- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

DA HÀNG THỊT

25 Tháng Năm 201812:45 SA(Xem: 27203)


kenh-nhieu-loc-thi-nghe-xua
Kênh Nhiêu Lộc Xưa - ảnh T.L

Tuổi thơ của em chia làm hai nửa; một nửa gắn với đồi sim tím miền Trung, một nửa trôi qua ở xóm Cây Điệp, bên giòng kênh nước đen Nhiêu Lộc.

Con kênh đầu tiên uốn vòng vèo quanh xóm Cây Điệp, qua những con hẻm tráng xi măng xám, lấm tấm nhụy hoa điệp hồng hồng phơn phớt. Rồi luồn sâu vào khu Chăn nuôi, đường hẻm xi măng đến đây đã lở lói, sụt sùi, hai bên rào hoa dâm bụt nở chói lọi trên những cánh cổng gỗ rào gai. Con kênh len lỏi đến tận cùng khu Chăn nuôi là xóm Chuồng Bò nổi tiếng của Khu ngã tư Bảy Hiền. Dòng nước kênh đen thẫm trôi lờ đờ qua những con đường đất đỏ gập ghềnh, lầy lội, những căn nhà tôn xiêu vẹo, những khuôn mặt tối.

 

Có một cây cầu xi măng bắc ngang con kênh, nối liền xóm Cây Điệp với khu Chăn nuôi và xóm Chuồng Bò. Lừ lừ ngay đầu cầu là cây đa to bốn vòng ôm người lớn, rũ táng lá che rợp hết một vùng, mỗi cái chạc ba thòng xuống ngang mặt cầu cong vòng như cánh tay con gái trắng bợt. Rủi tối về khuya có chuyện đi ngang cầu, vừa chớm thấy cái chạc ba đu đưa trong gió, người dạn dĩ nhất cũng phải la làng, co giò bỏ chạy.

Đến bây giờ ba mẹ em vẫn còn tranh cãi hoài về quyết định dọn nhà ở chung với dân kẻ chợ. Mẹ em, chắc hẳn muốn bắt chước mẹ Mạnh tử ngày xưa, khăng khăng không muốn con cái giao du với người kẻ chợ.

Cả xóm Cây Điệp chỉ có một cái chợ nhỏ, Hàng xóm láng giềng của em toàn là người kẻ chợ. Từ bà Bảy sát vách bên phải bán hàng rau, sáng nào cũng theo xe ba gác rì rì trĩu hương rau mùi, rau thơm, như mang cả vườn rau Hóc Môn về chợ Nhỏ. Đến cô Ba vách bên trái bán xôi, người quanh năm ngan ngát mùi lá dứa, mùi đậu xanh đãi võ, mùi củi gộc cháy nõ, mùi nếp cái hoa vàng đến nỗi em đâm ra ghiền món xôi gói lá chuối cho tới bây giờ. Chị Tư bán cá bao nhiêu lanh chanh lách chách để lại hết ngoài chợ, về xóm Cây Điệp hiền queo như con cá Hường lim dim đôi mắt đỏ quạch.

Với ai em cũng được phép la cà, chỉ trừ mỗi nhà bác Tính mổ thịt lợn. Cả xóm hầu như nhà nào cũng cấm con cái không giao du với "nhà mổ lợn". Lạ đời, cái gì càng cấm, càng mê mẩn. Mắt trước, mắt sau, rình lúc vắng vẻ không có người lớn, bọn trẻ con lại lén chui rào qua chơi với đám con nhà bác Tính.

Sân xi măng nhà bác Tính sạch bong, nhà cửa sáng choang, không có ngóc ngách nào âm u bí hiểm, như là tiếng kêu tắt nghẹn nửa đêm của những chú heo nằm cong người trong rọ tre chưa hề phát ra từ nơi đây. Như là những ác mộng về sáng của cư dân xóm nhỏ đầy máu tươi loang loáng, đẫm mồ hôi, và tiếng người xả thịt sống huỳnh huỵch không bắt đầu từ đây. Không gian ấm cúng tươi rói tràn đầy sự sống, không lởn vởn cái chết tức tưởi như người ta vẫn thầm thì.

Cái không khí tươi rói hớn hở nồng ấm đó là nhờ vào chị Tuyết, con gái đầu của bác Tính. Tụi con nít ngấm ngầm chọn chị là hoa hậu của cả ba xóm. Mà không, với tụi con nít, vẻ đẹp của chị còn vượt quá khung chấm điểm hoa hậu thời bây giờ. Người ta chỉ chấm da, chấm dáng, chấm số đo, chẳng có ai có thể chấm điểm được cái hồn hậu, ngọt ngào trong giọng nói của chị, cái duyên dáng như bùa mê trong cử chỉ, cái thanh tao, tình tứ trong mắt nhìn và cái rực rỡ tươi thắm rờn rợn sức sống của tuổi mười bảy như bông hoa mận trắng muốt nghiêng mình đong đưa qua hàng rào nhà hàng xóm.

Chị Tuyết là như vậy đó!

Lủ nhỏ không chỉ mê mẫn nhan sắc chị Tuyết như mấy anh choai choai chuyên lượn lờ trước cổng nhà chị, mà mê cặp em sinh đôi của chị hơn cả. Hai đứa bé bụ bẫm tầm 3 tuổi không có gì đặc biệt hơn đứa trẻ khác. Ngoại trừ miếng da đen như da lợn nằm choán từ cổ đến hết nửa lưng!

Em cũng như lũ nhỏ, vừa tò mò vừa mê thích được tận tay sờ mó tấm lưng da lợn của hai anh em sinh đôi. Tấm da sần sùi thô ráp vì rậm rạp lớp lông đen cứng ấy có sức thu hút lạ kỳ. Người lớn luôn trợn ngược mắt răn đe:

- Tụi mi chớ có mà sờ vào cái đồ quỷ ám đó! 

Nhưng trước sau lại nhỏ giọng thì thầm:

- Có đứa mô thấy miếng da đó chưa hè? Có đứa mô sờ tận tay chưa? Nó ra răng? 

Lớp da bí ẩn đó như cực nam châm hút hết tâm trí người lớn và rồi nằm mãi ở đó, ngay trong đầu họ, ngày càng đen đủi hơn, bí ẩn hơn, chẳng chịu mất đi cho.

Tụi em lại thích tấm lưng da lợn theo kiểu khác hẳn. Bác Tính trai suốt đời ở trần, khoe cái bụng tròn lẵn bóng lưỡng, chỉ khăng khăng bắt 2 đứa sinh đôi mặt áo cổ cao đến cằm, để che miếng da "quỷ sứ". Bác Tính gái như chưa bao giờ biết đến miếng da lợn ấy trong đời, trong mắt người mẹ (em e rằng mắt người mẹ nào cũng phản ánh trái tim yếu đuối của người mẹ) tấm lưng của hai anh em sinh đôi cũng phẳng phiu, thơm tho mùi sữa như bất kỳ trẻ em nào khác trên đời! Chị Tuyết chăm bẵm, cưng nựng, vuốt ve hai tấm lưng dị tật đó như hai báu vật, chị tin rằng vuốt ve bằng tất cả tình thương yêu âu yếm sẽ làm cho đám lông dày nhọn đó rụng bớt đi mỗi ngày.

Chỉ riêng hai đứa sinh đôi chẳng lấy làm xấu hổ với đám da dày trên lưng, mỗi khi vui vẻ và không có người lớn chung quanh, hai đứa nhỏ vẫn vạch áo cho tụi con nít xem lưng với đầy tự hào sung sướng như người lớn khoe nhau mụt ruồi son. Mà đám da ấy cũng lạ lùng, về mùa hè, lớp lông mềm mại hơn và mát lạnh, về mùa đông lớp lông rậm rạp hơn, lùa tay vào ấm như được ủ trong lớp áo lông mềm mại. Lớp da lợn trên lưng ấy với em chẳng khác gì miếng gấm Thượng hải lạ lẫm mà mẹ em cả đời chỉ có một lần và giấu mãi trong đáy tủ áo tẫm bao nhiêu là long não thơm lừng.

Đến nỗi, có lúc em không nhịn được đã ấm ức với mẹ:

- Mẹ ơi, sao lưng con không có miếng da lợn nào?

Mẹ em suýt nữa nghẹn thở, đã đánh em một trận đòn bằng chổi lông gà nhớ đời. Mãi sau đó mẹ vẫn tức tưởi với bố về "tâm trí bị tấm da quỹ sứ ám ảnh" của em, nổi tức tưởi đau khổ cũng ngang bằng mẹ của Thầy Mạnh tử xé toạt ngang nửa tấm lụa khi bắt gặp con mình bắt chước chơi trò mổ lợn!

Sau lần đó, em bị cấm tiệt không được qua nhà bác Tính chơi. Có lần chị Tuyết nhớ em, đã lần mò đến hàng rào nhà em gọi nhỏ:

- Bé à, sao lâu quá không qua chơi?

Em khoét một cái lỗ xuyên qua rào bông bụt, vừa đủ thò cái đầu nhỏ như trái cam của em ra nhìn chị, thì thào:

- Mẹ em cấm em không được chơi với nhà chị nữa!

- Vì sao? giọng chị đã có chút tức tưởi nghẹn ngào.

- Vì mẹ nói nhà chị sát sinh, chuyên giết con lợn.

Giong chị thất thanh, như lẫn tiếng thét kiềm nén:

- Không có nhà chị mổ lợn, lấy đâu ra thịt cho mọi người ăn? Sao ai cũng ăn thịt lợn mà tội lỗi chỉ mỗi nhà chị phải gánh chịu?  

Câu hỏi đó mãi luẩn quẩn trong đầu em, chẳng bao giờ em có thể giải thích được. 

Sau này câu hỏi đó lại được lập lại bởi anh Dũng, anh họ em, khi anh ấy vì mê chị Tuyết mà bỏ nhà ra đi, về ở hẳn với nhà bác Tính. Chuyện đó trở thành chuyện đàm tiếu của cả vùng, đến nỗi người ta quên hẳn đi miếng da lợn trên lưng hai đứa sinh đôi, chỉ còn nhớ đến khuôn mặt đẹp đến ác nghiệt của chị Tuyết.

Bác dâu em, mẹ của anh Dũng luôn nói:

- Hồng nhan họa thủy. Trong bốn cái họa Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc thì Thủy là cái họa ghê gớm nhất rồi cuối cùng mới đến chiến tranh. Đàn bà là cái họa ghê gớm nhất trong đời người đàn ông!

Em chỉ hiểu được câu nói đó cho đến khi nhan sắc của chị Tuyết cuốn cả nhà em vào cơn đại hồng thủy.

Năm anh Dũng bỏ nhà đi theo chị Tuyết anh vừa tốt nghiệp lớp 12 và chuẩn bị đi du học nước ngoài. Nhà bác dâu chỉ có mình anh Dũng là con trai độc nhất, cả cơ nghiệp tiệm vàng mặt tiền đường rồi cũng sẽ là của anh, vì thế không cần cao ráo đến 1.78 mét, trên đầu anh Dũng cũng sáng chóa vòng hào quang hơn màu vàng bốn số chín. Và con gái chạy theo anh nườm nượp, đến nỗi tụi em ngầm đặt tên anh là ông anh bốn mùa! Mỗi mùa anh thay một sắc áo, thay một cô nàng như đất trời thay sắc hoa lá.

Chỉ cho đến khi anh gặp chị Tuyết. Sau này anh nói với em, không phải chỉ vì chị Tuyết đẹp xiêu lòng đến thế:

- Chỉ vì anh chưa gặp ai có tình yêu thuần khiết và mạnh mẽ đến như thế với hai đứa em có miếng da lợn trên lưng. Tình cảm đó trong vắt như kim cương. Ai cũng thèm sỡ hữu một lần trong đời!

Cũng không phải quá lạ, chỉ vì vây quanh anh là những cô mập mờ giữa yêu anh hay yêu tiệm vàng, hoặc là yêu tiệm vàng hơn yêu anh. Thứ tình yêu mạ vàng nhờ nhờ ấy Không thể so sánh với kim cương. Nên anh chìm đắm vào tình yêu của chị Tuyết là điều tất nhiên như hoa hướng dương là phải nở vì mặt trời vậy!

Sau bao lần cấm đoán, ngăn cản, dọa dẫm, khóc lóc cũng không làm anh Dũng thay đổi tình cảm. Bác dâu chợt bất ngờ thay đổi, cắn răng lặng lẽ chấp nhận tình yêu của anh, chỉ với một điều kiện, đám cưới sẽ được tổ chức sau khi anh Dũng tốt nghiệp đại học trở về. Thâm ý của bà chủ tiệm vàng ai cũng thấy rõ, chỉ có đôi tình nhân đang yêu mù quáng lo nhìn vào mắt nhau mà quên cả ngoài kia có bầu trời, có thời gian đang trôi qua, có loài người và có cả lòng người mau thay đổi.

Nhưng thay đổi đến nhanh hơn mọi người nghĩ.

Ngày chị Tuyết sinh hai đứa bé sinh đôi, có nhiều tiếng khóc ở nhà bảo sanh hơn tiếng cười.

Lạt lẻo lật lưng hai đứa bé mới sinh để lộ ra tấm da đen rậm dày lông khác thường, bác dâu nhạt miệng cười rồi quay ngoắt đi. Bác Tính gái, bác Tính trai òa khóc. Anh Dũng cố cười nhưng mặt đã xanh nhợt và vòng tay ôm vợ con lơi ra một phút.

Chỉ có chị Tuyết cười rạng ngời, như không hề nhìn thấy lớp da dầy sần sùi trên lưng hai đứa bé sinh đôi, chị đắm đuối hít hà mãi mùi da thịt trẻ con thơm tho, mùi sữa và mùi của sự sống. Như mẹ của chị mười năm về trước, lớp da khác thường kia chỉ mãi nằm trong đầu, trong ám ảnh của mọi người, nhưng lại hoàn toàn vô hình trong trái tim người mẹ.

Con vừa đầy tháng, anh Dũng lên đường đi nước ngoài du học. 

Hai đứa bé tròn năm, thư từ nước ngoài về đã thưa dần.

Nhà bác Tính bỏ hẵn nghề mỗ lợn, chuyển qua làm miến giong riềng. Màu miến phơi vàng thắm trước sân nắng đẩy mùi cũ giong hoi hoi qua tận nhà láng giềng.

Ngày ba mẹ nhận được thiệp hồng báo tin anh Dũng lấy vợ ở nước ngoài, nhà của em đang bắt đầu chuyển đi sang chổ khác. "lần này không ở gần với người kẻ chợ" mẹ em bảo.

Khi chuyến xe cuối cùng chuyển đồ đạc lăn bánh đi, trời chợt đổ cơn mưa. Mẹ cười tươi:

- Dọn nhà mà mưa là điềm tốt.

Từ nhà bác Tính vọng lại tiếng la thét não lòng. Mẹ quay đầu đi nói nhỏ như gió thoảng:

- Sáng nay có người bắt gặp xác chị Tuyết trên chạc ba cây da!

Tim em trong một giây ngừng đập, hai chân như trì xuống mặt sàn. Nhưng chiếc xe vẫn lầm lì chạy tới trước. Sau lưng mưa mịt mù.

Anh Dũng và người vợ sau này mãi đến giờ vẫn không thể sinh con. Bác dâu của em nghe nói cuối cùng chết vì bệnh lạ, đau đớn vật vả mấy năm trời không chẩn đoán ra bệnh. Sau khi bác sĩ mổ lấy một miếng da lạ đen xì từ trong bao tử ra thì mới hắt hơi thở cuối cùng.

Có lần em bắt gặp hai cô gái rạng ngời hao hao như chị Tuyết đi trên phố. Em tần ngần theo mãi sau lưng, lưng áo thun hai dây trể nãi phô gần trọn cần cổ cao trắng ngần và một khoảng lưng trần mảnh dẻ thon thả mịn màng. Có lý nào!

Bây giờ người ta có công nghệ wax bằng laser, xóa sẹo vĩnh viễn bằng laser, có vết sẹo nào mà không xóa được?

Có chăng là vết sẹo trong lòng người!

UYÊN LÊ

Ý kiến bạn đọc
14 Tháng Sáu 20184:43 SA
Khách
Uyên Lê viết bài nào cũng hay lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14878)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14883)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14819)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15343)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17662)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19434)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13919)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16528)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15644)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15766)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.