- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHỊ XÍU CỦA TÔI

03 Tháng Bảy 202211:33 SA(Xem: 8306)
tac gia -chi Xiu cua toi
Ảnh: Tác giả Hoàng Thị Bích Hà.

 

  

 

Truyện ngắn        

CHỊ XÍU CỦA TÔI     

Hoàng Thị Bích Hà       

 

 

nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy - chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu của tôi chính là chị để mà học hỏi. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất cấp. Khi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) bác tôi có mời một anh sinh viên tên là Vinh về kèm cho chị học. Anh ấy nhiệt tình, kiến thức vững và tính cách cũng đàng hoàng. Năm tháng trôi đi học xong đệ nhất cấp, chị thi đỗ vào trường Nữ trung học Thành Nội. Mẹ chị là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu và đặc biệt là có giọng hát ru và những làn điệu dân ca xứ Huế rất hay. Ngoài giờ học chị được mẹ kèm cặp, nữ công gia chánh như đan lát, thêu thùa, làm các loại bánh trái, nấu được những món ăn đặc trưng xứ Huế rất ngon. Những năm học ở trường nữ Thành Nội chị càng dễ thương hơn. Làn da trắng hồng, mái tóc vàng mơ bồng bềnh, ôm lấy khuôn mặt khả ái, rất có duyên. Đôi mắt to, lúc nào cũng long lanh với ánh nhìn ấm áp. Nhìn chị có vẻ đài các của phụ nữ Á đông nhưng có chút gì tây tây rất sang. Vì vậy, mỗi lần đi học về không thiếu “những cái đuôi” theo về tận ngõ và cũng không biết bao anh chàng trồng cây si trước cổng trường.

Tuy vậy chị Xíu tôi vẫn chăm lo học hành và về nhà phụ việc cho mạ. Tốt nghiệp tú tài, chị thi vào sư phạm. Lại nói về anh Vinh (thầy dạy kèm từ lớp 6 của chị) kèm cặp chị học từ đệ nhất cho đến đệ nhị, không ai khiến cũng tự nguyện kiêm luôn cả việc đưa đón chị đi học. Vì vậy mấy “cây si” không có cơ hội tiếp cận, cũng chỉ đứng nhìn từ xa mà thôi! Thế rồi, chị thi đậu vào sư phạm cũng là lúc anh Vinh thưa với gia đình bác tôi xin đưa ba mạ anh ấy sang thăm để bàn chuyện dạm ngõ. Bác tôi thấy anh Vinh là người có thể tin cậy để gửi gắm con gái mình, vì anh ấy học thức, con nhà đàng hoàng, lại một lòng yêu thương chị Xíu. Anh kiên trì đeo đẳng cũng đã 5- 6 năm trời, xem ra cũng có vẻ hợp với chị Xíu. Nhưng bác tôi nói:

-Nếu con Xíu thuận thì bác cũng đồng ý cho gia đình hai bên qua lại nhưng hãy để Xíu học xong sư phạm đã rồi mới tính đến chuyện hỏi, cưới.

Ngày lành tháng tốt, chị tôi xem như hoa có chủ. Chị vẫn chăm chỉ học hành cho đến khi cầm bằng tốt nghiệp sư phạm và được bổ đi dạy ở một trường trong Nội Thành. Đám cưới được cử hành trọng thể sau đó không lâu. Nhìn anh chị thật đẹp đôi và tràn đầy hạnh phúc trong ngày lễ vu quy. Bà con ai cũng vui! Rồi chị về làm dâu nhà chồng, gia đình chồng rất mực yêu mến bởi sự đảm đang, giỏi giang, tháo vát và nhân hậu của chị. Ba mẹ chồng thương chị như con gái trong nhà, anh chị em nhà chồng thì thân thiết với chị không khác gì anh chị em ruột. Mỗi lần em út trong nhà có chuyện gì cũng tâm sự với chị và chị tìm cách an ủi, tháo gỡ cho các em. Chị về làm dâu cũng góp phần cùng với ba mẹ, chồng chị để nuôi các em ăn học nên người. Anh Vinh là con đầu, sau anh còn có 7 người em cả trai cả gái.

Anh Vinh là công chức nhà nước. Lúc thời bao cấp khó khăn, lương hai anh chị cũng không đủ đắp đổi, nên anh chị đều phải chạy vạy làm thêm mới nuôi con ăn học và trang trải gia đình, hiếu sự với cha mẹ đôi bên. Ba đứa con anh chị lần lượt ra đời, đứa nào cũng mặt mũi khôi ngô tuấn tú và chăm lo học hành. Lúc này anh chị mua được miếng đất cách trường chị dạy khoảng 1km, rồi làm một cái nhà nhỏ đơn sơ nhưng ấm cũng, ríu rít tiếng trẻ thơ và lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc. Anh lúc này làm quản lý một cơ quan, có vẻ bận rộn hơn, thời gian dành cho cơ quan nhiều hơn. Ngoài việc quản lý anh còn được mời dạy kỹ năng sống cho các lứa tuổi vì anh ăn nói lưu loát, nghe rất xuôi tai bởi vì anh có kiến thức và tỏ ra rất am hiểu. Rồi năm tháng trôi đi cũng có thuyên chuyển đảm nhiệm một vài chức vụ khác trong thành phố. Chị dạy gần nhà và chị còn phát huy tài nấu nướng của mình mà lúc nhỏ mạ chị đã dày công bày vẻ. Ngoài giờ dạy chị làm thêm bằng cách nhận hợp đồng nấu đám cưới, đám hỏi, tiệc tùng cho người ta. Công việc đem lại cho chị thu nhập cũng rất đáng kể ngoài đồng lương nhà giáo thời bao cấp. Chị cũng thay nhà cũ, xây lại được một ngôi nhà hai tầng khang trang với trang thiết bị hiện đại, đủ tiện nghi ngay trên mảnh đất ngày xưa anh chị đã tạo dựng. Làm thì có tiền thật nhưng vất vả lắm, tất bật lắm để tròn cả hai vai. Ai từng đi dạy sẽ không lạ gì các áp lực công việc. Tới lớp lo dạy đủ tiết, về nhà còn phải chấm bài, soạn bài và ghi chép các loại sổ sách. Có khi giáo án, và cả những loại sổ sách rườm rà, không thiết thực gì cho việc dạy học mà chỉ là phục vụ thanh tra kiểm tra mà thôi. Ngoài ra còn phải thao giảng, dự giờ…đủ các kiểu. Chị dậy đi làm từ 3 giờ sáng, đến 7 giờ sáng, sau đó giao lại cho bộ phận khác trong nhóm dịch vụ của chị tiếp tục công việc rồi chị lại hối hả tới trường cho kịp giờ dạy. Trong lúc chồng con chị vẫn còn yên giấc điệp. Có lần chị dậy lật đật, đánh răng rửa mặt và trang điểm qua quýt tới chỗ làm. Chị vớ lấy cây bút chì kẻ viền môi màu đỏ mà chị tưởng là bút chì kẻ lông mày. Chị đưa tay quệt nhanh 2 vệt trên đôi lông mày rồi tất tả nhắc xe, tới chỗ làm. Tới nơi ai cũng lo công việc của mình: người gọt rau củ quả, kẻ tỉa bông trang trí, người hông xôi, luộc gà… Đến lúc gần sáng bỗng có một em nhân viên cười nghiêng ngửa vì nhìn thấy đôi lông mày của chị màu đỏ. Nó la lên:

-Ôi trời! Chị Xíu hôm nay trang điểm độc và lạ quá! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, em chưa thấy ai kẻ lông mày màu đỏ chót rứa tề!

Thế là cả nhóm phá lên cười, đau cả bụng.

Chị vui tính, hòa nhã lại siêng năng nên chị em ai cũng thương. Tới trường chị cũng rất được lòng đồng nghiệp. Bởi chị tốt tính, nhân hậu, hay giúp đỡ đồng nghiệp, thương yêu học trò và làm việc lúc nào cũng đầy trách nhiệm. Duy chỉ có sếp là giữ thái độ khó hiểu. Khi thấy chị làm việc như thế mà việc trường vẫn tròn vành vạnh. Nếu muốn tìm cơ hội để làm khó nhau thì không có dịp nào tốt hơn là thanh, kiểm tra trong đó có dự giờ và soi hồ sơ sổ sách. Mỗi lần thanh tra cấp trên về trường, họ thường dự giờ 3- 5 người. Sếp chỉ ai thì họ dự giờ người đó (Nay thì bỏ rồi, giờ chỉ còn gọi là thanh tra nội bộ trong trường). Nhưng có người cả đời dạy học ít ai dự giờ vì những lý do khác nhau. Thế là có lần vào lúc 12 h trưa mà sếp báo chị là chiều nay lúc 1 h 30 có đoàn thanh tra về và chị là một trong những GV cần dự giờ. 1h chiều chị hớt hơ hớt hải tới trường, vừa chuẩn bị hồ sơ, sửa soạn tiết dạy, chị vừa làm vừa khóc vì thấy có vẻ như bị ép. Nhưng cuối cùng chị cũng hoàn thành các tiết dạy thành công và đạt kết quả tốt. Kể sơ sơ vậy để biết cô giáo, người chị của tôi đã vất vả như thế nào của để có cơ ngơi như ngày hôm nay. Trong lúc anh rể tôi thì với đồng lương nhà nước, nhưng đi về quần áo bao giờ cũng bảnh bao, càng ngày càng trẻ đẹp, ra dáng đàn ông trí thức, lịch lãm lắm!

Các con chị được học hành nên người, đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định. Anh chị cũng đã hoàn thành việc dựng vợ gả chồng cho con. Cũng là lúc sức khỏe chị ngày càng xuống sắc. Da dẻ không còn nõn nà và mái tóc không óng mượt như hồi trẻ nữa. Những năm tháng việc vàn bù đầu đã in dấu lên khóe mắt và khuôn mặt của chị. Tuy vậy chị bước vào thu vẫn là một phụ nữ đẹp. Chị làm việc vất vả là vậy nhưng cũng rất chiều chuộng anh. Ngay cả những việc như anh muốn trở lại “chiến trường xưa” ở một tỉnh khác thăm cô bồ cũ mà chị cũng đồng ý và cùng đi với anh. Chị nói cho anh thăm một lần cho anh khỏi eo oóc vì chị biết cô ấy nay cũng lớn tuổi rồi, nhan sắc cũng đã phai tàn. Khi gặp lại quả thật, sau mấy chục năm anh nhìn người cũ không ra. Chị ấy già nua quá, thế là từ đó về sau anh không còn muốn nhắc lại chuyện đi thăm người cũ nữa.

Anh chị giờ đã về hưu, sau khi nghỉ hưu chị vẫn tiếp tục đi nấu nướng một thời gian nữa. Nay có lẽ cũng mệt mỏi rồi, sức người có hạn mà! Chị cũng không còn đi làm thêm nữa. Con cái đã lập gia đình ra riêng và có cuộc sống ổn định, những tưởng chuyện hôn nhân của anh chị đến đây có thể gọi là viên mãn. Không ngờ, bẵng đi khoảng chục năm không gặp chị vì tôi ở xa, gọi điện thăm chị thì chị nói anh chị đã li thân vì anh có người khác. Tôi nghe qua vậy không thể tin nổi nên an ủi chị rằng:

- Chắc anh say nắng thôi, ít bữa nữa chán thì anh lại về. Chứ anh chị đã sống với nhau gần trọn cuộc đời thế cơ mà.

Chị nói: - Họ bây giờ say nhau quá rồi, không thể cứu vãn. Người đàn bà mới của anh là người trẻ hơn chị tuy cũng đã có con riêng. Bây giờ chuyện này vỡ lỡ đã 2 năm.

Chị cũng đã giấu cho anh chừng ấy năm nhưng nay có lẽ không cần thiết nữa nên chị thật thà kể cho tôi nghe! Tôi rụng rời cả người vì tôi không thể ngờ câu chuyện có kết cục tệ như vậy. Thật bất công cho chị khi mà một con người vừa đẹp người, vừa đẹp nết, lại giỏi giang, tháo vát đem hết cả sức mình chăm lo chồng con, lo tròn hiếu đạo với nội ngoại hai bên mà tuổi xế chiều lại đau khổ như vậy. Chị giờ về nhà mẹ đẻ sống, hàng ngày tụng kinh niệm phật với mạ. Để lại cho anh một ngôi nhà khang trang với tiện nghi đầy đủ, chị gởi lại cho cô con gái đã có gia đình. Còn anh cứ qua lại hàng ngày vui bên tình mới. 

Tôi không biết nói gì để động viên chị cả, bởi tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ họng vì thấy đời bất công quá! Tôi vẫn không tin vào câu: “Hồng nhan đa truân” mà chỉ vận vào người chị của tôi xem như là môt câu nói để mà an ủi thôi! Chứ tôi vẫn nghĩ chị khổ vì không may vướng phải chữ bạc tình. Có người ta vụng về bao nhiêu, nhan sắc cũng không lấy gì làm nổi trội nhưng họ may mắn gặp người chồng tử tế, chung thủy, hết mực trân trọng, thương yêu cả đời. Nhưng anh thì có lý của anh, anh than vãn với bạn của chị là “Xíu ít quan tâm đến anh”. Tôi nghe kể như vậy thì tôi cũng không ngạc nhiên gì trước lý lẽ biện minh này. Khi chán người ta có thể đưa ra cả 1001 lý do chứ chừng đó mà nhằm nhò gì. Nhưng sao anh không nghĩ ngược lại là anh đã quan tâm đến chị chưa? Đã thấu hiểu vất vả một gánh hai vai, đi sớm về trưa, giấc ngủ không tròn của chị chưa? Lẽ ra anh phải đỡ đần chị thì mới đúng, chị việc ngập đầu thế kia mà, nhiều khi đi làm không kịp ăn uống gì, chị có để ý gì cho bản thân đâu vì chị bận lo cho gia đình. Chị ngủ không đủ giấc. Mỗi lần trường đi tham quan, đồng nghiệp thấy chị nằm đâu ngủ đó, Khi di chuyển trên thuyền, hay trên xe… mọi người khen chị dễ ngủ nhưng tôi nghe kể mà xót xa lắm! Tôi hiểu chị thiếu ngủ, thèm ngủ vì chị thường dậy sớm mỗi ngày trong một thời gian dài năm này qua năm khác như thế. Thời diểm 2- 4 giờ sáng là thời gian người ta ngủ ngon nhất mà chị lại phải dậy rồi. Điều này đối với tôi thì chị phi thường quá. Tôi thì không thể học chị điều này. Vì tôi đêm nào lỡ  bận việc gì mà buộc phải hoàn thành cho xong như vậy chỉ  thiếu 1- 2 tiếng đồng hồ trong giấc ngủ là ngày mai tôi cứ lờ khờ như con gà dịch rồi. Còn chị vẫn tươi mươi, đi làm năng nổ, nhiệt tình, việc nào ra việc nấy trọn vẹn thật đáng nể. Sức khỏe trời cho chị như vậy như thể là để bù đắp cho chị.

Thôi giờ chỉ cầu mong cho chị và mẹ thật an lành, sức khỏe, thâm tâm an lạc tuổi già. Thỉnh thoảng có mấy chị bạn học cũ về chơi, chuyện trò với chị cho khuây khỏa phần nào. Tôi nay ở cách chị cả ngàn cây số, ít khi có dịp trở về để lại bên chị tỉ tê như ngày nào. Tôi cảm thấy mình thật có lỗi với chị, nhất là như lúc này. Nhưng tôi vẫn tin chị tôi luôn mạnh mẽ như chị đã từng như thế!

Hoàng Thị Bích Hà

SàiGòn,23/7/2021.


 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 6905)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 6270)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 7127)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 6472)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.
12 Tháng Chín 202312:43 SA(Xem: 6598)
Hai câu trên nằm trong bài thơ mang tên “Lễ Phục Sinh 1916” của William Butler Yeats. Bài thơ nhằm tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống cho tự do và độc lập của Ireland. Cuộc hành quyết đẫm máu các thủ lĩnh cách mạng sau cuộc trỗi dậy vào ngày lễ phục sinh đã đánh thức cả một thế hệ Ireland. Cuối cùng, nhân dân Ireland cũng dành được độc lập vào năm 1949 và bài thơ của Yeats được cho là một trong những bài thơ chính trị hay nhất của thế kỷ 20 trong lịch sử văn học nước Anh.
12 Tháng Chín 202312:14 SA(Xem: 7405)
khi ngôn ngữ trở thành phù phiếm / trên môi người hát ca / anh trở về yên ngủ / dưới cội hoa mai già
10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 6192)
Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”.
04 Tháng Chín 202310:02 CH(Xem: 5897)
Tháng Chín, đêm khuya về ngồi lặng / Nghe gió cười khúc khích rượu tan / Mai chắc sầu in trên đá / Em chắc quên rồi tháng Chín, trôi.
04 Tháng Chín 20238:58 CH(Xem: 7297)
tôi gặp người lính già / trên chùa đồng yên tử / chốn rừng thiêng trúc lâm / trời đêm ... mưa mịt mù / người lính ngồi nguyện cầu / co ro dáng trầm tư / mặt xương gầy khắc khổ / mắt buồn sâu tâm tư
04 Tháng Chín 20238:52 CH(Xem: 5204)
Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…