- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NI CÔ VÀ CON GÁI TÔI

13 Tháng Hai 20232:10 SA(Xem: 7397)

hoa xuan- MAI AN

Mai An Nguyễn Anh Tuấn    

NI CÔ VÀ CON GÁI TÔI    

Truyện ngắn    

 

Dắt xe vào cổng, đập ngay vào mắt tôi là một bộ nâu sồng trong phòng khách. Không lẽ là vị Đại đức yêu văn chương - điện ảnh kết nối FB với tôi mấy tháng trước đã tìm đến, sau khi tôi cho địa chỉ nhà riêng?

“Bố! Mẹ Thơm đã về!” Con gái lớn của tôi reo lên hồ hởi khi thấy tôi bước vào. “Mẹ đừng nói, xem bố có nhớ mẹ Thơm của con không?”. Tôi thoáng ngỡ ngàng trước vị ni cô vẻ tiều tụy, rồi nhận ra ngay cô hàng xóm của mình gần 10 năm trước…

“Chào bác! Bác còn nhận ra tôi chứ?” Ngày trước, cô xưng “Anh - Em” thân mật với tôi, còn bây giờ, cô đã ở một thế giới khác, nên xưng hô vậy là phải lẽ, song tôi thấy có gì là lạ. “Chúc mừng hai bác nhé, bé Quyên đã là sinh viên rồi! Mừng lắm ạ…”. Trước đây, cô sẽ bộc lộ niềm vui đó bằng nụ cười lẽn bẽn cơ. “Cám ơn ni sư” - “Không, em vẫn còn là ni cô, chưa được thành ni sư”. Cô dần trở lại cách xưng hô xưa kia. Rồi sau vài câu chào hỏi xã giao nữa, tôi lên gác làm việc, để hai mẹ con tiếp tục trò chuyện với khách.

Nhưng đọc chưa hết một trang cuốn sách đang đọc dở, mái đầu cạo trọc đã lấm tấm xanh sau một đoạn đường dài và cặp mắt buồn khó tả không giấu nổi của ni cô chợt khuấy động tâm tư tôi…

Thơm từng làm dâu một gia đình cách nhà tôi vài bước chân. Đó là một cô gái quê vùng chiêm trũng Sơn Nam Hạ nhỏ nhắn, rụt rè, tự ti, khi nói chuyện với bất kỳ ai đều không dám nhìn thẳng mặt. Tính khí đó lại bị nhấn chìm đi giữa một gia đình toàn kẻ ăn to nói lớn, và có chí “làm ăn nhớn” – từ chồng, bố chồng, mẹ chồng, chị chồng. Dĩ nhiên, chẳng cần tìm hiểu kỹ, tôi cũng hiểu cái chí “làm ăn nhớn” của những người ít học nhưng ham giàu xổi đó là gì, và họ đã thực thi cái “chí” đó ra sao. Kết cục: chị chồng bị bóc lịch ba năm vì tổ chức gái bán dâm trong khu nhà trọ gia đình; bố chồng thổ huyết mà chết sau một vụ cá cược bị thua đậm; chồng thì treo cổ tự tử ngay trong nhà bởi dốc vốn liếng vào một vụ buôn lậu từ biên giới đã đổ bể trắng tay, trốn nợ không xong, nghề nghiệp chỉ có mỗi món chữa khóa học lỏm nhưng khách trong ngõ tẩy chay sau một lần chữa khóa cho nhà người ta bằng cách dùng búa đập khóa… Mấy năm làm dâu, nhiều lần Thơm đã trốn sang nhà tôi, kể lể tâm sự, và khóc với vợ tôi. Từ khi nhà chồng dựng một cái gian hàng nhỏ bán tạp hóa, Thơm được làm chủ quán, song hàng ngày phải kê khai trình báo rất sát sao của mẹ chồng, tỷ mỷ tới từng nghìn bạc lẻ. Thỉnh thoảng Thơm có một khoản tiền tiết kiệm nho nhỏ, liền bí mật đem sang cho vợ tôi cất giữ hộ, phòng bố chồng hay chồng lục lấy mất  ném vào các cuộc đỏ đen và rượu chè – vợ tôi kể lại thế… Khi bố chồng Thơm mất, chưa hết 49 ngày, bà mẹ chồng đã ngang nhiên đưa “bồ rách” về nhà, đóng cửa hú hí với nhau như không hề trong nhà có cô “con dâu vô vị, nhạt như nước ốc” như bà vẫn bô bô tuyên bố vậy với hàng xóm… Sau nửa năm Thơm bỏ đi, bà chị chồng cùng hai tên đầu gấu đã lần mò tìm đến ngôi chùa náu thân của Thơm, buộc Thơm phải ký vào tờ giấy bán ngôi nhà mà Thơm có đăng ký hộ khẩu. Sau đó Thơm không được người ta chia cho một xu cắc bố thí nào, và được trả công cho mười năm làm người hầu gái chăm chỉ bằng lời đe dọa: cấm không được đòi hỏi, kiện cáo gì cả, nếu muốn được yên thân chốn Thiền môn!

Tôi chợt nhớ ba năm trước, Thơm có được về thăm quê, dịp đó đã lên Hà Nội, vào thăm nhà tôi. Khi đi công tác xa về, tôi có nghe đứa con gái đầu đang học lớp 10 kể lại vắn tắt, và nhờ tôi đánh vi tính một bài văn chuẩn bị nộp cho lớp, đề tài “Gia đình”. Nó đã viết về người nó gọi là “mẹ nuôi” như sau, dù hơi ngây ngô vụng dại song lại nói hộ được vợ chồng tôi rất nhiều, tôi chỉ sửa đôi chút về chính tả:

 “Cuộc đời mỗi người đều có những con người, những câu chuyện, những sự kiện in dấu sâu đậm trong tâm trí suốt nhiều năm tháng… Đối với tôi, đó là câu chuyện về một người hàng xóm thân thiết của gia đình tôi… Giờ đây cô đã là “Ni cô”, nhưng tôi vẫn gọi cô là “mẹ” như những năm tháng trước đây - dù “mẹ” không có công dưỡng dục tôi, nhưng lại nằm sâu trong kí ức tuổi thơ của tôi…

Trong trí nhớ của tôi, “mẹ” từng là một người phụ nữ bộc trực nhưng cũng đầy vô tư của tuổi trẻ. Nhưng có lẽ do lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu rõ được nội tâm của lòng “mẹ”. Ai mà biết được trong “mẹ” là một tâm hồn mong manh, yếu đuối, cần được chở che? Và trách sao được cái  tâm tính thơ ngây  của một đứa bé con, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh tới  cái gian hàng xén nhỏ của “mẹ” để vui chơi thỏa thích? “Mẹ” luôn tìm cách đem tới cho tôi những tiếng cười thật sảng khoái, “mẹ” thích ôm tôi vào lòng và rúc vào cái bụng bé xinh của tôi mà nói: “ Con đáng yêu quá, Quyên ơi”. Khao khát được làm mẹ, mong ước được ôm đứa con mà chính mình mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày lúc ấy đang trào dâng trong lòng “mẹ”. Nhưng thiên chức làm mẹ thiêng liêng không bao giờ đến được với “mẹ”, bởi chồng “mẹ” mắc cái bệnh xã hội nguy hiểm do chơi bời trác táng - như người lớn nói thế...

Làm dâu, làm vợ, sống với những con người vị kỷ chỉ biết đặt đồng tiền lên tất thảy, những kẻ mà lòng ham muốn vật chất làm mờ mịt lương tri, cuộc đời “mẹ” đã rơi vào bế tắc thê thảm, không lối thoát. Bản thân tôi lúc ấy, dù mới là một đứa trẻ lên 6, cũng đã cảm nhận được phần nào sự vô tâm của người chồng và sự nghiệt ngã của mẹ chồng đối với “mẹ”.  Ấy vậy mà tôi vẫn thấy sự nhẫn nại và hết lòng yêu thương với chú Cường - người chồng mà “mẹ” coi là tất cả. Thế rồi chuỗi ngày xót xa ấy đã kết thúc với sự ra đi đau đớn của người mà “mẹ” gọi là chồng, nó giống như cái kim đâm sâu vào trái tim “mẹ“. Và “mẹ” quyết định tìm đến nơi cửa Phật, sống một cuộc sống khép kín và chuyên tâm cho việc tu hành, cầu nguyện…

Ngày “mẹ” đi, bây giờ hồi tưởng lại, bao phủ lòng tôi lúc ấy là sự tiếc nuối, buồn bã. Tôi vẫn còn nhờ hình ảnh cuối về “mẹ”: loay hoay gửi cho mẹ của tôi giữ hộ số tiền nhỏ nhặn còn lại mà “mẹ” tiết kiệm trong mấy năm qua, những đồng tiền lẻ nhàu nát như nhiều lần “mẹ” đã gửi mẹ tôi, và gửi lời chào tới gia đình tôi trước khi bước vào con đường mà “mẹ” đã chọn. Khi viết đến dòng này, lòng tôi như thắt nghẹn lại và thầm đau! Đau bởi vì tôi thấy xót thương cho cuộc đời “mẹ”, sao mà cô độc, đắng cay thế! “Mẹ” còn trẻ, còn có khả năng xây dựng lại cuộc đời. Nhưng “mẹ” bế tắc, đành nhắm mắt đưa chân vào một con đường giải thoát mà theo tôi là tiêu cực! “Mẹ” đi, một số người hàng xóm đã khóc, họ thương cho số phận bấp bênh, đầy chông gai của “mẹ”. Lúc ấy lòng tôi rối bời nên tôi không thể nói được với “mẹ” những lời yêu thương, nhắn nhủ nào cả.

Sau này khi thời gian trôi dần đi, khi tình cảm cùng những kí ức tuổi ấu thơ bên “mẹ” dần phai nhòa, lúc “mẹ” trở về thăm nơi cũ, tôi chợt mừng vui khôn tả… “Mẹ” của tôi dường như bao lâu nay phải kìm nén cảm xúc, đã để nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi sững sờ, một xúc cảm thực khó tả. Lẽ ra, khi gặp lại người mình thương yêu, phải chạy tới ôm họ và giãy bày tâm trạng của mình. Nhưng một cái gì níu lại, tôi không còn như cô bé của ngày xưa nữa. Tôi và “mẹ” nhìn thấy nhau mà như có sự xa cách. Tôi nhận thấy “mẹ” thay đổi nhiều quá… “Mẹ” dường như trầm tĩnh hơn, tôi không còn thấy nụ cười tươi tắn trên môi như ngày nào, giờ nụ cười ấy có phần gượng gạo và ẩn chứa sự u uất. Phải chăng vì bão tố cuộc đời đã khiến “mẹ” trở nên vững vàng, không còn sợ hãi khi đối diện với những thế lực tàn ác?...

Và tôi luôn mong muốn rằng có một ngày nào đó tôi có thể một lần nữa được ôm “mẹ” và nói hai tiếng “mẹ ơi” trìu mến và thân thương nhất dành cho “mẹ”… “Mẹ” à, cảm ơn “mẹ” vì đã vun đắp trong cuộc đời con những kí ức của một thời tuổi thơ đáng nhớ. Dù sau này cuộc sống “mẹ” bế tắc, “mẹ” hãy về đây với con, với gia đình của con “mẹ” nhé, con sẽ luôn ở bên “mẹ”, “mẹ” ơi!”.

Tôi đã nhớ lại những mẩu đời chẳng có gì vui về người đàn bà hàng xóm ấy trong sự dẫn dắt bởi những cảm xúc vụng dại chân thành của tuổi vị thành niên. Tôi thầm cảm ơn Thơm đã để lại cho tuổi thơ của con gái tôi những điều dịu ngọt của tình thương, của sự quan tâm săn sóc giữa con người với con người - dù là dịu ngọt trong cay đắng, phiền não, khổ đau. Nhưng nếu tôi biết được, trong đêm đó ni cô đã kể lại cho con tôi những gì đã diễn ra với cô trong ba năm qua, tôi sẽ bảo vợ mời cô ra nhà nghỉ đầu ngõ, một cách vẫn lịch sự, để con bé sinh viên trường Đại học xã hội & nhân văn năm nhất khỏi sớm đau lòng thất vọng về cái cuộc đời đang mở ra trước nó, với bao mộng ước và hy vọng tươi đẹp…

Đây là tóm tắt những gì mà ni cô đã tâm sự với con gái tôi, khiến mắt nó đỏ hoe vào sáng hôm sau:

Sau khi xuống tóc, Thơm được mang pháp danh Tuệ Minh tại một ngôi chùa quê. Mấy năm sau, cô lọt vào “mắt xanh” của một vị cao tăng, và được ưu tiên “tuyển chọn” vào một ngôi chùa lớn mà dư âm của các đại tiệc ăn mừng chúc tụng Lễ khánh thành – khánh an ngôi đại tự kiêm khu du lịch văn hóa Tâm linh khủng sẽ còn làm mê mẩn các sư sãi, Phật tử toàn vùng nhiều năm tháng sau nữa… Chẳng hiểu là may hoặc không may, cái pháp danh mới kia đã vận vào số phận ni cô, Thơm nhanh chóng thấy lạc lõng giữa môi trường mà cô nghĩ là Thiền lặng, Thanh cao này. Bởi hàng ngày cô được chứng kiến không ít vị đại sư cô hằng ngưỡng vọng chỉ hăng hái, mê mải bàn cách kiếm thật nhiều tiền từ khách thập phương và các Phật tử nghèo trong vùng, bằng đủ các kiểu cách tên kêu như chuông mõ: “Dâng sao giải hạn”, “Cúng sao La Hầu”, “Cúng Âm hồn”, “Cúng dường qua bát vàng”, v,v, thậm chí bằng các lễ Lên đồng vài chục giá mấy trăm triệu đồng ở ngay giữa chùa… Những từ ngữ của dân buôn bán, cờ bạc mà cô từng quen thời làm vợ, giờ được nghe lại, với mật độ dày đặc từ miệng những người cô trọng vọng tôn kính làm sư phụ - như: “Không khéo lỗ chổng vó”, “Lãi to rồi”, “Lãi nhảy cẫng lên được”, “Tao sẽ khiến cho nó phải mạt vận”, “Kiện cho nó chết sặc tiết đi”, “Lên tới chức ấy rồi mà còn tham như chó”… Những lời khuyên của Đạo Phật đối với người tu hành về tinh thần Lục hòa (6 điều hòa hợp) mà ni cô được thuyết pháp, như Thân hòa đồng trụ, Giới hòa đồng tu, Khẩu hòa vô tranh, Ý hòa đồng duyệt, Kiến hoà đồng giải, Lợi hòa đồng quân, thì cô tận mắt tận tai thấy nhiều đồng đạo và không ít bậc được gọi là “chân tu” đã ngang nhiên dẫm đạp lên mà không hề thấy ăn ăn, xấu hổ. Hàng ngày - nhất là vào dịp Rằm, các ngày Lễ Phật, nhìn những đám đông chen chúc, giẫm đạp lên nhau len vào chùa với những lời niệm cầu thực dụng chướng tai và thô bỉ trên những khuôn mặt thành kính, đờ đẫn, ni cô đã nhiều lần thấy buồn nôn. Cô ngày một chán nản với Kinh Kệ, với các Phật sự; còn các nhà lãnh đạo Khu Tâm linh trong đó có trụ trì chùa đã lợi dụng sự xinh đẹp và thon thả của cô, thường xuyên dụ khéo cô vào làm vai Tiên nữ trong các hoạt cảnh chỉ có trong truyện thần bí huyền ảo có khói tạo mây thiên cảnh hoặc địa ngục nhằm lôi kéo ngày một đông dân chúng lắm tiền, rỗi việc đến chùa để thưởng lãm và móc túi để cầu Phật…

Thế là cô gái hàng xóm năm nào của tôi, bà quả phụ mà con gái tôi âu yếm gọi là “Mẹ nuôi” quyết trở thành ni cô rồi ni sư để thoát khỏi một tầng địa ngục này để rơi vào một tầng địa ngục khác, sâu hơn, dữ dằn hơn, dĩ nhiên là nhiều quỷ sứ hơn! Tôi thực lòng không muốn con gái tôi buổi đầu đời được biết những chuyện như thế này. Nhưng nó đã trót biết, và kể lại cho tôi nghe chi tiết với sự đồng cảm đặc biệt mà chỉ giới phụ nữ với nhau mới có được… Và tôi chỉ còn biết hy vọng rằng, ba năm nữa, khi “mẹ nuôi” con gái tôi trở về thăm nơi cũ, nó sẽ được nghe kể những câu chuyện đỡ buồn thảm hơn, phấn khích hơn, của hành trình “vượt địa ngục” của vị ni sư bất đắc dĩ. Tôi sẽ gợi ý nó viết bài luận văn có tên ”Một ni sư hạnh phúc” - mặc dù điều này vi phạm một “luật vàng” của điện ảnh mà tôi “thuổng” được từ một nhà lý luận biên kịch Mỹ: “Không ai mua vé vào xem bộ phim có tên Cả nhà hạnh phúc”; song vì nó chưa bước vào con đường văn chương - điện ảnh thương mại nên cần nuôi dưỡng cảm hứng “lãng mạn”, duy trì lòng mơ mộng để ít nhất an ủi được cho người “mẹ nuôi” đáng thương của nó…

 

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Bảy 20235:10 CH(Xem: 5628)
cửa em / không phải cửa mình / cửa ta / nhà bạn / thình lình mở toang
10 Tháng Bảy 20231:55 CH(Xem: 7172)
PHỤ NỮ GIỮA CHIẾN TRANH VIỆT NAM: THỜI ĐIỂM 1969 Tầm nhìn Chiến tranh, Giấc mơ Hòa bình [Visions of War, Dreams of Peace] [1] là nhan đề một tuyển tập thơ của các nhà thơ nữ; nếu là Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, họ đã là những nữ quân nhân như y tá, bác sĩ đã từng chăm sóc các thương bệnh binh; nếu ở những ngành nghề khác, họ đảm trách các dịch vụ không tác chiến như chuyên viên truyền tin, tiếp vận, kiểm soát không lưu, nhân viên Hồng Thập Tự... Nếu là người Việt, họ là những phụ nữ thuộc hai miền Nam hay Bắc, với những trải nghiệm khác nhau, qua những năm tháng chiến tranh. Và như từ bao giờ, cho dù ở đâu, phụ nữ và trẻ em vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh. Trong tập thơ này, có 34 nhà thơ nữ Hoa Kỳ, và sáu nhà thơ nữ Việt Nam: Xuân Quỳnh (My Son’s Childhood), Hương Tràm (The Vietnamese Mother), Hà Phương (To An Phu, From This Distance I Talk To You), Trần Mộng Tú (The Gift In Wartime, Dream of Peace), Minh Đức Hoài Trinh..., Nguyễn Ngọc Xuân...
28 Tháng Sáu 20239:58 CH(Xem: 7776)
anh là chim cánh mỏi / bay về tổ chiều hôm / không còn ai ngóng đợi / tay với cành hoa thơm
18 Tháng Sáu 20236:37 CH(Xem: 6437)
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ. Truyện & kịch của Trần C. Trí mở ra cho ta thấy một cách sáng rõ ngôn ngữ là những quan hệ. Là giao tiếp. Là tâm hồn con người. Nó phả ra cái hơi thở, cái tình cảm của con người. Nó soi chiếu và phóng lên màn hình nội tâm chúng ta những phác đồ tâm lý người. Tôi lại nghĩ đến Heidegger với ý tưởng Ngôn ngữ là nơi an cư của tính thể. Con người cư ngụ trong chính ngôn ngữ của nó.
18 Tháng Sáu 20236:10 CH(Xem: 7578)
có một đêm rằm trăng sáng thơ thẩn ta đi trên đường bỗng dưng nhớ bài thơ cũ … “cúi đầu chợt nhớ cố hương”
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 6544)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:22 CH(Xem: 7103)
mấp mé mấp mé chiều quanh / tiếng kêu sẫm buồn rợn tối / chim. lia rẽ / một khúc quành / xao xác đường về rất vội
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 6653)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.
18 Tháng Sáu 20235:07 CH(Xem: 6097)
Trên đỉnh tháp của đồng đô la / Em - cười vỡ sáng thế ký / Viết trật tự thế giới mới - toàn trị / Đưa ngọn lưỡi Pharisee trở về / Ưỡn mình vào công nguyên/ Liếm mòn nhân loại.
09 Tháng Sáu 20234:36 CH(Xem: 6544)
T. cận tôi trai Hà Nội, song có dịp được đi & sống ở nhiều vùng đất trở thành thân quen, rồi yêu quý - và một trong những vùng đất đó là Bình Định. Một sinh viên của tôi làm phim tốt nghiệp về “Võ Bình Định”, tôi rất vui, bảo: “Thầy mới chỉ biết đôi chút về Trời văn Bình Định thôi, phim của em giúp thầy và nhiều người hiểu thêm về Đất Võ Bình Định đáng tự hào”… Mấy Hội thảo Khoa học về cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - người thầy của Đào Tấn vĩ đại, về Tổng đốc Lê Đại Cang, may được ông Tổng BT tạp chí Văn Hiến Nguyễn Thế Khoa chiếu cố mời về cùng với tham luận và làm phim nên càng có dịp thâm nhập sâu hơn vào kho tàng văn hóa Bình Định. Một dạo, có lớp tập huấn về Biến đổi khí hậu do Thái Lan và Diễn đàn “Nhà báo Môi trường” tổ chức tại Quy Nhơn, được mời tham dự và làm phim cho họ, tôi có điều kiện hiểu thêm về giá trị của Môi trường “xứ Nẫu” nói riêng và Biển miền trung Trung bộ nói chung…