- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BỨC THƯ TUYỆT MỆNH CỦA CÔ BÉ ANNE FRANK ĐẤT VIỆT

10 Tháng Mười Một 20199:16 CH(Xem: 22521)
kt 1
Tranh Khánh Trường

 

Rời chiếc tủ gỗ thông cũ kỹ dùng làm bàn thờ tạm cô con gái xấu số, Lân chậm chạp quay về phía tôi. Lưng người đàn ông trạc bốn mươi tuổi như còng hẳn bởi nỗi bất hạnh mới giáng xuống anh và cái gia đình bé nhỏ của anh. Mắt anh sưng vù sau ba ngày thẫn thờ khóc ròng bên di ảnh con gái lớn. Anh nhìn vào chiếc giường có người nằm bất động trùm kín chăn, rồi lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế đối diện với tôi qua chiếc bàn nhỏ, như tôi đang là một kẻ bị hỏi cung. Tôi không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt hốc hác có ánh mắt vô hồn chẳng thiết tha thứ gì nữa trên đời. Tôi quay sang nhìn phía trái căn nhà, nơi có một giá sách khá lớn chất chồng chủ yếu các loại sách cũ in từ những năm 60, 70, 80 thế kỷ trước.

- Anh đọc đi… Tôi tin anh…

Giọng khàn khàn khác lạ của Lân vọng đến tôi tựa vực thẳm dội lên. Tôi rụt rè cầm lấy lá thư anh đặt trên bàn, lưỡng lự và thoáng băn khoăn về cái gọi là “lòng tin” của anh đối với tôi, bởi đương nhiên là thế mà sao anh lại nói như một sự khẳng định mới mẻ. Trong tột đỉnh của nỗi đau, người bạn tôi quen biết lâu nay vẫn đủ sự tỉnh táo và sự thận trọng để nói về một thứ mà hiện tại người ta đã đánh tráo, đã đánh cắp nhiều và trơ tráo đến độ nó chẳng còn có khả năng thuyết phục hay cảm động được bất cứ ai nữa. Tôi ái ngại nhìn thẳng vào anh như để tìm được một sự giải thích mơ hồ, một niềm an ủi mong manh nào đó trong khi thực ra người cần được an ủi chính là anh!

Cách đây năm năm, tôi về vùng biển này để làm một phim tài liệu về các di tích lịch sử, danh nhân văn hóa địa phương. Khi được biết anh là một thầy giáo cấp II yêu thích văn hóa dân gian và đang ấp ủ làm một cuốn sách sưu tầm truyền thuyết các nhân thần, thiên thần miền Trung, tôi liền tìm đến làm thân. Với sự hiểu biết cặn kẽ, khá sâu rộng về lịch sử văn hóa địa phương, và với lòng kính trọng thành thực bất kỳ ai có liên quan đến chữ nghĩa, phim ảnh, anh đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc. Vì phải điền dã quanh huyện nhiều ngày, nên tôi chỉ được gặp vợ con anh có hai lần tại nhà, và một lần được trò chuyện với cô bé mê văn. Em nhờ tôi tìm cho tập 4 của bộ tiểu thuyết Jăng Kritxtôp và bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần. Tôi đã hứa, đã tìm được sách cho em, nhưng chưa kịp mang về thì được dòng tin ngắn ngủi của bố em: “Anh về ngay. Cháu gái Vân đã mất tại châu Âu”. Tôi choáng váng suốt chuyến xe đò bốn trăm cây số, rồi ba chục cây số xe ôm về tới ngôi nhà xập xệ đang chờ được sửa chữa để có thể tồn tại qua một, hai mùa biển động nữa...

- Không ngờ… lá thư này của cháu lại là thư tuyệt mệnh… Anh đọc đi… anh.

Lời này của anh dịu dàng một cách kỳ lạ, như để cố nén lại nỗi đau, lại giống một tiếng khóc thầm. Không đợi anh giục thêm lần nữa, tôi run rẩy mở lá thư. Những dòng chữ rắn rỏi, của một người hay đọc sách và bắt đầu làm quen với cách diễn đạt tâm hồn bản thân mình bằng từ ngữ chợt nhập nhòa trước mắt tôi…

“Thưa bố, mẹ

Con đắn đo nhiều lắm, và phải tập trung rất nhiều lòng dũng cảm để có thể viết bức thư này… Khi bố mẹ đọc được những dòng này, con đã ở một phương trời xa, phương trời mơ ước mà con từng ấp ủ trong những năm túng quẫn đến cạn đường sống của nhà ta… Bố vẫn hay chê con gái bố ít nói ít cười, nhưng con hiểu đằng sau sự trách yêu đó là một niềm cảm thông mà một người bố thương con nào cũng có: bố hiểu và cảm thông cho đứa con gái giàu tình cảm, giàu suy nghĩ, thương gia đình mà chỉ biết thở dài buồn bã, một kẻ ôm nhiều khát vọng đẹp mà phải chôn vùi đi… Con không sao quên được cái buổi con tuyên bố nghỉ học cấp ba để đi làm giúp bố mẹ nuôi em, bố đã giấu con vào buồng trong để khóc thầm. Rồi con cũng ra vườn khóc một mình. Khóc, vì con đã làm bố mẹ buồn khổ. Khóc vì phải vĩnh biệt tuổi học trò dù nghèo túng cay cực song cũng thực đáng yêu biết bao. Sau đó, đợi bố đi khỏi nhà, con đã đốt hết những bài thơ, truyện ngắn, ghi chép mà con viết dấm dúi trong niềm mơ tưởng trở thành nhà văn, nhà báo. Không phải vì có lần bố đã bảo: làm nhà văn nhà báo trong xã hội mình thì nghèo lắm, khổ lắm, lại nguy hiểm nữa, mà cái chính là con muốn xóa hết cái dấu tích sẽ khiến con nuối tiếc khi bước vào “chiến trường làm ăn kinh tế”- mà thực ra lúc đó con chưa biết mình sẽ phải làm gì để giúp bố mẹ bớt cực nhọc! Nhưng điều làm con đau lòng xót xa hơn cả là biết rằng: bố cũng đoán ra hết cái tâm tư đó của con nhưng không thể làm gì được cho con! Nếu là vài năm trước, con đã chạy vào ôm chầm lấy bố mà khóc cho thỏa, nhưng con đã lớn rồi, biết kìm hãm cảm xúc để bố đỡ tủi trước sự bất lực của mình, một thầy giáo được mọi người kính trọng, một người chủ gia đình không kém cạnh gì với đời, đã phải bó tay trước sự thất học của con gái bởi gia cảnh khốn cùng…

Chắc chắn là bố mẹ sẽ trách móc con nhiều lắm, vì quyết định một chuyện động trời thế này mà chẳng bàn bạc với bố mẹ một câu. Con sợ bố mẹ sẽ phản đối, ngăn cản, và sợ hơn cả, nếu bố mẹ đồng tình thì sẽ phải lo chạy vạy một khoản phải nói là khủng khiếp đối với nhà ta... Hãy tha lỗi cho con… Con đã tròn 17 tuổi, hơn thế, như bố từng bảo, con là “bà cụ non” là gì? Với lại, cái quyết định này là kết quả sau cùng của biết bao suy nghĩ, đau đớn của con, mà nếu có “đổ lỗi” cho ai thì chỉ là bố thôi, bố ạ. Bố đừng vội cau mày, con nói “đổ lỗi”, tức là con muốn bày tỏ sự biết ơn… Con biết ơn bố trong nhiều năm qua đã miệt mài, tỉ mẩn tìm sách cho con đọc. Một thầy giáo làng quê nghèo như bố đã chăm chút tới đời sống tinh thần cho con gái bằng những cuốn sách cũ mua lại hoặc xin ở các hàng đồng nát, ở các hiệu sách cũ, ở nhà bạn đồng nghiệp. Con nhớ rõ những cuốn đầu tiên là Nhật ký Anne Frank, Vỡ bờ, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Ai van hô, Suy nghĩ về những câu Mác trả lời con gái, chúng đều rách bươm, giấy đen xì, đôi chỗ bị mối ăn mất chữ, nhưng đối với con thực là quý giá, quý giá hơn nữa là chúng được bố bồi dán lại từng trang, làm thêm bìa giả cẩn thận. Thấy con mê đọc, bố lại căm cụi đi nhiều nơi tìm sách, với đồng lương giáo còm, và hầu như lần nào đem sách cũ về bố cũng đều tần ngần: “Cuốn này người ta đã tái bản, giấy trắng đẹp, song ở hiệu sách hết rồi, bố sẽ tìm mua sau…” Lần đầu tiên bố nói vậy, con đã phải chảy nước mắt vì hiểu rằng bố đâu có tiền mua sách mới, bố nhớ không, lúc đó bố hỏi vì sao con khóc, con nói tránh đi là con bỗng nghĩ đến cô bé Do Thái 13 tuổi viết nhật ký khi trốn tránh bọn phát-xít, và chết trong trại tập trung khi sắp bước sang tuổi 16… Con cũng hăng hái làm theo bố, đi mượn, đi xin sách, có nhà sau khi bố thí cho một đống  sách cũ định thải cho đồng nát đã nhìn con như “cô bé Mai Ka từ trên trời rơi xuống”… Dần dà, sau bốn năm, con đã có một tủ sách vài trăm cuốn, chủ yếu là sách cũ nhưng khá nhiều sách văn học Việt Nam hay và không ít tác giả văn học kinh điển thế giới đã dịch sang tiếng Việt, như thế, con đã là đứa trẻ giàu có hơn tất cả lũ trẻ làng biển nghèo xơ xác này. Con yêu mê mẩn tủ sách đó, cũng bởi một phần nó chứa đựng mồ hôi nước mắt của bố, và con đã có ý nghĩ như đứa trẻ 10 tuổi là: nó giống làm sao với cái tủ sách ở “Chái nhà bí mật” của cô bé Anne Frank, bởi đằng sau tủ sách của cô bé là một chiếc cầu thang bí mật để chạy trốn, giả sử có chuyện gì bất trắc đe dọa nhà ta, mọi người sẽ theo chiếc cầu thang bí mật đó mà thoát ra ngoài… Nhưng cũng chính vì những cuốn sách ấy mà các cô giáo dạy văn của con thường phê là suy nghĩ không phù hợp lứa tuổi, xa lạ, nguy hiểm, không có ích cho thực tế, thậm chí là đạo văn của người khác, rồi các bạn xa lánh, còn ở nhà lắm khi bị bố mẹ mắng oan. Bố có nhớ dạo biển quê mình bị tàn sát, xác cá trắng xóa dạt bờ, cả một vùng tang thương chết chóc, con đã bỏ ăn bỏ ngủ hai ngày liền, bị bố mẹ mắng xơi xơi, như con là cái chỗ an toàn nhất để bố mẹ trút những lo lắng, đau đớn cho thảm cảnh chung, cho tương lai u ám của gia đình. Bố có biết những ngày đó, con cứ như là người bị đầu độc vậy, đầu độc bởi những ý nghĩ tối tăm về cuộc đời, về những kẻ gây ra tội ác hủy diệt biển, thậm chí về đồng bào mình… Sao con người lại có thể nhẫn tâm độc ác với đồng loại và thiên nhiên hơn cả bọn phát-xít đã bị chôn dưới mồ đến thế? Sao đồng bào mình lại để chuyện thê thảm đó xảy ra ngay trên quê cha đất tổ của mình, sau gần nửa thế kỷ im tiếng súng chiến tranh? Mẹ con, dì con mất nghề buôn bán cá từ dạo đó, và ngay ở làng mình, mẹ con cùng mười người phụ nữ đã và đang tìm mọi cách làm ly hôn giả để tìm đường “cứu nước cứu nhà”- như người ta vẫn nói đùa mà như mếu dở. Bố mẹ cố tình che dấu chúng con, tạo ra những cuộc cãi vã giả vờ để “hợp pháp hóa” sự chia tay đau đớn trước lương tri của con cái. Bố đã gầm lên, đã tát con, khi con phản đối một cách khá hỗn xược. Con không đau vì cái tát, mà đau bởi con chợt hiểu ra rằng, con buộc phải đồng lõa với sự giả dối ấy của bố mẹ, và bố mẹ chắc sẽ diễn giải điều đó như sau, nếu như buộc phải diễn giải: “Tất cả là vì tương lai của chúng mày cả thôi!” Việc ra đi của con, cũng “vì tương lai gia đình cả thôi”, hy vọng sẽ giúp bố mẹ thay đổi cái ý định nhục nhã và đau xót sắp thành hiện thực kia. Và, có điều này rất hệ trọng, con cần kể ra, nhưng mẹ đừng bĩu môi cười con là kẻ mơ mộng viển vông: Năm ngoái, khi bỏ học, con được mời làm gia sư dạy thêm môn tiếng Việt cho con gái út một ông lãnh đạo huyện (con xin được giấu tên), vì được tiếng trong trường là học sinh giỏi văn (mặc dù các cô giáo dạy văn không thừa nhận). Con gặp được con trai ông ấy, một sinh viên Hàng hải năm cuối về thăm nhà. Anh rất quý con, và thán phục khả năng cảm thụ văn học, kiến thức văn học của con mà anh bảo hơn đứt nhiều sinh viên văn khoa mà anh quen biết. Bố anh ấy đang chuẩn bị cho anh ấy đi du học nước ngoài, và lo mua nhà, cả Thẻ xanh cho anh để khi học xong sẽ ở lại định cư luôn. Nhưng anh mấy lần tâm sự với con: anh từ lâu đã ngao ngán thất vọng về lối sống trục lợi, vơ vét của công, bóc lột người dân nghèo một cách tinh vi của bố mình… Khi con thổ lộ ý định di cư, anh kịch liệt phản đối. Song vì con khăng khăng ý định, nên cuối cùng anh đành chiều lòng con, với điều kiện: anh sẽ đi cùng con, bởi anh đã trót yêu con mất rồi. Đến lượt con phản đối dữ dội, nhưng trước sự chân tình của anh, con cũng chấp thuận. Anh đã lấy trộm một khoản tiền, vàng của bố mẹ - mà theo anh ấy là “của phi nghĩa, phi pháp” để lo việc cho cả hai chúng con ra đi trót lọt, như kiểu các nghĩa hiệp xưa lấy của nhà giàu chia cho người nghèo ý! (Anh cũng yêu thích tiểu thuyết của Walter Scott, còn hơn con kia). Chúng con cùng bày ra kế hoạch, khi sang được bên ấy, hai đứa sẽ làm việc kiếm sống cật lực để có tiền, rồi quyết thi vào được một trường đại học danh tiếng: con học ngành hóa- sinh, anh học nghề đóng tàu biển, để sau này trở về - trước mắt cứu biển quê mình và giúp biển vươn xa…

Bố mẹ đừng vội tin hết những lời đồn đại về chuyện những người di cư, nào là gian nguy, nào là lừa đảo, nào là nô lệ tình dục, “nô lệ hiện đại”, nào là chết đông cứng trong công-ten-nơ, chết bị hãm hiếp rồi quăng xác xuống biển, v.v. Chúng con biết rất rõ những chuyện đó, song, như mẹ vẫn nói: “ở hiền gặp lành”, hơn nữa, chúng con là những thanh niên mang hoài bão tốt đẹp cho cộng đồng nên chắc chắn được sao May Mắn chiếu mệnh; ở nơi ấy, xã hội văn minh lâu đời, người ta đã bỏ qua rất lâu cái thời coi con người là nô lệ, là súc vật, họ biết trọng người ham học hỏi và yêu quý tri thức khoa học; bố mẹ hãy yên tâm. Khi tới nơi, con sẽ báo tin ngay cho bố mẹ. Mong bố mẹ hạnh phúc như xưa, và thật khỏe mạnh để nuôi dạy hai đứa em đáng yêu của con…

Con gái của bố mẹ.”

Tôi hạ bức thư xuống và bất giác nhìn lên tấm ảnh viền băng đen. Trong giây lát, tôi cảm thấy người thiếu nữ xấu số kia có nụ cười sao giống của cô gái nhỏ Anne Frank ở bức ảnh bìa cuốn sách mới tái bản, mà nếu em còn sống, nhất định tôi sẽ mua tặng em cuốn sách in rất đẹp đó - cuốn sách mà em từng mơ ước khi rơi nước mắt trên những trang giấy đen của một thời xuất bản nội địa… Tôi đang lựa lời an ủi chủ nhà, định thốt lên: “Anh chị nên tự hào về cháu”, thì bỗng có tiếng xe ô tô du lịch đời mới đỗ xịch ngoài cổng. Hai đứa bé, gái 13 tuổi, trai 9 tuổi chạy ào vào. “Bố mẹ ơi, có khách ạ!” Rồi chúng lại chạy ùa ra như cơn gió. Một người đàn ông bệ vệ, chậm chạp bước vào. Cặp mắt ngầu đỏ vì đã khóc nhiều khiến cái ngấn cổ nung núc những mỡ của ông dường như cũng đỡ chối hơn, cả khi người ta nhìn thẳng lẫn nhìn nghiêng. Chẳng nói chẳng rằng, ông ta chủ động bước tới anh giáo khổ gầy gò, ôm chầm lấy anh mà khóc nức lên một cách tội nghiệp. Không cần chủ nhà giới thiệu, mười phần tôi cũng đoán ra tới chín phần ông ta là ai. Nhìn cung cách đau khổ và hạ mình chân thành của ông ta, tôi chợt nảy ý nghĩ: “Biết đâu cái chết của hai đứa trẻ sẽ giúp con người này tỉnh ngộ ra được điều gì có ý nghĩa?” Rồi tôi chợt tự cười riễu về niềm tin ngây thơ của bản thân mình. Nhưng, nếu như không có những niềm tin ngây thơ được chứng thực và tỏa rạng bởi niềm tin của cô bé thiên thần trên tấm ảnh thờ kia làm bệ đỡ cho bao nỗi thất vọng bầm dập, đất nước đáng thương này sẽ còn chìm đắm trong bùn đen nhơ nhớp đến bao giờ?  

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Hà Nội, cuối tháng 10-2019                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65886)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 54398)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63544)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 60254)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70374)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93648)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 91092)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94967)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 93593)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 98991)
Phần II II. NHỮNG THẾ LỰC CHI PHỐI BÊN NGOÀI: Chính sách hòa hoãn Mỹ-Nga, cộng với sự va chạm cá nhân với các viên chức Mỹ, cũng khiến họ Ngô tìm cách nới rộng hơn sự kềm tỏa của Mỹ. Phong trào chính trị đang lên trong thời điểm này là phi-liên-kết, và trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga, do Pháp và India đi hàng đầu. Ngoài ra, Trung Cộng thường tuyên bố theo đuổi chính sách “sống chung hòa bình” [peaceful co-existence], trong khi Mao đưa ra “thuyết” Thế Giới Thứ Ba, tức thế giới của các nước nghèo và cách mạng giải phóng khỏi ảnh hưởng các cường quốc.