- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KHOẢNG TỐI

21 Tháng Mười Một 20183:42 CH(Xem: 21377)


tranh Le Thanh Thu 2014
Tranh Lê Thánh Thư - 2014

LTS:  Ban biên tập trân trọng giới thiệu nhà văn Phan Tấn Uẩn lần đầu đến với quí độc giả và văn hữu của Hợp Lưu với "Khoảng Tối", một truyện ngắn bao hàm luân lý và tâm lý con người lồng trong một vụ án mạng.  Phan Tấn Uẩn, cựu sĩ quan VNCH và đại diện nhóm Ý Thức ở Đà Nẳng trước 75, định cư tại Mỹ năm 2006.  Dưới các bút hiệu Trần Phong, Trần KT, Phan Duy và Vũ Phan, ông đã đăng nhiều truyện ngắn và thơ trên các tạp chí, Báo Mới, Tiếng Chuông, Ngày Mới, Thời sự miền Nam, Tiếng nói dân tộc, Tin sáng, Thời thế, Saigon báo, Phổ thông, Ý thức, Khởi hành , Thời tập, Văn...

Phan Tấn Uẩn đã xuất bản hai tác phẩm, Đêm Mù Mộ Địa (tuyển tập truyện ngắn, in lần thứ hai)
và Bút Ký (tập 1) 2017, Bút Ký (tập 2) đang được in.

TẠP CHÍ HỢP LƯU

 

 

 

               Người cảnh sát ghi những dữ liệu liên quan tới vụ án mạng. Ông nghiêng mình qua phía cửa sổ có ánh sáng ngoáy ngoáy cây viết trên một cuốn sổ tay, nét mặt ngay thẳng và cứng rắn. Thỉnh thoảng những tia nhìn kín đáo xẹt qua khắp phòng.

                Vũng máu tươi loang lỗ trên tấm khăn trắng phủ lấy tấm nệm. Hai lưỡi dao vẫn nằm im, không được ai mó tay vào theo lời dặn nghiêm khắc của người cảnh sát.  Nạn nhân đàn ông thoi thóp, nằm xoài dài mặt úp xuống giường, trên lưng còn rỉ ít máu.  Máu bệt xuống thành giòng như những con suối đổ từ sườn núi đổ xuống.  Sự ghê sợ và rùng mình hiện rõ trên nét mặt  những người hiện diện, lạnh lùng và buồn thảm.  Căn nhà thuộc miền phụ cận một thành phố nhỏ ít người.  Hàng cây gòn bên ngoài phủ kín lối ngõ.  Ở đó có sự ấm cúng mong manh toát ra nhưng mùa mưa thì vô cùng ảm đạm.  Qua khỏi lối ngõ, căn nhà trở nên cô độc hẳn với những vạt cỏ tiêu điều hoang sơ, với những bức tường phủ rêu và những cánh cửa khép kín.  Ông già sáu lăm là người đến chứng kiến sớm nhất cảnh nạn nhân đàn bà gục xuống kê trên cánh tay duỗi thẳng của nạn nhân đàn ông khi nghe tiếng khóc thét man dại của thằng bé.  Cũng dòng máu rỉ từ ngực nhưng vết thương của người đàn bà nhẹ hơn, xích gần xuống rốn, có thể cứu thoát.  Khuôn mặt nhợt nhạt , đôi mắt ướt dưới hàng lông mi đen và cong hình như người ta cũng tìm thấy ở đó có điều mù quáng và sự thiếu thốn nào đó - đàn bà sớm làm thiếu phụ mãi là điều khó khăn.

                Nhưng đối với đứa bé, người mẹ không thể từ bỏ những gì mà bà đã nâng niu, sưởi ấm nó và nó cũng không thể tha thứ cho người nào đã tự ý đánh mất hoặc làm mất những gì mà nó đã quí mến nhất đời.

                Đứa bé nằm cạnh hai nạn nhân, úp mặt xuống như muốn tránh mặt mọi người.  Người ta bàn tán xôn xao bên ngoài cửa.  Ông già sáu lăm vẻ mặt đăm chiêu bí mật như một triết gia đứng trước cuộc đời phi lý.  Ông theo dõi thật kỹ từng cử động nhẹ, từng cái liếc mắt dò xét nơi người cảnh sát.  Đứng im một chốc, ông đến nâng đầu đứa bé dậy, nước mắt ràn rụa chảy lên lớp da mặt già nua phúc hậu.

                Chính ông là người thứ nhất đi vào tâm sự của nó, vạch ra từng căn nguyên thúc đẩy thằng bé làm loạn, điên cuồng.  Mới sáng sớm nay nó còn ngồi bên ông vui đùa kể chuyện trẻ con cho ông nghe.  Ông đã giải thích lại cho nó hiểu việc làm của mẹ nó bằng những lý lẽ con trẻ, trưng bày trước mắt nó các chứng cớ về tình mẩu tử đậm đà của mẹ nó đối với nó.  Nó đã ngoan ngoãn tiếp nhận lòng tốt của ông sau khi đã nhận mấy tờ bạc ông cho làm quà. Chiều đến, mẹ nó và người tình đã khơi dậy mãnh liệt lòng thù oán tức giận trong người nó. Án mạng xẩy đến quá bất ngờ đối với ông.

                Là người đầu tiên chứng kiến, ông già sáu lăm thấy tận mắt những dòng máu  tươi từ thân thể hai nạn nhân tươm rỉ ra trong lúc thằng bé đang gào thét cuồng nộ.  Nó lăn mình qua lại khóc tức tưởi đến ngất lịm. Ông thấy như mình đã rơi xuống  một địa ngục chìm trong bóng tối buồn thảm trong một khu rừng đầy thú dữ.  Ông cúi xuống hôn đứa bé, nước mắt nhỏ xuống hòa với giòng lệ trẻ thơ của thằng bé.

                Hơn ai hết, ông hiểu rõ sâu xa những đau khổ mà nó đã chịu đựng ngay từ lúc bé mà không cần đợi đến những va chạm của tuổi trưởng thành.  Trong đứa trẻ, trong ông già đo lường sự đau khổ hiện ra rõ ràng trên mọi góc cạnh.

                Ông già xin phép người cảnh sát cho ông ôm thằng bé trong vòng tay như thể muốn chia sớt khổ đau với nó.

                Nhà sư Minh Trí có vẻ suy nghĩ rất lung trước sự việc xẩy ra.  Thầy cũng ngạc nhiên trước hành động bất ngờ và mau chóng không thể tưởng tượng được ở một đứa trẻ như thế.  Thầy băn khoăn muốn hỏi ông già điều gì đó nhưng thấy ông lão im lặng một cách khó hiểu nên chỉ lắc đầu suy nghĩ.  Có thể quy lỗi cho  ai một cách đúng đắn trong vụ nầy?  Người cảnh sát lập biên bản như thế để làm gì?  Bỏ tù thằng bé?  Tìm cách giáo dục để không cho nó giết người một lần nữa?

                Gấp cuốn sổ tay lại, người cảnh sát bước tới phía ông già và nhà sư Minh Trí.

                - Ông có tin chắc thằng bé ông ẵm trên tay là phạm nhân không?

                - Vâng, tôi tin thế.

                - Ông có thể biết được lý do nào đã thúc đẩy nó giết người?

                - Nó điên.

                - Ông tin nó đủ sức đâm một lượt hai người?

                - Nó điên nên nó có thần lực .

                - Ông hiểu thế nào về thần lực?

                Có lẽ bực mình vì câu hỏi tréo họng của người cảnh sát, ông già đáp một câu cũng không kém trẹo họng.

                - Thần lực là những gì khác với pháp luật .

                Người cảnh sát vẫn bình tĩnh hỏi tiếp.

                - Ông không thích pháp luật sao?

                - Tôi chỉ thích pháp luật ngoài trường hợp này.

                - Không biết pháp luật áp dụng với trường hợp này như thế nào, tại sao ông muốn gạt pháp luật ra ngoài?

                - Bởi vì thằng bé phạm tội giết người.

                - Nó giết người, ông biết thế, tại sao ông còn ẵm nó vào lòng mà khóc?

                - Tôi có trách nhiệm về hành động giết người ấy.

                - Ông là gì của nó?  Chú?  Bác?  Ông ngoại?

                - Tôi là người thứ nhất được nghe tâm sự nó.

                - Bây giờ ông ân hận?

                Nghe người cảnh sát nói thế, thầy Minh Trí bắt đầu lên tiếng.

                - Chính tôi ân hận ...

                Ông già cải chính .

                - Thật ra chẳng có gì ân hận nhưng chúng tôi đã khổ tâm từ lâu.  Trước sau gì án mạng cũng xảy ra.  Tôi đã cố tìm cách ngăn chặn nhưng bất lực.  Thấy mình không đủ sức, tôi đã tìm đế thầy Minh Tri cách đây mấy ngày nhờ thầy giúp nhưng sự thật lì lợm đã xẩy ra quá bất ngờ và quá nhanh chóng.  Nếu ai phải ân hận thì có lẽ thầy Minh Trí ân hận vì lẽ đó...

                Người cảnh sát quay sang thầy Minh Trí.

                - Tôi mạn phép được đi ra ngoài bổn phận hiện tại.  Tôi muốn nhận được một vài ý kiến hửu ích của thầy.  Sau vụ án mạng này, thầy có cách gì làm cho thằng bé sống như một người bình thường không?

                Nhà sư Minh Trí trình bày.

                - Điều ông hỏi tôi đã gặp nhiều người hỏi.  Tôi có bàn với ông cụ (là ông già sáu lăm) nhưng chưa thực hiện  được gì cả vì mọi dự tính vẫn còn ở trong chương trình.  Tôi tin có thể thành công khi mang ra thực hiện.  Ngay bây giờ, tôi cầu nguyện cho mẹ đứa bé sống lại, đó là ân huệ cuối cùng trong cuộc sống tương lai nó.  Bổn phận tôi cũng như những người có mặt hôm nay là phải tạo những hoàn cảnh thuận tiện cho mọi người dễ gần gủi nhau hơn.

                Bên ngoài ngõ vẫn còn tiếng xôn xao.  Trong lúc câu chuyện giữa ba người đang tiếp diễn, hai nhân viên cứu thương đã nâng hai nạn nhân đưa lên băng-ca, khiêng ra xe chở vào bệnh viện từ lúc nào.  Thằng bé cũng được mang theo trong chuyến xe này.  Những người có mặt lần lượt ra về mang theo hình ảnh máu và nước mắt.

                Người cảnh sát chào nhà sư Minh Trí và ông già sáu lăm rồi bước ra cửa.  Ông già cúi xuống, nước mắt lại tuôn ra trong lúc thầy Minh Trí cũng cúi xuống, im lặng suy nghĩ.

 

PHAN TẤN UẨN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14691)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14779)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14633)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15001)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17218)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19093)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13729)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16351)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15242)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15437)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.