- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CŨNG CÓ KHI TRĂNG ĐỎ

22 Tháng Sáu 20221:27 SA(Xem: 21425)
DAN VOI TRANG DEM- LcG

Lê Chiều Giang          
CŨNG CÓ KHI TRĂNG ĐỎ     

 

Mùa trăng, với chúng tôi chỉ có một ngày duy nhất. Đúng rằm, phải đúng ngày 15.

Nghe cứ như ngày của cúng bái khói hương, với hoa trái cùng tiếng chuông chùa trong những chiều lao xao, đình đám...

 

Có tiếng vỹ cầm cũng như một hồi chuông, đã ngân vang cùng chúng tôi mỗi đêm rằm trăng sáng.

Em, người bạn của gia đình, mà lần đầu tiên gặp trong đám đông bè bạn tới chơi nhà, tôi đã ngồi mê man nghe tiếng đàn em, lắng sâu nhưng đầy sôi nổi.

Chỉ duy nhất một lần em lên căn chung cư nhỏ, sau đó em khẩn khoản, và nhất định chỉ đàn cho riêng tôi, với tôi ngay bên bờ sông vắng, mỗi đêm trăng.

Thương em mang bịnh tự kỷ, đã có phần ít hơn so với mê tiếng vỹ cầm, cùng với dáng em thấp thoáng chút hay hay giang hồ, bạt mạng.

Tôi đã rất đúng hẹn, ngồi đợi em mỗi tháng một lần trong đêm rằm, bên dòng sông trước căn chung cư nhỏ.

Có những khi em tới sớm, ngồi chờ tôi với khói thuốc mà đứng trên lầu cao nhìn xuống, tôi nghĩ em đang thả khói như một tiếng gọi mong chờ, giục giã. Phảng phất, mà tôi cũng hít hà cái hương thơm quen thuộc, đã theo gió bay quanh tới tận balcony cùng với bóng chiều tà, sắp tối.

 

Em ít nói, nhiều khi em không nói. Im lặng của em đã được thay bằng một thứ âm thanh khác, dìu dặt, mơ hồ: Massenet, Beethoven....

Ánh mắt em tôi khó nhìn ra những xúc cảm, bởi ánh trăng mờ sáng chỉ đủ thấy nhờ nhờ kiếng trắng em mang, trên gương mặt có chút gì man dại. Và như thế, đêm với tôi và em đã chẳng ai nhìn nhau cho rõ mặt, đã chỉ như những khoảng bóng tối, rọi sâu xuống dòng nước nhạt nhoà, trôi dạt theo chút bàng bạc của đêm trăng.

Em không xe đạp, không đi xe máy. Em chẳng dùng bất cứ phương tiện nào mỗi lần ghé thăm . Sau 2 tiếng đi bộ mệt nhoài, tôi hay xót xa nhìn em ngồi lặng hồi lâu với rất nhiều khói thuốc.

Đặc biệt, violin của em không đựng trong hộp. Nó trần trụi với gió sương, cát bụi. Nó theo em cùng mưa nắng, những cơn nắng như điên, nắng chết người của Sài Gòn…

Em thường đặt cây đàn ơ hờ trong lòng mỗi khi chờ tôi yêu cầu thêm khúc nhạc mới. Meditation hay Elegie... Trăng, và dáng em lồng lộng giữa trời, với tiếng đàn điên đảo, cũng đã nhiều khi làm tôi bồi hồi, chới với.

 

Nhớ có lần tôi lỗi hẹn, không xuống cùng cây vỹ cầm và em. Tôi với một nhà đầy khách, một buổi vui chơi mà đã không thể nào bỏ ngang, từ chối.

Thoáng trong những lao xao của bè bạn, văng vẳng tôi nghe tiếng đàn bên sông vắng. Tiếng violin nỉ non rồi mất tăm cùng ánh trăng hò hẹn… Em đàn đi đàn lại khúc Nocturne của Chopin, bản tôi đã nghe trong buổi gặp em lần thứ nhất. Xao xuyến, tôi muốn chạy bay xuống, nhưng đã không thể nào.…

Đêm đó, thao thức đã bắt tôi phải hình dung ra dáng em buồn bã trên đường trở lại nhà. Em nghĩ gì trong căn bệnh hoang tưởng mịt mù đầy ảo ảnh? Sự khác lạ khi không có tôi bên tiếng nhạc thanh thoát có làm em giận dữ? Sao tôi nghe ra tiếng đàn em tối nay, những note và nhịp bỗng dưng lệch lạc, sai sót ...lúng túng, rên rỉ như những lời gọi réo, thở than.

 

Sửa soạn cho một bữa ăn chiều ấm áp. Tôi muốn có thêm Anh, để chúng tôi cùng ngồi quanh với những ly rượu đỏ và tiếng vỹ cầm của người bạn nhỏ. Đã rất ý nhị, Anh muốn để yên chỉ mình tôi với em, bên dòng sông cùng tiếng đàn se sắt.

Có gì như chút lòng trắc ẩn, Anh không muốn chạm tới một cõi rất riêng của em chăng?

 Cõi riêng của em mà đã rất chung, cùng tôi với tiếng violin và với cả dòng sông vật vờ trăng sáng…

Cõi riêng, đã giúp em vượt thoát hết buồn phiền ảm đạm, của một đời sống mờ mờ, không sáng mà cũng chẳng hề tối tăm.

 

Trải trên cỏ xanh là màu rực rỡ của cây trái và óng ánh sắc đỏ của rượu, với chút nắng chiều hắt xuống, tôi nhìn ra như một bức tranh tĩnh vật, lặng lẽ nhưng rộn ràng, xôn xao...

 Em đã vui hơn mọi khi, em đã nói nhiều hơn trước.

Em dặn tôi đừng yêu cầu bất cứ khúc nhạc nào đêm nay, bởi em thèm một không gian tĩnh lặng.

Chúng tôi ngồi với trăng mênh mông trên sông và tiếng gió ngạt ngào thơm mùi cỏ dại.

 

Chợt em nói ra cùng tôi lời tha thiết...Một phản ứng tự nhiên không ngờ, tôi đứng ngay dậy như vừa phạm phải điều tội lỗi, bỏng lửa...

Trong bóng tối mà tôi nhìn ra em đỏ mặt. Em khóc.

Lúng túng tôi ngồi lại bên em, tôi muốn nói lời gì có thể làm em nguôi ngoai, nhưng cổ tôi tắc nghẹn. Ngôn ngữ nhiều khi thật vô nghĩa lại có phần khó khăn, ít nhất là trong lúc này, lúc mà tôi ráng tìm cho ra chữ, trí óc tôi lại trống không, trắng xoá.

Tôi đã nghe tiếng khóc trẻ thơ, mẹ già, thiếu phụ. Đã nghe ra tiếng khóc của chiến tranh, đói rách cùng biết bao khổ đau, trầm luân của đời người...Và ngay cả tôi đã nghe ra tiếng khóc bàng hoàng đầy bi thảm, trước nỗi chết.

Nhưng đã chẳng có tiếng khóc ai oán nào như em khóc cùng tôi đêm nay. Tiếng khóc của người chợt nhận ra mình không còn nơi nương náu. Chợt nhận ra mình tay không.

Nước mắt em nhỏ nhạt nhòa kiếng trắng, như ngấn lệ của tôi rơi, những ngày xưa thơ ấu.

 

Điều không ngờ nhất nên tôi chẳng có chút phản ứng nào để kip ngăn cản, rất giận dữ em quăng cây đàn ra xa tắp giữa dòng sông.

Và chao đảo... Em bỏ đi lặng lẽ.

Tôi đứng trong hoảng hốt, nhìn cây đàn như một chiếc lá nhỏ vật vờ trôi.

Tôi bơi rất xa, tôi lạnh. Tôi một mình, đuổi theo tiếng đàn đang chết đuối giữa sông đêm.

 

Vụng về, tôi đã chẳng nghĩ ra cách nào có thể cứu vãn cây vỹ cầm sũng nước.

Xót xa tôi hơ trên lửa, lửa đỏ làm cong, uốn cây đàn mong manh ướt ra một hình thù rất khác.

Tôi hình dung ra gương mặt em bên góc đàn: méo mó, rục rã như một tác phẩm điêu khắc thời Trung Cổ, xa xưa…

--------

 

Trăng California không khác trăng Sài Gòn. Có khác chăng là tiếng vỹ cầm đã không còn đắm đuối cùng tôi bên dòng sông cũ.

Rất nhiều năm, tôi treo cây đàn với hình thể gẫy cong ngay phòng khách, bên cạnh những bức tranh của Anh, như một phẩm vật ẩn chứa chút kỷ niệm u hoài.

Trăng cũng đã nhiều đêm rọi soi trên cây vỹ cầm những reo vui, cùng thảm đạm của bao mùa trăng cũ, và tôi vẫn nghe ra tiếng nhạc thiết tha như một gọi réo êm đềm.

 

Lần cuối cùng, dọn nhà cho một thay đổi rất mới, tìm theo chút hạnh phúc còn lại giữa đời.

Và, trước khi ra đi.

Vào một đêm rằm trăng đỏ, trăng của ngàn năm mới lửng lơ giữa trời, trăng mà đỏ như chiều tàn giữa đêm thâu.

Rất dịu dàng tôi thả cây vỹ cầm xuống biển. Tôi đã chẳng vùng vằng, quăng ném cây đàn tội nghiệp ra giữa dòng sông như em.

Thiên hạ thường ra giữa lòng biển để rắc những tàn tro. Tôi đứng trên bờ nhìn cây đàn của em trôi dần xa, như tìm cho nó một nơi chôn cất mới.

Biển không êm ái, lồng lộng với gió đêm.

 Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.

 

LêChiềuGiang

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 20249:28 CH(Xem: 11136)
Nhớ thời tóc rẽ đường ngôi thẳng / Sách vở tươi hồng cạnh bút nghiên / Nụ cười ai bỏ quên trên cỏ / Bên lối đi về mỗi sớm trưa
23 Tháng Mười Một 20249:16 CH(Xem: 7349)
mắt đời xanh mấy hàng tre / mà mưa đâu lại bập bè lạnh vây / nhà em chổ đợi bữa nay / mái tranh lợp gió trắng tay có gì
23 Tháng Mười Một 20248:51 CH(Xem: 13375)
Hình như không đợi đến lúc thật già, chỉ nhá nhem cái tuổi già già thì đã thấy lẩn thẩn cái chi đâu đó trong mắt người khác rồi. Tôi buôn bán ở chợ Qui Nhơn, anh bạn hàng của tôi hôm ghé hàng lấy đồ về cho vợ bán, anh ngồi mà than vãn. - Chắc anh điên mất vì bà vợ của anh. Hễ anh nói gà thì bả nói vịt. Anh nói cái chén thì bả nói cái xe. - Hì hì chuyện thường mà anh. Do giờ anh thay đổi nên thấy vậy đó chớ hồi xưa anh lắng nghe mà nuốt từng lời chị nói đó chớ.
23 Tháng Mười Một 20248:37 CH(Xem: 8638)
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành.
23 Tháng Mười Một 20246:44 CH(Xem: 14256)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. -(Bạt Xứ)
23 Tháng Mười Một 20246:25 CH(Xem: 8957)
Giật mình, ngồi bật dậy, tâm trí nửa tỉnh, nửa mê; tuy còn đang ngơ ngác bần thần, tôi vẫn nghe thoáng bên tai, âm điệu tiếng hát chơi bài lô tô: tìm mãi không ra ...nó chạy đâu xa...nó chạy đâu xa …tìm hoài mới ra ... là con số gì đây... con số gì đây, con số … hai mươi ba (23). Tôi lẩm bẩm: lại nằm mơ nữa rồi!
19 Tháng Mười Một 20249:37 CH(Xem: 13485)
Anh biết em sẽ không còn tin / Khi mọi chuyện là những lời rao / Ẩn sau hàng biểu ngữ / Tiếng thở dài cho tương lai mù sương sớm
03 Tháng Mười Một 202410:25 CH(Xem: 9599)
Trăng về kịp đêm nay / Nghe em hát tình ca / Bằng ngón tay chờ đợi / Lưng đêm mỏi rã rời
02 Tháng Mười Một 20244:14 CH(Xem: 10156)
Thử đặt giả thuyết: Nếu người Pháp bị một thế lực ngoại bang bắt buộc phải viết lại chữ Pháp bằng một ngữ tự khác, không phải ngữ tự La tinh (ngữ tự Ả Rập chẳng hạn), và thứ chữ Pháp mới này, sẽ là chữ quốc ngữ Pháp, do người ngoại quốc sáng chế ra mà không cần tới sự hướng dẫn của một người Pháp nào. Người ngoại quốc này có thể là ông Nguyễn Văn Mỗ, tương tự như ông Alexandre de Rhodes, chẳng hạn. Thì người Pháp sẽ nghĩ sao? Họ có tin được việc này không? Tôi không nghĩ có người Pháp nào chấp nhận việc một người Việt đến Pháp ở vài năm, có thể sáng chế ra chữ mới cho người Pháp viết, làm tự điển cho người Pháp học, mà không cần sự giúp đỡ, của một người (Pháp) bản xứ nào.
02 Tháng Mười Một 20241:29 SA(Xem: 11846)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tính cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. - Bạt Xứ