- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHUYỆN Ở NHÀ HỘ SINH

21 Tháng Tư 202110:34 CH(Xem: 12504)

 nha ho sinh 3

 

CHUYỆN Ở NHÀ HỘ SINH

Truyện ngắn Ngô Quốc Phương

 

Lê cố gắng một lần nữa, chị hít một hơi sâu và rặn mạnh, và rồi ở phía xa, lấp sau hai đầu gối của chị, một niềm vui nữa bắt đầu chào đời, với các bà đỡ đón tay gọn gàng.

“Con trai nhé, bụ bẫm khôi ngô!”

“Mẹ tròn con vuông rồi! Mừng nhé”…

Lê chỉ nghe loáng thoáng, chị chìm đi vào giấc ngủ, không kịp cảm ơn ai. Chỉ như trong mơ hồ, lúc tỉnh, lúc mê có tiếng nói của nữ hộ sinh nào đó trả lời người hỏi:

“Dạ, đúng 23h59 phút, ngày 21 ạ.”

“Sản phụ mạch đã trở lại bình thường, huyết áp cũng đang trở lại bình thường, nghỉ ngơi thêm sẽ ổn,” một y tá trực `nói thêm.

“Tốt, vậy ghi sang ngày 22 nhé”

“Dạ, ngày 21 ạ, đồng chí có nói nhầm không?”

“Không, sẽ giải thích sau, cứ ghi như thế nhé…”

***

Sáng ngày 22, toàn bộ các lãnh đạo, y bác sỹ, y tá, hộ lý , kể cả nhân viên xét nghiệm, điều dưỡng v.v… đều được huy động xuống phòng họp của bệnh viện phụ sản, theo lệnh Ban giám đốc, chỉ trừ ê-kíp trực đang chờ các cuộc lâm bồn mới.

“Đề nghị báo cáo số trẻ sinh ngày 22 đến giờ này và tôi cần một vài bé sinh đúng 0h00 giờ”, ông Giám đốc bệnh viện phụ sản nói.

“Dạ, báo cáo đồng chí, rất tiếc là tới giờ, không hiểu sao vẫn chỉ có một trẻ thôi, không có nhiều hơn, và không có trẻ nào sinh vào giờ đồng chí cần ạ,” bà Phó Giám đốc nói.

“Thế à, khỉ thật! Đúng lúc mình cần thì các bà không đẻ cho. Bình thường thì đẻ như gà!”, Giám đốc  bực và có vẻ hơi lo.

Đâu đó có tiếng cười khúc khích, hình như trong đám cán bộ, y tá, điều dưỡng trẻ.

“Các đồng chí cười gì! Im ngay đi, thật không phải lúc, bây giờ đã đầu giờ sáng, đang giờ làm việc và chỉ non 30 phút nữa các đồng chí đoàn đại biểu Đại sứ quán Liên Xô sẽ đến đây thăm, dẫn đầu bởi ngài Đại sứ, phu nhân, Phó Đại sứ, các Bí thư, và các đồng chí lãnh đạo ở thành phố, ở Bộ và Sở y tế, các đồng chí thấy thế mà vẫn còn cười được à!,” Giám đốc nói, tay rút mùi xoa ra thấm thấm lên trán.”

“Dạ, các cô ấy còn trẻ, xin đồng chí Giám đốc bỏ qua,” bà nữ Giám đốc nói xen vào như đỡ lời, trong lúc tiếng cười đã im bặt.

Bà biết rằng, để thực hiện vụ đón tiếp đoàn ngoại giao từ sứ quán Liên Xô đến thăm bệnh viện phụ sản nhân đúng kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Vladimir Ilych Lenine vĩ đại, mà các chị em, anh em trong tổ thi đua, các khoa, phòng, ban đã phải làm việc vất vả, gấp đôi, gấp ba ngày thường.

“Thưa đồng chí, có một trẻ sinh lúc 23h59 phút vài giây, ngày hôm qua 21, chúng tôi đã chỉ đạo để ghi sang lúc 0h01 phút ngày 22 rồi, và chúng ta trước đó cũng có hơn sáu trẻ sinh vào tầm tối, trước đêm. Chúng tôi đã chuẩn bị cho các cháu và sản phụ đón khách theo đúng phương án Ban Giám đốc họp trên tinh thần các đồng chí lãnh đạo Bộ,  Sở Y tế và thành phố chỉ đạo và hướng dẫn,” Phó bí thư đảng ủy cơ quan nói.

“Vậy tốt rồi, mọi người ai về vị trí nấy!”, Giám đốc kết luận, xua tay bảo mọi người tản ra, rồi gọi theo mấy người trưởng, phó khoa và thành viên ban giám đốc, đảng ủy về phòng của ông hội ý thêm.

***

Lê mở mắt tỉnh dậy, chị thấy mình được nằm trong một căn phòng sáng sủa, bên cạnh mấy giường là các sản phụ khác.

“Chị này may quá đấy, vừa sinh xong đã được đưa vào phòng số một này, phòng này là toàn dành cho bệnh nhân đặc biệt thôi,” một sản phụ nói.

“Nhưng chúng mình cũng được tốt lây, còn gì, ai cũng được thay mặc quần áo bệnh viện mới tinh, được nằm giường với ga, gối, đệm, màn mới tinh còn gì,” một chị khác nói thêm.

“Ừ, bữa sáng cũng rất ngon và bổ nữa, hơn hẳn đồ ăn nhà mang vào”, một sản phụ khác nữa lại nói.

Lúc này Lê nhìn quanh, chị thấy căn phòng thoáng và đẹp, khá rộng rãi, trong phòng lại có cả hoa tươi, các tủ đồ để bên cạnh đầu giường bệnh nhân với mỗi người lại có một lon sữa bò, lại thêm hoa quả, gói đường nữa…

Hay là mình mơ chăng? Lê tự hỏi, nhưng khi tự tay sờ lên quần áo thì thấy đúng là quần áo mới tinh, còn như nguyên cả hồ và thơm mùi vải mới nữa, khác hẳn những gì các sản phụ khác mặc hôm trước khi chị còn vác bụng bầu tới nhà hộ sinh để chờ sinh bé.

Mọi người trong họ đều mặc quần áo, váy đẻ cũ, có người còn thấy có cả miếng vá nhỏ nữa…

***

Đúng 8 giờ sáng, đoàn đại biểu vào thăm phòng của Lê. Họ đi thành một đoàn đông, toàn các ông tây, bà đầm, và họ nói xì xồ, xì xồ. Đi cùng, Lê thấy có nhiều quan chức, coi bộ rất quan trọng, hình như có ông Phó Chủ tịch Thành phố, còn nhiều người khác nữa, ai cũng đóng bộ complê, cà vạt rất nghiêm chỉnh, nhất là các ông quan chức xứ ta mặc đồ đen, đi giày đen đánh xi bóng lộn, tương phản với màu áo trắng của các thầy thuốc và nhân viên bệnh viện.

Ông, bà đại sứ và tùy tùng tới thăm từng giường và họ được ban Giám đốc đưa đến giường Lê đầu tiên.

Ông, bà xì xồ thêm đôi phút và người phiên dịch dịch lớn lên cho các quan chức và mọi người nghe, rồi họ hỏi thăm Lê và cháu bé.

 “Chị khỏe không, cháu bé bụ bẫm và xin xắn quá, là cháu gái à?”, bà hỏi Lê và hơi cúi xuống nhìn hai mẹ con chị.

“Dạ, tôi khỏe, còn cháu bé là con trai ạ, xin cảm ơn bà và quý ông, bà rất nhiều,” Lê đáp.

Bà phu nhân đại sứ cười rất tươi, bà bế bé sơ sinh lên và hôn nhẹ vào má của bé.

Lập tức, trong phòng rộ lên tiếng máy ảnh chụp lách tách, và có đèn flash chớp lia lịa.

“Kính thưa Đại sứ và phu nhân, cùng các đồng chí, sản phụ hạ sinh cháu bé đúng 0 giờ 01 phút, lúc chuyển sang ngày 22 tháng Tư, đúng ngày Sinh của đồng chí Lenine vĩ đại ạ,” vị Giám đốc trịnh trọng nói với đoàn.

Rồi đoàn rời đi, sau khi ông đại sứ và phu nhân tặng mấy com búp bê và lật đật Nga cho các trẻ sơ sinh, họ vẫy tay chào các sản phụ và các nhân viên.

Căn phòng lại trở lại yên ắng bình thường.

Khi họ vừa đi, Lê nói khẽ với một nữ hộ sinh:

“Dạ, hôm qua, tôi có nghe là cháu sinh lúc trước 0 giờ ạ, không biết là tôi có gì nghe nhầm không ạ?”

Nữ hộ sinh khẽ đưa mắt nhìn quanh, rồi sau khi yên tâm là không có ai khác có thể nghe, liền ghé vào tai Lê nói:

“Chính tôi trực và tham gia đỡ cho chị hôm qua, cháu đúng là sinh trước không giờ, nhưng hôm nay là sinh nhật đồng chí Lenine và đoàn sứ quán Liên Xô đến thăm bệnh viện, nên bênh viện dặn mọi người và làm như thế, chị ạ.”

“Vâng, tôi hiểu, cảm ơn chị và mọi người,” Lê khẽ khàng đáp.

***

10 giờ sáng

Lê và bé được đưa tới một căn phòng khác cùng các sản phụ khi sớm. Mọi người đã thay quần áo sản phụ cũ mà nhà hộ sinh mới đưa cho và trả lại các quần áo cũ.

Mấy sản phụ đi cùng cứ xuýt xoa mãi vì tiếc căn phòng cũ.

“Chỉ được nhìn mọi thứ mà không được mang về, chán quá,” một chị trung niên nói.

“Ôi dào, thế là vinh dự tự hào quá rồi, còn kêu la gì nữa, có mấy ai được tây đầm vào thăm đâu, lại được chụp ảnh, còn gì,” chị khác trẻ hơn đáp.

“Ôi, tôi chỉ tiếc con búp bê, lật đật và hộp sữa, cân đường, quả cam. Giá gì được mang về ra chợ đổi bán thì có giá thế nào,” một sản phụ khác buồn ra mặt.

Lê không nói gì, chị chỉ lặng lẽ cúi xuống khẽ thơm lên má của con trai:

“Mẹ chẳng thiết gì ngoài Hoàng tử bé của mẹ, phải không con”, chị nói thầm trong đầu và khẽ cười với thiên thần bé nhỏ của mình.

 

Kent, Anh quốc, 22/4/2021

Ngô Quốc Phương

(Ghi chú: 21/4 là ngày sinh của nữ Hoàng Anh Elizabeth đệ nhị, còn ngày 22/4 là ngày sinh của lãnh tụ Cộng sản Nga, người sáng lập nhà nước Liên Xô xã hội chủ nghĩa, Vladimir Illych Lenine).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90013)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75822)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103948)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87360)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92846)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109491)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84543)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83572)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75914)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80711)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.