- Thư Tòa Soạn 91
- Tạ Chí Đại Trường: Tù Binh Chàm, Lực Lượng Sản Xuất Riêng Biệt Của Lí
- Nhớ Mẹ
- Tình Thế Những Người Viết Trẻ Hôm Nay
- Nói Chuyện Với Ly Hoàng Ly
- Ly Hoàng Ly Và Bóng Đêm
- Nói Chuyện Với Đỗ Hoàng Diệu
- Đỗ Hoàng Diệu Trong Không Gian Cổ Tích Huyền Ảo
- Theo Tôi Đi
- Người, Việc, Và "quán Tính..."
- Đại Hội X (2006) Đảng Cộng Sản Việt Nam:một Đại Hội Tiền Chế (phần 1)
- Đại Hội X (2006) Đảng Cộng Sản Việt Nam:một Đại Hội Tiền Chế (phần 2)
- Thơ Rumi
- Đêm
- Người Đi Xin Nước Mắt
- Tìm Anh
- Gương Thần
- Em Hỏi
- Trời Thu
- Đối Thoại Cùng Người-đàn-ông-có-trái-tim-bên-phải
- Không Có Cửa
- Luân Hoán: Ở Quán Cà Phê Factory
- Người Vác Chõng Tre
- Thế Dũng Phỏng Vấn Viên Linh: Văn Chương Tôi Không Phục Vụ Niềm Vui
- Qua Thời Gian
- Cuộc Tháo Thân Khỏi Địa Ngục
- Tiểu Thi
- Chân Dung Bội Bạc Vỗ Rền Bờ Vai
- Tấm Bản Thứ Hai
- Một Ngày Như Vậy
- Duyên Phận
- Đọc "xóm Đạo" Của Nguyễn Ngọc Ngạn
- Văn Hữu Và Bạn Đọc H L 91
- Mạn Đàm Văn Học H L 91
- Giới Thiệu Sách H L 91: Hoàng Mai Đạt Phụ Trách
- Thể Thơ "thất Ngôn Xen Lục Ngôn": Sự Sáng Tạo Thể Loại Đầu Tiên Trong Lịch Sử Văn Học Việt Nam
Ẩn dưới cái tên ngây thơ Lô Lô là tập thơ dầy đặc bóng đêm của người con gái gốc Bắc Ninh sinh năm 1975 tại Hà Nội. Cha làm thơ. Mẹ tảo tần nuôi con những ngày người cha lâm nạn chữ. Bắc Ninh và đêm cũng là địa chỉ Hoàng Cầm thời Về Kinh Bắc, nhưng khi ấy Lô Lô chưa ra đời, nên Lô Lô nào biết Hoàng Cầm là ai, nào biết người cha vì “liên hệ” với Kinh Bắc mà đã đánh mất mùi mình (1) trong sàn đá, để suốt đời mang mặc cảm thạch sùng (2).
Những điều trên đây dường như không liên hệ, không còn liên hệ gì đến lớp trẻ sinh sau 75, đặc biệt những người con gái vô tư cười như mùa thu tỏa nắng (3). Vậy mà có. Lại có rất nhiều. Những sợi dây, những vết trói, những oan nghiệt, những sự tình trong quá khứ, thế hệ sau không tham dự, không biết: Lô Lô sinh ra chiến tranh đã hết, Lô Lô được nuôi bằng sữa hoà bình. Vậy mà chất độc da cam của bạo lực và áp bức vẫn chi phối hầu như toàn bộ vô thức sáng tạo của Ly Hoàng Ly. Chúng trộn vào đêm, vào những đêm trắng, đêm xuyên ngày của Ly, chúng len lỏi trong những bức chân dung phụ nữ bị trói gô, bị kẹp, cắt, qua những bức sắp đặt (installation), trong tranh trừu tượng, trong nghệ thuật trình diễn (performance) của Ly Hoàng Ly.
Hình và thơ đi đôi trong tập Lô Lô: một thế giới trống mở ra biển vắng.
Trang 21, bức sắp đặt với những khung cửa lệch lạc, cánh bung tan, chôn xuống cát, như có bàn tay vô hình đã phá tung cửa. Để làm gì? Đi đâu? Ra biển chăng? Chắc thế. Bởi chỉ có biển, chỉ còn biển trước mặt. Và con người phải ra biển, con người đành ra biển, con người bèn ra biển, con người bị chìm xuống biển, mất hút: mọi sự đoán, đọc, hiểu, đều khả thể trước bức hình này: một trong những bức sắp đặt đầu tiên của Ly Hoàng Ly.
Trang 55: một người ngồi xổm trên thánh giá, băng bó cùng mình, bao nhiêu kẹp phơi quần áo găm khắp châu thân, nàng là một:
người phụ nữ tự trói mình.
Trong tư thế trói gô
Người phụ nữ không tìm thấy xác mình
Chỉ thấy rêu xanh lét chân tường
Chỉ thấy đêm đầm đìa nước mắt...
(Performance photo)
Đó là thế giới của Ly Hoàng Ly: một thế giới phụ nữ tự trói. Con người băng bó. Toàn thể đã bị thiêu rụi từ bên trong. Một thế giới phỏng rộp ở cấp độ nặng nhất. Vài vật dụng tầm thường: một cuốn băng, mấy chiếc kẹp gỗ phơi áo đủ cho Ly tạo ra vũ trụ kinh hoàng: vữa nát thân thể, kìm kẹp tâm hồn.
Người con gái Kinh Bắc có cái nhìn xa, suốt:
Trang 16: Ly ngồi trên ghế, bốn phía vây quanh là dây, dây chăng kín, dây thòng lọng từ trên xuống như chiếc võng dọc, dây bao bọc bốn bề, gợi lại những câu thơ Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc:
thòng lọng tơ gì cuốn gót..
không trói mà không đi...
kià dây muống dại kín em rồi...
Nhưng đâu đã chắc Hoàng Ly nghĩ về Hoàng Cầm hay chỉ là sự tương hợp. Hay đây là những sợi dây có sẵn từ khi Ly chào đời, những sợi dây cuốn tròn hiện tại, những sợi dây bao bọc không gian, sống không còn ngày, ngày đã bị chăng màn, ngày bị dây chằng tứ phiá, ngày đã thôi sáng, ngày đã thành đêm. Đêm Ly.
Lô Lô là những khúc đêm như thế, bắt đầu bằng đêm thứ nhất, mở ra trên bức sắp đặt tuyệt đẹp.
Trang 6: mang tên Khúc đêm. Khúc đêm là một vùng tranh tối tranh sáng, có bức tường ngăn cách không gian bên trong với ánh mặt trời bên ngoài: một bức tường mâm. Những chiếc mâm móc liền với nhau bằng dây xích, có nhiệm vụ thanh lọc và phản hồi ánh sáng, chỉ để lọt một tí vào bên trong. Trên bức tường mâm, lác đác mấy thân thể phụ nữ bị đóng đinh, bị ghim, bị trói, hình như họ đang tập “nhảy vọt”: những thân đàn bà treo lơ lửng như ta treo tranh trong phòng triển lãm. Khúc đêm mời bạn bước vào Đêm của Ly, vùng tranh tối tranh sáng của nghệ thuật và cũng là vùng của những phụ nữ bị treo, bị cắt, bị kẹp, bị kết án “im không nói”, trong một không gian sống rất ít ánh sáng, mọi người ở đây đã chấp nhận im im không nói đi trên phố đông. Im im không nói đi trên phố ồn.
Vùng đêm của Ly Hoàng Ly mang nhiều chất trí tuệ, đầy khủng hoảng, Ly cho trừu tượng trôi vào cụ thể, để cụ thể chuyển sang trừu tượng nhẹ nhàng như cái vẫy tay, như hơi thở nhẹ, như giọt nước mắt:
Kià đêm chảy
Chảy lên trời
Buốt óc tôi
Kià đêm chảy
Chảy lên trời
Máu tuột khỏi tim
(trích Đêm chảy lên trời).
Trong những hình thức khủng hoảng như khủng hoảng chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng chính trị, đáng ngại nhất là khủng hoảng tinh thần. Đêm chảy lên trời, máu tuột khỏi tim là những khủng hoảng đặc dị tâm thần, khiến người đọc giật mình, không hiểu tại sao người con gái có nụ cười “toả nắng” như Ly, lại viết những câu thơ đớn đau, buốt xót đến vậy.
Đêm đem em vào đen
Đen đem em vào đêm
Đêm đem đen vào em
Em đem đêm vào đen”
(trích Ngoặc đơn trong đêm).
Vẫn đêm trong bốn câu thơ viết theo nhịp độc âm này, với ba đồng âm: êm, em và en Ly tạo nhịp, tạo dịu dàng âu yếm, tạo vùng tối đặc của các sinh thể đen. Lô Lô mang không khí đêm đen giữa ban ngày, là những cơn ác mộng thường trực của con người bị kết án chung thân sống trong đêm, những con người “muốn đập đêm vỡ tan”; nhưng đêm như ung thư, đêm như bạch tuộc đã chạy cùng khắp cơ thể, và người con gái ấy:
“Soi vào gương
Bất lực và khóc
Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng”
(Mở nút đêm).
Nàng không chặn nổi đêm, bởi đêm đã len vào khắp các ngõ ngách sống, vào toàn bộ mạch máu của thân thể, buốt rát, xót xa:
“Đêm đã nhuốm màu lên làn da em
Lên đôi mắt vòng vòng một quầng đêm
Đêm đã nhuốm màu lên đôi bàn tay em
Để em không thể nhìn thấy anh
Bằng xúc giác
Đêm đã nhuốm màu lên chiếc lưỡi của em
Để em không thể nhìn thấy anh
Bằng vị giác
Đêm đã tràn vào từng sợi thủy tinh của chiếc đền vàng
Và khe khẽ hát
Để em không thể nhìn thấy anh
Bằng thính giác”
(Đêm và anh)
Đêm của Ly choán dần không gian, độc chiếm bàu trời, đêm là chất lỏng, đêm đặc thịt da. Nhưng trong những vùng đêm, vùng đen ấy, người con gái vẫn tìm cách thở, nàng thấy dưỡng khí trong một vùng mộng tuyệt vời:
Vườn co vào lá
Hoa ôm đêm đến rũ xác
Em đi nhặt xác hoa
Bước vào vùng trăng
Toàn thân lấp lánh dịu dàng
Cả một ước mơ gửi vào vườn đêm
Cây hoàng lan chìa cánh mềm
Buốt ánh mắt em
Hương hoàng lan xanh óng dưới trăng
Buốt hơi thở em
Vườn co vào lá
Đợi đêm lên tới ngọn
Lên tới ngọn của đêm
Lấy xác hoa
Xoa vào trăng
Trên ngọn đêm.
(Đêm trong vườn)
Đêm trong vườn mang dư âm một bản nhạc Dương Thiệu Tước: “Vườn khuya trăng chiếu hoa đứng im...”, nhưng không chắc gì Hoàng Ly đã chịu ảnh hưởng nhạc Thiệu Tước và thơ Hoàng Cầm; bởi thế hệ Ly không còn nghe nhạc Dương và không chắc có đọc thơ Hoàng. Bài thơ của Ly có những chìa khoá khác, mở vào những thầm kín khác, nằm ở hai chữ co và buốt.
Vườn co vào lá.
Buốt hơi thở em.
Buốt ánh mắt em.
Vườn co vào lá là một thực tại ảo, chỉ có trong tâm thức nhà thơ, nhưng tại sao: vườn lại co vào? co vì sợ, co vì lạnh? mà co vào đâu? co vào lá, tức là co vào chính các tế bào sống của mình. Vườn co vào lá, tựa như Ly co vào máu của Ly, như Ly co và tim Ly, như Ly co vào hơi thở Ly, một sự co vào rất tế nhị, rất nhục cảm, rất thể xác, rất đớn đau, rất hãi hùng, mà nhẹ như không.
Rồi lại không biết có phải cảm giác co ấy dẫn đến cảm giác buốt hay là vì buốt hơi thở em, buốt ánh mắt em mà em co lại? Vẫn rất sensuel, vẫn đầy nhục cảm, lần này bởi những chữ hơi thở và ánh mắt. Thường thì hơi thở và ánh mắt là những nơi phát tiết nhục cảm, là chủ thể của nhục cảm, nhưng ở đây chúng bị chữ buốt chi phối, tức là chúng bị truất quyền làm chủ, và khi một thực thể bị truất quyền như thế bao giờ cũng gây thương tích, gây tác dụng mạnh, làm cho một chữ buốt trở thành trăm nghìn lần buốt. Cho nên trong buốt hơi thở em, buốt ánh mắt em, “hơi thở” và “ánh mắt” đã đưa độ buốt của thân thể lên đến mức hãi hùng, làm cho thân thể phải co lại, co vào lục phủ ngũ tạng của chính mình.
Sau này, người ta có thể quên những bài thơ khác của Ly, nhưng những câu thơ hay như thế sẽ tồn tại. Một đời thơ thường rồi sẽ chỉ giữ lại được vài câu thơ hay, vì thế thơ hay không cần nhiều.
Một bài khác, bài Cắt, trong bài này, Ly mới chỉ thành công một nửa, bởi ý thì rất hay, nhưng chữ chưa thuần thục:
Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ
Rồi khâu đêm lại bằng tóc
Tóc thưa dần thưa dần
Những đường rãnh trắng hếu đưa ta đi hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi đầu trọc
Cắt ta ra từng mảnh nhỏ
Rồi khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi trắng hếu đêm.
Nhược điểm của bài thơ cũng là nhược điểm chung của một số nhà thơ muốn làm cho thơ rõ nghiã. Không cần. Những liên từ như rồi, ra, cho, đến, trừ trường hợp đặc biệt, không cần thiết cho thơ. Chúng rườm. Chúng làm cho thơ bị ràng buộc. Bị rõ. Bị lộ. Mà thơ càng kín đáo, càng đạt sự độc lập lớn, càng hay: Lê Đạt có kinh nghiệm sâu xa về điều này. Thơ Đường muôn thủa là một trong những đỉnh cao của thi ca nhân loại, bởi mỗi chữ trong thơ Đường đã đạt tới độ độc lập gần như tuyệt đối. Khi dịch thơ Đường sang tiếng Việt, người ta thường thêm giới từ, liên từ, để làm thành một câu thơ dễ hiểu, biến câu thơ mông lung nhiều nghiã trở thành câu thơ giản đơn một nghĩa. Biến cái đa nghiã thành độc ý.
Trở lại với bài Cắt của Ly, hai câu đầu: Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ/ Rồi khâu đêm lại bằng tóc. Thử bớt đi những chữ: ra, nhỏ, rồi, lại, câu thơ sẽ bớt rườm hơn và đa nghiã hơn: Cắt đêm từng mảnh/ Khâu đêm bằng tóc.
Ý tưởng “cắt đêm từng mảnh”, lấy từng sợi tóc khâu đêm cho đến trọc đầu trong bài thơ là những ý táo bạo, độc đáo về sự hoảng loạn đến độ điên dại của con người. Kawabata kể chuyện một ông già, tóc bắt đầu bạc, có sợi nào bạc nhú ra là ông nhổ tiệt, nhổ đến trọc đầu. Tóc mới mọc bèn chịu thua: đổi trắng thành đen, nhưng đã muộn quá, người ta đã đưa ông cụ vào viện tâm thần.
Tình thế “trốn già” của ông lão thật xúc động. Nhưng ở một nhà thơ trẻ như Ly Hoàng Ly, sự cắt đêm và lấy tóc vá đêm lại cho đến trọc đầu, có cái gì bi đát hơn, bởi nó quá mới, quá trẻ, bởi nó không từ tuổi tác, mà từ những nhận thức đớn đau về hiện thực xung quanh, về những khủng hoảng chồng chất đã qua, của một Hoàng Cầm hoảng loạn, của một Hoàng Hưng mất ngủ, của một ai kia không biết... Chính cái kinh nghiệm buốt xót về sự khủng hoảng tâm thần của người lớn đã lây sang tuổi thơ, dồn ép trong tâm thức cô bé Kinh Bắc, trốn vào tiềm thức, lớn dần thành thơ, chín dần trong ba mươi năm cho đến khi Lô Lô ra đời.
Người đàn bà và căn nhà cổ, là bài thơ viết theo nhịp hiện thực huyền ảo, cũng là tự truyện của một bé gái từ lúc còn là bào thai nằm trong bụng mẹ: người mẹ quyết vượt đêm, quyết sống còn trên những gián giun, vi khuẩn, để con mình được chào đời, mong nó sẽ rửa sạch không gian bụi bặm, nhiễm trùng đã tiêu diệt mình.
Người đàn bà mặc áo dài trắng ngồi bắt chéo chân
Trên chiếc ghế bọc nhung lành lặn duy nhất (...)
Tường ố mưa đêm bao năm
Màu vàng lên rêu mốc
Mưa điên cuồng bên ngoài
Đòi trút vào nhà cổ những u uất
Người đàn bà mặc áo dài trắng ngồi bắt chéo chân
Buồn thảm và kiên định
Những con vi khuẩn bám trên từng hạt bụi
Nghe ngóng sự sinh sôi ẩm mốc
Dưới gầm chiếc phản lên nước như gưong soi
Là đêm của thế kỷ trước
Dưới gầm chiếc phản lên nước như gương soi
Lũ gián khua râu hà hít.
Người đàn bà mặc áo dài trắng ngồi bắt chéo chân
Giữ đứa con trong bụng tư thế ung dung và thách thức
Những con gián túa ra từ gầm phản
Bắt đầu gặm nhấm chiếc ghế lành lặn
Người đàn bà mặc áo dài trắng ngồi bắt chéo chân
Hút cạn mắt một đêm
Từ từ rã xác
Hút cạn mắt nghìn mưa
Nhà cổ ngập tiếng khóc
Oe Oe Oe
Nhà cổ rùng mình thức giấc
Lũ gián bò toán loạn trên chiếc áo dài rũ trắng sàn gạch
Đứa bé gái mặc áo dài trắng nhẹ nhàng tụt xuống từ chiếc ghế bọc nhung duy nhất lành lặn
Mắt tròn trong vắt
Đi một vòng ngơ ngác
Sờ tay lên lò sưởi và cửa sổ và tường và mọi thứ ẩm mốc
Thấy tay đầy vi khuẩn
Bàn tay màu xám ngắt
Vặn núm cửa bước ra đêm mưa bão bùng
Cánh cửa dày đặc văn tự cổ sập lại sau lưng
Khi ấy đêm vụt tắt
Những hạt nắng như mưa rơi rơi không dứt
Rửa sạch bàn tay bụi bặm.
(Người đàn bà và căn nhà cổ)
Bài thơ có cấu trúc đoản, mỗi khúc nối nhau bằng hình người đàn bà mặc áo dài trắng ngồi bắt chéo chân trong ẩm mốc, căn nhà cổ có tự bao giờ? Nàng không nhúc nhích, nàng bị vây kín, bị tấn công, mọi mặt, quá khứ u uất, hiện tại vi khuẩn, nàng ngồi bắt chéo chân kiên trì chống trả trong yên lặng cho đến hơi thở cuối cùng. Nàng, người mẹ ấy đã nát thân, tan xác cho gián gậm, quyết bảo toàn đứa con trong bụng, đẩy bọn dán giun không đục khoét được bào thai. Nàng hy sinh cho con chào đời: một đứa bé gái. Người đàn bà hút cạn mắt một đêm từ từ rã xác, hút cạn mắt nghìn mưa, những hình ảnh ghê gớm, phả đến từ một thế giới khác để đối chất với một hình ảnh cực kỳ trong sáng “đứa bé gái mắt tròn trong vắt” của hôm nay.
Gia tài của mẹ để lại cho con, trong thơ Ly Hoàng Ly, không phải là một nước Việt buồn, như trong thơ Trịnh, mà còn đớn đau chua xót hơn: đó là cơn ác mộng triền miên, là bóng đêm dày đặc, là căn nhà cổ đầy vi khuẩn, là núi văn tự ẩm mốc, là không gian bão tố. Sáng trưa chiều tối là đêm.
Một mình, người con gái Kinh Bắc ấy, làm sao có thể biến đêm thành ngày?
Chú thích:
(1) và (2) thơ Hoàng Hưng
(3) thơ Hoàng Cầm
Thụy Khuê