- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CỘI MAI VÀNG

15 Tháng Hai 20181:27 SA(Xem: 35776)

 

 

 

MAI
Mai - ảnh UL


B
a vốn mê chơi hoa Mai.

Ngày sinh ra cô con gái đầu lòng, ba tự tay trồng cây Mai vàng trước ngõ.

Chị được đặt tên Hoàng Mai.

Thứ nhất nhau quàng, thứ nhì vàng da. Lúc mới sinh ra  chị  bị nhau quàng quanh cổ, chị nằm lì trong bụng mẹ, bà mụ loay hoay lựa thế mãi mới lôi được hai chân ra ngoài, nên da chị vàng như nghệ, cả nhà quen miệng gọi là chị Vàng.

Năm đó Mai vàng nở bung năm cánh to tròn rực rỡ trước hiên nhà.

Mẹ có bầu sòn sòn ba năm liên tục, chỉ rặt toàn con gái. Ba đã chán không còn hăm hở trồng cây Mai mới như lần đầu. Mỗi lần thêm một đứa con gái chào đời, ba chỉ ghép thêm nhánh mới vào cội Mai cũ, hết Mai trắng rồi đến Mai hồng, Bạch Mai là chị bé ba, Hồng Mai là chị bé tư.

Bảy năm sau, Đến đứa con đẻ ráng cuối cùng, ba hồi hộp trồng hẳn cây Mai Tứ quý ngay cửa sổ. Vậy là cậu út Qúy Mai được sinh ra trong trầm trồ nhẹ nhõm của mọi người, cả nhà váng ầm lên tiếng khóc ngằn ngặt của cậu út và tiếng cười sang sảng của ba.

Vừa sinh ra cậu út Qúy Mai là mẹ nằm liệt giường vì hậu sản. Toàn bộ công việc nhà đổ hết lên vai chị Vàng. Mới 12 tuổi, chị đã phải thức đêm quậy sửa hộp ông thọ với nước cháo sền sệt mớm cho em trai, ngày thì đi gánh nước mướn. Hai đòn gánh hằn lên xương quai xanh hai lằn tím bầm không bao giờ tan. Chị Ba bế em trẹo một bên hông, cái hông lâu ngày chai ngắt, ngồi đâu cũng lồi lên một cục, cậu út Qúy hay lấy tay chà vào riết rồi thành ghiền. Chị bé Tư tuổi còn nhỏ nhất, ham chơi nhảy dây, lò cò, vứt cậu út ra bên hè, bị kiến lửa cắn sưng mông. Ba vừa đi lái xe ôm về thấy cậu út Qúy khóc tím tái không thành tiếng, vội vã vơ ngay cây đũa cả quất từ trên đầu chị bé Tư quất xuống, trán tét một đường máu chảy lênh láng. Chị bé Tư dãy tê tê mà không dám la, mắt trợn ngược. Từ đó, mổi lần đến mùa lạnh, đầu chị lại nhức buốt đến óc, mỗi lần gặp chuyện sợ hãi hay bị xúc động , chị lại giựt tay chân , mắt trợn ngược. Riết rồi mọi người quen dần gọi chị Tư trợn. Sau này thấy hay hay, mổi lần xem cải lương đến đoạn cô đào hát xuống một câu mùi hết biết, chị cũng trợn ngược mắt , giựt tê tê người cho cậu Út Qúy cười quên thôi!

Mấy chị em theo nhau lớn dần lên. Năm chị Vàng 15 tuổi ba bỏ nhà đi theo vợ nhỏ dân buôn bán ở phố. Mẹ vẫn nằm một chổ, héo úa vàng vỏ như cây Mai bị lặt trụi hết lá. Chị Vàng dắt theo cậu út Qúy đi làm mướn nuôi cả nhà. Bé Ba và bé Tư quanh quẩn gánh nước mướn thế cho chị và chăm sóc cho má.

Mười lăm tuổi, chị Vàng đã có da có thịt.  Má bắt đầu lột nét hồng rạng ngời mơn mởn trút sạch lớp da vàng nghệ ngày thơ. Miệng chị cười có lúm đồng điếu ẩn hiện rất duyên, nhưng đuôi mắt đen thì buồn quá đổi. Cậu Hai , con trai lớn nhà chủ đi lính nghĩa vụ lâu lâu về thăm nhà,  liếc thầm để ý. Nhất là mỗi chiều chạng vạng khi chị Vàng bế em bé con bà chủ ra ngoài ngõ hóng gió, thằng nhỏ đeo bám chặt vào bộ ngực thanh tân chỏm cau mới nhú cứng ngắc của chị Vàng, đường cong tơ non hằn rõ qua làn áo vải bà ba sờn mỏng. Cậu Hai tìm cách xớ rớ chung quanh, hết lấy tay vờ nựng nịu đến bẹo má , vuốt đùi thằng bé, rồi tìm cách động chạm vào ngực chị Vàng. Chị sợ hoảng, kiểu con gái mới lớn lần đầu chạm hơi trai, co rúm người lại nhưng không dám chống cự. Cậu Hai cười cười lơi lã, ngày càng xán lại gần hơn, mắt môi nạc  mỡ hơn, bàn tay lông lá bạo dạn nán lại lâu hơn trên vùng da thịt con gái mới lớn! Không phải kể là chị Vàng cũng có chút rạo rực, đêm nằm vừa thẹn thùng, vừa xôn xao là lạ, vừa tủi thân không có má một bên để tâm sự, nước mắt nhỏ ròng ròng ướt hết vạt chiếu.

Một hôm trời nhá nhem tối, cậu Hai lấn xấn mãi một bên , gió chiều thì hiu hiu, mà nắng chiều lại dìu dịu, hai má chị Vàng ưng ửng như da trái mận non, cầm lòng không đậu, cậu thọc hẳn bàn tay vào sâu trong làn áo ngực vải thô cứng, mắt đờ dại nhìn chăm chăm chị Vàng. Chị Vàng giật thót người, ứa nước mắt van vỉ:

-      Con xin cậu. Cậu đừng làm vậy ai thấy kỳ lắm.

Cậu Hai tẽn tò rút tay ra, vừa  thèm tiếc ngẫn ngơ mùi da thịt săn chắc mát rượi. Chị ẳm em bé chạy thụt mạng về  nhà, cậu út Qúy lủi thủi chạy theo sau lưng chị khóc thút thít. Đâm sầm vào người bà chủ, chị Vàng chưa kịp mở miệng, cậu út Qúy đã mếu máo ngọng nghịu:

-      Cậu Hai ò ti chị Vàng con…

Mặt bà chủ xám ngoét:

-      Cú mà dám chòi nhà tiên! Mày cả gan quá vậy Vàng? Mày dám nói lại cho tao nghe coi!

-      Dạ, con không dám, con xin cậu mà cậu không chịu nghe- chị Vàng gục đầu khóc nức nở không thành tiếng.

Cậu Hai vừa lệch xệch dép lào về tới cửa, hất hàm:

-      Con này nói gì hả mẹ?

-      Chị em con này dám mét con bờm xơm nó, quân điêu toa- bà chủ rít qua kẻ răng.

-      Mày nhìn lại mày coi, hôi hám xấu xí cở này ai mà thèm đứng gần. Chắc nó nằm mơ- cậu Hai nhếch miệng cười sượng sùng.

Bà chủ sấn sổ nhào tới:

-      Đánh một trận cho nó chừa thói gian ngoan!

-      Thôi, đuổi cổ chị em nhà nó đi là được rồi. Không mình lại mang tiếng ác với người ăn kẻ ở. Cái thói nhà quê, ngu lâu, ngon ngọt lại không muốn- Câu Hai câng câng mặt thọc tay vào túi áo pyjama ngoảnh đi.

Vậy là đêm đó đồ đạc của hai chị em bị hất tung ra trước ngỏ. Lận cuộn tiền giấy 100 vào lưng quần, chị Vàng vừa dắt tay cậu út Qúy bước đi vừa cắn chặt răng nín khóc. Về đến cổng nhà, chị cứ đứng mãi trước cội Mai già khô không hoa, không dám bước qua ngạch cửa, nước mắt tuôn xuống thân cây ròng ròng như nhựa ứa.

Chị Tư trợn tròn mắt,

-      Hai để đó  em! Hai đừng đi làm mướn nữa, để em làm mướn nuôi cả nhà. Em xấu xí như vầy lại có bệnh động kinh, không có ai dám chạm vào người em đâu!

Năm đó bé Tư vừa tròn 13 tuổi, người đẹt lét, chỉ được mồm  miệng lanh lợi hay cười hay nói. Nhà chủ của Tư  là người chân quê, tử tế, tốt bụng, không có thói nhà giàu xổi lên mặt như mấy tay trọc phú. Bé Tư mộc mạc chân quê lại hợp với ý chủ nhà. Bé Tư, mỗi ngày, hái rau đồng  nấu canh tôm tươi tập tàng, trộn rau sống với lá đắng đất cuộn thịt luộc chấm mắm cáy sông. Hôm nào rảnh việc, Tư vò tay lá sương sâm thành thạch xanh đặc quánh, trộn thêm đường cát mát cổ, không có dầu chuối, nước dừa cốt như ở ngoài chợ bán. Rản tay, bé lụi cụi Tư trồng thêm mảnh ruộng lúa mùa 6 tháng không xịt thuốc hóa học , hạt gạo chưa chà hết cám thơm dẻo bùi ngậy như hạt nếp, nấu lên chang nước ram thịt cả nhà ăn khen ngon chảy nước mắt sống. Sáng sáng bé Tư chịu khó rang vỏ đậu nành làm nước uống, bỏ thêm lát gừng thơm thanh tao. Trưa hè, bé Tư nạo cơm dừa bằng nắp phén đập dập, nấu chè đậu xanh nguyên hạt với đường thốt nốt…. Một đêm mùa đông Tư lại cơn cũ động kinh giật chân tay, cả nhà chủ vác đi cấp cứu bệnh viện khóc tức tưởi như khóc người ruột thịt . Sau đận đó, Tư được bà chủ nhận làm con nuôi và cho ăn học đàng hoàng tử tế.

Còn lại bé Ba. Sau khi chị Vàng bỏ về từ nhà chủ ở chợ, rồi quanh quẩn quanh xóm nuôi vịt nuôi gà nuôi heo thành chuồng bỏ cho lái, bé Ba thề độc, quyết không bỏ qua chuyện oan nhục của chị. Tính bé ba là vậy, con gái quê, quanh năm chân lấm tay bùn mà trắng như bông bưởi, má phinh phính bầu bĩnh, môi đỏ mọng cong chon chót và đuôi mắt lúng liếng đen mượt, bé Ba có thể hớp hồn người đối diện ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng cô chẳng để cho ai chạm vào người mình, cô mím môi thề, từ bỏ cái nghèo, nghèo là nhục!

Vừa tròn 15 tuổi bé Ba bỏ theo chị em bạn trong xóm lên thành phố. Chân ướt chân ráo ngày đầu tiên, cô đã được một bà chủ quán cà phê chọn về nhà bưng nước cho khách. Lộ làn da bóng mượt nõn nà qua lớp quần short ngắn cũn cỡn, cô lọt ngay vào mắt đám đàn ông háo sắc ngồi lũ lượt trong quán. Nhưng cô kiêu kỳ ngước mắt lên trên đám đàn ông ngớ ngẩn vì nhan sắc của cô, không ban phát nụ cười đỏ chót trẻ thơ cho bất kỳ ai.

Một ông chủ quán bi da lập tức bỏ tiền sang tay lại ngay cô với giá gấp ba lần từ bà chủ tiệm cà phê. Việc của cô lần này nhàn nhã hơn, chỉ quanh quẫn lượn chung quanh chiếc bàn nhung xanh mượt mà phơi cặp chân dài nuột nà và mĩm cười với tất cả. Nhờ có sự hiện diện của cô mà những bàn banh cá độ bớt nóng và nảy lửa như trước, lũ đàn ông bắt đầu lơ đảng hơn và lịch sự hơn! Nhưng lũ đàn ông mắt ngầu đỏ dõi theo đường lăn của những trái banh tròn cũng không phải là mục tiêu của bé Ba theo đuổi. Ngay cả con mắt đói khát si mê của ông chủ vuốt ve khắp thân thể tươi trẻ mơn mởn của bé Ba và những ẩn ý cung phụng tiền bạc xa xôi cũng không làm cô mảy may quan tâm…

Cô chờ cho đến khi người đàn ông đó xuất hiện. Đeo kính ruồi sang trọng, bên hông không xề xệ mấy lớp ví da như những người đàn ông tầm thường khác,có những người sẵn sang trả tiền thay cho ông ấy. Bé Ba lập tức để ý ngay đến người đàn ông đó. Cô ban cho anh nụ cười duy nhất cô đã để dành sẵn từ những giấc mơ dậy thì năm-Mười-bốn-tuổi. Người đàn ông đó chính là  ông chủ của một nghề mới, nghề-chăn-dắt-người-và-buôn-người, bị hút vào ánh sáng lấp lánh yêu kiều của nhan sắc vừa sành sỏi, vừa trẻ con rất có ý thức mình-là- ai- và-chỉ- để- dành- cho- ai của cô. Ngay hôm sau, cô trở thành gà cưng của một công ty thời trang có tiếng của thành phố. Năm đó cô chỉ vừa tròn 16 tuổi.

Không còn ai nhớ đến cái tên bé Ba Bạch Mai của cô nữa. Làn da trắng bông bưởi của miệt vườn sông nước được thoa đắp lột bởi đủ loại hóa chất kem cao cấp để trở nên nuột nà óng chuốt mà vẫn giữ nguyên được hương sắc mơn mởn mặn mà. Dáng vóc mảnh dẻ cao ráo ngây thơ đã được trao chuốt tập luyện đến độ kiều mỵ gợi tình mà vẫn trẻ con, rất ngọt ngao vì vẫn trẻ con, lớp bộ nhung lụa trang sức phủ lên cô chỉ làm tôn thêm lên nét đài các lung linh tiềm ẩn. Bé Ba lột bỏ dần lớp da nhà quê,  tỏa hương như cánh hoa hồng rung rinh trước gió xuân rờn rợn. Cô cũng không phải để dành cho sàn thời trang hay ông chủ, cô là món quà đặc biệt của thượng đế, được khám phá  bởi cặp mắt lọc lõi tinh đời của ông chủ và chỉ dành đặc biệt cho ông- chủ- của- ông- chủ. Cô vừa tinh ranh, vừa ngạo nghễ, vừa nồng nàn, vừa ngây thơ, vừa kiêu kỳ lại vừa chân chất. Cô biết định giá đúng mình, cô biết ngồi bắt chéo chân gợi tình trong chiếc ghế trên cao kia  vừa đủ xa cách, vừa đủ lung linh, để đàn ông thèm khát ngước nhìn! Nhiều người trong nghề ác miệng nói rằng cô cuối cùng chỉ là con ở,, một dạng con ở hạng sang, hào nhoáng cho nhiều ông chủ, thay vì chỉ phục vụ duy nhất một ông chủ. Người ngoài nghề thì nhìn cô ngưỡng mộ thèm muốn. Cô chỉ mĩm nụ cười ngây thơ, nhẹ nhõm mà yêu kiều bước đi không hề ngoảnh lại.

Ngày cuối năm, thong thả bé Ba quay về quê , cô chỉ mặc một chiếc chemise trắng tinh và quần tây ống loe tuyền một màu trắng.  Cô bắt tài xế dừng chiếc xe Audi trắng mãi tận ngoài đầu làng, để cô đi bộ hớn hở chân trần trên con đường đất. theo sau là đám trẻ thò lò mũi xanh hớn hỡ về đến tận cổng nhà. Đứng trước cội Mai vàng khô héo lá, lần đầu tiên đôi mắt long lanh như thủy tinh của cô mờ ướt. Cô nhào vào lòng chị Vàng, mới 20 tuổi mà khô quắt xác xơ như đã 30. Cô đặt  lụa là vào bàn tay xanh gầy nổi gân của người mẹ nằm dính sát trên giường với mớ tóc màu xám bạc.

Hai chị em ôm vai nhau đứng trước thềm nhà, nhìn bướm chờn vờn  trên những cành Mai đang nhú lên mùa lá mới.

Cô ngả đầu vào vai chị Hai.

-      Hay là chị và mẹ lên thành phố ở với em?

-      Thôi, mẹ và chị quen ở đây rồi. Còn đất vườn, còn cội Mai này. Đi đâu cũng không nỡ bỏ.

-      3 chị em mình đã lớn lên từ đây- cô mơ màng nhìn vào cội Mai. Có nhiều đêm em mơ thấy cội Mai trước sân nở đầy hoa vàng.

Rồi cô nói tiếp như trong cơn mơ của riêng cô:

-      Em sẽ xây nhà vàng cho mẹ và chị. Những thằng đàn ông năm xưa dám xúc phạm chị nay phải cầu cạnh chị. Thằng Qúy không phải lái xe thồ như ba ngày xưa. Chị em mình thoát đời con nhỏ đi ở đợ...

Chị Vàng ôm mặt rưng rưng:

-      Không cần nhà vàng, chỉ cần mẹ khỏi bệnh, chị em mình đoàn tụ, cây Mai sống lại trổ hoa là chị hạnh phúc nhất rồi! Mai rụng về cội, đời Mai mỏng manh lắm. Rồi có ngày em sẽ về đây với mẹ và chị. 

Nắng sớm nhảy nhót chạm lốm đốm trên nhành Mai như những bông hoa trái mùa vàng rực rỡ.

 UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33929)
Em chết rồi. Vậy là em đã chết rồi. Em không biết mình có đau đớn trước khi chết hay không. Vì em chẳng biết gì khi sắp chết. Một gói thuốc chuột Trung Quốc em mua của những người nhà quê ra phố bán dạo. Họ mở vài bản nhạc xưa cũ thật buồn và thật cười. Ngày trước em nghe họ rao những câu vần vè có cả chuột ta chuột tây trong ấy, bây giờ cấm rồi, chỉ nghe những lời hát rề rà, cọt kẹt, nhừa nhựa.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 34903)
Cuối tháng Ba, tôi về thăm quê. Quê tôi ở tỉnh Đông, nhưng gia đình đã chuyển vào vùng kinh tế mới ở Bảo Lộc, Lâm Đồng từ sau gày miền Nam giải phóng. Tình cờ lúc qua đò Vạn tôi lại gặp bá Vần. Bá hỏi: “Anh về một mình?” Tôi đáp: “Vâng”. Bá hỏi tiếp: “Anh về lâu không?” Tôi nói: “Thưa bá, cháu về được một tuần”. Bá Vần nghĩ một lúc rồi bảo: “Thế thì ngày mai anh nên thu xếp đến thăm cái Hà. Nó đang nằm ở bệnh viện huyện. Bệnh nặng lắm, có lẽ không qua được”
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 107321)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 35786)
Gió thì chết già trên những tán lá rậm rạp. Nhưng gió thu không chết già mà chết trẻ. Heo may thế, mỏng manh thế làm sao sống quá vài phút dưới tầng tầng lớp lớp cơ man lá cành cổ thụ không có tuổi? Huệ mơ màng mộng mị sờ nắn những lớp vẩy cổ thụ đang chà xát vào tấm lưng trần của mình. Huệ không dám bóc lớp vẩy, như thế sẽ làm cổ thụ đau. Huệ chẳng muốn ai đau bao giờ. Lớp lụa mỏng líu ríu trên người Huệ, líu ríu gốc cổ thụ. Gió đang vướng vít chúng với nhau. Nhưng cổ thụ sẽ không làm hư chiếc váy lụa của Huệ, Huệ biết điều ấy.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33025)
Asada Jiro sinh năm 1951 tại Tokyo. Bắt đầu viết văn từ 1991 khi đã 40. Chỉ ba năm sau, ông được tặng giải Tài Năng Mới mang tên nhà văn Yoshikawa Eiji qua tác phẩm Lấy Xe Điện Ngầm (Metoro ni Notte). Năm 1997, Nhân Viên Đường Sắt (Poppoya) mang về cho ông giải Naoki. Năm 2000, ông lại đoạt giải văn học mang tên nhà văn Shibata Renzaburo với Nghĩa Sĩ Đất Kinh Thành (Mibu Gishiden). Văn ông nhẹ nhàng, điềm đạm, mang mang hoài cảm, trầm trầm như bài thơ bình thanh. Độc giả Nhật bình thường, nhất là phụ nữ rất yêu thích.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 39147)
Con Rếch bật dậy lao nhanh ra ngoài cửa theo phản xạ. Giờ này Hoa đi làm về và bao giờ chị cũng nhấn ba nhát chuông báo hiệu cho con Rếch biết. Trong khi chủ mở cửa, Rếch quẫy đuôi mừng tíu tít. Nó chồm lên cửa, nó cào sồn sột xuống nền nhà, cổ họng rít ăng ẳng. Hoa vừa hé cửa, nó đã xục cái mõm vào khe cố lách qua để chồm lên người chị liếm láp. Quen rồi chị vẫn cứ thấy buồn cười.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33147)
Danh xưng cho những địa ốc sang trọng bề thế như vậy là, biệt thự, villa. Vài định tính bổ túc: cổ kính, trầm tịnh, và đúng hơn cả: hoang sơ. Tổng quát, đó là kết luận của những người đứng ngoài, những du khách. Ngoài những cảm nghĩ trên, từ họ, nếu gợn thêm lượng nào trắc ẩn thì nó cũng chỉ như vệt sơn mới, khó sức nhòa nhóa hết mọi vết tích trần thế phong sương của kiến trúc hơn nửa thế kỷ
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 45836)
Triệu Nguyên người Nguyên Thuỷ tỉnh Cam Túc, mồ côi cha mẹ từ hồi còn bé, đến nay cũng chẳng vợ con gì. Năm Diên Hựu nhà Nguyên, Triệu đến học ở Tiền Đường, trọ tại Cát Lãnh bên bờ Tây Hồ. Lân cận với nơi chàng ở trọ, là ngôi nhà của Thừa Tứơng Gỉa Tự Đạo đời Nam Tống. Triệu ở một mình, nên cảm thấy nhàn hạ thảnh thơi, thường quanh quẩn bồi hồi ra đứng ngoài cửa những khi chiều xuống.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 135942)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 34816)
Điều ấy quả là có thật. Mỗi lần nhìn đến chiếc áo ấy, hắn thấy gai ốc nổi lên, xương sống ớn lạnh. Nhưng hắn vẫn thích giữ nó, hắn vẫn thèm được mặc nó. Đã bao lần hắn định lấy ra mặc nhưng rồi hắn dừng lại. Hắn sợ. Chiếc áo ấy là quà của tên bạn thân tặng hắn sau chuyến du lịch Châu Á.