- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GREENFIELDS

19 Tháng Năm 20219:14 CH(Xem: 11426)
GREENFIELDS


Truyện ngắn

Biển Cát

GREENFIELDS 

 

 

Dịch bệnh COVID-19 lan truyền rất nhanh . Bệnh nhân nhập viện liên tục khiến bệnh viện gần như quá tải. Trong tình trạng này, chúng tôi cần phải thắt chặt quy chế của bệnh viện, là cách ly người bệnh để tránh sự lây nhiễm.

Đó là một quyết định không dễ dàng chút nào, vì bệnh nhân phải đơn độc suốt quá trình điều trị đau đớn. Nhưng không có cách nào khác.

Tôi dừng chân bên ngoài phòng bệnh nhân cuối cùng của Khu chăm sóc đặc biệt, lặng lẽ nhìn vào. Bà Mary nằm trên giường với ống thông khí tiếp oxy  xuyên qua cổ. Chồng bà, ông Bob, ngồi trên chiếc ghế bên cạnh, đặt tay lên chân bà , cẩn trọng quan sát những diễn biến của biểu đồ theo dõi đặt trên đầu giường.

Tôi ngần ngại gõ cửa,  bước vào.

 Không biết lần này là lần thứ mấy trong buổi chiều nay, tôi lập lại những quy định mới của bệnh viện cho người nhà bệnh nhân . Đó là , từ lúc  này, ông sẽ không được phép vào phòng chăm sóc bà nữa , cũng không được vào Khu chăm sóc đặc biệt này . Trừ khi...

Trừ khi đó là lần thăm viếng cuối cùng.

Tôi đã kịp dừng lại , không muốn làm cho ông buồn và lo lắng thêm.

Nhịp thở của bà Mary bỗng trở nên gấp rút. Hệ thống  báo động trong máy tiếp khí vang lên những tiếng tít , tít....Ông Bob vội đặt tay lên vai bà, vỗ về nhè nhẹ. Rất dịu dàng, giọng hát ông cất lên những âm điệu du dương  của bài Greenfields :

Đồng xanh là chốn đây

Thiên đàng cỏ cây

Là nơi bầy thú hoang

Đang vui đùa trong nắng say... ( Đồng xanh - lời Việt Lê Hựu Hà )

Hơi thở của bà chợt dịu lại.  Ông luôn biết cách trấn an bà. Nhưng từ ngày mai...

Ông ngước nhìn tôi, ánh mắt cầu khẩn :

— Không có đặc cách nào sao , thưa bác sĩ ?

Tôi lắc đầu buồn bã. 

Ông cúi xuống , nói thì thầm vào tai bà những lời từ biệt, rồi đứng lên . 

Chúng tôi đi dọc suốt hành lang bệnh viện . Khung cảnh vắng hoe , lặng lẽ đến có thể nghe được tiếng những bước chân . 

Ông chào tôi, bước vào thang máy. Dáng ông lọm khọm và cô độc. Không dưng, tôi nghe mình buông tiếng thở dài.

 

 

Là các bác sĩ dạn dày kinh nghiệm, chưa bao giờ chúng tôi phải đối diện với nhiều khó khăn như lúc này. 

Chúng tôi phải trực tiếp đứng ở tuyến đầu, chiến đấu với nỗi sợ hãi để tìm c

ách chữa trị cho các bệnh nhân của mình. Cùng lúc đó, chúng tôi phải đảm nhận vai trò kết nối giữa người bệnh và thân nhân. Thật áp lực khi phải trả lời một số lượng cuộc gọi tăng vọt — tương ứng với số bệnh nhân nguy kịch cần phải điều trị khẩn cấp. 

Tôi có thể cảm nhận tầm quan trọng của các cuộc gọi này, qua sự khẩn trương, luống cuống của người chồng :

— Bác sĩ có thể nào cho tôi biết tình trạng hiện tại của vợ tôi không ?

Tôi trấn an ông :

— Hôm nay tôi đã kiểm tra các bệnh nhân của mình xong. Bà Mary nằm trong nhóm bệnh nhân tạm thời bình ổn, không có những biến chứng xấu phát sinh.

Ông Bob gần như van xin tôi nói về thể trạng của bà cụ thể hơn nữa. Nhưng tôi không có thời gian. Tiếng bíp bíp...vang liên tục trong điện thoại, như thúc giục chúng tôi ngừng cuộc gọi. Còn bao nhiêu thân nhân khác đang chờ được biết tin người thân của họ. 

— Xin lỗi, tôi sẽ gọi lại cho ông sau.

Tôi vội vã nói với ông. Và mong rằng lời hứa hẹn đó sẽ là sự thật.

 

 

Ông khui hộp soup , trút vào tô rồi cho vào microwave hâm nóng lại. Gần hai tuần nay, bữa ăn của ông chỉ qua quýt như thế. Lòng ông như có lửa đốt. Cứ nghĩ đến bà nằm một mình trong bệnh viện, là ông lại thẩn thờ. Cầu xin Chúa cho bà đủ sức chống chọi để qua cơn bệnh hiểm nghèo này.

Tô soup nguội ngắt ngơ từ lúc nào. Ông đặt muỗng xuống, nhìn ra ngoài sân.

Mùa đông ở đây thật buồn. Cây trút lá xác xơ. Trời chưa tối mà đã âm u. Cả khu vườn như chìm trong màn đêm . Gió thổi xào xạc. Hơi lạnh thốc vào nhà. Ông rùng mình, đứng lên, bước đến khép cửa lại. Rồi uể oải ngồi vào bàn. Cử chỉ ông thật chậm chạp. Ừ thì ông đã già lắm rồi. Cả bà nữa. Thời gian trôi nhanh quá.

Nhớ ngày nào, cả hai người còn trẻ lắm. Họ lớn lên cùng nhau ở nông trại. Và yêu nhau như là một định luật rất tự nhiên.

Rồi ông lên thành phố học . Mỗi kỳ nghỉ đông, ông lại trở về . Bà đón ông từ đầu làng. Bà ngồi trên lưng ngựa, đôi mắt xanh như mặt hồ thu , ánh lên tia sáng ấm áp khi nhìn thấy ông. Mái tóc bà dày và vàng óng ánh, thả bay trong gió. Họ cùng cưỡi con Tuấn mã- biệt danh của con ngựa trắng khỏe nhất vùng. Con ngựa hí vang vui mừng, phi nước đại xuyên qua những cánh đồng cỏ xanh bát ngát. Cả ông và bà đều hát vang bài Greenfields .Tiếng hát họ hoà quyện vào nhau, rộn rã khắp con đường về nhà.

Đám cưới của họ lớn nhất từ trước đến nay, vì ông là niềm hãnh diện của cả làng. Bức ảnh ông mặc áo mũ tốt nghiệp cùng bằng tiến sĩ được cha ông cẩn thận lộng kính, treo trang trọng giữa phòng khách. 

Khách khứa đến đều trầm trồ :

— Nhà mình thật phúc đức có được cậu quý tử như vậy.

Cha ông làm ra vẻ khiêm nhường, nhưng không dấu được niềm tự hào rực trên khuôn mặt :

— Dạ ông bà quá khen. Cháu Bob nhà tôi còn phải cố gắng nhiều nữa ạ.

Mẹ ông thì xăng xái chạy tới chạy lui, cười nói luôn miệng.

— Cảm ơn mọi người đã đến chung vui với gia đình. Xin mời, xin mời vào ạ.

Tất cả bình rượu vang đã ủ nhiều năm dưới hầm, được cha ông đem hết ra đãi . Mẹ ông hối gia nhân đốt lửa nướng thịt. Những con dê, cừu,bò vàng ươm , tỏa mùi thơm phưng phức,

Người làng thời ấy cũng rất thân tình, họ xem ngày vui của nhà ông như là của họ. Người nào tới cũng mang rượu, bánh, đặc sản lẫn hoa tươi.... Đầy nhà ngập tràn rượu thịt và tiếng nói cười.

Ông còn nhớ rõ, dạo ấy là mùa Xuân. 

Những cây dogwoods nở hoa rực rỡ . Cô dâu là bà. Chú rể là ông. Cùng những phù dâu phù rể ngồi thành đôi trên lưng ngựa, phóng qua những sườn đồi , xuyên qua khu rừng nhỏ cuối làng . Dưới chân họ là cỏ non xanh mướt. Chung quanh họ là những vòm hoa trắng, hồng, đỏ .....đẹp như cổ tích. Bài Green Feilds vang lên trong không gian hoang dã. Những ca từ nối tiếp nhau miên man như dòng suối.

Nhiều năm sau này, ông vẫn còn nghe hương hoa ngày ấy thoang thoảng , mơ hồ nửa hư nửa thực.

Giấc ngủ đến với ông thật khó khăn. Vậy mà lúc chuông đồng hồ đổ ba tiếng, ông đã bật dậy.

Ông lọ mọ ra phòng khách, pha một tách cà phê nóng. Ông có thói quen uống cà phê với một chút sữa tươi  không đường. Nhưng lúc mở tủ lạnh lấy sữa, ông chợt nhớ ra , sữa đã hết mấy hôm nay.

Ngoài trời đang mưa. Ông nghe tiếng cành cây đập vào cửa kính từng hồi.  Cả tiếng gió rít nữa.

—Không khéo lại có bão.

Ông chép miệng nói vu vơ và nghe tiếng mình lọt thỏm vào khoảng không. Với tay lấy cái điều khiển từ xa, ông bật ti vi lên . Tự nhiên ông cần nghe tiếng người nói. Căn nhà im ắng quá.

Không biết ông đã ngồi như thế bao lâu. Và có thể ông sẽ còn ngồi như thế nữa, nếu không có tiếng chuông điện thoại vang lên. 

Màn hình hiện lên chữ Bác sĩ. Ông mừng rỡ, quýnh quýu cầm lấy điện thoại.

— Ông đến bệnh viện ngay. Tình trạng bà rất xấu.

Chưa kịp nghe bác sĩ thông báo hết câu, ông đã run rẩy đánh rơi chiếc điện thoại xuống đất. 

 

 

Bác sĩ đón ông ở cổng Khu chăm sóc đặc biệt và đưa ông đến phòng bà. 

Theo quy định, ông chỉ có thể đứng bên ngoài cửa kính nhìn vào. Bác sĩ nói với ông, bệnh viện trang bị cho mỗi bệnh nhân một iPad để liên hệ với thân nhân. Nhưng trường hợp của bà quá nặng, không thể sử dụng được iPad. Để chuẩn bị cho cuộc nói chuyện lần cuối cùng này, phòng bà đã có một cái loa không dây. Bằng một thao tác rất chuyên nghiệp, bác sĩ kết nối điện thoại của ông với loa trong phòng.

Ông nhìn đăm đắm vào phòng. Bà vẫn nằm đó, với ống tiếp khí thông qua cổ. Hình như bà yếu lắm . Tấm chăn đắp trên người bà không hề thấy di động theo nhịp thở.

Nhẹ nhàng với tất cả yêu thương, ông âu yếm nói:

— Tôi đang ở đây, rất gần với mình. Mình đừng sợ gì nhé. Suốt cuộc đời này, mình vẫn mãi là người vợ yêu quý của tôi. 

Hình như bà có nhận ra giọng ông. Đầu bà hơi nghiêng về bên trái, phía chiếc ghế ông đã từng ngồi lúc trước.

— Mình ngủ đi. Ngủ và không còn đau đớn gì nữa. Để tôi hát ru mình bằng bài hát của chúng mình nhé. Ông thủ thỉ với riêng bà.

“....Ta yêu đồng xanh

Như đã yêu thương con người 

Ta thương đôi tình nhân kia

Như gió yêu thương mây trời 

Nhưng sao giờ đây

Chẳng thấy ai chung quanh ta

Đất trời như bãi tha ma

Trên đồng hoang cỏ cháy ...”

 

Đầu bà ngoẹo xuống, bất động. Chắc hẳn  bà đã chờ ông đến. Và ông đã kịp đến.

Bác sĩ đặt tay lên vai ông, như một lời chia buồn. Nhưng ông không hay biết gì. Trước mắt ông bây giờ là cánh đồng xanh mướt. Trên lưng con Tuấn mã, ông và bà mải miết lướt đi. Họ cùng hát vang bài Green Feild. Hình như mùa Xuân đang về. Những cây Dogwoods đang nở hoa rực rỡ.

 

  

Biển Cát

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65728)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 54231)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63405)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 60101)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70207)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93519)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 90907)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94729)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 93424)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 98803)
Phần II II. NHỮNG THẾ LỰC CHI PHỐI BÊN NGOÀI: Chính sách hòa hoãn Mỹ-Nga, cộng với sự va chạm cá nhân với các viên chức Mỹ, cũng khiến họ Ngô tìm cách nới rộng hơn sự kềm tỏa của Mỹ. Phong trào chính trị đang lên trong thời điểm này là phi-liên-kết, và trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga, do Pháp và India đi hàng đầu. Ngoài ra, Trung Cộng thường tuyên bố theo đuổi chính sách “sống chung hòa bình” [peaceful co-existence], trong khi Mao đưa ra “thuyết” Thế Giới Thứ Ba, tức thế giới của các nước nghèo và cách mạng giải phóng khỏi ảnh hưởng các cường quốc.