- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HOA GẠO THÁNG BA

31 Tháng Mười 20199:08 CH(Xem: 16838)
 
HoaGaoThangBa-photo Internet2
Hoa Gạo Tháng Ba - ảnh Internet

 

Năm được thả từ Côn Lôn về, tú Tràng tròn hai mươi tư tuổi.

Ấy là năm ba mươi bảy thế kỷ trước. Người Làng Ngọc nghe nói là Mặt trận Bình dân bên Pháp quốc nắm quyền, ép thả, chứ tú Tràng án chung thân khổ sai, những tưởng là không còn đem được nắm xương tàn về quê cha.

Hôm lính trên phủ cùng với chánh tổng Dương Hữu Cầu, mang tú Tràng về nhà ông lang Vương Văn Khiết trả người, mẹ Tràng là bà lang Khiết hoa mắt, cứ tưởng là quan trên nhầm người. Bốn năm đi tù ngoài Côn Đảo đã biến tú Tràng từ một anh học trò xanh mướt, thành ra một người đàn ông rắn rỏi, vạm vỡ, phong trần.

 Nghe tin Tràng được thả về, an trí tại làng, anh em, họ hàng, bạn bè nhiều người đến thăm. Bạn tâm giao trong làng của ông lang Vương Văn Khiết là ông đồ Nguyễn Thế Du cũng sang hỏi thăm. Nhà ông đồ Du gần ngay nhà ông lang Khiết, chỉ cách có cái ao nhỏ với dẫy tre gai trồng trên bờ.

 Cùng được quan Tây thả đợt ấy có cả hai tay khác, cùng lĩnh án với nhau trong vụ giết bà Hàn Xuân là Dương Ngọc Hoành và Cao Đình Lộc. Chánh tổng Cầu, đứng ngoài sân, nện ba toong cộp cộp xuống gạch, gọi:

 - Ông bà lang Khiết đâu rồi, ra mà nhận con rồi liệu dạy bảo nhau, đừng để nhà nước phải bận lòng nữa nhé.

 - Này ông chánh, tôi thân nam nhi, đầu đội trời chân đạp đất, dám làm thì dám chịu, không can hệ gì đến bố mẹ tôi. Ông để cho các cụ ấy yên.

 Tú Tràng vừa cất giọng sang sảng chặn lời chánh tổng Cầu, vừa mở mắt trừng trừng nhìn thẳng vào mặt đám sai nha đi theo.

Thấy ngại, Cầu vẫy tay chân về thẳng. Ông lang Khiết thở dài: “Thằng này đi đập đá ngoài Côn Lôn mấy năm nhưng cái tính ương thì chả bớt đi được tí nào”.

 Tràng nổi tiếng là thông minh và ương bướng từ bé.

Nhà ông lang Khiết thuộc diện khá giả trong làng. Ông có nghề bốc thuốc gia truyền nổi tiếng trong vùng, nên có của ăn của để. Năm Tràng tốt nghiệp thành chung rồi thi đỗ vào trường Bưởi, ông cho mổ hẳn con bò, ăn khao mấy ngày. Nhưng học ngoài Hà Nội vài năm, sắp thi tú tài thì Tràng lại dính vào vụ biểu tình bãi khóa gì đấy, bị đuổi học, phải về làng. Cả mấy tổng quanh vùng mới có một người học ở trường Bưởi, nên dân quê rất kính trọng, vẫn gọi Tràng là cậu tú, mặc dù chưa thi đỗ. Tràng bị đuổi học, ở nhà làm thuốc với bố, định tự đọc sách rồi ra thi. Thì một hôm, cậu tú Ngô, người bên phủ Từ, là đàn anh của Tràng tại trường Bưởi đến chơi, ở lại mấy ngày. Không hiểu cậu Tú Ngô nói với Tràng những gì, mà Tràng rủ Hoành, Lộc, cũng là hai tay thư sinh mặt trắng trong làng, lập ngay hội kín. Sau lại rủ thêm cả tá điền Hán, một tay chuyên đi ăn chực ở làng, tham gia. Chả là, hôm tiễn cậu tú Ngô về bên phủ Từ, ông lang Khiết vốn cũng nghe tiếng tăm dòng họ Ngô bên ấy gia thế lừng lẫy, nay lại gặp người sáng láng lưu loát, ông lang thấy mến, bèn sai làm mâm rượu cho con tiễn bạn. Hán lượn lờ ngoài cổng, biết có chén, bèn tót vào ngồi ám đến trưa, Tràng đành phải bảo xuống ngồi uống rượu cho vui. Người làng Ngọc vốn có tính hiếu khách, người nhỡ độ đường còn được thết đãi, đằng này là người làng. Nhưng sau vài tuần rượu thì cậu tú Ngô lại thấy Hán hay hay, nói thầm vào tai tú Tràng điều gì đấy. Thế là sau bữa đó, Hán vào hội kín với bọn Tràng, Hoành, Lộc.

 Vụ bắt bà Hàn Xuân, tú Tràng chỉ định khuếch trương thanh thế và kiếm ít tiền cho hội. Nhưng Hán manh động để xảy ra án mạng nên mật thám Pháp về điều tra, tóm gọn cả. Hán là người gây ra cái chết của bà Hàn Xuân nên bị án tử hình. Ba tay đồng đảng lĩnh chung thân khổ sai, đi đày ngoài Côn Đảo. Hôm bắn Hán, dân quanh vùng kéo đến xem đông nghịt, đứng đen hết bờ đê, cánh bãi. Là vì quan Pháp mang Hán về bãi sông, trói dưới gốc cây gạo cổ thụ trên bến nước, chỗ kè đá. Bắn. Để thị uy dân chúng. Người đi xem về kể, lúc bị lôi từ xe tù ra trói vào cái cọc tre, người Hán mềm nhũn như bún, lính lệ phải lấy dây thừng buộc cả hai chân vào cọc mới đứng được. Sáu tay súng trường thuộc đội Tây rạch mặt, đen sì, răng trắng nhởn, nổ một loạt. Đạn xuyên qua người như qua bùn, cắm phầm phập vào thân cây gạo cổ thụ. Lúc ấy đang mùa hè, lá xanh um, cái tán cây khổng lồ chỉ khẽ rung rinh rồi lại lặng tờ như không, mặc kệ biển người xung quanh nhốn nháo.

 

***

 
Cây gạo cổ thụ ở trên bến nước cạnh kè đá không biết có từ bao giờ.

 Người thì bảo là do cụ tiên chỉ làng này trồng từ thủa mới lập cư, theo lời quốc tổ dặn con cháu dân Việt là đi đến đâu thì phải trồng cây gạo đến đấy để biết dòng giống mà nhận nhau. Mấy ông có vẻ hiểu chuyện ở trong làng lại nói, cây này mới có mấy trăm năm, chứ làng này lập từ mấy nghìn năm rồi. Mấy ông ấy kể, xưa, cái vụ cô Miên, con gái ông trưởng bạ Toản, chết đuối trên sông Đuống, nhà thuê câu rà mãi mới vớt được xác lên thì đã khuya. Lúc đưa cô ấy từ bến nước lên đến bờ sông, tự dưng mưa gió nổi lên ầm ầm, sấm chớp đinh tai, mà lúc ấy đang mùa đông. Mọi người sợ quá, chạy tán loạn. Đến lúc tạnh mưa ra, thì thấy xác cô ấy đã bị mối đùn phủ kín. Làng thấy là sự lạ, liền đắp điếm cho ngay tại đấy. Vì chỗ ấy ngay đường xuống sông gánh nước tưới rau màu, nên nhiều người đi qua làm phúc, nhặt hòn đất đắp thêm vào cho mộ người chết trẻ, thành cái gò cao. Ít lâu, từ cái gò ấy mọc lên cây gạo con, lâu năm thành cổ thụ như bây giờ. Nhưng mấy tay vô sừng vô sẹo trong làng lại bảo, nguyên ngày xưa, bãi sông chỗ bến nước bây giờ rất rậm rạp, dày đặc tre xoan. Lần lần, người đông lên, thiếu gỗ dựng nhà, tre xoan ở bãi ấy bị ngả hết. Cái giống gạo vô tích sự, làm củi thì khói, làm gỗ thì mục nên chả ai động đến, thành cây cao bóng cả như bây giờ… Dân Làng Ngọc vốn hay bịa chuyện, nên nhiều lúc nghe họ nói, không biết đâu mà lần. Có điều, cây gạo ấy vẫn sừng sững trên bến nước, dân làng đi làm đồng bãi mùa nắng vẫn hay vào ngồi mát. Phần gốc của cây gạo cổ thụ rất to, phải cỡ mấy người ôm mới xuể. Xung quanh thân gốc, lồi ra rất nhiều mấu to tướng xù xì. Bọn trẻ con trong làng còn hay rủ nhau vào chơi trốn tìm đuổi bắt loanh quanh những chỗ hõm thân cây lồi lõm. Mỗi dịp tháng ba, cây gạo vẫn nở bùng một cây hoa đỏ rực. Người làng đi từ xa, nhìn thấy, nôn nao, chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà.

 Nhà ông đồ Du có khoảnh ruộng màu độ dăm sào ở ngay gần với cái gò gốc cây gạo. Đất bãi sông Đuống, năm nào cũng được tưới một đợt nước phù sa mát mẻ, nên trồng cây gì cũng tốt. “Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà. Tháng ba cày vỡ ruộng ra, hoa gạo rụng xuống là ta gieo vừng”… Hôm tú Tràng được thả về, cô bé My, con gái út ông đồ Du đang đập đất bên bãi. Vừa đập, cô vừa nhặt những bông hoa gạo đỏ tươi, mới rụng từ trên cây xuống, xâu thành một chuỗi chơi. Nghe trong làng ồn ào, My bỏ vồ đập đất, đeo cái vòng hoa gạo đỏ chói ở cổ chạy về chỗ xóm Nội nhà mình. My sang nhà ông lang Khiết hàng xóm, xem anh tú Tràng đi tù mãi xứ Côn Lôn, mới về. Năm ấy My mới mười lăm tuổi. Tú Tràng nhìn thấy một cô bé xinh xinh, cổ đeo một vòng hoa gạo, cứ lấp ló ở cửa nhìn mình thì lạ, hỏi em trai xem là con nhà nào.

Giang là em trai Tràng, kém hai tuổi.

Giang đang theo học luật ở Đại học Đông Dương, ngoài Hà Nội. Hôm Tràng được thả, đang ở nhà. Cũng giống anh, Giang học rất giỏi, đi chơi trong làng vẫn kè kè quyển sách trong tay. Nhưng tính tình Giang thì khác hẳn ông anh, mềm mại, khoan hòa. Người làng vẫn bảo, nhà ông lang Khiết được hai anh con trai, anh nào cũng đẹp giai, cũng giỏi nhưng mà tính tình khác nhau như nước với lửa. Nghe em trai nói đấy là con ông đồ Du, Tràng bèn gọi: “My, vào đây anh xem lớn thế nào rồi”.

 My bẽn lẽn bước vào. Cổ cô bé vẫn quàng vòng hoa gạo đỏ rực, ánh đỏ từ những bông hoa làm khuôn mặt, làn môi thiếu nữ mới lớn thắm lạ. Tú Tràng sửng sốt, không ngờ chỉ mấy năm không gặp, cái cô bé hàng xóm gầy nhẳng đã trở thành một thiếu nữ mơn mởn. Hồi còn ở nhà, Tràng thường dạy chữ quốc ngữ cho cô bé. Là vì bố cô, ông đồ Du dạy chữ nho trong làng, nhưng chữ nho giờ không có người học, ông chán, suốt ngày chỉ rong chơi rượu chè, tổ tôm. My là con út của ông, thường theo ông sang uống trà với ông lang Khiết. My thấy Tràng ngồi đọc sách thì thường hay lân la lại xem. Thấy cô bé sáng sủa mà không biết chữ nào, Tràng bèn dạy cho My chữ quốc ngữ. My thích lắm, cô bé cũng muốn tự mình đọc những câu chuyện trong sách mà Tràng thỉnh thoảng đọc cho nghe. Mới được vài tháng, My đang tập ghép vần thì Tràng bị Tây bắt đày đi biệt xứ.

 Ở nhà, Giang em trai Tràng đang học ở Hà Nội dạy tiếp chữ cho My vào những dịp về nghỉ tại làng. Giang rất chăm dạy. Nhiều khi, Giang đi xe khách thứ bảy từ Hà Nội về để mang sách cho My, rồi chiều chủ nhật lại bắt xe ra.

 Giang còn dạy cho My cả tiếng Pháp. Cô bé thông minh sáng dạ, chỉ vài năm đã đọc thông viết thạo cả quốc ngữ và Pháp ngữ. Cách Giang dạy chữ Pháp cho cô bé rất lạ. Giang mang cuốn tiểu thuyết “Madame Bovary” đọc cho My nghe từng đoạn bằng tiếng Pháp, rồi lại dịch luôn ra tiếng Việt. My được nghe đọc đi đọc lại nhiều lần, rồi thuộc. Nhưng My luôn bắt Giang phải đọc lại cuốn sách ấy cho nghe mỗi khi có dịp, không chán. My mơ thấy mình được như nhân vật nữ đa tình, chạy băng băng trên cánh đồng buổi sớm mai, đến với tình lang.

 

***


Tú Tràng bị nhà nước bảo hộ an trí tại làng.

Dịp này Giang cũng đang được nghỉ học nên ở nhà. Hai anh em trai rủ nhau ra kè đá bên bờ sông Đuống ngồi câu cá. Mùa này sông nhiều cá nheo, cá ngạnh.

 Tháng ba, đã bắt đầu những cơn mưa đầu mùa, dòng sông đã vẩn vẩn màu nước vo gạo. Lũ cá nheo, cá ngạnh vừa qua một mùa đông lạnh lẽo, khan hiếm thức ăn, ẩn nấp trong hang, giờ ngoi ra kiếm mồi. Nhưng Tràng và Giang, không chỉ định câu cá. Hai anh em họ có những câu chuyện cần nói riêng, không muốn cho bố mẹ biết.

 Ông bà lang Khiết có bốn người con, hai cô lớn đã yên bề gia thất. Hai con trai sau, nhà dư giả nên cho ăn học đủ đầy. Nhưng ông lang Khiết vẫn hay phải thở dài mà than với ông bạn cố tri là ông đồ Du rằng cho hai thằng con đi học trường Tây, tốn cơ man nào là tiền của. Những tưởng sau này đỗ đạt ra làm ông phủ, ông huyện cho bố mẹ mát mặt, đằng này, phủ huyện đâu chả thấy, chỉ toàn thấy suốt ngày thầm thì hội kín, hội hở… Biết thế này, ông chả cho chúng học lắm làm gì, mười sáu tuổi cưới béng cho mỗi thằng một cô vợ thì yên chuyện.

 -  Mấy năm ngoài Côn Đảo, anh có vất vả không mà em lại thấy anh khỏe hơn hồi ở nhà? Giang vừa mắc mồi câu, vừa mở lời trước.

 -  À, khổ sai chung thân ở cái hòn đảo được mệnh danh địa ngục trần gian ấy thì không chết mất xác là may. Anh cũng không hiểu tại sao mình có thể sống sót và khỏe mạnh thế này mà trở về. Có lẽ do tuổi trẻ.

 -  Nơi ấy cụ Phan Chu Trinh cũng từng đập đá. Anh có biết bài thơ cụ làm?

 -  Có, “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/ Lừng lẫy làm cho nở núi non… Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi kể việc con con”. Anh hùng, hào sảng, khí phách ngất trời. Anh không hiểu cụ Phan chí khí như vậy mà lại theo đuổi đường lối đấu tranh bất bạo động, xin Tây nó giao quyền tự chủ cho dân mình là thế nào.

 -  Thế theo anh phải làm thế nào để giành quyền độc lập?

 -  Cần phải sử dụng sức mạnh của quần chúng cần lao. Những kẻ khốn cùng, một khi đã được giác ngộ, đã được chỉ cho thấy lợi quyền tất yếu trong cuộc tranh đấu này, sẽ đứng lên, kết thành một khối có sức mạnh vô biên, sẽ đập tan mọi xiềng xích. Ở ngoài đó, anh đã được gặp nhiều tay mác xít cứng cựa. Chủ thuyết rất hay. Chính quyền mọc ra trên đầu súng.

 -  Anh ạ, em thấy không phải thế, em thấy cụ Phan có lý. Em cho rằng nâng cao dân trí trước hết là một điều đúng đắn. Khi dân trí cao rồi, chúng ta có thể kêu gọi mọi người dân trong xứ lên tiếng đòi dân sinh, dân chủ. Không có lý gì một nước khai sinh ra những điều tốt đẹp: tự do, bình đẳng, bác ái, lại bỏ qua quyền lợi chính đáng của một dân tộc xứng đáng được hưởng.

 -  Này, anh thấy chú không phải là theo cụ Phan, mà chú hình như ăn phải bả của bọn thực dân rồi đấy. Chú không đứng về những người cần lao mà hình như đang ủng hộ những kẻ áp bức.

 -  Anh hiểu sai ý em. Em mong muốn xứ sở mình được tự chủ bằng con đường hòa bình, ít máu xương nhất. Nếu theo đường lối bạo lực để giành quyền của anh ngay bây giờ, đem bao nhiêu dân đen tay không tấc sắt đấu với người Pháp hơn hẳn chúng ta về mọi mặt, không phải là tự sát hay sao?

 -  Thế ý chú là chúng ta phải hạ mình van xin bọn cướp nước cho mình cái quyền tự chủ và trả lại giang sơn?

 -  Không phải vậy, nhưng anh phải hiểu một điều là, hiện thời, trình độ văn minh của phương Tây đã vượt xa phương Đông. Súng ống và tàu thuyền của họ hơn hẳn. Muốn thắng họ, ta phải bằng hoặc hơn họ… Như cụ Phan nói, dân trí nâng cao, tất dẫn đến việc khí chất của người dân nước mình sẽ khác. Mọi cái thuộc về dân sinh thực nghiệp sẽ được mở mang ra, không kém gì người Tây. Từ đó, người dân sẽ tự thấy những cái quyền căn bản của mình mà đấu tranh đòi hỏi một sự công bình với người Pháp.

 - Chú nói như một tên Việt gian bán nước chính hiệu. Chú kêu gọi dân ta khoanh tay, ngồi yên làm nô lệ.

 - Theo như anh, thì sẽ có hàng triệu con người làm mồi cho thú dữ.

 - Chú là một tên hèn nhát. Có lẽ chú đã bị nhiễm cái chất thực dân quá nặng. Loại như chú có lẽ nên quẳng xuống sông cho sạch đất. Tú Tràng đỏ mắt lên, quát vào tận mặt Giang.

 - Anh mới chính là người nên nhảy xuống sông vì những tội lỗi của mình. Giang cũng cao giọng nói lại. Một người đàn bà chân yếu tay mềm, nhân hậu, làm bao nhiêu việc tốt cho dân lành như bà Hàn Xuân, mà các anh nỡ xuống tay hạ sát.

Tràng buông cần câu, sấn đến thộp ngực em trai, lắc mạnh:

- Chú sỉ nhục anh còn hơn cả bọn thực dân phong kiến.  

Giang cũng vùng đứng dậy, túm tay Tràng giằng ra khỏi người mình. Hai anh em co kéo, vật lộn nhau trên bờ kè, rồi cả hai lăn ùm xuống sông.

 Cô bé My ở đâu chạy ra hét thất thanh:

 - Các anh làm cái gì mà thế, có lên không em chạy về gọi bác ra cho các anh một trận bây giờ.

 My gào thế nhưng hai thằng trai vẫn không buông tay, ra sức dìm nhau dưới sông. My nhảy xuống túm tóc cả hai lôi vào. Tràng và Giang sượng sùng buông nhau ra thở dốc.

 

***

 
Sáng hôm ấy My cũng đi làm ở bãi sông.

 Nhìn hai anh em ngồi câu, My đã định ra chơi cùng, nhưng My lại thấy ngại ngần rồi thôi. Ngày My còn bé, Tràng là người đầu tiên khai tâm cho My về chữ quốc ngữ. Mỗi khi My ghép được một từ, Tràng hay xoa đầu khen My giỏi. Hôm Tràng bị quan Tây bắt giải đi, My chạy sang nhà ông lang Khiết, khóc nức nở: “Anh Tràng đi tù thì ai dạy chữ cho cháu”. Lúc ấy Giang cũng có nhà, Giang dỗ: “Nín đi, anh sẽ dạy”. Thế nên My thân với cả hai anh em.

 Khi nhìn thấy hai anh em họ cãi nhau rồi dìm nhau dưới sông, My chả biết bênh ai. Cô bé nhảy ào xuống nước túm tóc, lôi hai cái đầu ương bướng vào bờ. Hai tay trai vẫn còn tức nhau, nhưng có vẻ ngượng trước cô gái nhỏ nguyên là học trò của mình, đành buông nhau ra, gạt tay cô bé khỏi đầu mình, vuốt nước mặt, định leo lên bờ… Bỗng cả hai cùng như chết sững. Cô bé My, đã leo lên bờ sông trước, cô chìa hai tay, gọi: “Đưa tay đây em kéo lên”. Nhưng cô không biết rằng lúc xen vào giữa hai người vật lộn dưới sông, cái yếm sồi của cô đã vô tình bị giằng đứt, trôi đi mất. Trên người chỉ còn một chiếc áo cánh bằng vải the mỏng, tuột khuy, ướt nước dán chặt vào thân hình. Bộ ngực cô thiếu nữ mười lăm làng Ngọc lồ lộ trước con mắt của hai gã trai, tinh khôi, vun đầy, hai cái núm hồng hồng nhỏ tí xíu mơ hồ ở giữa. Nhìn thấy ánh mắt lạ lẫm của cả hai, bất giác My chợt nhìn xuống ngực mình, cô bé hét lên một tiếng rồi ôm ngực, cuống quýt bỏ chạy.

 Sau hôm ấy, Tràng và Giang không bao giờ nói chuyện với nhau nữa, dù vẫn ở chung một nhà.

 Vài hôm sau, Giang trở ra Hà Nội. Học. Thi đỗ cử nhân Luật. Giang là cử nhân tân học đầu tiên của cả vùng nên dân làng rất kính trọng gọi là cử Giang.

 Tú Tràng ở nhà an trí nhưng được nhà nước bảo hộ cho làm hương sư. Tú Tràng âm thầm bắt liên lạc với các đồng chí cũ trong hội kín để làm cách mạng. Dân làng, hương lý, chánh tổng Cầu biết cả, nhưng cũng không ai báo gì với quan Tây.

 Nhưng cả làng, ai cũng thấy lạ, nhà ông lang Khiết có hai thằng con trai, học hành đỗ đạt cả, tuổi đã ngoài hai mươi, nhưng tuyệt nhiên không thấy nói gì đến chuyện vợ con.

 Bên nhà ông đồ Du, cô My là gái út cũng vậy. Cô đã qua tuổi cập kê từ lâu. Cô là người có nhan sắc nhất làng, vậy mà đám nào ướm hỏi cô cũng từ chối. Bố cô vốn chiều con gái, lại là người phóng khoáng cởi mở nên bảo kệ nó, bao giờ thấy hợp ai thì sẽ để cho lấy người ấy.

 Hàng ngày cô My vẫn đi làm bên bãi sông.

Thỉnh thoảng cô vẫn qua bên nhà ông lang Khiết chơi, thân thiết như con cái trong nhà.

Mùa hoa, cô vẫn gieo vừng ở chân ruộng gốc gạo. Cô nhặt những bông hoa gạo rụng xuống, xâu thành những vòng hoa đỏ rất đẹp, mang về treo ở hiên nhà.

Giang từ Hà Nội về làng để gia đình tổ chức khao, cử nhân tân học đầu tiên của vùng, dịp ấy đã sang hè. Quả gạo chín nở bung ra bao nhiêu là bông trắng xóa. My đi nhặt khắp cánh bãi ven sông về làm thành một cái gối vỏ lụa màu thiên thanh đưa cho Giang mang đi Hà Nội.

Tràng nhìn thấy. Lúc Giang đi rồi, liền gọi My bảo, em có còn coi anh là gì nữa không. My cười nhìn Tràng, một nụ cười như pha lẫn cả buồn vui, hạnh phúc, đau khổ. My chỉ tay cho Tràng nhìn thấy, trên đầu giường nằm của Tràng ở gian nhà ngoài, một chiếc gối lụa màu tím hoa cà mới tinh đã đặt trên đó tự bao giờ.

 Ông lang Khiết và ông đồ Du là chỗ thâm tình, hai ông cũng mong trở thành thông gia. Nhiều lúc, My sang chơi, ông bà lang Khiết đã bảo, thôi con My cứ chọn lấy một thằng nhà bác rồi về ở bên này. My chỉ cười trừ.

Tú Tràng mải đi hội kín khắp vùng, nhưng Tràng đã mê My kể từ cái hôm ngoài bến sông, chỗ kè đá. Tràng vẫn một lòng một dạ theo lý tưởng giúp dân cứu nước của mình. Cơ mà đêm về, Tràng hay mơ thấy bộ ngực của My, Tràng mơ đến một ngày thành công, sẽ cưới My về làm vợ. Đã nhiều lần, trong những lúc nhà vắng người, Tràng cầm tay My bảo, “Em không được lấy chồng vội, đợi anh làm cách mạng thành công sẽ cưới em”. Rồi Tràng ôm My trong vòng tay rắn chắc của mình, khiến My không thể cựa quậy nổi, tưởng như muốn ngạt thở.

Nhưng cử Giang cũng yêu My. Phút giây người con gái trẻ đẹp nhất làng Ngọc vô tình phô bày nét thanh xuân làm cho Giang cũng bị ám ảnh, không thể nào quên được. Nhiều hôm, Giang đi bộ từ trường ra hồ Gươm ngắm những cô thiếu nữ tân thời dạo bước ven bờ. Nhìn các cô gái ấy, Giang lại càng cồn lên nỗi nhớ My. Giang biết anh mình cũng yêu My, nhưng Giang không thể kiềm chế nổi lòng mình. Giang đã viết thư tỏ tình với My, dặn: “Em không được lấy ai, đợi anh đi học vài năm bên Pháp về, sẽ cưới và đón em ra Hà Nội”.

 Cả hai anh em đều âm thầm yêu My, nhưng dữ dội, quyết liệt, không khoan nhượng.

 Cả hai, từ hôm xung đột bên kè đá đã bằng mặt không bằng lòng, cố tìm cách tránh nhau.

 Và cả hai, người này đều biết là người kia cũng đang âm thầm yêu My. Tay nào cũng âm mưu chinh phục My bằng được.

 Cả hai đều là những tên đàn ông ghê gớm. Những mưu đồ chọc trời khuấy nước. Muốn lập danh với đời rồi sẽ đón ý trung nhân về chung hưởng vinh quang.

 Nhưng cả hai, đều rất đinh ninh là chỉ có mình xứng đáng với My, mà không ai định hỏi xem nàng lựa chọn người nào.

 Thật sự là My hết sức bối rối. Nàng đã thân thiết với hai người con trai hàng xóm từ lúc còn bé. Một người đã cầm tay nàng viết nên những nét chữ đầu tiên. Một người thì đã khai mở cho nàng một thế giới đầy những câu chuyện tình lãng mạn, hấp dẫn đến từ một đất nước xa xăm. Rồi khi nàng lớn lên, cả hai người trai ấy đều bày tỏ tình cảm với nàng, nhưng nàng không biết chọn ai. Là vì, không hiểu sao, nàng thấy yêu cả hai người. Có lúc, nàng đã nghĩ hay là mình sẽ chọn cuộc sống như quý bà Bovary, nàng cưới một người và nàng sẽ yêu một người.

 

***


 Làng Ngọc khi xưa, người ta dựng vợ gả chồng cho con cái sớm.

 Mà năm ấy, My đã hai mươi tuổi.

 Hôm cử Giang về để hôm sau đi Pháp học tiếp tiến sĩ luật, sang nhà rủ My chiều tối ra kè đá câu tôm. Tôm ăn chạng vạng, cá ăn rạng đông. Những con tôm sông to bằng ngón chân cái người lớn, tham ăn mắc câu, bị giật lên khỏi mặt nước, cuống quýt co mình giãy đạp. Đốt một đống lửa nhỏ bằng cỏ khô vơ ở bờ sông, cho những con tôm càng chắc nịch vào lùi. Lát sau, những con tôm chín đỏ, bốc lên một mùi thơm vô cùng quyến rũ. Giang và My, từ bé cả hai đều thích mê cái món tôm sông nướng. Họ dắt nhau ra bờ kè ngồi từ nửa buổi chiều. Nhưng họ buông câu mà chả buồn để ý đến lũ tôm đang thi nhau rỉa mồi dưới sông. Họ ngồi bên nhau im lặng. Không biết nói gì. Cả hai nhà dạo này đang quyết ép My cưới Tràng. Hai nhà muốn dùng My như là một cái xích chân giữ con ngựa bất kham là Tú Tràng lại. Dịp này, hội kín trong vùng lại nổi lên hoạt động nhiều, Tràng đi suốt. Đã cuối tháng ba âm lịch, cây gạo trên bến nước chỉ còn vài bông hoa lẻ loi đỏ thẫm trong bóng nhập nhoạng chiều hôm. My khẽ nói :

 - Mình về đi anh, tối rồi.

 - Ừ. Giang vừa đứng dậy, vừa cầm hai chiếc cần câu tôm là hai nhánh trúc nhỏ, ném xuống nước, nói tiếp:

 - Chắc anh chẳng bao giờ có thể về ngồi câu với em ở bến sông này nữa.

 - Sao anh lại nói thế?

 - Mai anh sang Paris học nốt tiến sĩ. Xong, nếu có thể anh sẽ ở lại đó, ổn định anh gửi vé về đón em sang. Em chờ anh nhé. Đừng cưới ai. Chúng mình cần phải đi khỏi làng này để sống với nhau.

 My không nói gì, nàng lặng lẽ quay lưng đi về phía làng. Cả hai người trai mà nàng yêu và sẵn sàng lấy một làm chồng đều không hiểu nàng. Họ đều chỉ mải theo đuổi những cái mộng lớn lao mà nàng đã được nghe rất nhiều lần mỗi khi bên họ. Những lý tưởng, quốc gia, dân tộc, thế giới, lợi quyền, giai cấp… nàng nghe như từ lỗ tai này chui qua bên kia rồi rơi xuống dòng sông Đuống hết. Khi ở bên họ, nàng thấy cồn lên trong lòng một thứ tình cảm lạ. Nàng chỉ muốn được khuôn mặt đẹp trai sáng láng đang thao thao bất tuyệt về những điều gì đó, úp vào ngực mình. Bộ ngực đẹp như tranh vẽ của cô thiếu nữ mười lăm khi xưa, nay đã là cô gái hai mươi, trưởng thành, thuần thục để đợi chờ thực hiện những thiên chức. Mỗi buổi tối, nàng cởi trần dội nước bên bể nước mưa, vuốt ve kỳ cọ bộ ngực thiếu nữ thanh tân của mình, lát sau, máu từ đâu dồn về râm ran nóng hổi trên bầu vú trinh nữ nở to, rung rinh chờ đợi. Những lúc như vậy, nàng mong sáng mai, một trong hai người trai ấy sẽ sang đón nàng về chung sống ngay lập tức. Nhưng cả hai người trai, họ vẫn cứ nói yêu nàng, nhưng vẫn cứ bắt nàng phải đợi chờ.

Chiều nay, Giang cũng nói với nàng là hãy đợi. Ngồi bên Giang trên bến sông, nhìn nghiêng qua gương mặt thanh tú đẹp đẽ của Giang, nàng đã thầm thốt lên trong lòng, Giang ơi, nếu anh yêu em đến thế, sao anh không mang em đi cùng ngay tức khắc. Nhưng Giang vẫn nói em hãy chờ anh, hãy chờ, hãy chờ. Nhưng mùa xuân thì có chờ ai đâu, cuối tháng ba là hoa gạo rụng hết. Nàng buồn bã, đứng dậy ra về. Đi qua gốc gạo, nàng cúi xuống nhặt bông hoa cuối cùng rụng nằm lẻ loi bên vệ đường. Lúc nàng ngẩng lên, Giang đã đến kịp, Giang chìa tay như muốn xin bông hoa, nhưng bất chợt, Giang cầm cổ tay My, kéo nàng chạy tuột về phía gốc cây cổ thụ. Giang xiết chặt lấy My, đẩy nàng lọt vào một cái khe thân xù xì, hôn tới tấp lên khuôn mặt nóng bừng của My. Vừa hôn Giang vừa hào hển “đợi anh… đợi anh My nhé… đừng cho ai cưới nhé”… My bỗng hức lên một tiếng như trẻ con bị đòn oan, dùng hai tay đẩy vào ngực Giang một cái rất mạnh làm Giang ngã bật ngửa ra. Vùng chạy như biến mất về phía làng, bỏ mặc Giang đang nằm ngơ ngác, ngửa mặt lên trời, nhìn cây gạo đã bắt đầu mọc ra những búp lá xanh nhờ trong ánh nhập nhoạng.

 Cách đây đúng hai tuần, đầu tháng.

 Tú Tràng cũng sang ngang ở bến sông này, đi thoát ly.

Chánh tổng Dương Hữu Cầu lên phủ về, gọi ông đồ Du, vốn là họ hàng bên ngoại, là em vợ ông, đến nhà bắn tin. Mật thám Tây biết là tú Tràng dạo này hoạt động nhiều, hội kín mọc lên khắp vùng, định sẽ bắt tống lại vào tù.

Ông đồ Du về rẽ ngay vào nhà Tràng tìm, không thấy. Hôm ấy Tràng đi khai hội bên làng Bùi Xá. Ông bèn bàn với ông lang Khiết, giả vờ sai My đi làm đồng xa, gánh theo đôi thúng trong có tư trang của Tràng đi đón sẵn ngoài cánh đồng. Chập tối, tú Tràng về đến cánh đồng gần làng, gặp My. “Tây đang rình bắt, bác bảo anh trốn đi”.

Tràng và My chạy ngang cánh bãi ven đê xuống kè đá để bơi qua bờ bên kia sông Đuống. Khi qua gốc cây gạo, Tràng lôi My vào, ôm chặt lấy, ghì đè vào cái hõm thân cây, làm My muốn tắc thở. Tràng cũng dặn My đợi Tràng đi làm cách mạng thành công rồi sẽ về cưới. My chưa kịp nói câu gì thì Tràng đã buông ra, ôm bọc quần áo lao vút xuống dòng sông đen thẫm bơi qua bờ bên kia, để mặc My đứng một mình như trời trồng bên gốc gạo. Lúc ấy, hoa đương nở rộ, cả cây gạo cổ thụ rực lên một màu đỏ gắt, dường như thắp sáng cả bầu trời đêm tháng ba.

 

***

 
My thích cả hai người con trai ấy từ lúc nàng còn bé xíu.

 Nhà nàng bố mẹ sinh con một bề, không có anh trai nên nàng hay sang chơi với các anh con ông lang Khiết. Nàng đến tuổi lấy chồng, bố mẹ cũng giục giã nhiều. Nhưng thật sự là nàng không biết chọn ai giữa hai người trai nổi tiếng giỏi giang của làng Ngọc. Mẹ nàng thấy con gái cứ lửng lơ con cá vàng như vậy, sốt ruột bảo, mày thích thằng nào thì nói một tiếng để tao bắn tin cho nhà người ta mang trầu cau đến cưới béng. Mẹ nói nhiều quá, nàng bèn đùa, bảo mẹ, nhưng mà con thích cả hai thì làm thế nào.

Nhưng đúng là My cũng không biết mình thích anh nào hơn để cưới.

Anh nào cũng quý và chiều chuộng nàng từ bé.

Cái hôm My nhảy xuống nước vừa gào vừa túm tóc hai anh lôi ra. Lúc My lên bờ trước rồi quay lại giục hai anh về. Thấy nét mặt hai tay trai đang hậm hực khi nãy giờ bỗng như đơ ra ngây dại, nhìn như đặt vào ngực mình, thì nàng mới nhìn xuống…

Sau hôm ấy, dù là anh em ruột thịt nhưng hầu như họ chẳng thèm nói chuyện với nhau nữa. Họ chỉ nói chuyện với My.

My hoàn toàn không hiểu.

Tràng thì nói với My là đấy là lý tưởng, là đấu tranh.

Giang thì lại bảo nàng, không thể đem lại cho con người hạnh phúc bằng bạo lực vì bạo lực chỉ sinh ra bạo lực và thù hận truyền kiếp mà thôi.

Cả hai đều ngấm ngầm chinh phục nàng, đều bảo là sắc đẹp như thiên thần của nàng là để dành cho họ.

Nhưng cả hai tay ấy đều đam mê cái họ nói với nàng: sự nghiệp. My không hiểu cái thứ gọi là sự nghiệp của đấng nam nhi ấy nó to lớn quan trọng như thế nào để đến bất chấp cả tình ruột thịt, định nhảy vào giết nhau. Nhưng cũng ánh mắt của những kẻ vừa rực lửa điên cuồng ấy, lúc nhìn vào bộ ngực non tơ của nàng, lại như có một ngọn lửa ấm áp mơn trớn trên da thịt thiếu nữ, làm cho nàng đêm về xôn xao.

 Thế rồi, chỉ trong cái mùa hoa gạo tháng ba năm ấy, nàng đã tiễn cả hai người con trai đi xa. Khi ra đi, cả hai đều ôm nàng bên gốc gạo với những cái hôn cháy bỏng. Họ đều đã dùng sức mạnh của đàn ông ép nàng vào cái gốc cây xù xì. Phần thân thể nam tính của họ cũng căng cứng, nóng rực áp sát vào cái phần nữ nơi thân thể nàng đang cong lên chờ đợi. Bộ ngực thanh tân của nàng trinh nữ hai mươi, tràn lên, ép vào lồng ngực trẻ trai của họ. My đã nhắm mắt chờ đợi, My đã nghĩ đến những hình ảnh về nàng Bovary trong cuốn truyện mà mình yêu thích nhất. My mong chờ một bàn tay nam tính, mạnh mẽ, tham lam, dắt nàng vào những khát khao ân ái.

Nhưng cả hai đều bỏ nàng lại với những đam mê nửa vời.

Xuân. Hạ. Thu. Đông.

My ở nhà cấy lúa làm màu, đợi tin của họ.

Tháng ba hàng năm, nàng vẫn vào khoảnh ruộng nhà vỡ đất gieo vừng. Nàng vẫn nhặt những bông hoa gạo đỏ thắm xâu thành những cái vòng hoa đẹp tuyệt treo ở đầu hồi nhà. Nàng mơ có một ngày, người trai nào đó trở về đầu tiên, nàng sẽ quàng những vòng hoa ấy vào cổ và sẽ cưới làm chồng ngay tức thì.

Nhưng mùa hè về, khi quả gạo bung nở bông trắng xóa đồng bãi, My không đi gom bông nữa, vì những chiếc gối nàng làm ra đã không có người mang đi. Đêm đêm, nàng chỉ biết thắp ngọn đèn dầu trong buồng đọc đi đọc lại cuốn sách yêu thích nhất của mình, về nàng Bôvary.

 

***

 Mấy năm nay giặc giã liên miên.

Những tưởng chả có ai đánh được người Tây, thế mà Pháp lại bị mấy tay Nhật vác kiếm đuổi cho chạy re kèn.

Mọi sự cứ lộn tùng mù, dân làng chả biết đâu mà lần. Có điều dân thì đói, ông chánh ông lý vẫn xênh xang. Lại theo đít ngựa Nhật kiếm ăn.

 Năm Ất Dậu, 1945. Đói to.

Một buổi tối đầu tháng ba, cánh chức dịch trong làng Ngọc họp ở nhà chánh tổng Dương Hữu Cầu, bàn việc thu thuế của dân cho Nhật. Họ đang họp, tú Tràng cùng ba đội viên cảm tử, bơi từ bên kia sông về, vào thẳng nhà chánh tổng, rút mã tấu uy hiếp, bắt chánh tổng và lý trưởng không được thu thuế của dân, phải mở kho thóc cứu đói. Lý trưởng Bạch từ chối nói, đây là việc quan trên giao, không thể khác được. Tràng nóng mắt, đưa một dao cứa ngang cổ lý trưởng Bạch, máu phun như vòi. Đám hào lý trong làng sợ xanh mắt la hét ầm ĩ, vùng chạy tán loạn. Bọn tú Tràng thấy vậy, bèn áp chế chánh tổng Dương Hữu Cầu chạy về phía bờ sông. Gần đến kè đá, Cầu nhất định không đi, vùng bỏ chạy về phía gốc gạo. Cánh Tràng thấy việc không êm bèn rút mã tấu hạ sát Cầu ngay dưới gốc gạo. Hôm ấy hoa gạo rụng nhiều, sáng hôm sau người ta ra mang xác Cầu về, thấy cả một vùng ruộng bãi xung quanh đỏ một màu máu tươi, mùi tanh bốc lên kinh hoàng.

Tháng tám năm ấy, tú Tràng về làng, cầm đầu dân chúng xuống chiếm phủ huyện. Rồi Tràng sang bên nhà My xin cưới nàng. Gặp lại sau mấy năm xa cách, mắt My đỏ hoe, hỏi Tràng một câu: “Cậu em đã làm gì nên tội mà anh nỡ chém ông ấy như chém chuối vậy?”

Tràng không nói được câu gì, lẳng lặng đi về.

Rồi Tràng vào bộ đội, thấy dân làng nói tú Tràng là chỉ huy to lắm.

Trận càn Bắc Bắc năm 1947, Tràng cầm quân đánh nhau với Pháp mấy tháng ròng khắp vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau núng thế, chỉ còn ít người thân tín, đang đêm bơi vượt sông Thương định lên Việt Bắc. Quân Pháp có chỉ điểm, biết, bèn câu moocchiê từ đồn trên đồi Điếm Tổng xuống. Tràng cùng đồng đội chết tan thây dưới dòng sông Thương. Nghe dân bên bờ nói, đến sáng hôm sau, quãng sông ấy nước vẫn đỏ lờ lờ máu cá.

 

 

***


 Chuyện tú Tràng tử trận My cũng nghe đồn.

 Nhưng giờ đây nàng không còn quan tâm tới hai anh em họ nữa. Hình như người con gái trẻ trung, tràn trề sức sống đã biến mất rồi, bây giờ nàng sống như một cái bóng trong làng. Người làng Ngọc thì đã mặc nhiên coi My là bà cô không chồng.

Mấy năm chiến tranh loạn lạc cả thế giới, cử Giang bị kẹt ở bên Pháp, chả thư từ hay nhắn nhe gì được về. Nhưng hình như sự chờ đợi vô vọng và những bể dâu mà My phải chứng kiến đã làm khô héo nàng rồi. Nàng cũng không còn mong đợi gì ở những lời hẹn của Giang nữa.

 Rồi Giang cũng về nước.

 Nhưng Giang về Sài Gòn chứ không về Hà Nội.

Mấy chục năm chiến tranh hai miền chia cắt, My cũng chả nhận được tin gì của Giang. Cô chỉ nghe người làng đồn Giang bây giờ đã là tiến sĩ luật, những bộ trưởng gì gì đấy. Là mấy ông trong làng hay hóng chuyện, nghe lỏm đài BBC nói vậy.

Chứ gia đình ông lang Khiết giấu biệt, mấy chục năm không ho he gì với ai về việc Giang đang sống ở Sài Gòn.

 Lâu rồi, cô My cũng không sang bên nhà ông lang Khiết chơi nữa.

 Đến khi nước nhà thống nhất cũng chả thấy Giang về làng. Sau này nghe nói, Giang chết ở bên Pháp, chôn ngay ở Paris. Dịp trước, mấy đứa cháu con bà chị của Giang đi du lịch có ghé vào thăm. Thấy cậu sống già nua một mình cô đơn, ngỏ ý đón về nước, nhưng Giang từ chối.

Cô My giờ đã già, nghe người làng kháo nhau vậy nhưng cô thờ ơ, coi như chả có liên quan gì đến mình.

Dân làng thấy cô sống cô đơn thui thủi một mình, thường hay lấy cô ra để làm gương răn mấy đứa gái làng có ý kén cá chọn canh, chúng mày nhìn gương cô My đấy, đẹp nhất vùng, cứ kén mãi chả được chồng rồi già, đến lúc chết vẫn còn trinh.

 Ở làng Ngọc, những người con gái vì một lý do nào đấy mà không lấy chồng, lúc chết, sẽ được thờ là bà tổ cô. Nghe nói, những bà tổ cô này rất linh thiêng, luôn theo sát con cháu đỡ đần phù hộ.

Cô My biết dân làng bàn tán những gì, nhưng cô cũng chả để ý. Bây giờ cô đã là một bà già xơ xác, gầy nhẳng quắt queo. Quanh năm suốt tháng, cô mặc những bộ quần áo đen sì. Cô cũng luôn trùm mặt bằng cái khăn đen, chỉ hở ra đôi mắt. Một đôi mắt mà nếu nhìn sâu và lâu vào tận bên trong, thì tự nhiên người đối diện sẽ bị mất cảm giác, không còn biết là đôi mắt ấy già hay trẻ, vui hay buồn. Mênh mang. Vô định.

 Hôm đầu tháng ba ta, cô My lại vác cuốc ra khoảnh ruộng bãi chân gốc gạo, đánh luống gieo vừng. Hôm ấy hoa gạo cũng rụng nhiều nhưng cô không nhặt. Đã từ lâu lắm, cô không còn thích hoa gạo. Cô ngả cán cuốc ra ngồi nghỉ một lát giữa ruộng, tán cây gạo vẫn đỏ hoa. Đôi mắt cô nhìn như vô định. Bỗng nhiên, cô chợt nhớ đến một buổi sáng cũng tháng ba, năm xưa. Cô cùng với người nhà ra gốc gạo thu nhặt xác cậu mình là chánh tổng Dương Hữu Cầu về chôn. Một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt My. Khắp cái gò cao gốc gạo, chỗ thì cánh tay, chỗ thì cẳng chân, những phần thân thể người bị lưỡi mã tấu sắc ngọt phạt ra nằm rải rác, lẫn với những bông hoa gạo vừa rụng xuống đêm qua. Tự nhiên, My có cảm giác bao nhiêu máu trong người nàng khi ấy đã bị hút hết ra, tơi tả tưới trên những cánh hoa bầm đỏ. Cũng từ hôm ấy, trái tim thiếu nữ của nàng không còn còn rung lên những nhịp đập đợi chờ, thấp thỏm, hy vọng, lo âu…

 

Trần Thanh Cảnh

5/2014

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 1509)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2158)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
06 Tháng Hai 202410:00 CH(Xem: 1451)
BÊN BỜ AO- Khuyết danh - Trần C. Trí chuyển ngữ
18 Tháng Giêng 20248:59 CH(Xem: 1894)
PHÂN ƯU / Nhận được tin buồn / Cụ Bà : PHẠM THỊ SỰ / Pháp danh Quảng Diệu Nhẫn / Sinh ngày 7 tháng 3 năm 1935 tại Mỹ Thi, Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 12 tháng 01 năm 2024 / (Nhằm ngày 2 tháng 12 năm Quý Mão) / Hưởng thượng thọ 89 tuổi.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 3160)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
04 Tháng Giêng 20249:03 CH(Xem: 2388)
CHIA BUỒN / Nhận được tin trễ / Văn Thi Sĩ / Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn / từ trần vào ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại Nam California / HƯỞNG THỌ 87 TUỔI
03 Tháng Giêng 202412:49 SA(Xem: 2890)
Tháng Giêng nắng vàng thơm ngát Đàn én bay về chao nghiêng Thầm thì…lời ca em hát Lý tơ hồng khúc giao duyên
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2437)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2559)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2194)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.