- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sói Đồng Hoang

13 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 107110)

Tên anh là gì tôi không biết, nhưng tôi quen anh qua một trang tìm bạn bốn phương với cái tên đẹp đẽ Vũ Quang. 

Những năm 1972, 1973 chiến trường nào cũng sôi động. Tôi sống ở Sài Gòn ngày ngày hồn nhiên đi học, ngày ngày không biết gì về cuộc chiến vẫn rình rập quanh phố thị. 

Những cuộc xuống đường khi tôi còn học ở trường Trung học Hưng Đạo Sài Gòn lại mơ hồ và sôi nổi giống như một trò đùa. Cảnh sát cầm dùi cui đứng gác ở cổng trường và các lớp học. Tên xách động bị cảnh sát dí leo lên tầng cao nhất dọa nhảy xuống. Cảnh sát dã chiến lùa đám nữ sinh ra cổng phụ của trường khi cổng chính đã khóa chặt. Những tà áo dài trắng chạy rối rít chen nhau ra cổng như những con vịt trắng bị lùa trên cánh đồng. Chỉ có khác một điều là chúng tôi không kêu lên quàng quạc. Đám nam sinh các lớp lớn hơn thì phấn khích leo và nhảy qua cửa sổ, tràn ra các hành lang. Chúng tôi cứ chạy cho đến khi nghe tiếng nổ của lựu đạn cay và dường như sắp ngất vì ngộp thở và cay mắt tôi mới gục xuống che đầu mình vào hai cánh tay. Mở mắt ra được mới thấy mình đang ngồi quỵ trước rạp hát Thăng Long.

Tuy thế, đối với lứa tuổi ấy, tôi vẫn chưa chạm mặt với chiến tranh,vì họ bắn giết nhau từ đâu đó, những vùng xôi đậu bao quanh bằng những hàng rào kẽm gai. Còn thành phố, nhất là thủ đô Sài Gòn thì hầu như chiến tranh cũng bị che khuất bởi những đòn tâm lý chiến.

Tất cả bị ru ngủ với các bài ca sến sướt mướt dành cho lính và hậu phương.

Giới trí thức có học hành ít nhiều thì hầu như say ngủ cùng các bài phản chiến của Trịnh Công Sơn, tình ca bi lụy thiết tha của Ngô Thụy Miên, Từ công Phụng. Hoặc điên điên tàng tàng với thuyết hiện sinh, hippy, J. P. Sartre, Nietzsche và… Phạm công Thiện.

Hầu như, đó là một thời mà không khí chiến tranh lãng mạn phủ ngập cả miền Nam nước Việt. Sống đầy đủ, dư thừa vật chất từ người Mỹ đổ vào, một công chức như ba tôi với chức vụ Trưởng Ban Cải Huấn của một trại giam đã có thể nuôi mười đứa con ăn học ngon lành, nhà tôi có đến hai người giúp việc. Vì má tôi cứ đẻ sòn sòn năm một. 

*

Trong một lá thư, anh viết. Anh đã chứng kiến thằng bạn thân nhất ăn một viên đạn vào đầu, mắt nó còn tròn xoe kinh ngạc, nó hớp những hơi thở cuối cùng trước sự hoảng loạn của anh. Anh tê dại ôm đầu nó vào lòng kêu tên nó khản hơi và khóc rống như một mụ đàn bà bị chồng bỏ rơi. Tên thằng bạn anh là Vũ Quang. Từ đó anh trở thành Vũ Quang. 

Thư anh viết về cho tôi hàng đống. Chữ viết đẹp. Đôi khi có vài bức họa bằng màu nước nho nhỏ dễ thương. Anh gọi tôi là đóa hoa vô thường. Hoặc có khi gào lên “có phải em đã về từ tiền kiếp?” 

Anh thường nhắc đến Vũ Quang, cũng như anh không hề chấp nhận nổi sự ra đi như một con chó bị bắn vào đầu như vậy. Bởi với anh Vũ Quang là một con người. Hiển nhiên là một chàng trai tân khỏe mạnh yêu đời, luôn ca hát nghêu ngao và quá yêu cuộc đời này. Nếu không có cái cuộc chiến tù mù chó đẻ này thì có lẽ hai thằng vẫn còn đang khoác vai nhau chiều chiều tán gái long nhong. Hoặc đêm đêm hì hục gò từng nét chữ cho những lá thư tình lãng mạn.

Em ơi phố thị chiều mưa

Ôm em sao hết sao vừa tay anh? 

Hơn một năm sau đó, tôi thường hỏi anh sao không về Sài Gòn thăm em?

Không về với phố à? Không về với những đêm vui sao? Tìm chút nhẹ nhàng cho lòng mình với chứ? Không yêu em à? Tất cả những mời gọi đều là câu trả lời KHÔNG.

Anh nói anh đã mọc nanh, mọc lông khắp người, móng vuốt thò ra, và hơn hết là hơi thở anh đã tanh mùi máu. Anh thèm uống máu trả thù. Ngày ngày anh chỉ khoái bắn đại bác về cánh đồng hoang trước mặt, bắn cho đến khi chuột cũng chết hết, cỏ không mọc nổi, đến dế cũng tắt tiếng dù có khi những đêm mưa anh cũng thèm nghe chúng nó hòa tấu. 

Những lá thư sau nầy của anh đều được anh ký là sói - đồng - hoang. 

Nhưng rồi cái bản năng yêu đương của gã trai trong anh cũng cuồng lên như loài sói mùa động tình. Anh kêu tôi gọi tôi thậm chí vừa tru vừa khóc. Anh thèm làm người lại rồi. Anh nói như vậy. Thiết tha đến cảm động. Mà thật ra tôi cũng thèm được chữa lành cho anh cái vết thương chí mạng mà thằng bạn thân của anh để lại, mà cuộc chiến tầm phào anh phải dự phần đã tàn phá gần hết kiếp người của anh, không biết đến bao giờ trên những cánh đồng chó chết của chiến tranh. 

Tôi đã điên cuồng chạy về phía anh theo tấm bản đồ mà anh ghi nơi đóng quân, ở một chỗ nào đó gần mặt trận Tây Ninh, nơi đang tàn khốc nhất của các mặt trận mà không ai dám đến, nếu không phải là người lính. 

Xe đò thả tôi xuống một con đường khô khốc đầy nắng và đất vụn lởm chởm.

Nắng là thứ nhiều nhất ở đây. Nó ướp cả con đường nhỏ xa hút tầm nhìn bằng cái màu vàng hực hỡ kiêu căng của nó. Có tiếng ì ầm của đại bác từ xa vọng lại làm tôi hoang mang. Tôi nhìn về phía cánh đồng và chờ đợi. May quá, có chiếc xe jeep từ trong con đường đất chạy ra. Và tôi được đưa vào trong đó, vì anh đang đợi tôi, người lính của anh nói vậy. 

Có rất nhiều cái hầm được đào sâu dưới đất, bên trên chỉ là những bao cát che chắn làm nắp hầm trú ẩn. Tôi cúi người chui vào một cái hầm như vậy. Thật bất ngờ khi tôi nhìn thấy một sĩ quan mặc đồ rằn ri và một cô gái dáng người chắc đậm đang cùng ngồi bên nhau trên cái giường bố nhỏ hẹp. Anh đứng lên bắt tay tôi và giới thiệu cô bạn với tôi. Anh nói cô cũng mới từ Sài Gòn lên thăm anh. Họ dọn ra bánh mì cùng vịt quay và chúng tôi dùng bữa. Sau đó cô gái ra về. Cô lạnh lùng chào tôi kiêu ngạo. Khuôn mặt bự phấn son đầy vẽ thỏa mãn. 

Cô gái về một lát thì anh bỗng tái xanh mặt nằm vật ra giường. Anh kêu đau đầu và nói đang say thuốc lắm, vì muốn mau hết đau nên đã uống thuốc quá liều. Rồi anh chồm lên chửi đổng những tiếng đạn pháo đang vọng về làm cho anh điên tiết. Nó là một nhắc nhở quá bẩn thỉu trong lúc này, trong lúc anh đang đón người yêu. Nó làm anh rơi tõm từ đám mây nhiều màu xuống cái vũng lầy ngập ngụa thực tại. Anh xin lỗi tôi vì đủ mọi thứ. Về cô gái đang theo đuổi anh. Về cái thằng người chó đẻ của anh. Em trong sáng lắm. Em là thiên thần để cho anh biết mình là quỷ sứ. Em biết không anh… đã…, anh… vừa mới làm tình với cô gái ấy. Em biết không anh phải dọn sạch cái thứ nhục dục bẩn thỉu của mình đi trước khi gặp em đó, em có biết đó là cái quái gì không? Đóa hoa vô thường của anh! 

Rồi anh khóc rưng rức trong lòng tôi. Mồ hôi và mùi bia từ người anh lan tỏa trong tôi một thứ cảm xúc ngây ngất kỳ lạ. Tôi vuốt những sợi tóc của anh nhẹ nhàng xoa dịu cơn thống khổ của một con sói không còn có chỗ quay về. Như mọi gã trai trong thời chiến, vô vọng và điên cuồng trước số phận.

Anh trắng trẻo và xanh xao. Bàn tay trái chỉ còn ba ngón. Anh ngồi dựa vào tôi hút thuốc lá. Rồi anh ném khúc thuốc đi và nhìn tôi. Sau đó anh trìu mến đặt tôi nằm dài ra giường. Anh nằm đè lên người tôi. Anh nói . Anh muốn yêu em quá…bờ môi anh lạnh ngắt… Nhưng hãy cho anh được như thế này thôi. Hôn lên những ngón tay em thôi nhé??? Thôi em về đi. Về thành phố mà lo học hành. Làm một cô giáo hay là lấy một thằng kỹ sư nào đó. Đừng lấy mấy thằng lính như anh.

Tôi đã có cảm giác sợ hãi trước anh. Và thêm một chút xót xa khó hiểu. Anh không còn là Vũ Quang mềm yếu trong những lá thư, dù đôi khi anh có hằn học một chút khi viết về cuộc chiến, thân phận con người, có thể là những khi say. Tôi ngồi lên và buộc lại mái tóc dài của mình bằng cái khăn tay nhỏ. Tôi tựa lưng vào vách hầm. Những tấm carton loang lổ được dắt xen kẽ nhau để che khuất mấy cái bao cát. Một cái ba lô của lính treo lủng lẳng. Tôi thò tay vào đó lôi ra cuốn sổ màu đen. Tôi e là nhật ký của anh nên không dám mở. Nhưng vài tấm hình lại rơi ra từ đó. Tôi cầm lên xem. Là hình của tôi. 

Vũ Quang tự làm tỉnh mình bằng ly đá chanh do người lính đem tới. Tôi được một ly cà phê đá. Ở chỗ đồng không cỏ cháy này, đối mặt với vi xi ở phía bên kia mặt trận, dưới những cái hầm, cả hai bên, tôi thấy đều như chuột, dù anh không chịu như vậy, vẫn muốn mình là sói. Ý nghĩ nầy khiến tôi bật cười một mình. Vũ Quang đang trò chuyện với một thiếu úy. Có lẽ đang truyền đạt lệnh gì đó mà tôi thấy anh này dạ dạ luôn miệng. Nghe tôi cười Vũ Quang quay lại nhướng mày hỏi. Tôi khoa tay ra ý không có gì. Anh liền giới thiệu người thiếu úy. Đây là Kha. Ca sĩ của tụi anh. Ê! Kha, kiếm cây đàn vô chơi một tí. Có vài tiếng nổ uỳnh oàng từ xa vọng lại làm tôi lo lắng. Vũ Quang rít hơi thuốc lá thản nhiên. Không sao đâu em, thỉnh thoảng tụi anh phải nổ vài cái cho lũ việt cộng biết là tụi anh vẫn còn đây. Tôi rụt rè. Anh ơi, họ ở có gần lắm không? Anh vung tay. Tít mù trong rừng kia, em đừng sợ bà xã của anh à.

Câu nói trấn an và âu yếm của anh làm tôi vui lên. Vũ Quang cũng đã điềm tĩnh trở lại. Ly đá chanh có lẽ đang phát huy hiệu lực. Anh lúc bấy giờ mới nhìn tôi thật ấm áp làm tôi sượng sùng nóng ran cả đôi má. Tôi đang nhớ lại lúc nãy khi Vũ Quang trong cơn say thuốc đã hơi quá trớn với mình, mà tôi thì lại không có chút kháng cự. Tôi có yêu anh không, tôi không biết. Đây là lần gặp đầu tiên sau gần một năm thư từ qua lại. Anh không gởi cho tôi tấm hình nào. Nhưng tôi đã không cần biết mặt anh từ lâu, vì trong sâu thẳm của hai tâm hồn, tôi và anh đã gần như quyện chặt lấy nhau và cho nhau trọn cả trái tim rồi còn gì. Tôi quá lãng mạn phải không? thật sự những cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao, những Geoger Sand, những François Sagan đương thời đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Tôi thường chìm vào những giấc mơ tình ái buông thả đến mê đắm khi hay tưởng tượng về một người tình oai dũng lãng mạn như Vũ Quang. Và bằng lời thư thật hay, nét vẽ lãng mạn, tính cách ngang tàng, tất cả của tâm hồn anh đã như một lực hút mạnh khiến tôi gan góc bỏ thành phố leo lên xe đò tìm đến anh như một con điên. Dù tôi biết rằng anh đang ở trên mặt trận, tôi cũng không sợ, vì tôi không hình dung ra nó. Không phải tôi đã từng xem Cuốn Theo Chiều Gió sao? Tình yêu vô cùng lãng mạn trong chiến tranh chỉ bởi vì nó mong manh và tuyệt đẹp. 

Thiếu úy Kha bước vào, trên tay là cây guitar. Kha khá đẹp trai. Da màu đồng khỏe mạnh. Uống gì không anh em lấy. Kha nói. Kiếm cho anh vài chai con Cọp đi, cho vui.

Kha chui ra ngoài. Vũ Quang lại nhìn tôi. Em rất dễ yêu, nhỏ à.

Chuyện khi nãy?? anh xin lỗi nha??? Nhưng anh yêu em quá đó thôi.

Đừng nghĩ nhiều về chuyện đó nữa.

Tôi câm bặt không nói gì. Tôi vốn e thẹn và ít nói. Nhất là nói về cái điều đang ngợp trong lòng tôi lúc này. Hạnh phúc.

Kha đem bia vào định đi thì Vũ Quang kêu lại. Hát một bài cho bà xã mình nghe đi Kha. Một bài gì đó của Lê Uyên Phương đi. Cho Lần Cuối nhé?

Bài đó hơi buồn. Nhưng mà cũng đúng với mấy thằng lính như mình.

Cũng được đó Kha.

“… giờ nầy còn gần nhau, cầm chắc mối duyên bẽ bàng, cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng, cầm chắc nỗi thương đau…”

Trời, anh Kha hát hay quá, mà buồn thí mồ. Tôi nói. Rồi gượng cười.

Bàn tay ấm nóng của Vũ Quang đã cầm lấy tay tôi từ khi nào không biết nữa. 

Thời gian như ngưng lại cho những lứa đôi.

Tôi đọc câu nầy ở đâu không nhớ nhưng hiện tại thì tôi lại thấy thời gian không ngưng mà sao trôi qua nhanh quá.

Trong thoáng chốc tôi thấy mình hạnh phúc đến muốn tắt thở. .. 

Đã chiều rồi.

Thấy tôi ngó đồng hồ, Vũ Quang tiếc rẻ. Anh rất muốn em ở lại với anh đêm nay.

Nhưng anh biết là không thể. Thôi em về đi kẻo muộn.

Thiếu úy Kha đã lặng lẽ đi từ lúc nào. Tôi cứ thừ người ra không biết nói gì làm gì.

Ánh mắt anh như đốt tôi. Như nọc độc con ong chích vào thịt da đến tê dại. Bất giác tôi liếm môi mình. Tôi thú nhận là mình cũng khát khao anh. Muốn ở lại với anh một đêm quá. Muốn được anh ghì trong tay. Muốn … , trời đất! tôi điên rồi. Tôi còn muốn cả cái việc, như lúc nãy, anh nằm đè lên người tôi . .. Nhưng, .. 

Chiếc xe jeep lại lắc lư đưa tôi ra đường lộ lớn.

Tôi ngoái nhìn dáng anh từ từ khuất xa tầm mắt. Cái dáng dong dỏng cao, cô đơn đến kỳ lạ. Anh vẫy tay mãi để chào tôi.

Theo gió, tôi nghe tiếng con sói hét lên tạm biệt. 

**** 

Tôi gặp lại Kha ba tháng sau.

Không phải gặp đâu đó mà Kha đến tìm tôi tận trường học, sau buổi tan trường.

Chúng tôi ngồi ở một quán cà phê thời thượng. Có nhạc Trịnh dịu vợi đầy ắp những giai điệu buồn lãng đãng của chiến tranh, thân phận, tình yêu. Đôi khi có xen vào một chút Phạm Duy đầy mê hoặc với bài hát như một cơn lên đồng: “Kỷ Vật Cho Em”.

Kỷ vật của Vũ Quang, mà không, tên anh bây giờ tôi đã biết, là Hữu Việt, để lại cho tôi chính là cuốn nhật ký bìa đen mà hôm nào tôi đã thấy nó trong ba lô của anh. Trong đó vẫn còn tấm hình tôi, nhưng nó đã bị xé làm tư làm tám và được dán lại bằng băng keo ngang ngang dọc dọc như băng bó một vết thương. Kha cười nửa miệng khi tôi tròn mắt nhìn. À, cái vụ này là do một cơn ghen ầm ĩ mà ra.

Kha giải thích. Một cô bồ trong vài cô bồ của Vũ Quang đã nổi ghen…với em mà xé tấm hình nầy. Vũ Quang đã cặm cụi dán lại. Tôi buồn rầu. Sao anh ấy nhiều bồ bịch vậy anh?

Đùa vậy thôi, lính tráng mà em, biết giờ nào đi mà hứa hẹn với ai. Có yêu thì cũng… để đó. Còn lại chỉ là tình hờ với các cô vũ nữ hoặc gái bán bar. Lính có tình yêu thật sự không anh. Có chứ. Nhưng đều dấu trong tim em à.

Tôi nhìn Kha qua ánh sáng mù mờ của quán. Có một cô gái nào đó trong phố thị như tôi cũng đang chờ Kha. Và trong tim Kha, cô ấy trong veo như thủy tinh. Dệt mộng và thương nhớ. Như tôi ư? 

Kha đưa tôi về. Mưa tháng tám lất phất bay. Tôi sợ hãi thấy mình chưa chịu khóc. Có gì đóng chặt cửa trái tim tôi lại. Có gì lạ lắm. Như cái cách con phù du cứ đập thân nó mãi vào khung cửa kính có ánh sáng. Và chết.

Chết? Vậy là anh không còn nữa sao Vũ Quang? chết ra sao? chết hồi nào? Có việc đó thật sao? Nó thế nào nhỉ?

Tôi bê người đi như say vậy. Loạng choạng. Và nó tới thật sảng khoái. Cơn khóc trụi lủi bỗng ào đến như một cơn mưa bất thần...

Âu Thị Phục An

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14941)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14950)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14934)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15410)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17743)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19483)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13973)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16589)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15733)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15836)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.