- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Người Vác Chõng Tre

26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 45492)

Trong ký ức tôi, miền quê đẹp nhất trong đời có lẽ ở một nơi nào đó thuộc làng Thanh Quít ( Quảng Nam ). Tôi gọi có lẽ, vì thực tình, nếu giờ đây trở lại, tôi khó biết được bằng cách nào định hướng cho chính xác; chỉ nhớ rằng, vào thời điểm ấy, Quỳnh bảo tôi : " Qua khỏi Vĩnh Điện một khúc, gọi xe dừng lại, tụi mình đi bộ một chặp là đến làng ".

Bấy giờ, khoảng cuối thập niên 60, quãng đường này đã là một điểm hoạt động thường xuyên của quân du kích với các vụ bắn tỉa và đánh mìn vào các đoàn xe quân sự khi ngang qua. Vậy mà, cùng với Quỳnh về quê, tôi thấy an tâm và thanh bình lạ.

Năm ấy, Quỳnh học đệ ngũ, tôi mới vào đệ thất. Chúng tôi gặp nhau ở một xóm nhỏ trên đường Cửa Đại, Hội An – nơi khá đông những người học trò từ các miền quê đến ở trọ khi bước vào bậc trung học. Quỳnh là cháu họ của bà Hai Thơ nấu xôi, sát hè nhà tôi. Mỗi ngày, Quỳnh thường dậy sớm phụ giúp việc nấu xôi, rồi luôn tiện ới sang đánh thức tôi cùng đi học. Mỗi tối, tôi cũng thường chạy sang ngồi bên ngon đèn dầu của bà Hai Thơ để nhờ Quỳnh chỉ bảo những bài tập Toán, Pháp văn… Quỳnh kể, ở quê Quỳnh người dân rất giỏi nghề đan vót, nên mỗi lần về quê, Qùynh thường dành thời gian làm một chiếc chõng tre, rồi vác chiếc chõng đó xuống phố bán để thêm tiền lo việc học. Tôi hỏi Quỳnh, có biết đan lồng chim không? Quỳnh bảo cái đó dễ nhất (!).Thế là đến kỳ nghỉ hè, tôi cùng theo Quỳnh về quê…

Hầu như nơi làng quê Thanh Quýt, nhà nhà đều là người bà con họ hàng của Quỳnh, nên nơi nào tôi cũng gặp gỡ những nụ cười chân chất gọi mời, thăm hỏi. Chúng tôi tha hồ leo trèo lên các lùm cây để nghịch phá những quả chín thơm ngon. Hết những trò đùa nghịch, chiều đến, chúng tôi cởi quần áo nhảy xuống vẫy vùng trên một dòng sông xanh ngát vắt ngang qua làng. Tôi quên mất không nhắc đến chuyện lồng chim, nhưng có lần cũng thấy Quỳnh soạn tre ra sân ngồi vót, chẻ…

Quỳnh nói, mỗi lần ngồi vót tre là Quỳnh cứ bị quên hết mọi thứ , y như câu chuyện Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt . Một lần, trong một cuộc đổ bộ hành quân càn quét của quân đội cộng hoà, hầu hết mọi người trong làng đều lẩn tránh ẩn nấp, Quỳnh vẫn chẳng hay. Những người lính quần áo rằn ri, súng ống lăm lăm đổ ập trước sân nhà Quỳnh. Viên chỉ huy sau một hồi ngạc nhiên, đến ngồi gần Quỳnh nhìn vào bảng tên thêu trên áo hỏi :

- Cậu là học sinh dưới Hội An à? Tôi đã đi khắp nhiều làng quê, lần đầu tiên mới thấy một thanh niên mặc đồ học sinh ngồi chẻ tre thế này. Cậu lo mà ra đường đón xe trở lại trường học. Sắp đánh nhau rồi…

***

Sau mùa hè đó, tôi và Quỳnh trở lại xóm Cửa Đại tiếp tục cuộc sống học trọ như xưa. Lúc này thì cuộc chiến đã ngày một khốc liệt hơn. Chặng đường lộ Hội An –Đà Nẵng có những lúc ách tắt, bởi những cuộc giao tranh, hoặc phải thường xuyên gặp các đoạn tăng- bo để rà mìn. Có lẽ vì vậy, Quỳnh cũng ít về quê hơn xưa.

Bỗng một lần, dường như sau Tết âm lịch, Quỳnh lại về quê trở lại và vẫn vác chiếc chõng tre ra chợ bán. Cầm khoản tiền trong tay, Quỳnh rủ tôi đi khắp phố, rồi lại dạo chơi ở bờ sông. Lúc này, thường xuyên mỗi chiều từ bên bờ sông phố Hội nhìn sang những làng mạc không xa xôi lắm đã dễ dàng thấy các chuyến phi cơ ném bom oanh tạc làm bay tung những mái tranh trong làn khói mịt mù… Tự nhiên, tôi thấy Quỳnh cúi mặt buồn hiu. Quỳnh đặt vào tay tôi một cây bút máy nắp mạ vàng, có khắc chữ ký và nói:

- Bây giờ làng Quỳnh cũng bị ném bom tan nát hết rồi. Quỳnh phải đi. Tặng Sáng cây bút máy để làm kỷ niệm. Nhớ gắng học nghe...

Lúc âý, tôi cảm nhận mơ hồ một điều : Qùynh đi luôn (!)

Khi trưởng thành hơn, tôi đoán nghĩ hai giả thiết : Một là Quỳnh về quê, vào chiến khu, có thể ra miền Bắc. Hai là Quỳnh bị bắt lính, có thể trở thành lao công đào binh. Đến nhiều năm sau, bao lần dò hỏi tin tức từ bà Hai Thơ và người quen biết, tôi vẫn không hề biết được Quỳnh đã đi đâu? làm gì ? sống chết ra sao?

Từ sau 1975 đến suốt những ngày này, nỗi trăn trở ấy vẫn thường xuyên trở lại cùng tôi mỗi lần gặp một ký ức tình cờ...

***

Một buổi sáng, ngồi tán gẫu cùng bạn bè ở một quán cà phê, bỗng tôi nhìn thấy trên hè phố một gã đàn ông quê mùa, một tay vác chiếc chõng tre, một tay cầm khăn lau lùa những giọt mồ hôi trên mặt. Dường như gã phân vân tìm hướng giữa ngả tư đường, rồi lại nép vào một hiên nhà bỏ chiếc chõng xuống ngồi nghỉ. Một hình ảnh mộc mạc khá lạ và bất ngờ. Bởi ngày nay, những làng nghề ở các miền quê đã phát triển việc kinh doanh theo hướng công nghiệp, đâu mấy ai chịu lặn lội đến phố phường để bán một chiếc chõng tre. Không kìm được cảm xúc, tôi kể vồ vập những kỷ niệm về Quỳnh với nhóm bạn. Một đứa nói :

- Có thể viết thành truyện ngắn đấy (!).

Một đứa khác :

- Nhưng ông phải hư cấu thêm. Chẳng hạn sau thời gian tìm kiếm, ông đã gặp được một người tên Quỳnh. Người này đang ở một cương vị lãnh đạo rất bận rộn. Nhắc kỷ niệm, người này vẫn không nhớ. Ông đưa ra cây bút mạ vàng có khắc chữ ký tên Quỳnh, người này bảo, chưa từng nhìn thấy...

Tôi lắc đầu, không muốn một kết cục " ác" như thế.

Tôi chợt buộc miệng:

- Hoặc có khi là...

Ngay lúc ấy, gã đàn ông quê mùa cũng vừa đứng dậy vác chiếc chõng tre vội vã băng qua đường.

Thoắt chốc, cái dáng lênh đênh của gã biến mất thật nhanh trong dòng người xuôi ngược, trước khi để lại lòng tôi một vệt nhói đau về một cảm giác rất thân quen..../.

 

TRẦN TRUNG SÁNG

Đà Nẵng, Việt Nam

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30866)
Sau các chương tiểu thuyết Khi Phong Linh Vỡ đã công bố trên Hợp Lưu, Đặng Thơ Thơ trở lại với thể loại tự truyện và bút pháp cực cảm của mình. Mở Tương Lai ghi lại cái chết của vợ nhà văn Hoàng Đạo, bà ngoại của tác giả, và ghi lại câu chuyện của chính tác giả thuộc thế hệ thứ 3 của Tự Lực Văn Đoàn. "Ba mươi năm đủ để một đứa bé lớn lên, thành người, rồi chết đi mà không cần đến chiến tranh bom đạn..."
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 37671)
Tàu lắc lư chạy trong đêm. Hành khách ba miền của bao nhiêu âm ngữ đã đồng tiếng ngáy. Ngay sát mặt tôi, dưới gầm ghế là hai bàn chân giao chỉ với ngón cái xòe ra, dính đầy bùn đất của anh nông dân vừa lên tắt hai bao sắn qua cửa sổ. Trên ghế đối diện, thuộc về giai cấp khác, mấy ông cán bộ đi công tác với cặp táp, điếu cày đang ép nhau ngồi.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 127807)
Thạnh móc trong túi ra một miếng vải được buộc túm chặt bằng lạt tre, cẩn thận gỡ sợi lạt. Một dúm muối hột đen bẩn hiện ra. Thạnh trân trọng, nâng niu múc, vừa chẵn được hai thìa, đổ vào bát của Tường.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 41371)
Ban đầu chúng tôi nằm cạnh nhau. Tôi tựa đầu lên chiếc gối lam nhìn ra bầu trời phía Tây Bắc ngang vòm cửa sổ. Bầu trời đục mây, những đám mây xám di chuyển nhanh và gần qua chóp những cao ốc; những cao ốc dựng ngược, đâm thẳng lên trời, án ngữ gần hết diện tích cửa sổ phòng. Lấm tấm trên mặt diện tích ấy là những vệt sáng vừa thắp. Những chấm sáng hòa với một thứ màu dị hợm của hoàng hôn úa đọng lung linh lên màu hồng máu trên cánh cửa kính.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 38619)
LTS: Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1938 tại Quảng Nam, Cung Tích Biền thuộc thế hệ nhà văn hứng chịu và tham dự trực tiếp nội chiến. Theo học Văn Khoa Huế, Luật Khoa Sàigòn trước khi bị động viên rồi trải qua nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp của quân lực VNCH cho đến ngày giải ngũ vì thương tích năm 1973, nhà văn khởi đăng truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật vào năm 1966.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 111041)
Dực đã đi rất đỗi nhẹ nhàng. Dực đang chỉ chạm khẽ mũi giầy vào bậc thang gỗ. Cảm giác Dực đang bay. Bậc cầu thang nâu bóng mầu thời gian, nâu bóng rêu phong những kiếp người hình trôn ốc. Có người đang nhìn Dực, nhiều người đang nhìn Dực. Họ kinh ngạc trân trối ngóc đầu lên những bậc cầu thang gỗ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 29455)
Tôi có bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy. Bàn tay không thay đổi theo mùa hay béo gầy cơ thể. Thụ bảo bàn tay tôi không tuổi tác trọng lượng. Hồi hai mươi tuổi, mới ra trường nằm nhà ba tháng, chỉ ăn và ngủ, cơ thể trồi lên những múi thịt, nhưng bàn tay tôi vẫn mảnh dẻ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31890)
Em chết rồi. Vậy là em đã chết rồi. Em không biết mình có đau đớn trước khi chết hay không. Vì em chẳng biết gì khi sắp chết. Một gói thuốc chuột Trung Quốc em mua của những người nhà quê ra phố bán dạo. Họ mở vài bản nhạc xưa cũ thật buồn và thật cười. Ngày trước em nghe họ rao những câu vần vè có cả chuột ta chuột tây trong ấy, bây giờ cấm rồi, chỉ nghe những lời hát rề rà, cọt kẹt, nhừa nhựa.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33090)
Cuối tháng Ba, tôi về thăm quê. Quê tôi ở tỉnh Đông, nhưng gia đình đã chuyển vào vùng kinh tế mới ở Bảo Lộc, Lâm Đồng từ sau gày miền Nam giải phóng. Tình cờ lúc qua đò Vạn tôi lại gặp bá Vần. Bá hỏi: “Anh về một mình?” Tôi đáp: “Vâng”. Bá hỏi tiếp: “Anh về lâu không?” Tôi nói: “Thưa bá, cháu về được một tuần”. Bá Vần nghĩ một lúc rồi bảo: “Thế thì ngày mai anh nên thu xếp đến thăm cái Hà. Nó đang nằm ở bệnh viện huyện. Bệnh nặng lắm, có lẽ không qua được”
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 98236)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.