- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỜI TÂM THẦN

18 Tháng Năm 20188:59 CH(Xem: 24662)
benh vien tam than bw- anh Internet
Bệnh viện tâm thần -ảnh Internet

Cuối tháng ấy, tôi và mấy người bạn học cũ vào thăm người bạn đang điều trị trong một bệnh viện tâm thần.

Trước khi vào viện, chúng tôi liên hệ với một người bạn khác cũng ở bệnh viện này nhưng là thầy thuốc.

Người bạn của chúng tôi bảo:

“Các cậu vào thăm Triết thì thăm nhanh thôi nhé, không cậu ấy nói nhiều lại phát bệnh nặng. Tớ sẽ bảo anh em thu xếp, nhưng tớ bận đi công tác. Ngoài ra…”.

“Ngoải ra sao?”, chúng tôi hỏi.

“Ngoài ra, các câu nên rút nhanh, kẻo các cậu có thể bị tẩu hỏa nhập ma đấy”, anh bạn cùng lớp hồi phổ thông của cả mấy chúng tôi đáp.

Vậy là bỏ phôn tay xuống, chúng tôi cảm thấy vô cùng hào hứng, có đôi phần tò mò và bị kích thích, rồi sau khi nâng ly bia lên, chúng tôi tiến thẳng xuống Viện.

Đã được bố trí trước, chúng tôi gặp Triết trong một khu vực khá yên tĩnh, vào một giờ khá yên tĩnh, ngày cuối tuần.

Sau khi đặt chút quà lên mặt chiếc bàn đá công cộng và cùng nhau an tọa ở mấy chiếc ghế đá quây chụm lại, anh em chúng tôi bắt tay Triết trước khi hỏi han.

Khi chúng tôi còn đang mải phân ngôi chủ khách thì Triết lên tiếng:

-Các cậu vào thăm tớ làm gì cho phí thời gian, vài hôm nữa tớ lại ngoại trú thôi. Ở nhà còn làm lợi cho vợ con, rồi lo việc làm ăn, cơ quan, thăm nom tớ làm gì… Nhưng mà cũng cảm ơn các cậu, quà cáp thì cầm về, tớ đầy đồ ra, toàn cho người, ăn có hết đâu…

Chúng tôi nháy mắt với nhau:

-Mẹ, thằng này được 9/10 điểm. Ăn nói rất ok, chỉ có điều nói hơi dài, như ca cải lương, nếu không đã được 10/10 điểm.

Chúng tôi bảo Triết:

-Không có gì, không có gì… Bạn bè cũ thăm nhau là quý nhất, cậu đừng câu nệ.

Triết lại đáp:

-Ôi giời, các ông lại còn mang phong bì vào cho tôi nữa, cái đó chỉ tổ béo mấy ông bà y bác sỹ, hộ lý với lại nhân viên ở đây thôi. Mà các cậu lại nghĩ tớ nói dai chứ gì, ai gặp tớ chẳng bảo thế. Nhưng tớ nói cho mà nghe, ngoài kia khối thằng nói còn dai hơn tớ, mà nói đéo có nội dung, toàn lặp lại mà người ta cũng phải nghe đấy. Nói đi nói lại, mấy chục năm nói mãi nói hoài, nói lăng nha lăng nhăng, chó nó nghe lọt, thế mà vẫn được xưng tụng đấy…

Chúng tôi lại nháy nhau:

-Khá, vẫn hơi dài, được 9/10 điểm.

Một anh bạn của chúng tôi làm kiến trúc sư, lâu nay về bên bộ xây dựng công tác, nói:

-Nhưng mà nó nói cũng “đéo” sai!

Thằng bạn còn lại của tôi làm ở Viện Hóa, nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, tủm tỉm:

-Viện với gia đình cho Triết vào đây là sai rồi, cậu ấy cần cho chỗ khác và chỗ khác cần cho cậu ấy!

Rồi chúng tôi vào việc:

-Triết à, chúng tớ vào đây có mấy việc, một là thăm cậu, hai là muốn đưa cho cậu một lựa chọn.

Triết bảo:

-Lựa chọn gì, chắc các bố lại qua nhà tôi và người nhà bảo tôi quậy quá, hàng xóm cũng bảo tôi vớ vẩn quá, vợ con tốn tiền tốn của chăm sóc, bố mẹ già cũng tốn cả lương hưu để lo cho tớ chứ gì… Cái đó tớ nghe nhiều rồi, các cậu định giúp đỡ kiểu gì? Tớ vào vài bữa lại về rồi vài bữa lại vô, có tốn kém thật nhưng ai bảo không để tớ yên, cứ bắt tớ phải điều trị với không điều trị. Tớ là tớ không cần mọi người phải hiểu tớ, cũng không cần ai phải nói chuyện với tớ, tớ cũng chẳng cần uống thuốc với điều trị, tớ chỉ cần một điều…

Chúng tôi hỏi:

-Cậu cần gì?

Triết bảo:

-Tớ cần được tự do sáng tác. Tớ yêu cầu gia đình trả tớ giấy bút mực màu bảng vẽ, kể cả đàn địch của tớ, kể cả máy tính nữa. Tớ cũng yêu cầu hàng xóm không tọc mạch, tớ yêu cầu công an hộ khẩu không ghé qua ghé lại hỏi han ông cả thủ, tớ yêu cầu tập thể không ai được kỳ thị tớ, tớ cũng là đồng nghiệp cũ của nhiều bạn trong cơ quan, mà tớ còn học giỏi, đỗ cao và đỗ sớm hơn khối đứa đấy. Viện trưởng bây giờ, hồi đi bộ đội về, tớ phụ đạo nó thi đại học chứ ai… Rồi tớ yêu cầu gia đình, mọi người, trước khi cấp giấy cho tớ làm thơ, vẽ tranh, làm nhạc, viết kịch thì không được hỏi tớ định viết vẽ gì, cái đó là quyền của tớ… Tớ cũng yêu cầu các cửa hàng net ở xung quanh tạo điều kiện để tớ được vào mạng tự do lướt web, vào facebook, vào bờ lốc nọ bờ lốc kia… Tớ cũng yêu cầu các ông bà quản thủ thư viện không ngăn tớ vào làm thẻ đọc, thẻ mượn, và cũng yêu cầu các ông bảo vệ viện cho tớ trở lại chỗ tớ làm… Tớ có lấy gì đâu, chỉ qua đó để xem các ông bạn nghiên cứu làm ăn ra sao thôi… Tớ yêu cầu bên viện đại học phải cho tớ trở lại giảng dạy, tớ thấy nhiều thằng dạy láo dạy lếu, hoặc là nhân cách chúng nó không đủ để đứng bảng, chúng nó nhiều đứa bốc phét, toàn học cóp học lỏm, lại toàn đóng kịch tri thức, thiện tri thức rồi lên ti vi, báo chí truyền thông bốc phét nhảm nhí. Nhiều thằng già rồi, không nói về tuổi tác đâu, già cỗi về năng lực, cùng cụt đường rồi, hết sáng tạo rồi, chỉ là xác không hồn thôi… Tớ dạy còn có tư cách và đúng hơn… Và tớ còn yêu cầu…

Chúng tôi nhìn đồng hồ và nói:

-Triết ơi, bọn tớ sắp phải về, bọn tớ muốn cho cậu một lựa chọn, là bây giờ thỉnh thoảng các bạn ở lớp sẽ có tí quà cho gia đình cậu và cho cậu, trong đó có quà tinh thần là chúng tớ sẽ bố trí nơi để cậu vẽ tranh, sáng tác, làm thơ… Coi như có một studio mở theo giờ, chỗ mấy người bạn ở lớp công tác, đang chức đang quyền, có điều kiện, không ảnh hưởng tới ai; trước khi gia đình cậu được bố trí chỗ mới, cho vợ con cậu đỡ căng mà cơ quan cũng được thoải mái, cậu cũng thoải mái. Mọi người đã đưa tranh và thơ của cậu cho mấy nhà phê bình nhưng không nói là của ai, họ rất ấn tượng, họ nói đó là thiên tài, hoặc là chép tranh của thiên tài, hoặc là thơ của một hiện tượng siêu hiện tượng. Cậu đồng ý nhé. Ngoài ra, chúng tớ cũng có kế hoạch mời chuyên gia tốt thăm khám cho cậu từ nay tới đó và cần thì điều trị mới. Ý cậu sao?

Hình như cũng bị nhiễm căn bệnh nói dài của Triết, chúng tôi bắn nguyên một hơi như trên.

Nhưng không ngờ, Triết đập lại:

-Dẹp, dẹp. Các cậu ngu bỏ mẹ, ai lại sáng tác theo giờ. Tôi đi vệ sinh kia kìa, cũng có lúc nổi hứng, thế thì làm sao đang đêm đang hôm tôi tới chỗ các cậu bố với chả trí… Mà tôi có bệnh gì đâu, mấy thằng chuyên gia với lại chuyên khoa, thằng nào mà chẳng phán nọ phán kia rồi cho nắm thuốc, rồi cua tiền rồi biến, có thấy biến chuyển gì đâu… Còn mấy thằng phê bình kia, dốt bỏ mẹ, đã là nghệ sỹ thật thì thằng nào chẳng điên, mà đã điên thì thằng nào chẳng ít nhiều giống bọn nghệ sỹ. Chúng nó, bọn phê bình toàn phán láo, chúng nó toàn dựa hơi rồi bám đít tây đít tàu, học lỏm đủ thứ học thuyết, mà có đứa nào ra được cái sản phẩm riêng đâu. Cả đống cả đàn đấy, toàn là học của tây thôi, có cái nào đưa sang tây mà tây nó phục và đưa lên bàn thờ đâu. Bọn đó, cậu đưa sáng tác của tớ ra, chúng nó phán vớ phán vẩn chỉ mất thời gian, mà có khi chúng nó còn gắn huy hiệu lên, khiến tác phẩm của tớ bị mất giá…

Chúng tôi đồng loạt chuẩn bị đứng lên, nhưng cũng cố hỏi một câu cuối:

-Mất giá là thế nào?

Triết bảo:

-Các cậu đúng là ngoài nghề, hỏi ngu bỏ mẹ. Đây này, chúng nó lúc nào cũng chỉ có một học thuyết đặt lên trên hết, trên cùng đấy, mấy cái thật thì bị đặt xuống dưới. Nhưng vì bị thằng kia nó đè lên nên mấy cái thằng bị đặt xuống dưới nát bươm, rách bươm ra rồi… Chúng nó không biết là chúng nó chỉ học lỏm học dỏm, ra ngoài thì tinh tướng, về nhà thì câm cái mồm như con chó bị rọ mõm, chỉ khi nào chủ gọi thì sủa minh họa, rồi lấy cái bên ngoài cắm vào cái bên trong, vừa cắm vừa run, gọi là tư với chẳng vấn… Tư cái mẹ gì chúng nó, người ta tư vấn là phải khách quan, chúng nó đã nhận tiền rồi, tức là đi làm thuê thì làm chó gì có cơ gì mà đi dạy dỗ bọn kia. Toàn là nói lăng nhăng, nói hai ba mang, đến khi bọn kia nó suỵt cho một phát thì toát mồ hôi, sợ vãi cả ra… Tức là nó cắt ngân sách hay cắt cơ chế, giấy phép ấy… Mà chúng nó sợ là đúng, cơm rượu, ghế ghiếc đang ngon, văng ra là chết cả nút. Bảo chúng nó tỉnh, nó tỉnh hơn tôi à? Này nhé, toàn bảo say mê khoa học, say mê nghệ thuật, say mê nghề nghiệp, hay say mê rượu, say mê chè thuốc, rồi thì vờ điên điên, khùng khùng?… Bọn đó dỏm hết, vào đây tôi đập cho mấy câu là vãi cả ra ngay, toàn đồ dỏm. Khó có hy vọng lắm, hy vọng cái gì… Hy vọng đến từ chỗ khác, không phải từ chúng nó…

Chúng tôi bắt đầu xây xẩm mặt mày, toan về ngay, thì anh bạn Viện Hóa lại hỏi một câu:

-Này Triết, cậu bảo hy vọng đến từ đâu?

Triết bảo:

-Cậu thế mà là phó giáo sư tiến sỹ làm gì cho phí cơm. Cậu không biết là tất cả đang không phải là Nó nữa à? Đã sang cái khác từ lâu rồi, đã lai giống, chuyển gien hết rồi, tất cả đã là hậu mô hình rồi, đâu còn mô hình nữa… Mà tất cả đang là tiền mô hình, đang nghiêng hết rồi kia kìa, sắp đổ hết rồi… Cả thế giới còn thế, riêng gì cái xó xỉnh này. Loài người chúng mình còn ác hơn cầm thú, toàn làm chuyện ác thôi, toàn tham sân si, sư sãi thầy cúng cũng tham, mấy ông thầy giáo trí thức cũng tham thì làm sao tư vấn được cho mấy thằng đại tham lam kia hả… Thế thì bây giờ cái gì là chuẩn? Không phải là nghiêng hả? Vậy thì hy vọng tới từ đâu? Hy vọng không tới từ các bạn, hy vọng tới từ một tương lai hoàn toàn khác bởi số phận nhân loại, số mệnh vũ trụ, bởi số kiếp của các tôn giáo, bởi tương lai của những minh triết thực của triết học, của ánh sáng lương tri, bởi cả thân phận của tình yêu và sự hy sinh cao cả, bởi kỳ vọng đôi khi là tuyệt vọng về cái đẹp và cái thiện, và bởi sự thất bại không dễ nhưng tất yếu của cái ác… Nhưng quan trọng nhất, hy vọng đến từ thất vọng, bất bình và nổi đóa của nhân loại về tất cả những gì mà con người đã tạo ra, ngu si tạo ra, dại dột tạo ra, và nay phải làm lại tất… Phải làm lại tất, đó là động lực của hy vọng, các cậu nghe chưa…

Triết nói đến đây khoát tay và nguẩy đít bước vào lối vào của khoa điều trị, để lại chúng tôi chưng hửng và lùng bùng, choáng váng với những gì được nghe một cách xối xả.

Choáng váng vì chúng tôi không rõ đâu là hư đâu là thực trong chẩn đoán về bệnh tình của cậu ta, dù chúng tôi biết là chính vì thế mà Triết có mặt ở đây.

Chúng tôi đồng ý sẽ giúp Triết và gia đình một cách hợp lý hơn đã định, có lẽ không cần thông báo cho bất kỳ ai, và cũng không thay đổi bất cứ điều gì trong sinh hoạt của cậu ấy...

-Có lẽ anh em mình đã ngu si, mù quáng, hoang tưởng khi thiết kế vụ giúp đỡ cậu ấy chăng?

Anh bạn ngành hóa nói, khi chúng tôi rời Viện và ra xe đi về.

02/8/2013, khi người điên soi gương

Ngô Quốc Phương

 

[Đăng lần đầu ở VĂN VIỆT

http://vanviet.info/van/nguoi-tm-than/ ]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Bảy 202211:33 SA(Xem: 7322)
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy - chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu của tôi chính là chị để mà học hỏi. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất cấp. Khi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) bác tôi có mời một anh sinh viên tên là Vinh về kèm cho chị học. Anh ấy nhiệt tình, kiến thức vững và tính cách cũng đàng hoàng. Năm tháng trôi đi học xong đệ nhất cấp, chị thi đỗ vào trường Nữ trung học Thành Nội. Mẹ chị là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu và đặc biệt là có giọng hát ru và những làn điệu dân ca xứ Huế rất hay. Ngoài giờ học chị được mẹ kèm cặp, nữ công gia chánh như đan lát, thêu thùa, làm các loại bánh trái, nấu được những món ăn đặc trưng xứ Huế rất ngon.
29 Tháng Sáu 20226:22 CH(Xem: 7820)
...lần nầy bà quyết tâm bỏ nhà ra đi. Mà đi đâu? Tới nhà con trai thì ngại với dâu. Tới nhà con gái thì ngại với rể! Suy đi tính lại, bà quyết định sẽ đi share một căn phòng, ở một mình cho sướng cái thân. / Thôi thì ráng chịu đựng đêm nay. Chỉ một đêm nay thôi. Rồi sáng mai bà sẽ đi mua mấy tờ báo kiếm phòng thuê. Bà sẽ kiếm cái nhà nào gần chợ Việt Nam cho tiện. Người bạn thân của bà, có lão chồng tòng teng bồ bịch ở Việt Nam, tức mình bỏ ra ngoài share phòng ở, đã hùng hồn phát biểu rằng sướng như tiên. Người ta làm được, mắc gì bà không làm được. Sáng bà sẽ đi bộ với mấy người bạn, rồi tiện ghé chợ. Chiều coi ti vi. Tối đọc sách. Tự do thoải mái, không bị vướng bận gì hết. Khỏe ru rù rù.
23 Tháng Sáu 20224:49 CH(Xem: 7883)
Dù sao em vẫn cảm ơn anh. Nếu quay lại từ đầu, em vẫn làm như vậy. Em đã sung sướng đến nhường nào khi được cùng anh bay lên miền hạnh phúc. Anh biết không, giờ đây, trong từng hơi thở, trong mỗi giấc mơ, em vẫn đang bay lên, bay lên cùng anh khi em sống lại những giây phút đó.
15 Tháng Sáu 20221:33 SA(Xem: 8142)
Em cúi đầu, giọng thấp hẳn xuống: - Cô ơi, theo em được biết, hồi xưa, một trong những hình phạt vô cùng kinh hãi là tứ mã phanh thây. - Ừ, chỉ hình dung thôi cũng đủ khiếp sợ. - Dạ, tay chân của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào chân bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng; nếu không có nài ngựa, người ta sẽ thét to lên hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Và bốn sợi dây sẽ kéo tay chân phạm nhân đến khi thân thể của họ bị xé ra. - Ôi thôi! Nghe sợ quá! Sao bỗng dưng em lại nói đến chuyện đó? Em chậm rãi: - Dạ, em đã tìm đọc nhiều thiệt nhiều những kiểu hành hình đau đớn nhất để coi cái đau của mình cỡ nào. Cô ơi, em đã từng bị hành hình theo cách tứ mã phanh thây! - Hả?
02 Tháng Sáu 202210:20 CH(Xem: 7312)
Mãi rồi cũng về đến núi. Chính xác là về đến chân núi, đèo Ngao. Vượt qua con đèo dài 32 cây số cả lên lẫn xuống này, mới đến bản Tồng, quê Mìn. Nhảy xuống khỏi thùng cái xe tải chở hàng cứu trợ, nằm vật xuống bãi cỏ bên một búi tre chân đèo. Thở dốc. Mệt mỏi. Mìn ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu thu xanh thẳm không một gợn mây, nắng vàng rười rượi ấm áp tỏa khắp nhân gian. Vậy mà sao Mìn thấy lạnh lẽo quá. Lạnh từ trong tâm can ruột rà sâu thẳm lạnh ra. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng gà kêu chó sủa. Con đường quốc lộ chạy qua chân đèo, con đường đèo nối mấy huyện vùng cao thường ngày tấp nập người xe, vậy mà nay vắng lạnh. Mà mới chỉ đầu giờ chiều. Mọi thứ như có một cái phép thần của mụ phù thủy, vung lên một cái, biến sạch. Khi dời bản bỏ núi xuống phố làm thuê, ba tay Mìn, Lù, Phủ đã uống rượu thề sống chết có nhau. Thế mà bây giờ, về tới chân núi chỉ còn có một mình…
20 Tháng Tư 202210:00 CH(Xem: 8815)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ.
19 Tháng Ba 202211:54 CH(Xem: 8094)
Sau một đợt công tác phía Nam, hắn bị, đúng hơn là tự nhốt mình trên tầng ba để bảo vệ gia đình hắn: vợ trẻ, hai đứa con gái chưa trưởng thành và bà mẹ đang gần đất xa trời… Trước đợt hắn đi xa, cả Hà Nội đã nháo nhác lên vì F0, ở đâu cũng thấy F0, bạn bè hắn liên tục báo tin bị F0! Cho nên, lúc trở về, hắn tình nguyện cách ly với mọi người, kiểu “i-zô-lê” (isolé) mà hắn sực nhớ ra khái niệm được biết từ hồi làm phim về một người tù số vuông bị lao ở ngục đá Sơn La. Sau 4 hôm bình thường, người bỗng mệt mỏi, họng đau rát. “Thế là ông bị rồi! Đi như ngựa vía mà không bị mới tài!” - vợ hắn kêu lên như cha chết.
28 Tháng Giêng 202211:34 CH(Xem: 9757)
Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi , mợ Hai phủi tay đứng dậy. — Phần mợ xong rồi đó. Tụi bây chia nhau thức canh nồi bánh nghe . Nhi dạ một tiếng đáp lời mợ . Quang tranh thủ chớp ngay thời cơ : — Có gì ăn để khỏi buồn ngủ không mợ ? Mợ hai cười dễ dãi : — Cái thằng này chỉ ăn là giỏi . Nhi vào lấy đậu , đường trong bếp ra nấu chè cho tụi bạn ăn đi con. Thà từ ngoài vườn bước vào , quăng mạnh bó tàu lá dừa xuống đất . Thấy Nhi đang lúi húi nạo dừa, Thà đi đến giành lấy bàn nạo : — Để tui làm cho. Nhi nghỉ tay đi . Có tiếng Lài “e hèm “ liền sau câu nói của Thà.
28 Tháng Giêng 202211:19 CH(Xem: 8384)
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả: - Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!
25 Tháng Giêng 202210:43 CH(Xem: 8762)
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng trước những dấu hiệu của một mùa xuân đang trở lại. Chợ búa thay màu đổi sắc, rực rỡ hẳn lên với những mặt hàng dành riêng cho tết nhứt. Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, ba má cô đã háo hức sửa soạn mọi thứ như vẫn làm từ năm này qua năm khác. Nhắm mắt lại, cô Thơm có thể mường tượng ra cảnh dưới bếp, má cô lễ mễ mang về những món cần thiết để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng giao thừa và đầu năm. Hay trên gian nhà chính, ba cô đang dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi bộ lư đồng và chân đèn sáng loáng đến ngó vào cũng thấy rõ mặt mình.