- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nói Chuyện Với Hoàng Chính

11 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 10133)

w-final3-hopluu92-154_0_112x300_1Nhà văn Hoàng Chính sinh ngày 14 tháng 5, năm 1954 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp y khoa Sài Gòn năm 1979. Định cư tại Canada từ năm 1983. Đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học trước cũng như sau 1975. Dù thành thạo cả hai thứ tiếng nhưng tác giả nói: "Rằng mai này nếu như Việt Nam dùng tiếng Anh làm quốc ngữ (sắp rồi đấy) tôi vẫn viết tiếng Việt như thường. Viết để đọc, một mình." Với lối hành văn giản dị, đề tài trẻ trung và tràn ngập cảm xúc, Hoàng Chính chinh phục độc giả bằng lối dùng ngôn từ gần gũi trong những câu chuyện của anh. Hợp Lưu xin mời quý độc giả cùng khám phá nội tâm của một nhà văn, thi sĩ, nồng nàn trong ý tưởng và năng động trong sáng tác.

Tác phẩm

· Nửa Đêm Nghe Mẹ Thở Dài (thơ, nxb Làng Văn 1991)

· Mùa Thu Cuối Cùng (tập truyện, nxb Làng Văn 1994)

· Tình Khúc (truyện dài, Văn Học)

· Lời Tỏ Tình Đã Cũ (tập truyện, nxh Văn Mới 2000)

· Mấy Sông Cũng Lội (truyện dài, nxb Văn Mới 1999)

· Viết Cho Mẹ Ở Quê Nhà (tập truyện, nxb Văn Mới 2005)

· Thư Tình Viết Muộn (truyện dài, nxbVăn sắp phát hành)

· Tình Ở Đài Bắc (tập truyện, sắp phát hành)

· Khi Loài Chim Thôi Hót (tập truyện, sắt phát hành)

· Một Đoạn Trong Thánh Kinh (tập truyện, nxb Nhân Ảnh sắp phát hành)

 

Lưu Diệu Vân: Trong vòng bảy chữ, Hoàng Chính nhà văn/nhà thơ là người như thế nào?

Hoàng Chính: "Vậy mà cứ tưởng rằng ta giỏi." (Trần tế Xương).

L.D.V.: Một câu thơ anh đã viết mà tôi rất thích "nỡ lòng nào tính tuổi kẻ làm thơ." Tuổi tác ảnh hưởng như thế nào đến công việc sáng tạo của người cầm bút?

H.C.: Viết đòi hỏi kinh nghiệm sống. Tuổi tác chưa hẳn đem lại kinh nghiệm (hãy cứ nhìn quanh ta). Sự nghiệp nào cũng có một đỉnh cao. Văn chương cũng thế. Thiên tài tới đỉnh cao ngay những trang viết đầu. Điều quan trọng là có nhận ra được không rằng mình đang ở đoạn đường đi xuống.

Nói gì thì nói, tôi vẫn tin rằng khi viết những điều nghiêm trang, những thứ cần chứng nghiệm của cuộc sống thì kinh nghiệm (tích lũy qua trường học, trường đời; thâu lượm qua tuổi tác) là thứ không thể thiếu.

L.D.V.: Một số không ít tác giả của chúng ta khởi nghiệp văn chương bằng thi ca nhưng sau đó lại sáng tác nhiều bằng văn xuôi. Tác phẩm đầu tay của anh là thi phẩm và chín tác phẩm sau này (đa số đã xuất bản, một số đang in) đều là truyện ngắn và tiểu thuyết. Duyên nợ thi ca của Hoàng Chính đã sắp trả xong?

H.C.: Cuốn sách đầu tiên: "Nửa đêm nghe mẹ thở dài" là tổng hợp những bài văn vần tôi viết thời còn đi học. Sau này, tài năng cọc còi mà đời sống lại có quá nhiều điều phải nói ra, tôi đành níu lấy hình thức đơn giản nhất: văn xuôi.

Nhìn thế giới văn học (chợ búa) quanh mình, tôi dần mất niềm tin vào văn chương. Và tôi tin rằng mình chẳng có duyên nợ với thứ nào (hoặc với ai).

L.D.V.: Hoàng Chính viết để níu kéo quá khứ, định hướng hiện tại, hay sắp đặt tương lai?

H.C.: Văn phạm thời gian của tôi chỉ có hai thì: quá khứ và hiện tại. Đôi khi hai thứ ấy trộn lẫn vào nhau. Trải quá khứ ra trước mặt như bức tranh, tôi vẽ thêm những gì mình mơ ước và xóa đi những phiến mầu vô vọng. Tương lai là gì nếu chút nữa đây tôi lăn ra chết.

L.D.V.: Hoàng Chính viết cho những ai?

H.C.: "Nhưng hắn biết chắc những người đã đặt bút xuống viết bất cứ một điều gì chân thật, bao giờ cũng là viết cho một người nào đó. Như Nguyễn Tất Nhiên đã gửi vào Khám Lớn cho hắn câu thơ bùa phép; như Thôi Hộ ngàn năm trước đã gửi qua không gian và thời gian biền biệt đến cho hắn và ông già Tầu, một dung nhan mặn mà người con gái có đôi má hoa đào.

Và hắn tin, nếu mình viết với cả tấm lòng thì hôm nay, ngày mai, hay cả ngàn năm sau nữa, thế nào cũng có ít là một người ở đâu đó, nói một ngôn ngữ nào đó, đón nhận với cả tấm lòng.

Và hắn viết, là viết cho những cõi người xa xôi ấy." (Trích "Gửi riêng chốn nào")

L.D.V.: Bí quyết tích tụ và phát huy năng lượng sáng tạo của Hoàng Chính

H.C.: Biết chờ đợi, biết lắng nghe và biết lặng im (cho tới hôm nay).

L.D.V.: Hình như đa số các nhà văn của chúng ta chỉ thích nói về nỗi đau, còn hạnh phúc thì sao? Không lẽ sáng tạo luôn phải đi chung với căn bệnh trầm uất?

H.C.: Nỗi buồn dễ được thông cảm hơn niềm vui. Tôi thường đi qua nỗi buồn để nhắc mình quý trọng niềm vui. Vậy thôi. Chọn thảm kịch để gợi chút từ tâm ít nhiều nói lên khả năng hạn hẹp của người sáng tạo. Ý kiến rất riêng. Cũng có thể còn quá nhiều điều u ám, buồn thảm và bất công cần được nói ra. Nhà văn nỡ lòng nào nhảy múa rộn ràng trong đám tang. Nhưng hãy cảnh giác với những nỗi buồn ngụy tạo.

L.D.V.: Ai có thể lấp đầy được khoảng trống của nhà văn nói chung và của nhà văn Hoàng Chính nói riêng?

H.C.: Nhà văn nói chung: tôi không biết. Riêng tôi: không một ai.

L.D.V.: Nên đọc Hoàng Chính bằng một tấm lòng ra sao và trong một bối cảnh như thế nào?

H.C.: Thế hệ chúng tôi có không ít những người viết lạc loài. Cũng ăn ngủ với văn chương nhưng mãi mãi là những hồn ma không được đầu thai. Lúc bắt đầu làm quen với văn chương thì văn chương không còn đất đứng hoặc văn chương đã lết đi trên hai đầu gối. Xa quê hương, vui thì cười bằng tiếng nước người nhưng buồn thì vẫn khóc bằng tiếng nước mình; thế nhưng những hồn ma không biết bon chen nên những hồn ma vất vưởng.

Chúng tôi không hiện hữu với người đọc trong nước, chúng tôi không lưu lại dấu vết gì trong trí nhớ người đọc bên ngoài, bởi ký ức của đám đông chập chùng thù tạc đã không còn chỗ cho những điều không vui.

Sống trong khung cảnh ấy nên tôi và những người viết lạc loài thế hệ chúng tôi cần lắm một tấm lòng (dẫu hẹp hòi) và sự công bằng vốn hiếm hoi.

L.D.V.: Yếu tố tình dục ngày càng dữ dội trong văn học Việt Nam hiện đại trong và ngoài nước, cảm nhận của anh như thế nào?

H.C.: Thấy (cũng) hay hay nhưng đa số thì tầm thường và nhàm chán (tại giàu ẩn ức mà nghèo kinh nghiệm chăng?)

L.D.V.: Nhận xét riêng của Hoàng Chính về những người viết trẻ trong nước hiện nay.

H.C.: Họ may mắn sống trên đất nước mình. Họ có 80 triệu người nói tiếng Việt trong nước và gần một triệu người còn nhớ tiếng Việt ở nước ngoài tìm đọc (cứ giả sử lạc quan như vậy). Họ sống trong dòng chảy (tôi ghét cụm từ này quá) của dân tộc; họ đối mặt hàng đêm với những bức xúc (tôi cũng ghét hai chữ quá bị lạm dụng này). Cả báo trong nước lẫn báo hải ngoại nhắc đến họ và đăng truyện của họ (có báo nào trong nước dám nhắc đến tên hoặc đăng bài của những người viết ở ngoài nước?) Họ có tuổi trẻ (và lắm khi - nhan sắc - dẫu nhan sắc chẳng ăn nhằm gì đến văn chương). Tóm lại, họ có tài năng và có điều kiện phổ biến những gì họ viết. Tôi khao khát trước khi nằm xuống, được thấy một người Việt Nam (trong số họ) đọc diễn văn nhận giải Nobel văn chương trước Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Tôi mong họ đứng ngoài tầm ảnh hưởng bùa mê của đám phù thủy lúc nào cũng hân hoan dùng cây đũa thần phê bình văn học xây bàn thờ cho họ (quá sớm); ru họ ngủ quên trên những đài vinh quang ngắn hạn; hoặc khắt khe vùi dập họ chỉ vì những thứ hẹp hòi nhỏ nhen không dính líu gì đến văn chương

Tôi mong họ đi thật xa, vươn thật cao. Tôi cầu chúc họ làm được những gì đám người viết trước họ đã không làm được.

L.D.V.: Nhà thơ Khế Iêm cho rằng,"nền văn học [hiện nay] đã hết sinh khí của nó và đang đi vào thời suy tàn" Riêng anh nghĩ sao? Chúng ta phải làm gì để "hồi sinh" nó?

H.C.: Nền văn học nào cũng vậy (cách mạng hay tư sản, trong hay ngoài nước, già hay trẻ, cổ điển hay hậu hiện đại), sẽ suy tàn khi triều đình của nó có quá nhiều (hay còn lại toàn) quan ngự sử văn học, đầy rẫy bọn điếu đóm, rộn ràng những lễ phong thánh cho lũ ma trơi.

Để hồi sinh nền văn học suy tàn ư: phải xử trảm đám ngự sử văn học - Trời ơi, sao mà nhiều! - (cả bọn có ấn vua ban lẫn đám tự phong), phải hạ ngục đám bầy tôi dua nịnh. Và thôi cúng cô hồn cho lũ ma trơi.

L.D.V.: Xin anh giới thiệu đôi lời về tác phẩm mới nhất sắp được nhà xuất bản Văn phát hành. Chúng ta sẽ gặp gỡ lại một Hoàng Chính thuần túy hay một Hoàng Chính phá cách? Sẽ có sự thay đổi nào trong văn phong không thưa anh?

H.C.: Tôi cứ nghĩ thôi thì phải in cho xong bốn tập bản thảo đã lên nước trước khi ra khỏi sân chơi (tôi cũng ghét hai chữ bị dùng quá nhiều này) chữ nghĩa. Đó là các tập truyện "Một Đoạn Trong Thánh Kinh" vừa mới in xong, tập "Khi Loài Chim thôi Hót" (nghe nhà xuất bản nói) đang in. "Tình Ở Đài Bắc" hy vọng in xong đầu năm 2007. Còn lại là cuốn truyện vừa tôi viết trong những giờ ngồi chờ dài người ở hành lang tòa án, cuốn sách mỏng tôi cưng chiều như đứa con út: "Thư Tình Viết Muộn". Nếu mọi chuyện suông sẻ (và Bắc Hàn đừng bắn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử qua nam California), tạp chí Văn sẽ ấn hành nay mai.

Đời sống còn quá nhiều điều phải nói ra. Tôi thà hy sinh cách nói cho cái điều được nói. Văn vẻ mà làm gì, phá cách mà làm gì khi không nói nên được điều cần nói. Đứa trẻ tình cờ nói được câu ngộ nghĩnh, chúng ta vỗ tay reo mừng. Những trang viết phá cách nhiều khi cũng chẳng hơn gì câu nói bi bô của đứa bé: hay đấy, lạ đấy, mới đấy, nhưng chẳng chuyên chở một điều gì.

"Thư Tình Viết Muộn" là cố gắng mô tả tình yêu trong một góc khuất của đời sống.

L.D.V.: Một nguyện vọng anh muốn gởi gấm đặc biệt qua tác phẩm này.

H.C.: Tôi cũng muốn biết lắm, cái điều mình gửi gấm trong cuốn truyện vừa ấy. Có điều những gì mình không gửi gấm lại hay được người đọc tìm ra. Điều thích thú lớn nhất khi tác phẩm đã ra khỏi tầm tay mình là được nghe những dẫn giải về những điều mình không hề nghĩ tới khi đặt bút viết lên nó.

L.D.V.: Xin cám ơn anh Hoàng Chính đã cho HL cuộc phỏng vấn hôm nay!

H.C.: Tất cả những tác giả tôi ưa chuộng (và không ưa chuộng) đều trở nên khó ưa sau khi họ được cơ hội nói nên ý nghĩ (nghiêng trời lệch đất) của mình trong các bài phỏng vấn. Tôi không là ngoại lệ. Dường như tôi đang gay gắt bốc ra cái mùi ngự sử.

Cám ơn Lưu Diệu Vân và Hợp Lưu đã cho tôi cơ hội trở nên khó ưa, nhàm chán và tầm thường.

Lưu Diệu Vân
thực hiện

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10384)
(Xem: 10141)
(Xem: 9656)
(Xem: 10086)
(Xem: 10555)
(Xem: 9584)
(Xem: 10381)
(Xem: 11081)