- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tình Yêu Tay Dài

02 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 29598)

Tôi trở về ở những ngày cha sắp mất. Mấy lần nhìn người gượng ngồi trên chiếc xe lăn như thể còn có mặt trên cõi đời nầy. Tôi không nghĩ hình ảnh cha cuối đời như thế đó. Trên gương mặt già nua, đôi mắt sâu lõm, vầng trán rộng. Tôi không nhận ra người họa sĩ tài ba một thời. Lúc anh em tôi bỏ đi, đồng tình với mẹ, cha không như thế đó. Chuyện ngày trước, còn bây giờ. Một giai đoạn ở nửa phận người, một chuyện tình chỉ như bức tranh còn lại trên tường. Một con mắt khép, về cuộc tình mong manh khó hiểu, nhưng chân thật ở cuối đời. Có phải là niềm hạnh phúc bất chợt người đã lựa chọn, hay chính nghệ thuật một đời gắn bó, đã tạo nên những oan khiên đổ vỡ trên phần số muộn, trong cuộc tình không thứ tha ở gia đình tôi.

Lần đó, mẹ không trở về, chỉ có mấy anh em chúng tôi, kể cả phút lâm chung của người, mẹ cũng không quên quyền trả thù lần cuối.

Bên tách càphê như một thói quen, người cầm tay tôi. Bao năm qua từ ngày lớn khôn tôi mới gặp lại lần cảm giác đó. Nó thôi thúc từ mối phụ tử tình thâm, từ những kỷ niệm đằm thắm ở những ngày ấu thơ, biết gọi tiếng cha đòi ẵm bồng, biết phản kháng và bước ra cõi đời bay nhảy. Tôi không cầm được giọt nước mắt. Nó lặng lẽ từ nỗi uất ức, từ một tình thương dấu kín trong lòng. Ông nói.

-Cha không biết phải nói sao.

Tôi trấn an.

-Con không nghĩ gì hết

Không để ý đến câu trả lời. Ông nói.

- Không ai nghĩ một ngày gia đình chúng ta phải xa cách thế nầy.

- Chuyện đã vậy, là đàn ông con hiểu.

- Đến cuối đời cha ân hận gây thêm mối oan khiên khó gỡ.

- Không có cô ta, thì ai lo cho cha ở ngày tháng nầy.

- Cha tự hỏi. Tại sao mình làm vậy.

- Rồi bây giờ cha thấy sao?

Không ai biết được những gì sẽ tới, có nghĩ suy nhưng lại sống trong thử thách chính mình. Người thở dài. Tiếng thở dài như một định mệnh dành sẵn. Cho đến lúc người cần tiểu tiện. Tôi chưa kịp phản ứng, chừng đó cô nàng xuất hiện. Để tôi làm cho. Nàng nói và mau mắn dành lấy như một bổn phận quen thuộc. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý. Tôi vẫn thấy bất ngờ và lúng túng. Phía sau lưng nàng, tôi cảm giác có con mắt ngó lui, chừng như quen thuộc mà xa lạ. Tôi định gọi một tiếng Thùy Dương, nhưng kịp dừng lại.

Lúc nầy tôi không biết lời chào hỏi từ một danh xưng nào. Một cô gái, một người đàn bà trẻ sống kề cận bên cha. Thật sự nàng không có lỗi gì hết. Tôi đã đưa nàng về học vẽ, gặp cha tôi, người thầy. Trước mặt tôi, bức tranh dở dang chừng như có hai người vẽ chung. Tranh với một màu đen thẫm bao một con mắt khép. Ở dưới là hình ảnh một người đàn ông mờ nhạt. So với mấy bức ưng ý trên tường. Có phải ông đang vẽ chính mình? Hội họa nói dùm tiếng nói của người họa sĩ tài hoa trên cả hai lãnh vực nghệ thuật và tình yêu muộn? Cho đến những ngày cuối tôi mới nghe được lời tâm tình của người trong cuộc. Có thể bạn, đọc đến những giòng nầy hay ngồi đây dự khán cũng nghe điều đó. Tiếng nói từ màu sắc, từ tâm tình của một người nữ và người đàn ông. Cha tôi. Câu chuyện về người nói lại một thời sau, trước.

***

Thật ra trong chốn riêng tư có những điều khó nói thật. Tôi phải chấm phá gam màu nào đầu tiên trên khung vải bố nầy. Bắt đầu từ đâu với tình yêu. Có thể gọi là tình yêu được không. Ở đó những lãng mạn nhạt nhòa, nhưng thật rõ nét với hình tượng nầy. Một người cha như tôi, sao phải xảy ra cớ sự nầy. Có phải là thiên đường mù, hay chính tôi trong câu chuyện người ăn xin mù ngồi đó. Cái nơi chốn quen thuộc mỗi ngày, ngồi ngoài hiên đường uống cà phê đón gió. Có khác chăng chuyện người ngồi đó, van lấy cuộc đời, chờ ông đi qua bà đi lại. Tờ giấy bạc rơi xuống. Anh nhặt để vào thau. Có tiếng hỏi.

-Thế ông không mù à?

-Thưa không.

- Vậy ông ngồi đây làm gì?

-Tôi ngồi giữ chỗ dùm ông bạn.

- Thế ông mu mỗi ngày xin tiền đâu?

- Thưa, ông ấy đi coi chiếu bóng.

- Anh nói giỡn hả? Vậy là không mù à?

- Ai biết, anh ấy có cho mình mù đâu

- Thế thì ngồi đây làm gì?

- Tôi chỉ ngồi đây, có mở lấy câu nào.

Người đến người đi, việc qua việc tới như một nhân duyên nhân quả. Cái màu mực, mùi sơn cọ, hôm nay còn đó, ngày mai lúc hoàn tất, nó trở thành mùi da thịt tình trần. Nhìn vào bức tranh đôi mắt đen sắp hoàn tất. Tôi đã thấy cuộc đời mình trong đó. Có những điều tự bản thân chưa nói hết, huống gì trong tình yêu, biết ai là người sáng mắt sáng lòng.

Hai mươi năm về trước. Cái khoảng cách tuổi tác năm mươi và hai mươi lăm, không là sự cách biệt khó coi ở một hình thể bên ngoài. Nhưng hai mươi năm sau ở tuổi đời bảy mươi và em bốn mươi lăm. Tôi già hơn em nhiều quá về thể xác. Ngay từ lúc đầu tôi biết, tình chúng ta không thể là tình yêu được. Em nhỏ bé, nghịch ngợm phá phách, ngưỡng mộ tài năng tôi, kèm theo là sự bỡn cợt. Nhiều khi tôi phát bực với tính khí nầy. Phút đầu tiên, hay cho đến bây giờ tôi vẫn coi đó không thể là tình yêu. Tôi muốn giữ lấy cái khoảng cách từ sự xưng hô em gọi tôi. Danh từ bác cháu, cái tiếng bác mà em gọi tôi. Có thể là tiếng xưng hô khéo lựa, gần gũi ngang hàng, lập lờ ở những người bạn trẻ gọi nhau.

Lần đầu tôi hỏi.

-Sao thích hội hoạ vậy?

-Tại cháu thích vẽ.

-Để làm gì?

-Không biết làm gì, nhưng thích diễn đạt mơ ước thầm kín, tham vọng ở cuộc đời nầy.

-Làm người nghệ sĩ khổ lắm. Đã mang cái nghiệp vào thân, sống với lãng mạn, là sống với hình bóng không có dung nhan, khổ nỗi không có tâm hồn nầy, thì không thấy chính mình.

-Cháu không sợ. Cháu muốn thử lấy khả năng mình.

-Cháu thấy gì trong hội họa?

-Không thấy gì hết.

-Vậy sao phải theo?

-Vào mới hiểu được.

-Đã vậy, đành thôi tôi nhận.

Coi như chúng ta bắt đầu từ ngày ấy. Chưa bao giờ tôi gọi tiếng em khi đối diện. Gọi tên thôi. Em đã mừng. Cứ cho là sự gần gũi. Khác chăng ở thực tế, em nhích gần hơn tiếng tôi gọi. Vô hình chung đi qua năm tháng dài, chúng ta gắn bó từ sự săn sóc chìu chuộng, em dành sẵn đành lòng.

Người họa sĩ như tôi xuất thân từ một gia đình nghèo, không danh giá. Tôi có mặc cảm từ năm tháng cũ. Nhưng cô nàng nói. Hồi trước nếu bác xuất thân từ một gia đình phong lưu, đứng giữa rốn cuộc đời, thì có lẽ ngày nay bác không có gì để thành danh. Thành người, ai lại không trải qua những đau khổ thua thiệt. Chính nó là vốn liếng để cái đầu biết nghĩ suy khác người bình thường. Câu trả lời của em, làm tôi ngạc nhiên không ít. Tôi không hiểu về bản thân em, một thời quá khứ. Thật ra xứ nầy có mấy ai bận tâm điều đã qua. Huống hồ ở đó còn một khoảng cách cho sự im lặng cần thiết. Em nói cứ coi em như cái nền phong vẽ trước lúc màu sắc đầu tiên vấy lên. Hãy để em lãng mạn, em im lặng với nghệ thuật, và em bình tâm nhìn nó. Em cầu kỳ, em nói vòng vo đôi lúc buồn cười.

Tôi không cho mình là nghệ sĩ phải sống làm dáng. Tôi chỉ là một người tầm thường sống lẫn ở đám đông. Từ lúc trưởng thành bước ra cuộc đời. Tôi có mối tình đầu. Ở đó có người con gái đã nuôi dưỡng những mộng mơ, lãng mạn một thời, sống với thực tế đời sống cho tôi. Một người đàn bà, một mối tình, một người vợ. Vậy mà tôi mất hết, mất hết nửa phận đời còn lại, chịu tiếng bội bạc. Thật tình tôi yêu Tịnh An. Tên người mẹ của mấy đứa con, của hạnh phúc ba mươi năm chung sống. Nói làm sao cho An hiểu với tình cảnh nầy. Cô học trò nhỏ kia chỉ trạc tuổi con mình. An giận dữ. An ghen tuông lồng lộn, rồi khóc. Chưa bao giờ tôi thấy An tầm thường vậy. An chỉ như bao nhiêu người đàn bà khác, lời qua tiếng lại, ích kỷ hận thù tình cảm. Ba mươi năm gần nhau, tôi không nghĩ một ngày mình chia tay, tự em bỏ đi thế nầy. Lúc mất em, cái khoảng trống ở tâm hồn tôi tan hoang lặng lẽ, cùng lúc với căn nhà cửa mở, chiếc giường nằm, gối chăn xô lệch vương vấn mỗi ngày xót lại.

Lúc nầy là lúc Thùy Dương có lý do để ở lại, an ủi tôi nhiều hơn. An bỏ đi, thực tế là một hụt hỗng lớn trong đời. Tìm quên, tôi chúi đầu vào nghề nghiệp. Tôi không muốn người chung quanh nhìn thấy nỗi đau ở tôi. Giải quyết thời gian chia lìa tình cũ là chân dung chính mình qua hội họa, màu sắc, đường nét. Cứ tưởng như nụ hôn em một màu son, một màu nâu thẫm tuyệt vọng rơi vòng xuống. Cũng ở đó, em có nghe buổi chiều vàng, lời tự tình phân trần và phản kháng ở cuộc đời. Màu sắc tôi đang vấy lên pha trộn trên khung vải bố nầy, ở đó đời sống nội tâm chính mình.

Đôi khi tôi không muốn Thùy Dương đến với tôi nữa. Chính cô bé nầy là cái cớ xảy ra mọi sự. Nhưng thật khó mở miệng. Cái tình thầy trò không thể lý giải, cho lòng ghen tuông đố kỵ, ở người đàn bà lâu năm chung sống. Tiếng cười giọng nói của Thùy Dương có lúc mỉa mai, so bì thực tế đang sống, cái hạnh phúc lờ lững ở tôi. Làm sao Thùy Dương hiểu được, cái thời của chúng tôi ngày cũ. Làm sao có nỗi cảm thông, khi tuổi đời, tuổi tác nhận nghĩ, cách xa một thời quá khứ đổi dời của đất nước. Nhiều hôm tôi sợ gặp Thùy Dương, cái cảm giác không thoải mái, ám ảnh mỗi ngày. Đôi mắt Thùy Dương soi mói từ chút một trên thân thể quần áo, tóc tai hình hài. Thùy Dương nói năng bất chấp thẳng thừng, khác với người đàn bà năm cũ. Khuôn mặt nhỏ, nước da ngăm, lanh lẹ liến thoắng hay bông đùa. Thùy Dương chen lách, ý kiến vào đời sống riêng tư tôi nhiều quá.

Những lúc một mình không có ai bên cạnh. Cần câu nói bông đùa, chuyện tầm phào, phá đi hố thẳm yên lặng. Là lúc tôi nghe thấy cô bé nói về mình, nói mấy lần, nhưng với người chung quanh như một lời giới thiệu.

Ngày đó, Thùy Dương là cô gái mới lớn, hạnh phúc đủ đầy trong mái ấm gia đình. Ngoài công việc đứng lớp ở trường, ba dạy thêm từng khóa toán luyện thi ở nhà. Cứ tưởng bình yên là vậy. Cho đến một ngày, không biết đời sống tình cảm riêng tư ở ba thế nào. Mẹ khóc hết nước mắt khi ba bỏ lớp, bỏ trường mà đi. Cuối cùng cả gia đình lặng lẽ rút lui, chạy trốn nợ, chạy trốn thanh danh bằng sự im lặng, lui về thành phố ở ẩn. Mẹ ba gây gỗ. Ba tằng tịu với cô học trò nhỏ nào đó có thai. Thùy Dương không nghĩ ba mình như vậy. Nhưng cớ sự xảy ra, ngoài sức tưởng tượng. Ba đổ thừa mẹ đi buôn chuyến, bị bắt nhiều lần lỗ vốn, đôi khi phải hy sinh cả bản thân mình. Gia đình lục đục suy sụp từ đó. Nỗi mơ ước ở tuổi đời mới lớn, với bằng hữu, gái trai cùng lớp, cùng thời. Tất cả là nỗi ngỡ ngàng, trốn chạy theo với gia đình.

Cho đến ngày Thùy Dương nhận lời người đàn ông lớn tuổi hơn mình, ra nước ngoài với một tình yêu hứa hẹn. Có sự chọn lựa nào khác, ngoài con đường bứt phá xa lánh mọi tai tiếng chịu đựng tủi nhục lúc nầy. Không có tình yêu, không có ước mơ nào khác. Thử cơn thời vận, tương lai là tự do đánh đổi. Tình yêu mặc cả trả giá chịu đựng, ba năm ái ân với thứ tình hờ, chờ sự tự do từ cái giấy ly dị.

Tôi tội nghiệp ở những lần chuyện kể. Nhưng người đàn bà bên tôi thì không. An không tin, An bực bội ghen tuông. An không muốn chia sớt chút tình, dù là tình thương hại cho người đàn bà nào khác, kể cả kẻ ấy đáng tuổi con mình.

Phần Thùy Dương. Cô nàng nói phút đầu, đi học nghề gặp bác. Thấy bắt nhớ hình ảnh người cha bên quê nhà. Có chút nghiêm trang, chút bụi đời mệt mỏi. Không hiểu sao lại là nét cuốn hút để có lý do gần lại. Hơn thế, bác thoải mái trẻ trung, tạo cho mình một tình thân gắn bó tựa mái ấm gia đình. Có người nói là Thùy Dương yêu bác. Yêu làm sao được khi mà tuổi đời cách biệt thế nầy. Cuộc sống cô độc ở xứ người, Thùy Dương chỉ muốn gần bên bác, gần bên một tình thân, chứ không là một tình nhân.

Sự thật mình có yêu bác ấy không? Hay có lần bác hỏi. Có bậy không khi Thùy Dương còn trẻ quá, đáng tuổi con mình. Bạn của con rồi thành tri kỷ của cha, có gì đâu mà ngại. Nghe trả lời mà bác thở dài. Tiếng thở dài, như hai chữ ý trời định sẵn.

***

Đừng thương hại người bạn trẻ của cháu. Không có sự chọn lựa nào khác bằng chính tâm hồn mình. Sống thực cho mình trước đã. Ở đây không có cám dỗ, vật chất, hình dáng của tình trai gái. Tình yêu ở bác cháu, nếu có là tình yêu trong sáng tạo, sảng khoái như bức tranh nào đó trong đời bác tự mãn. Anh ấy, người con trai đeo đuổi cháu, khác nào như một màu sơn trong cây cọ bác tô lên hạ xuống. Cứ thử, cứ yêu nhau như một bức tranh toàn cảnh cuộc đời nầy. Tình yêu nào là khám phá mới. Cứ thử cứ để cho Dương đi qua tình yêu trong nghệ thuật trừu tượng ở bác. Dương không lặng yên ở bức tranh tĩnh vật. Dương không phơi bày trong bức tranh mời gọi. Mình có gì, còn gì xứng đáng như một loài hoa thơm để anh ấy đeo đuổi. Huống hồ cánh áo cởi xuống rồi mặc lên như một dở dang cuộc đời đứt đoạn. Ở một người nữ như Dương, đã qua trong tình yêu, đã biết xác thịt gối chăn như mỗi lần đánh đổi cái thực tế mình đang sống, đang cần. Với anh ấy Dương trưởng thành hơn, già dặn hơn trong tình yêu nhận nghĩ. Dương không muốn yêu người trang lứa như tuổi đời mình. Cuộc sống không cùng kịp, không thỏa mãn một thời đã qua, hãy để Dương sống cho sự chọn lựa, không nào khác hơn giòng đời xuôi đi không định hướng.

Hôm gặp lại anh ấy. Bác có muốn nghe không. Nhìn anh ấy ngập ngừng thấy mà tội nghiệp. Bên bác, Dương vẫn có một khoảng cách ngoài mặt, cho anh ấy, cho tất cả mọi người thấy cái tình thầy trò, bác cháu ở chúng ta. Có bao giờ họ thấy chúng ta hôn nhau, chăn gối trên chiếc giường nầy. Có bao giờ họ thấy được cái tình yêu của người đàn ông, trong tình vợ chồng. Là không, phải không?

Cho dù anh ấy có gần bên theo dõi, để chứng minh nỗi đau của mình là thực. Cũng chỉ hoài công. Bởi chúng ta còn có khoảng cách tuổi tác, ở nhân gian lắm chuyện không phải là chuyện của mình. Chỉ chúng ta mới thấy được, cái vụng trộm chính là cái náo nức, khám phá một đường nét, hạnh phúc mới không thể nói, không thể giải thích thế nào là tình yêu. Nhìn xa là nét trừu tượng ẩn ức, nhưng nhìn gần nghiêng xuống, là thầm kín tục tử phàm trần.

Bức tranh toàn cảnh nầy một mai, ai cầm nắm, ai giữ gìn. Bức tranh thầy trò, bác cháu chúng ta đang vẽ. Chúng ta vẽ cuộc đời, vẽ tình yêu thương, vẽ lời thị phi xầm xì nguyền rủa, nhưng màu mực chúng ta là một màu tình yêu sống thực, sống hết cái hạnh phúc chính mình.

Bây giờ đã biết ra rồi, biết ra căn bệnh bác. Không biêt có kịp không, bức tranh trên tường giao hẹn ở phòng thị trưởng thành phố. Không biết bác có còn đủ sức không, hay ngồi đó, nhìn cháu thực hiện công trình dở dang, mà thực ra với hai đường nét, như cảnh giới có hai, nhưng tâm ta là một. Lúc mà bác không còn vẽ, không còn sức sáng tạo được nữa, bác có buồn, có chờ trông sự quay về ở anh ấy, ở các con bác, hay chờ người đàn bà một thuở ban đầu. Bác cứ nói thực đi, đừng sợ cháu đau khổ. Đôi khi cháu hiểu, bác thất vọng, bác muốn tìm quên buông xuôi lỡ làng.

Những ngày bác nằm yên trên giường bệnh, là thời gian anh ấy gần gũi bên cháu. Đôi khi nhìn thấy đôi mắt của người con trai năm nào vụng trộm nhìn mình tiếc rẻ, xa vắng ngậm ngùi. Lúc nầy là lúc ai thương hại ai. Ai đang sống, đang đi trên những lỡ làng hoàn cảnh. Những đêm khuya bác một mình nằm đó. Anh ấy ngồi đây. Có lời nào nói đủ để chia xẻ nỗi đau chung. Một tình thương cha, một mối lo cho cô gái ở ngày sau thế nào. Vậy là tình yêu như thế nào hả bác. Có phải là sự phiêu lưu nông nổi. Có phải là sự cam chịu cống hiến cho một nghệ thuât thành danh mai hậu. Có thể sẽ tầm thường, sẽ lắc đầu như bao người khác nghĩ. Có thể nào cháu yêu bác. Có thể nào khi bác sắp sửa ra đi chợt nhận ở chúng ta không phải là tình yêu. Ở đó là tình thương hại, ở đó là tình yêu nghệ thuật, từ những cảm thông để sống thử một đời nhân nghĩa? Có nghĩa là không ai giống ai, huống hồ gì không ai giống mình. Cho đến phút nầy giữa chúng ta chưa nói lời tình tự, chưa bày tỏ một lời nào bằng ngôn ngữ. Tất cả là sự thầm lặng. Cuộc phù du rồi cũng như sương như khói. Nhưng bức tranh trên tường còn đó. Bức tranh vẽ từ bác cháu, vẽ đôi mắt, điểm thêm một giọt nước, một giòng lệ nóng khóc oan khiên. Một khăn sô trắng trên khung tranh vừa hoàn tất.

***

Trong căn phòng ở nhà quàn lặng lẽ, tuần tự những hình ảnh chiếu trên khung vải trắng. Cuộc đời người họa sĩ, từ thời niên thiếu, những hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật, những lần triển lãm.

Cha nằm đó, nắp áo quan mở lấy phần trên. Cha có còn thức không để nghe người khác nói về mình. Anh em tôi đứng hầu đó. Cái không khí trang nghiêm, lẫn ngỡ ngàng. Mẹ tôi không hiện diện lúc nầy. Có mấy người thầm hỏi. Sao có người trẻ tuổi nào gần gũi ở năm tháng cuối đời. Thay cho câu trả lời. Trong phần điếu văn rồi nói kỷ niệm với người quá cố. Người bạn cha không quên nhắc đến Thùy Dương, đến những hy sinh chịu khó, chịu cực nuôi lấy một người bệnh, một người thầy gắn bó gần gũi.

Không ai buồn nhắc đến tình cảm, thứ tình trai gái ban đầu tôi đến với Thùy Dương. Một nhân vật thứ ba là đứa con nầy. Hay không mấy người biết điều đó. Họ tôn trọng hương hồn người chết. Họ bỏ quên sự thật khó xử, biết mà không biết nói sao cho mọi người cùng hiểu. Chia xẻ sự sống còn là nỗi cảm thông, tha thứ ? Thương lấy người trong cuộc. Thương lấy đời sống tình cảm riêng tư chân thật ở mỗi người. Có phải vậy không? Rồi mai nầy với năm tháng dần trôi mẹ sẽ nguội lạnh với hờn ghen cô độc. Thùy Dương sẽ sống lỡ làng với tuổi đời một người thiếu phụ trẻ. Nàng sẽ đi trên con đường nghệ thuật thành danh, hay chọn lựa lấy cái thực tế cần một chỗ che khác cho đời sống mình.

Cái khoảng trống nầy bao giờ lấp đầy. Như trước đây ở một nơi chốn khác. Tôi đã tập quên Thùy Dương, từ ngày cô nàng đến với cha tôi. Cho đến phút nầy không ai biết, không ai chịu kể làm sao. Lúc nào, cái phút ban đầu nàng rơi vào tình yêu cha tôi. Không ai thấy, biết, sự gần gũi thân thiện nầy. Tất cả là những khuất lấp, lờ lững. Tôi đang muốn nghe điều nầy, từ chính miệng cô nàng thú nhận. Nhưng không, nghi thức tang lễ trân trọng diễn ra như bao người ra đi khác. Khách thăm viếng hơn hai phần ba là người nước ngoài, mấy lần nơi cha triển lãm tranh ở tòa đại sứ. Còn có thân chủ, có nơi chốn giao tình.

Đêm hôm qua, trước một ngày tang lễ …tiễn biệt. Tôi đã hỏi nàng.

-Cha có biết là tôi thương Thùy Dương không? Tôi không dám gọi tiếng em lúc nầy.

-Không.

-Tại sao không nói?

-Nói làm gì, chỉ là hai người đàn ông, đi trên một con đường.

-Có tội lỗi không?

-Lỗi với một người bạn trong sự chọn lựa.

-Như vậy cho đến phút cuối đời. Cha vẫn không biết người gần gũi bên cha, chính là mối tình si tôi đã sống một thời.

-Có lẽ vậy tốt hơn.

Tôi bước ra ngoài. Ngoài trời tuyết đang đổ lớn. Trời không lạnh buốt lắm, chỉ có những cơn gió thổi vào khoảng không, hắt tung bụi tuyết trắng xóa. Mấy người khách choàng khăn, trùm kín đang vội vã xuống xe bước chạy nhanh vào khu vực nhà quàn. Phía xa, ngoài bãi cỏ lẫn trong mấy tấm bia mộ, chiếc xe cạp đất bên tấm lều giăng đang thả ngàm xuống, de tới de lui, móc lên từng mảng đất lớn. Phần huyệt của một người ra đi. Chỗ nằm của ai đó, tang lễ diễn ra cùng lúc. Nghĩ tới phút giây nầy, tự dưng tim tôi thắt lại. Giọt nước mắt chực hờ rơi xuống. Giọt nước mắt đánh thức một thời quá khứ ngày nào. Ỏ đó có gia đình tôi, những năm tháng đầu vất vả với cuộc sống mới trên xứ người, những đêm cha đi làm khuya về, mẹ thức dậy, anh em tôi thức dậy. Hình như mỗi ngày tôi chỉ gặp được cha vào lúc nầy. Đời sống, bận rộn, tất bật, vất vả. Cha con không có phút giây thoải mái gần gũi. Mãi đến về sau, cha có cơ duyên trở lại với hội họa, với trang trí nội thất. Cha sống theo nghề mình yêu thích, là lúc anh em chúng tôi lớn lên, lựa chọn một đời sống mới trưởng thành.

Nhắc về năm tháng cũ, và bây giờ. Lúc nầy đây lòng tôi nguội lạnh. Tình trai gái, ích kỷ không còn gì, có gì để nói. Chỉ có một tình thương cha, một sự nuối tiếc sao mẹ không về, không thứ tha cho người. Giờ đây mẹ đang làm gì. Mẹ có khổ đau, có cùng lúc với thời gian nầy ngoài tiểu bang xa. Mẹ ngồi lặng lẽ, sống với kỷ niệm, một thời mẹ cha bên nhau, nhớ nhiều để tiễn đưa một người tình năm xưa nằm xuống. Hơn bốn mươi tuổi đầu, con đang khóc với giọt nước mắt tuổi thơ, nắm níu với một tình thân, để rồi không bao giờ còn trông thấy nhau. Mẹ hờn mát ghen tuông bỏ đi. Con tự ái với một tình cảm mới vuột mất bỏ đi. Những năm tháng cha sống trơ trọi, chỉ có những lần thăm hỏi qua điện thoại. Rồi cơn bệnh trầm kha ập đổ xuống. Cha không có ai ngoài một Thùy Dương gần gũi. Cha sẽ yên, sẽ thỏa mãn với nỗi đam mê sống. Trong nghệ thuật cha vượt bực. Trong đời sống nội tâm, trong tình yêu cha cũng vượt lên, với nổi loạn ngấm ngầm đạp phá cái tĩnh lặng thường tình. Một người như cha, một người như Thùy Dương gặp gỡ, cái tình chi chi ở cõi đời nầy. Không làm sao hiểu được, huống gì phải viết lại cái nội tâm của mỗi người.

Cha là một họa sĩ. Mẹ là người đàn bà sống mực thước. Cái khổ là mẹ phải sống với người đàn ông mà mình thiếu đi sự hòa đồng phóng túng. Gia đình không có đứa con nào nối nghiệp cha, chỉ có người học trò nhỏ, hay cứ gọi là người tình nhỏ đeo đuổi sự nghiệp bên người . Nàng sống với nghệ thuật. Cha sống với đam mê cùng nghề. Một con đường đi chung, sao gọi là lẻ loi ở một đời nghệ sĩ.

Tôi không phải là nhà văn. Một con người tầm thường, sống với thực tế nghề nghiệp, thì làm sao đủ ngôn từ để nói về tình yêu người đã sống. Khung cảnh bên trong, ai cũng nhìn thấy. Mọi sự đã qua, đã nhận chịu như một sự đã rồi. Một tình bao dung, thứ tha, thương lấy hay tội nghiệp. Trước phút lâm chung cha nhắc đến mẹ. Cha mong mẹ trở về, như những lần ba mong con cái đến thăm. Bên Thùy Dương có thể hạnh phúc là đó. Nhưng có những lúc trống vắng, ở một không gian quên hết chỉ còn lại chính mình. Cha muốn sống lại một thời yên ấm gia đình ngày cũ. Muốn, nhưng trời không chìu ý người.

Còn chuyện Thùy Dương? Trong tang lễ, điếu văn, bày tỏ cảm tình. Không ai đặt câu hỏi nầy ngoài mặt. Nhà văn, bạn hữu nào dựng lên tình tiết hư cấu trả lời cho một thiếu nữ lỡ làng. Hay cứ để thời gian trôi. Vết thương lòng mẹ sẽ qua đi. Cả hai, không ai còn một ý nghĩa nào khi người là một dấu chấm xuống hàng.

Có tiếng nhắc tôi quay vào. Mọi người đang đứng lên. Trân trọng, nghiêm trang trong hồi kinh tụng niệm. Cha tôi ra đi thật sao. Có nghĩa là không còn bàn tay nắm. Không còn trông thấy nhau. Năm phút trước người nằm đây, lặng yên không nói. Nhưng còn gần gũi, hiện diện. Bây giờ nắp áo quan đóng lại, nhấc lên. Tôi sẽ xa cha thật rồi. Tiếng sụt sùi chung quanh thương cảm. Ngoài trời bất chợt tuyết đổ lớn hơn, hơi lạnh ùa vào khi cánh cửa ai đó bật mở bước vào. Cha tôi không bước ra cửa, không ra ngoài ấy. Không. Cha không nằm ở chốn trời đất thênh thang, để đêm đêm ngắm nhìn những vì sao lặng lẽ. Không, cha không chịu nổi cảnh cô đơn quạnh quẽ nơi đất khách quê người.

Cha ra đi mùa đông, không nhìn kịp một mùa xuân cây khô trở mình thay lá. Không thấy một mùa hạ buồn với tình cảm Thùy Dương. Không thấy một màu vàng hực lấy tiếng thu sang trong tình yêu mẹ. Tất cả đàng sau bức màn nhung đỏ đó. Bức màn che chắn đàng sau cỗ quan tài. Một thế giới cách ngăn mau chóng lạnh lùng. Rồi đây chỉ bằng một công tắc mở. Một mình cha cô độc với ngọn lửa bùng lên. Lửa thiêu lấy thời gian gìn giữ hơn bảy mươi năm của một phận người. Ở nơi chốn đó, bốn mùa giao lấy một tình yêu. Trái tim ấp ủ sống lại từ bước đầu, có thứ tha bao dung giận hờn, thương ghét. Có cánh tay níu kéo khoảng không gần lại. Có kỷ niệm, có chăn gối mặn nồng. Có những điều không dám nói hết. Bức tranh vẽ người ăn xin mù mắt xin lấy một tình yêu, tình người. Bức tranh toàn cảnh một màu đen thẳm, một con mắt, một không gian bao trùm. Người muốn vẽ đôi mắt của ai, hay đó chỉ là đôi mắt trần gian muôn màu.

Một mình người tình nhỏ khóc. Chung quanh có tiếng khóc. Ở phương xa chắc mẹ cũng đau đớn âm thầm. Gần lại. Không có giọt nước mặn nào lúc nầy, ngoài chính tôi. Giòng lệ nóng cho một tình cha con xa cách nghìn trùng.

Cánh tay dài trong hội họa vươn xa. Cánh tay khiu khỏng như ngọn cây khô trên tranh vẽ, nhưng đầy ắp tình yêu người, yêu mình. Đời sống còn mất là nỗi vô thường. Nhưng trong cái thường còn bỏ lại. Những nhân vật, danh xưng còn đó. Thử hỏi. Ai buồn hơn ai. 

HOÀI ZIANG DUY

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Chín 201912:15 SA(Xem: 18608)
Hắn bị đụng xe vào buổi chiều và đưa vào phòng cấp cứu của một bệnh viện huyện.Hắn hôn mê từ đó cho đến sáng hôm sau mới hồi sức nhưng vẫn ở trong trạng thái mê tĩnh. Đôi mắt khẻ lay động, cơ thân muốn rướn lên nhưng có một sức mạnh vô hình trì níu lại, đôi môi khô khốc, hắn khao khát được một vài giọt nước , tôi bón cho hắn từng giọt từng giọt và tay luôn nắm bóp trên vầng trán, vùng ngực gây cho hắn cảm giác êm dịu, ru vào giấc ngủ chập chờn.
11 Tháng Chín 201910:25 CH(Xem: 17833)
Đầu tiên là triệu chứng khó thở kéo dài nhiều giờ. Đó là điều khó hiểu với một người không phải là cuờng tráng song sức khỏe có thể được gọi là sung mãn như ông. Bác sĩ riêng đã loại trừ ngay cái bệnh buộc phải lập tức i-zô-lê( biệt lập), hoành hành bởi con vi trùng mang tên một nhà bác học Đức. Nơi ông ở cũng chưa đến nỗi phải suốt ngày đeo mõm chó cả khi ra đường lẫn ở trong nhà như thành phố Bác - Ki nọ mù mịt bụi khói gần đây mà ông thường thấy trên phim, ảnh.
08 Tháng Chín 201911:54 CH(Xem: 18138)
“Ối... giời đất ôi!” Tiếng rú hoảng kinh của người đàn bà dưới khoang thuyền vọng lên, tiếng được tiếng mất trong gió lộng khi con sóng hung hãn đập mạnh vào lớp vỏ kim loại bên mạn thuyền. Chiếc du thuyền chao chọng, lắc lư như món đồ chơi trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Nước văng tung tóe lên cả mặt sàn gỗ đầy vân. Người đàn ông một tay bám chặt lấy cột buồm, một tay rà lại những nút buộc chiếc áo phao mà gió gắn chặt vào người. “Không sao đâu,” người đàn bà dán mình vào chỗ ngồi ởđuôi con tàu, chiếc áo phao màu cam sáng rực dưới ánh sáng mờ ảo của một ngày vừa chớm. Chị nghểnh cổ nói vọng xuống khoang. “Du thuyền chứ có phải ghe đánh cá của ngư dân đâu.” Rồi chị lẩm bẩm,“Đến siêu bão cũng chả sao.” “Cứu mẹ con cháu với!” Tiếng gào khan của một người đàn bà văng vẳng trong tiếng hú của gió. Người đàn ông nghểnh cổ, nhìn xuyên qua màn hơi nước mờ đục. “Hình như có người kêu cứu.” Anh ta nói lớn. Trái tim quýnh quáng trong lồng ngực. Người đàn bà trong áo phao màu cam hỏi
06 Tháng Chín 20193:37 CH(Xem: 17939)
Camie là người nữ đồng nghiệp duy nhất trong số các đồng nghiệp nam làm chung một group gồm chỉ có ba người : hắn , Dick và Dan, cả ba đều là người Việt Nam. Camie là người Philippines , nước da trắng, mắt to, tóc dài, thân hình thon gọn, eo nhỏ mông to. Nhiều lần lão Dick thèm thuồng nói với hắn - Camie sống cô đơn độc thân một mình đang khao khát một tình yêu.
28 Tháng Tám 20193:20 CH(Xem: 16057)
Ở đây, tất cả nhân viên, dù là người địa phương tình nguyện đến làm việc, hay nhân viên chính thức, đều mặc cùng một bộ đồng phục màu xám, áo vest xám, váy đầm hình chữ A màu xám, áo chemise lụa trắng bên trong. Trắng và xám. Đó là 2 màu chủ đạo sau buổi sáng 5.46' ngày 17 tháng 1 năm 1995.
19 Tháng Tám 20193:54 CH(Xem: 18367)
Tôi đứng một mình bên cửa sổ. Đêm lặng. Ngọn đèn hành lang rọi xuống chậu cây chi mai đang nở hoa trắng, tạo thành một quầng sáng đơn độc. Tôi vốn có thói quen đọc sách khuya. Những lúc đêm khuya thanh vắng, khi người đời đã chìm trong mộng mị, là lúc tôi thả hồn mình lang thang với những con chữ. Đọc đến một lúc nào đấy, cảm thấy đầu mình u mê, tôi hay tới bên cửa sổ, đứng khoanh tay nhìn ra ngoài hiên. Tôi thường hay nhìn một cách vô định vào bóng cây sấu già đang chập chờn cô đơn khua lá. Như là một phép dưỡng sinh cho mắt. Từ hôm có chậu chi mai thì hồn tôi trút cả vào chậu cây nhỏ xinh đang nở hoa trắng xoá. Tôi say mê ngắm. Tôi đang mê đắm vẻ đẹp của một loài hoa đã từng được bao thi nhân từ cổ chí kim ca tụng…
16 Tháng Tám 201910:07 CH(Xem: 19714)
Gần 5 năm mới nhận được tác phẩm thứ hai của Nguyễn Trung. Truyện của ông rất đặc biệt, với lối hành văn cuốn hút, mạch truyện chuyển đổi gọn nhanh như những đoạn phim ngắn. Không khí truyện huyền ảo nhưng rất gần với xã hội chúng ta đang sống. Mời quý độc giả và văn hữu cùng vào không gian truyện “Rắn xanh chấm đỏ” của nhà văn Nguyễn Trung. Tạp Chí Hợp Lưu
14 Tháng Tám 20199:09 CH(Xem: 19838)
Mẹ tôi có tính tiết kiệm, ăn uống lúc nào cũng nhường món ngon cho chồng cho con ăn. Khi ba tôi mất, quần áo mới mẹ cứ cất tủ cho đến khi mất còn mới tinh, có cái mẹ chưa mặc. Tôi bây giờ y chang như mẹ, lâu rồi tôi cứ nghĩ rằng mình không có chồng có con nên đâu cần chưng diện làm gì. Con gái tôi thương mẹ nên nó sắm cho mẹ toàn bộ quần áo, son phấn... Tôi đơn giản không phấn son chưng diện... Nên đến hôm tôi dọn nhà tôi lôi ra đồ mới còn quá nhiều, áo quần đẹp, cả đồ lót phụ nữ còn nguyên lố lố mới kít. Tôi không thể mang hết vào SG nên tôi cho từ thiện hết toàn bộ. Tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu tôi chết, con tôi nó sẽ chôn hết đống đồ này theo tôi như mẹ.
10 Tháng Tám 20197:07 CH(Xem: 17709)
Anh vừa ra được tập thơ. Tiền đi vay, lãi suất năm phần trăm. Trên đời này, hiện giờ không có gì rẻ hơn thơ và khốn khổ như nhà thơ phải ôm sách của mình đi bán lẻ. Khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản, anh nghĩ, việc giải quyết "đầu ra" sẽ tính sau, trước mắt làm sao có được sách đã. Đến khi cầm tám trăm cuốn Đối thoại với dòng sông trong tay anh mới thật sự hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Anh nhẫn nhục mang thơ đi phát hành. Bán khắp mọi nơi, bán cả ở những chỗ người ta nhiều tiền nhưng không hiểu thơ và chẳng cần thơ. Cái năm phần trăm của bảy triệu hàng tháng thúc bách anh. Tại một trường phổ thông trung học, khi anh nhờ mua giúp hai chục cuốn, ông hiệu trưởng lật xem qua rồi bảo :" Chúng tôi sẽ vận động các em mua". Ba tuần sau, anh trở lại, ông hiệu trưởng khả kính mang ra chồng sách phủ dầy bụi, nói như người có lỗi :" Ông thông cảm, học sinh bây giờ không thích thơ
09 Tháng Tám 201910:17 CH(Xem: 18809)
Nghe tiếng cót két dưới sân, tôi biết ngay thằng bạn trời đánh vừa tới. Chiếc xe đạp khô dầu, nói bao nhiêu lần là chỉ cần xịt vào đó chút dầu hoặc không có dầu thì quết lên sợi dây xích chút mỡ bò là trơn tru, mà cái thằng nhất định không nghe. Tiếng cót két cứ như tiếng nghiến răng của bà hàng xóm lúc ngủ mê, nghe đến nổi cả gai ốc.