- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐỒNG XANH NGOÀI CỬA

20 Tháng Chín 201512:07 SA(Xem: 29985)

xanh-hdat
Xanh - photo Hồ Đắc Anh Thi

 

 

Có một lần hồi năm tuổi tôi đã trải qua một chuyện kỳ lạ, đó là một buổi trưa tôi mở cửa định đi ra khỏi nhà, lý do vì sao giờ tôi đã không còn nhớ nữa. Tôi chỉ nhớ khi mình mở cửa ra thì bên kia thay vì là con đường với những ngôi nhà quen thuộc lại là một cánh đồng trống trải và rộng lớn tới tận đường chân trời.

Cánh đồng cỏ trải dài dường như bất tận, gió ào ạt thổi tràn qua cánh cửa, những ngọn cỏ xanh run rẩy không ngừng. Bị khung cảnh làm cho choáng ngợp tôi đứng im như tượng một lúc, tim đập liên hồi và trong trí óc của một đứa trẻ năm tuổi nảy ra đủ mọi ý nghĩ sợ hãi, kỳ quái.

Rồi tôi đóng sầm cửa lại, khi mở cửa một lần nữa thì bên kia lại là con đường với những ngôi nhà mọi khi. Nắng trưa oi ả trải trên mặt đường như thiêu đốt, một đống rác phía bên kia đường ngay dưới chân cột điện thoang thoảng bay mùi.

Cánh đồng đã biến mất và thành phố lại xuất hiện như mọi ngày, tôi bước ra và đóng cửa lại.

Tôi không nói chuyện này với bất kỳ ai ngoại trừ An, người đồng nghiệp của mình. Không hiểu sao lại như vậy, chỉ là câu chuyện từ bật ra vào một buổi tối bên bàn nhậu.

Nhưng tôi thường xuyên nghĩ về cánh đồng cỏ ấy, thỉnh thoảng tôi còn nằm mơ thấy nó. Trong giấc mơ tôi là một phần của cánh đồng chứ không đứng bên kia cánh cửa nữa. Tôi thong thả đi dạo và bầu trời thì lúc nào cũng bàng bạc những sắc mây chiều, Mặt Trời lẫn trong mây và từ đó nhuộm đổ một góc nhỏ phía tây. Rồi tôi nằm xuống dưới cỏ, cánh đồng ôm lấy tôi trong sự dịu dàng của nó.

Những giấc mơ về cánh đồng luôn kết thúc như vậy.

Mỗi khi có chuyện gì bực mình, hoặc những lúc mọi thứ trở nên quá khăn hay đơn giản là chỉ muốn cách biệt với tất cả mọi ngừoi trên thế giới tôi lại đứng trước cánh cửa năm xưa. Hồi hộp vặn nắm đấm tôi mong chờ phía bên kia cánh đồng rộng lớn sẽ xuất hiện trở lại. Nhưng chẳng có gì đặc biệt xảy ra, bên kia cánh cửa vẫn là khung cảnh mà mỗi ngày tôi đều thấy.

Tôi nhận ra mình bị kẹt với cuộc đời này, thực tại trước mắt bao trùm lấy tôi không một lối thoát. Vậy là tôi phải đối phó với những nỗi bực mình và sự khó khăn kia, thật đáng buồn, nhưng cuộc đời là vậy.

“Chấp nhận và trường thành đi!”

Có một giọng nói trong đầu vang lên thúc ép, tiếng nói của lý lẽ.

Vậy là tôi trưởng thành…

 

-       Anh đang nghĩ gì vậy?

Tôi giật mình nhìn vợ mình, trên khuôn mặt của Nguyên thoáng chút lo lắng, môi nàng hé ra một nụ cười hốt hoảng. Khẽ lắc đầu tôi nhấp một ngụm trà đã nguội.

-       Không có gì đâu, vài chuyện vu vơ thôi.

Tôi liếc nhìn cánh cửa năm xưa một lần nữa, không hiểu sao câu chuyện về cánh đồng lại trở về trong ký ức tôi sau bao nhiêu năm. Tôi đã quên bẵng nó, nhưng giờ cánh cửa hình như vẫn còn mời gọi tôi bằng một ma lực nào đó.

-       Chỉ là anh hơi mệt chút thôi.

Nguyên nhìn tôi bằng ánh mắt lo lắng rồi nàng nắm lấy bàn tay tôi, những ngón tay nhỏ và trắng của nàng im lặng đặt trên bàn tay thô ráp của tôi, hơi ấm từ chúng thật dễ chịu. Trong những giây phút mệt mỏi nàng luôn nắm tay tôi và thỉnh thoảng tôi lại thấy biết ơn vì cái hành động ấy của nàng.

Chúng tôi vừa tổ chức xong đám tang cho mẹ, ba mươi chín tuổi, giờ đây tôi chính thức mồ côi…

 

 

Đã gần nửa đêm, giờ chỉ còn lại tôi và nàng trong căn nhà trống trải, họ hàng đã về hết từ lâu, những vết tích còn lại của đám tang cũng đã được thu dọn từ chiều. Ngả người vào ghế tôi thở ra một hơi, Nguyên đứng lên đi xuống bếp. Mồi điếu thuốc, rít một hơi dài tôi lơ đãng nhìn làn khói bồng bềnh trôi rồi tan loãng vào không gian.

Cảm giác mệt mỏi vây bủa lấy tôi, nó không hề nằng nề nhưng có thể cảm nhận được, giống như một cái balô đeo trên vai. Mẹ đã lập di chúc từ khi bắt đều phát bệnh, vì không có anh em nào khác nên tôi được hưởng tất cả. Một căn nhà hai tầng ở ngoại ô nơi tôi đã lớn lên và cuốn sổ tiết kiệm mà ba mẹ đã tích góp hồi còn sống.

Đứng lên tôi bước ra ngoài, đi qua khoảng sân nhỏ tôi mở cổng rồi đứng lại ở lề đường. Ánh sáng duy nhất giữa đêm tối mịt mùng là từ những ngọn đèn đường trải dài ở phía bên kia. Những ngôi nhà nhỏ đều đã đóng cửa. Đêm thổi gió tới lạnh buốt, đút hai tay vào túi tôi ngước lên bầu trời, mặt trăng là một lưỡi liềm bị mây mờ che phủ.

Thở ra một hơi, giờ không chỉ có sự mệt mỗi mà tôi còn cảm thấy nỗi mênh mông trong lòng, chúng kết hơp với nhau tạo thành một sự trống trải đến vô cùng.

Có lúc tôi đã từng cảm thấy mình là một cá nhân đặc biệt, tôi đã có một trải nghiệm phi thường nên tôi không giống những người bình thường. Chìm trong cái ý nghĩ ấy tuổi thiếu niên tôi khép mình lại và lẩn sâu vào chính mình. Tôi đọc nhiều, thỉnh thoảng cũng tập tành viết lách.

Nhưng rồi một ngày kia cảm giác đặc biệt biến mất, không một lý do, chẳng một lời báo trước. Khoảng một hai năm sau khi tôi làm giáo viên và mọi thứ trở nên bình lặng.

Khuôn mặt của An chợt hiện ra trong tâm trí tôi, cái vẻ chán nản bất cận của anh ta, một ánh nhìn lơ đãng như buông xuôi tất cả nhưng tận bên trong đáy mắt là một ngọn lửa cháy đỏ.

Nuốt nước bọt.

Tôi cứ đứng giữa màn đêm của đường phố cho tới khi Nguyên đi ra và gọi tôi vào.

Không phải là buồn, càng không phải là vui; chỉ là một cảm giác riêng tư của những kẻ đã trót trưởng thành…

 

 

 

Vợ chồng tôi không thể có con, đúng hơn chỉ có tôi là không thể còn Nguyên bị mắc kẹt với sự không bình thường của tôi. Chúng tôi biết chuyện bảy năm sau khi lấy nhau. Hai vợ chồng lúc ấy chưa nghĩ tới chuyện có con, cả hai đều bận rộn với công việc, tôi biết được chỉ do một dịp tình cờ. Nguyên vốn không thích trẻ con, nàng là kiểu người của công việc, luôn giữ cho mình bận rộn; khi biết được tin này nàng cũng bình thản chấp nhận.

Ít nhất đó là những gì nàng thể hiện ra ngoài, thỉnh thoảng tôi vẫn day dứt tự hỏi tại sao nàng có thể bình thản tới vậy. Có những đêm tôi nhìn chằm chằm nàng ngủ mong dò xét được những ý nghĩ sâu kín bên trong Nguyên.

Và rồi trong một nỗi bức bối lạ lùng và bí ẩn nào đó tôi trằn trọc cả đêm, nhìn vẻ mặt nàng ngủ quá yên ổn làm tôi mất ngủ.

Hồi ấy Nguyên đang bắt đầu thăng tiến trong tòa soạn còn tôi trở nên bận rộn hơn với các lớp dạy thêm ở một trung tâm luyện thi do người bạn mở. Các lớp học chôn vùi hết khoảng thời gian trong ngày của tôi, trong cái xã hội đêm ngày điên cuồng vì học hành thi cử này thì chẳng thiếu học sinh để dạy. Càng kiếm nhiều tiền lại càng có ít thời gian để tiêu xài hơn, chúng tôi mua một căn hộ ở ngay mặt tiền một khu yên tĩnh cách trung tâm thành phố không xa, hàng tuần mướn người tới quét dọn. Cuộc sống gấp gáp chẳng có thể gian để mà tận hưởng hay mệt mỏi.

Đôi khi tôi cảm thấy trong căn hộ ấy không phải là một mái ấm thật sự, chỉ là một thứ gì đó tạm bợ và chấp vá chúng tôi dựng lên để làm yên lòng nhau.

Như những con kiến chăm chỉ chúng tôi tích góp, tha mồi về đầy kho tàng của mình dù chẳng biết rõ để làm gì.

Cuộc sống không tiến, không lùi mà chênh vênh như đứng trên một sợi dây mỏng.

 

Thời gian ấy thi thoảng khi mở một cánh cửa tôi lại thầm mong cánh đồng sẽ xuất hiện, không quan trọng là cánh cửa nào. Có thể là cửa phòng học, phòng ngủ hay cánh cửa nhà vệ sinh trong một quán cà phê tồi tàn nào đó. Những buổi tối đi nhậu với lũ bạn, tôi mở cánh cửa trong trạng thái ngà ngà say để rồi thất vọng nhìn thấy chào đón mình chỉ là một căn phòng chật chội và dơ bẩn.

Đồng xanh như một nỗi ám ảnh trong đời, tưởng chừng đã bỏ lại sau lưng nhưng bỗng một ngày kia lại đón đầu trước mặt.

 

-       Anh tính làm gì với ngôi nhà do mẹ để lại?-Nguyên hỏi tôi trong bữa ăn tối, nàng giảm nhỏ âm lượng tivi rồi liếc nhìn tôi vẻ thăm dò.

-       Anh chưa nghĩ tới chuyện đó.- Tôi trả lời thành thật.- Tạm thời cứ để nó vậy đã.

Nàng im lặng nhìn tôi một lúc rồi lại tiếp tục ăn, bên ngoài văng vẳng tiếng la hét vui vẻ của những đứa trẻ con.

Chút khó chịu mơ hồ làm không khí bữa cơm trở nên nặng nề.

Dường như đối với nàng mọi chuyện luôn dễ dàng…

 

 

Mười giờ tối đồng nghiệp ở trường gọi điện cho tôi, dĩ nhiên như mọi khi đó là An.

-       Đi ra quán ngồi chút không?- Anh ta hỏi.

-       Giờ này hả?

-       Ờ có sao đâu, tôi đang rảnh, ông có gì đặc biệt phải làm không?

-       Không.

-       Vậy đi không?

-       Đi!

An cũng dạy văn như tôi, đó là một thầy giáo mới ra trường về trường được một năm, dáng người dong dỏng cao, mắt kính gọng vuông, nét mặt hiền lành. Khi nói chuyện thì giọng hết sức êm ái nhưng cũng đầy nam tính, ưa triết lý và có chút chất nghệ sĩ ẩn sau cái khuôn phép, quy củ của nghề giáo. Một con người với đầu óc cấp tiến và luôn tỏ vẻ chán chường trước thực tế cuộc sống. Chính vì vậy mà đôi khi nhìn anh ta có vẻ khốn khổ.

Nhưng cái kiểu khốn khổ làm tôi thấy ghen tỵ.

An như kiểu giáo viên trong một vở kịch hay bộ phim nào đó, hết sức chuẩn mực, y như cách mà thiên hạ tưởng tượng về một người giáo viên cá tính phải như thế nào. Đôi khi nhìn anh ta tôi có cảm tưởng rằng người đàn ông này không thể làm gì khác ngoài một giáo viên và anh ta không thể dạy gì khác ngoài môn văn, nếu không toàn bộ những bộ phim, vở kịch có giáo viên xuất hiện sẽ trở thành trống rỗng hết.

Tôi thì không được như An, tôi đen đúa và cục mịch và cũng an phận hơn so với chuẩn của giáo viên hay ít nhất là cách người ta thi vị hóa họ.

Chúng tôi hay lai rai với nhau vào buổi tối ở một quán lề đường, một dĩa ốc nướng, vài còn mực, hai ba chai bia. Quán ngay đối diện nhà tôi, tôi ra kêu sẵn mồi và chỉ ngồi chờ An chạy đến.

Khi An tới tôi đã uống được một chai, ngồi xuống ghế đối diện anh ta dốc cạn một ly bia rồi rót thêm cho chính mình, An nhấm nháp một miếng khô mực.

-       Ông có việc gì khó chịu hả?- An hỏi nhếch mép.

-       Vậy à?

-       Nó hiện rõ ra trên mặt ông kìa!

Tôi xoa xoa mặt mình.

-       Có gì đâu, toàn chuyện lặt vặt.

-       Tôi vừa chấm xong một đống bài viết nên giờ cần phải ngà ngà một chút, tôi chỉ muốn quên phứt chúng đi thôi, viết kiểu gì mà như nhân bản vô tính. Nó cứ na ná nhau.- An nhăn mặt.

-       Chuyện thường thôi, tôi chấm nhiều bài như vậy quá tới mức chẳng thèm bực mình nữa rồi. Thỉnh thoảng anh sẽ tìm được vài đứa thật sự có khả năng còn lại chỉ là những sự sao chép vô tận nhằm kiếm điểm trên trung bình thôi.

Cả hai dốc cạn ly, An khui rồi rót thêm; mỗi lần bực mình hay khó chịu chuyện gì là An nói luôn miệng

-       Tôi thì chẳng có ý kiến gì đâu, thật đó, tôi chỉ muốn sống một cuộc đời bình thường với một công việc bình thường thôi. Ai mà chẳng biết trường học là một nơi toàn những chuyện mệt mỏi, lúc còn làm học sinh tôi cũng ghét cay ghét đắng trường học. Nhưng giờ thì tôi làm giáo viên, đời đúng là buồn cười; khi còn nhỏ tôi từng nghĩ rồi mình sẽ làm cái gì đó khác biệt. Nhưng hóa ra không phải vậy.- An mồi điếu thuốc rồi rít một hơi dài.- Dù sao thì tôi chỉ muốn chúng làm cái gì đó khác biệt một chút, ý tôi là nếu học thuộc thì hãy học thuộc những quyển sách khá nhau chứ, đằng này thì gần hai phần ba lớp chép từ một quyển, một phần ba còn lại thì chép từ một quyển khác. Trời, có bao nhiêu sách tham khảo ngoài kia mà tụi nó chỉ chọn có hai cuốn, đúng là điên cái đầu.

Trong khi An đang thao thao bất tuyệt tôi lơ đãng nhìn ra đường, nhà tôi ở bên kia dòng xe, từ đây tôi có thể thấy rõ phòng của mình, đèn vẫn sáng, tấm màn cửa màu xanh lơ lúc nào cũng khép lại. Nhìn từ đây tôi cảm thấy ngôi nhà thật cô đơn giữa những ánh đèn ngập tràn màu sắc.

Rồi bỗng nhiên cánh đồng chợt xen vào, cỏ xanh và gió biếc, đường chân trời rộng mở đến vô tận. Tôi chìm ngập trong suy tưởng.

-       Đó là do những trung tâm dạy thêm.- Tôi nói mà không nhìn An, tôi đang “nhìn” cánh đồng trong ký ức.- Có hai trung tâm lớn gần trường, đa phần học sinh đều học ở đó. Các giáo viên ở đó cho những cái đề mẫu và gợi ý cho chúng làm. Rồi khi ở trường ra lại cái đề đó thì bọn học sinh chỉ cần viết theo những gì mà chúng từng viết. Và cũng bởi vì ông dạy những lớp chuyên toán, lý, hóa; học sinh ở những lớp đó không quan tâm đến môn văn, chúng sẽ không tham khảo thêm tài liệu ở ngoài. Cái bài gợi ý ở chỗ dạy thêm đã đủ lấy điểm sáu, bảy rồi.

-       Sao ông biết rõ vậy?

-       Thì đó là cái tôi làm ở chỗ dạy thêm mà.

An phẩy tay cười nhạt.

-       Không biết ông nghĩ sao chứ tôi thấy tất cả những chuyện này nghe thật điên rồ, dạy học gì mà giống như một vòng xoáy khổng lồ vậy và không ai thoát ra được. Hết người này tới người khác, hết thệ hệ này tới thế hệ khác bị cuốn vào và nó ngày một lớn lên. Gì chứ tôi từng rất thích văn học, nhưng rồi qua mấy năm học sự phạm tôi còn chẳng hiểu mình thích gì nữa, đụng vào đâu tôi cũng thấy một mớ lý thuyết tầng tầng lớp lớp của những người đi trước, không phải là thích một cách đơn giản nữa mà phải có lý do và một lý do phải nghe thật rối rắm, khó hiểu mới được. Rồi khi đi dạy thì mọi cảm xúc gần như bị hủy diệt cả, đúng là điên rồ thật, giống như là một quá trình trút bỏ tâm hồn chứ không đơn thuần là dạy học nữa. Có những tối trước khi đi ngủ tôi tự hỏi mình đang làm cái quái gì vậy và tới giờ tôi vẫn chưa biết mình đang làm gì.

Cụng ly, lại một vòng bia nữa, lại khui, lại rót đầy, đèn đường soi vào những cái ly thủy tinh lấp lánh ánh vàng. An nhấp nhỏm trên ghế, anh ta quẳng điếu thuốc ra đường, cái đốm đỏ nhanh chóng bị những chiếc bánh xe dập tắt. Khô mực dài vùi mình trong tương ớt đặc, chúng tôi cùng rít thuốc; thời gian tàn tạ trôi qua trên một vòng xe chậm chạp.

Tôi đang đi trên cánh đồng trong hình hài một đứa trẻ năm tuổi, tay chạm vào cỏ…

-       Còn ông? Có bao giờ ông biết mình làm gì chưa?- An chợt hỏi, anh ta búng điếu thuốc bằng một đống tác điệu nghệ rồi dùng chân đá vào những vỏ chai bia rỗng dưới gầm bàn chúng ngã ra và kêu lạo xạo.

-       Lý do thì đơn giản mà.- Tôi nhún vai.- Nếu tôi dừng lại thì tôi sẽ bị nghiền nát, áp lực của xã hội khiến tôi làm việc không ngừng dù đôi khi không rõ mình đang thật sự làm gì.

An gật gù rồi nhận xét gì đó về một giáo viên trong trường với giọng điệu mỉa mai, trong khi anh ta nói tôi uống cạn ly bia và rót đầy một ly khác cho mình. Dường như tôi luôn nắm bắt được cốt lõi của vấn đề, ngay từ khi còn nhỏ đã như vậy; tôi luôn lựa chọn cái gì quan trọng còn cái gì là không trong đời mình. Vì vậy mà tôi tránh được những đau khổ không đáng có, có những nỗi đau thầm lặng mỗi ngày tích góp một chút hủy hoại con người ta lúc nào không hay. Tôi để dành tim mình cho những cái đáng để đau hơn, những cái quan trọng.

-       Sao ông bình thản vậy?- An chợt nói, anh ta nhìn thẳng vào mặt tôi.- Lúc nào ông cũng bình thản hết.

-       Vậy à?

-       Đúng rồi.- Gật đầu vẻ mặt anh ta trở nên nghiêm trọng.- Bình thản như ông thì quả là kỳ cục, thỉnh thoảng cũng phải nổi nóng chứ hay có phản ứng gì đó. Thậm chí ngay cả trên bàn nhậu ông cũng bình thản, không khéo là một kiểu tâm thần chứ chẳng chơi.

Anh ta ngả người ra sau, mái tóc rủ xuống rồi lại bật dậy, ngồi thằng lên.

Có vẻ như An đã say, chính tôi cũng thấy lâng lâng, men bia làm mọi thứ trở nên dễ chịu hơn; cái ngả nghiêng của cuộc đời dường như đường dựng thẳng dậy. Tôi nheo mắt nhìn lên bầu trời, những đám mây xám bị neo tại chỗ.

-       Ông nên xem lại bản thân mình đi, tôi nói nghiêm túc đó!- An mỉm cười, chúng tôi cạn thêm một ly nữa, chẳng mấy chốc mà đã hơn nửa két bia. Chúng ta không thể nào biết được cái mình đang sống có phải là thực tại hay không.- An chỉ hai ngón tay vào trán.- Nó rất có thể chỉ là một màn ảo thuật của trí não, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ vậy.

Hơn mười một giờ tôi băng qua đường trở về nhà, nàng vẫn còn thức và đang xem tivi trong phòng ngủ, tôi đánh răng trong cơn choáng váng. Tôi nhìn mình trong gương, có vẻ như chính tôi cũng đang bị méo mó, những đường nét đã trở nên xa lạ, các biểu cảm lệch lạc không còn là chính nó nữa.

Nheo mắt, như thể trong gương là một con người khác vậy, không có cái vẻ mặt như thường ngày, một sự cau có hay chán chường nào đó lộ ra nên khóe mắt.

Tôi sờ soạng mặt mình một lúc rồi đi vào phòng lên giường nằm kế Nguyên. Nàng tắt tivi, trong cơn say tôi ôm lấy nàng, chúng tôi lặng lẽ làm tình trong bóng tối.

Đôi khi tôi nghĩ vì mình không thể có con nên tình dục giờ đây trở thành một hoạt động không mục đích. Chỉ là thứ để giải tỏa những bức bối và đạt khoái cảm. Dù vậy chúng tôi vẫn đều đặn làm tình với nhau, cả tôi và nàng đều có nhiều căng thẳng cần giải tỏa.

-       Em có nghĩ anh là một người bình thường không?- Tôi hỏi khi nàng vừa bước ra khỏi phòng tắm..

-       Ý anh là sao?

-       À không có gì.- Tôi phẩy tay nhận ra mình vừa hỏi một câu ngu ngốc, những vấn đề như vậy chỉ dành để thảo luận với chính mình.

-       Anh say rồi!- Nguyên nằm xuống bàn tay nàng đặt lên ngực tôi.- Chẳng có ai bình thường cả.

Nhìn lên trần nhà, ở trên đó chẳng có gì ngoài bóng tối.

 

 

Cuộc đời vẫn tiếp diễn xung quanh và tôi lại tiến lên trên một con đường ngập sương mù, mỗi ngày đi dạy ở trường rồi tất bật với những lớp dạy thêm, Nguyên thì bận rộn với công việc của nàng. Thỉnh thoảng khi ở nhà chúng tôi cũng ít nói chuyện chỉ im lặng tận hưởng thời gian bên nhau.

Chúng tôi làm tình đều đặn, cuộc sống vợ chồng trôi qua với những cảm xúc mơ hồ, lấp lửng.

Ngôi nhà của mẹ tôi để lại vẫn còn đó, mỗi tuần tôi lại về nhà cũ một lần, lấy cớ là lau dọn nhưng thật ra tôi chỉ ngồi trên sopha im lặng nhìn mọi thứ xung quanh. Tôi để cho những đồ vật trong ngôi nhà bám bụi một cách chậm rãi và không hiểu sao lại thấy dễ chịu khi chúng như vậy.

Đôi khi lúc mở cánh cửa mà ngày xưa đã mở biết bao nhiều lần tôi lại thầm mong cánh đồng sẽ xuất hiện.

Nhưng nó chẳng bao giờ ở đó nữa, đồng xanh đã mất biệt đằng sau, trong miền đất bí ẩn của nhữn suy tư.

 

 

Tôi và An thường xuyên gặp nhau ở trường dù vậy chúng tôi ít khi nói chuyện; đôi khi An nhìn tôi mỉm cười lúc đia ngang qua ở ngoài hành lang. Giờ học anh ta hay đứng nhìn ra lan can hút thuốc, bỏ lũ học sinh bơ vơ với hàng mớ chữ nghĩa trên bảng, cái dáng vẻ trầm tư cô độc như thể cả thế giới đã suy tàn xung quanh mình và anh ta cứ mặc kệ tất cả. Tôi hay nhìn An từ xa, cái dáng vẻ ấy cuốn hút tôi một cách kỳ lạ.

Từng có thời gian tôi khao khát trở thành anh ta, một con người chống lại những thứ ngu ngốc xung quanh mình; nhưng tôi chưa bao giờ là người đó.

Thở dài, nhìn xuống dưới lớp, bọn học sinh đang cặm cụi viết bài. Tôi lướt qua tất cả những cái đầu bên dưới một lượt, cũng không có con người đó ở đây.

Những cá nhân như vậy luôn đến và đi bất chợt, bỏ lại lũ người bình thường chúng tôi với một nỗi buồn chẳng đâu và đâu…

 

Tôi đi ra ngoài đứng cạnh An, nhìn xuống khoảng sân trống trải ngập nắng, chúng tôi lặng lẽ hút thuốc.

-       Ông có bao giờ nghĩ tới thời gian mình đi học trước đây chưa?- An hỏi, quay lại nhìn vào trong lớp.- Lúc giống như tụi nó.

-       Cũng thỉnh thoảng, tôi tránh không nghĩ tới quá nhiều. Tôi muốn giữ bản thân xa khỏi mọi thứ làm có thể làm mình khó chịu. Nhớ về thời gian ấy làm tôi cảm thấy mình thất bại.

Nhếch mép, An vứt điếu thuốc vào thùng rác.

-       Ông lại đi tìm cánh cửa hả?

-       Chắc vậy.- Tôi nhún vai.- Mọi thứ lúc này đều khiến tôi mệt mỏi. Mà sao tôi lại kể cho ông nghe chuyện này nhỉ? Tôi còn chẳng kể cho vợ tôi nghe.

An nhìn xuống bên dưới, cả người anh ta chồm ra bên ngoài hết mức có thể, gió thổi làm mái tóc của An rũ rượi.

-       Vì ông muốn trở thành tôi!- An nói một cách lạnh lùng, anh ta dùng hai ngón tay đẩy gọng kính lên.- Ông muốn trở thành tôi, vậy nên ông mới kể cho tôi nghe chuyện cánh cửa, bởi khi trở thành tôi ông sẽ không cần tìm một lối thoát siêu thực nào nữa. Trở thành tôi là lối thoát cho ông, vì ông bất lực.

Anh ta quay qua nhìn tôi, nụ cười trẻ trung nở ra trên khuôn mặt bất cần.

-       Đừng tự tin như vậy…

-       Không đó là sự thật, ông luôn bình thản trước mọi sự bởi vì ông có cánh cửa đó, cánh cửa mở ra một cánh đồng rộng lớn. Khi trông chờ vào nó ông có thêm chút sức mạnh.- An giang tay lùi lại mấy bước, giọng anh ta vang xa trong hành lang trống trải.- Cánh cửa đó làm cho ông yên ổn, ông dồn nén hết mọi thứ bực bội trong đời mình để biến nó thành hy vọng một ngày nào đó sự nghỉ ngơi sẽ đến với mình, một sự kết thúc, một viễn cảnh mênh mông bất tận.

-       Đó là cách ông nghĩ thôi.

-       Không, đó là cách mà mọi thứ diễn ra, ông thấy mọi thứ xung quanh mình đang bị bào mòn, ông thấy bản thân đang trở nên lạc lối, nhạt nhẽo. Ông cảm thấy mọi nền móng đang sụp đổ.- An dí sát miệng vào mặt tội, hai bàn tay bóp chặt lấy vai, tiếng nói của anh ta giờ như lời thì thầm.- Nhưng thay vì tìm cách cứu vãn ông lại muốn trốn tránh vào cánh cửa đó, vào đồng xanh, một thứ vớ vẩn không có thật. Tôi mới là cách cứu vãn của ông.

Tôi đẩy An ra bằng hết sức mạnh của mình khiến anh ta ngã xuống đất.

-       Nó không phải là thứ nhảm nhí! Ông mới là thứ nhảm nhí.- Tôi trỏ tay vào mặt An.- Ông tưởng mình là ai, ai cho phép ông phớt lờ hết tất cả mọi thứ đang diễn ra? Ai cho ông cái quyền bất chấp thực tại?

An bật cười, anh ta lắc đầu như điên dại.

-       Nhưng mà có cái quái gì khác nhau đâu? Một là phủ nhận thực tại một là bất chấp nó, tại sao ông khao khát cánh cửa nhưng lại chối bỏ tôi? Ông sợ cái gì, ông muốn có tất cả cùng một lúc sao?

An nhảy xổ vào tôi, trong giây lát tôi thấy nắm đấm của anh ta sắp sửa chạm tới mặt mình. Nhưng thay vì gây thương tích nó lại xuyên thẳng vào đầu tôi, như thể cánh tay An bị hút vào đó vậy.

-       Đừng hòng chối bỏ tôi.- Anh ta thì thầm.- Ông có cảm giác, ông không hề bình thản, tôi sẽ bắt ông phải hét lên vào mặt lũ người mà ông khinh ghét.

Nghiến răng chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau tóe lửa…

 

 

Tôi đang đứng trong phòng khách ngôi nhà cũ, phía sau lưng là bàn thờ của cha mẹ, cảnh vật xung quanh vẫn như hồi mấy chục năm trước. Trước mặt tôi là cánh cửa, nơi đã từng dẫn tới đồng xanh.

Tiến từng bước chậm rãi tôi đặt tay lên nấm đấm, khẽ xoay, tiếng lạch cạch vang lên làm tôi rùng mình.

Và bên kia không phải là con đường thân thuộc, cùng không phải là đồng cỏ rộng lớn mà là một đầm lầy u ám bao la. Nơi những thân cây chết trơ lá nằm quặt quẹo, đủ loại dậy leo gớm ghiếc quấn với nhau chẳng chịt dưới chân, những cái hồ với nước đen ngòm và bầu trời phủ một lám mây dày xám ngoét.

-       Cái quái quỷ gì thế này?- Tôi thì thầm.

Đi qua cánh cửa tôi đứng giữa đầm lầy xơ xác.

-       Vậy anh còn mong chờ gì nữa?

Quay là phía sau, Nguyên chậm rãi đến gần tôi, ở chốn này đôi mắt nàng chán chường và sắc da thì xám xịt. Nàng mặc một bộ quần áo công sở, chân mang giày cao gót. Cách ăn mặc của Nguyên y như lúc làm việc.

-       Hơn ba mươi năm đã trôi qua rồi, rất nhiều chuyện đã xảy ra ở cả ngoài kia và ở đây. Anh tưởng mọi thứ sẽ mãi mãi như trước sao? Lúc anh năm tuổi dĩ nhiên nơi này tươi đẹp nhưng thời đó đã qua từ lâu. Đứa trẻ năm tuổi mà anh từng la cũng chẳng còn tồn tại nữa rồi.

Tôi nhìn Nguyên rồi lắp bắp.

-       Nhưng tại sao… tại sao em lại ở đây?

-       Anh không nhận ra gì sao? Em ở đây lâu rồi, trong cái chốn xám xịt buồn bã này.

 

Giật mình tỉnh dậy, tôi cảm thấy cổ họng vẫn còn đau rát vì những tiếng thét trong giấc mơ; tứ chỉ rã rời không cử động nổi, mắt dù đã mở ra nhưng mọi thứ vẫn mờ mờ và một cơn đau nhức khủng khiếp ở trong đầu.

Nhìn quanh, trên người tôi có đủ mọi loại dây nhợ và những cây kim chích vào tĩnh mạch, túi nước biển đang nhỏ giọt, máy móc đang chạy. Một ống dẫn oxi luồn sâu vào mũi. Và xa xa ở góc phòng là Nguyên nàng ngồi trên băng ghế bằng nhựa, đầu gục xuống hình như đang ngủ.

Chau mày, tôi rên lên một tiếng.

Nguyên giật mình nàng vội chạy đến chỗ tôi, khuôn mặt lo lắng của nàng làm tôi tim se lại.

-       Anh thấy sao rồi?

Không trả lời nàng tôi cố ngồi dậy.

-       Sao anh lại ở đây?

-       Anh đang dạy thì đi ra ngoài hút thuốc rồi bị ngất xỉu, sau đó thì được đưa tới bệnh viện…

-       Vậy còn An?

-       An là ai?

-       Thì đồng nghiệp của anh, cũng dạy vặn, trước khi ngất đi anh có nói chuyện với cậu ta.- Một cơn đau nhói lên trong đầu.- Giờ thì anh không nhớ là chuyện gì nhưng hình như cũng khá gay gắt, anh ta thế nào rồi?

Nguyên nhìn tôi, mắt nàng mở to.

-       Anh nói gì vậy? Em biết hết đồng nghiệp của anh, làm gì có ai tên An. Và tụi học sinh cũng nói là khi ngất đi anh đứng một mình.

-       Sao lại như vậy được?- Tôi yếu ớt phản đối.- Anh ta tới nhậu với anh hoài mà, mấy buổi tối ở cái quán trước nhà mình.

-       Anh sao vậy? Anh luôn nhậu ở đó một mình, làm gì có ai khác!

-       Nhưng, nhưng…

 

Cơn nhức đầu như choáng ngộp tâm trí tôi, vậy còn những câu nói của An, những lần tôi nghĩ về cậu ta, cuộc tranh cãi cuối cùng của chúng tôi. Đó là gì?

Cái quái quỷ gì vậy?

Tôi cảm thấy tay chân mình đang mất kiểm soát, chúng co giật liên hồi. Mắt tôi mờ đi, đầu ong ong; dường như xung quanh có hàng triệu giọng nói đang cùng thì thầm một lúc.

Điều tiếp theo tôi nhận thức được là những bóng áo trắng chạy vào phòng rồi một mũi tiêm vào cổ. Tôi từ từ lịm đi.

 

Phải một tuần sau tôi mới tỉnh dậy, đó là một quá trình dai dẳng giữa những giấc ngủ dài và các lần thức ngắn. Nguyên lúc túc trực bên tôi mọi lúc.

Được chuẩn đoán chứng loạn thần kinh và có dấu hiệu tâm thần phân liệt, tôi xuất viện về nhà với khuyến cáo cần được theo dõi cẩn thận trong thời gian ít nhất là nửa năm với một đống thuốc phải uống mỗi ngày.

Hôm xuất viện trên đường về tôi nói với Nguyên.

-       Hôm nào cuối tuần anh sẽ dọn bàn thờ ba mẹ về nhà mình. Còn ngôi nhà cũ thì rao bán.

Nguyên không nói gì nàng chỉ lặng lẽ gật đầu, chúng tôi ngồi trong taxi, tôi nhìn ra bên ngoài nơi phong cảnh đang vùn vụt bị bỏ lại phía sau. Nàng dùng bàn tay nhỏ bé và mềm mại của mình đặt lên tay tôi.

Và như bao lần, tôi biết ơn về điều đó!

 

“Đồng xanh, tạm biệt mày!”

 

THIÊN DI
14/09/2015.
Mưa đêm…
 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Chín 201912:15 SA(Xem: 18567)
Hắn bị đụng xe vào buổi chiều và đưa vào phòng cấp cứu của một bệnh viện huyện.Hắn hôn mê từ đó cho đến sáng hôm sau mới hồi sức nhưng vẫn ở trong trạng thái mê tĩnh. Đôi mắt khẻ lay động, cơ thân muốn rướn lên nhưng có một sức mạnh vô hình trì níu lại, đôi môi khô khốc, hắn khao khát được một vài giọt nước , tôi bón cho hắn từng giọt từng giọt và tay luôn nắm bóp trên vầng trán, vùng ngực gây cho hắn cảm giác êm dịu, ru vào giấc ngủ chập chờn.
11 Tháng Chín 201910:25 CH(Xem: 17806)
Đầu tiên là triệu chứng khó thở kéo dài nhiều giờ. Đó là điều khó hiểu với một người không phải là cuờng tráng song sức khỏe có thể được gọi là sung mãn như ông. Bác sĩ riêng đã loại trừ ngay cái bệnh buộc phải lập tức i-zô-lê( biệt lập), hoành hành bởi con vi trùng mang tên một nhà bác học Đức. Nơi ông ở cũng chưa đến nỗi phải suốt ngày đeo mõm chó cả khi ra đường lẫn ở trong nhà như thành phố Bác - Ki nọ mù mịt bụi khói gần đây mà ông thường thấy trên phim, ảnh.
08 Tháng Chín 201911:54 CH(Xem: 18100)
“Ối... giời đất ôi!” Tiếng rú hoảng kinh của người đàn bà dưới khoang thuyền vọng lên, tiếng được tiếng mất trong gió lộng khi con sóng hung hãn đập mạnh vào lớp vỏ kim loại bên mạn thuyền. Chiếc du thuyền chao chọng, lắc lư như món đồ chơi trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Nước văng tung tóe lên cả mặt sàn gỗ đầy vân. Người đàn ông một tay bám chặt lấy cột buồm, một tay rà lại những nút buộc chiếc áo phao mà gió gắn chặt vào người. “Không sao đâu,” người đàn bà dán mình vào chỗ ngồi ởđuôi con tàu, chiếc áo phao màu cam sáng rực dưới ánh sáng mờ ảo của một ngày vừa chớm. Chị nghểnh cổ nói vọng xuống khoang. “Du thuyền chứ có phải ghe đánh cá của ngư dân đâu.” Rồi chị lẩm bẩm,“Đến siêu bão cũng chả sao.” “Cứu mẹ con cháu với!” Tiếng gào khan của một người đàn bà văng vẳng trong tiếng hú của gió. Người đàn ông nghểnh cổ, nhìn xuyên qua màn hơi nước mờ đục. “Hình như có người kêu cứu.” Anh ta nói lớn. Trái tim quýnh quáng trong lồng ngực. Người đàn bà trong áo phao màu cam hỏi
06 Tháng Chín 20193:37 CH(Xem: 17907)
Camie là người nữ đồng nghiệp duy nhất trong số các đồng nghiệp nam làm chung một group gồm chỉ có ba người : hắn , Dick và Dan, cả ba đều là người Việt Nam. Camie là người Philippines , nước da trắng, mắt to, tóc dài, thân hình thon gọn, eo nhỏ mông to. Nhiều lần lão Dick thèm thuồng nói với hắn - Camie sống cô đơn độc thân một mình đang khao khát một tình yêu.
28 Tháng Tám 20193:20 CH(Xem: 16039)
Ở đây, tất cả nhân viên, dù là người địa phương tình nguyện đến làm việc, hay nhân viên chính thức, đều mặc cùng một bộ đồng phục màu xám, áo vest xám, váy đầm hình chữ A màu xám, áo chemise lụa trắng bên trong. Trắng và xám. Đó là 2 màu chủ đạo sau buổi sáng 5.46' ngày 17 tháng 1 năm 1995.
19 Tháng Tám 20193:54 CH(Xem: 18326)
Tôi đứng một mình bên cửa sổ. Đêm lặng. Ngọn đèn hành lang rọi xuống chậu cây chi mai đang nở hoa trắng, tạo thành một quầng sáng đơn độc. Tôi vốn có thói quen đọc sách khuya. Những lúc đêm khuya thanh vắng, khi người đời đã chìm trong mộng mị, là lúc tôi thả hồn mình lang thang với những con chữ. Đọc đến một lúc nào đấy, cảm thấy đầu mình u mê, tôi hay tới bên cửa sổ, đứng khoanh tay nhìn ra ngoài hiên. Tôi thường hay nhìn một cách vô định vào bóng cây sấu già đang chập chờn cô đơn khua lá. Như là một phép dưỡng sinh cho mắt. Từ hôm có chậu chi mai thì hồn tôi trút cả vào chậu cây nhỏ xinh đang nở hoa trắng xoá. Tôi say mê ngắm. Tôi đang mê đắm vẻ đẹp của một loài hoa đã từng được bao thi nhân từ cổ chí kim ca tụng…
16 Tháng Tám 201910:07 CH(Xem: 19671)
Gần 5 năm mới nhận được tác phẩm thứ hai của Nguyễn Trung. Truyện của ông rất đặc biệt, với lối hành văn cuốn hút, mạch truyện chuyển đổi gọn nhanh như những đoạn phim ngắn. Không khí truyện huyền ảo nhưng rất gần với xã hội chúng ta đang sống. Mời quý độc giả và văn hữu cùng vào không gian truyện “Rắn xanh chấm đỏ” của nhà văn Nguyễn Trung. Tạp Chí Hợp Lưu
14 Tháng Tám 20199:09 CH(Xem: 19804)
Mẹ tôi có tính tiết kiệm, ăn uống lúc nào cũng nhường món ngon cho chồng cho con ăn. Khi ba tôi mất, quần áo mới mẹ cứ cất tủ cho đến khi mất còn mới tinh, có cái mẹ chưa mặc. Tôi bây giờ y chang như mẹ, lâu rồi tôi cứ nghĩ rằng mình không có chồng có con nên đâu cần chưng diện làm gì. Con gái tôi thương mẹ nên nó sắm cho mẹ toàn bộ quần áo, son phấn... Tôi đơn giản không phấn son chưng diện... Nên đến hôm tôi dọn nhà tôi lôi ra đồ mới còn quá nhiều, áo quần đẹp, cả đồ lót phụ nữ còn nguyên lố lố mới kít. Tôi không thể mang hết vào SG nên tôi cho từ thiện hết toàn bộ. Tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu tôi chết, con tôi nó sẽ chôn hết đống đồ này theo tôi như mẹ.
10 Tháng Tám 20197:07 CH(Xem: 17666)
Anh vừa ra được tập thơ. Tiền đi vay, lãi suất năm phần trăm. Trên đời này, hiện giờ không có gì rẻ hơn thơ và khốn khổ như nhà thơ phải ôm sách của mình đi bán lẻ. Khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản, anh nghĩ, việc giải quyết "đầu ra" sẽ tính sau, trước mắt làm sao có được sách đã. Đến khi cầm tám trăm cuốn Đối thoại với dòng sông trong tay anh mới thật sự hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Anh nhẫn nhục mang thơ đi phát hành. Bán khắp mọi nơi, bán cả ở những chỗ người ta nhiều tiền nhưng không hiểu thơ và chẳng cần thơ. Cái năm phần trăm của bảy triệu hàng tháng thúc bách anh. Tại một trường phổ thông trung học, khi anh nhờ mua giúp hai chục cuốn, ông hiệu trưởng lật xem qua rồi bảo :" Chúng tôi sẽ vận động các em mua". Ba tuần sau, anh trở lại, ông hiệu trưởng khả kính mang ra chồng sách phủ dầy bụi, nói như người có lỗi :" Ông thông cảm, học sinh bây giờ không thích thơ
09 Tháng Tám 201910:17 CH(Xem: 18760)
Nghe tiếng cót két dưới sân, tôi biết ngay thằng bạn trời đánh vừa tới. Chiếc xe đạp khô dầu, nói bao nhiêu lần là chỉ cần xịt vào đó chút dầu hoặc không có dầu thì quết lên sợi dây xích chút mỡ bò là trơn tru, mà cái thằng nhất định không nghe. Tiếng cót két cứ như tiếng nghiến răng của bà hàng xóm lúc ngủ mê, nghe đến nổi cả gai ốc.