- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thời Gian

15 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 97267)

Một lần anh hỏi Ước mơ của tôi là gì? Tôi chợt nhớ đến mùa hè xa…

Năm 1980, chị em tôi tíu tít khi ông Chín từ Sài Gòn về Quy Nhơn. Chúng tôi thích thú, cái gì ông cũng biết, đêm nào chúng tôi cũng cùng ông ra bờ biển hóng gió và chơi nhảy sóng. Nhìn trời đêm lấp lánh, ông dạy cho chúng tôi cách nhận ra những chòm sao. Nào là chòm sao Lạp Hộ dễ nhận thấy nhất trên bầu trời. Trong thần thoại Hy Lạp, Lạp Hộ là người khổng lồ cầm quả chùy thần. Còn đây là chòm sao Nhân Mã tốt bụng sáng rực rỡ phương Nam. Tôi nhìn theo tay ông chỉ mà không thể phân biệt được chòm sao nào với chòm sao nào. Ông còn tập chúng tôi truyền tin bằng tín hiệu Morse và Semaphore, tín hiệu thường liên lạc giữa các tàu trên đại dương. Ước mơ của cháu là gì? Ông hỏi. Thời gian đó, tôi đang nghiền ngẫm tủ sách Học làm người của Nguyễn Hiến Lê và say mê những tác phẩm kể về cuộc đời của các vĩ nhân. Tôi đọc hết những gì tôi bắt gặp trong tủ sách. Công thần Nguyễn Trãi nước Việt, tể tướng Ngũ Tử Tư nước Tàu, thủ tướng Ấn Độ Gandhi, tổng thống nước Mỹ Roosevelt, nữ bác học Marie Curie… Tôi thường mơ về họ. Nên khi ông hỏi, tôi nói không suy nghĩ: Cháu sẽ bay vào vũ trụ khám phá các vì sao. Ông bật cười sang sảng, tiếng cười ông ngân vang, òa vỡ trên từng lớp sóng. Sóng uốn đến tận giải ngân hà.

Một buổi tối, chúng tôi thấy ba mẹ căng thẳng, mẹ tấm tức khóc - ông Chín mất rồi, sau chuyến vượt biển. Cậu mợ Bảy và bé Phi bị bắt sau mấy lần vượt biên không thành. Chị em tôi bàng hoàng. Mấy đêm liền tôi không ngủ, tôi lên sân thượng nhìn trời đêm lấp lánh, tôi nhớ đến những chòm sao của ông ngày trước. Đây là sao Oméga trong chòm sao Nhân Mã, cụm sao già sáng nhất trên trời. Ước mơ của cháu là gì? Cháu sẽ là nữ phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ. Đó là ước mơ can đảm nhất mà ông từng nghe. Ước mơ của tôi vỡ tan sau tiếng cười của ông ngày ấy.

Giờ đây, tôi chỉ mơ ước làm một con người bình dị trên trái đất này, sống hết mình với cuộc đời để đi trọn một kiếp người. Điều mơ ước nhỏ nhoi ấy, liệu tôi có thực hiện được không? Anh và tôi, những ngã rẻ của cuộc đời.

Có lần tôi nghe tiếng anh gọi, tôi chạy tìm nhưng không thấy đường đi, một bức tường nước thẳng đứng chắn lối qua sông. Người ta nói, tôi phải lên tầng tháp bên sông cầu nguyện, ở đó sẽ có câu trả lời. Tôi chạy lên thang gác lên những tầng tháp, nhìn vào đâu cũng bắt gặp những căn phòng trống, không bóng dáng, không gương mặt, không một nét người. Tôi chạy và chạy, tôi dừng chân khi chạm một căn phòng lạ. Giữa phòng là một hồ nước, trôi bềnh bồng hai chiếc giường tre, xung quanh hoa sứ trắng bập bềnh, hai đôi nam nữ đang nằm ngủ yên trên hai chiếc chõng tre ấy, gương mặt bình thản, thiên thần. Tôi thành tâm cầu nguyện và chạy xuống thang gác, đã gần hết giờ qua sông, bức tường nước đã biến mất, người lái đò đang đợi tôi. Tôi cặp bến và thấy mình đứng trên bến xe, ba và một người chị của tôi đang mong ngóng, tiếng ba nói, trễ giờ rồi con, mau lên đi.

 

Tam Đảo, 7g30 sáng.

 

 Tôi choàng tỉnh, trễ rồi Tâm ơi, tôi hét lên khi nhìn đồng hồ. 8g phải có mặt tại hội trường. Cả hai cuống quýt mặc quần áo, và chạy lên tầng 3 vào phòng ăn sáng. Cả đoàn bật cười khi thấy chúng tôi vào. Đêm đầu tiên, cả đoàn hốt hoảng khi nghe tiếng Tâm thét trong hành lang, điện khách sạn bị cúp, ngọn nến leo lét trên vách tường, Tâm run rẩy khi thấy một bóng đen bên ngoài khung cửa. Khách sạn dựa lưng vào vách núi, trong khuôn viên của một giáo đường. Tôi liên tưởng đến truyện đường rừng, những thước phim kinh dị, đêm đen lạnh với gió hú trong những vòm cây. Giấc ngủ chập chờn, tôi thấy bóng các giáo sĩ lướt qua dãy hành lang dài hun hút.

 Dự án về môi trường làm việc và thảo luận trong các buổi sáng, giấc chiều chúng tôi được tự do. Những buổi chiều, nắng trên từng con dốc nhỏ. Tôi lang thang trên những con đường vắng, quanh co. Không khí mát lạnh và ngập đầy hương rừng. Tôi dừng lại một quán ven đường, người ta bán sáp mật ong ngâm rượu, chuối rừng ngâm rượu, vài túi thổ cẩm. Ở đây có một giáo đường Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ và hàng trăm ngôi biệt thư bằng đá nhưng đã bị Việt Minh phá hủy trong trận Vĩnh Yên. Một ông già người bản địa nói. Trời ơi, tiếc ơi là tiếc, tôi than. Ước gì còn những ngôi biệt thự này thì đẹp biết bao. Dấu tích còn sót lại mà thỉnh thoảng tôi nhìn thấy là những bức tường đỗ nát đầy rêu phong, cỏ mọc ngút ngàn. Chung quanh tôi bạt ngàn lá rừng và hoa dại mọc dầy trên các vách. Những khách sạn mới được xây chen chúc dựa lưng vào núi, đủ phong cách không ai chịu nhường ai. Khách sạn Thế giới xanh diêm dúa bên cạnh Nhà nghỉ Bộ Kế hoạch-Tài chính thô sơ, khách sạn Star tân thời bên cạnh Nhà nghỉ Văn phòng Chính phủ lạc hậu, khách sạn Hoa Hồng xuống cấp, khách sạn Hương Rừng quyến rũ, cảnh vật bị phá hủy vì những kiểu kiến trúc thiếu thẩm mỹ, phô trương. Từ cửa sổ phòng mình, nhìn toàn cảnh Tam Đảo, tôi thích thú khi phát hiện một ngôi biệt thự màu trắng đã cũ nằm ẩn mình thật xa trên núi cao, có lẽ từ thời Tây. Tôi phấn khích rủ Tâm hôm nào được nghỉ sớm, mình lên trên ấy. Tâm la, Mai leo tuốt trên đó, chắc khuya mình mới về, nhìn vậy nhưng xa lắm. Sương mù dày đặc không thấy đường đâu, nhưng hấp dẫn quá...Tôi nói.

 Cơm chiều xong đã 7g tối, tôi và Tâm - cô bạn cùng phòng dân miền Tây - đi dạo trên con dốc vắng. Đêm sáng lạnh vì ánh trăng non, chúng tôi ngồi uống cà phê bên dòng suối dưới con dốc ven đường. Quán cà phê Internet đường truyền chập chờn, làm khách nước ngoài chán ngán bỏ về. Cà phê miền Bắc quá tệ, không thể tìm đâu ra được hương vị thơm nồng, đậm đặc, dẻo ngọt như cà phê Pleiku, tôi vừa uống ở quán Tân Tây Nguyên hai tuần trước. Pleiku mưa tuôn xối xả, ngồi trên chòi cao, gió tạt ướt cả áo, cả nhóm vừa uống vừa run vì lạnh. Nhưng thỏa mãn vì cà phê quá ngon không uổng công cả bọn cuốc bộ mấy cây số, cũng đường đèo dốc như Tam Đảo.

Đêm khuya, không khí và khung cảnh nơi này thật huyền ảo. Gần đến rằm Vu Lan tháng 7, trăng giát vàng lóng lánh mặt suối. Tôi ước gì anh có mặt ở đây, anh sẽ yêu tiếng suối đang róc rách chảy, âm thanh vỡ òa của nước tuôn giữa các khe đá trong đêm vắng nghe như tiếng hát.

Côn Sơn có suối, tiếng nước chảy rì rầm, ta coi làm đàn cầm...Côn Sơn của Nguyễn Trãi cách đây hơn 500 năm và Tam Đảo thế kỷ 21 có khác gì nhau đâu, thiên nhiên muôn đời vẫn vậy. Còn tôi và anh có vậy không?

 

Ngày anh trở về chịu tang cha, tôi không hề hay biết. “Mẹ ơi, có chú nào đó đến tìm mẹ ở nhà ngoại”. Tôi lặng người khi nhìn thấy anh ngồi bên cạnh mẹ tôi trong im lặng. Một cảm giác choáng ngộp bao phủ lấy hồn tôi, tôi gần như ngã quỵ chỉ lí nhí “xin lỗi” rồi chạy vào nhà sau, úp mặt vào làn nước cố trấn tĩnh tâm hồn mình nhưng nước mắt cứ trào rơi. Anh về rồi đó sao, đã bao nhiêu đêm tôi mơ về điều ấy… Ngày anh vượt biển, tôi 18 tuổi, tình cảm học trò chưa từng một lần dám nói tiếng yêu thương, chưa từng chạm khẽ tay nhau, có chăng là những ánh mắt. Vì anh tôi khước từ tất cả, những năm học đại học là những năm đợi chờ, những lá thư của anh là niềm hạnh phúc trong tôi. Rồi một ngày, anh viết: “Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện vượt biển đó là điều nguy hiểm, hãy quên anh đi”. Ngày ấy, tôi tuổi hai mươi. Lúc đó, tôi vẫn còn là một cô bé đầy kiêu hãnh. Lòng tự trọng bị tổn thương. Tôi cứ nghĩ rằng anh đã có bạn mới nên không muốn gặp mình…. Sau tang cha, anh ở lại một tháng. Tôi không dám một mình đến thăm. Lần lữa mãi cho đến ngày cuối cùng, tôi điện thoại, hẹn ngày mai sẽ đến…. Tôi đứng lặng bên cánh cổng đã khép, giờ này cả nhà anh đang ở phi trường. Tôi đã đến trễ hay cố tình đến trễ? Tôi đẩy cửa bước vào khu vườn, đứng chôn chân trên bậc thềm phòng anh. Cửa đã khóa. Tôi dựa lưng vào khóm trúc, có còn ai nữa không, còn ai nữa không? Cũng trong căn phòng này, ngày xưa tôi thường đến mượn sách, chúng tôi thường nói chuyện trên trời dưới nước, không đâu vào đâu. Sau ngày anh ra đi, những lúc buồn, tôi thường đến thăm cha anh, và xin ông cho tôi ngồi im lặng trong căn phòng này. Một chái hiên nhỏ, phía trước có mấy khóm trúc và lan.

Tôi biết anh đau khổ khi trở về chịu tang cha và người mình yêu không đến gặp. Và tôi cũng biết vì sao mình không thể gặp riêng anh. Ngày cũ đã thật xa.

 

Sáng nay, cả đoàn dậy thật sớm để đi leo núi, lên trên đỉnh Tháp truyền hình và đi Thác Bạc. 7g sáng nắng vàng trải thảm lên những con đường nhỏ, trời thật mát. Minh chụp cho chúng tôi mấy tấm hình thật đẹp bên những con dốc. Không khí thật trong lành. Tâm bỗng la lên: “Nhìn kìa Mai ơi, hoa gì mà lạ quá vậy?”. Một vạt đồi sáng rực dưới nắng mai, bởi những màu trắng, đỏ chen chúc. “Bác ơi, hoa gì vậy bác?”. Tôi hỏi một người đàn bà địa phương đang nhặt ngọn susu cho vào mẹt thúng ven đường - món rau thôn quê của Tam Đảo - bà dừng tay, trả lời: “Đó là hoa đổi sắc. Khi mới nở hoa màu trắng tinh sau một thời gian hoa chuyển sang màu hồng, và khi tàn nó trở thành màu đỏ tươi như máu”. Cuộc đời của loài hoa này, sao giống cuộc đời con người quá vậy, tôi nghĩ. Khi vừa ra đời con người thật trinh trắng, trải qua bao đổi thay, tâm hồn họ cũng bao biến đổi, đến lúc sắp lìa xa cõi đời, con người vẫn còn cố gắng để lại trên đời giọt máu của thân phận mình, chứng tích của một lần có mặt trên thế gian. Số kiếp con người như một loài hoa, dù mong manh nhưng con người vẫn quả quyết không khuất phục tạo hóa.

 

Tôi nhát gan, cái gì cũng sợ. Tôi sợ rắn, sợ vắt và sợ đủ thứ những con côn trùng có thể bám vào cơ thể mình, nên vào rừng tôi che chắn cẩn thận. Mới một phần ba đoạn đường tôi bắt đầu vứt bỏ khăn choàng, áo khoác, mồ hôi tôi túa đầm đìa. Trên núi cây rừng giăng kín và sương phủ mờ, tôi vẫn thấy cơ thể nóng bức, mặc dù bên ngoài hơi sương thấm ướt. Những chú bướm trắng đu mình từng lớp trên những nhánh lá. Tại sao nhiều con nằm chồng lên nhau trên một búp lá như vậy, nó không bay lượn như dưới đồng bằng. Ủ ấm chăng? Hay là mùa giao phối. Tôi thắc mắc. Tôi gặp một nhóm nhà sinh vật học người Tân Tây Lan đang dùng vợt bắt côn trùng. Và suýt bật cười khi thấy ba ông cán bộ bụng to thở dốc, bên cạnh là một người địa phương quang gánh ba lô và thức ăn cho họ, có lẽ dân “Gà Công nghiệp”. Đi một hồi, nhìn quanh không còn ai, tôi và Tâm ngồi nghỉ trên đường ống dây điện cáp quang. Phía trên chắc Ban tổ chức đã lên đến đỉnh, có lẽ mình là người cuối cùng. Ồ không, Tâm mừng quá reo lên dưới mình còn có người nữa Mai ơi. Tôi nhìn xuống nhóm đại học Cần Thơ đang cố bò lên. Nhiều người liếng thoắng: Tụi em lạc đường, phải rẽ qua đền Mẫu thờ Bà Chúa Ngàn. Rằm tháng 7 mà chị, dân dưới núi leo lên đi lễ đông ơi là đông. Tụi em được phát “oản” đây nè. Đây là lần đầu tiên tôi thấy bánh “oản” miền Bắc. Lộc ở chùa phát cho các tín lễ. Ừ hôm nay là 14, lễ Vu Lan, ngày Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau. Không biết trên Tam Đảo này có cầu Ô Thước cho hai kẻ yêu nhau tìm gặp.

 

... Mai cổ điển quá đi, cô bạn học ngày xưa của tôi cười ngất, tôi cảm thấy bối rối. Bây giờ làm gì có cầu Ô Thước cho hai kẻ yêu nhau tìm gặp. Ngày xưa Ngưu Lang-Chức Nữ yêu nhau say đắm, mỏi mòn chờ đợi đến rằm tháng 7 mới được gặp nhau. Ngày nay hai kẻ yêu nhau ở hai đầu trái đất, chỉ cần một giây bấm máy điện thoại là có thể nói chuyện bất tật. Cuộc sống là một vòng xoay chuyển động không ngừng, H mới từ Cali về, hai đứa ngồi cả buổi nói chuyện tào lao. Tình yêu bây giờ không còn lãng mạn như ngày xưa nữa, H không thấy văn chương Việt Nam đầy dẫy những cảnh sex rẻ tiền đó sao. Vấn đề sex. Trên mạng người ta vứt bộ phận sinh dục nam, nữ vào mặt độc giả chan chát, đọc vào mình thật sự không tin nổi. Tiếng Việt tinh tế, trong sáng của mình đi đâu rồi? Hồ Xuân Hương ngày xưa vẫn viết về sex nhưng mình thấy thanh không tục. Quan niệm của H thì sao? H nghĩ trong văn chương càng có nhiều giọng văn càng phong phú. Mình đồng ý điều ấy, nhưng có cần phải đầy nhục cảm thô thiển như vậy không. Cái quan trọng là nhà văn phải viết về vấn đề ấy cho tới và có nghệ thuật để người đọc không cảm thấy tầm thường và dung tục. Rừng Nauy của Murakami Haruki cũng sex dữ dội, nhưng đọc mình thấy hay và tức cười nữa, vì Haruki dẫn dắt diễn biến câu chuyện hợp lý người đọc không thấy bị ngượng ngùng trước những cảnh sex rất tự nhiên.

Còn quan niệm tình dục ở bên ngoài thì sao? có còn người con gái hiện đại nào suốt đời chỉ quan hệ một người đàn ông? Và sự chung thủy. H nghĩ ở bên ngoài tụi mình quan niệm tình dục tự do và thoáng hơn. Chuyện tình cảm gắn với tình dục bao giờ cũng rắc rối, chỉ cần đừng làm cho người khác đau khổ là không vấn đề gì. Ngoài những quan hệ gây đau khổ cho người khác, thì H nghĩ đó là tự do của họ, và nhiều khi như thế càng tốt đẹp hơn cho cuộc đời. Tôi ngạc nhiên, thích là quan hệ sao, dù đã có gia đình? Cũng còn tùy. Có người dễ dàng ngủ hết người này đến người khác, có người cũng không dễ dàng như vậy đâu. Họ rất coi trọng gia đình. Dân da trắng cũng vậy, cũng tùy người. H cũng đã từng nghĩ mình có khả năng tách quan hệ tình cảm ra khỏi quan hệ thể xác nhưng sau mình biết là mình không có khả năng đó. Thấy người khác hấp dẫn mà người đó không phải là chồng hay vợ của mình là chuyện thường tình, rất con người. Nếu mình không có như thế thì một là mình quá đè nén, hai là mình không thành thật với chính mình.

Tôi im lặng. Tôi hiểu những điều H nói, và dù sao tôi cũng là một phụ nữ Việt, mà người phụ nữ Việt thường luôn đè nén cảm xúc.

Tình yêu, tôi biết không phải bao giờ cũng trường tồn mãi mãi, đó chỉ là lý thuyết, nó biến chuyển, thay đổi cung bậc theo thời gian, theo nhận thức của con người trong từng năm tháng. Tùy thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của người bạn đời. Tình yêu như mầm cây, người làm vườn phải biết cách chăm sóc, nếu không mầm cây sẽ chết.

Còn tình dục thì sao? Với tôi, tình dục là vấn đề hết sức thiêng liêng. Nó không thể nào là vì bản năng chỉ để thỏa mãn thể xác, và nó cũng không thể xảy ra dễ dàng cho bất cứ một ai. Giữ mình là ý thức tự trọng phải có của một người con gái. Tình dục là nghi lễ của tình yêu và nó chỉ được xảy ra khi hai tâm hồn cùng hòa một nhip. Tôi chắc là H cũng chưa thể hiểu mình. Dĩ nhiên, tình yêu và tình dục là một không thể tách rời. Khi yêu nhau người ta khao khát nhau, nhưng cuộc đời không bao giờ như mình suy nghĩ.

 

...Một ngàn năm trăm ba mươi bảy bậc, tôi và Tâm nhẩm tính, vậy là đã đến đích. Thật sảng khoái.

Trời mù sương không thể nhìn thấy gì ở phía dưới, chỉ là mây và mây. Mây bồng bềnh khắp chốn. Tôi như người trong mơ. Thời gian nơi đây như ngưng đọng. Có phải tôi đang trở về thời thiên cổ và chợt hiểu vì sao nửa thế kỷ trước Đoàn Phú Tứ đã mượn màu thời gian và hương thời gian để tâm tình với người xưa: …Ngàn xưa không lạnh nữa Tần Phi, ta lặng dâng nàng, trời mây phảng phất nhuốm thời gian…

 

Chuyến tập huấn của tôi ngày mai kết thúc. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi cảm giác bềnh bồng khi đứng trên những tầng mây. Có một ai đó đã nói, khi bạn bước ra ngoài vũ trụ, nhìn lại quả đất bạn sẽ thấy trái đất mình nhỏ bé vô cùng. Nhân loại như một ngôi nhà chung mà biên giới giữa các quốc gia không còn ý nghĩa nữa. Tôi và anh, những người cùng thế hệ tứ tán khắp phương trời, thất lạc nhau trong cuộc bể dâu, điều gì đã xảy ra… Đồng hồ của chúng ta cũng đã quá trưa, chẳng còn bao lâu nữa tất cả rồi cũng sẽ chìm trôi.

Màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngát, hương thời gian không nồng, hương thời gian thanh thanh... Tôi ngước mắt lên ngắm nhìn những lượn mây trắng xóa uốn ngang đầu mình. Lớp sóng thời gian kết bằng mây chẳng khác những lượn triều.

 

BAN MAI

01/2010

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86987)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89949)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75780)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103897)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87283)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92766)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109410)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84478)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83515)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75844)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.