- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CARLOS

02 Tháng Sáu 20218:19 CH(Xem: 16106)

tranh NGUYEN DINH THUAN
Tranh Nguyễn Đình Thuần

Truyện ngắn 

Bùi Ngọc Khôi

CARLOS

  

Rời hãng in Bay Print sau buổi interview, tôi mừng vô cùng, lần đầu tiên tôi tìm được một công việc tử tế, phụ tá kế toán. Không biết tôi đã gõ cửa bao nhiêu hãng sở xin một chân kế toán nhưng ai cũng lắc đầu- Thiếu kinh nghiệm, cần bằng cấp, vân vân... Từ ngày sang Mỹ được ba năm nay tôi chỉ làm toàn những công việc tay chân vớ vẩn, chả có cái nào ra hồn chỉ vì chưa ra trường. Cứ làm được vài tháng thì tôi bắt đầu chán, muốn nghỉ dù lúc nào cũng muốn để dành đủ tiền để dọn ra ở riêng. Cô tôi luôn khuyên bỏ chuyện ra ở riêng. Cô bảo, “Cứ ở với cô chú để đi học, ở riêng làm gì tốn kém lắm.” Cô còn dùng đòn tình cảm, “Ngày cha cháu gởi cháu cho cô đem đi Mỹ, cô đã hứa sẽ lo cho cháu học hành đến nơi đến chốn. Ra ở riêng phải lo chuyện tiền bạc thì học cho đến khi nào mới xong. Ba mẹ cháu sẽ buồn lắm!” Tôi không muốn dùng dằng với cô nên im nhưng trong lòng đã cương quyết.

Tôi ghé vào tiệm phở làm một tô đặc biệt trước khi trở về trường. Ăn xong, tôi vừa nhâm ly tách cà phê sừa vừa phì phèo điếu Winston, ngồi rung đùi trong lòng vẫn còn thấy vô cùng hả hê về cái job mới. Thấy một tờ báo ai để quên trên bàn bên cạnh, tôi với tay ra lấy về bàn mình mở ra đọc. Tôi mở tờ báo ra đúng ngay trang rao vặt, mục quảng cáo cho mướn nhà đập vào mắt. Đưa mắt đọc nhanh, tôi cố tìm một căn nào rẻ gần sở làm mới cho tiện việc đi làm. Có vài căn nhưng giá cao. Tuy tôi đã để dành được một số tiền không nhỏ nhưng chưa dám đem tiêu vào lúc này.

“Thôi, chịu khó đi làm thêm vài tháng nữa rồi tính sau,” tôi chép miệng nhủ thầm.

Làm tại Bay Print được vài tháng, tôi nhịn tiêu, đã dành dụm được một số tiền kha khá và bắt đầu đi tìm nhà mướn. Mỗi lần nhớ lại khuôn mặt bầu bĩnh của Hương hỏi “Khi nào anh có chỗ ở riêng” là tôi biết nàng đang mất kiên nhẫn chờ đợi. Tôi cảm thấy nhu cầu dọn ra riêng càng ngày càng cấp bách. Chúng tôi cần chỗ riêng tư, Hương còn ở với cha mẹ nàng, tôi ở với gia đình cô tôi thì làm ăn gì được.

Chiều hôm ấy đang ngồi uống ly cà phê Mỹ chua lè trong cafeteria trong khi chờ lớp đêm khóa mùa hè, tôi thấy Hương từ ngoài xớn xa xớn xác chạy vào trên tay cầm một tờ báo. Nàng hấp tấp đi lại đặt tờ báo xuống bàn ngay trước mặt tôi.

- Anh xem này, có cái nhà này rẻ lắm, lại gần sở anh nữa. Hương vừa nói vừa chỉ một mục quảng cáo mướn nhà mà nàng đã khoành bằng mực đỏ.

Tôi nhăn mặt chiêu một ngụm cà phê xong đọc cái ad.

- Anh gọi họ nhanh lên kẻo người khác mướn mất. Hương giục.

Tôi cầm tờ báo đi lại cái điện thoại công cộng bên ngoài cafeteria, nhét mấy đồng xu vào, quay số. Vài phút sau tôi trở lại bàn. Hương nóng nảy hỏi:

- Sao? Được không? Khi nào thì mình đi xem nhà?

- Trưa mai, tôi đáp.

*

Thế là tôi dọn ra ở riêng sau khi hứa với cô tôi là sẽ về thăm hằng tuần. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ, lần đầu tôi có nơi ăn chốn ở riêng của mình. Tôi và Hương thích cái căn nhà nhỏ xinh xắn này vô cùng. Nó nằm trong một bãi đất khuất phía trong, cách đường xá bên ngoài khá xa. Cả một bãi đất khá to mà nhà cửa lác đác chỉ có vài ba căn cách nhau mấy chục thước thành thử mình cảm thấy không bị dòm ngó. Căn gần căn của tôi nhất cách cả hai mươi thước không có ai ở còn mấy căn kia lại còn xa hơn. Giữa bãi đất là mấy cây cổ thụ thật cao ngăn bãi ra làm hai, bên kia là mấy căn nhà to hơn và khang trang hơn còn bên này là hai căn nhà chệt nhỏ bé, nhà tôi và cái kia còn trống. Ông chủ phố nói sẽ đăng báo cho mướn.

Căn tôi mướn bên ngoài trông rất cũ kỹ, nhưng vào trong thì trông khá hơn nhiều, thảm được giặt sạch, tường mới sơn, màn cửa mới, wood burner nằm trong góc phòng khách đã được chùi lại. Vì là studio nên nhà rất bé, nhà bếp, phòng ăn và phòng khách chung với nhau. Căn phòng ngủ duy nhất tuy không rộng rãi nhưng được cái có cửa sổ trông ra ngoài bãi đất rộng. Tôi đã tưởng tượng ra những buổi chiều thu mưa dầm dề ngồi bên cửa sổ nhâm nhi tách cà phê mắt ngắm bầu trời ảm đạm bên ngoài thả hồn theo tiếng nhạc êm đềm của những bài tình ca bên trong căn nhà nhỏ bé ấm cúng, bên cạnh là Hương dựa đầu lên vai tôi, để mái tóc dài của nàng chảy dài trên ngực mình. Ôi chao, lãng mạn và nên thơ biết bao!

Tưởng tượng thế nhưng mùa thu chưa đến, khi trời cuối hè hãy còn trong xanh với những cụm mây trắng bay lơ lửng trên cao thì Hương đoạn tuyệt với tôi và chúng tôi không còn gặp nhau nữa. Một buổi tối Hương đến bất thần và chạm trán với Stacey trong nhà. Thật khó giải thích cho sự có mặt của một thiếu nữ tóc vàng với một thân hình nảy nở mà trên người chỉ có cái xì-líp nhỏ như chiếc khăn mùi-xoa đang cùng tôi ngồi uống rượu. Tôi và kiều nữ tóc vàng đang chơi strip poker và tôi đang thắng lớn.

- Anh thật khốn nạn!

Hương chỉ nói được có thế rồi thẳng tay quăng trả lại chìa khóa nhà cho tôi, chạy nhanh ra xe phóng đi, suýt đâm vào một trong mấy cây cổ thụ.

Đến lượt Stacey đứng lên vơ mớ quần áo mặc vội vào người rồi hằn học bảo:

- Sao lúc nãy anh nói tôi anh không có ngưòi yêu, chứ cô Việt Nam đó là ai, không thể là chị em được. Anh là thằng nói láo! Tôi không thích người nói láo, tôi cũng không thích xen vào những cuộc tình của người khác gây đổ vỡ.

Tiếng xe Stacey rú lên rồi chết lịm ngoài đường. Trong lòng tôi cũng chết đi. Căn nhà nhỏ bé đầy ước mơ của tôi chợt trở nên trống vắng như bãi đất rộng ngoài kia. Tôi thẫn thờ dẹp bộ bài, cất chai rượu xuống bếp rồi ngồi thừ ra, suy nghĩ lại lỗi lầm của mình. Sự yếu ớt tinh thần đã không chống chọi lại được lòng ham muốn bộc phát khi gặp người thiếu nữ da trắng tóc vàng mắt xanh với một tấm thân nóng bỏng làm cùng sở.

*

Tôi trở lại cuộc sống cô đơn trước ngày gặp Hương. Nàng dường như tránh gặp tôi trong trường và chính tôi cũng tránh gặp nàng vì quá xấu hổ. Rồi mùa thu đến. Những cơn gió hanh từ vịnh thổi vào đem theo cái lạnh như báo hiệu cho một mùa đông lạnh lẽo với những cơn mưa đột ngột đến, có khi kéo dài dai dẳng. Những buổi chiều đi làm về, tôi khoác áo lạnh tay thọc túi cho ấm, miệng ngậm điếu thuốc đi lang thang trong bãi đất rộng ngắm mấy cây cổ thụ lá trên cành đã ngả sang màu vàng úa. Một ngọn gió thổi đến cuốn đi những chiếc lá tốc theo chiều gió lên trên không. Những chiếc lá vàng cứ bay lòng vòng trên cao một lúc rồi từng cái nhẹ nhàng đáp xuống đất. Có khi tôi đếm từng chiếc lá như là mỗi ngày cho sự cô đơn của mình. Lá rụng quá nhiều tôi đếm không xuể, nỗi cô đơn của tôi chắc kéo dài bất tận. Vài tuần sau, cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Thoạt đầu chỉ là một cơn mưa phùn, hạt thật nhỏ và nhẹ. Những giọt nước của cơn mưa đầu mùa làm xông lên mùi đất mà tôi thích ngửi vì làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa bên quê nhà. Mùi đất trong cơn mưa đầu mùa dù bên này hay bên kia bờ đại dương không khác nhau mấy, cái mùi nồng ngai ngái ấy có một sức quyến rũ đối với tôi. Cơn mưa dần dà nặng hột, tôi rảo bước trở về căn nhà nhỏ vắng lạnh, đi vào bếp pha một tách cà phê rồi bật nhạc buồn lên nghe mà lòng thấy trống trải cũng như bãi đất rộng ngoài kia.

*

Một buổi sáng Thứ Bảy giữa mùa thu, nỗi cô đơn của tôi chấm dứt. Như thường lệ tôi thích ngủ nán cho đến trưa dậy thay quần áo phóng xe xuống San Jose ăn tô phở, xong ghé vào mấy tiệm bán dĩa nhạc và sách để xem có gì mới trước khi ghé thăm gia đình cô chú tôi. Sáng Thứ Bảy đó tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng động ồn ào bên ngoài. Nhìn đồng hồ thấy mới chín giờ sáng, tôi miệng lẩm bẩm rủa đứa nào làm gì sáng sớm không để người ta ngủ. Từ bãi đất trống tiếng người cười nói lao xao, tiếng trẻ con khóc, tiếng đồ đạc khua đụng vào nhau loảng xoảng, tiếng mở cửa xập cửa rầm rầm. Đoán có láng giềng mới, tôi lồm cồm ngồi dậy, lết lại cửa sổ sát giường vén màn lên nhìn ra ngoài. Một cặp vợ chồng trông còn trẻ da nâu đậm đang hì hục khiêng bàn ghế từ một chiếc xe truck cũ kỹ vào trong nhà, dưới đất là một đứa bé trai mà tôi đoán là con của họ đang ngồi nghịch mấy viên đá, bốc đất lên ném tứ phía. Thỉnh thoảng người mẹ đi lại đứa bé giựt lấy viên đá từ tay nó rồi quăng đi xa, đứa nhỏ lại khóc ré lên. Biết không còn ngủ được, tôi đi vào phòng tắm mở nước lên tắm cho tỉnh ngủ. Tắm rửa xong tôi thay quần áo đi ra xe.

Một người thanh niên thấp người tóc đen quăn trông như dân gốc Trung hay Nam Mỹ đang ra sức lôi một cái thùng giấy coi bộ khá nặng từ trên chiếc xe truck xuống. Thấy tôi, hắn đưa tay lên chào, tôi gật đầu chào lại. Mở cửa xe định leo lên nhưng tôi đổi ý đi lại gợi chuyện:

- Anh mới dọn đến hôm nay? Tôi hỏi.

Người thanh niên không đáp, chỉ nhăn răng cười khoe mấy cái răng cửa bịt vàng. Tôi quan sát người láng giềng mới. Dù mang một bộ râu mép khá rậm, hắn trông còn rất trẻ chừng mới ngoài hai mươi, tướng lực lưỡng với hai vai khá to và hai cánh tay nổi bắp thịt cuồn cuộn. Tôi nghĩ thầm, “Mình nên tránh gây sự với tên hàng xóm mới”.

Tôi lập lại câu hỏi, hắn ta đáp - Sí! Me, Carlos, xong lại cười.

Tôi tự giới thiệu - Tôi tên là Phong! Anh là người Mễ?

Hắn gật đầu xong chỉ người đàn bà đang bế đứa bé trai dưới đất lên:

- Maria, wife!

“Lại thêm một tên Mễ thất học không biết tiếng Anh,” tôi vừa nghĩ thầm vừa chào vợ hắn. Nàng ta cười lại rồi bế đứa bé vào trong nhà. Carlos vẫn nhe răng cười, hắn chỉ vào bộ bàn ghế và mấy thùng giấy đầy ắp những thứ lặt vặt rồi chỉ nhà hắn, tôi đoán hắn có ý bảo phải tiếp tục khuân đồ vào nhà. Tôi gật đầu rồi lên xe đi.

Đến chiều đi thăm cô chú về đến nhà thì tôi thấy cặp vợ chồng Carlos đã dọn hết đồ đạc vào trong. Chiếc xe truck cũ kỹ được đậu giữa nhà tôi và nhà hắn. Tên Mễ chỉ phong phanh cái áo thung dù trời lạnh, đang ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trước cửa nhà dựa lưng vào tường, trên tay cầm một lon bia. Hắn ngửa cổ tu ừng ực, bia chảy xuống mép. Hắn đưa tay lên quẹt ngang một cái. Thấy tôi xuống xe, hắn đưa tay lên vẫy miệng thì gọi:

- Ê, chino.

“Mẹ nó, gọi mình là ba tàu”, tôi lừng khừng đi đến. Tên Mễ mở cửa thò đầu vào trong nhà nói gì đó với vợ một tràng, tôi nghe loáng thoáng chữ chino. Một phút sau Maria hiện ra bên ngưỡng cửa đưa cho chồng một lon bia. Hắn đón lấy rồi chìa ra đưa cho tôi:

- Cerveza?

- Gracias, tôi đáp cộc lốc rồi đón lấy lon bia, bật nắp đưa lên tu một hơi.

Chỉ cái ghế bên cạnh, hắn mời tôi ngồi. Sẵn đang rảnh không biết phải làm gì cho hết buổi chiều Thứ Bảy, tôi nhận lời ngay.

Uống được nửa lon, không biết nói gì, tôi hỏi hắn về công ăn việc làm.

- Ông làm gì?

- Body shop.

Nói xong hắn đi lại cái xe truck cũ kỹ, làm điệu bộ dùng hai bàn tay xoa xoa lên thân xe rồi ra điệu cầm bình sơn xịt lên xe xong trở lại chỗ ngồi.

Tu một ngụm bia, hắn đưa mắt nhìn tôi một cách dò dẫm, hỏi lại tôi làm gì.

- Kế toán, tôi đáp.

Nhìn hắn ngẩn tò te, tôi biết tên Mễ không hiểu tôi nói gì. Tôi không biết phải ra dùng dấu tay làm sao để giải thích việc mình làm. Tôi nói ‘numbers, números’ nhưng tên Mễ vẫn lắc đầu. Lục lọi trong đầu một lúc, tôi chợt nhớ chữ mình đã học qua vài lần - Contabilidad. Hắn gật gù xong chỉ vào tôi rồi lấy ngón tay gõ gõ lên trán, tôi nghĩ hắn ngụ ý khen tôi thông minh. Tự nhiên tôi có cảm tình với tên hàng xóm mới.

Tôi ngại ngồi đây một lúc nữa với ngôn ngữ bất đồng, chắc mình và tên hàng xóm phải khua tay múa chân thay vì khua môi múa mỏ. Tôi và hắn nhìn nhau gật gù chả nói thêm gì. Uống cạn lon bia, tôi nhìn cái lon nhôm trên tay, Tecate.

- Tecate, good cerveza! Carlos lên tiếng. Tôi gật đầu dù thấy nó chả ngon gì hơn Bud và Michelob.

Tôi hỏi tiệm body shop hắn làm ở đâu, hắn đáp - Oakland. Tôi hỏi làm ở đó được bao lâu, hắn gãi đầu rồi lên tiếng gọi vợ. Maria từ trong nhà đi ra. Hai vợ chồng nói huyên thuyên một lúc xong Maria nói với tôi bằng tiếng Anh trôi chảy:

- Chồng tôi làm mới được một năm, trước kia thì đi cắt cỏ.

Tôi khen Maria nói tiếng Anh khá. Nàng giải thích tuy cha mẹ là Mễ nhưng nàng sinh ra ở California còn Carlos mới sang nên Anh văn rất yếu.

- Chồng cô Anh văn còn kém mà xin được vào làm trong body shop thì cũng hay.

Maria giải thích - Vì có người quen đưa vào, xong nàng ta quay sang chồng nói một hơi. Tôi cố ngóng tai nghe nhưng với vốn liếng tiếng Tây Ban Nha nghèo nàn của tôi và tốc độ nói của họ tôi chịu thua. Maria giải thích.

- Chồng tôi được người bạn giới thiệu vào làm. Tiệm đó toàn là người Mễ, từ chủ cho đến thợ nên không cần biết tiếng Anh.

- Maria, nhờ cô dịch cho Carlos biết tôi không phải người Hoa, đừng kêu tôi là chino.

Maria quay sang chồng dịch lại.

Carlos ngạc nhiên nhìn tôi hỏi:

- You not Chino?

Tôi lắc đầu nói hắn tôi là người Việt.

- Ồ, Vietnamita!

Vietnamita? Không gọi tôi là người Hoa nữa thì hắn lại kêu tôi là Việt-nam-mít à. Thật bực! Bỗng nhiên Carlos đứng lên đi vào trong nhà. Có tiếng mở cửa tủ rồi những tiếng đồ thủy tinh va vào nhau, một chập sau hắn trở ra miệng cười thật tươi đến mang tai, tay dơ ra một chai rượu tay kia cầm hai cái ly nhỏ xây chừng nhỏ. Hắn đưa cho tôi một ly rồi rót rượu vào. Tôi đưa ly lên mũi ngửi, mùi an-côn nồng ngai ngái xông lên mũi làm tôi nhớ lại mùi rượu đế một thời hay nhậu ở quê nhà với lũ bạn. Tôi nhìn Maria, nàng nói - Tequila. À, thì đây là rượu tequila nổi tiếng của xứ Mễ Tây Cơ mà tôi hằng nghe. Về rượu mạnh thì tôi cũng như mấy người bạn nhậu Việt chỉ biết có cognac hay brandy nhãn Napoléon. Carlos tự rót cho mình một cốc rồi ngửa cổ làm một phát thật nhanh xong hắn khà một tiếng thật lớn rồi bảo tôi uống. Bắt chước hắn, tôi cũng đổ cốc rượu vào miệng. Chất lỏng nóng bỏng đi đến đâu đốt đến đó từ lưỡi cho đến đáy dạ dày. Tôi không ngờ tequila còn mạnh hơn cognac. Tôi ho lên sặc sụa đến ứa nước mắt. Carlos cười lên ha hả rất sảng khoái, lên tiếng khen:

- You good, muy bueno!

Tôi đưa trả lại cái ly xây chừng, lắc đầu nói rượu quá mạnh, uống không nổi. Hắn vỗ lên vai tôi nói - OK, tomorrow, you drink good. Tôi lè lưỡi lắc đầu.

*

Những ngày sau đó tôi được biết nhiều thêm về cặp vợ chồng láng giềng Mễ. Carlos mỗi sáng lái chiếc truck đi làm còn vợ ở nhà lo cho thằng con trai nhỏ. Hắn và tôi thường rời nhà cùng một lúc với nhau. Cứ gặp nhau như thế tôi học thêm được vài câu tiếng Mễ thấy cũng vui vui. Ra đến đường tôi và hắn đi cùng một xa lộ một khúc khá xa mới rẽ hai hướng khác nhau, người nào đi đến sở người nấy. Thường thì đến chiều đi làm về tôi đã thấy chiếc truck nằm lù lù chỗ cũ ban sáng. Từ trong nhà cặp vợ chồng có tiếng nói chuyện, tiếng cười của Carlos và thằng bé, mùi nấu ăn bay ra thơm phức. Lắm lúc nhìn cảnh tượng ấm cúng gia đình hạnh phúc của Carlos tôi đâm thèm và tiếc nuối những ngày tháng có Hương. Trước khi bỏ tôi, Hương đã đến nấu cơm ăn chung. Những lần ấy tôi cảm thấy hạnh phúc vô ngần, những tưởng nó sẽ kéo dài mãi mãi. Phải chi tôi không gặp Stacey!

Một hôm Maria hỏi tôi sao không lấy vợ. Tôi cười buồn kể chuyện Hương và đứa con gái Mỹ. Maria chép miệng lắc đầu chê - Bad man! rồi dịch lại cho chồng nghe. Carlos nháy mắt khen tôi ‘bueno’, bị vợ trợn mắt la ‘Qué?’ Hắn cười hì hì rồi mời tôi một lon Tecate nữa. Đến cuối tuần vợ chồng Mễ trẻ mời tôi sang ăn thịt nướng. Mỗi lần như thế Maria lại phải đóng vai thông dịch viên cho chồng. Carlos còn cha mẹ và đứa em trai bên Mễ, hắn muốn để dành tiền đem họ sang rồi cả gia đình họp lại mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ bán hàng Mễ.

- Vậy thì cậu nên đi học Anh văn, tôi khuyên, vì trước sau gì cũng phải giao dịch với dân bản xứ.

Hắn gật gù có vẻ đồng ý xong móc ví lôi ra hai tấm ảnh cũ mèm đưa tôi xem.

- Mi papá, mi mamá.

Hình chụp một cặp vợ chồng Mễ già trông quê mùa đứng trước một căn nhà nhỏ lợp mái tôn lụp sụp bên một con đường đất trông không khác gì nhà cửa trong mấy khu nhà lá ngoại ô Sài Gòn. Người đàn ông già dáng thấp bé cười nhe mấy cái răng sún đứng cạnh một phụ nữ lùn và mập, miệng cười khoe vài cái răng vàng. Một chiếc xe đạp dựng lên tường gần đó. Carlos chỉ cho tôi xem tấm hình thứ nhì chụp thằng em trai hắn.

- Felipe, em tôi.

Thằng bé đen đúa trông khoảng mười hai mười ba tuổi nhe mấy cái răng sún giống cha đang ngồi trên một chiếc xe đạp con. Carlos khoe chính hắn mua chiếc xe đạp ấy cho thằng em.

- Tôi tặng nó vì nó học giỏi, nó thông minh như ông vậy, làm toán giỏi lắm. Mai mốt nó cũng học kế toán như ông để giữ sổ sách cho tiệm tạp hóa tôi sẽ mở cho ông bà già tôi.

“Chắc thằng này chưa biết mẩu chuyện tây cô bé đội sữa ra chợ bán,” tôi nghĩ thầm.

Trả lại Carlos hai tấm hình, tôi chúc hắn may mắn và hứa sẽ là khách hàng đầu tiên của cửa tiệm tạp hóa trong giấc mơ của hắn. Hắn cám ơn xong mắt lim dim nhìn xa xăm, chắc hắn đang nhìn về hướng Nam, nơi chôn nhau cắt rún của hắn với những người thân đang chờ ngày sum họp. Còn tôi thì nhìn về hương Tây cố tìm thấy một giải đất hình chữ S, nơi cha mẹ và đứa em gái tôi cũng đang chờ ngày trùng phùng. Đơn xin Đoàn Tụ Gia Đình đã nạp hai năm nay nhưng tôi vẫn chưa nghe thấy động tĩnh gì từ Sở Di Trú, và tôi vẫn kiên nhẫn chờ. Khác với Carlos, tôi không mơ mộng gì nhiều cho một tương lai huy hoàng cho đại gia đình tôi khi sang đến đây. Biết thân phận mình học hành chưa xong, vốn liếng học vấn trước 75 ở Sài Gòn chả có giá trị gì bên này, bây giờ chỉ biết làm cạo giấy ngày hai buổi, của cải không có gì ngoại trừ cái xe cũ mua lại để đi làm, tôi chỉ biết lo cho những gì trước mắt khi gia đình sang được như nơi ăn chốn ở, ghi tên cho đứa em gái vào trung học, vấn đề sức khỏe của cha mẹ tôi. Thế thôi! Tôi nghĩ cha mẹ tôi sẽ thất vọng khi thấy tài sức con trai lớn mình chỉ đến thế. Có lẽ cha mẹ quê mùa của Carlos lại vui sướng và hãnh diện hơn song thân tôi. Tôi chợt thấy buồn bã, lắc đầu.

- Qué pasó? Carlos hỏi.

Tôi nói đang nghĩ về gia đình bên quê nhà. Carlos bắt tôi kể về cha mẹ tôi và đứa em gái. Tôi chiều lòng hắn vắn tắt nói về gia đình mình. Để kết luận, tôi nói hắn và tôi đồng cảnh ngộ. Hắn lắc đầu bảo Maria dịch lại.

- Không như thế đâu, cha mẹ ông được phép vào Mỹ một cách hợp pháp, chỉ là vấn đề thời gian. Cả một bể Thái Bình Dương ngăn chia Mỹ Việt hàng ngàn dặm nhưng chỉ cách nhau một hai ngày bay trong khi Mễ và Mỹ cùng một biên giới nhưng có thể là phân ly bao năm trời.

Một nụ cười ngây ngô nhưng quả quyết trên mặt Carlos.

- Nhưng tôi sẽ đem ông bà già và thằng em sang đây được. Còn em gái ông?

- Em gái tôi cũng bằng tuổi em cậu, đang học lớp tám.

Carlos đòi xem hình gia đình tôi. Đến lượt tôi móc ví lấy ra một tấm ảnh nhỏ chụp cha mẹ tôi và đứa em gái. Nhìn hình một lúc, tên hàng xóm Mễ gật gù khen cha mẹ tôi trông còn trẻ. Hắn khen đứa em gái tôi xinh rồi chuyền ảnh sang cho Maria. Vợ hắn đón lấy bức ảnh, đưa lên nghiêng đầu nhìn. Tôi quan sát Maria. Người con gái Mễ này trông mặn mà như gái lục tỉnh Việt Nam, nước da ngăm ngăm bánh mật, đôi môi dày lúc nào cũng bóng lên dễ gợi dục, cặp mắt to và đen, chỉ có cái hơi mập người tròn trĩnh như đa số phụ nữ Mễ. Xem ảnh xong Maria đưa trả lại cho tôi rồi tiếp tục đút từng miếng thịt cho thằng bé ăn. Thằng nhỏ chắc no không muốn ăn nữa, nó quay mặt đi cố tránh cái nĩa đầu xiên miếng thịt làm mẹ nó cứ phải chu môi ra kêu chùn chụt để dụ nó ăn. Cặp môi nàng cong cớn lên trông thật khêu gợi. Suốt ngày ở nhà ăn no xong lăn ra ngủ chờ chồng đi làm về, cái sức lực sung mãn ấy cứ tăng dần lên như nước dâng mãi phải có lúc vỡ bờ.

Tôi trở lại đề nghị Carlos nên đi học thêm Anh văn vì nếu mai đây chẳng may cái body shop bị đóng cửa thì làm sao hắn tìm được việc làm khác nếu không biêt tiếng bản xứ. Chả lẽ mò về lại cái làng nghèo nàn bên nước Mễ của hắn? Maria dịch lại, xổ một tràng cho chồng nghe. Carlos lại đồng ý. Tôi hứa sẽ giúp hắn nếu có gì khó trong bài học bài làm.

Sau bữa nhậu đó, tôi không nghĩ Carlos sẽ giữ lời hứa học tiếng Anh nhưng tôi đã lầm. Mấy hôm sau hắn khoe đã ghi tên học ESL miễn phí tại một nhà thờ Mễ mỗi tuần hai đêm, còn hai đêm kia thì hắn đem sách vở sang nhờ tôi chỉ thêm. Tên này bề ngoài trông vai u thịt bắp ù lì chứ khá thông minh, học vào rất nhanh và được cái không tự ái, lắm lúc bị tôi mắng vì đần, có mấy cái luật văn phạm giản dị mà không nhớ, hắn chỉ nhe răng cười rồi xin lỗi. Vài tháng sau Anh văn Carlos khá lên thấy rõ. Bây giờ mỗi sáng gặp nhau hắn không còn chào tôi bằng ‘Buenos días’ nữa mà thay vào đó là ‘Good morning’ kèm theo những câu hỏi khác về thời tiết, việc làm, vân vân. Tôi vừa mừng cho hắn vừa mong mình không làm tên láng giềng Mễ mất gốc.

Suốt mấy tháng trời làm thân với gia đình Mễ bên cạnh làm tôi thấy bớt cô đơn. Nỗi buồn thất tình ban đầu rồi cũng bớt đi nhất là Hương không còn học chung trường với tôi nữa. Đã hơn một khóa học tôi không thấy nàng trong câu lạc bộ hay ngoài sân trường. “Biết đâu Hương đã lấy chồng và bỏ học. Thôi thế cũng xong!”, tôi nghĩ mà trong lòng chùng xuống. Những lần sau đi ngang qua building mà Hương thường có lớp, tôi vẫn còn cảm thấy phần nào xao xuyến. Nếu tình cờ Hương xuất hiện thì biết nói gì?

*

Sau lễ Thanksgiving, những thương xá bắt đầu nhộn nhịp đèn đóm thắp sáng trưng chuẩn bị cho một mùa Giáng Sinh sắp đến. Đêm đêm người ta lũ lượt đi shopping. Những bãi đậu xe càng ngày càng đầy, chẳng mấy chốc tìm một chỗ đậu xe cũng khó. Có những buổi chiều sau khi đi làm ra, tôi ghé vào một thương xá gần nhà để cùng nhập vào dòng người mua sắm nhưng vì cần để dành tiền lo cho gia đình nên tôi chỉ đi ngắm cho đỡ thèm. Tay thọc trong túi quần, tôi đi lang thang trong thương xá, đứng ngoài tiệm dán mũi lên tủ kính nhìn mấy cái áo da đen, mấy bộ đồ vét, các dàn stereo chứ không dám bước vào vì sợ người bán hàng ra hỏi thăm. Đi một đỗi mỏi chân, tôi ghé vào một cái quán cà phê nhỏ gọi một tách espresso ngồi nhâm nhi nhìn thiên hạ dập dìu qua lại. Họ trông thật hạnh phúc. Những cặp ôm tay dìu nhau bước thong thả như muốn kéo dài thời giờ bên nhau làm tôi nhớ lại quãng ngày vui chỉ mấy tháng trước. Nếu còn Hương, chắc chúng tôi cũng không khác gì người ta. Đứa con gái trẻ chạy bàn với một khuôn mặt thật xinh và mái tóc vàng búi lên phía trên đội mũ vải mỏng theo kiểu gái Bắc Âu đi lại cầm cái tách cà phê đã cạn của tôi lên, hỏi tôi còn muốn dùng gì nữa không. Tôi mỉm cười với đứa con gái, trong lòng hết sức muốn thú thật với nàng nỗi cô đơn của tôi, may ra được nàng rủ lòng thương nhưng nghĩ sao lại thôi, chỉ lắc đầu cám ơn rồi đứng lên ra về.

Một đêm đi dạo thương xá về đến nhà, tôi thấy Carlos đúng lúc cũng vừa đậu chiếc xe truck trước cửa nhà hắn thay vì bên hông như thường lệ. Vợ chồng con cái xuống xe. Hắn đi vòng ra phía sau chiếc xe truck, mở cái bửng xuống xong cố lôi một cây thông xuống xe. Tôi chạy lại chào hai vợ chồng, phụ hắn khiêng cây vào trong nhà.

Sau hơn mười lăm phút vật lộn với cái cây thông cao hơn đầu người, tôi và Carlos dựng được nó trong xó nhà. Hắn vỗ vai tôi cám ơn rồi vào bếp mở tủ lạnh lấy hai lon bia mời tôi một lon trong khi vợ hắn lôi ra từ trong một cái túi giấy to tướng một mớ dây điện rối bù trên có gắn nhiều bóng đèn nhỏ đủ màu trải xuống sàn nhà rồi gỡ rối ra từng sợi. Maria làm công việc thật tỉ mỉ này khá lâu xong bắc ghế trèo lên chịu khó treo lên cây thông những ngôi sao bạc, những cái tượng thiên thần nho nhỏ xong cuốn sợi dây điện lủng lẳng bóng đèn đủ màu xung quanh cây. Trong khi đó thằng con trai cứ chạy vòng quanh cái cây ra chiều thích thú lắm. Maria sợ nó đụng vào làm rớt đồ, lên tiếng đuổi nó đi. Thằng nhỏ phụng phịu chạy lại cha nó nước mắt vòng quanh. Carlos bế nó lên cho ngồi lên đùi rồi nhịp lên nhịp xuống làm nó thích chí cười lên. Tôi thấy thằng bé dễ thương tệ, đưa tay ra vuốt đầu nó. Thằng bé cười với tôi - ‘Tío Phong!’ Carlos ngồi im lặng nhìn vợ loay hoay trang hoàng cây thông. Khi hắn và tôi uống hết lon bia thì Maria cũng vừa trang hoàng xong cây thông. Nàng trịnh trọng cắm điện. Những ngọn đèn xanh, đỏ, vàng, trắng bật lên cùng một lúc rồi lấp lánh trông thật đẹp mắt. Thằng bé trai reo lên trong vui mừng - Qué bonitas luces, papá! (Đèn đẹp quá cha ơi), xong nó ngồi phệt xuống đất mắt chăm chú nhìn mấy ngọn đèn màu chớp chớp. Mắt thằng bé long lanh không kém gì mấy ngọn đèn. Niềm hạnh phúc nhỏ bé đã được toại nguyện. Maria ngồi xuống cạnh con, ôm nó sát vào lòng rồi hai mẹ con bắt đầu cất tiếng hát một bài hát bằng tiếng Tây Ban Nha mà tôi đoán là bài hát Giáng Sinh. Giọng mẹ thật ấm, giọng con thật trong. Tôi liếc sang nhìn Carlos. Một nụ cười toại nguyện pha lẫn với vui sướng nở trên môi hắn rồi môi hắn bắt đầu mấp máy. Hắn hát theo vợ con. Tôi biết đến lúc phải rút lui để trả lại bầu không khí gia đình ấm cúng cho Carlos và vợ con. Tôi đứng lên chào hắn rồi rón rén bước ra cửa. Carlos không nhìn theo, chỉ nói Adiós xong đưa tay lên vẫy.

Vài giọt mưa lạnh buốt quất lên mặt tôi. Những chiếc lá còn lại trên cành mấy cây trong bãi đất lay động trong gió thổi nhẹ, vài chiếc lìa cành bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống đất. Đã lâu tôi không còn đếm lá cho những ngày tháng cô đơn của mình. Tôi chỉ ước có một trận bão nào thật lớn thổi đến làm rụng hết lá để chấm dứt nỗi cô đơn ấy. Có tiếng cười ròn tan của đứa con trai Carlos từ trong nhà vọng ra ngoài. Ra đến giữa bãi đất trống, tôi quay lại nhìn căn nhà hàng xóm. Nổi bật lên giữa cái bóng đêm đen như mực của một buổi tối mùa đông, cái cửa sổ màn kéo mở toang của nhà Carlos trông như một bức tranh tuyệt đẹp của Norman Rockwell vẽ lên hình ảnh một gia đình hạnh phúc đang quây quần bên nhau xung quanh cây Giáng Sinh. Tay thọc sâu trong túi áo, tôi cúi đầu bước nhanh về căn nhà lạnh lẽo của mình.

*

Buổi chiều ngày 24, cơn mưa dầm dề ba ngày nay tự nhiên ngưng như là theo lệnh của Thượng Đế để chúng sinh có thể cử hành lễ Giáng Sinh một cách thoải mái. Thay thế cho những dòng nước lũ là những ngọn gió lạnh buốt không biết ở đâu thổi về, có lẽ từ Alaska nên đem theo cái buốt thấu xương. Hãng hôm nay cho nhân viên về sớm nửa ngày để chuẩn bị đón lễ. Là người Phật giáo dĩ nhiên tôi không quan tâm nhiều về chuyện ấy. Tôi tính sắp vài bộ quần áo đến nhà cô tôi ở chơi vài bữa vì lễ Giáng Sinh nhằm vào Thứ Năm nên sở đóng cửa luôn cho đến tuần sau. Về đến nhà, tôi thấy một chiếc xe lạ nào đậu trước cửa nhà Carlos, một chiếc xe hoa-kỳ hiệu Impala kiểu cũ thời sáu mươi mấy, to như xe tăng rất được giới trẻ Mễ ưa chuộng, thường thì mua về rồi thay bốn bánh bằng những bánh nhỏ thấp lè tè. Tôi đoán gia đình Carlos mời bạn hay bà con nào đến ăn Giáng Sinh. Sắp quần áo vào bị xong tôi xách ra xe đúng lúc Carlos từ trong đi ra cùng với một thanh niên Mễ. Hắn đi vội lại xe tôi:

- Phong, ông qua nhà tôi ăn Giáng Sinh chứ?

Tôi từ chối vì đã hứa với cô tôi:

- Xin lỗi, thôi để năm sau đi. Tôi phải lại thăm cô tôi như đã hứa. Bạn cậu đó hả? Tôi vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn người thanh niên Mễ ăn mặc diêm dúa, tóc chải tém, cổ đeo mấy sợi dây chuyền vàng đứng cạnh Carlos. Không chờ Carlos lên tiếng, tên này chìa tay ra cho tôi bắt, nhếch môi tự giới thiệu.

- Tôi là Oscar, bạn của Carlos.

- Tôi tên là Phong.

Carlos xen vào:

- Oscar là bạn thân của tôi từ bên Mễ, gia đình hắn ở cùng tỉnh với ông bà già tôi, vẫn còn bên đó chưa sang được. Chính Oscar đưa tôi vào làm trong body shop. Maria muốn mời Oscar đến ăn Giáng Sinh vì gia đình chú hắn về Mễ nên hắn có một mình.

- Xin lỗi hai người nghe, tôi phải đi vì đã trễ.

Quay sang Oscar, tôi bắt tay hắn một lần nữa:

- Hân hạnh biết cậu, mai mốt mình gặp lại.

Vừa quay đầu xe lại, tôi thấy Maria từ trong nhà đi ra tiến lại chỗ chồng và người bạn đang đứng. Nàng tự nhiên khoác tay Oscar kéo hắn đi. Carlos lững thững đi sau bạn và vợ, chân đá mấy chiếc là vàng dưới đất. Hắn ngừng chân khi xe tôi ra gần đến ngoài đường, hắn vẫy tay chào. Tôi bấm còi chào lại rồi lên ga.

Chiếc xe Impala trở lại nhà Carlos đôi ba lần sau lễ Giáng Sinh. Những lần như thế là nhà hàng xóm Mễ của tôi nhộn nhịp lên như có hội. Dù là đã vào đông trời bên ngoài lạnh ngắt, Carlos vẫn lôi cái lò than ra sân sau nướng thịt mùi bay thơm phức. Hắn luôn kêu tôi sang nhậu chung. Qua đến nơi tôi thấy Oscar ngồi sẵn với lon bia trong tay. Đến lúc này tôi mới biết thế nào là thức ăn chính tông của xứ Mễ. Sau vài lần ăn thịt nướng mà Carlos khoe là đã học được từ một nguời bạn vùng Michoacán và các món đồ biển Maria nấu theo kiểu Veracruz, tôi bắt đầu thích thức ăn Mễ. Khi nghe tôi nói trước kia hay ăn Taco Bell mà nghĩ đó là món ăn Mễ, Carlos cười giải thích đó là thức ăn “gringo”.

Tên Oscar nhìn tôi lắc đầu nhếch mép cười. Hắn bảo:

- Ông chả biết gì về văn hóa Mễ.

Tôi thấy nóng mặt, định lớn tiếng nói văn hóa mày ra gì so với văn hóa năm ngàn năm của tao nhưng vì nể Carlos nên thôi. Tôi đâm ghét tên Oscar này vô cùng, hắn lầm lì ít nói, điệu bộ khinh khỉnh, ra vẻ kẻ cả ngay cả với Carlos và nhất là thường tìm cách công kích tôi.

*

Người kế toán trưởng già đầu hói đặt tờ spreasheet của tôi xuống, đầu gật gù ra điệu bộ hài lòng. Ông ta đọc lại những hàng cột số một lần nữa rồi gật gù:

- OK! Tốt lắm. Cậu làm cái trial balance này và mấy cái ledgers kia đúng.

Ông ta đặt lại tờ spreadsheet xuống bàn, gỡ cặp kính lấy khăn mu-xoa trong túi ra vừa lau vừa cho tôi biết hãng rất là hài lòng với việc làm của tôi và sẽ cho tăng lương. Ông còn cho phép tôi về sớm để lo giấy tờ nhập cảnh cho gia đình.

Rời văn phòng boss, tôi mừng vô cùng. Hai ngày hôm nay tôi được hai tin vui liên tiếp nhau. Chiều hôm qua đi làm về lấy thư thấy phong bì Sở Di Trú gởi đến, tôi hồi hộp vô cùng. Quăng vội chiếc áo khoác lên ghế, tôi vội xé phong bì ra đọc thơ ngấu nghiến. Đọc đến hết thư, tôi muốn hét lên thật to - Gia đình tôi đã được chấp thuận cho sang Mỹ, chỉ cần đi khám sức khỏe là xong. Như vậy không bao lâu nữa tôi sẽ gặp lại cha mẹ và đứa em gái. Tôi cầm lá thơ chạy sang nhà Carlos khoe. Maria đọc xong dịch lại cho chồng nghe.

- Muy bueno. Tôi mừng cho ông. Như vậy khi nào thì gia đình ông qua?

- Tôi không biết rõ, tôi trả lời, có thể chỉ một vài tháng thôi, tôi đoán vậy.

- Ông làm đơn bao lâu rồi?

- Hai năm, nhưng tôi xa nhà tôi hơn sáu năm, sáu năm dài đăng đẳng.

Carlos quay mặt đi, trên môi nở nụ cười gượng gạo. Thấy hắn thế, tôi biết trong niềm vui lớn tôi đã quên cái buồn của người đồng cảnh ngộ. Tôi an ủi hắn - Kiên nhẫn lên đi, chỉ là vấn đề thời gian. Nói vậy chớ tôi nghĩ gia đình hắn biết đến bao giờ mới được phép sang Mỹ. Cũng có thể Carlos sẽ gởi tiền về cho gia đình để tìm cách vào Mỹ một cách bất hợp pháp. Biết đâu chính hắn cũng là dân “lưng ướt” ở lậu, dùng giấy tờ giả để đi làm nuôi thân.

Giờ cộng thêm cái tin tôi được lên lương. Tôi tính nhẩm số tiền để dành trong ngân hàng đã lên đến hơn ba ngàn đô, có lẽ tôi nên bắt đầu nghĩ đến việc mướn một căn nhà tử tế chứ cái nhà đang thuê nhỏ xíu thì làm sao đủ chỗ cho bốn người.

Dọn dẹp bàn làm việc cho gọn ghẽ xong tôi nhìn đồng hồ, hai giờ trưa. Nói là cần lên Sở Di Trú bổ túc giấy tờ chứ kỳ tình tôi chỉ cần chụp phóng ảnh vài văn kiện rồi ra bưu điện gởi gấp nhưng đã được cho về sớm thì tôi muốn lợi dụng vài giờ đồng hồ đi xem mấy căn nhà ba phòng tôi thấy báo đăng cho mướn.

Tạt qua bưu điện gởi lá thơ xong, tôi phải chạy về nhà để lấy địa chỉ mấy căn nhà đó tôi quên cầm theo lúc ban sáng khi đi làm. Xe vào đến bên trong bãi đất thì tôi thấy chiếc Impala đậu phía sau căn nhà bên cạnh. Chiếc xe truck của Carlos tôi không thấy đâu cả. Cũng lạ nhưng vì cần đi gấp nên tôi chả bận tâm về chuyện chiếc Impala. Lấy địa chỉ nhà cho thuê xong tôi trở ra ngoài thì đúng lúc thấy Oscar từ trong đi ra, quần áo hắn phía trước có chỗ trông như bị ướt. Hắn leo lên chiếc Impala phóng đi. Maria đang bế đứa nhỏ đứng trước cửa. Thấy tôi nàng lên tiếng chào:

- Xui ghê, nhà bị bể ống nước, may Oscar lại sửa chứ không thì nhà bị lụt.

- Chồng cô không có nhà? Tôi hỏi.

Maria lắc đầu:

- Carlos bận làm, phải nhờ Oscar lại giúp vì hôm nay anh ấy được về sớm.

*

Tôi đã nạp đơn xin mướn một trong mấy căn nhà ba phòng hôm nọ đi xem. Căn nhà trông rất tươm tất, nằm trong một khu vực khá an ninh và sạch sẽ. Giờ tôi chỉ chờ chủ nhà trả lời có thuận hay không. Vấn đề kế tiếp mà tôi phải lo là bàn ghế giường tủ. Cuộc sống con trai độc thân của tôi không đòi hỏi gì nhiều nhưng thêm ba người nữa nhất là mẹ tôi và đứa em gái thì lại khác. Tiền thì tôi có nhưng phải để dành, chưa thể mua đồ dùng mới vào lúc này. Mỗi ngày tôi đọc báo mục rao vặt tìm những nơi bán đồ gỗ cũ rồi sáng Thứ Bảy chịu khó lái xe vòng vòng tìm mấy cái garage sales. Thói đời là vậy, khi mình không cần thì có nhan nhản khắp nơi, lúc cần thì biến đi mất hết. Mấy cái garage sales và yard sales tôi đi xem chỉ bán mấy thứ vớ vẩn vô dụng. Chợ trời trên Oakland lẫn San José thì tuy có bán đấy nhưng lại hơi mắc. Mang tiếng là chợ trời nhưng đồ họ bày bán còn rất mới và không rẻ so với túi tiền của tôi.

Sáng Thứ Bảy thức dậy như thường lệ tôi cầm tờ báo và tách cà phê ra sau nhà ngồi hút điếu thuốc vừa đọc báo, lần này cố tìm trong mục rao vặt có ai bán bàn ghế và giường cũ. Trong bãi đất trống này, ngoại trừ mấy căn nhà phía bên kia có hàng rào cho mỗi nhà, còn hai căn nhỏ tôi và Carlos thuê thì cùng chia nhau một miếng đất. Ra đến ngoài tôi ngạc nhiên khi thấy Carlos ngồi dưới đất dựa lưng lên bánh xe truck trên tay cầm một lon bia.

- Chuyện gì vậy, sáng sớm đã uống rồi? Tôi hỏi.

Carlos nhìn lên, không buồn trả lời. Cái nhìn của hắn vừa buồn vừa lo âu. Ném tờ báo trên tay xuống đất, tôi ngồi phệt xuống đối diện với hắn, móc một điếu thuốc ra châm.

- Có chuyện gì mà sao trông cậu lo lắng thế?

- Tôi sắp bị mất việc làm, hắn đáp giọng rầu rĩ.

Tin động trời! Ở bên Mỹ này mất việc làm là mất hết. Tôi thông cảm nỗi lo của Carlos ngay. Ví dụ tôi mà mất job thì cái nhà nhỏ đang thuê còn không trả nổi huống chi cái nhà ba phòng đang muốn mướn. Trường hợp Carlos còn thê thảm hơn vì hắn còn vợ và con thơ. Tiền thất nghiệp đâu có là bao. Nếu điều tôi nghi hắn là dân Mễ ở lậu là đúng thì lại còn khó khăn cho gia đình hắn hơn vì hắn sẽ đếch dám ra Sở Thất Nghiệp ghi tên lãnh trợ cấp.

Carlos ngửa cổ lên tu hết ngụm bia cuối xong quăng lon ra xa. Cái lon nhôm rớt lên mấy cục đá phát ra mấy tiếng kêu leng keng rồi nằm im trên bãi cỏ.

- Ông chủ hôm qua nói tiệm làm ăn lỗ lã nên sắp đuổi bớt người. Tôi mới vào làm lại còn chưa thạo nghề nên bị cho đi trước. Oscar được giữ lại vì hắn vừa làm lâu vừa làm giỏi. Thứ Hai họ sẽ cho biết người nào bị đuổi. Tôi không biết giờ phải làm gì đây.

Tôi cố an ủi hắn đừng nên lo, mất việc này thì đi tìm việc khác. Bề ngoài nói vậy để trấn an Carlos chứ trong lòng tôi biết nếu mình là hắn thì sẽ lo quýnh lên chứ chả chơi. Có tiếng cửa mở kẽo kẹt rồi cánh cửa gỗ cũ kỹ tróc sơn bật mở. Maria bế thằng bé con từ trong đi ra. Nàng đi lại, khẽ lên tiếng chào tôi rồi đứng dựa lên xe nhìn chồng với cái nhìn thản nhiên như chả có gì phải lo. Carlos không nhìn lại, mắt vẫn dán lên bãi cỏ trước mặt. Vợ hắn nói một tràng dài, hắn lắc đầu. Maria quay sang tôi.

- Chồng tôi nói cho Phong nghe chưa? Sắp mất job rồi.

Tôi gật đầu. Maria nói tiếp:

- Tôi đã kêu Oscar nhờ xin với người chủ.

Hình ảnh chiếc xe Impala trở lại trong đầu tôi. Tôi nói úp mở với Maria:

- Tôi tin chắc Oscar sẽ hết lòng giúp, và sẽ phải được.

Một nụ cười tự tin nở trên môi đứa con gái Mễ. Nàng ta lập lại câu của tôi.

- Tôi cũng tin Oscar sẽ giúp được.

Nói xong Maria quay lưng bế con đi vào nhà, Carlos lắc đầu vẻ mặt không nhiều tin tưởng như vợ, đứng lên đi theo.

Việc Carlos nhờ Oscar kết quả ra sao tôi không rõ vì đi thăm bà cô cho đến khuya mới về. Xe chưa lăn bánh vào bãi đậu tôi đã nghe tiếng nhạc nhà quê ranchera của Mễ vọng ra từ nhà tên hàng xóm. Xen lẫn trong tiếng nhạc là tiếng cười nói thật ồn ào thỉnh thoảng có tiếng rú lên như vượn. Trong ánh đèn xe, tôi thấy hình thù chiếc Impala đậu sau cái truck của Carlos. Vào trong nhà tôi vừa mới cởi cái áo jacket ra ném xuống ghế sa lông thì có tiếng chân người trước cửa nhà rồi tiếng đập cửa rầm rầm.

- Ê, Phong, có nhà không? Tiếng oang oang của Carlos đi trước, theo sau là chính hắn tự nhiên đi vào phòng khách.

Thấy tôi, hắn nói giọng nhừa nhựa sặc mùi rượu:

- Tôi không bị mất job, nhờ compadre Oscar của tôi xin cho. Tụi này đang ăn mừng. Rảnh không, qua làm vài ly tequila đi. Mai Chủ Nhật mà lo gì!

Tôi lưỡng lự không muốn đi vì không muốn thấy cái bản mặt thấy ghét của thằng Oscar. Tôi muốn từ chối hết sức nhưng trước cái vui thành thật của Carlos, tôi đành gật đầu. Hắn lập tức đẩy tôi ra cửa. Ra đến ngoài nhìn Carlos đi chân nam đá chân siêu tôi biết hắn đang say túy lúy. Có lúc hắn nghiêng ngửa như muốn ngã làm tôi phải nắm tay hắn giữ người cho thẳng lên.

- Carlos, cậu say quá!

Hắn cười hề hề bảo - Sí, sí.

Sang đến nơi tôi thấy Oscar đang ngồi chễm chệ trên cái ghế lazy boy còn Maria thì ôm thằng bé ngồi bên cạnh. Trên chiếc bàn khách đã có mấy lon bia nằm lăn lóc, chai tequila và mấy cái cốc nhỏ. Thấy tôi và Carlos vào, Oscar đưa lon bia lên chào. Tôi miễn cưỡng gật đầu chào lại. Tên Mễ vẫn ngồi yên đó, nghếch mắt lên nhìn tôi như là chờ hỏi han bắt chuyện. Không thèm nói gì, tôi ngồi xuống, tay đỡ lon bia Carlos đưa.

- No cerveza, tequila! Oscar khoác tay bảo.

Hắn quay sang Maria nói gì một hơi. Cô nàng cười cười rồi cầm chai tequila lên rót vào một chiếc cốc nhỏ xong đưa cho Oscar. Hắn thè lưỡi ra liếm tí muối trên lưng tay rồi bằng một cử chỉ thật nhanh và gọn cầm cốc lên nốc một cái cạn láng xong cắn vào miếng chanh Maria đưa cho hắn. Dằn cái cốc xuống bàn, hắn nhìn tôi thách thức.

Tôi sợ cái trò uống thế này, sáng dậy chỉ tổ nhức đầu. Tôi lắc đầu khi Carlos đưa cho tôi một cái ly xay chừng khác nhưng hắn nhất định bắt tôi phải uống.

- Uno, sólo uno, Carlos nài nỉ.

Chiều hắn tôi nốc cạn một ly tequila xong đưa trả lại hắn cái ly. Không soi gương nhưng tôi biết mặt tôi nhăn như mặt khỉ trông thật buồn cười vì chất nồng của men rượu và nhất là ba người kia cười rộ lên. Maria rót cho tôi thêm một cốc nữa và ép tôi uống. Tôi phản đối kịch liệt. Tên Oscar nhìn tôi lắc đầu ra vẻ khinh khi. Máu nóng bốc lên đầu, tôi không cần suy nghĩ, chộp lấy cốc rượu rồi nốc cạn. Cái chất lỏng nóng bỏng ấy chảy xuống dạ dày, đi đến đâu hâm nóng lên đến đấy rồi dồn máu chạy lên đầu. Những tiếng vỗ tay rần rần nổi lên. Tôi tự nhiên thấy hứng lên. Mình là con rồng cháu tiên, sợ gì mấy tên hậu duệ mọi Aztec và Maya.

- Uno más, tôi vừa nói vừa chỉ vào cốc rượu.

Không đầy một tích tắc, cái chất lỏng vàng lợn cợn ấy một lần nữa được rót vào cốc đầy lên mép trào ra ngoài. Tôi mắt đã mờ đi chả biết ai rót nhưng tôi cóc cần, làm một phát nữa. Vừa đặt cái cốc xuống bàn, bàn tay Maria đã đưa cổ chai tequila đến. Cốc rượu lại đầy lên đến mép. Tôi xua tay bảo thôi nhưng Maria bảo - For me! Tôi đành “nhắm mắt đưa chân”. Bốn cốc rượu mạnh rót đầy uống liên tiếp hẳn phải có ép-phê. Tôi cảm thấy máu trong cơ thể sôi lên đến mấy trăm độ F, còn trong bao tử thì như có con gì cứ cào cấu đòi trèo lên cuống họng tôi để chui ra. Đầu óc tôi bắt đầu quay vòng vòng. Tôi cảm thấy cần nằm xuống ngay, không tài nào lết nổi ra cửa, mà nếu ra nổi đến cửa thì chắc sẽ ngã quỵ giữa đường trước khi mò về đến nhà dù hai nhà cách nhau chỉ vài chục thước.

- Ê, qué pasó, Vietnamita? Tiếng thằng Oscar vang lên đâu đó trong phòng.

Carlos bảo tôi ra ghế nằm nghỉ một chốc rồi uống tiếp. Tôi nghe lời hắn, đứng lên lảo đảo đi lại cái ghế bành trong góc ngồi phịch xuống, tai còn nghe những tiếng cười rú lên như từ đâu xa xôi vọng về. Tôi dại dột nghĩ uống bia vào thì sẽ hạ say vì nó nhẹ hơn tequila, cầm lon Tecate đưa lên miệng. Bia vừa đi qua cuống họng đã muốn đi ngược trở lên. Tôi phải kềm ghê lắm để khỏi ói ra. Một lúc sau tôi thiếp đi lúc nào không hay.

Ngồi ngủ gục trên ghế như thế đến nửa đêm tôi thức dậy không biết vì ngủ không đắp chăn nên cái lạnh thấm qua da thịt hay vì tiếng ai rù rì nói chuyện. Tôi từ từ mở mắt ra nhưng vẫn nằm yên, định cho mắt quen cái bóng đêm rồi sẽ mò ra cửa đi về. Trong bóng tối, tôi thấy bóng hai người vẫn còn ngồi sau cái bàn tuốt cuối bếp rồi bóng hai cái đầu đó chụm sát vào nhau thì thào nói chuyện. Tôi cứ nằm yên quan sát. Sau lưng hai cái bóng, cửa sổ bếp màn kéo mở hẳn ra nên bên ngoài trăng ngày rằm rọi vào sáng trưng thẳng vào mắt nên khó nhìn rõ hai cái mặt ấy nhưng căn cứ vào hình thù hai mái tóc và khuôn mặt, tôi đoán Maria đang nói chuyện với bạn chồng. Tôi giật mình khi thấy hai cái đầu ấy di động nhập lại làm một rồi có tiếng rên ư ử của Maria. Họ đang hôn nhau. Có tiếng Oscar nói gì đó vào tai Maria, người con gái lắc đầu, tôi nghe loáng thoáng nàng nói “vietnamita”. Mắt tôi vẫn he hé nhìn. Maria lại lắc đầu quầy quậy, Oscar lại tiếp tục thì thầm vào tai nàng. Lần này Maria khẽ gật đầu rồi hai cái bóng đứng lên, đi lại cửa thật nhẹ nhàng lách ra ngoài. Tôi không tin cái gì mình vừa thấy. Trong đầu tôi đã đưa ra nghi vấn chuyện họ đang làm. Tôi rón rén đi lại cửa sổ vén bức màn nhìn ra ngoài.

Hai người dẫn nhau lại chiếc Impala. Vừa đến mũi xe Oscar ôm chầm đẩy Maria nằm ngửa xuống rồi hôn lấy hôn để lên môi lên cổ, tay hắn kéo áo nàng ta lên xong hôn lên ngực, vục mặt vào giữa cặp vú to lớn. Maria hai tay buông thả, miệng thở hổn hển. Oscar quay người Maria lại cho nằm xấp xuống mũi xe, một tay hắn vén váy nàng ta lên tay kia nắm quần lót kéo xuống tận gần đầu gối xong cởi thắt lưng tụt quần mình xuống. Trong ánh trăng rằm tôi thấy cặp mông đồ sộ của Maria nhịp lên xuống theo nhịp đẩy của Oscar. Được một lát, Maria đẩy Oscar ra, nói gì đó. Tên này mở cửa xe. Hai người chui vào trong. Cánh cửa xe mở toang về hướng cửa sổ nên tôi có thể lờ mờ thấy hai đôi chân bên trong xe lòi ra ngoài dãy dụa. Tôi há hốc mồm nhìn cái chuyện tồi bại của đôi gian phu dâm phụ đang diễn ra dưới ánh trăng rằm. Định lén đi ra cửa để về nhà nhưng tôi lại ngại khi họ trở vào không thấy mình thì sẽ biết chuyện họ bị lộ. Tôi thắc mắc Carlos đi đâu mà lại để vợ một mình với bạn. Mắt đã quen bóng tối cộng với ánh trăng sáng rọi vào trong, tôi lần theo tường đi lại phòng ngủ của Carlos. Thấy cánh cửa phòng mở một nửa, tôi thò đầu vào nhìn. Mùi rượu xông lên nồng nặc. Trong bóng đêm lờ mờ, hình thù Carlos nằm co quắp trên giường, hai tay ôm gọn thằng con trai. Hai cha con đang ngủ say như chết. Bên trong tiếng ngáy của cha và tiếng mớ của con, bên ngoài tiếng rên rỉ của đôi tình nhân tội lỗi.

Tôi mò mẫm trở lại cửa sổ. Chiếc xe Impala vẫn lắc lư lên xuống, cặp chân Maria quắp vòng ngang lưng tên đàn ông. Vài phút sau, Oscar lồm cồm chui ra khỏi xe trước, hắn kéo quần lên rồi đưa tay vào trong đỡ Maria ra. Người vợ tội lỗi đưa tay lên vuốt lại mái tóc rối bù, cài lại nút áo. Tôi vội trở về chiếc ghế dài nằm xuống gác tay ngang mắt vờ còn đang ngủ. Chỉ vài phút sau cánh cửa trước khẽ mở ra, Maria lách vào thật nhanh đi thẳng vào phòng tắm. Có tiếng động cơ xe nổ bên ngoài rồi nhỏ dần ra đến ngoài con đường cái xong chết lịm. Nằm im lặng trong bóng đêm, tôi gác tay lên trán nhớ lại lần Maria mắng tôi là bad man khi tôi kể chuyện cho vợ chồng nàng ta về vụ tôi với Hương và Stacey.

*

Từ đêm hôm ấy trở đi, tôi không còn thấy thoải mái mỗi lần chạm mặt với Maria. Tôi cố tránh gặp nàng, những lúc không tránh được thì tôi cố ít nói chuyện mà nếu phải nói thì không còn được tự nhiên như xưa. Trong khi đó thì hình như Maria chưa biết là tôi đã biết, nàng ta vẫn thân mật với tôi và điềm nhiên nói chuyện như chả có gì xảy ra. Đến lúc này thì tôi đã xem Carlos hơn là một người hàng xóm, tôi đã xem hắn như một người bạn. Mình phải làm gì đây khi biết được vợ bạn đã vụng trộm với một người đàn ông khác, nhất lại là một người bạn thân? Tôi đâm ngượng khi gặp Carlos và cũng tránh hắn luôn. Mỗi lần phải gặp mặt hắn, tôi bị đặt vào một vị thế khó xử vì thấy hắn lúc nào cũng vui vẻ hồn nhiên vô tư lự như một đứa trẻ. Im miệng không nói ra vì muốn tránh xía vào chuyện người khác thì tôi cảm thấy tội lỗi. Làm sao mình có thể nhởn nhơ xử sự như không có gì xảy ra được khi bạn mình đã bị vợ lừa dối cắm sừng ngay trước mặt nhưng nếu nói ra thì có thể gây hậu quả khó lường.

Lần ăn nằm chớp nhoáng ngoài xe của Oscar làm tôi nhớ lại cái hôm tôi về bất thần vào buổi chiều gặp Oscar đến khi Carlos không có nhà. Tôi nhớ Maria nói nhà bị bể ống nước nên chồng đã nhờ bạn chạy về sửa giùm. Đó là khởi điểm của mối tình của họ hay chỉ là một tiếp tục của một mối tình tội lỗi đã bắt đầu từ lâu trước khi Carlos dọn về đây. Nếu lần làm tình ngoài xe đêm hôm ấy là lần đầu tiên Maria ăn vụng thì nàng ta thật sự yêu bạn của chồng hay chỉ ngủ với hắn như là một hành động đền ơn giúp chồng không mất việc? Tôi không biết. Dù là một khởi điểm hay một tiếp diễn, tình yêu thật sự hay chỉ là một cử chỉ báo ơn, đến lúc này thì không quan hệ gì vì chuyện tội lỗi đã xảy ra.

Một hôm trên đường về nhà xui sao tôi bị đụng xe ở ngã tư vì quẹo ẩu, tai nạn nhẹ thôi không ai hề hấn gì nhưng cái vè xe sau tôi bị móp vào trông thật thảm hại. Vì chỉ mua bảo hiểm một chiều phải tự bỏ tiền túi ra sửa, tôi cần tìm một body shop rẻ. Dĩ nhiên là tôi nghĩ đến Carlos. Hắn vui vẻ nói tôi đem xe lại chỗ hắn làm, hắn sẽ xin chủ hạ giá.

Sáng Thứ Hai tôi theo Carlos lại shop của hắn. Carlos và lão chủ Mễ già đứng xì xồ một lúc xong hắn đi lại xe tôi rờ mó một lúc rồi bảo - Hai trăm đô. Tôi chịu ngay vì mấy hôm nay đã đi hỏi giá vài chỗ cả Mỹ lẫn Việt, chỗ rẻ nhất đòi ba trăm. Carlos vỗ vai tôi vui vẻ nói:

- Ông đừng lo, để xe đây ba bốn ngày là trông mới ngay. Để tôi đưa ông đi làm. Free service mà. Gratis!

Tôi leo lên chiếc truck cũ kỹ để Carlos chở đến sở.

- Oscar đâu tôi không thấy? Tôi hỏi.

- Gần chín giờ nó mới đến. Thằng bạn tôi bây giờ ngon lắm, hắn làm phụ tá cho chủ. Nó ít xuống shop lắm, còn thì làm trong văn phòng, giữ giấy tờ sổ sách và điện thoại.

Chiều tan sở ra tôi đã thấy Carlos ngồi trên chiếc xe truck cũ kỹ quen thuộc chờ sẵn bên lề đường, tiếng kèn đồng trumpet đệm cho một giọng hát con gái nức nở của một bản nhạc ranchera, một loại nhạc nhà quê của Mễ, vọng ra từ trong xe qua cái cửa kính được quay xuống một nửa. Vừa thấy tôi, Carlos tắt máy casette rồi ngoắc tay kêu tôi đến. Đang lo phải cuốc bộ ra trạm xe bus giờ có người lại đón tôi mừng vô cùng. Leo lên xe tôi cám ơn Carlos, trong lòng tôi thực sự cảm động hắn đã lại đón tôi. Ban sáng tôi có nghe hắn hứa sẽ lại đón nhưng không nghĩ hắn sẽ đến và tôi đã chuẩn bị cặp giò đi xe lô ca cẳng đến trạm bus cách sở mấy khúc đường khá dài. Tôi lên tiếng cám ơn.

Vặn chìa khóa nổ máy xe, Carlos quay sang tôi nhe răng cười:

- De nada!

Rồi hắn nhìn tôi, gật gù nói:

- Ông còn bảnh hơn thằng Oscar nữa, ông đi làm đeo cà-vạt, trông như big man.

- Đeo cà vạt có gì là quan trọng đâu, mình cũng chỉ đi làm công cho người ta. Còn body shop hôm nay bận không? Xe tôi ai sửa? Sắp xong chưa?

Carlos một tay đánh nhịp nhè nhẹ trên vô lăng xe tay kia chỉ vào ngực mình:

- Chính tay tôi sửa xe ông, bảo đảm sẽ đẹp như mới nhưng hơi lâu vì tôi làm kỹ.

Rồi Carlos đến đón tôi mỗi ngày. Mấy ngày đi chung xe với hắn tôi được nghe kể về quãng đời của hắn bên kia biên giới. Oscar và Carlos là bạn cùng xóm. Cả hai trải qua một thời niên thiếu nghèo khổ nhưng gắn bó tình bạn. Carlos làm cho một nhà hàng, công việc rất nặng nhọc mà lương thì rẻ mạt, vài chục pesos mỗi ngày, tính ra chừng vài đô la.

- Đi làm cực thật nhưng có tiền cuối tuần dẫn gái đi uống nước nên cũng vui.

Tôi bật cười:

- Khi đó cậu mấy tuổi? Mười ba mười bốn mà bồ bịch gì?

Tên Mễ cười hỏi ngược lại - Chứ ở Việt Nam ông mấy tuổi thì có novias?

Tôi ầm ờ nói dối cho đỡ mất mặt - Mười lăm. Nói vậy nhưng tôi cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại những mối tình câm của mình, nhiều vô số kể nhưng chỉ toàn câm. Lúc nào trong đầu óc tôi đầy những khuôn mặt con gái, nhiều đến độ không còn chỗ cho những bài lượng giác, những công thức hóa học và những bài luận Việt văn.

Carlos phá lên cười:

- Playboy vietnamita!

Tôi cười theo. Tôi không còn giận mỗi khi hắn gọi tôi là Việt Nam Mít.

Đèn đường từ xa bật sang đỏ, Carlos buông ga để chiếc xe lăn bánh từ từ đến ngã tư đường. Một hồi còi xe đầy bực dọc vang lên từ phía sau làm tôi giật mình. Carlos nhìn lên kính chiếu hậu đúng lúc đó một chiếc xe truck từ sau vọt lên bên phải. Một khuôn mặt trắng với ánh mắt giận dữ bên cửa kính gầm lên - Ê, greaser! Mày sao vậy? Đây là Mỹ, đâu phải Mễ đâu mà chạy như rùa thế kia! Xong cái xe truck bánh to cao lêu nghêu ấy rú lên, rẽ phải phóng thật nhanh xuống cuối đường.

Carlos mặt đỏ lên văng tục:

- Pinche cabrón!

Chửi xong được một câu, hắn dịu xuống dù mặt vẫn còn đỏ bừng rồi im lặng lái đi. Tôi biết hắn trong lòng còn hậm hực không còn hứng nói chuyện nên cũng ngồi im luôn. Về đến nhà đậu xe vào bãi đất bên hông xong, Carlos lưỡng lự như chưa muốn xuống xe. Hắn ngồi đó, mắt nhìn những bãi cỏ mọc lởm chởm trên mặt đất nhưng tôi biết hắn không thấy những ngọn cỏ mà chỉ thấy hình ảnh mặt thằng trắng với cái nhìn căm thù lẫn khinh bỉ trong cặp mắt xanh lè và câu chửi hạ nhục “greaser” còn văng vẳng bên tai.

- Còn tức thằng trắng lúc nãy? Tôi hỏi.

- Ừ, tôi muốn rượt theo đục nó... nhưng nếu có chuyện gì rắc rối với pháp luật, tụi inmigración cho tôi lên xe bus về Mễ luôn! Gặp Oscar là thằng gringo đó đời tàn.

Có gì tấm tức lẫn nhịn nhục trong giọng nói của Carlos. Bước xuống xe tôi thắc mắc là tên Oscar có giấy tờ di trú hợp thức hay không mà dám sinh sự với tụi trắng thì Maria đã từ trong nhà đi ra đón chồng. Không muốn thấy cảnh Carlos được người vợ ngoại tình săn đón một cách giả dối, tôi đi vội về nhà mà tai còn nghe loáng thoáng tiếng hắn dặn - Nhớ sáng mai bảy giờ sang đây tôi chở đi, đừng trễ nhe!

*

Phải đến tuần sau thì xe tôi mới sửa xong. Suốt tuần đi chung xe với người bạn Mễ hàng xóm, tôi nghe hắn kể nốt về cuộc đời nghèo nàn của hắn cho đến lúc chui rào sang Mỹ, về những chuyến “vượt biên” tuy không nguy hiểm bằng những cuộc vượt biên vượt biển của người mình nhưng ly kỳ và gian nan không kém. Cái khác là một bên đi tìm tự do còn bên kia đi tìm kinh tế.

- Tôi biết trong barrio tôi có mấy thằng trốn đi Mỹ (Nghe hắn để đến đây tôi nghĩ lại xóm Bàn Cờ của tôi trước kia cũng vậy), trong số đó có Oscar. Thấy hắn đi tôi cũng muốn đi theo lắm nhưng tiền đâu mà đi, nhà quá nghèo. Vài tháng sau thì tôi nhận được thư hắn. Mấy lá thư đầu nó gởi về từ Los Angeles. Nó than thở dữ lắm. Nó sống lang thang với mấy thằng cũng qua lậu như nó, một lũ cả chục thằng sống trong một cái garaga lúc nhúc như chuột. Ăn uống ngày này qua ngày nọ chỉ có beans và tortilla. Một thời gian thật lâu sau đó tôi không còn nhận được thư từ gì của nó, tôi nghĩ nó bị inmigración bắt rồi. Thiếu gì thằng chui sang được rốt cuộc cũng bị bắt trả về Mễ, mất tiền toi. Mấy tháng sau thì tôi nhận được thư nó gởi về từ San Francisco. Nó khoe đã không còn làm campesino dưới ruộng nữa vì tìm được việc trong body shop, bây giờ thì lên làm supervisor. Nó cũng đã hợp thức hóa vụ giấy tờ ở đây.

Tôi nhíu mày hỏi:

- Làm sao hợp thức hóa được?

Một hồi còi xe giục giã sau lưng. Tôi để ý xem phản ứng của Carlos. Hắn làu bàu - Un otro cabrón (Thêm một thằng khốn kiếp), nhưng lần này hắn đổi sang lane bên cạnh để một chiếc xe truck cũng cao lêu nghêu không kém gì chiếc hôm nọ vượt lên. Một cái đầu với mái tóc vàng giật giật lên xuống như người bị kinh phong theo tiếng nhạc rock inh ỏi vang ra từ trong xe nghe thật chói tai.

- Jungle music!

Tôi cười thầm định nói cho Carlos nhật xét của tôi về loại nhạc ranchera quê mùa Mễ mà vợ chồng hắn thường nghe nhưng nghĩ sao lại thôi.

Đèn xanh bật lên. Carlos rú ga, chiếc xe truck của hắn ho khục khặc, giật giật vài cái rồi mới từ từ lăn bánh. Hắn lắc đầu.

- Shit! Xe tôi không biết đi được bao lâu nữa, tiền đâu mà mua xe khác.

Tôi trấn an hắn:

- Cậu đừng lo, thì đến phiên tôi chở cậu đi làm. Nhưng sao cậu không mua xe cũ nhưng còn tốt mà đi? Cậu có việc làm vững chắc thì mượn tiền ngân hàng rồi trả dần.

- Imposible! Tôi không có giấy tờ.

Câu trả lời không đượm một tí gì cay đắng, như công nhận đây là một thực tế tự nhiên cho một cuộc sống không chính thức.

- Mua xe cũ cũng được. Tôi sẽ nhờ Oscar đi xem xe trước khi mua, nếu có gì trục trặc thì hắn sửa được. Tên này không những giỏi về body mà còn sửa xe rất nghề.

Tự nhiên tôi đâm bực mình - Sao lúc nào cậu cũng nhắc đến thằng Oscar, bộ nó là thánh trên trời xuống để lúc nào cũng lo cho gia đình cậu chắc (Tôi chút xíu buột miệng nói - Nhất là vợ cậu)? Chắc nó cũng lo cho cậu qua đây phải không?

Carlos quay sang nhìn tôi, một cái nhìn như một nụ cười:

- Yeah, man! Hắn giúp tôi tìm đường sang đây. Chính hắn đã giới thiệu tôi với Maria.

Tôi cướp lời:

- Maria là công dân Mỹ sinh đẻ ở đây sao cậu không hợp thức hóa quy chế di trú của mình theo đường vợ?

Hắn ngập ngừng, mắt đăm chiêu như nhìn vào một cái gì xa vời một lúc xong đáp:

- Chuyện dài dòng lắm, tôi không kể cho ông nghe được.

Tôi đoán có gì không ổn nhưng không muốn hỏi tới chuyện riêng của người khác. Tôi cũng chán nghe chuyện tên Oscar nên ngồi im không còn muốn nghe tiếp câu chuyện cuộc đời của Carlos vì biết thế nào chín mươi chín phần trăm chuyện kể sẽ về tên bạn vàng của hắn mà mỗi lần nghe về Oscar là tôi thấy lại cái đêm hôm ấy dưới ánh trăng rằm và cảm thấy tội nghiệp cho một người chồng bị cắm sừng, một người bạn thân bị bạn phản.

*

Chủ căn nhà tôi muốn thuê gọi điện thoại cho biết họ đã chịu nhưng tôi phải chờ hai tháng nữa để người đang ở đó dọn ra. Càng tốt, tôi không muốn dọn đến ngay vì số tiền thuê cao và lại vừa được tin từ bên nhà thông báo có trục trặc trong vấn đề đi Mỹ vì lý do sức khỏe của cha tôi. Đoán đây là một cái mánh của tụi làm tiền bên nhà, tôi bấm bụng gởi vài trăm đô về để gia đình “lo liệu”.

Tối hôm ấy tôi đi học như thường lệ và đã gặp một ngạc nhiên lớn. Ngồi ngáp dài ngáp ngắn trong lớp marketing chán ngấy, tôi chờ đến giờ break cầm sách chuồn xuống cafeteria định mua một ly cà phê rồi vào một cái xó nào đó làm bài toán thống kê để nộp ngày hôm sau. Cầm ly cà phê tôi đi lại chỗ thường ngồi mỗi ngày. Đến nơi, tôi giật mình khi thấy Hương ngồi đó. Từ ngày bỏ nhau đến nay tôi không còn gặp nàng nữa. Ban đầu tôi ngại xuống cafeteria sợ chạm mặt rồi đâm ngượng nhưng dần dà đánh bạo mò xuống vì thèm cà-phê. Mãi rồi tôi để ý thấy hình như Hương cũng không còn xuống câu lạc bộ vì không thấy bóng dáng nàng.

Đã đến gần không thể quay lưng bỏ đi chỗ khác được vả lại cũng đoán Hương đến tìm mình, tôi kéo một cái ghế gần đó ngồi xuống. Tôi đâm mất tự nhiên lúng túng không biết nói gì, liếc sang thấy Hương ngồi im đó như chờ tôi lên tiếng trước. Hai bàn tay nàng đặt trên quyển sách đóng kín, mấy đầu ngón tay mân mê hai góc sách. Sau cùng tôi đánh bạo lên tiếng trước.

- Hương dạo này ra sao?

Hương vẫn cúi mặt xuống, mái tóc dài xõa xuống hai bên khuôn mặt làm tôi không đoán được phản ứng của nàng nhưng vạn sự khởi đầu nan đã qua, tôi biết chắc Hương đã hết giận.

- Lâu lắm không gặp Hương, không biết Hương còn học đây không!

Hương chỉ lắc đầu.

- Anh xin lỗi Hương về chuyện đã qua và mong là Hương đã tha lỗi cho anh.

Tôi nhìn Hương dò phản ứng. Không biết lời xin lỗi của tôi có len lỏi vào được tim Hương hay không nhưng nàng trông giống như một pho tượng, một pho tượng buồn như Hòn Vọng Phu. Tôi vội dại dột cho rằng sự vắng mặt của một phản ứng tiêu cực từ Hương báo hiệu một cái gì tốt đẹp sắp xảy đến. Một tha thứ và tái hợp? Tôi cố nở một nụ cười, chăm chú nhìn nàng, chờ một xác nhận.

Một đỗi sau Hương nói giọng run run:

- Em không còn giận anh nữa. Em muốn gặp anh hôm nay để cho anh biết em sẽ đi xa, đi tiểu bang khác vì gia đình sẽ dọn về đó. Mình sẽ không còn gặp nhau nữa.

Nghe Hương nói thế, tôi sững sờ đau đớn. Ảo ảnh hạnh phúc quá ngắn ngủi. Tôi cảm thấy toàn thân lạnh và nhẹ hẫng đi như mình đang bay bổng trên không trung thật cao đến độ không thở được vì dưỡng khí quá loãng. Tôi cố hít một hơi dài xong thẫn thờ hỏi níu kéo:

- Thật không? Nếu thế sao Hương không ở lại tự tìm việc làm sống tự lập.

Hương cười mếu xệu:

- Không được anh ơi. Cha mẹ em đâu chịu cho con gái ở lại một mình.

Biết nói nữa cũng bằng thừa, tôi ngồi như phỗng đá, chân tay thừa thãi. Nhìn hai bàn tay Hương trên mặt bàn, tôi muốn cầm lấy chúng vô cùng, hai bàn tay mềm mại ấy trước kia thường vuốt tóc tôi những lúc nàng bảo tôi phải để tóc dài cho có vẻ nghệ sĩ, hai bàn tay tôi đã nhiều lần nâng niu đưa lên môi hôn. Có gì kềm tôi lại. Bao tháng trời qua và mặc cảm tội lỗi đã xây lên một bức tường vô hình giữa tôi và nàng không vượt qua được. Tôi thở dài. Hương thở dài theo rồi nói một hơi:

- Em nghĩ dù sao giữa chúng mình đã có gì nên em nghĩ phải tìm anh để chào trước khi đi. Em mong anh rồi sẽ quên đi chuyện xưa của mình, rồi anh sẽ gặp người khác và sẽ có gia đình với người đó.

Không, tôi đã không bao giờ quên Hương, tôi vẫn luôn yêu và nhớ nàng dù lắm lúc phải tự thú nhận với mình là hy vọng tái hợp rất mong manh. Đúng, tôi sẽ đau lòng chia tay Hương nhưng sẽ không bao giờ trách nàng. Tất cả chỉ là duyên kiếp, thành hay bại.

Chiều cuối thu mặt trời lặn sớm. Bên ngoài sân trường ánh sáng vàng vọt của những tia nắng yếu ớt cuối cùng lung linh sau những tàng cây. Gần đến giờ học, sinh viên lác đác đi trên những con đường nhỏ dẫn vào lớp. Vài cặp ôm sát nhau, những nụ hôn môi, những cái nhìn đắm đuối, hai mái đầu chụm vào nhau như để thủ thỉ những lời yêu đương. Tôi thấy thèm khát hạnh phúc của họ. Hạnh phúc trông thật giản dị nhưng sao cứ nằm ngoài tầm tay tôi. Tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần yêu và được yêu và sống trong tình yêu. Tôi thèm một thân hình mềm mại trong vòng tay mình, một mái tóc dài bay trong gió toát ra một hương thơm cho tôi ngụp lặn bên trong.

- Thôi, em về đây, chào anh! Hương nhỏ nhẹ nói rồi đứng lên đi ra cửa cafeteria.

Tôi nhìn theo cố ghi lại hình ảnh Hương một lần cuối. Trong lòng tôi chỉ còn một hy vọng mong manh nàng sẽ viết thơ cho tôi.

*

Để mặc cho những giọt mưa quất lên mặt, tôi không cảm thấy cái lạnh. Cơn mưa phùn đầu mùa không buốt bằng lòng tôi tê tái lúc này. Ngồi bó gối trước cửa nhà nhìn ra bãi đất rộng, mắt tôi cố chọc thủng màn đêm để nhìn mấy cái cây cổ thụ giữa bãi đất. Tôi thấy gì cũng tăm tối âm u, không một tia sáng hy vọng. Rồi tôi cũng phải tìm cách quên Hương, quên đi chuyện tình cũ để lo cho trách nhiệm lớn sắp đến.

Căn nhà Carlos đèn tắt tối om. Đèn gắn bên ngoài trên khung cửa cũng được tắt đi. Chắc cả nhà đang chìm đắm trong giấc ngủ. Không biết khi nào tôi mới có được hạnh phúc như tên hàng xóm Mễ. Một đời sống thật đơn giản và hạnh phúc, mỗi ngày đi làm kiếm tiên nuôi gia đình, tối về quây quần với vợ con bên mâm cơm. Chồng kể cho vợ nghe chuyện trong sở, vợ nói cho chồng nghe về những tiếng nói bập bẹ, những bước đi chập chững đầu đời của con.

Có tiếng mở cửa kẽo kẹt rồi một bóng đen lách ra, hơi khựng lại khi thấy tôi rồi tiến lại. Tôi nhận ra Carlos.

- Ông làm gì ngồi đây, ngủ không được? Hắn hỏi.

Đang ngồi gậm nhấm nỗi buồn, tôi chỉ muốn được yên thân tránh nói chuyện, tôi không thèm lên tiếng, mắt vẫn nhìn vào bóng tối. Không cần tôi trả lời, Carlos tự động ngồi xuống bên cạnh. Hắn lắc đầu.

- Mujeres. Đàn bà, thật tình không hiểu được!

Bất đắc dĩ tôi phải lên tiếng:

- Đêm khuya không đi ngủ mà chửi đàn bà, trong nhà có chuyện?

Hắn vẫn lắc đầu:

- Sí, hombre! Maria đang giận tôi, đuổi tôi ra phòng khách, cũng chỉ vì mấy đêm nay tôi đi uống rượu với Oscar về trễ. Cứ cằn nhằn nói dai. Lắm lúc tôi nổi nóng muốn bạt tai nó mấy cái. Mình đi uống với bạn chứ đi với gái sao mà nó gây chuyện. Bên Mễ ông già tôi tối nào mà chả đi chơi với bạn bè mà mẹ tôi có dám nói gì. Đàn bà bên Mỹ lối quá, xem chồng như nada.

Tên Carlos dám than phiền bị vợ giận vì đi uống rượu với bạn. Láo quá! Tôi thì chỉ mong có một người đàn bà giận mình vì thói hư tật xấu. Tôi sẽ năn nỉ nàng, sẽ xin tha thứ và sẽ hứa luôn vâng lời nàng. Những cái đó tôi thèm vô cùng trong khi đó thì hắn xem đó là một xâm phậm đến tự do cá nhân. Tôi không muốn lên tiếng phê phán, tay bật quẹt châm một điếu thuốc. Làn khói xám loãng dần trong cơn gió lạnh.

Carlos phân bua tiếp:

- Ông nghĩ xem, tôi có đi chơi với ai xa lạ đâu, tôi đi với thằng Oscar mà.

Tôi muốn đuổi hắn đi chỗ khác, bảo hắn nên vào nhà năn nỉ xin lỗi một lần nữa thì Maria sẽ hết giận. Thêm vài cái lắc đầu, hắn nhếch mép cười:

- Tôi nghĩ Maria hết còn yêu tôi. Nàng dạo này có vẻ lạnh nhạt, khó chịu, hay gây chuyện. Tôi không biết tại sao nàng đổi tính.

Không nói ra nhưng tôi đã suy nghiệm lý do Maria lạnh nhạt với chồng. Đây có phải là lúc nói cho Carlos biết? Tôi đắn đo rồi quyết định không xen vào chuyện người khác nhưng cảm thấy lương tâm phần nào bị cắn rứt. Tôi đưa ra một đề nghị hai vợ chồng đi gặp counselor để vấn ý nhưng Carlos cười khảy trước ý nghĩ rất Mỹ đó, mình biết chuyện mình rõ hơn người ngoài mà không giải quyết được thì người khác làm được gì. Đoạn hắn nói một câu làm tôi phải để ý đến:

- Dạo này Oscar có một con bồ Mỹ, con nhỏ không cho nó đi đâu hết nên tôi đến nhà nó chơi. Tôi nghĩ trước kia nó đến thăm tôi thường thì bây giờ mình thăm lại hắn. Dù sao nó cũng là bạn và giúp tụi tôi rất nhiều.

À thì ra thế! Tôi ngờ đâu Oscar đã đá Maria. May mà tôi đã không tiết lộ cho Carlos biết chuyện tình của hai người đó. Câu nói của Carlos làm tôi nhớ lại, đúng dạo này tôi không thấy tên Mễ đáng ghét đó lảng vảng nhà hàng xóm tôi, hay đúng ra là vợ hàng xóm tôi, từ ngày tôi đem xe lại body shop để gõ vè. Vậy là Oscar đã có bạn gái và không còn tới lui với Maria nữa? Có lẽ lòng ghen tuông là nguyên nhân cho những rắc rối. Nàng ta bị người tình phụ bạc nên đâm giận, không còn muốn liên quan đến người đó và bắt chồng cắt đứt liên hệ.

- Cậu nói tôi mới để ý, tôi không thấy bạn cậu đến đây nữa. Con bồ nó đẹp không? Cậu gặp chưa? Mà sao nó độc tài thế!

- Tôi gặp vài lần. Con nhỏ Mỹ trắng, tóc vàng trông cũng được. Tôi không hiểu được, hồi đó Maria rất quý Oscar, hai người đối xử với nhau như anh em, sao bây giờ... Mà cũng lạ, đây đâu phải là lần tôi đi nhậu với Oscar, trước kia Maria không bao giờ phàn nàn về chuyện này.

Tôi nín thinh.

Cái lạnh đã thấm vào đến xương, tôi đứng lên bảo Carlos đã quá khuya, tôi phải đi ngủ để sáng mai còn đi làm. Hắn có vẻ thất vọng, chắc hắn cần người để trút tâm sự. Thế ai nghe tâm sự của tôi?

Sáng hôm sau tôi và Carlos từ trong nhà đi ra cùng một lúc. Tôi lên tiếng chào, hắn chỉ đưa tay lên vẫy lại không nói một tiếng rồi lên xe phóng ào ra đường. Sực nhớ tối nay sẽ đến thẳng trường từ sở làm, tôi vẫn để máy xe chạy rồi đi trở vào nhà để lấy sách học. Quơ mấy quyển sách trên chiếc bàn con đầu giường, tôi theo thói quen nhìn qua cửa sổ ra khu đất phía sau hai nhà là nơi để chứa mấy thứ lỉnh kỉnh và lò nướng barbecue. Maria trong bộ đồ ngủ đã ngồi trên deck gỗ sau nhà tự lúc nào. Tôi lấy làm lạ vì thường nàng ta vẫn chưa thức dậy khi chồng rời nhà đi làm. Tay chống dưới cằm, Maria trông có vẻ đăm chiêu về một chuyện gì đó hay đang chờ ai. Nhìn đồng hồ thấy đã trễ, tôi ra xe đi.

Trưa đến, tôi dẹp ledgers sang một bên đi ăn trưa sau bốn giờ đồng hồ vật lộn với mấy cột số dài lòng thòng. Ra ngoài đường tôi ngạc nhiên khi thấy Carlos đã ngồi trong chiếc xe truck Chevy đậu trước cửa sở. Thấy tôi hắn ngoắc tay kêu lại.

- Rảnh lên xe đi ăn trưa với tôi? Hắn hỏi.

Tôi lấy làm lạ vì có bao giờ hắn lại sở rủ đi ăn trưa nhưng lặng thinh leo lên xe. Hắn đưa tôi lại một taqueria gần đó.

Tôi không nói gì, chờ hắn lên tiếng trước.

Carlos tu một hơi bia thật dài xong dằn cái chai xuống mặt bàn, đưa tay lên quẹt ngang mép. Tôi thấy lại khuôn mặt hắn ngày mới dọn đến ngồi uống bia trước nhà. Cũng khuôn mặt ấy nhưng hai bộ mặt trái ngược, một vui vẻ yêu đời vô tư lự, một buồn bực với dằn vặt.

Hắn cầm cái taco lên cắn một miếng. Thấy tôi vẫn chưa ăn, còn nhìn chờ câu hỏi, hắn đặt taco xuống hỏi một câu tôi không ngờ:

- Ông có nghĩ là Maria có novio không?

Tôi giật bắn người chưa kịp trả lời thì hắn hỏi tiếp:

- Mình ở cạnh nhau, có bao giờ ông thấy ai đến nhà tôi lúc tôi không có nhà?

Tôi lắc đầu.

- Tôi không bao giờ thấy người nào đến nhà cậu khi cậu vắng mặt.

- Ông nói thật đấy?

Tôi lập lại câu trả lời có ngụ ý:

- Tôi không bao giờ thấy người nào lạ mặt đến khi cậu vắng nhà.

Tôi nhấn mạnh chữ lạ mặt và chủ quan cho là ý úp mở của tôi quá rõ như ban ngày thì dù là bộ óc của tên bạn Mễ mà tôi lúc nào cũng cho là quá tầm thường, quá giản dị, không có khả năng đối phó được những gì phức tạp phải đoán ra được. Nói thế chứ tôi không ngờ bộ óc của hắn vì quá giản dị không có khả năng suy diễn phức tạp mà chỉ có thể đi lòng vòng trong một phạm vi suy nghĩ chật hẹp lại đi đến một nhận xét lô-gic và nguy hiểm như cái câu hỏi tới bất thần làm tôi giật bắn người

- Không phải người lạ? Có bao giờ ông... theo vợ tôi?

Phản ứng của tôi trước câu chất vấn đó làm tôi tự giận mình suốt mấy ngày sau đó. Tôi ấp úng lắp bắp cãi một cách yếu ớt:

- Cậu điên rồi sao mà nói thế! Tôi không bao giờ theo vợ của bạn.

Nhìn nét mặt đầy bối rối của tôi lúc đó, không ai nghĩ là tôi vô tội. Có ai biết đâu cái bối rối của tôi phát xuất từ ám ảnh che giấu việc làm tội lỗi của Maria mà ra. Thật là oan Thị Kính! Cái nhìn soi mói của Carlos làm tôi hoảng lên, tên này mà nổi nóng thì khó sống với hắn. Hai cánh tay hắn bắp thịt nổi lên cuồn cuộn trong khi tôi thì gầy ốm như chiếc đũa. Tôi cố ra mặt điềm tĩnh trong khi đó trong đầu óc cố nghĩ ra cách thuyết phục hắn đã nghi oan cho mình.

- Làm sao cậu có thể có ý nghĩ đó, cậu xem tôi là loại người như thế nào?

Đến lượt Carlos ra mặt bối rối. Hắn xin lỗi tôi.

- Lo siento mucho, hombre. Tôi điên rồi nên nghĩ bậy. Mấy ngày nay tôi không làm việc được. Tôi cứ nghĩ là Maria muốn tống tôi đi để rước một tên cabrón nào về. Tôi phải gặp ông để hỏi cho rõ. Tôi mà bắt được thằng cabrón đó thì nó chết nhưng bây giờ ông nói không thấy ai đến thì tôi tin vợ tôi không ngoại tình nhưng tôi vẫn không hiểu được thái độ của nàng mấy tuần này.

Hú hồn, quả thật chút xíu nữa là gậy ông đập lưng ông. Tôi kết luận thầm nếu tên Oscar và Maria thật sự không còn gì nữa, mọi việc sẽ êm thắm đâu vào đó, miễn sao Carlos không biết gì về việc làm xấu xa của vợ trong quá khứ thì hạnh phúc sẽ trở lại với họ. Vậy cũng tốt.

Trên đường chở tôi về sở, Carlos vẫn còn trầm ngâm nhưng mặt không còn găng nữa. Tôi mừng cho hắn. Như vậy là xong, vợ không còn tằng tịu với bạn chồng, chồng chăm sóc cho vợ con hơn. Cả nhà vui vẻ và cả tôi cũng vui vẻ lây vì thoát được dằn vặt có nên kể cho hắn nghe về vụ Maria và Oscar.

Hơn một tuần sau tôi có linh cảm điều gì không ổn khi thấy lại chiếc xe Impala một lần nữa đậu trước nhà Carlos một buổi tối Thứ Bảy tuần lễ trước Thanksgiving. Tôi đi lại gõ cửa nhà hắn. Đã có chủ ý sẵn nên khi Carlos mở cửa, tôi nói trước:

- Sáng mai ông rảnh không, nhờ coi xe tôi giùm, nó chạy khục khặc như muốn chết máy.

Vừa nói tôi vừa đảo mắt nhìn vào trong nhà. Oscar đang ngồi bệ vệ trên ghế bành cũ kỹ bọc da trước lò sưởi, trên tay cầm một lon bia. Ngồi cạnh hắn là Maria tay cũng đang cầm bia uống. Thằng bé con thì đang ngồi trên đùi Oscar nhịp lên xuống, tay cầm một chiếc xe hơi nhựa miệng bi bô. Ngọn lửa cháy bập bùng trong lò sưởi tạo ra một bầu không khí thật ấm cúng trong căn phòng nhỏ. Ai thoạt nhìn vào đều thấy hình ảnh một gia đình hạnh phúc, nếu không thừa thãi người.

Tôi nhìn quanh không thấy ai khác ngoài bộ ba quen thuộc đó. Không có con Mỹ tóc vàng như Carlos nói với tôi hôm nọ. Thấy Oscar và Maria chụm đầu nói chuyện không để ý gì đến mình, tôi mặc kệ họ đi vào bếp với Carlos. Trong khi hắn mở tủ lạnh lấy bia, tôi khều hắn hỏi nhỏ - Con novia của thằng bạn cậu đâu?

- Bỏ rồi!

Đưa lon bia cho tôi xong, hắn vừa dạm bước ra ngoài thì tôi nắm tay hắn giữ lại để hỏi:

- Con đó bỏ Oscar lâu chưa?

Đứng quay lưng ra ngoài nên Carlos không thấy ngoài phòng khách Maria vừa mới đưa tay lên vuốt má Oscar. Tiếng nói chuyện rù rì xen lẫn với tiếng cười khúc khích từ ngoài đưa vào làm tôi ngượng cho Carlos. Dù chậm trí, hắn đến lúc này phải biết có gì không ổn chứ, chả lẽ sống mãi trong bóng tối mù u.

- Lúc trước nó lại shop vài lần rủ Oscar đi ăn trưa nhưng hết rồi. Tụi nó cãi nhau chuyện gì mấy hôm trước ngay trước cửa shop, Oscar nói - Tôi không cần em nữa. Con nhỏ kia giận quá bỏ đi. Tôi hỏi nó tại sao, nó chỉ nói không thích đàn bà con gái Mỹ bằng đàn bà Mễ. Từ ngày nó bỏ con Mỹ, tôi thấy nó vui hơn khi còn đi với con nhỏ đó. Nếu không thích nhau thì cặp làm gì để rồi cãi lộn rồi bỏ nhau. Thật khó hiểu!

Tôi thì thấy chả có gì là khó hiểu. Carlos nói Oscar vui hơn từ ngày bỏ con bồ Mỹ, tôi không chắc nó vui hơn Maria hay nàng ta vui hơn.

- Mình ra nói chuyện với họ chứ? Tôi gạ.

Thấy tôi và Carlos đi ra, hai người kia ngừng nói chuyện. Thằng bé vẫn còn nằm trong lòng Oscar nhưng đã ngủ ngoẹo đầu sang một bên trong khi hắn âu yếm vuốt tóc nó. Chiếc xe hơi nhựa nằm lăn lóc dưới đất. Maria bế đứa bé lên đem vào phòng ngủ. Oscar giơ lon bia lên chào tôi:

- Ê, Vietnamita, long time no see!

Tôi không còn bực mình khi Carlos thỉnh thoảng gọi mình là việt nam mít nhưng thằng Oscar thì tôi không chịu nhưng vì lịch sự nên chỉ cười nhạt. Tôi muốn đá nó một câu hỏi về con Mỹ mập nhưng thôi. Hai tên Mễ xì xồ gì tôi không hiểu rõ, chỉ nghe lõm bõm vài chữ - Tu esposa vợ mày, la puta gringa con điếm Mỹ... Tôi những tưởng Carlos đã phần nào đoán ra sự việc và sẽ có thái độ với bạn hắn nhưng khi thấy hai đứa nói chuyện nổ như bắp rang, tu bia ừng ực, vỗ vai nhau thì tôi biết mình đã lầm. Tôi chợt có ý định giả vờ say rượu rồi lăn quay ra như lần trước để rình xem Maria và người tình có giở trò gì không. Tôi đang còn ngần ngừ về âm mưu đó thì thấy Maria trở ra bên ngoài sau đưa thằng con vào giường ngủ. Nàng ta đặt cái bàn tọa to gần bằng cái mâm xuống một cái ghế gỗ nhỏ èo uột cạnh chồng. Cái ghế kêu kẽo kẹt làm tôi nghĩ nó sắp gãy đổ đến nơi. Hương của tôi, không, Hương của tôi ngày xưa, người nhỏ bé eo thon đâu có ô dề như thế.

Quên bẵng lý cớ xe hư lúc nãy đưa ra, tôi ú ớ khi Oscar hỏi:

- Ông nói xe ông hư, hư gì vậy?

Tôi ấp úng đáp:

- Xe chạy có khi giựt giựt khựng lại làm như bị nghẹt xăng.

Hắn gật gù ra chiều hiểu biết:

- Không phải nghẹt xăng đâu, ông cần thay cái lọc gió đó.

Tôi thì ù ù cạc cạc về xe, chả biết cái lọc gió là cái gì và nằm ở đâu, gật đầu cho xong chuyện. Ngồi một lúc thấy đã buồn ngủ và bộ ba đó có vẻ như đã quên mình, tôi đứng lên cáo từ. Carlos đưa tôi ra cửa, hắn thật thà nói:

- Để tôi ra tiệm phụ tùng xe trưa mai lúc nghỉ lunch, mua cho ông cái lọc gió về lắp giùm, dễ lắm, hai phút thôi. Ông trả tiền sau! Tôi sẽ mua đằng tiệm Kragen chỗ con novia thằng Oscar làm.

Tôi thắc mắc:

- Cậu gặp nó làm gì?

Carlos nói nhỏ vào tai tôi:

- Oscar nó muốn tôi lại năn nỉ con nhỏ đó giùm nó, nó muốn trở lại với con Mỹ.

Tối hôm đó trước khi chợp mắt, tôi nghĩ mãi về thái độ bắt cá hai tay của Oscar.

*

Xe lết về gần đến nhà thì lên cơn giựt mạnh hơn. Tôi thầm khấn Trời Phật tên Carlos nhớ mua giùm cái lọc gió như nó hứa đêm qua. Điệu này không sửa sớm thì xe nằm ụ, vừa tốn tiền vừa phải nghỉ việc. Mấy tuần nay tôi đã nghỉ làm mất mấy ngày để chạy bổ túc hồ sơ nhập cảnh cho gia đình. Tên boss già khó chịu ra mặt.

Vào đến bãi đất trước nhà tôi hơi thất vọng khi không thấy Carlos và chiếc xe truck của hắn. Có lẽ hắn phải làm thêm giờ phụ trội nên chưa về, tôi nghĩ thế để tự trấn an.

Ăn xong khúc bánh mì kẹp thịt nguội, tôi cầm tách cà phê ra ngồi bên cửa sổ ngóng tên hàng xóm với phụ tùng xe như hắn đã hứa. Trời đầu mùa đông tối thật nhanh. Từ trong nhà nhìn ra, bãi đất trống tối um, mấy cây cổ thụ trông như những bóng ma khổng lồ cao lêu nghêu. Ánh sáng vàng vọt hắt ra từ bóng đèn bên ngoài cửa nhà tôi và nhà Carlos chỉ đủ soi sáng vùng không gian ngay trước nhà, không quá được vài thước.

Cơn mưa phùn bắt đầu đổ xuống. Những giọt nước li ti đáp xuống cửa kính dần dà biến thành những dòng nước gầy rỉ dài trên mặt kính xuống thành cửa sổ. Khoảng thời gian đầu mùa đông là lúc tôi thích nhất. Tôi thích màn đêm âm u, ngọn gió hanh thổi về, cơn mưa lạnh. Cái lạnh làm cà phê và thuốc lá thơm hơn ngon hơn và những bài hát nghe buồn hơn. Tôi đâm nhớ Hương ra riết. Nàng hẳn đã theo gia đình đi nơi khác. Mấy tuần nay tôi chờ thơ nhưng Hương vẫn chưa viết cho tôi. Chắc Hương đã quyết định không còn muốn liên lạc gì, còn gì nữa đâu mà thư với từ. Thôi đành kết thúc một chuyện tình. Những kỷ niệm xưa rồi cũng phai mờ đi như cảnh vật ngoài kia dưới cơn mưa đang từ từ nặng hột.

Tiếng động cơ xe từ ngoài đường đi vào lớn dần kèm theo tiếng bánh xe cán lên sỏi đá kêu lạo sạo. Tôi dùng màn cửa lau vội kính cửa sổ bị đọng hơi nước. Qua mấy vết lau lem luốc, tôi thấy chiếc xe truck quen thuộc từ từ lăn bánh vào chỗ đậu quen thuộc. Tôi vội khoác áo lạnh đi ra ngoài. Carlos vẫn còn ngồi trong xe. Tôi tiến lại gần. Hắn dường như không thấy tôi hoặc biết nhưng không thèm để ý. Cơn mưa chợt ngưng, thật đỡ, tôi bắt đầu thấy cái lạnh thấm vào người thật nhanh.

- Cậu đã mua cái air filter chưa? Tôi lên tiếng.

Carlos quay sang nhìn tôi, không nói gì. Tôi lùi lại cho hắn mở cửa xe bước xuống. Tôi mừng thầm khi thấy hắn cầm trên tay một cái hộp giấy vuông màu đỏ và đen.

*

Xe chạy tốt được hơn một tuần thì bắt đầu lên chứng lại, xe vẫn còn chạy nhưng cơn ho suyễn trở lại. Cái lọc gió đã thay rồi thì bây giờ đến phiên bộ phần nào hư? Tôi định một lần nữa nhờ Carlos xem giùm nhưng cả tuần nay hắn vẫn còn cái thái độ buồn bã khó hiểu đó. Hắn đâu có mất việc như tôi tưởng vì mỗi ngày vẫn lên xe truck đi làm. Chắc lại chuyện vợ chồng nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có tiếng cãi vã gì trong nhà. Tôi vẫn tưởng người Mễ nóng tính, dễ nổi nóng lớn tiếng. Bộ mặt u ám của hắn làm tôi đi đến kết luận mình phải đem xe đi sửa thay vì nhờ hắn. Tôi chợt nghĩ đến thằng Oscar. Nếu nó đến thì hỏi nó nhưng dạo này tôi không thấy mặt mũi tên này, ngay cả cuối tuần vừa rồi. Chắc chàng ta đã làm lành với con Mỹ mập tóc vàng nên không còn thèm Maria nữa. Phải vậy vì vắng bóng hắn, Maria lại lên cơn như trước kia nên trong nhà “tacos không lành enchiladas không ngọt.”

*

Tôi đút chìa khóa xe vào ổ, trong đầu cầu Trời cầu Phật, tay vặn chìa. Chỉ mấy tiếng ho khúng khắng quen thuộc. Thêm một lần nữa, cũng chỉ thế. Lần này thì thật sự hỏng chuyện. Carlos đã đi làm từ sớm, không đi ké xe hắn được. Cố đề vài lần nữa nhưng máy vẫn không nổ. Tôi bỏ cuộc, sợ đề mãi sẽ làm hết bình điện. Trở vào nhà, tôi điện thoại vô sở nói sẽ đến trễ vì xe hư. Con thư ký nói đừng lo, boss hôm nay không vào. Tôi kêu hãng câu xe rồi ngồi chờ. Gần một tiếng sau xe câu mới đến, câu xe tôi lại một tiệm sửa cách nhà vài con đường. Người sửa xe xem máy một lúc xong bảo phải chùi carburator vì xăng nghẹt và tôi phải để xe đến chiều mới xong. Nghe thế tôi rủa thầm thằng Oscar đã trị bệnh láo, tôi cũng tự rủa mình là ngu đã tin hắn dù hắn trị bệnh mà không cần chạy xe thử trước. Đưa người sửa xe số điện thoại nhà xong, tôi lững thững cuốc bộ về.

Không có gì làm, tôi mở nhạc lên nghe. Điệu nhạc buồn len lỏi vào trong đầu làm tôi để trí đi hoang, mắt lãng du trên bãi đất trống ngoài kia. Mùa đông nên trời chưa sáng hẳn dù đã hơn tám giờ sáng. Cơn mưa tối hôm qua để lại mấy vũng nước xung quanh nhà. Sau tuần lễ Thanksgiving, chủ cho người lại chặt bớt cành trên mấy cây cổ thụ ngoài bãi đất trống. Chúng bây giờ trông giống như mấy người tù trong trại tập trung, thân hình gầy ốm khẳng khiu, chân tay chỉ còn da bọc xương trông đến thảm hại. Giờ đã mất Hương hẳn không còn hy vọng gì gặp lại, tôi thấy trò đếm lá của mình năm trước thật lố bịch và buồn cười. Không còn đếm lá nữa, tôi bắt đầu đếm những ngày còn lại trong căn studio này. Tôi ở đây đã được hơn một năm, chẳng còn bao lâu nữa thì sẽ dọn qua căn nhà kia. Chỉ hơn một năm mà sao tôi có nhiều kỷ niệm với chỗ này, buồn có vui có, khi đi sẽ nhớ lắm. Chắc tôi sẽ nhớ gia đình Carlos hơn Hương dù nàng là nguyên nhân cho tôi dọn ra riêng và thuê căn nhà này.

Nghe nhạc một lúc chán, tôi lôi bài vở ra làm. Làm bài xong thấy mới hơn hai giờ chiều, tôi lợi dụng rảnh rang dọn dẹp lại nhà cửa bên trong xong ra ngoài xếp lại mấy thứ lỉnh kỉnh cho gọn ghẽ xem cái nào không dùng thì để sang một bên, mai mốt có dịp đem đi quăng đâu đó.

Trời tuy lạnh nhưng làm việc một lúc thì bắt đầu đổ mồ hôi. Đang loay hoay qua lại, tôi nghe tiếng xe quen thuộc đi vào sân. Đứng núp sau bức tường, tôi thấy chiếc Impala từ từ lăn bánh vào đến trong rồi đậu bên hông nhà Carlos.

“Lại mò đến ăn vụng,” tôi rủa thầm.

Tôi đoán tên Oscar không biết tôi ở nhà vì xe còn nằm ngoài tiệm sửa. Để rình xem hắn giở trò gì. Vẫn núp sau bức tường, tôi quan sát tên này. Hắn tự nhiên đi lại gõ cửa nhà Maria, điệu bộ không có gì là lén lút. Chắc chắn hắn biết bạn mình còn kẹt trong sở làm ít ra đến hơn năm giờ chiều mới về, ba giờ đồng hồ quá đủ cho cuộc mây mưa. Đầu Maria thò ra, mặt trang điểm phấn son như sắp đi chơi. Nàng ta miệng cười thật tươi, hôn nhanh lên môi Oscar rồi kéo hắn vào trong. Tôi đi nhẹ lại sát tường nhà Maria thụp người dưới cái cửa sổ phòng ngủ, gióng tai lên. Tiếng người thì thầm nói chuyện. Tôi nghe tiếng Maria cười rúc rích đĩ thõa. Vài phút sau tiếng con đàn bà rên rỉ trong khoái lạc xen lẫn trong tiếng thở dồn dập của tên đàn ông. Khom lưng đi rà sát tường, tôi đến cửa sổ phòng khách thấy màn hé tôi bèn nhìn vào. Thằng bé con đang ngồi bệt dưới đất giữa mớ đồ chơi, mắt theo dõi phim vẽ trên máy truyền hình. Tôi trở lại cửa sổ phòng ngủ nhìn vào. Tên Oscar nửa thân trên còn mặc T-shirt, thân dưới trần truồng đang quì gối sau lưng Maria trên người không một mảnh vải đang trong thế chó, cặp vú dài thõng thượt đu đưa theo nhịp tấn của tên đàn ông. Khi tên Mễ nằm vật xuống thở dốc, tôi bỏ đi.

Vừa vào bên trong đúng lúc điện thoại reo vang. Tiệm sửa xe kêu lại nói xe đã sửa xong. Tôi chụp cái jacket rồi đi ra đường. Đi ngang qua chiếc Impala, tôi muốn quỳ xuống xì cho xẹp hai bánh sau cho bõ ghét.

Lấy xe xong lái về đến nhà, tôi thấy chiếc Impala vẫn còn đó. Nhìn đồng hồ tay, mới ba giờ rưỡi. Đôi tình nhân còn ít nhất một tiếng nữa. Tôi vào nhà bật nhạc lên, pha một tách cà phê ra ngồi chỗ cố hữu bên cửa sổ để đầu dựa lên tường mắt lơ đãng nhìn ra ngoài. Nghe đến bài thứ ba tôi chợp mắt ngủ đi lúc nào không biết, đầu dựa lên tường. Trạng thái nửa tỉnh nửa mê với hồn du theo tiếng nhạc đi vào giấc ngủ thật là tuyệt diệu.

*

Chắc tôi ngủ không say lắm nên những tiếng la hét từ bên ngoài đi xuyên qua cửa sổ như một bàn tay ai lay vai tôi đánh thức. Những tiếng la hét to hơn xen lẫn với tiếng con nít khóc ré lên như lay tôi mạnh hơn, đưa tôi ra hẳn giấc mơ trở về thực tại. Tiếng hét thất thanh “No, no, Carlos!” của Maria nghe sao đến rợn người. Tôi tung cửa chạy ra ngoài đúng lúc cánh cửa nhà hàng xóm bật tung. Maria từ trong chạy ra, trên người chỉ một tấm drap giường quấn xung quanh, trên tay bế thằng bé đang khóc ngất. Đã từng xem nhiều phim kinh dị nhưng phải thấy khuôn mặt Maria lúc ấy mới biết thế nào là hãi hùng. Mặt nàng ta trắng bệch như người chết trôi, đôi mắt trợn lên, cặp môi run lảy bảy. Thấy tôi đó nhưng Maria chân như muốn quỵ xuống, tay chỉ vào trong nhà nói lắp bắp không ra tiếng. Phần nào đoán ra được sự việc, tôi cũng run lên theo, người tự nhiên thấy yếu đi.

- Chuyện gì vậy? Tôi bật ra được vài chữ.

- Carlos, Carlos! Hắn cầm dao.

Nghe chữ “dao”, tôi chùn chân nhưng cố lấy can đảm chạy vào trong nhà Carlos. Vừa đặt chân vào trong tôi khựng lại ngay. Cả một cảnh tượng kinh hoàng suốt đời tôi chưa bao giờ chứng kiến phơi bày trong phòng khách. Tên Oscar trần truồng nằm ngửa trong vũng máu, cặp mắt hắn gần trắng dã vì hai con ngươi đã đi lên trên nằm gần khuất sau mí mắt. Con dao găm đâm lút cán vào ngực, chuôi thẳng tắp chĩa lên trần nhà. Cả phía trước người nạn nhân từ ngực cho xuống đến bụng nhuộm máu đỏ xẫm, máu vẫn còn ứa ra từ chỗ lưỡi dao, rỉ xuống đến mặt đất. Tôi bàng hoàng nhìn Carlos đang đứng chết trân trước cửa phòng ngủ hai tay đẫm máu buông thõng hai bên hông, mắt trợn trừng nhìn xác người chết. Hai bàn tay hắn be bét máu. Hắn đưa mắt nhìn lại tôi. Vài tia căm hờn bắn ra từ khóe mắt. Cái nhìn trở lại thân hình be bét máu của Oscar trên sàn nhà.

- Cậu giết Oscar? Sao vậy? Tôi lắp bắp hỏi, không biết hắn có hiểu gì không.

Câu trả lời của hắn tiếng được tiếng mất:

- El cabrón chingó a mi esposa (Thằng khốn kiếp đụ vợ tôi).

Hắn ngửng lên nhìn tôi. Những gân máu đỏ trong hai con mắt hắn đã biến đi cùng với cơn thịnh nộ, để lại sau một cái nhìn đầy lo âu và buồn bã. Hắn nói như phân bua, tiếng còn tiếng mất:

- Tôi xem nó còn hơn là bạn, tôi xem nó như anh tôi, thế mà nó dụ dỗ Maria ngủ với nó mấy năm nay. Con nhỏ Mỹ kể hết cho tôi. Thật khốn nạn! Nó còn nói nó là cha của thằng nhỏ. Nó nằm trên mình vợ tôi trong khi tôi nuôi con nó. Pinche cabrón!

Hai môi Carlos mấp máy điều gì nghe không rõ. Hắn quay lưng đi vào phòng ngủ ngồi xuống mép giường hai tay bưng lấy mặt. Những vết máu quẹt lên má hắn, trán hắn. Tôi thấy hai vai hắn hơi rung lên. Tôi run run nhấc điện thoại lên quay số 911. Giọng tôi run nhiều nên khó nghe, tôi phải lập đi lập lại cái địa chỉ cả chục lần operator mới hiểu. Gác máy lên, tôi đi lại gần Carlos. Hắn ngửng đầu lên nhìn tôi, những giọt nước mắt vẫn không làm nhạt đi những vệt máu trên mặt hắn.

- Tại sao Maria phải ngủ với Oscar? Maria chỉ lấy Oscar vờ thôi để cho nó xin mica. Tôi mới là chồng của Maria. Por qué?

Gục mặt lại vào trong tay, Carlos rên rỉ - Papá, mamá!

Chợt hắn ngẩng mặt lên nhìn tôi, van lơn - Phong, cứu tôi đi!

Tôi không biết phải nói gì vào lúc này. Ánh mắt cầu khẩn của Carlos như có mãnh lực đẩy tôi lùi dần trong một con ngõ cụt với một bức tường thật cao sau lưng. Thậy may khi lưng tôi gần đụng bức tường cao đó thì có tiếng còi hụ từ ngoài đường vọng vào rồi hai chiếc xe cảnh sát đèn xanh đỏ chớp chớp phóng như bay vào bãi đất, thắng gấp ngay trước cửa nhà. Người cảnh sát nhảy xuống xe súng lăm lăm trong tay. Maria chạy lại nắm lấy tay ông ta nói một hơi rồi gục mặt vào ngực người cảnh sát. Ông này đỡ Maria lên, dìu vào trong xe cho ngồi xuống. Thấy tôi đi ra tay không, những người cảnh sát kia đút súng vào bao bên hông. Tôi lắp bắp nói họ Carlos còn ở trong nhà và họ nên kêu xe cứu thương ngay. Hai người đi vào, vài phút sau tôi thấy họ xốc nách Carlos từ trong ra, hai tay bị còng ngoặt sau lưng.

Một người cảnh sát lớn tuổi tóc đã bạc hỏi tôi. Tôi muốn kể hết nhưng còn vì còn xúc động nên nói chả ra gì. Ông ta bảo tôi đừng nói nữa, lên xe ngồi chung với Maria để được đưa về ty lấy lời khai. Đúng lúc đó có tiếng còi xe ambulance ré tai ngoài đường cái rồi một chiếc xe van sơn trắng cũng đèn đỏ đèn xanh chớp chớp phóng vào. Hai người y tá cấp cứu trong bộ đồng phục ka-ki xanh tay xách túi cứu thương chạy vào nhà. Họ trở ra, lắc đầu với mấy người cảnh sát xong đem băng ca vào trong.

Tôi bàng hoàng nhìn chiếc băng ca chở xác Oscar phủ kín trắng xóa từ đầu đến chân được lăn ra ngoài. Đã từng đi đám ma vài người thân trước kia, già lẫn trẻ, tôi vẫn chưa làm quen được với ý tưởng mới gặp hôm nọ nay đã chết. Lần cuối nói chuyện với hắn chỉ mới hơn một tuần, nghe hắn nói tôi phải thay cái lọc gió xe. Lần cuối thấy hắn chỉ mới vài giờ đồng hồ trước ngụp lặn trong lạc thú xác thịt tội lỗi. Thế mà giờ đây hắn nằm yên đó, không còn nói, không còn nghe, không còn làm tình với Maria, không còn lừa dối phản bạn. Tiếng khóc rấm rứt của Maria bên cạnh tôi to hơn khi chiếc băng ca được đẩy ngang qua xe cảnh sát tôi và nàng đang ngồi ở trên.

Khi đoàn xe cảnh sát quay mũi đi ra đường, tôi mới để ý thấy hàng xóm bu đông xung quanh. Những cái nhìn tò mò, phán đoán, lên án, nghi vấn xuyên qua cửa kính xe đập lên mặt tôi và Maria. Tôi quay lưng lại nhìn. Xe chở Carlos đi sau lưng. Hắn ngồi gục mặt thật thấp. Tôi chỉ thấy chỏm tóc đen quăn của hắn.

*

Đến tối cảnh sát mới cho tôi về. Cuộc thẩm vấn kéo dài mấy giờ đồng hồ. Họ bảo tôi khi Carlos bị đem ra xử, tôi sẽ được gọi ra làm nhân chứng. Họ cho xe chở tôi về tận nhà. Phần Maria và thằng bé thì sang nhà bạn ở tạm, nhà nàng bị cấm tỏa vì là phạm trường cảnh sát còn đến để lấy thêm tang chứng.

Trời bắt đầu mưa lất phất. Cơn gió thổi đến thật lạnh. Tôi run rẩy tay thọc túi bước xuyên qua bãi đất trống. Đến trước cửa nhà Carlos, tôi thấy một vòng dây plastic vàng lờ mờ hàng chữ “Police line. Do not cross” cuốn vòng xung quanh căn nhà. Cánh cửa trước và hai cửa sổ đóng im ỉm. Căn nhà hầu như nhòa vào bóng đêm trông như một căn nhà bỏ hoang. Bức tranh của Norman Rockwell đã bị ai lấy đi mất.

 

BÙI NGỌC KHÔI

Viết xong mùa Thu 2003

Dublin, California

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 7750)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13093)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 637)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1536)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 904)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 1089)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 655)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 944)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1096)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1313)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.