- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

XUÂN MUỘN

25 Tháng Giêng 202210:43 CH(Xem: 13563)

XUÂN MUỘN

Trần C. Trí           

 

xuan muon -TranC.Tri

 

Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng trước những dấu hiệu của một mùa xuân đang trở lại. Chợ búa thay màu đổi sắc, rực rỡ hẳn lên với những mặt hàng dành riêng cho tết nhứt. Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, ba má cô đã háo hức sửa soạn mọi thứ như vẫn làm từ năm này qua năm khác. Nhắm mắt lại, cô Thơm có thể mường tượng ra cảnh dưới bếp, má cô lễ mễ mang về những món cần thiết để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng giao thừa và đầu năm. Hay trên gian nhà chính, ba cô đang dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi bộ lư đồng và chân đèn sáng loáng đến ngó vào cũng thấy rõ mặt mình.

            Năm nào cũng như năm nấy. Trong thôn, tụi nhỏ thường lác đác đốt pháo sớm. Mùi pháo thơm nồng bay phảng phất trong không gian, gợi lại bao nhiêu hình ảnh của những mùa xuân đã qua và hứa hẹn một mùa xuân êm đềm sắp tới. Sau khi đưa ông Táo, người ta bắt đầu vặn nhạc xuân thật to, tuồng như để hâm nóng không khí đón xuân trong lòng mọi người. Lạ một cái, trong khi gần như ai ai cũng bồi hồi, nao nức khi nghe lời ca của những bài hát quen thuộc như “Xuân đã đến đây rồi, dáng xuân tuyệt vời...”, hay là “Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng, trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang...”, cô Thơm lại thấy lòng mình không mảy may xúc cảm. Trái lại, bài hát về mùa xuân mà cô thích nhất là một bài rất ít người nghe, mà nghe vào lúc xuân về lại còn hiếm hoi hơn. Bài hát đó mở đầu với mấy câu sau: “Dù mùa xuân đã đến đây, sao lòng vẫn ơ hờ. Nhìn ngoài sân thay lá cây, biết rằng đã sang mùa...”

            Cô Thơm có lý do riêng để thích bài hát đó. Chưa kể vì sao lời hát đã đánh động vào tim cô như thế nào, nội chi tiết “nhìn ngoài sân thay lá cây” cũng đủ làm cô tâm đắc. Căn nhà ba má cô đang ở trong thôn là do ông bà ngoại cô để lại. Má cô kể rằng ngày xưa cả thôn là một rừng mai bạt ngàn. Vào khoảng cuối thế kỷ mười bảy, ông sở ông sơ bên ngoại của cô đã về đây khai hoang, mạnh ai chiếm đất cho người đó; chính quyền địa phương không những không ngăn cản mà lại còn khuyến khích chuyện mở mang làng xóm vào thời ấy. Khu đất do ông sơ chiếm được, sau này ông cố ngoại của cô cho chặt phần lớn những cây mai để lấy chỗ cất nhà, chỉ chừa lại đâu chục gốc mai làm kiểng ở sân trước như ngày nay.

            Dấu hiệu của mùa xuân, đối với cô Thơm, là những gốc mai già cỗi cả trăm năm bắt đầu rụng lá, như những cô gái e ấp muốn khoác vào bộ áo mới để đón xuân. Ví von nghe thơ mộng như vậy, nhưng thiệt tình cô chỉ có những cảm nghĩ bi quan khi nhìn cảnh tượng đó. Trong một trang của cuốn nhật ký của mình, có lần cô đã ngậm ngùi  ghi lại những dòng sau: “Tết sắp về rồi đó. Mai vàng đã nở lưa thưa như lòng ta lẻ tẻ. Ôi, mùa xuân của ai chớ nào phải mùa xuân của ta!”

            Mấy cây mai chỉ rụng lá làm điệu thôi, chớ muốn mai thay lá mới cho đều, phải lặt lá mai cho trụi cây mới được. Năm nào cô Thơm cũng chăm chỉ lặt lá hết mấy cây mai trước nhà. Mỗi cây phải mất hơn cả tiếng đồng hồ mới chịu trụi lá. Cô Thơm lặt hết cây này qua cây khác, nhanh lắm cũng tròm trèm hai ba ngày mới xong. Cô cặm cụi lặt từng chiếc lá trong không khí yên lành của của vùng quê. Hăm mấy Tết, mùi pháo đốt sớm, tiếng nhạc xuân lại bồng bềnh đâu đó trong không gian. Nhưng tất cả chỉ làm cho cô Thơm thấy cay cay ở mắt, nồng nồng ở mũi, tủi thân cho chính mình. Ba mươi mấy mùa xuân trôi qua rồi, cô vẫn phòng không gối chiếc. Bạn bè cùng lứa của cô ai nấy đã yên bề gia thất hết, lắm đứa đã tay ẵm tay bồng. Ở nhà quê, không thiếu những cô gái đi lấy chồng lúc mới mười tám, mười chín tuổi. Con gái mà “hăm đi hăm lại” đã kỳ cục rồi, chớ đừng nói tới thứ “băm tới băm lui” như cô. Nỗi buồn âm thầm của cô lại càng thấm thía mỗi độ xuân về. Ai ưa tết nhất thì ưa, chớ cô lại còn ghét Tết nữa là khác. Bởi vậy, làm sao mà cô lại không khỏi “ơ hờ” dù “mùa xuân đã đến đây” chớ?

            Kể cũng lạ, từ thuở còn là nữ sinh cho đến khi rời sách vở, chưa một lần có người đàn ông nào thiệt sự để mắt tới cô Thơm. Mà cô có xấu xí, vô duyên gì cho cam. Lúc còn đi học, bạn bè trai gái của cô trong trường vẫn kháo nhau bầu cho cô làm hoa khôi, dù cô không phải qua cuộc thi sắc đẹp nào hết. Không biết chức hoa hậu không chính thức đó có vận vào số mạng của cô, làm cô mất duyên đi không, chớ tuyệt nhiên chẳng có chàng trai nào tỏ tình với cô trong suốt thời kỳ cô đi học hết. Từ giã mái trường, cô ở nhà phụ má cô dệt chiếu, lại càng không có cơ hội cho cô quen biết ai, nói chi tới chuyện gặp gỡ người trong mộng. Mỗi tháng hai lần, cô ra chợ giao chiếu cho những mối hàng quen. Cô đi về như một cái bóng, đi một thân, mà về cũng một mình. Ông bà có nói “Trai khôn tìm vợ chợ đông”. Cô Thơm cũng thầm mong mình có ngày sẽ gặp một chàng “trai khôn” nào đó đang đi tìm ý trung nhân, nhưng hình như những chàng trai như vậy đã bỏ quê ra tỉnh hết rồi.

            Cô Thơm thầm sốt ruột cho phận gái già của mình một, má cô còn sốt ruột cho cô gấp mười lần là ít. Nhà có ba chị em, hai gái một trai. Cô Thơm là chị lớn. Kế cô là Ngát, nhỏ hơn cô mà đã có chồng, ra riêng, được thằng cu tí hai tuổi. Thằng em út tên Báu, ăn chưa no, lo chưa tới, học ít chơi nhiều, chẳng được tích sự gì trong nhà này hết. Ngày này qua ngày khác, cô Thơm lặng lẽ ngồi dệt chiếu cùng với má cô. Công việc này, ngày trước, là của Thơm và Ngát. Tới khi Ngát đi lấy chồng, má cô mới thế chỗ con gái út. Cô Thơm như một diễn viên nồng cốt đóng hoài một vai trong vở tuồng đã thay đào đổi kép. Tính ra, cô đã dệt chiếu gần hết quãng đời thiếu nữ của mình, bắt đầu đâu từ lúc chín, mười tuổi cho đến tận bây giờ. Đều đặn như cái đồng hồ lên dây cót của ông ngoại để lại treo trên tường trong gian phòng thờ, hai má con chăm chỉ dệt chiếu buổi sáng, nghỉ ăn trưa, rồi lại tiếp tục cho đến khi trời sụp tối. Má cô ngồi dập go thoăn thoắt như một cái máy, còn cô cũng lanh lẹ không kém, tay liên tục văng cói vào đường dệt của má. Những sợi cói nhuộm đủ màu xanh đỏ, loè loẹt như người thiếu nữ miền quê đỏm dáng, dần dần được thành hình theo một khuôn mẫu sẵn có, thành những tấm chiếu đầy đủ hoạ tiết mà hằng ngày hai má con vẫn đều đặn hoàn tất, xếp chồng ngay ngắn lên nhau, đợi ngày giao cho bạn hàng.

            Trong khi làm việc, hai má con có lúc không ai nói với nhau lời nào. Chỉ nghe tiếng go dập đều đều, tiếng cói kêu lách tách, lẫn tiếng chim hót đâu đó trên cây, hay tiếng gà eo óc gáy trong sân. Có lúc hai má con cũng vừa làm vừa nói chuyện nói nhau, phần lớn là những chuyện vu vơ về làng trên xóm dưới, mà cũng có khi là về đề tài mà cô Thơm muốn tránh. Đó là những lúc má cô nhìn cô, thở dài nói:

“Thơm à, má cũng rầu cho con quá. Ba má già rồi, chỉ mong con cái yên bề gia thất đặng có cháu ẵm bồng là một, mà cũng để ba má yên lòng nhắm mắt, không phải lo nghĩ gì nữa.”

Cô Thơm tránh ánh mắt của má, nói giọng rời rạc:

“Má nói gì mà nghe thảm vậy. Đàn bà con gái đâu phải ai lớn lên cũng phải lấy chồng, sanh con đẻ cái đâu má. Nếu con cũng đi lấy chồng thì giờ phút này ai còn ngồi dệt chiếu với má đây chớ?”

Má cô bực mình:

“Tao đâu có cần mày ngồi đây dệt chiếu! Tao chỉ muốn mày bằng chị bằng em, cũng có gia đình gia điếc như con gái người ta. Con không biết chớ mỗi lần má ra ngoài, bà con chòm xóm người này người kia cứ xúm vô hỏi chừng nào con có chồng. Những lúc đó má chỉ muốn độn thổ mà thôi.”

Cô Thơm cự nự, vùng vằng văng những sợi cói vào go:

“Hơi đâu má để ý tới những kẻ xấu miệng đó. Bộ không có chồng là một cái tội hay sao? Mà có chồng cũng có gì bảo đảm là có hạnh phúc đâu. Má không thấy con Lan con bà Sáu sao? Chồng gì mà bài bạc, say sưa tối ngày. Nó khóc lên khóc xuống với con hoài. Lấy chồng mà kiểu đó thì con không có ham!”

Tay má vẫn đều đều dập go, nhưng mắt má thì háy cô một cái thiệt dài:

“Ai biểu mày ngó chi mấy con đó? Sao mày không dòm con Hồng kìa? Chồng nó nâng nó như trứng mỏng, hứng nó như hứng hoa đó.”

Cô Thơm muốn ứa nước mắt:

“Duyên ai phận nấy chớ má! Con có muốn như vầy hoài đâu. Má đi hỏi ông trời đi, tại sao con tới tuổi này mà chưa có ai tới rước đi cho ba má rảnh tay. Con làm sao biết được!”

Mỗi khi câu chuyện tới chỗ căng như vậy, một trong hai người thường làm thinh trước để tình hình khỏi trở nên tồi tệ hơn. Rồi hai má con lại im lặng, dán mắt vào những sợi cói đủ màu. Những sợi cói vẫn vô tình, tíu tít đan vào nhau dưới đôi bàn tay dường như đang bị người điều khiển hậm hực trút hết những bực dọc vào chúng, thành những mảng dệt màu mè, nét nào ra nét đó.

Nhưng năm nay thì khác. Cảm xúc thờ ơ, lãnh đạm của cô Thơm đối với mùa xuân đang về không còn nữa. Trong hồn cô đang có một làn gió mới lạ thổi vào, biến cô thành một con người khác. Mọi vật chung quanh cô, những điều mà năm nào cũng diễn ra để báo mùa xuân sắp tới, đột nhiên trở thành những dấu hiệu diệu kỳ, làm cô cũng nao nức chờ xuân như bao người khác. Tiếng pháo đốt sớm, mùi pháo thơm thoang thoảng, những lời nhạc xuân lặp đi lặp lại mà mọi năm cô không buồn để ý tới, năm nay tự nhiên tất cả như được phả vào một ý nghĩa sâu xa, thấm thía. Đồng thời, câu ca “Dù mùa xuân đã đến đây, sao lòng vẫn ơ hờ...” bỗng dưng cô nghe nhàn nhạt thế nào, bởi vì nó không còn nói lên nỗi lòng của cô như những năm về trước nữa.

Số là vào khoảng đầu năm, nhân thằng Báu tháng nào cũng đem học bạ về nhà với toàn những điểm thấp về toán và tập làm văn, ba cô Thơm đã mời thầy Huy ở thôn dưới về kèm cặp cho nó. Thiệt tình mà nói, mới đầu sự xuất hiện của thầy trong nhà mình không làm cô Thơm để tâm tới. Bởi cô đã từng giao tiếp với nhiều người đàn ông trong công việc rồi, không phải đây là lần đầu cô thấy người khác phái. Nhưng trên đời vẫn có những người như vậy. Mới đầu, họ như là những chiếc bóng mờ. Họ xuất hiện trước mọi người, đi tới đi lui, cười cười nói nói, mà không để lại một ấn tượng nào đáng kể cho ai hết. Nhưng từ từ,  sự có mặt của họ, lời ăn tiếng nói của họ, bỗng một ngày nào đó bừng lên như một tia nắng xuyên qua đám mây mù ảm đạm, trở thành chói chang một cách thiệt mầu nhiệm. Đó là cảm tưởng của cô Thơm về thầy Huy sau hơn một tháng thầy tới nhà dạy kèm cho thằng Báu. Thường ngày thì thầy chỉ gật đầu chào cô khi nhác thấy cô ở đầu hè hay đang ngồi dệt chiếu với má cô trong cái chái lợp tranh bên hông nhà. Những lúc như vậy, cô cũng khẽ gật đầu chào lại thầy cho có lệ, trong đầu vẫn đeo đuổi tiếp một dòng tư tưởng nào đó. Thầy đến rồi thầy đi. Cô vẫn tiếp tục “một ngày như mọi ngày” trong căn nhà cũ kỹ được truyền từ đời này qua đời nọ ở vùng quê hẻo lánh này, tưởng như không có chuyện gì sẽ thay đổi nổi, tưởng như thời gian đã bỏ quên nó, không còn làm nó bận tâm tiến về phía trước như những xứ miền khác nữa.

Cho đến một bữa. Hôm ấy, thầy Huy vừa dạy xong bài cho thằng Báu. Ba má cô đi vắng hết. Ông bà tới thăm một người bà con vừa mới bệnh dậy. Thằng Báu hân hoan xếp sách vở, chạy ào ra sân như một con thú vui vẻ được xổng chuồng. Cô Thơm đang lúi húi tưới nước cho những chậu bông vạn thọ đầu hè thì thầy Huy tiến lại. Thầy đằng hắng nho nhỏ mấy cái đặng cô khỏi giựt mình rồi mới cất tiếng chào. Thầy hỏi:

“Bữa nay hai bác đi vắng, cô nghỉ không dệt chiếu há?”

Cô Thơm hơi luống cuống. Lần đầu tiên thầy Huy đứng cách cô với một cự ly khá gần. Cô lặng người đi một giây rồi mới lấy lại bình tĩnh, trả lời:

“Dạ, lâu lâu cũng phải có một ngày nghỉ xả hơi chớ thầy!”

Thầy Huy mỉm cười, lần đầu tiên cô Thơm mới thấy thầy cười. Nụ cười của thầy làm cho gương mặt vốn dĩ trông nghiêm khắc, mô phạm của thầy bỗng rạng rỡ hẳn lên, khiến cô Thơm mường tượng tới một cái mống trời đủ màu xuất hiện sau một cơn mưa dài. Giữ nguyên nụ cười hiếm thấy trên môi, thầy Huy bảo:

“Tôi muốn cho cô biết đặng cô mừng là em Báu học hành tấn tới lắm. Mấy tháng vừa rồi điểm toán và làm văn của em lên hẳn, cô à!”

Cô Thơm cũng cười theo:

“Vậy thì phải cám ơn thầy nhiều lắm. Thằng Báu nhà này làm biếng hết chỗ chê thầy ơi! “  

Thầy Huy nói giọng vừa dễ dãi, vừa ra vẻ giáo điều:

“Con trai nó vậy đó cô! Đứa nào cũng ham chơi, nhưng rất thông minh. Em Báu học đâu nhớ đó, tôi vừa bụng lắm.”

Trong lúc thầy Huy đang nói, cô Thơm kín đáo quan sát nét mặt của thầy. Trời đất, tại sao hồi giờ cô không để ý đến gương mặt vừa đĩnh đạc, vừa sáng sủa của thầy vậy chớ? Nước da của thầy ngăm ngăm, rám nắng một cách khoẻ mạnh. Đôi mắt đen láy của thầy ngó thiệt tinh anh dưới cặp chưn mày rậm rạp. Mũi thầy thon và thẳng, làm tăng vẻ cương nghị cho toàn khuôn mặt thầy, cộng thêm cái miệng rộng vừa vừa, không dư không thiếu. Và, chèng đéc ơi, hai cái má núng đồng tiền của thầy mới có duyên làm sao!

Từ lúc đó trở đi, thầy Huy nói gì cô cũng không còn biết nữa. Thầy cứ tiếp tục nói, cô cứ nghe và thỉnh thoảng lại mỉm cười mà kỳ thiệt cô không hiểu ất giáp gì ráo trọi. Cả người cô nghe cứ lâng lâng như trong một giấc ngủ buổi xế trưa, với một giấc chiêm bao hết sức nhẹ nhàng, êm ái. Tới lúc thầy Huy cất tiếng từ giã cô ra về, cô mới như giựt mình tỉnh dậy, lắp bắp chào lại thầy. Thầy Huy đã khuất bóng sau rặng tre trước ngõ rồi mà cô Thơm vẫn còn đứng đó, ngẩn ngơ, tay cầm khư khư cái bình tưới nước, không biết mình phải làm gì. Buổi trưa hôm đó, trời đất vùng quê vẫn êm đềm như bao giờ, nhưng trong lòng cô Thơm có một sự thay đổi vừa lớn lao, vừa khó giải thích. Thằng Báu đã biến đi đâu mất với đám bạn cùng xóm. Tới giờ ăn trưa mà cô không thấy đói bụng chút nào. Gia dĩ, nếu phải ngồi ăn một mình ên thì cô cũng không thấy hứng thú mấy. Vậy là cô quyết định đi nằm một chút. Giấc ngủ trưa bất ngờ kéo tới với cô trong làn gió hiu hiu, không dài không ngắn. Giấc ngủ không đủ sâu cho cô chiêm bao mộng mị gì, nhưng dường như cũng vừa cho cô lịm đi với những cảm giác vô cùng dịu dàng, mới mẻ.

Sau bữa đó, thầy Huy lúc nào cũng kiếm cớ nói chuyện này chuyện nọ với cô Thơm sau khi dạy thằng Báu xong. Về phần cô, cô cũng phải tìm cách làm ra vẻ vô tình rảnh rỗi để thầy có dịp tới bắt chuyện. Bữa nào rảnh rang sẵn thì không nói, còn bữa nào cô đang mắc dệt chiếu với má cô thì cô phải lấy nê đi uống nước hay làm chuyện gì đó. Rồi cô giả ngộ như tình cờ đi ngang cái bàn mà thầy trò đang lục tục xếp dọn để kết thúc buổi học. Vậy là đôi bên cùng có dịp để trao tiếng đổi lời, tuy không đâu vô đâu mà không bao giờ thấy ngán.

Thầy Huy ngó người bảnh lảnh bẻo lẻo, thư sinh như vậy nhưng coi ra cũng là một người đầy kinh nghiệm chớ không phải giỡn. Thầy áp dụng chiến thuật vết dầu loang với cô Thơm thiệt hữu hiệu. Từ những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, vội vàng sau mỗi buổi dạy kèm, từ từ thầy kiếm những cách khác. Tỉ dụ như lúc thì thầy làm như tình cờ gặp cô ở chợ, lúc thì thầy nhờ thằng Báu chuyển lại cho cô một mẩu giấy nhỏ có ghi những lời hết sức vu vơ, nhưng người trong cuộc thì lúc nào cũng đón bắt được những tín hiệu riêng tư trong đó. Chiến thuật của thầy lên tới cao điểm khi cô Thơm nhận lời đi chơi với thầy nhân có chợ Tết ban đêm ở thôn bên cạnh. Đương nhiên là cô phải giấu má cô, chỉ nói là đi chợ Tết với mấy cô bạn học cũ, chớ ai dại gì mà khai đi chơi với đàn ông con trai, nghe không đứng đắn chút nào!

Cái ngày hẹn đi chợ Tết với thầy Huy sao mà chờ hoài chưa thấy tới! Cô Thơm bồn chồn ra mặt. Ngồi dệt chiếu với má mà cô cứ để đầu óc ở đâu đâu. Nhiều lúc cô văng một sợi cói xém chút nữa là trật ra khỏi go. Má cô lâu lâu lại liếc xéo cô một cái, muốn hỏi tại sao hổm rày cô làm việc coi bộ tắc trách như vầy, nhưng bà lại thôi. Năm hết Tết tới, một sự nhịn là chín sự lành. Con nhỏ in hình như đang khó ăn khó ở. Nói qua nói lại với nó không chừng lại sinh ra cãi cọ lôi thôi, mất hết vui mấy ngày cuối năm cuối tháng.

Buổi chiều của đêm chợ Tết, cô Thơm xin má nghỉ sớm. Cô tắm bằng nước bông bưởi. Cô chải đầu thiệt kỹ, chải tới chải lui mà vẫn chưa bằng lòng. Cô bận một cái áo bà ba phơn phớt hồng với cái quần xa-tanh đen, đi đôi guốc mộc còn mới tinh. Từ lúc còn đi học, cô không bao giờ quen trang điểm, môi son, má phấn như các bạn đồng lứa hay các cô gái thành thị.Theo quan niệm riêng của cô, đẹp mà phải nhờ thứ này thứ kia phụ trợ thì đâu có đẹp cái nỗi gì. Cô chỉ thường rửa mặt với nước vo gạo để giữ cho làn da luôn sáng láng. Cặp chưn mày của cô thì công nhận cô có chịu khó tỉa tót thiệt, nhưng nó là của cô, cô không có thêm cái gì vô hết. Công bình mà nói, ông trời cũng ban cho cô nhiều nét dễ coi trên khuôn mặt trái soan của của cô. Mũi cô dọc dừa, mắt cô có hàng lông mi rậm và cong, còn cái miệng của cô thì nhìn như lúc nào cũng hơi chúm chím cười. Cái chức hoa khôi toàn trường của cô ngày xưa không phải là không có căn cứ!

Từ nhà đến thôn bên, suốt đường đi cô Thơm thấy trong lòng dấy lên một niềm vui rộn rã, khó kiềm chế. Mùa xuân chưa về trong trời đất nhưng nó đã ngự trị trong lòng cô từ lúc nào. Đôi chân cô đi thoăn thoắt, cố cho mau tới chợ. Thầy Huy đã đứng sẵn đợi cô nơi điểm hẹn. Cả hai háo hức hoà vào dòng người đi chợ Tết. Thầy Huy vừa đi thủ thỉ mấy câu gì đó mà cô không nghe được vì những âm thanh ầm ĩ chung quanh. Tiếng người cười nói, kêu nhau í ới. Nhạc xuân từ mấy quầy trò chơi toả ra, quyện vào nhau thành một khúc đồng ca khó hiểu nhưng nghe cũng hay hay. Lâu lâu cô Thơm lại mỉm cười với thầy Huy một cái, ý chừng như cho thầy thấy cô hiểu thầy nói gì. Bữa nay cô Thơm ít nói một cách lạ thường. Những lúc nói chuyện với thầy Huy ở nhà, cô cũng hoạt bát lắm. Nhưng hôm nay cô phải tự kiểm soát, không cho mình nói nhiều, đặng thầy Huy khỏi đánh giá mình là vui quá trớn, ăn nói lung tung. Tới lúc cô Thơm cảm thấy bàn tay ấm áp của thầy Huy nắm lấy tay mình trong đám đông, thình lình cô rùng mình liên tiếp mấy cái. Cô ngây ngất, muốn lả đi trong cái cảm giác mới lạ lần đầu tiên mới có. Thầy Huy như cũng đang gồng mình làm ra vẻ tự nhiên với hành động táo bạo của mình. Cô Thơm để yên cho bàn tay nhỏ nhắn của mình nằm gọn trong bàn tay rắn chắc, tự tin của thầy Huy. Hai người đi lướt qua những gian hàng Tết, trong không gian lẫn lộn mùi thức ăn, mùi pháo, mùi hoa, như đang đi trong một giấc chiêm bao mà không muốn thức dậy.

Thầy Huy và cô Thơm đi hết khu chợ Tết, con đường thôn trở nên vắng vẻ hơn một chút. Dòng người vẫn tiếp tục đổ vào chợ, đi ngược chiều với hai người. Đi thêm một chút nữa là thấy con sông nhỏ trong thôn. Đêm nay trời dịu mát. Gió từ ngoài sông thổi vào hiu hiu thiệt là dễ chịu. Dân trong thôn đổ vào chợ Tết hết nên trên bờ sông chỉ có thầy Huy và cô Thơm. Đêm nay mà có trăng nữa thì số dách, thầy Huy dám còn làm được mấy câu thơ tả cảnh cả tình nữa không biết chừng. Nhưng đêm cũng không tối tăm lắm, chắc là cũng nhờ mấy ngôi sao lác đác trên trời làm sáng lên chút đỉnh. Tay thầy Huy vẫn còn nắm chặt lấy tay cô Thơm. Bây giờ thì hai người đã đứng gần nhau lắm rồi. Cô có thể nghe được hơi thở gấp gáp của thầy Huy. Người thầy toát nhẹ ra cái mùi nồng nồng, ngai ngái của đàn ông mà bây giờ cô Thơm mới biết là như thế nào. Cô biết là thầy cũng cảm thấy tay cô, và cả toàn thân của cô, đang run rẩy nhè nhẹ như những chiếc lá non. Dòng sông thật yên tĩnh. Lâu lâu mới có một hai con cá búng mình lên khỏi mặt nước kêu tanh tách. Tiếng côn trùng kêu rầm rì trong bãi cỏ không đủ phá tan sự thinh lặng và tâm trạng bối rối của hai người. Cái đêm hôm đó kết thúc như thế nào, cô Thơm cũng không còn nhớ rõ. Các giác quan của cô dường như tê dại đi. Cô chỉ còn nhớ là khi cô về nhà, đi ngủ, trong chiêm bao thấy toàn bông hoa đẹp và thơm ngát.

Buổi chiều cuối năm, cô Thơm không phải dệt chiếu với má. Ba cô cũng ngưng làm việc thường ngày của ông. Công việc của ba cô Thơm là trồng tỉa trong khu vườn rộng phía sau nhà để đem rau trái ra chợ bán. Thời gian còn lại, ông làm nghề tay trái là chế ra những con rối làm bằng giấy bồi, sơn đủ màu sặc sỡ đặng đem bán kiếm thêm đồng ra đồng vào. Các con rối của ba cô làm thiệt ngộ nghĩnh, có con hình dạng một cô gái bận áo kiểu như mấy tiểu thơ đài các ngày xưa, hai tay cột dây nối vào mấy cây đũa tre. Đem cột con rối lên mái hiên, khi gió thổi qua, mấy cây đũa chuyển động, khiến cô gái như đang uyển chuyển múa, ngó thiệt vui mắt. Ông còn làm mấy anh đánh võ hay múa kiếm, gió thổi vào làm mấy anh đi những đường quyền cũng ngộ không kém. Hay là những con thú đủ loại, con nào con nấy đều có những hình thù và chuyển động đặc biệt, làm lũ trẻ cứ gọi là mê tít, đòi cha mẹ mua về nhà chơi. Ngày tư ngày tết, mấy con rối của ba cô Thơm bán chạy gấp mấy lần những ngày thường trong năm. Ba phải bắt thằng Báu làm phụ mới kịp. Thằng nhỏ ham chơi, bị bắt làm việc, ngồi giúp ba sơn sơn phết phết, cột dây này nọ mà mặt mày bí xị, thấy cũng tội nghiệp. Nhưng tới chiều ba mươi thì ba cũng nghỉ hết mọi chuyện, chuẩn bị bày biện bàn thờ để tối cúng giao thừa. Thằng Báu lại được dịp nhảy chân sáo ra với đám bạn cùng xóm, tha hồ mà đốt pháo lẻ.

Má cô cũng tíu tít dưới bếp, nấu nấu nướng nướng cho kịp các món ăn đặng ba cúng ông bà. Cô Thơm hụ hợ với má, bà sai gì cô làm nấy. Bữa nay cô thấy lòng mình thiệt rộng lượng, phơi phới, má có bắt cô làm nhiều thứ quá hay cằn nhằn cô cái này cái nọ, cô cũng đều vui vẻ bỏ qua hết. Mà cô không vui sao được khi mối giao tình của cô với thầy Huy càng ngày càng sâu đậm. Đến nỗi nhiều khi cô phải bùi ngùi nhớ lại cả gần hai chục năm về trước, khi cô bắt đầu biết suy nghĩ và biết cảm xúc, giống như là cô chưa từng được sống, được nếm cái hương vị tuyệt diệu của đời sống là tình yêu mà cô mới vừa có được. Bây giờ cô mới thấy mình thiệt sự là sống, cô nghe từng hơi thở, từng cử chỉ của mình đều mang một ý nghĩa, chớ không như ngày trước. Y như câu nói diễu của một diễn viên trong một vở hài kịch trên truyền hình mà cô đã từng coi qua: “Sống mà không yêu cũng như chết mà còn biết thở!”.

Mỗi ngày mới của cô Thơm là một ngày của chờ đợi, của sự mãn nguyện vì tình yêu của mình được đền đáp ấm áp, đề huề. Cái hộp bánh bích-quy cũ của cô đã đầy nhóc những lá thơ tình của thầy Huy gởi cho cô. Chắc cô phải kiếm thêm một cái hộp khác quá. Hai bữa trước, thầy còn giúi vào tay cô một tấm thiệp xuân do chính tay thầy vẽ chớ không phải mua ngoài tiệm về. Thầy vẽ cũng hơi sến sủa, thiệp gì mà toàn là mấy trái tim đủ màu, to có nhỏ có. Nhưng cô không dám chê, bởi vì cô thấy cái thiệp chứa hết tình cảm dạt dào mà thầy Huy dành cho cô. Nhứt là phía trong, thầy còn nắn nót ghi bằng nét chữ vừa rắn rỏi, vừa bay bướm như rồng bay phượng múa của thầy: “Tặng cô Thơm mùa xuân ý nghĩa nhất của đời tôi”. Cô đọc câu viết ngắn ngủi nhưng hàm súc đó của thầy mà lòng bồi hồi khôn tả. Cho tới giờ phút này, thầy Huy vẫn còn cô cô tôi tôi với cô Thơm, chớ chưa dám tiến tới chỗ anh anh em em. Nhưng cô Thơm không lấy đó làm điều. Chữ nghĩa, xưng hô chỉ là bề ngoài. Tình cảm bên trong mới thiệt là điều quý hoá.

Cỡ chín giờ tối, bàn thờ tổ tiên đã tươm tất. Ba cô đi ngủ sớm đặng còn dậy đúng nửa đêm rước ông bà về ăn Tết. Má cô cũng đã nấu nướng xong đâu vô đó, chỉ chờ đem thức ăn lên cúng. Bà đi tắm rửa cho sạch sẽ, chuẩn bị đón giao thừa. Cô Thơm cũng ăn mặc chỉnh tề, vì đêm nay cô sắp làm một điều thiệt đặc biệt mà cô chưa bao giờ làm. Đó là bói Kiều để biết tình duyên ra sao. Hồi cô còn học lớp đệ nhị, giáo sư Việt văn của cô có dạy cả lớp cách bói Kiều theo kiểu riêng của thầy. Thầy nói có nhiều cách bói Kiều, nhưng cách nào cũng rắc rối hay quá mê tín dị đoan, người bói phải khấn vái với những nhân vật trong truyện thiệt rườm rà, vô ích. Cách của thầy, theo như thầy lý luận, vừa giản dị, vừa khoa học, vừa kết hợp được cả đông tây kim cổ. Thầy không tin cách người ta cầm cuốn truyện Kiều mở ra đại trang nào là đọc trang nấy, vậy là không chính xác. Thầy giải thích là người bói Kiều kiểu đó có thể cố tình mở ra phần sách nào mà họ đoán có những câu thích hợp với sở cầu của họ, vậy thì làm sao mà linh ứng cho đặng. Thầy hướng dẫn cả lớp thử bói Kiều theo kiểu của thầy bằng cách lấy một bộ bài tây 52 lá (thầy nói đông tây hoà hợp là vậy!) để bói ra hai câu của cuốn truyện dài 3254 câu của cụ Tiên Điền Nguyễn Du.

Cách bói của thầy như vầy: thầy tính mấy lá bài có hình như già, đầm, bồi hay lá mười nút là con số không. Lá ách là số một, còn lại lá nào mấy nút đương nhiên là số đó. Người bói Kiều thầm xưng tên xưng tuổi, thành tâm khấn vái cụ Nguyễn Du, xin cụ linh thiêng ứng nghiệm với điều mình đang cầu xin để biết cụ dạy ra sao. Đoạn người đó xào bộ bài nhiều lần rồi rút ra bốn lá, đặt xuống theo thứ tự đặng coi phải tìm tới câu thơ nào trong sách. Trong trường hợp lá thứ nhất lớn hơn ba nút hay lá thứ nhì lớn hơn hai nút, tức là hơn tổng số các câu thơ trong truyện Kiều, người xem bói phải rút lại tới chừng nào có một lá bài có số nút thích hợp mới thôi. Nếu câu thơ bói ra là câu lục thời đọc tiếp câu bát phía dưới. Còn như câu đó là câu bát thời phải đọc câu lục phía trên. Gần hai chục năm trời rồi mà cô Thơm còn nhớ thiệt kỹ những lời thầy hướng dẫn. Lúc cô đang trịnh trọng cầm cuốn sách và bộ bài sửa soạn bói Kiều thì má cô từ dưới nhà bước lên. Má hỏi cô:

“Giờ này mà con còn thức hả? Đi ngủ đi chớ, đặng chút nữa còn dậy đón giao thừa với ba má.”

Từ chiều tới giờ, cô Thơm để ý thấy má cô khang khác, ít nói ít cười hơn mọi ngày. Trong bếp, khi cần gì má mới nói với cô mấy câu. Còn không thì má cứ lầm lì làm việc. Nhìn má buồn buồn, tuồng như có một tâm sự gì mà má không thổ lộ với ai được. Cô Thơm rụt rè nói:

“Má à, con thấy bữa nay má không được vui. Có chuyện gì không vậy má?”

Được lời như cởi tấm lòng, má cô Thơm thở ra một cái:

“Con hỏi má mới nói. Lâu nay má thiệt bực mình về một chuyện. Con thấy cô Tư ra sao? Cái cô mà thường đến nhà mình mua con rối của ba về bỏ mối đó.”

Cô Thơm ra chiều suy nghĩ:

“Cô Tư đó hả má? Thì cổ lâu lâu mới tới mua hàng của ba một lần. Con có thấy gì lạ đâu.”

Má chắc lưỡi:

“Tại con không để ý kỹ đó thôi. Mà má thấy hổm rày con cũng thay đổi nhiều lắm, cứ lơ lơ láo láo như người mất hồn! Í chà, con với ông thầy Huy có cái gì không mà má thấy hai đứa cứ thậm tha thậm thụt nói chuyện hoài vậy hả? Con gái con đứa phải giữ gìn ý tứ chớ không người ta cười đó nghen con!”

Trong khi cô Thơm thoáng giựt mình, chưa biết nói sao thì má tiếp luôn, giọng vừa buồn vừa bực:
“Cái cô Tư đó, cổ là gái goá chồng, còn trẻ. Mà ba con đã đứng tuổi, vợ con đàng hoàng. Vậy mà mỗi lần cổ tới mua hàng với ba, cứ mắt la mày liếc, nói giọng thì thiệt là nhõng nhẽo, không đứng đắn gì hết. Má hổng ưa được chút nào!”

Cô Thơm phải rán lắm mới không bật ra cười:

“Má à, má không có ghen với ba đó chớ? Con nghĩ là trời sanh cái điệu bộ với giọng nói của cô như vậy thôi chớ làm gì mà có chuyện như má nghĩ. Ăn thua là ba không có tình ý gì với cổ thôi.”

Má hứ một tiếng:

“Con thiệt là thiếu kinh nghiệm sống. Má già rồi, con ruồi bay qua má còn biết ruồi đực hay ruồi cái, huống chi là cái thâm ý của cô Tư này. Má không có thèm ghen tuông gì hết, nhưng người ta phải tôn trọng má chớ. Má định qua Tết rồi, bữa nào cổ tới mua hàng, má sẽ xì nẹt cổ một trận.”

Cô Thơm hoảng hồn:

“Í chết, má đừng làm như vậy, kỳ lắm! Má làm vậy mất mặt cổ, mà cũng mất mặt ba luôn đó. Cổ là mối hàng xộp nhất của ba nữa.”

Má hậm hực:

“Xộp thì xộp chớ! Bộ ỷ xộp là muốn làm gì thì làm sao?”

Cô Thơm tiến tới vuốt lưng má mấy cái:

“Thôi, con vuốt giận má. Chuyện tầm phào như vậy, hơi đâu má để ý cho hại sức khoẻ. Má nè, con đang sửa soạn bói Kiều đây. Má có muốn con bói cho má một quẻ luôn không?”

Má nói giọng ráo hoảnh:

“Bói với biếc cái gì? Bữa nay con thiệt là bày đặt. Mà má thấy người ta bói Kiều để biết chuyện tình duyên, nhứt là những người còn độc thân như con. Còn má già rồi, tình duyên nào mà cần hỏi han nữa chớ?”

Cô Thơm cười khúc khích, ôm vai má:

“Má nói vậy là còn thiếu sót. Truyện Kiều tuy có nhân vật chính là cô Thuý, chớ thiệt ra nó bao hàm hết mọi sự trên đời, đủ hỉ nộ ái ố, ai cũng bói được hết má à. Con bói cho má một quẻ cuối năm nghen?”

Bà cụ dường như xiêu lòng, nói giọng xuôi xị:

“Muốn bói thì phải làm sao?”

Cô Thơm mừng rỡ nói:

“Dễ lắm má à. Má chỉ cần nhắm mắt lại, xưng tên tuổi, rồi thành tâm khấn cụ Nguyễn Du đặng hỏi về một điều má muốn biết. Rồi con sẽ đưa bộ bài cho má rút lá bốn lá. Con sẽ tìm ra lời dạy của cụ Nguyễn Du cho má liền.”

Má cô Thơm nghe lời, nhắm hai mắt lại, lâm râm khấn vái. Đoạn bà làm theo lời con, rút ra bốn lá bài trên tay cô Thơm. Cô xếp mấy lá bài xuống mặt bàn, trịnh trọng nói:

“Má rút ra bốn lá đầm cơ, sáu bích, tám rô và già chuồn. Lá đầu tương đương với số không nên không tính. Như vậy là câu số 680. Để con mở sách ra coi cho má.”

Cô Thơm mở sách ra tới trang có câu số 680. Đây là một câu sáu chữ, có nghĩa là cô phải đọc tiếp câu tám chữ bên dưới. Cô hắng giọng nói:

“Má nghe kỹ nghen, con đọc hai câu này đây:

Cũng đừng tính quẩn lo quanh,

Tan nhà là một thiệt mình là hai.

            Bà cụ lim dim lim mắt lắng nghe. Hình như bà có thoáng giựt mình một cái nhưng bà giả ngộ như không có gì. Bà làm tỉnh đứng lên, nói với con gái :

“Má không hiểu cụ Nguyễn Du muốn nói gì! Thôi, má đi ngủ đây. Con nhớ dậy lúc 12 giờ giúp má dọn đồ lên cúng ông bà đó.”

Cô Thơm lén má tủm tỉm cười. Cô thầm phục cụ Nguyễn Du thiệt là linh thiêng. Má nói vậy chớ chắc má đã hiểu cụ dạy má điều gì. Bây giờ tới phiên cô, không biết cụ Tiên Điền sẽ dạy biểu cô ra sao đây. Cô bắt đầu nhắm mắt lại, khấn vái rì rầm, rồi rút ra bốn lá bài như má cô đã làm. Bốn lá đó là ách rô, năm cơ, bốn bích và con ba cơ. Vậy là câu số 1543. Cô hồi hộp mở sách ra, nhìn hai câu thơ trước mắt :

        Lại còn bưng bít giấu quanh,

        Làm chi những thói trẻ ranh nực cười.

Cô Thơm cũng giựt mình thon thót không kém má cô. Mèn ơi, điệu này là mình phải thú thật chuyện của mình và thầy Huy với ba má chớ còn bí mật quân sự cái nỗi gì nữa. Cô mà không nói thì má gần như cũng biết rồi, làm sao lấy vải thưa che mắt thánh cho đặng. Hồi trước, mỗi lần má phàn nàn với cô về đường chồng con của cô, cô thường ấm ức lắm, chỉ mong có ngày sẽ chứng tỏ cho má mình cũng không phải là gái già. Nhưng bây giờ, cơ hội đã tới, cô lại thấy thiệt là khó giãi bày. Hai mắt cô Thơm tỉnh rót, cô không thấy buồn ngủ chút nào hết. Cô nghĩ tới thầy Huy. Cô chắc giờ này thầy cũng không ngủ được và cũng đang nhớ tới cô. Cô nghĩ sao mà tình yêu nó tuyệt vời như vậy, hai tâm hồn ở xa nhau mà tưởng như thiệt gần nhau, cùng nghĩ tới nhau như có thần giao cách cảm. Cô mà có tài làm thơ, chắc lúc này cô sẽ viết nên mấy vần ca tụng sức mạnh diệu kỳ của tình yêu trai gái.

Cô Thơm ngồi một mình trong gian phòng thờ, miên man nghĩ hết ý này qua ý nọ, quên cả thời gian. Cô không để ý hai cây kim đồng hồ trên vách đang từ từ chập lại ở số mười hai. Rồi một loạt pháo nổ giòn giã vang lên khiến cô giựt mình nhớ lại giao thừa đã tới. Cái thôn nhỏ như đang cựa mình thức dậy, hân hoan chào đón giây phút thiêng liêng lúc năm cũ và năm mới giao hoà, cho một mùa xuân mới lại trở về với đất trời. Ba má cô lục tục thức dậy, sửa soạn cúng giao thừa. Cô Thơm lăng xăng phụ ba má trên nhà, dưới bếp. Thằng Báu ngủ say như chết, cô lay nó dậy đón giao thừa mà thằng nhỏ không nhúc nhích. Lúc ba má cô Thơm đứng trang nghiêm trước bàn thờ tổ tiên lung linh ánh bạch lạp, khói hương nghi ngút, cùng những mâm bông trái, những dĩa thức ăn tú ụ, bánh chưng, bánh tét, không thiếu món gì. Hai ông bà cầm hai cây nhang cháy đỏ để ngang mày, miệng thầm thì khấn vái. Cô cũng cầm nhang đứng phía sau. Cô bắt chước sách vở cùng những gì ba má dạy, kính cẩn xin ông bà tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, họ hàng hai bên, bà con chòm xóm, bạn bè gần xa và mọi người trong nhà lúc nào cũng được an vui, mạnh khoẻ. Cuối cùng, mà cũng không kém phần quan trọng, cô rưng rưng xin ông bà gia hộ cho mối tình mới chớm giữa thầy Huy với mình được bền vững, đặng một ngày không xa, ba má cô sẽ hỉ hả mời bà con cô bác tới dự ngày con gái vu quy trong tiếng pháo cưới tưng bừng không kém những tiếng pháo rộn rã đầu xuân này.

 

Trần C. Trí

 

 

 

 

  

 

           

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Sáu 202411:10 SA(Xem: 4498)
Ngày xưa, muốn ăn bánh tro phải đợi đến ngày mùng 5/5 âm lịch, thì các cô các bác ở quê mới gánh xuống Qui Nhơn, ngồi trước nhà ba má tôi mà bán. Bánh tro được gói tựa như bánh Ú nhưng bé hơn. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi. / Ba tôi thích ăn bánh tro chấm với đường cát. Món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương mà người lớn thường thích. Cũng như ba, đến tuổi này tôi mới thích bánh tro như ba ngày ấy...
14 Tháng Sáu 202410:50 SA(Xem: 5216)
Xin bố, tạm quên bao thuốc lá Xin bố, tạm quên chiếc hộp quẹt ga Màu nhiễu vàng như mùa hè năm ấy Và không nên quá vội Khi thời gian không còn nghĩa lý gì
05 Tháng Sáu 20242:23 SA(Xem: 5556)
Người đàn bà cầm cái chén trắng / Chờ hứng giọt yêu từ trời / Chẳng may giọt yêu đã thành mưa nặng hạt / Rơi thật xa biền biệt giữa rừng già
05 Tháng Sáu 20241:44 SA(Xem: 5528)
Toát mồ hôi, loạng choạng đứng dậy, nhìn cái túi thức ăn đầy sợ hãi. Tôi cầm lấy ném tất cả vào thùng rác, rồi lết trên vỉa hè gọi một chiếc taxi đưa đến khách sạn gần đấy. Tôi chỉ kịp gọi cho một ông bạn lính cũ, nói gọn lỏn “huỷ nhậu”, rồi vật ra giường. Nằm liệt. Tôi nhanh chóng chìm vào trong một cơn ác mộng. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của hai cô gái cùng chuyến tàu đêm năm nào. Họ đang bay ngay phía trên tôi, trong bầu trời mùa xuân đầy hoa thơm cỏ lạ chim hót ríu ran. Còn tôi đang nằm trong cái toa tàu đen sì nhìn lên.
05 Tháng Sáu 20241:24 SA(Xem: 5262)
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại… tôi nhìn những mùa hè trôi qua trong nuối tiếc, dẫu biết rằng là lẽ thường hằng nhưng trong lòng không khỏi xót xa. Những người bạn cũ đi xa, người còn ở lại lướt qua nhau như người xa lạ. Tôi ngồi đó trong bóng chiều tà, nắng chiều vàng sao mà lặng lẽ. Ôi! Hai hòn bi ve tội nghiệp, đã lăn gần hết đoạn đường trần ,tôi nghiêng xuống cuộc đời bằng nụ cười ngạo nghễ, có ai về nhặt lại tiếng ve ran….
05 Tháng Sáu 20241:02 SA(Xem: 4793)
Một tháng qua, sự xuất hiện của hành giả Minh Tuệ cùng sự "biến mất" khá bí hiểm của ông cùng các vị đồng tu đã tựa một tiếng sét giữa trời quang, hay như một vệt sao chổi vụt qua bầu trời, và báo trước cho không ít người cái điều đã nằm sâu trong triết lý Phật giáo mà sư Vạn Hạnh đã đúc kết: “Thân như bóng chớp có rồi không” (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô), hoặc như tên một tác phẩm lớn của nhà viết kịch người Tây Ban Nha P. Calderón: “Đời là giấc mộng”…
05 Tháng Sáu 202412:51 SA(Xem: 5129)
THƯ KIẾN NGHỊ / Hà Nội 1/6/2024 / Kính gửi Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính thưa các vị Pháp chủ, Đại lão Hòa thượng tôn quý! Tôi là người hoạt động trong ngành điện ảnh xin khẩn thiết gửi tới các quý ngài đôi kiến nghị chân thành sau đây:
04 Tháng Sáu 20246:59 CH(Xem: 5611)
Nơi tôi về / góc phố bình yên / bên những cung đường trầm bổng / Rợp hàng cây hong xanh mùa ước vọng… Có tiếng chim hiền hoà gọi nắng ban mai
01 Tháng Sáu 202410:35 CH(Xem: 4545)
Nhận được tin buồn / Cụ ông TẠ DUY TỨ / Pháp danh GIÁC PHÚC / Sinh năm 1934 tại Sài Gòn, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 26 tháng 05 năm 2024 tại Garden Grove, California, USA (nhằm ngày 19 tháng 4 năm Gíap Thìn) / Hưởng thượng thọ 91 tuổi.
01 Tháng Sáu 202410:04 CH(Xem: 4636)
Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn và thương tiếc báo tin cùng thân bằng quyến thuộc và thân hữu xa gần Cha, Ông Nội, Ông Ngoại của chúng tôi là: Ông Tạ Duy Tứ / Pháp Danh: Giác Phúc / sinh năm 1934 tại Sài Gòn, Việt Nam / vãng sanh ngày 26 tháng 5 năm 2024 / (nhằm ngày 19 tháng 4 năm Giáp Thìn) tại Garden Grove, California, USA / Hưởng Thọ 91 tuổi