó len lén trả lại mâm không chỏng chơ ngoài bờ rào vào buổi chiều. Cúng cô hồn là thế, có bực mấy cũng phải đứng chịu nhìn mà cười trừ thôi.

 

Vậy mà vui, chỉ sợ nhất những ngày mưa tháng 7 buồn rã rích, mâm cúng để chỏng chơ từ giờ trưa đến xế chiều, rồi phải mang ra gốc đa mà để bỏ, hoặc chia từng túi nhỏ mang đi cho, vì tục lệ thức ăn cúng thí thực thì phải tán lộc, chẳng ai mang lại vào nhà. Những năm đó là năm ma buồn, bà chắt lưỡi, ma cũng chẳng thèm tranh ăn. Những năm ma vui, chưa tàn nhang cúng, trẻ em đã hò reo giựt tung toe đến sập cổng rào, là năm ma no, ma hớn hở, thì người sẽ được an và yên. 

 

Thế là xong phần cúng thí thực, bà thì lên chùa, ba má hỉ hả đi nghỉ sớm. Chiều chạng vạng, Ngà ghé nhà, xoa đầu bé:

- Em đã cúng cô hồn rồi à? Thế có biết khấn vái đúng bài không? 

- Đúng bài là thế nào Ngà? 

- Là thế này, mời có bài có kệ hẳn hoi, cô hồn thập đại cúng sanh mới về chứng cho chứ:

 

"Cô hồn nam bắc đông tây

Trẻ già trai gái về đây họp đoàn

Dù rằng: chết uổng, chết oan

Chết vì nghiện hút chết tham làm giàu

Chết tai nạn, chết ốm đau

Chết đâm chết chém chết đánh nhau tiền tình

Chết bom đạn, chết đao binh

Chết vì chó dại, chết đuối, chết vì sinh sản giống nòi

Chết vì sét đánh giữa trời

Nay nghe tín chủ thỉnh mời

Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau"

 

- Hay quá nhỉ? 

- Chiều nay có đi xem tuồng không? Còn nhiều thứ hay hơn nữa đấy!

 

Xem tuồng à? Đi ngay chứ! Năm nào sau rằm tháng Bảy mà chẳng có diễn tuồng.

Sân tuồng chỉ dựng dưới gốc cây đa, trong sân đình. Sân khấu chỉ tấm phông vải màn chăn ra sơ sài giữa hai cây tre làm cột. Nhưng phải đợi đêm trăng sáng, nếu trăng lu hay bị quầng, bị tán báo hiệu năm hạn hoặc năm mưa, sân khấu lại phải nhờ ánh đuốc củi cao su, hay thân tre lồ ô, cháy lép bép ra lửa ngọn, sau này có nến to, mới có thể diển được tuồng. 

 

Sau khi lũ con nít đã ngồi bẹp ra đầy cái sân gạch tàu, người lớn thì lố nhố phía sau, trên ghế đẩu, hoặc ghế xếp, trên tay còn cầm theo quạt mo, quạt nan phe phẩy, gặp phải mưa lâm thâm rỉ rả, thì còn có thể che được đầu, thì tuồng bắt đầu mở màn.

 

Sau lớp phông màn trắng, hai hình nhân khệnh khạng chống tay vào hông đi ra, chiếc bóng lúc to lúc nhỏ, lúc nghiêng ngã, lúc thẳng tắp, oai vệ ca lời mở đầu:

 

" Tiết tháng 7 sắp thu phân

Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà

Âm cung mở cửa ngục ra

Vong linh không cửa không nhà..."

 

 

Thường khi ca đến đây, cỏ cây nghiêng ngã, gió heo may đâu rẻo rúc xòa qua rặng đa, trút một bầu hơi nước ẫm rượt vào không gian, nghe vừa lành lạnh, vừa gây gây, tưởng như đâu trong hơi ẩm mờ mịt ấy, có cả hàng vạn đoàn người rũ rượi, rách rưới, lang thang, vật vờ cùng về trên ngọn cây mà lặng ngồi nghe câu hát.

 

Vở mở màn bao giờ cũng là tích đức Mục Kiền Liên đem cơm xuống tận Qủy Môn quan dâng mẹ là bà Thanh đề. Bao giờ cũng thế, khi hình nộm chiếc bóng của bà Thanh đề đưa bát cơm lên tận miệng, là lúc lửa đỏ từ ngọn đuốc lồ ô xóe tới phụt ra từ trong miệng bà Thanh đề, sáng lóa cả màn hình, mọi người nhau nhau ồ lên, chen tiếng thở dài thương xót. Rồi sau đó cả bầy Ngạ quỷ hình thù nhăn nheo, xộc xệch bắt đầu ùa ra nhảy múa loạn xạ trên màn vải trắng, lôi xềnh xệch hình nhân vẹo vọ của bà Thanh đề vào trong vạc dầu, lũ con nít thét lên bấu vào nhau, vừa sợ hãi, vừa thích thú. Cũng là lúc tiếng kinh kệ, gõ mõ trầm đục loang đầy trong không gian báo hiệu tuồng tích mở đầu cho lễ Vu lan kết thúc.

 

Em thích sự tích thứ hai hơn. Dù năm nào cũng chỉ có ngần ấy tuồng bóng, chỉ có hai vở ruột, đến trẻ con cũng thuộc nằm lòng. Nhưng bao giờ mọi người cũng mong đợi đến vở thứ hai, tuồng "Chuyện Ngưu Lang Chức Nữ" mà em chỉ quen gọi "Ông Ngâu bà Ngâu" để mà được sụt sùi, bỗi hỗi.

 

Bỗi hỗi từ cảnh đầu khi chàng Ngưu cưỡi trâu thong thả lững thững đi ra từ bên trái màn hình, trên tay là ống tiêu bằng trúc thổi vang lừng khúc nhạc ngọt ngào tiêu nhã, cho đến lúc Nàng Chức nữ nghiêng nghiêng bên khung lụa, mái tóc dài đen mướt thả chảy trôi một dòng. Sụt sùi từ lúc hai hình ảnh đó trên sân khấu bị tách ra, đẩy dần đến cuối mép của màn lụa trắng, mà bốn bàn tay chới với đặc tả không thể rời nhau, cho đến khi mưa rĩ rã trút xuống khắp dãy Ngân hà. Cả đến lúc hai người từ từ lướt qua chiếc cầu Ô thước, do bầy chim quạ trọc đầu, nhau nhau ngóc mõ bắt thành cầu, gặp nhau rồi, ôm nhau trong vòng tay của nhau rồi mà khán giả bên dưới vẫn chưa nguôi cơn sụt sùi nức nở.

 

"Sông Ngân nước chảy hững hờ 

Ngưu Lang ngồi khóc bên bờ sông Ngân 

Một nǎm gặp được mấy lần! 

Anh khổ vô ngần Chức Nữ em ơi! "

 

 

Có hôm em vừa quẹt mắt lấm lem, vừa chùi ra sau màn sân khấu, để xem cảnh ông Ngâu và bà Ngâu gặp nhau thật như thế nào, thì bắt gặp anh Ngà và chị Nguyệt, hai người hai tay cầm một hình nhân ông Ngâu, bà Ngâu, xáp vào nhau giơ lên cao trên màn hình, bên dưới hai người mãi miết chúi đầu cắn vào môi nhau.

 

Lúc đó em đã ù té chạy. Và từ đó về sau không bao giờ thích xem tuồng ngày rằm Vu Lan nữa.

 

Sau ngày bà em mất, cả nhà dọn lên Sài gòn lập nghiệp, không còn có dịp về lại quê. Nghe đâu anh Ngà chị Nguyệt cuối cùng chẳng thành đôi, chị Nguyệt lên thành phố làm người ở, thế nào lại lấy ngay ông chủ nhà. Anh Ngà đi làm thợ hồ, vẫn sống độc thân có ý chờ chị Nguyệt cho đến ngày anh ấy bị lao phổi mà chết cô đơn.

 

Mỗi ngày rằm tháng Bảy, ở thành phố không còn ai cúng cô hồn đình đám như xưa. Nhưng dù thế nào chiều chạng vạng, em vẫn một mình lén chui vào buồng ngủ, mở cửa sổ, đứng sau chấn song, cầm hai con hình nhân ông Ngâu, Bà Ngâu xưa đưa lên cao, cho 2 người xáp vào nhau giữa khi mưa trời tuôn ngoài kia rấm rứt, dào dạt. 

 

Mỗi năm chỉ có 1 lần, phải cho hai người gặp nhau, anh Ngà nhỉ?

 

"Sông Ngân nước chảy hững hờ 

Ngưu Lang ngồi khóc bên bờ sông Ngân"  

 

 

 Uyên Lê

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86369)
Tôi biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu, những trận mưa rào còn bất chợt đổ về qua qua ấp Tây Sơn, thứ mưa nóng và ẩm của vùng Qui Nhơn sỏi đá. Suốt quãng đời niên thiếu, hình như Huệ chỉ đi chơi xa có hai lần. Một lần lên Phú Xuân và một lần bơi xuồng băng ngang đầm Thị Nại.
08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 116791)
Nắng chiếu óng ánh trên mái tóc ngắn của cậu con trai, chiếc sơ mi mầu xanh dương hơi nhàu nơi hai bàn tay cô gái níu. Cô níu chặt quá, làm cái cổ sơ mi như muốn lật ngửa ra soi rõ một cái gáy thanh xuân mạnh mẽ. Cô gái nằm phía dưới tuy không nhìn rõ hết khuôn mặt, nhưng vầng trán nhô ra rất thanh tân.
06 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 41060)
Tết đến. Khi chính quyền còn cho đốt pháo, cha tôi đốt một tràng pháo thật dài, dài cả thước. Thủy mon men lại xem cùng với một vài người lớn trong ngõ, hai ngón tay nhét chặt trong lỗ tai. Qua màn khói pháo xám dày dặc, tôi thấy vui vui khi thấy nét sợ hãi trên mặt cô bé.
06 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 38177)
Giấc mơ trở đi trở lại nhiều lần, làm cho tôi, dù cố gắng quên đi lời nguyền, nhưng không thể nào thoát khỏi. Vâng, đó là một lời nguyền hết sức cay độc, từ xa xưa lắm, đã được ông Cố tôi đích thân chôn xuống trên đỉnh đèo Rù Rì.
31 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 40317)
...Em tuyệt, anh nói với lũ bạn vào năm cuối như thế! Anh nói đã ngủ với em trên dưới năm trăm lần trong năm năm học. Anh ngỡ ngàng với chiến tích của lũ bạn quanh anh. Anh gọi em là đĩ. Em chưa bao giờ làm việc đó để lấy tiền. Em cúi mặt buồn. Anh mắng em giả tạo, lọc lừa. Em muốn cười, sau bao năm chẳng phải là nụ cười hạnh phúc, nó giống nụ cười của mẹ khi đưa tờ đơn ly dị cho cha ký...
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90460)
Nhân viên trực phòng xác bật đèn. Ánh sáng xanh nhợt gây thêm sự lạnh lẽo. Hai bàn tay Sinh nắm chặt lại trong túi áo khoác. Gã nhân viên liếc nhìn Sinh, rất nhanh. Sinh tưởng như hai người kia cũng nghe được tiếng tim đập của mình. Gã nhân viên kéo chiếc hộp sắt hình quan tài nằm sâu trong vách tường. Nhẹ nhàng, cẩn thận như thể gã cũng ngại làm người nằm bên trong thức giấc.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82718)
...Anh là cơn gió chướng của đời em. Anh là nỗi ám ảnh không mặt mũi, nhưng tồn tại mãi trong ngăn kéo ký ức em. Em đọc được trong mắt anh ước muốn hoan lạc của một tình yêu với một thân xác. Một sự hoà hợp nhịp nhàng như sấm sét và mưa. Cho anh tan chảy như trăng trong ngõ ngách đêm.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90510)
... Thiếp không muốn về, cũng không muốn ngồi lên, cũng chẳng hề thấy lạnh. Thiếp chỉ muốn nằm đó, với chàng, muôn kiếp muôn đời gặm nhấm niềm yêu. Khởi đầu chỉ là những mưu toan mà trời ơi, sao người ta cứ phải dùng những tấm thân liễu yếu, sao người ta vẫn cứ phải nhờ vả chút nhan sắc bọt bèo.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 78624)
Alexandre Lucien Abel de Rhodes mang gương mặt thống khổ và si mê của oan hồn chưa hề biết đến tình yêu. Những ai bắt gặp giáo sĩ những năm thánh chiến, thảng thốt nhận ra bóng ma mang nỗi buồn chín thối ruột gan của một người đàn ông chưa toại nguyện thân xác. Hôi thối đến nỗi những người lính Marốc của tiểu đoàn 10 Tabor tăng cường cho trung đoàn 3 Lê Dương phải bịt mũi trước xú uế nồng nặc bốc toả từ nhà thờ chính toà Cao Bằng.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 102378)
Tôi đưa nàng đi, như mộng du, ra khỏi thành phố. Ánh đèn đường và ánh sáng trong các loại nhà ở hai bên quốc lộ loáng thoáng hắt vệt ra. Chúng tôi chỉ còn vài giờ ở bên nhau. Trước mặt tôi, vài chục cây số nữa là vài ngọn đèo lớn, một cung biển đẹp, tôi biết đưa nàng đi đâu để không hoang phí vài tiếng đồng hồ quý báu này. Chuyện gì sẽ xảy ra với cô gái tên Thu Sắc và chàng trai bị gọi là Thiền Sư. Hay chính nàng mới là Thiền Sư còn tôi đang sôi sục toàn thân nỗi nôn nao làm thú.