- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƯA KỶ NIÊM

10 Tháng Sáu 20216:03 CH(Xem: 10634)
hinh-anh-mua-buon-155-1
Mưa buồn- ảnh tác giả cung cấp

Thái Thanh

MƯA KỶ NIỆM

 

Tháng 6. Sài gòn buổi chiều thường mưa. Mưa to lắm, mây đen kịt kéo nhanh làm tối cả bầu trời, nhìn xa xa sau màn nước mưa mù trời những đoàn xe trên đường cao tốc xuôi ngược nối dài nhau trên con đường quốc lộ xa tắp mịt mù.

 

Nơi tôi ở bây giờ đất còn trống khá nhiều nên cây cỏ xung quanh xanh xanh như một thảo nguyên nhỏ. Đứng trên tầng cao nhìn mưa rơi rơi từ xa, mịt mờ trắng xóa. Những con đường vắng thưa thớt bóng người đi qua và dòng sông nước vẫn lặng lờ. Tôi nhớ xa xôi có người đã từng ví von bên tai tôi " Dù cho sông cạn đá mòn tình cảm này không hề thay đổi". Ngày ấy, tôi cứ nghĩ sông khó mà cạn lắm chứ, nhưng không, dòng sông nơi tôi ở cứ cạn rồi đầy liên tục trong ngày. Lòng người cũng vậy không có gì là mãi mãi với thời gian. Cái mà dễ thay đổi nhất trên đời này nghiệm ra rằng đó chính là tình cảm; những lời yêu xưa chỉ là ví von trong lúc cảm xúc còn đong đầy nên chả trách gì nhau khi người dễ quên nhau...

 

Thế nhưng dẫu đã vào tuổi thu vàng tôi vẫn còn mơ mộng, vẫn yêu những cơn mưa chiều gợi nhớ ngày xưa. Mưa đối với tôi luôn lưu giữ lại trong tận đáy lòng ăm ắp kỷ niệm... Thời gian và tuổi chiều cũng đã làm tôi đánh rơi bớt dần mọi thứ, chỉ còn mù mờ trong trí những mùa mưa bên những người thương năm cũ.

 

Tôi thích lời bài hát "Một cõi đi về" của Trịnh " Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa. Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ...". Tôi nhớ mưa xa ở thành phố nhỏ thời thiếu nữ xa xôi ngày ấy mỗi chiều tan học. Tôi nhớ những cơn mưa phơ phất ngoài trời cái thuở ngu ngơ còn che nghiêng cây dù tím cho khỏi ướt vạt áo dài trắng tinh khôi. Tôi nhớ ánh mắt sâu thẳm đợi chờ của người xưa từng làm cuống quýt bước chân đi cô học trò nhỏ ngày thơ. Nhớ khung cửa sổ lớp học những ngày mưa nhìn ra hàng dương liễu sũng nước như reo trong gió và nhớ cả tiếng sóng biển ngoài xa từ khung cửa sổ ấy nghe vọng về.Tôi nhớ những cơn mưa buốt lạnh ở quê tôi mỗi chiều tôi vội vã trở về nhà với mẹ với các con của mình. Ngày ấy tôi thường nấu canh tôm với rau mồng tơi và làm cái món mắm cá thu chưng thịt ba chỉ với hột vịt rắc tiêu thơm cay nóng, cả nhà quây quần cùng ăn bên mâm cơm ấm cúng. Nhớ những ngày mưa lụt, Lịch huyết bị cay mắt trôi theo nước, chợ bán đầy Lịch mẹ tôi mua vê um với bắp chuối, chuối chát ngon ơi là ngon.

 

Thời ấy tôi ở chợ Đầm thành phố Qui nhơn, mùa mưa nước không rút kịp nên ngập lênh láng như một dòng sông mênh mông là nước. Buổi sáng thức dậy nghe tiếng rao " bánh mì nóng dòn đây !" tôi cùng con gái đứng ở ban công cột tiền thả xuống cho những người ngồi trên cái thúng tròn ấy để mua bánh mì ăn... Chờ khi nước rút, tôi lại ra chợ buôn bán kiếm tiền nuôi con. Có khi buổi chiều ở chợ về tôi phải gởi xe đạp vì không thể lội qua nước chảy xiết vì mưa. Tôi nhớ mẹ, nhớ day dứt hình ảnh mẹ tôi ngày ấy khi các con tôi vào Sài gòn học đại học chỉ còn mỗi mình mẹ ở nhà. Lội qua đầm nước mênh mông, mình tôi bê bết nước và bùn đất chưa kịp tắm gội tôi phải đỡ cho mẹ tới chỗ khô ráo. Nhà tôi ngày ấy, ở dưới thì nước lụt ngập ở trên thì dột, mẹ tôi đứng vịn chặt cái thành cầu thang tương đối khô ráo chớ không dám đi sợ té ngã, chỉ có mình mẹ ở nhà, mẹ phải tự bảo vệ mình để khỏi làm phiền cho con... Thương mẹ quá, thương đến đứt lòng cho mẹ mà tôi cứ mãi còn bôn ba ở giữa chợ đời không cận kề bên mẹ... Cuộc sống dần đỡ hơn khi tôi sửa được cái nhà, khi người ta làm cống rút nước... thì mẹ không còn nữa.

 

Mùa mưa ở Qui nhơn thường kéo dài lê thê liên tục đến mấy ngày với cái lạnh se da nhưng mưa Sài gòn hay đổ bất chợt... Cũng xuyến xao lòng tôi không ít. Ngày ấy, mẹ mất, tôi sống một mình buôn bán chắt chiu tiền gởi cho con đi học. Cho đến ngày tôi vào Sài gòn dự lễ tốt nghiệp của con. Tội nghiệp, nó là đứa con gái bé nhỏ chịu thương chịu khó cùng với mẹ trong những ngày mua bán tảo tần ở quê. Nó đậu Đại học Bách khoa Sài gòn một cái trường danh tiếng khó đậu mà suốt năm năm trời mẹ nó chưa hề vào thăm con cho biết được trường. Lần này có hai cái vé mời đặc biệt dành cho ba mẹ vì nó tốt nghiệp loại giỏi nên bà mẹ quê tôi phải đi vào thôi... Dự xong lễ chiều đó nó mượn chiếc xe máy của cậu đưa mẹ ra bến xe Miền đông để về. Không có dấu hiệu gì báo trước nhưng xe đi được một khúc thì mưa đổ xuống nhanh như trút. Đoạn đường còn dài đứng đụt mưa thì sẽ trễ xe, nó tắp vào mua hai cái áo mưa tiện lợi, lính quýnh thế nào mà mẹ nó là tôi đánh rơi cái áo xuống đất. Giữa dòng xe cộ chạy ngược xuôi hối hả, đường Sài gòn nước ngập chảy xiết trôi phăng cái áo đi mà bên đường không còn ai bán áo nữa. Con bé cởi phăng cái áo cho mẹ trùm, nó đi ướt dưới mưa, dưới cái lạnh của gió ngược chiều qua những con đường rộng rồi nó len lõi vào hẻm cho gần, trời vô tình vẫn cứ đổ mưa, mưa to như trút... Cuối cùng cũng đến được bến xe, tôi co ro ngồi trên xe nhìn qua ô cửa kính, xe chạy... bóng đứa con gái bé nhỏ vẫy vẫy tay xa dần mà đứt ruột. Hồi đó cả hai mẹ con đều chưa có điện thoại di động nên không gọi được cho con để biết nó đã về được nhà trọ an toàn chưa. Lòng mẹ se lại vì thương, thương con vô bờ bến trong đời...

 

Bây giờ tất cả đã là kỷ niệm. Tuổi đã về chiều tôi dần quên hết chỉ còn nhớ mơ hồ về những chuyện xa xưa còn lưu lại dành cho những ngày mưa rơi xuống đời tôi mênh mang thương nhớ vô vàn...

 

Sài gòn tháng 6/ 2021

 

Thái Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 78328)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 100343)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 81271)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 192227)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 84772)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 114740)
Đ êm Sài Gòn đứng đường bơ vơ Dòng người mênh mang không ngày yên lặng Còn con đường nào cho em Mộng mơ là trò chơi xa xỉ
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 84757)
III. TUYÊN CÁO CHUNG 16/6/1963: Do áp lực Mỹ, từ giữa tháng 5/1963, Diệm đã gặp lãnh tụ Phật Giáo để thảo luận về 5 đòi hỏi ngày 10/5. Tuy nhiên, chế độ chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc tranh đấu.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 96371)
IV. GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY: Sau khi Nolting rời Việt Nam, anh em Diệm-Nhu quyết chào đón tân Đại sứ Lodge bằng vài món quà ngoạn mục. Hai món quà lớn nhất là cuộc tổng tấn công các chùa trên toàn quốc và công khai tiếp xúc với sứ giả Hà Nội.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 92825)
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa hoàn toàn giải mật, và số người được tiếp cận tư liệu văn khố Đệ nhất Cộng Hòa không nhiều.
05 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 100389)
( Người sống sót từ trận bom nguyên tử Hiroshima: Bà Tomiko Matsumoto ) LTS: Trần Huyền Sâm sinh năm 1973, hiện là Giảng viên Khoa văn trường Đại học Sư phạm Huế. Tác giả cuốn Tiếng nói thi ca (Nxb Văn học, 2002), giải thưởng Hội nhà văn Thừa thiên Huế 2003, và cuốn Lý luận văn học phương Tây - Tự sự học kinh điển (Nxb Văn học, 2010). Lần đầu tiên cộng tác với Hợp lưu.