- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cuối đường, cuối ngõ

06 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 41051)

cuoingo_ntlam


Nhà tôi ở cuối đường, nhà Thủy ở cuối ngõ. Con đường nhà tôi và cái ngõ nhà Thủy châu đầu vào nhau tạo thành một chữ en lờ. Nhà tôi nằm ở chỗ đường và ngõ giao nhau. Từ lầu hai, tôi có thể thấy một ít mặt tiền nhà cô bé, loáng thoáng thôi vì ngõ cong cong mà căn nhà phía trước có một cái cây gì cao cao lại nằm tuốt cùng. Thủy đi gần nửa con ngõ thì tôi mới thấy được mái tóc cột hai bím hai bên nhấp nhô lên xuống theo bước chân vừa đi vừa nhảy lò cò. Giữa cuối ngõ và cuối đường là những căn nhà tôi không để ý đến vì không có gì đáng để ý, chỉ những người lớn tuổi lo làm ăn. Hình như Thủy là đứa duy nhất nơi này trạc tuổi tôi.
Mái tóc cắt ngắn cột hai bím hai bên đó sáng nào cũng nhấp nhô đến đầu ngõ cuối đường, nơi tôi từ phòng ngủ lầu hai nhìn xuống, rồi mái tóc ngừng lại để cặp mắt to đen lánh nhìn nhanh lên lầu hai. Tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy. Nếu bất chợt bắt gặp cái nhìn của cô bé, tôi vội quay mặt đi tránh cái nhìn ranh mãnh trên khuôn mặt gầy đen đúa. Có những buổi sáng tôi dậy sớm hơn thường lệ xuống nhà dưới ăn điểm tâm. Từ cửa sổ phòng ăn lầu trệt, tôi nhìn Thủy rõ hơn, kết luận ngay cô bé thuộc loại nghịch ngợm và đanh đá, loại con gái tôi kiềng mặt. Đoán thế thôi vì hai đứa không chơi với nhau, hai gia đình không quen nhau, làm như những nhà ngoài đường và các nhà trong ngõ không giao du qua lại. Hai đứa cũng không học cùng trường. Trong khi Thủy đi bộ đến trường Lê Văn Duyệt thì cha tôi chở tôi trên chiếc Vespa đến trường Đa Kao, sau này đổi thành Đinh Tiên Hoàng.
Tết đến. Khi chính quyền còn cho đốt pháo, cha tôi đốt một tràng pháo thật dài, dài cả thước. Thủy mon men lại xem cùng với một vài người lớn trong ngõ, hai ngón tay nhét chặt trong lỗ tai. Qua màn khói pháo xám dày dặc, tôi thấy vui vui khi thấy nét sợ hãi trên mặt cô bé. Đanh đá cũng có lúc phải sợ chứ. Khi khói tan, tôi chạy vào nhà vì nghĩ cái nét đanh đá đã trở lại trên mặt Thủy và muốn tránh cái nhìn soi mói quen thuộc.
Mái tóc cắt ngắn bím hai bên nhấp nhô lên xuống từ cuối ngõ ra đường suốt năm năm trời rồi một ngày mái tóc đó dài ra, cột đuôi ngựa phía sau. Đó là ngày đầu tiên trong đời tôi mặc quần dài kaki xanh, trên túi áo sơ-mi trắng dài tay có may bảng tên một trường trung học. Thủy thì đã bỏ chiếc áo cánh để thay vào đó một áo dài trắng. Thay đổi bên ngoài làm thay đổi bên trong. Giờ lên trung học, tôi thấy mình lớn hẳn, không còn ngại cái nhìn ranh mãnh của một đứa con gái hay ít ra nghĩ rằng đã đến lúc phải gan dạ hơn con gái. Tôi đã thích thú khi thấy Thủy quay mặt đi khi tôi nhìn thẳng vào mắt nàng lần đầu tiên. Từ đó mái tóc dài cột đuôi ngựa cúi mặt mỗi lần đi ngang qua căn nhà cuối đường và cũng từ đó hình ảnh mái tóc dài cột đuôi ngựa ấy thỉnh thoảng len lét vào óc tôi. Sự xâm nhập đó không kéo dài được lâu, Thủy không có nét gì hay để giữ được sự chú ý của tôi lâu. Với tôi, Thủy chỉ là một người con gái bình thường, hoặc nói theo kiểu nói chuyện của tôi và lũ bạn “chỉ thường thôi” và tôi lái sự chú ý của mình vào những mục tiêu khác.
Lên đệ ngũ đệ tứ đệ tam đệ nhị, tôi đàng đúm với lũ bạn ngồi cuối lớp, bắt đầu tập hút thuốc và dạy nhau nhẩy đầm rồi rủ nhau đi bal đi boum. Tôi không thích nghe nhạc Việt, chỉ vặn radio lên tìm các chương trình nhạc ngoại quốc hay vặn sang đài phát thanh quân đội Mỹ nghe pop và rock. Ra đường tôi để ý đến các em nào có nét đẹp trẻ, nhí nhảnh, khêu gợi “như tây” còn những nàng có nét đẹp kiểu á đông nhu mì, kiểu tóc thề nón lá e thẹn che mặt thì tôi lờ đi. Thủy thuộc loại con gái đó và sự chú ý của tôi dành cho Thủy bớt đi và sau cùng đến độ tôi quên có một người con gái sống trong căn nhà cuối ngõ. Đôi lần tôi và Thủy gặp nhau khi người từ đầu đường đi vào và người từ cuối ngõ đi ra. Không một lời chào, không một nụ cười. Tôi nhớ có một lần Thủy bất chợt mỉm cười với tôi, tôi ngỡ ngàng không biết nụ cười ấy dành cho mình hay đến từ một ý nghĩ gì trong đầu Thủy không liên quan gì đến mình, không phải cho mình. Tự ái, tôi làm mặt tỉnh đi thẳng về nhà. Nụ cười ấy không bao giờ trở lại nên môi Thủy những lần hiếm hoi chạm trán nhau ngoài đường.
Tôi tiếp tục theo đuổi những nét đẹp hấp dẫn nhí nhảnh trẻ trung dễ dàng mặc mini jupe hay quần ống loe tại những quán nước trên đường Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, tại những boum lậu bal lén hay những chỗ nhảy lậu trá hình. Túi rủng rỉnh tiền tìm được bằng cách kèm toán và pháp văn cho mấy đứa đệ thất, lục ... tôi tự do đi chơi với lũ bạn “xóm nhà lá” trong trường.
Lần gặp Thủy bất ngờ nhất khiến tôi ngạc nhiên vô cùng là tuần lễ trước Tết năm cuối cùng trung học. Một toán vài nàng học sinh Gia Long đến trường tôi đi từng lớp bán báo Xuân. Ngồi dãy ghế cuối lớp, tôi tròn mắt nhìn Thủy thập thò sau lưng mấy cô bạo dạn hơn đang đứng cạnh bàn thầy lên tiếng mời “các anh thưởng thức báo xuân trường chúng em”. Lần đầu tiên tôi thấy nét đẹp thùy mị e thẹn có gì hấp dẫn. Khuôn mặt gầy guộc giờ trông tròn trịa, nước da đen đủi tôi thường thấy trước kia bây giờ là nước da bánh mật trông thật mặn mà, cặp mắt to đen với cái nhìn ngượng nghịu làm tôi nhớ lại nét e thẹn trên mặt Thủy lần nào ngoài đường nàng cho tôi nụ cười không đáp lại. Thằng bạn ngồi cạnh thì thầm “Tao chấm cái em tóc cột đuôi ngựa trốn sau lưng mấy em kia kìa”, tôi chợt bực mình nói nhỏ, “ĐM, im mày”. Tôi chăm chú nhìn Thủy. Không biết Thủy thấy tôi không nhưng tôi thấy Thủy như cố thu người cho nhỏ lại sau lưng một cô bạn lớn con để trốn cái nhìn soi mói từ dẫy ghế cuối. Tôi bật dậy đứng lên đi lại đám con gái. Lúc này thì Thủy tròn mắt nhìn tôi, hai má nàng đỏ ửng lên, đôi môi mấy máy như muốn nói gì.
- Tôi mua một tờ, tôi chỉ bật ra được mấy tiếng rồi chìa tay ra đưa tiền cho Thủy thay vì mấy em đứng trước.
Thằng bạn đểu cuối lớp hú lên như vượn làm cả lớp cười ầm lên hùa theo. Thủy đưa tôi tờ báo mà tay hơi run run, hai môi hơi mím lại, hai mắt bối rối nhìn xuống tránh cái nhìn của tôi. Tôi muốn hỏi Thủy nụ cười ngày đó cho tôi cất đâu rồi, sao không đem lên môi nhưng chính tôi trong bụng cũng run bạo, chỉ nhận lấy báo từ tay nàng rồi đi về chỗ.
Mấy nàng Gia Long đi qua lớp bên cạnh. Tà áo dài trắng hai ống quần sa-tanh mềm mại hai gót chân hồng quay đi không nhìn lại nhưng cái nhìn buồn lẫn hờn Thủy cho tôi vài phút trước còn phảng phất trong phòng. Tôi thắc mắc mãi về cái nhìn đó, tôi đã làm gì để Thủy buồn và hờn tôi.
Đậu tú tài xong tôi lên Đà Lạt vào học trường chính trị kinh doanh sống nhờ nhà chú tôi cha tôi gởi gấm. Chắc người chán nhìn mặt tôi sau khi tôi không vào được trường kỹ sư Phú Thọ và kiến trúc. Tôi muốn ở lại Sài Gòn học Khoa học nhưng cha tôi nói “Tao không muốn thấy mày đi chơi với lũ bạn xưa, tụi nó là gần mực thì đen, chỉ ăn chơi lêu lổng không lo học hành gì”. Chú tôi là giáo sư thương mại đại học trên này, cha tôi hy vọng chú sẽ kèm tôi đi đúng đường và không có mẹ bên cạnh lo cho, tôi sẽ tập một cuộc sống có trách nhiệm.
Xa nhà trên cao nguyên lạnh lẽo, xa lũ bạn quen thuộc, không quen ai đây ngoại trừ ông chú độc thân mặt khó đăm đăm, tôi cô đơn vô cùng. Không biết để giải thoát khỏi nỗi cô đơn hay lại đi sâu vào trong nỗi cô đơn, tôi la cà các quán cà phê nhâm nhi tách cà phê cao nguyên thơm tho phì phèo mấy điếu Bastos. Những lúc tôi ngồi suy nghĩ bâng khuâng thả hồn theo khói thuốc như thế, hình ảnh cái nhìn buồn lẫn hờn của Thủy ngày bán báo xuân cho tôi đến lảng vảng trong đầu. Tôi thắc mắc bây giờ Thủy học ở đâu, đang làm gì. Tôi vẫn không nghĩ là mình có thể yêu Thủy vì người con gái không có gì để lôi cuốn tôi nhưng hình như có một cái gì vô hình không cho hình ảnh Thủy trốn thoát ra khỏi đầu óc tôi. Tôi kéo dài cuộc sống lưu đày bất đắc dĩ này ngày này qua ngày nọ, đi học ban ngày ban đêm ra quán cà phê để tâm tư đi hoang trên những con đường vô định.
Trường đóng cửa hai tuần lễ trước Tết. Tôi mua vé xe đò về nhà ngay, định tâm việc làm đầu tiên là gặp lại lũ bạn cũ xong rủ nhau đi tìm mấy cái bal nhẩy.
Chỉ xa đô thành mấy tháng nhưng tôi thấy hình như có nhiều thay đổi chắc vì bạn bè xưa giờ chỉ còn le que vài tên. Đứa bỏ học đi làm xưởng, đứa vào được trường Nha, đứa học Văn khoa, hai thằng may mắn xuất ngoại du học và một tên đi Thủ Đức. Rời trung học là vào một thế giới khác, thế giới của người lớn bắt đầu lo lắng cho tương lai, không còn những ngày vô tư nhởn nhơ đi chơi. Bốn đứa chả ai còn hứng đi nhót, rủ nhau ra quán nhậu bên bờ sông Bạch Đằng. Mấy thằng còn lại vẫn ăn nói ào ào như trước nhưng luôn trông có vẻ lo lắng về điều gì làm bầu không khí mất vui. Cụt hứng, tôi không nói nhiều chỉ vắn tắt kể cho tụi nó nghe về những ngày tháng trên kia.
 - Cô đơn vậy mày chắc nhớ cái em Gia Long bán báo xuân chứ? Mày còn nhớ con nhỏ đó không?
Tôi cười đáp.
- Còn nhớ nhưng không nhớ, hiểu không? xong bật nói, Em ở gần nhà tao.
Mấy tháng trước thì có lẽ thằng bạn nhẩy cỡn lên nói ‘Còn chờ gì nữa, nhào dzô’ nhưng lúc này cả bọn không đả động gì thêm về chuyện xưa đó. Uống thêm một chai xong cả lũ rã đám ra về không hẹn khi nào gặp lại.
Về gần đến nhà tôi thấy mấy chiếc xe hơi ngừng phía trước, nhiều người ăn mặc bảnh bao quần là áo lượt xuống xe, một vài người bưng mấy mâm gì bọc trong giấy kính đỏ trông như một đám cưới hay đám hỏi. Họ xếp hàng một chỉnh tề rồi từ từ đi vào cuối đường xong rẽ trái về hướng cuối ngõ. Cất xe vào trong nhà dưới, tôi lên lầu nhìn theo nhóm người xem họ đến nhà nào. Tiếng mẹ tôi sau lưng.
- Hôm nay người ta đến hỏi con Thủy.
- Ai hỏi?
- Nghe nói một ông đại úy Nhảy Dù nào.
Tôi đoán đó là người đàn ông đi sau lưng một cặp khá lớn tuổi dẫn đầu, chắc cha mẹ hay ông bà mai, một người đàn ông còn trẻ không cao lớn nhưng tướng đi mạnh dạn lưng thẳng cằm cao ra dáng sĩ quan. Họ đi khuất sau khúc quanh con ngõ trong những tiếng chó sủa inh ỏi và đám người trong ngõ túa ra nhìn. Tôi tưởng tượng hình ảnh Thủy đang ngồi trong phòng ngủ hồi hộp chờ ý trung nhân đến hỏi mình làm vợ. Thủy đang nghĩ gì, tâm trạng ra sao? Vui hay buồn? Người sĩ quan đến hỏi Thủy do nàng lựa chọn hay do cha mẹ hai bên đã sắp xếp với nhau? Một hôn nhân đến tự tình yêu hay một cưỡng ép?
Ngồi xuống bàn học, tôi suy nghĩ mông lung, hết về Thủy rồi về lũ bạn lưa thưa và những ngày trên Đà Lạt. Tự nhiên tôi thấy chán nản, muốn trở lại lên trên đó ngay. Dưới đây không còn gì để lưu luyến, tất cả xung quanh tôi như trống rỗng mênh mông, tôi thấy mình trôi bềnh bồng không chỗ níu kéo. Những ngày nghỉ Tết còn lại từ từ trôi qua trong trạng thái như vậy, chán nản, bềnh bồng, trống rỗng ... Mùng bốn, tôi ra bến xe đò mặc mẹ tôi đòi tôi ở lại thêm vài ngày.
Về lại căn phòng con trên gác xép, tôi ngủ vùi mấy ngày liên tục cho đến khi đi học lại. Những quán cà phê âm u, những tách cà phê đắng ngọt, những điếu Bastos khét lẹt, tôi trở lại cuộc sống cô đơn vùi đầu vào việc học nhưng không cho vào đầu được bao nhiêu. Những lần ngồi xuống, trên mặt bàn những sách vở tôi chỉ thấy những hàng chữ đang múa rối xong biến đi mất để lại trang giấy trắng bạch rồi khuôn mặt Thủy từ từ hiện lên, khuôn mặt cách đây một năm cho tôi cái nhìn đến giờ vẫn chưa quên. Tôi không nghĩ Thủy còn nhớ lần gặp bất chợt đó khó quên đối với tôi, nàng sắp làm vợ và chẳng bao lâu sẽ làm mẹ, đầy rẫy những trách nhiệm trên tay.
Năm đầu đại học trôi qua nhưng tôi nán lại chờ có kết quả thi xong mới về. Tôi đậu lên năm thứ hai nhưng chỉ đậu Bình Thứ. Đi xe ôm từ bến xe đò về gần đến nhà tôi thấy lại cảnh tượng cũ với mấy chiếc xe hơi bóng loáng và đoàn người ăn mặc bảnh bao mà tôi đã thấy bốn năm tháng trước nhưng lần này đông người hơn và rềnh ràng hơn. Có lẽ hôm nay là ngày cưới của Thủy và người đại úy Nhảy Dù đến rước dâu nhưng sao tôi không thấy ông ta đâu, chả lẽ đám hỏi hay đám cưới em nào khác trong xóm. Ngoài Thủy ra còn có nàng nào trong xóm đến tuổi cập kê hay chắc có một nàng mới dọn đến. Vào nhà tôi vội lên lầu hai để quan sát. Đi sau lưng một cặp già đi đầu là một thanh niên trắng trẻo thư sinh mặc một bộ complet cắt thật đẹp coi bộ đắt tiền.
Tiếng dép mẹ tôi trên cầu thang.
- Tội nghiệp con Thủy, chưa kịp cưới thì cái ông đại úy đó chết trận, bây giờ vừa hỏi vừa cưới luôn, lần này là một kỹ sư con nhà rất giàu nhưng quê tận ngoài Trung, đến bắt vợ về đó.
Lòng người thay đổi nhanh thật. Hôn phu mới chết trận mà bây giờ lại sắp lên xe hoa với người khác. Không biết Thủy còn buồn nhiều vì chồng sắp cưới trước chết hay nàng vui vì đó là một giải thoát?
Tôi khép cửa sổ kéo màn không muốn xem mặt Thủy ra sao khi cô dâu theo chồng mới cưới lên xe. Không buồn thay quần áo, tôi lên giường nằm ngủ được một chập thì tiếng pháo ngoài kia lôi tôi ra khỏi giấc ngủ chập chờn. Tôi gượng lết đến cửa sổ hé một cánh ra nhìn xuống con ngõ bên dưới. Đoàn người lục tục từ trong đi ra, cũng cặp già đi đầu và người thanh niên đi sau lưng nhưng có thêm một người bên cạnh, Thủy. Không biết hình ảnh Thủy đi cạnh một người đàn ông khác hay sự thay đổi quá nhiều trên mặt nàng làm tôi thấy nhói trong tim. Thủy trông khác đi nhiều, những biến cố dồn dập đã làm Thủy già đi nhanh khiến nàng trông như cởi bỏ nét e thẹn nữ sinh để hóa thành một người con gái khác. Một mất mát cho tôi. Mái tóc dài thường buộc đuôi ngựa đằng sau thỉnh thoảng được thả cho bay trong gió hôm nay búi lên gọn sau ót dưới vành khăn đỏ chói. Tôi không biết được dưới lớp phấn kia hai má nàng có đỏ ửng lên vì thẹn không nhưng cặp môi tô son đỏ chói hơi mím lại khi đi ngang nhà tôi. Một ngọn gió thổi ngang tung tấm màn mỏng sang một bên. Thủy chậm chân lại rồi nhìn lên cửa sổ bên trên, đưa cái nhìn lên ngay chỗ tôi đang đứng chăm chú nhìn nàng. Ôi, cái nhìn buồn bã lẫn hờn ngày nào chợt trở lại. Toàn thân tôi cứng lại như một pho tượng đá đứng trơ đó. Cái nhìn chỉ một giây nhưng sao lâu như cả giờ. Son phấn như bị ngọn gió thổi bay đi đâu mất, mái tóc búi sau cổ xổ ra. Tôi thấy lại khuôn mặt cô nữ sinh e thẹn ngày nào thập thò sau lưng bạn và nét ngượng ngùng trên mặt nàng khi đưa tôi tờ báo tay run run. Đây là hình ảnh cuối cùng Thủy cho tôi. Nhìn nàng đi ra đến ngoài đường lên xe hoa, tôi thấy cánh cửa một thế giới nào đó đóng lại, một thế giới mà tôi có thể đi vào trước kia nhưng chỉ lảng vảng bên ngoài để bây giờ thấy trong lòng mình đầy những câu hỏi.
Tôi không bao giờ thấy lại Thủy.

*
Ánh đèn đường vàng vọt pha lẫn vào làn sương mù đang rơi xuống con phố tôi ở trong khu chợ Tàu San Francisco từ ngày sang Mỹ đến giờ. Phòng tôi thuê nằm trên một căn gác lầu ba trong một cao ốc ở góc đường, không, ở cuối một con đường châu đầu vào một ngõ hẻm chật hẹp nằm giữa hai dãy tường cũ kỹ nhiều chỗ rêu bám. Ban ngày những bà già Tàu, Việt chống gậy tay xách giỏ từ trong ngõ đi ra ngoài đường đến mấy cái quày bán rau, trái cây, thịt. Đêm khuya con ngõ vắng tanh không một bóng người, chỉ đôi khi một vài con chó hoang mèo hoang chạy rong, rượt đuổi nhau.
Đã nhiều lần tôi ngồi bên cửa sổ nhìn mông lung xuống đường lắm khi đầu óc mơ tưởng sẽ bỗng nhiên thấy một bóng dáng quen thuộc từ cuối ngõ đi ra. Thủy đó, tôi sẽ đẩy cánh cửa sổ kính sang một bên, reo lên mừng rỡ gọi xuống bảo Thủy chờ rồi tôi tung cửa chạy xuống đường. Tôi sẽ đến gần xem Thủy đã thay đổi đến đâu sau bao biến cố xảy đến trong đời. Tôi sẽ hy vọng thấy Thủy bật khóc nói chồng em đã chết, em bây giờ cô đơn lắm, để tôi ôm lấy nàng để nàng tựa đầu lên ngực tôi và để tôi vuốt ve mái tóc thường buộc đuôi ngựa phía sau ngày nào.

Bùi Ngọc Khôi
California

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Năm 20211:47 SA(Xem: 11537)
Nguyễn Vinh. Con trai lớn của Ông Nguyên Vĩnh và bà Trần Thị Dung. Bà Dung đưa con gái út là Vân đi học bằng xe đạp điện. Một chiếc mô tô 125 phân khối tông một phát. Vậy là, cả mẹ cả con ra người thiên cổ. Kẻ gây án vù một hơi mất dạng. Đoạn đường nơi xẩy ra tai nạn không có camera hành trình nên bó tay cái vụ truy thủ phạm. Nhưng...
22 Tháng Tư 202112:08 SA(Xem: 13214)
"Chiến thích được vuốt ve, âu yếm. Tôi cũng thích được vuốt ve, âu yếm. Nhưng tôi không thích làm cái chuyện đó với chàng. Chiến thích hôn môi, nhưng tôi cố tránh, vì không thích mùi thuốc lá quá nặng. Răng của thằng chả cũng không được đẹp, đôi lúc dính thịt gà, thịt vịt… thật khủng khiếp. Cho nên tôi luôn xoay mặt tránh chỗ khác. Chàng có hơi bực với thái độ hờ hững này…" (Nguyễn Thạch Giang)
21 Tháng Tư 202110:34 CH(Xem: 12365)
Sáng ngày 22, toàn bộ các lãnh đạo, y bác sỹ, y tá, hộ lý , kể cả nhân viên xét nghiệm, điều dưỡng v.v… đều được huy động xuống phòng họp của bệnh viện phụ sản, theo lệnh Ban giám đốc, chỉ trừ ê-kíp trực đang chờ các cuộc lâm bồn mới. “Đề nghị báo cáo số trẻ sinh ngày 22 đến giờ này và tôi cần một vài bé sinh đúng 0h00 giờ”, ông Giám đốc bệnh viện phụ sản nói. / “Dạ, báo cáo đồng chí, rất tiếc là tới giờ, không hiểu sao vẫn chỉ có một trẻ thôi, không có nhiều hơn, và không có trẻ nào sinh vào giờ đồng chí cần ạ,” bà Phó Giám đốc nói. “Thế à, khỉ thật! Đúng lúc mình cần thì các bà không đẻ cho. Bình thường thì đẻ như gà!”, Giám đốc bực và có vẻ hơi lo. / Đâu đó có tiếng cười khúc khích, hình như trong đám cán bộ, y tá, điều dưỡng trẻ.
14 Tháng Tư 20216:58 CH(Xem: 12228)
Từ trung tâm Luân Đôn, hãng tuyển dụng do tòa báo X thuê gọi cho một nhà báo là tài năng của hãng BBS (Bờ bờ Sông) có trụ sở quốc gia đặt tại xứ Tô Cách Lan: “Này, bọn keo đó trả cô cậu bao nhiêu một năm?” “Dạ ngần này ạ”, tài năng đáp. “Cái gì? Thật chó chết! À, chỉ định nói là chết tiệt thôi, gấp rưỡi nhé?”, nhà tư vấn tuyển dụng bảo. “Ôi tuyệt vời ạ! Em đang trên mặt Trăng ư?,” tài năng đáp, ngất ngây.
14 Tháng Tư 20216:52 CH(Xem: 11552)
Ngày tôi theo chồng đến thành phố này sinh sống, vì thường nhớ nhà nên tôi cũng thường khóc bởi cảnh vật nơi đây quá im lìm và hoang vắng đúng như cái tên Buồn Muôn Thuở mà người nào đó đã đặt. Tôi có nhiều bạn ở quê nhà nhưng ở thành phố này tôi chưa có bạn. Người bạn gái đầu tiên tôi quen là người Thượng còn rất trẻ tên là Sai Luông. Sai Luông một tuần một lần đem rau muống từ trong buôn làng của cô ra chợ Ban Mê Thuột bán. Sai Luông chỉ bán mỗi một thứ là rau muống thôi. Mỗi lần đi bán như vậy, Sai Luông gùi trên lưng hai mươi lăm bó, có đôi khi hơn được một vài bó. Tôi nghĩ, Sai Luông bán như vậy sẽ không được bao nhiêu tiền nên tôi thường mua ủng hộ mỗi lần ba bốn bó. Mua riết rồi Sai Luông và tôi quen nhau.
12 Tháng Tư 202111:48 CH(Xem: 11783)
Thầy tôi là anh trai tráng trong làng, học cuối đệ nhất cấp, lớp đệ tứ, tức lớp 9 bây giờ, thầy về làng dạy học. Ngôi trường- đình làng đó cách xa với khu dân cư, nó tọa lạc trong khu đất rộng. Ban ngày, khu đó náo nhiệt với lũ học trò chúng tôi, quậy lên đó không khí của sự sống, vô tư hồn nhiên. Nhưng khi bóng chiều buông xuống thì khu đình đó bước sang một thế giới khác, thế giới của loài dơi, của lũ chim ăn đêm và là thế giới của sự tưởng tượng, hoang tưởng phong phú của con người.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 13122)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 12866)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
31 Tháng Giêng 202112:30 SA(Xem: 13395)
Hắn ở một tỉnh xa, mới chuyển về thủ đô chưa lâu. Do công việc. Nhưng cũng đã kịp hòa nhập ngay với vài nếp sống kinh kỳ. Người kinh kỳ thanh lịch, tết đến không chỉ là ăn, mà chủ yếu là chơi tết. Tết đến xuân về là phải đi chợ hoa. Ngắm và mua một vài thức gì đó mang về bày ngắm chơi, nghênh xuân.
23 Tháng Mười Hai 202012:01 SA(Xem: 12500)
Một vụ án mạng cực kỳ nghiêm trọng xảy ra hồi tối hôm qua ở bưu điện y. Nạn nhân là hai cô gái độ khoản 23 tuổi, là nhân viên bưu điện. Hai nạn nhân bị giết bởi một dụng cụ đặc biệt, hung thủ đã cao bay xa chạy. Cơ quan chức năng đang điều tra để làm rõ sự việc vụ án.