- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hiroshima Ơi, Em Đã Trở Về Từ Đâu ?

05 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 106762)

web2-j-huyensam_hiroshima3_0_300x200_1( Người sống sót từ trận bom nguyên tử Hiroshima: Bà Tomiko Matsumoto)

LTS: Trần Huyền Sâm sinh năm 1973, hiện là Giảng viên Khoa văn trường Đại học Sư phạm Huế. Tác giả cuốn Tiếng nói thi ca (Nxb Văn học, 2002), giải thưởng Hội nhà văn Thừa thiên Huế 2003, và cuốn Lý luận văn học phương Tây - Tự sự học kinh điển (Nxb Văn học, 2010). Lần đầu tiên cộng tác với Hợp lưu.

Bài du ký đăng tải dưới đây được viết nhân chuyến tham quan Nhật bản do Japan Foundation (Hiệp hội Nhật bản) mời vào mùa hoa đào tháng 04/2010 vừa qua. Trong dịp này, tác giả may mắn được tiếp chuyện với bà Tomiko Matsumoto, một nhân chứng còn sống sót trong trận không quân Hoa kỳ dội bom nguyên tử ở Hiroshima ngày 06/08/1945 (*). Bà nhớ lại những tàn khốc mà mình đã nhìn thấy tận mắt và đã phải gánh chịu trong thể xác cho tới tận bây giờ.

 

(*) Xem: Trần Thiện-Đạo, Lỗi lầm (Hợp lưu, số 97, tháng 11 & 12 năm 2007).

 

 

Chìm trong tầm mắt của du khách, đó là một thế giới hoa anh đào nở miên man, trắng xóa một góc trời, tím biếc những con phố, lâng lâng dọc triền sông. Hoa rơi rơi trên tóc, trên môi, trên gót chân trần của lữ khách… Hiroshima hiện ra như một thế giới thần tiên trong buổi sớm mai, khi bình minh vừa thức dậy. Tôi không kìm nén được sự xúc động, và bật lên thành tiếng: Hiroshima đây ư, nơi tận cùng của cõi chết? Nơi mà trận bom nguyên tử đã san phẳng thành bãi tha ma? Nơi nỗi đau và sự căm phẫn đến tận cùng của loài người, mà kể cả Thượng đế cũng không thể nào dung thứ được, cho tội ác chiến tranh ? Tôi quên hết cái rét đầu xuân, còn vương vấn mùa đông của xứ tuyết, Hiroshima tiềm tàng sức sống, quyến rũ và gợi mở đã chiếm hữu tôi một cách tuyệt đối, hoàn toàn…

Sau 65 năm, Hiroshima đã tái sinh từ cõi hủy diệt. Cái chết, bóng ma, bệnh tật, nỗi đau, đã được thay thế bằng thế giới của hoa anh đào- ngào ngạt hương thơm, của nhà cửa sầm uất, văn minh và niềm kiêu hãnh của người dân xứ sở này. Hiroshima, em đã trở về từ đây, từ cõi chết?

 Bảo tàng Hiroshima là nhân chứng sinh động của thảm khóc chiến tranh. Đây cũng là thông điệp chung của loài người gửi đến Thượng đế, rằng: Chiến tranh, dù nấp bóng dưới hình thức nào, cũng cần phải nguyền rủa và lên án.

 Đập vào mắt tôi là chiếc kim đồng hồ đã ngừng đập vào lúc 8h15p, ngày 6/8/1945. Đây là khoảnh khắc của tử thần hiện hữu. Khoảnh khắc của bên này sự sống và bên kia của sự chết. Khoảnh khắc mà người dân Hiroshima sẽ khắc ghi cho đến tận muôn đời. Vào giờ phút này, cách đây 65 năm, quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ đã ném xuống nơi đây, chỉ trong vòng mấy phút, toàn thành phố đã hủy diệt. Hơn 200 ngàn người đã chết ngay lập tức. Hơn 300 ngàn người bị thương (1). Hàng loạt người sau đó sống lay lắt vì di chứng của chất độc do bom nguyên tử gây nên. Toàn bộ nhà cửa, trường học, bệnh viên đã bị san phẳng.

Đây là quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên Little Boy của quân đội Mỹ, thực hiện dưới lệnh của tổng thống Harry STruman, do viên phi công Paul Warfield Tibets điều khiển, trên chiếc máy bay có biển số là B-29, mang biệt hiệu Enola Gay - nghe nói là tên mẹ của viên phi công nguyền rủa này. Quả bom này có sức nặng là 5 tấn, độ nóng khoảng 3000, bán kính kìm tỏa là 300m/s. Chỉ từng đó thông số cũng đã cho thấy sức mạnh kinh khủng của sự hủy diệt (2).

 

Sau đây, tôi xin ghi lại lời kể của một nhân chứng sống sót từ trận bom nguyên tử khủng khiếp này. Đó là bà Tomiko Matsumoto-người may mắn được tử thần tha mạng. Bà là người dân của thành phố Hiroshima, lúc đó bà 13 tuổi (sinh 1932). Bà bị bom đánh úp trong một buổi sáng khi đang tựu trường. Hiện, trên thân thể bà vẫn còn đầy thương tật, và hầu như bà không thể cầm được vật gì, ngoài đôi đũa để ăn. Đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi rất may mắn, được tổ chức Japan Foundation mời bà kể lại những gì mà bà đã tận mắt chứng kiến (3): 

“ 8h15 phút, lúc đó là buổi sáng, thành phố yên tỉnh, tôi đang tựu trường. Bỗng dưng, một ánh sáng da cam phát ra, bừng sáng một vùng trời. Ngay sau đó, một tiếng nổ gầm vang, rung chuyển cả mặt đất, xé tan không trung. Một sức mạnh rất lớn quật ngã tôi xuống. Tôi bị vùi trong đống gạch đổ nát, tôi không biết mình bất tỉnh trong bao lâu….

 Khi tỉnh dậy, tôi cố hết sức để hất lớp đất đá đè nặng trên lưng. Tôi chui ra, và một thế giới trước mắt tôi là hoang tàn. Cả bầu trời chìm trong khói đen và biển lửa. Tôi không còn nhận ra lối đi. Tôi không xác định được hướng, vì không còn bất cứ thứ gì xung quanh mình. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra.. Tôi gào khóc. Tôi muốn về nhà. Nhưng tôi không biết phải đi hướng nào. Tất cả đã san phẳng. Tôi nhìn lên một ngọn núi, và cắm đầu chạy theo hướng đó, trên đống gạch đổ nát. Tôi nghe tiếng khóc, tiếng kêu cứu. Tôi thấy cả một đoàn người đỏ rực như quả bí, họ đang bị tia phóng xạ của bom nguyên tử thiêu cháy thân thể. Nóng, nóng quá! Họ kêu lên và nhảy xuống sông. Nhiều bà mẹ ôm con gào thét, có người tróc hết da, và mù mắt không nhìn thấy gì, mò mẫm đi loạng quạng như đi trong bóng đêm. Lúc đó, tôi mới hốt hoảng: mình có sao không? Tôi sờ vào thân thể mình, thì chao ôi, bao nhiêu là mảnh thủy tinh găm sâu vào lưng, vào tay chân. Tôi bắt đầu thấy nóng khủng khiếp, nóng thiêu đốt cả da thịt, gan ruột, xương tủy. Trước đó, hầu như tôi không có cảm giác đau đớn gì, vì quá hốt hoảng. Tôi khụy chân xuống và không còn sức lực để đi tiếp, không còn đủ sức để nhảy xuống sông như mọi người. Tôi nghe xung quanh mình những bước chân dồn dập. Tôi mở mắt, và thấy một đoàn người đen ngòm đi qua cầu như một đoàn ma trơi. Họ bị sức nóng thiêu đốt và chết dần trên từng bước chân của mình. Toàn thân họ chảy xuống từng khối nước nhờ nhờ như nhựa bị nung lửa…

Sau đó, tôi được một một xe quân đội Nhật đưa lên núi để trú bom. Hang núi chật ních người. Tiếng kêu khóc thảm thiết của trẻ thơ, và tiếng gào rú não lòng của những người mẹ mất con. Một thế giới địa ngục mở ra trước mắt tôi: người thì cụt cả hai chân và hai tay, người thì lòi ruột ra, vừa đi, vừa nhét vào, người thì một hóc mắt bị khoét sâu. Tôi nghe tiếng rên rỉ và tiếng nói quen thuộc của thầy giáo và bạn mình. Nhưng họ không thể nhìn thấy tôi, vì mắt họ đã bị mù. Họ không còn kịp nhận ra tôi là ai, trước lúc trút hơi thở cuối cùng.

Ban đầu, những người bị thương còn rên rỉ, nhưng sau họ kiệt sức và im dần. Xác chết chất đầy xung quanh. Tôi nghĩ, đến lượt mình rồi cũng chết như họ. Tôi đã bật khóc. Số thương vong nhẹ hơn, lại càng cảm thấy đau đớn. Ngày đầu, họ không tìm cách chữa trị, chỉ đắp lá để giảm vết bỏng. Sau rồi da lỡ ra từng mảng, vết sâu sưng mủ, chảy nước từng vũng vàng khè…Xung quanh tôi, mùi hôi thối bao phủ: mùi máu mủ, mùi của thi thể không kịp khâm liêm. Giòi muỗi vây quanh xác chết, rĩa ráy, rồi bu vào vết thương của những người còn sống…Họ không thèm đuổi, vô vọng buông theo cái chết…

Tôi bắt đầu gào khóc vì hoang mang. Tôi hỏi ba mẹ của tôi đâu? Một người đàn ông nói rằng, thành phố đã bị thiêu trụi. Tôi hiểu rằng, câu nói đó đồng nghĩa với câu trả lời: ba mẹ và em tôi đã chết. Họ hỏi tôi, còn có người thân nào không? Tôi lắc đầu. Một lúc sau, tôi cố tìm trong ký ức để hình dung ra, nơi ở của bà tôi, một vùng xa xôi ở thôn quê… Người đàn ông đó đã giúp tôi tìm hướng đến nhà bà tôi, dù mò mẫm, và khổ ải…

Lúc tôi về quê, thuốc trong người đã ngấm hết, tôi rất đau. Bà tôi mua dưa chuột để đắp lên các vết bỏng trên thân thể tôi. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng vài ngày sau, tôi bắt đầu xuất hiện nhiều bệnh kỳ lạ: da mọc lên nhiều mụn nhọt ngứa ngáy, sau thành những vết tím bầm, rồi bị tiêu chảy suốt ngày, dù tôi không ăn vật gì lạ. Vào thời điểm ấy, tôi không biết đó là do tác động của chất độc từ bom nguyên tử. Và đêm đêm, tôi rơi vào những cơn ác mộng, thường xuyên kêu ú ớ, hoặc gào thét vô cớ trong bóng tối…

Tôi thức trắng nhiều đêm. Tỉnh dậy là bật khóc. Tôi hỏi bà tôi, mẹ con đâu, em con đâu? Bà tôi đưa ra một hộp gỗ sơn. Tôi nhìn vào đó: một nhúm tro và những mảnh xương vụn. Em tôi lúc đó đã lên năm…

Tôi bất ngờ nhìn thấy ba vào một buổi chiều. Ba tôi đã tìm tôi cả mấy tháng trời, dưới sức nóng của mặt trời và những đống đổ nát của thành phố sau chiến tranh. Ba tôi thất vọng, nghĩ, tôi cũng đã chết. Lúc bom dội xuống, ba tôi làm việc ở một nơi cách xa tâm điểm nổ, nên sống sót. Lúc ba tôi trở về, tôi không thể ngồi dậy được. Tôi đau khắp thân thể. Tôi bị rụng từng mảng tóc. Những lớp sẹo tái lở loét, da vẫn tróc lên từng mảng, đau đớn….

Một thời gian sau, cha con tôi trở về Hiroshima và mò mẫm dựng lại nhà trên đống gạch đổ nát. Nhiều người cũng như gia đình tôi, bằng mọi cách, họ tìm lại mảnh đất của mình. Họ cắm lại nhà, dù toành toàng, nhưng họ không muốn đi bất kỳ đâu. Chúng tôi muốn tiếp tục sống trên mảnh đất đau thương này. Chúng tôi rơi vào một trận đói khủng khiếp. Tôi tự hỏi, lấy gì để ăn đây, làm gì để có thể sống được? Mọi người tìm cỏ dại để thay bữa. Tôi cũng làm theo. Nhưng cỏ dại rồi cũng hết. Nhiều người bị chết đói. Trẻ em lang thang đầy đường. Mặc dầu vậy, chúng tôi vẫn tìm cách trở lại trường, Chúng tôi thu gom lại các phế liệu của đống đổ nát. Rồi dựng lại trường.

 Phải làm lại, làm lại bằng mọi cách.

 Không may cho tôi. Ba tôi xuất hiện bệnh máu trắng. Mấy tháng sau, ba tôi tự tử, vì không chịu đựng được nỗi đau đớn. Nhưng trên hết, ba không muốn tôi phải nhường từng miếng cơm. Một số người khác cũng vậy, tự tử vì không thể chịu đựng được: Đói khát. Đau đớn…”

Bà Tomiko Matsumoto ngừng lời với giọt nước mắt đẫm sâu. Bà nói rằng: tôi không muốn kể lại câu chuyện của cuộc đời mình, tôi không muốn nhớ lại những tháng ngày khủng khiếp đó. Tuy nhiên, hôm nay đây, tôi có mặt ở đây, cùng với các bạn, là theo lời di chúc của bạn tôi. Bạn gái tôi đã chết, vì bệnh máu trắng. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, cô ấy nói rằng, phải tiếp tục sống, và kể cho mọi người nghe về nỗi đau, nỗi tàn bạo của cuộc chiến tranh này. Và bà cho biết thêm, thế hệ những người như bà, sau chiến tranh bị nhiều bệnh tật di chứng: sinh con quái thai, bị điên loạn, đặc biệt là bệnh máu trắng...(4). Bà nói với giọng xúc động, nhưng mạnh mẽ: Chúng tôi thề rằng, chiến tranh sẽ không bao giờ tái diễn nơi đây.

Cả đoàn chúng tôi lặng đi, sau câu chuyện của bà. Tai tôi ù đặc. Chúng tôi, mỗi người, muốn nói một điều gì đó để chia sẻ với bà, nhưng không thể cất lên thành lời. Nghệ sĩ Thành Lộc, lặng lẽ nắm tay bà, và chỉ biết nghẹn ngào với hai từ: “ Cám ơn bà”.

Vì sao Mỹ ném bom? Nguyên cớ được nêu ra là: để Nhật đầu hàng và chiến tranh sớm kết thúc, giảm bớt những thương vong, thiệt hại của hai bên tham chiến. Tuy nhiên, theo các bình luận viên của chiến tranh, nguyên nhân sâu xa là: Mỹ muốn thử hiệu quả của bom nguyên tử, và nhằm thị uy sức mạnh hạt nhân đối với Liên Xô. Đó là vấn đề liên quan đến các chính trị gia và các nhà cầm quyền. Còn chúng ta, chỉ có thể nói rằng, dù biện minh từ góc độ nào, việc thả bom của Mỹ là một hành động phi đạo đức, vô lương tâm, và thế giới sẽ không ngừng phỉ báng, lên án …

Không ai có thể kìm nén được sự căm phẫn của mình, khi nhìn thấy những hiện vật nơi đây. Những con người như những bóng ma: bàn tay bị thiêu trụi, mặt cháy sém, da rộp lên. Những đám mây hình nấm như hiện thân của thần chết bao phủ cả thành phố Hiroshima, trận mưa đen dội xuống như những dòng thác máu, tím bầm từng mảng khủng khiếp (5)…Tiếp đến, là những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc: bệnh ung thư, máu trắng, dị tật. Một người phụ nữ với khuôn mặt dị dạng, một em bé bị mù, một người đàn ông không còn phụ tang…

Bên kia, đối diện với thế giới chết chốc đó, là những con hạc giấy của bé Sadako Sasaki-nạn nhân di chứng của bom nguyên tử. Khi quả bom nổ, em bị hất tung ra, nhưng vẫn sóng sót. Tuy nhiên, sau 9 năm, lúc 12 tuổi, em bị phát hiện là ung thư máu, hay còn gọi là bệnh máu trắng. Một căn bệnh nguy hiểm mà người dân ở đây thường mắc phải, do ảnh hưởng chất phóng xạ từ bom nguyên tử. Em phải nghỉ học vào bệnh viện, và từng ngày, từng ngày, em gấp những cánh hạc trắng bằng giấy, với niềm khao khát được sống. 1000 con hạc trắng từ đôi bàn tay ngây thơ, không cứu nổi số phận của em, nhưng đó là thông điệp chung cho nhân loại về niềm khát khao hòa bình. Em mất vào ngày 25 tháng 10 năm 1955. Linh hồn em chìm ngập trong một thế giới của những cánh hạc trắng, oan nghiệt bay lên không trung-nơi mà trận mưa đen tàn ác từng dội xuống số phận của em, dội xuống thành phố bình yên và những người dân vô tội. Theo lời người thuyết minh bảo tàng, cái chết của em đã gây sự căm phẫn của toàn nước Nhật. Hàng loạt cuộc biểu tình với khẩu hiệu phản đối vũ khí hạt nhân đã diễn ra…

Tôi thoát ra khỏi bảo tàng mà vẫn còn nghe mùi khét của bom nguyên tử xen lẫn với tiếng khóc của những đứa trẻ, trận mưa đen chảy rào rào như thác máu…

Chúng tôi đi dưới Tượng đài hòa bình vì trẻ thơ, và nghe đâu đây tiếng thì thầm của những con hạc giấy của bé Sadako Sasaki, như một thông điệp về niềm khát khao hòa bình và tình yêu thương nhân loại. Tôi kiểng chân và hôn lên một nụ anh đào chúm chím, đang thì khai hoa, mùi thơm thoang thoảng, tinh khiết, nhưng lại nồng nàn khắp các giác quan. Hiroshima ơi, phải chăng em đã trở về từ cõi chết? 

 

TRẦN HUYỀN SÂM

(Hiroshima, 4/4/2010)

 

 

 .

1. Con số thương vong được ghi lại theo những tư liệu không khớp nhau. Tôi lấy theo lời của người thuyết minh lịch sử ở bảo tàng này..

2. Ngoài thành phố Hiroshima, ngày 9/8/1945, Mỹ còn ném thêm một quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki và giết chết hơn 74.000 mạng sống

3. Đoàn chúng tôi gồm 11 văn nghệ sĩ Việt Nam, do Tổ chức Japan Foundation mời sang Nhật Bản để giao lưu văn hóa-văn học, từ ngày 28-3 dến 7-4-2010

4. Ghi theo lời phiên dịch của Lương Việt Dũng, được diễn giãi lại theo cảm xúc của tác giả bài báo.

5. Mưa đen: do khói và lửa của bom nguyên tử bốc lên, gặp những đám mây và tạo thành cơn mưa. Những người mắc trận mưa này, phần lớn đều bị bệnh máu trắng hoặc sinh đẻ dị tật.

6. Bệnh máu trắng: Một căn bệnh khủng khiếp, do ảnh hưởng chất độc bom nguyên tử. Các tế bào máu bị hủy hoại rất nhanh, vô phương cứu chữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 98442)
... Tôi đã từng ăn thịt chuột. Tôi ăn vụng của em tôi. Bố cấm tôi nói cho ai biết. Bố đã cho thằng em tôi ăn bao nhiêu con chuột tôi cũng không nhớ nổi. Chỉ có điều bố thích như vậy. Bố nướng con chuột lên, thế thôi. Thằng em tôi cười hềnh hệch, nước dãi chảy dài, cầm con chuột gặm như một bắp ngô nướng. Những tảng máu chưa đông rịn đỏ hai mép. Tôi thấy đầu mình ung ung. Những hình ảnh như những mảnh vỡ lộn xộn va đập vào nhau liên hồi ...
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 96417)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 120023)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 98062)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 98002)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 88382)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92885)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 94039)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 84300)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 107334)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...