- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỜI TÂM THẦN

18 Tháng Năm 20188:59 CH(Xem: 25435)
benh vien tam than bw- anh Internet
Bệnh viện tâm thần -ảnh Internet

Cuối tháng ấy, tôi và mấy người bạn học cũ vào thăm người bạn đang điều trị trong một bệnh viện tâm thần.

Trước khi vào viện, chúng tôi liên hệ với một người bạn khác cũng ở bệnh viện này nhưng là thầy thuốc.

Người bạn của chúng tôi bảo:

“Các cậu vào thăm Triết thì thăm nhanh thôi nhé, không cậu ấy nói nhiều lại phát bệnh nặng. Tớ sẽ bảo anh em thu xếp, nhưng tớ bận đi công tác. Ngoài ra…”.

“Ngoải ra sao?”, chúng tôi hỏi.

“Ngoài ra, các câu nên rút nhanh, kẻo các cậu có thể bị tẩu hỏa nhập ma đấy”, anh bạn cùng lớp hồi phổ thông của cả mấy chúng tôi đáp.

Vậy là bỏ phôn tay xuống, chúng tôi cảm thấy vô cùng hào hứng, có đôi phần tò mò và bị kích thích, rồi sau khi nâng ly bia lên, chúng tôi tiến thẳng xuống Viện.

Đã được bố trí trước, chúng tôi gặp Triết trong một khu vực khá yên tĩnh, vào một giờ khá yên tĩnh, ngày cuối tuần.

Sau khi đặt chút quà lên mặt chiếc bàn đá công cộng và cùng nhau an tọa ở mấy chiếc ghế đá quây chụm lại, anh em chúng tôi bắt tay Triết trước khi hỏi han.

Khi chúng tôi còn đang mải phân ngôi chủ khách thì Triết lên tiếng:

-Các cậu vào thăm tớ làm gì cho phí thời gian, vài hôm nữa tớ lại ngoại trú thôi. Ở nhà còn làm lợi cho vợ con, rồi lo việc làm ăn, cơ quan, thăm nom tớ làm gì… Nhưng mà cũng cảm ơn các cậu, quà cáp thì cầm về, tớ đầy đồ ra, toàn cho người, ăn có hết đâu…

Chúng tôi nháy mắt với nhau:

-Mẹ, thằng này được 9/10 điểm. Ăn nói rất ok, chỉ có điều nói hơi dài, như ca cải lương, nếu không đã được 10/10 điểm.

Chúng tôi bảo Triết:

-Không có gì, không có gì… Bạn bè cũ thăm nhau là quý nhất, cậu đừng câu nệ.

Triết lại đáp:

-Ôi giời, các ông lại còn mang phong bì vào cho tôi nữa, cái đó chỉ tổ béo mấy ông bà y bác sỹ, hộ lý với lại nhân viên ở đây thôi. Mà các cậu lại nghĩ tớ nói dai chứ gì, ai gặp tớ chẳng bảo thế. Nhưng tớ nói cho mà nghe, ngoài kia khối thằng nói còn dai hơn tớ, mà nói đéo có nội dung, toàn lặp lại mà người ta cũng phải nghe đấy. Nói đi nói lại, mấy chục năm nói mãi nói hoài, nói lăng nha lăng nhăng, chó nó nghe lọt, thế mà vẫn được xưng tụng đấy…

Chúng tôi lại nháy nhau:

-Khá, vẫn hơi dài, được 9/10 điểm.

Một anh bạn của chúng tôi làm kiến trúc sư, lâu nay về bên bộ xây dựng công tác, nói:

-Nhưng mà nó nói cũng “đéo” sai!

Thằng bạn còn lại của tôi làm ở Viện Hóa, nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, tủm tỉm:

-Viện với gia đình cho Triết vào đây là sai rồi, cậu ấy cần cho chỗ khác và chỗ khác cần cho cậu ấy!

Rồi chúng tôi vào việc:

-Triết à, chúng tớ vào đây có mấy việc, một là thăm cậu, hai là muốn đưa cho cậu một lựa chọn.

Triết bảo:

-Lựa chọn gì, chắc các bố lại qua nhà tôi và người nhà bảo tôi quậy quá, hàng xóm cũng bảo tôi vớ vẩn quá, vợ con tốn tiền tốn của chăm sóc, bố mẹ già cũng tốn cả lương hưu để lo cho tớ chứ gì… Cái đó tớ nghe nhiều rồi, các cậu định giúp đỡ kiểu gì? Tớ vào vài bữa lại về rồi vài bữa lại vô, có tốn kém thật nhưng ai bảo không để tớ yên, cứ bắt tớ phải điều trị với không điều trị. Tớ là tớ không cần mọi người phải hiểu tớ, cũng không cần ai phải nói chuyện với tớ, tớ cũng chẳng cần uống thuốc với điều trị, tớ chỉ cần một điều…

Chúng tôi hỏi:

-Cậu cần gì?

Triết bảo:

-Tớ cần được tự do sáng tác. Tớ yêu cầu gia đình trả tớ giấy bút mực màu bảng vẽ, kể cả đàn địch của tớ, kể cả máy tính nữa. Tớ cũng yêu cầu hàng xóm không tọc mạch, tớ yêu cầu công an hộ khẩu không ghé qua ghé lại hỏi han ông cả thủ, tớ yêu cầu tập thể không ai được kỳ thị tớ, tớ cũng là đồng nghiệp cũ của nhiều bạn trong cơ quan, mà tớ còn học giỏi, đỗ cao và đỗ sớm hơn khối đứa đấy. Viện trưởng bây giờ, hồi đi bộ đội về, tớ phụ đạo nó thi đại học chứ ai… Rồi tớ yêu cầu gia đình, mọi người, trước khi cấp giấy cho tớ làm thơ, vẽ tranh, làm nhạc, viết kịch thì không được hỏi tớ định viết vẽ gì, cái đó là quyền của tớ… Tớ cũng yêu cầu các cửa hàng net ở xung quanh tạo điều kiện để tớ được vào mạng tự do lướt web, vào facebook, vào bờ lốc nọ bờ lốc kia… Tớ cũng yêu cầu các ông bà quản thủ thư viện không ngăn tớ vào làm thẻ đọc, thẻ mượn, và cũng yêu cầu các ông bảo vệ viện cho tớ trở lại chỗ tớ làm… Tớ có lấy gì đâu, chỉ qua đó để xem các ông bạn nghiên cứu làm ăn ra sao thôi… Tớ yêu cầu bên viện đại học phải cho tớ trở lại giảng dạy, tớ thấy nhiều thằng dạy láo dạy lếu, hoặc là nhân cách chúng nó không đủ để đứng bảng, chúng nó nhiều đứa bốc phét, toàn học cóp học lỏm, lại toàn đóng kịch tri thức, thiện tri thức rồi lên ti vi, báo chí truyền thông bốc phét nhảm nhí. Nhiều thằng già rồi, không nói về tuổi tác đâu, già cỗi về năng lực, cùng cụt đường rồi, hết sáng tạo rồi, chỉ là xác không hồn thôi… Tớ dạy còn có tư cách và đúng hơn… Và tớ còn yêu cầu…

Chúng tôi nhìn đồng hồ và nói:

-Triết ơi, bọn tớ sắp phải về, bọn tớ muốn cho cậu một lựa chọn, là bây giờ thỉnh thoảng các bạn ở lớp sẽ có tí quà cho gia đình cậu và cho cậu, trong đó có quà tinh thần là chúng tớ sẽ bố trí nơi để cậu vẽ tranh, sáng tác, làm thơ… Coi như có một studio mở theo giờ, chỗ mấy người bạn ở lớp công tác, đang chức đang quyền, có điều kiện, không ảnh hưởng tới ai; trước khi gia đình cậu được bố trí chỗ mới, cho vợ con cậu đỡ căng mà cơ quan cũng được thoải mái, cậu cũng thoải mái. Mọi người đã đưa tranh và thơ của cậu cho mấy nhà phê bình nhưng không nói là của ai, họ rất ấn tượng, họ nói đó là thiên tài, hoặc là chép tranh của thiên tài, hoặc là thơ của một hiện tượng siêu hiện tượng. Cậu đồng ý nhé. Ngoài ra, chúng tớ cũng có kế hoạch mời chuyên gia tốt thăm khám cho cậu từ nay tới đó và cần thì điều trị mới. Ý cậu sao?

Hình như cũng bị nhiễm căn bệnh nói dài của Triết, chúng tôi bắn nguyên một hơi như trên.

Nhưng không ngờ, Triết đập lại:

-Dẹp, dẹp. Các cậu ngu bỏ mẹ, ai lại sáng tác theo giờ. Tôi đi vệ sinh kia kìa, cũng có lúc nổi hứng, thế thì làm sao đang đêm đang hôm tôi tới chỗ các cậu bố với chả trí… Mà tôi có bệnh gì đâu, mấy thằng chuyên gia với lại chuyên khoa, thằng nào mà chẳng phán nọ phán kia rồi cho nắm thuốc, rồi cua tiền rồi biến, có thấy biến chuyển gì đâu… Còn mấy thằng phê bình kia, dốt bỏ mẹ, đã là nghệ sỹ thật thì thằng nào chẳng điên, mà đã điên thì thằng nào chẳng ít nhiều giống bọn nghệ sỹ. Chúng nó, bọn phê bình toàn phán láo, chúng nó toàn dựa hơi rồi bám đít tây đít tàu, học lỏm đủ thứ học thuyết, mà có đứa nào ra được cái sản phẩm riêng đâu. Cả đống cả đàn đấy, toàn là học của tây thôi, có cái nào đưa sang tây mà tây nó phục và đưa lên bàn thờ đâu. Bọn đó, cậu đưa sáng tác của tớ ra, chúng nó phán vớ phán vẩn chỉ mất thời gian, mà có khi chúng nó còn gắn huy hiệu lên, khiến tác phẩm của tớ bị mất giá…

Chúng tôi đồng loạt chuẩn bị đứng lên, nhưng cũng cố hỏi một câu cuối:

-Mất giá là thế nào?

Triết bảo:

-Các cậu đúng là ngoài nghề, hỏi ngu bỏ mẹ. Đây này, chúng nó lúc nào cũng chỉ có một học thuyết đặt lên trên hết, trên cùng đấy, mấy cái thật thì bị đặt xuống dưới. Nhưng vì bị thằng kia nó đè lên nên mấy cái thằng bị đặt xuống dưới nát bươm, rách bươm ra rồi… Chúng nó không biết là chúng nó chỉ học lỏm học dỏm, ra ngoài thì tinh tướng, về nhà thì câm cái mồm như con chó bị rọ mõm, chỉ khi nào chủ gọi thì sủa minh họa, rồi lấy cái bên ngoài cắm vào cái bên trong, vừa cắm vừa run, gọi là tư với chẳng vấn… Tư cái mẹ gì chúng nó, người ta tư vấn là phải khách quan, chúng nó đã nhận tiền rồi, tức là đi làm thuê thì làm chó gì có cơ gì mà đi dạy dỗ bọn kia. Toàn là nói lăng nhăng, nói hai ba mang, đến khi bọn kia nó suỵt cho một phát thì toát mồ hôi, sợ vãi cả ra… Tức là nó cắt ngân sách hay cắt cơ chế, giấy phép ấy… Mà chúng nó sợ là đúng, cơm rượu, ghế ghiếc đang ngon, văng ra là chết cả nút. Bảo chúng nó tỉnh, nó tỉnh hơn tôi à? Này nhé, toàn bảo say mê khoa học, say mê nghệ thuật, say mê nghề nghiệp, hay say mê rượu, say mê chè thuốc, rồi thì vờ điên điên, khùng khùng?… Bọn đó dỏm hết, vào đây tôi đập cho mấy câu là vãi cả ra ngay, toàn đồ dỏm. Khó có hy vọng lắm, hy vọng cái gì… Hy vọng đến từ chỗ khác, không phải từ chúng nó…

Chúng tôi bắt đầu xây xẩm mặt mày, toan về ngay, thì anh bạn Viện Hóa lại hỏi một câu:

-Này Triết, cậu bảo hy vọng đến từ đâu?

Triết bảo:

-Cậu thế mà là phó giáo sư tiến sỹ làm gì cho phí cơm. Cậu không biết là tất cả đang không phải là Nó nữa à? Đã sang cái khác từ lâu rồi, đã lai giống, chuyển gien hết rồi, tất cả đã là hậu mô hình rồi, đâu còn mô hình nữa… Mà tất cả đang là tiền mô hình, đang nghiêng hết rồi kia kìa, sắp đổ hết rồi… Cả thế giới còn thế, riêng gì cái xó xỉnh này. Loài người chúng mình còn ác hơn cầm thú, toàn làm chuyện ác thôi, toàn tham sân si, sư sãi thầy cúng cũng tham, mấy ông thầy giáo trí thức cũng tham thì làm sao tư vấn được cho mấy thằng đại tham lam kia hả… Thế thì bây giờ cái gì là chuẩn? Không phải là nghiêng hả? Vậy thì hy vọng tới từ đâu? Hy vọng không tới từ các bạn, hy vọng tới từ một tương lai hoàn toàn khác bởi số phận nhân loại, số mệnh vũ trụ, bởi số kiếp của các tôn giáo, bởi tương lai của những minh triết thực của triết học, của ánh sáng lương tri, bởi cả thân phận của tình yêu và sự hy sinh cao cả, bởi kỳ vọng đôi khi là tuyệt vọng về cái đẹp và cái thiện, và bởi sự thất bại không dễ nhưng tất yếu của cái ác… Nhưng quan trọng nhất, hy vọng đến từ thất vọng, bất bình và nổi đóa của nhân loại về tất cả những gì mà con người đã tạo ra, ngu si tạo ra, dại dột tạo ra, và nay phải làm lại tất… Phải làm lại tất, đó là động lực của hy vọng, các cậu nghe chưa…

Triết nói đến đây khoát tay và nguẩy đít bước vào lối vào của khoa điều trị, để lại chúng tôi chưng hửng và lùng bùng, choáng váng với những gì được nghe một cách xối xả.

Choáng váng vì chúng tôi không rõ đâu là hư đâu là thực trong chẩn đoán về bệnh tình của cậu ta, dù chúng tôi biết là chính vì thế mà Triết có mặt ở đây.

Chúng tôi đồng ý sẽ giúp Triết và gia đình một cách hợp lý hơn đã định, có lẽ không cần thông báo cho bất kỳ ai, và cũng không thay đổi bất cứ điều gì trong sinh hoạt của cậu ấy...

-Có lẽ anh em mình đã ngu si, mù quáng, hoang tưởng khi thiết kế vụ giúp đỡ cậu ấy chăng?

Anh bạn ngành hóa nói, khi chúng tôi rời Viện và ra xe đi về.

02/8/2013, khi người điên soi gương

Ngô Quốc Phương

 

[Đăng lần đầu ở VĂN VIỆT

http://vanviet.info/van/nguoi-tm-than/ ]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười Một 20214:08 CH(Xem: 11900)
Chúng tôi đang ngồi trên bãi cỏ ven bờ hồ Xuân Hương, ngắm mặt nước phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ. Bãi cỏ xanh dày mềm mại, sạch sẽ êm ái giống một chiếc đệm tuyệt hảo. Đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ, nếu bây giờ mà hai đứa tuột phăng quần áo, cùng nhau lăn lộn, làm tình trên đó thì thú biết bao. Nhưng trên con đường vòng quanh hồ, buổi sáng người xe vẫn thong thả qua. Không ồn ào gào rú như nơi thành phố chúng tôi sống. Những người, những xe lướt đi, tiếng động cơ như vọng về từ nơi xa lắm…
01 Tháng Mười Một 202111:35 CH(Xem: 11104)
Với thời gian, đất nước dung thân sẽ là mồ chôn của nền văn chương bại trận. Hết một thế kỷ, những viên ngọc văn chương chiến bại sẽ bị rong rêu phủ kín dưới đáy đại dương, trong ngõ ngách u tối của một chiếc tàu đánh đắm. Những người trẻ không cùng ngôn ngữ sẽ không ai tìm đọc những áng văn mượt mà óng ả của ông Catca. Có lẽ những nhà nghiên cứu sử sẽ dùng máy móc hiện đại để làm công việc dịch thuật nhưng làm sao máy có thể đọc giữa những hàng chữ để hiểu được thâm thúy câu truyện?
19 Tháng Mười 20217:06 CH(Xem: 12257)
Anh không mất công hay thì giờ gì mấy để làm quen với cô. Vài tuần trở lại đây, anh để ý thấy cô bắt đầu chạy trong công viên này và nhiều lần ngồi nghỉ ở cùng một chiếc ghế đá với anh. Cô không tỏ ra e dè gì khi phải chia chỗ ngồi với một người đàn ông xa lạ. Mỗi lần tình cờ cùng ngồi xuống băng ghế đá, cô đều nở một nụ cười khá thân thiện với anh. Nụ cười của cô đặc biệt ở chỗ là tuy rất dễ mến, nó không có vẻ gì mời gọi một cuộc nói chuyện nào cả. Nó không tắt ngúm ngay làm cho anh cụt hứng, nhưng nó cũng không kéo dài để anh có dịp bắt chuyện với cô. Tuy vậy, anh không muốn tỏ ra là một kẻ thiếu lịch thiệp, không phải đợi cơ hội mới cho thấy rằng mình cũng có khiếu ăn nói. – Chào mừng cô đến với công viên Griffith —Một hôm anh quyết định đi xa hơn những nụ cười xã giao.
19 Tháng Mười 20216:53 CH(Xem: 12239)
Ở làng tôi. Người đàn ông sáu mươi ba tuổi, sau một đêm ngủ vùi và không bao giờ đứng dậy được nữa. Nhưng người thân cố cứu sống ông ta bằng mọi giá . Vị pháp sư người Tàu được thỉnh mời , ông ta khẳng định rằng nếu cái xác kia vừa kịp chìm sâu vào trong bóng tôi chưa quá ba canh giờ. Ông ta và các đồng sự, từ chỗ này hay nơi khác, đã cứu được nhiều người trong một thể trạng như vậy. Khi cái xác vùng đứng dậy, mọi người trong gia đình, người thăm viếng than bằng quyến thuộc bỏ chạy tán loạn và những câu chuyện chết chóc , tang thương bắt đầu từ đó.
08 Tháng Mười 20219:45 CH(Xem: 12168)
Tháng Mười của lễ hội bắt đầu, người người tấp nập trong các cửa hàng, mặc kệ những cơn gió mang theo hơi lạnh giá của cơn mưa dầm của mùa thu, hay cái nắng vàng óng ả của những chiếc lá vàng đang bay trong gió lộng. Lòng đường đầy xác lá làm tôi nhớ đến cảnh người phu quét lá ở quê nhà, chiếc xe bằng gổ và cây chổi dài họ cứ quét và lá cứ rơi và gió cứ thổi tung và quay tròn rồi rơi xuống đường. Ngày cứ trôi qua và đêm đổ xuống trên những ngọn đèn vàng của những con đường đầy bóng cây và chiếc xe gổ cùng như người quét lá mang lại trong tôi một hình ảnh thân quen của thành phố Sài Gòn, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và ra đi để đến một miền đất khác. Tháng Mười mang theo khá nhiều kỷ niệm, của thời trẻ cho đến ngày già, Những ngày cuối thu mang theo chút tiếc nhớ của ngày xưa, dịu dàng hơn như một hớp rượu nho ướp vào mùa thu trước, cơn say dịu dàng như những âm giai trầm bổng trong một trường khúc concerto duy nhất của Jean Sibelius...
26 Tháng Chín 20218:35 CH(Xem: 11393)
Hôm hết đợt “3 cùng” chống dịch ở bên khu công nghiệp, Mìn, Lù, Phủ về phòng trọ không thấy Giắng đâu. Hỏi. Chị chủ bảo: “Mình nhận A Giắng làm em nuôi rồi. Đưa nó lên nhà trên ở cho tiện. Ở dưới một mình hôm nọ ốm đói suýt chết đấy.” / “Thế…thế… tối nay có ‘xúc than đóng gạch’ nữa không?” / Mặt chị chủ thốt nhiên đỏ bừng. Hạ giọng thì thầm: “Thôi. Từ giờ thôi nhé. Chuyện đâu bỏ đó coi như không có gì nhé.”
14 Tháng Chín 20218:20 CH(Xem: 10853)
Tay Giắng quờ quạng vơ vào ngực áo chị, miệng khô khốc nhóp nhép như bé con đòi bú. Giắng nhắm nghiền mắt thều thào: “nước ước…”. Chị nhìn quanh, cả phòng chả có cái gì gọi là nước. Cái xô nhựa đựng nước nấu ăn cũng khô rang lăn lóc góc phòng. Chị tắc lưỡi vén áo lên, kề bầu ngực căng mọng sữa vào miệng Giắng bóp nhẹ. Một tia sữa trắng thơm nức phun xuống đôi môi khô nứt. Giắng nhóp nhép nuốt. Rồi nuốt ừng ực. Chị áp cả bầu vú vào miệng Giắng. Nắn. Hết bầu này sang bầu kia. Giắng vẫn nhắm nghiền mắt nuốt. Khuôn mặt dần hồng lên. Chị nhìn xuống, mãn nguyện… / Giắng mở mắt ra. Nhìn. Hồi lâu. Bỗng òa khóc, ôm chầm lấy chị nức nở: “Chị ơiiiiii…”
13 Tháng Chín 202112:18 SA(Xem: 12729)
Nhà tôi ở lưng chừng đồi. Ngôi nhà nhỏ như tổ chim ghé vai dựa vào vách sỏi cách mặt đường ba chục bậc cấp ấy có một cây mộc hương bốn mùa lặng lẽ buông từ nách lá những nhánh bông li ti màu vàng ngà điểm đôi chấm ngả sang trắng sữa và một khoảnh sân bé xíu lát bằng những viên gạch gốm, màu men đất thâm trầm lấp lánh ánh đen. Đứng ở đấy, nhìn về phía trước sẽ thấy trọn vẹn một hồ nước mênh mông thấu cả đáy sỏi vàng – Hồ Bến Tắm. Giữa hồ có một hòn đảo rất lớn, tách biệt hẳn với đất liền vì con đường độc đạo dẫn vào đó bao giờ cũng chìm sâu trong nước. Mẹ tôi gọi đảo ấy là Đảo Mộc Hương…
24 Tháng Tám 202110:46 CH(Xem: 12986)
Tôi từ từ từ đứng dậy, như thoát ra khỏi một lớp vỏ nào đó, bước tới vài bước rồi quay lại nhìn chính mình. Tôi vẫn còn ngồi ôm đầu trên sofa, quằn quại trong đau đớn. Tôi bỏ mặc tôi ngồi đó để quay vào bên trong, bây giờ đã thấy trong người nhẹ nhàng đôi chút. Tôi bỏ lại cả cơn đau và cơn say, lướt đi như không chạm đất, lần về phía cái cầu thang gỗ dẫn lên căn gác xép. Mùi ẩm mốc của nơi ít người lui tới tràn ngập căn gác tối. Tiếng mưa vỗ trên nóc nhà nghe rõ mồn một. / Tôi bắt đầu lục lọi những món đồ đã từ lâu không đụng tới, không biết mình đang tìm kiếm gì. Mấy cuốn sách cũ bay mùi ngai ngái. Vài tập nhật ký bám đầy bụi. Những album ảnh dày cộm, chất chứa biết bao nhiêu nhân vật trong đó, người còn, kẻ mất. Tôi thẫn thờ lật qua vài trang bất chợt, những quãng đời đã qua như từng phân đoạn trong một cuốn phim dài, lúc thì đen trắng, lúc thì nhiều màu sắc, hiển hiện như chưa bao giờ mất đi. Cơn mưa hiện tại vẫn còn rạt rào trên mái.
17 Tháng Tám 202110:48 CH(Xem: 10751)
Vòng quay trái đất hai mươi bốn giờ một ngày, ba trăm sáu mươi lăm vòng một năm, ba ngàn sáu trăm năm mươi vòng mười năm. Vòng quay thời gian nhớ thương, đợi chờ, tuyệt vọng. Vòng quay bánh xe ra đi chắc nàng còn ngủ say, vòng quay bánh xe trở về không biết nàng giờ ra sao.