- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Một Vì Sao Rụng: Thổ Dân Da-đỏ Thế Kỉ Xx Claude Lévi-strauss (1908-2009)

04 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 96777)

blankClaude Lévi-Strauss, từ trần hôm nay thứ ba 03/11/2009, hưởng thọ 101 tuổi, là cây đại thụ đã thủ một vai trò quan trọng và rộng lớn trong nền văn học Pháp và thế giới hơn nửa thế kỉ vừa qua, từ giữa thế kỉ XX cho đến đầu kỉ XXI này. Ứng dụng ý niệm cấu trúc trong công trình nghiên cứu các hiện tượng liên quan tới con người, ông gieo vào cấu trúc luận, phôi thai từ nửa sau thế kỉ XIX với những Ferdinand de Saussure (1857-1913 – ngôn ngữ học), Emile Durkheim (1858-1917 – xã hội học), tưởng chừng như nghịch lí, hột giống nhơn bản khiến nó trở thành một luận thuyết có ảnh hướng lớn trong hầu hết mọi hoạt động văn hoá. (1)

 

 Nói cách khác, với một tư duy và văn tài vượt trội, ông đã phát quang và cải cách đường lối suy tưởng đương đại, hệt như những Karl Marx (1818-1883 – kinh tế) và Sigmund Freud (1856-1939 – phân tâm) trước kia - mutatis mutandis, mỗi nhà trong lãnh vực đặc trưng của mình.

Không gian rộng lớn

 Thật vậy, Claude Lévi-Strauss xây dựng tư duy riêng biệt trên một vùng tri thức rộng lớn. Và đa dạng : triết học, lí luận học, dân tộc học, nhơn chủng học, văn học, hội họa - những địa hạt được ông khảo xét không đơn thuần qua con mắt của nhà bác học mà còn qua nhãn quan của một nhà hiền triết, của một văn gia và nghệ sĩ. Mọi địa hạt và phong cách đó qui tụ cùng nhau làm nền cho suy tưởng của ông, lần lượt theo thời gian nghiên cứu và năm tháng tác phẩm ra đời. Nhưng thảy đều hợp nhứt và tương ứng với nhau trong một sự thể gọi là cấu trúc chủ đạo.

 Từ lúc chào đời ngày 18/11/1908 cho tới ngày nhắm mắt sau khi 2.064 trang tác phẩm tuyển chọn in trong Tùng thư La Pléiade (Tao đàn) của Nxb Gallimard năm 2008 đánh dấu sanh nhựt lần thứ 100 (2), ông thật sự đã trải nghiệm một hành trình không mấy thông thường suốt trọn cuộc đời. Khởi hành từ xưởng vẽ của người cha họa sĩ, ông lần hồi bước qua nhiều chặn đường đáng kể, hằn lại những dấu mốc cắm sâu trong quá trình suy luận của mình. Thạc sĩ triết học năm 1931 (3), sau hai năm gõ đầu trẻ ở Pháp, ông được đề cử vào Uỷ ban đại học Brazil, giảng dạy xã hội học Đại học Quốc gia São Paulo từ năm 1935 tới năm 1939. Cũng trong thời gian này, ông tổ chức và điều hành nhiều công trình đi vào vùng sâu vùng xa khảo sát các bộ lạc thiểu số da-đỏ (nay gọi là amérindiens, tộc người Mĩ-Ấn) ở miền cao nguyên Mato Grosso (phía Tây Brazil, nơi cư ngụ rất nhiều bộ lạc thổ dân) và ở miệt châu thổ sông Amazone (phía Bắc Brazil, khí hậu nhiệt đới, rừng hoang bạt ngàn, thổ dân rải rác).

 Trở về Paris khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Pháp bị Đức chiếm đóng cùng với chánh sách bài do thái, ông buộc phải lủi trốn sang New York. Rổi năm 1944, lại quay về nước sung vào lực lượng võ trang Kháng chiến. Chiến tranh chấm dứt, được gởi qua Hoa kì làm tham tán văn hóa cho Sứ quán Pháp ở Washington. Từ chức năm 1948 để hoàn tất luận án Tiến sĩ văn chương. Năm 1949, được bổ nhiệm làm phó giám đốc Musée de l’Homme (Bảo tàng nhơn chủng học), rồi sau đó giữ chức khoa trưởng École pratique des Hautes études (Trường Cao đẳng thực nghiệm). Được bầu năm 1959 vào Collège de France (Trường Quốc gia – là trường giảng dạy các môn chưa được ghi vào chương trình đại học, dành cho giới nghiên cứu) giảng dạy môn nhơn chủng học, năm 1973 vào Hản lâm viện Pháp. Trong thời gian này, không ngừng suy ngẫm về hội họa và văn chương. Năm 2007, trở thành quản thủ danh dự Musée du Quai-Branly (Bảo tàng văn hóa sơ khai). Đến nay, ông được hơn hai chục đại học danh tiếng trên thế giới phong bằng Tiến sĩ danh đự.

 Trên đây là các chặn đường chủ yếu đánh dấu hành trình nghiên cứu đương sự đã trải qua, cơ hội dành cho ông đặt nền móng cho khoa nhơn chủng học hiện đại.

Cấu trúc chủ đạo

 « Tôi vốn không ưa du hành và các nhà thám hiểm. » Đây là câu giáo đầu cuốn Tristes tropiques (Buồn thay miền nhiệt đới – 1955), cùng với các cuốn Structures élémentaires de la parenté (Cấu trúc cơ bản trong dòng họ - 1949) và La Pensée sauvage (Tư duy man rợ - 1962), là tác phẩm biểu đạt trọn vẹn nhứt suy tưởng của ông trong một sự nghiệp gồm hai mươi đầu sách cũng chẳng kém phần súc tích. Vậy mà ông chẳng ngại lôi kéo chúng ta dấn bước trên con đường hoang dã chưa được khai thông dày đặc chông gai, với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, lội rạch băng rừng thọc sâu vào vùng xa, tận các ngôi làng hẻo lánh của người thổ dân da-đỏ. Thám hiểm, khám phá, phát hiện, khảo sát các bộ lạc sống còn cho tới ngày nay sau hơn năm thế kỉ bị thôn tính, sát hại : Cuduveo, Bororo, Nambikwara. (4)

 Qua công trình khảo sát các bộ lạc này, ông lần hồi xa lánh cung cách nghiên cứu cố hữu của ngành dân tộc học bấy giờ vẫn ngụp mình trong tinh thần kẻ cả, thực dân - miệt thị và khinh rẻ tộc người thiểu số, coi họ là phường sauvages, man di mọi rợ. Là bởi, tìm hiểu đời sống xã hội của họ và, đồng thời, các thần thoại mà họ truyền tụng, ông phát hiện một sự kiện mấu chốt. Rằng các bộ lạc sans écriture, không có chữ viết ấy đều là những tổ chức phức tạp và hạp lí về mặt dàn dựng trí thức và văn hóa, chẳng thua kém gì các xã hội tự coi là văn minh. Ông nhận chân sự kiện đó khi phân tách cấu trúc cơ bản trong dòng họ thổ dân, như nhan đề tác phẩm vừa nhắc tới trên, và các thần thoại truyền tụng, như nhan đề bộ tứ Mythologies (Thần thoại – 1964, 1967, 1968, 1971) - nghĩa là qua các dữ kiện xã hội và truyền thuyết phổ biến trong bộ lạc.

 Bất luận tập thể nào, văn hóa nào của con người đều có những điều kiêng cử sơ khởi. Một trong các cấm kị ấy là l’inceste, hay loạn luân nội thích, quan hệ tình dục giữa những người họ hàng gần kề như cha với con, mẹ với con, anh chị em ruột thịt với nhau. Hệ thống trong dòng họ các bộ lạc cũng cấu trúc y chang như vậy : cấm kị tình dục nội thích này tự nó biến sự thể thiên nhiên gọi là consanguinité, hay huyết thống nội thích, thành một sự thể văn hóa, hệt như ở mọi xã hội khác, ‘’sơ khai’’ hay ‘’ văn minh’’. Rồi từ chỗ tiếp cận cấu trúc trong dòng họ của nền văn hóa hoang dã đó, Claude Lévi-Strauss bước qua địa hạt thần thoại truyền tụng trong bộ lạc, góp nhặt biết bao tư liệu trực tiếp từ các truyền thuyết này. Ở đây nữa cũng vậy, ông vạch ra các cấu trúc cơ bản ông gọi là mythèmes, hay huyền tố, những yếu tố chủ đạo giải thích ý nghĩa các thần thoại phổ biến trong bộ lạc. Chẳng hạn như khi ông phát hiện trong truyền thuyết ý nghĩa của thao tác nấu nướng, một sự kiện văn hóa tột bực. Bởi thao tác biến đồ ăn sống (le cru) thành đồ ăn chín (le cuit) để nó khỏi hư hỏng là một sự thể văn hóa, hệt như ở mọi xã hội khác - sống và chín, le cru et le cuit, vốn là phụ đề tác phẩm Mythologies tập I của ông. Và biết bao huyền tố khác nữa.

Trích đoạn

 * Đêm thật lạnh, mặt trăng ló dạng qua màn mây khi tỏ khi mờ. Nằm trên bao gạo thật đau lưng. Thức dậy cùng với mặt trời, 6 giớ sáng. Cà phê, rửa ráy qua loa. Các anh nuôi giăng lều bằng vải bạt. Nước thì phải ra tận nguồn rạch Tombador, xa chừng 1 kí lô mét. Tôi và Luis cùng nhau tập bắn súng lục, rồi đi đốn thốt nốt loại carirova. Trái thốt nốt loại này đắng ngắt tựa như ngậm kí ninh, cả khi đã nấu chín, chẳng cơm cháo gì được. Các anh nuôi trở về xách theo mấy thùng nước, nói dọc đường thấy có nhiều cây burity. Nghe lời tôi, họ quay lưng lại vác theo một cái rìu, rồi hai giờ sau trở về với một thứ vang, màu hồng nhưng rất trong, hương vị như được ngâm dưới hầm rượu, ngọt và pha lẫn chút mùi phênol. (Nhựt kí, ngày 10 tháng 06/1938)

 *Nhà ở của họ (của thổ dân da-đỏ) không được xây dựng một cách vững chắc, mà chỉ buộc chằng chịt, kết nối, thắt chặt, trơn sờn theo ngày tháng: thay vì đè họ dưới một khối đá nặng trịch vô cảm, nó thích ứng với họ mỗi khi họ ra vô, nằm ngồi trong nhà. (Cấu trúc cơ bản trong dòng họ)

 * Sự trần truồng của họ xem chừng được phên cót và lá cọ quây che bao bọc : mỗi lần bước ra khỏi nhà như thể là họ cởi bỏ lớp áo quần rộng thình dệt bằng lông đà điểu. (Buồn thay miền nhiệt đới)

 * Trái đất khai mào không có bóng con người, rồi cũng sẽ kết cuộc chẳng có bóng con người. Các định chế, phong tục, tập quán mà tôi đã mài công kiểm kê và tìm hiểu chỉ là một lớp phấn mỏng, phù du, phủ trên cuộc khai thiên lập địa, chẳng mang một ý nghĩa nào, trừ chỗ cho phép con người diễn tấu vai trò của mình trên quả địa cầu. (Buồn thay miền nhiệt đới)

 * Hồi tôi mới chào đời (1908), dân số đếm cả thảy là 1 tỉ rưỡi trên toàn thế giới. Khi tôi bắt đầu lập nghiệp, khoảng 1930, nó đà lên tới 2 tỉ. Rồi bây giờ (2005) thì là 6 tỉ và, theo dự kiến của các nhà dân số học, cứ theo đà này thì trong vài thập niên nữa nó sẽ vọt lên tới 9 tỉ. Nhưng họ lại bảo rằng đó là tột điểm, dân số rồi sẽ lần hồi sụt xuống, có người cho là sẽ rất mau lẹ, đến độ chừng vài ba thế kỉ nữa thì nhơn loại có thể suy tàn. Khiến cho tánh cách da dạng không những của nền văn hóa chung bị mai một mà luôn cả động vật và thực vật nữa cũng vậy. (Diễn từ nhận Giải Quốc tế Catalona)

 * Tuổi đời càng cao, càng có nhiều mảng quá khứ trồi lên trong trí nhớ, hay nói một cách khác, càng có nhiều khúc quành lần lượt bị khép kín. (Nghĩ gần nghĩ xa)

 * ...   

Cống hiến

 Nói tới khoa nhơn chủng hiện đại tức là nhắc tới nhơn chủng học cấu trúc và người đã ứng nghiệm phương pháp cấu trúc, phôi thai từ cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, trong ngành dân tộc học : Claude Lévi-Strauss. Người đã phát hiện trong những thủ tục lấy vợ lấy chồng xem chừng tùy tiện của các thổ dân da-đỏ tánh chất hạp lí luôn được cấu trúc một cách chặt chẽ và trong mớ tư duy gọi là man rợ xem chừng hổ lốn một đường lối suy luận phức tạp vừa mạch lạc vừa sáng tạo. Ngưởi đã minh xác rằng các tộc người thiểu số đâu phải là hiện thân giai đoạn sơ khai trong tiến trình phát triển của con người. Người đã chứng thực rằng trên quả địa cầu tuyệt nhiên không có một nền văn hóa nào trội hơn nền văn hóa nào và nhờ ở tánh chất đa văn hóa mà nhơn loại mới thật sự phong phú.

 Vượt qua khía cạnh dân tộc học và nhơn chủng học, cống hiến của Claude Lévi-Strauss nằm chính ở chỗ đó : buộc các xã hội ‘’văn minh‘’ quá ư hống hách cho tới nay phải dẹp bớt thái độ ngạo nghễ của mình mà suy luận, nhìn đời một cách khiêm nhường.

 

TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 03/11/2009)

----------------------------------

(1) Xem : Trần Thiện-Đạo, Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc (Nxb Văn học – 2001 ; Công ti Bách Việt liên kết với Nxb Trí thức – 2008. Phần II).

(2) Claude Lévi-Strauss, Oeuvres (Tác phẩm – Nxb Gallimard). Tao đàn là tùng thư in tác phẩm của những văn gia đã đuợc hậu thế nhìn nhận ; it có văn gia nào được vinh hạnh này lúc sanh thời, Claude Lévi-Strauss và, trước ông, Albert Camus (1913-1960), là hai trường hợp ngoại lệ chứng minh cho nguyên tắc đặt định vừa kể...

(3) Bằng cấp sư phạm ở Pháp, cho phép đương sự giảng dạy đại học. Khác hẳn cấp bằng cùng tên ở bên ta hiện nay, trình độ thấp hơn nhiều.

(4) Theo thống kê chánh thức thì từ năm 1503 tới năm 1660, không kể số lượng bị hải tặc cướp hay chìm sâu dưới đáy biển, có 185 tấn vàng và 16.000 tấn bạc của thổ dân da-đỏ bị chở về châu Âu làm của. Xem cùng tác giả: Nợ (Hợp lưu, số 96, tháng 9 & 10 / 2007, và Văn hóa Nghệ an, 129, ngày 25 tháng 7 năm 2008).

(5) Gần chúng ta, hơn 10 năm sau, Georges Condominas (sanh năm 1921 ở Hải phòng) cũng đã ‘’ ăn rừng đá thần Gôo‘’ (nhái theo nhan đề tác phẩm chủ yếu của ông) với người Mnông Gar ở làng Sar Luk, nay đổi tên thành làng Rchai, ở Tây nguyên, vào những năm 1948/1949. Hai năm ròng ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động) với tộc người thiểu số này để khảo sát, vạch ra bổn sắc của họ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 113302)
L ần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu. Thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh quê ở Nha Trang, sinh ở Hà Nội. Tốt nghiệp Cử Nhân Luật, khóa cuối cùng của Đại học Luật Khoa Sài Gòn, tháng 12-1974. Có nhiều thi phẩm đã xuất bản từ 1991 đến 2009 tại Việt Nam. Hiện sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu những bài thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh. TCHL
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 96306)
C ái Tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật của những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái Tôi trữ tình đau thương và khát vọng.
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 115583)
X a không chỉ từ thân xác Cái tổ nhỏ nhoi kết bằng ý nghĩ về nhau cũng quá đỗi xa xôi Dải sương mù cuối năm kéo ngôi đền lùi lại Nấp sau bao lí lẽ tỏ mờ
09 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95577)
K hi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Với một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.
28 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 93938)
Đ êm qua tôi thấy Mèo con trong giấc mơ. Vẫn nét mặt bầu bầu, vành môi cong lên cười tươi thắm. Trong mơ tôi thấy 2 đứa vẫn trẻ như một ngày năm cũ, nhưng lại có một thoáng ngại ngần, rồi Mèo con lên tiếng như giữa chúng tôi chưa hề có khoảng cách 15 năm. Mười lăm năm, mười lăm năm ấy biết bao tình[...]Chả biết là phòng hội hay phòng ăn, tôi vào lấy thức ăn như khi xưa từng lấy cho nhau.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 80751)
B ao nhiêu năm qua ở xứ ngưới, anh vẫn còn nhớ lại có những chiều trên đảo, anh đứng một mình trên đồi, nhìn biển rộng mênh mông, nhìn những đám mây bay lang thang trên nền trời xanh, nhìn những đám cỏ may theo gió thổi chạy vờn về cuối đảo, tự nhiên làm cho anh thấy mong nhớ một cái gì xa xôi. Mây và cỏ may thường làm gợi nhớ đến dĩ vãng...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 95171)
C huyện này chắc ít ai biết. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày xưa vốn là ca sĩ. Lần đầu tiên ông xuất hiện hát ở Huế vào năm 1936, ông đã trình bày bài “La Chanson du Gondolier” và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lúc đó tôi chưa ra đời. Nhưng bài hát anh chèo thuyền gondola thì chúng ta hầu như ai cũng biết.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 95186)
S huhun mang ánh mắt của một lời nguyền, thứ ánh mắt in trên một thỏi sắt. Nhìn hắn như một lưỡi kiếm bén mang linh hồn của Musashi Miyamoto. Tôi biết đến Musashi khi nào tôi không thể xác định, tên của võ sĩ vang danh trên khắp lục địa Bắc Á. Musashi trao cho Nhật Bản sức mạnh của kẻ yếm thế: Go rin no sho. Thuật xâm chiếm của vũ trụ như hai giải ngân hà nhập một, như hai lưỡi kiếm của hai mắt phải nhập một.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 93114)
H ằng đêm tôi sống trong lo sợ. Chung quanh tĩnh lặng, tối ám đến hoang mang. Gió lộng đánh phần phật trên các cánh cửa. Cứ độ giữa đêm, tiếng chân thình thịch đến từ xa, từng bước dẫm nặng nề. Tôi thu mình, rúc sát vào vách. Tôi trong suốt trong màu mực của đêm, không nhìn thấy cả chính mình...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 117982)
t a đã nhiều năm xa tổ quốc nhưng nào tổ quốc có xa ta sờ tay lên ngực nghe còn ấm hơi thở cỏ cây ở quê nhà