- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHẬT KÝ NHẶT ĐƯỢC

25 Tháng Bảy 20199:26 CH(Xem: 19827)
nhatkynhatduoc-photo internet
Nhật ký - photo Internet

Hai năm trước trên chuyến bay đi Bắc Mỹ từ Saigon, tôi đã nhặt được quyển nhật ký viết dở dang này. Hẳn là của một cô gái. Một cô gái đang yêu. 

Mãi đến hai năm sau, trong một nỗ lực hầu như là tuyệt vọng kiếm tìm tung tích của chủ nhân quyển nhật ký này, tôi mới đăng những trang nhật ký này lên, hy vọng cô gái chủ nhân của quyển nhật ký sẽ đọc thấy.

Và có hai khả năng xảy ra:

Hoặc cô gái ấy còn yêu và còn buồn, cô ấy sẽ tìm tôi để nhận lại quyển nhật ký.

Hoặc cô gái ấy đã hết buồn và hết yêu (hoặc là bắt đầu một tình yêu khác vui hơn), cô gái ấy đã quên những gì mình viết ra trong ngày buồn.

Quyển nhật ký sẽ vẫn ở lại với tôi.

30.04.2017

Mai tôi đi rồi.

Lần đi này vừa xa, vừa lâu lâu.

Như lẻ thường tình, một người có đi bao xa, có đi lâu bao lâu, sẽ vẫn có một người, chỉ một người đó nhớ mình, đó chính là mẹ của mình. Không có người mẹ nào mà không nhớ đứa con từ máu thịt của mình sinh ra, nhớ từ lúc núm ruột ấy được cắt rời ra khỏi bụng, cho đến khi hình hài ấy, cao lớn xinh đẹp hay lạnh lùng, lặng lẻ như vậy, rời khỏi mình mà đi trên con đường rộng lớn của riêng một người. Dù có im lặng như vậy mà rời đi khỏi mẹ, thì mẹ sẽ là người nhớ thương mình nhất, nhớ cho đến khi mẹ không còn nhớ được nữa, thì mới thôi nhớ con, phải không mẹ???

Mẹ tôi dặn:

- Mai đi sớm, check in xong con nhớ tìm chỗ ngồi mà ăn sáng, kẽo bay trễ rồi đói bụng lắm.

Mẹ làm tôi phải phì cười, tưởng tượng hình ảnh một con nhỏ chúi vào một góc sân trường, giấu giếm gói xôi đậu phộng muối mè mà ngồi nhai thỏ thẹt, lấm lét một mình.

Mẹ còn nói,

- Con hay bị bệnh sợ độ cao, đem theo mấy viên kẹo ngậm lúc máy bay cất cánh cho bớt ù tai, hoảng sợ.

Mẹ tôi còn nói, còn nói nhiều lắm, đến độ tôi phải gắt lên, con đi lần này là tám mươi lần rồi mà mẹ.

Con đã đi đến tám mươi lần rồi mà mẹ, sao mẹ vẫn lo lắng, luýnh quýnh, bồn chồn như lần đầu con đi thế. Lần đầu đó mẹ còn khỏe, mẹ còn trẻ, còn có ba chở mẹ đi tiễn con đến tận phi trường, mẹ còn xúng xính áo đẹp, miệng mỉm mỉm cười với mọi người chung quanh, như thể ngầm khoe, con gái tôi đi nước ngoài lần đầu đấy!

Ôi mẹ, mẹ của con...

Chưa lần đi xa nào tôi chuẩn bị cẩn thận kỹ lưỡng như lần này, dường như tôi e sợ mình không thể quay trở lại, đi là đi mãi luôn. Tôi cũng dặn dò mẹ sổ bảo hiểm của tôi mang tên mẹ là người thụ hưởng thứ nhất. Dặn dò mẹ chỗ tôi để giấy tờ đất, lỡ con mà không về , mẹ nhớ xây nhà của con theo ý con nhé, cửa quay về hướng Nam, lấy vợ hiền hòa, ở nhà hướng Nam mà mẹ.

Chỉ duy nhất một điều tôi buồn, gần đây tôi không còn nói chuyện nhìu với mẹ nữa.

Tôi cũng chẳng nói chuyện cùng ai.

Chỉ là tôi khám phá ra trong im lặng, tôi có thể nói chuyện với bản thân mình nhiều vô hạn.

Chỉ trong im lặng, suy nghĩ của tôi không chập chờn, không bỏ tôi mà đi. Nó ở lại, quanh quẩn, cười khúc khích kể cho tôi nghe một câu đùa tếu nào đó, không tiện nói to, hoặc nhiều khi chỉ là rào rạt vỗ cánh như một đàn chim bay qua, con chim đầu đàn làm thành một mũi nhọn xẻ mây bay về phía trước. Tôi thương suy nghĩ của mình, có những ngày nắng lên, nó bốc hơi vần vũ quanh đầu như đám mây, có ngày mưa dầm, nó mỏng manh sầm sì, ũ rũ như hơi nước gặp lạnh là đà, có chiêu buồn, nó lang thang vật vờ như gió đuổi theo lá cây Xà cừ trên đường TĐT. Có lúc ngồi trên xe bus, nó phà ra hơi thở mù mịt đọng nước trên cửa kính phản chiếu lấp lánh ánh đèn đường. Không có gì thật bằng được nói chuyện với chính suy nghĩ của mình, không gì thật hơn thế nữa, đến độ nói chuyện với bất cứ ai ngoài đám đông kia lại lạnh nhạt, trơ lì, không một tiếng vọng lại như đối thoại cùng đám búp bê ma nơ canh ngoài cửa hiệu quần áo, đẹp đẽ và thời trang, mà lạnh lẻo vô hồn, còn những tiến rầm rì liên tục của đám đông, chỉ là âm thanh lập lại của loa phóng thanh, vô sắc, và mòn rũ.

Từ dạo tôi giữ được suy nghĩ ở lại, tôi đâm ra nhạt nhẽo với đám đông và tiếng động, tôi chỉ mãi sợ, ồn ào sẽ đánh động suy nghĩ của tôi bỏ đi mất ,như nó trước kia vẫn nhạy cảm bồn chồn, và chập chờn. 

Tôi quên cả phải nói chuyện với người thân, duy nhất còn lại là mẹ tôi.

Mai con đi rồi, chắc mẹ sẽ buồn lắm. Vì chẳng còn cần đợi cơm ai mỗi chiều tàn về, chẳng còn ngồi ngắm ai ăn lấy ăn để rồi khen: con ăn chỉ nhìn là thấy ngon! Cũng chẳng còn ai nói cười thì lặng lẽ nhưng đêm ngủ thì ồn ào như con gái. Mưa nửa đêm, mẹ cũng chẳng rón rén đi đóng cửa, kéo mái hiên một mình, làm như tiếng chân của mẹ ồn ào hơn cả tiếng mưa rầm rĩ trên mái tôn kia có thể đánh thức được con dậy.

Tội cho mẹ, trước khi đi xa đến vậy, con gái cũng chẳng nói với mẹ được một lời ngọt ngào, con chỉ biết viết thế này, đến bao giờ mẹ mới biết là con thương mẹ, và mẹ biết là con cũng nhận ra, mẹ là người yêu thương con chân thành, chung thủy, duy nhất còn lại trên đời???

Con đi đây, Mẹ.

 

30.04.2017

Vừa đi vừa đọc sách

Tôi vẫn giữ thói quen đọc sách giữa chuyến đi.

Cách đây bốn năm ở Y tôi nói nếu người ta thấy một cô vừa đi vừa đọc hay ngồi cắm đầu vào cuốn sách giữa sân bay chộn rộn, đó chính là tôi!

Giờ đây sau bốn năm, điều đó vẫn là sự thật, trong phòng boarding chờ bay náo nhiệt vẫn chỉ một mình tôi đọc sách giữa rừng smartphones nhấp nháy.

Nhưng giờ thì tôi mang theo được thư viện của mình. Tôi pack trọn vẹn niềm đam mê của tôi trong 24 giờ bay, trên chuyến Boeing kềnh càng này có một thư viện gom trọn tinh hoa thế giới, điều này thật xinh đẹp, vì bịnh acrophobia đã có thuốc chữa , và giữa những đám mây bông bềnh bồng có thứ làm người ta mê mẫn và xao lãng nổi bồn chồn, có thứ làm người ta bay bổng trên cả độ cao và chìm đắm hơn không gian tan loãng và áp suất nặng nề: là từ ngữ và ý tưởng!

Không chỉ vượt qua bức tường âm thanh, những trang ngà gần như giấy cũ ngả màu ấy còn làm người ta vượt qua nỗi sầu buồn âm u tù đọng trong lồng ngực.

Vừa đi vừa đọc. 

Là vừa đi vừa quên lãng.

01.05.17

Khóc giữa sân bay

Tôi ngồi giữa phòng chờ, không ai quan tâm đến tôi cả, nước mắt trào thành dòng trên má, người ta chắc sẽ nghĩ tôi lần đầu tiên đi xa và hẳn là đang chưa đi xa đã nhớ nhà, hay đau lòng vì chia cách người thương yêu nào đó.

Không ai ngờ tôi khóc vì Đoàn Minh Phượng.

Vì cô ấy viết về tôi, tôi của nửa đêm tỉnh giấc còn một mình nhìn rõ nỗi đau của mình.

Là tôi một mình ở sân bay, lạc lõng giữa những người đưa tiễn nhau,  âu yếm nhau, chỉ có tôi và nỗi đau của tôi là đồng hành, là không rời bỏ được.

Sao mà tôi muốn đi thật xa đừng bao giờ trở lại để đừng bao giờ phải nhớ phải hối tiếc phải đau đớn như thế này nữa!

Người đã soi tôi thấy rõ nỗi khổ của mình. 

Mà làm sao để quên!

-Đoàn Minh Phượng “Tôi nghĩ, nếu nỗi khổ là một đám khói, sao mình không cuộn nó lại rồi lấy gì đó hút nó, đuổi ra ngoài, khỏi ngực, khỏi cổ họng của mình. Nhưng tôi biết nỗi khổ không phải là một đám khói, nó chỉ là một cảm giác, như những cảm giác khác. Tôi tự hỏi sẽ ra sao, nếu trời sinh chúng ta ra mà không sinh ra cảm giác đó. Đời sẽ dễ chịu bao nhiêu. Vì sao trời cho ta cảm giác này và trời ơi làm sao đuổi nó đi.

Khuya hơn, tôi ngồi thật im, để cho mọi thứ lắng xuống. Tôi chợt hiểu rằng không ai có thể đuổi nỗi khổ ra khỏi lồng ngực, nhưng người ta có thể ngừng đọng, biến lồng ngực mình thành một khoảnh trời, trống và yên lặng và mông mênh, để cho nỗi khổ loang ra trong đó chứ không nén lại. Nếu ngực tôi đủ rộng và tôi bất động, tôi sẽ có đủ không gian để dung chứa và đưa nỗi buồn khổ vào thinh không.”

-Đoàn Minh Phượng

Đọc đôi khi không những thật đẹp mà thật ấm lòng, như có giọng nói rù rì sẽ chia và cảm thông thương xót. ĐMP nói về nổi khổ của tôi đấy phải không? Chắc cô không thể tưởng được mình đang tiễn một người đi xa đơn độc lẻ lỏi bằng đoản văn này đâu nhỉ. Ai lại khóc giữa sân bay vì một câu văn như viết riêng cho mình?

05.05.17

Hoa trong mưa lạnh

Tháng Năm ở Willowdale là gạch nối ngắn giữa mùa Đông dài và mùa Xuân ngắn ngủi.

Tháng Năm nào ở Willowdale cũng mưa.

Chỉ có vài loại hoa nở trong mưa tháng Năm lạnh như đá này, Tulip, là một trong số ít hiếm hoi hoa nở trong mưa lạnh.

Thật ra mầm hoa đã ủ trong đất ẩm suốt mùa đông, như than hồng ủ trong tuyết. Và mang nguyên cái đẹp lạnh như băng, trong suốt và kiên cường vào mùa Xuân.

Em chỉ là bông hoa lạnh trong mưa lạnh, nỗi đau đớn đã đóng băng rồi, nhưng tình yêu không ngừng thương khóc.

- Hãy giữ lại lòng tự trọng cuối cùng của mình.

Bông hoa lạnh trong mưa lạnh nói.

06.05.2017

Mùa Xuân ở Willowdale ngắn khác thường. Chỉ vỏn vẹn tháng Năm.

Natalie nói. (Tôi nghĩ cô chắc hẳn là dân Đông Âu , cái tên Natalie không phổ biến ở vùng này).

- Vì sao là Willowdale? - tôi hỏi.

- Vì vùng này xưa là một thung lũng hình thành từ một con sông chảy qua, hai bên bờ sông cây Liễu rũ xanh rì, dưới gốc cây mùa xuân chen chúc dày đặc hoa Daffodil, Huệ nước và Tulip.

- Những loại cây sống qua mùa đông dài gần sáu tháng?

- Từ củ thì đúng hơn. Người ta trồng loại hoa này bắt đầu từ việc chọn củ mập mạp, ủ sâu một foot trong đất đen vào mùa thu tháng mười. Củ sẽ ngủ qua hết mùa đông, cho đến tháng ba tháng tư nhú mầm cao lên khỏi mặt đất và nụ hoa bắt đẩu hé nở dần trong mưa lạnh tháng năm và rực rỡ mãn khai trong nắng hè tháng Sáu.

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao vẻ đẹp lạnh lẻo và trong suốt như băng tuyết đó, vẻ kiên cường rắn rỏi và hờ hững đó, màu sắc rực rỡ mà câm lặng đó.

Vì nó đã một mình đi qua hểt mùa đông.

Vì nó đã giấu trong lòng một niềm hy vọng và nỗi đau đớn chịu đựng quá dài.

Và có lẻ vì tuyệt vọng quá lớn chăng?

Thứ nhan sắc lãnh đạm vả kiêu hãnh nhường đó chỉ có thể ứa ra từ vết cắt sâu hoắm của tổn thương hay ranh giới cuả cái chết và phục sinh! Hay cả hai!

Tôi đi giữa cơn mưa và hai bên vĩa hè tràn ngập những luống hoa vươn lên cứng cỏi.

Màu hoa lạnh như màu mưa.

Như thứ gì đó sâu trong tim tôi chết đi từng chút một, từng phút một.

Bao giờ cho đến tháng Năm trong lòng tôi?

08.05.17

Hôm nay là một ngày nắng ở Willowdale.

Nắng thì nắng nhưng trời không bớt lạnh.

(Như thể nắng và mặt trời và không khí lạnh không ăn nhập gì với nhau!)

Nắng thì nắng nhưng lòng tôi không thôi lạnh!

(Như thể nắng và mặt trời và lòng tôi cũng không ăn nhập gì tới nhau!)

Hôm qua là ngày quốc tế yêu thầm lặng.

(thật ra những gì viết trong ngoặc có ăn nhập với bất kỳ điều gì khác không?)

Bất ngờ tôi nghĩ tôi không thể thầm lặng như thế này mãi.

( tôi luôn có những cơn bột phát đáng sợ hãi như thế!)

Phần nhiều là do những điều chẳng bao giờ ăn nhập.

Hôm qua là do ký ức.

Ký ức luôn là phần đẹp nhất của một người.

Mặc tình người ta có bị đời quăng quật bầm dập đạp đá cho bẹp dí vùi sâu trong tăm tối hẻm hóc sâu hoắm chát chúa thầm lặng thể lương đến thế nào thì chắc chắn đào sâu chôn chặt trong lòng có một mảng trời xanh thẳm của ký ức hay chỉ là một chiếc lá xanh nõn màu diệp lục như tia sáng loé lên và thật thà (hay ma mãnh?) vây vẫy mãi, cồn cào mãi.

Ký ức tình yêu cũng gần như vậy.

Dù trải qua bao khổ đau đến lúc thần xác xanh xao hao hụt của tình yêu dạt về số không tuyệt vọng, thì ký ức vẫn làm chuyện cần mẫn của nó; xé bỏ hết những rách rưới tan tác te tua, phủ lớp sương mờ huyền ảo đậm mùi cỏ dập và lóng lánh ánh bạc của trăng khuya lên lớp da sần sùi, vuốt ve mơn trớn cho đến khi vết thương lành miệng, và rồi nâng người ta nhẹ bỗng lùi lại hơn 3000 ngày trở lại ngày thứ ba mươi mấy, trở lại buổi trưa có màu cánh hoa hồng rụng đầy trên cỏ xanh, khi người ấy nói:

- em có thương tôi không? Vì tôi thương em.

Và như thế thôi trái tim lở lói trầy sướt đầy vết cắt ngang dọc khóc oà.

- Em thương anh. Thương anh trên tất cả những cay đắng thù hận tan thương chia lìa u uất này của chúng ta! Em vẫn thương anh, vừa thương vừa đau đớn!

Dù hiện tại khác một trời với ký ức 3000 ngày!

Em vẫn thương.

09 May 2017

Ký ức hiền lương và xanh um

Tôi nghĩ vùng chứa đựng ký ức của tôi có màu xanh um.

Màu xanh hiền lương.

Hay ít nhất nó biết tự động detox, thải hết những chất độc hại những màu tối tăm những mùi u ám.

Tôi ít khi giữ lại oán hận, ký ức của tôi chỉ có yêu thương.

Cũng không có những ngày buồn, trong ký ức tôi hay cười, và anh cũng vậy, mặc dù thực tế tôi khóc lóc vật vả nhiều hơn.

Ngay cả ký ức về chia tay của tôi cũng ngọt ngào, tôi nhớ nhiều hơn những nụ hôn những khi say đắm yêu nhau, tôi không lưu lại đớn đau lừa dối.

Ký ức về quá khứ nghèo khổ cũng vậy.

Những ngày nghèo khổ của gia đình tôi chỉ còn lại có mùi xôi đậu phộng chấm muối mè và mùi sữa đậu nành nấu lá dứa nổi váng béo và tiếng sột soạt của áo quần mới đêm giao thừa.

Ký ức là để thương, để nhớ, không phải để đau.

Không ai đau mãi suốt đời. 

Nhưng nhớ và thương suốt đời thì có thể.

Trong ký ức, em vẫn thương anh nhiều như thể!

Mặc dù chúng ta...

Hôm nay là một ngày nắng buồn quá,

Khi mình đứng nhìn hoa và lá và con đường làm tình với nhau. 

Đứng nhìn hoài cho đến khi tim nhói đau.

11.05.17

Trời lạnh 10 độ C.

Tôi nghĩ mình còn sống.

Vì máu không ngừng rỉ ra.

Đã 7 ngày rồi, máu cứ ri rỉ chảy ra từ trong mũi.

Đứng sững trước gương, tôi nhìn những chấm đỏ tròn loang ra trên thành lavabo bằng sứ trắng.

Ít ra điều này chứng tỏ tôi còn sống.

Máu từ vết thương trong tim biết chảy đi đâu?

Một người khi chảy cạn máu sẽ như thế nào?

- Sẽ không còn thấy đau nữa!

Trong mưa hoa rụng hết

Ngay cả khuôn mặt người thương cũng mờ dần

Anh có biết điều làm em đau đớn nhất

Dù không có bóng hình để nhớ,

Vẫn không thể quên!

12.05.17

Ở đây, sáng nào tôi cũng dậy sớm như ở quê nhà. 

Buổi sáng của tôi bắt đầu từ 5g. Buổi sáng của mọi người từ 9g.

Nhưng ngày của tôi kết thúc sớm hơn. 21g tôi đã quấn kín trong mền và ngủ. Mọi người thường thức quá 1g sáng.

Tôi quấn kín trong cái kén của tôi, giữa tiếng chim Eagle Bắc Mỹ kêu từng hồi từ hồ nước trong công viên vọng về, tôi mơ giấc mơ nặng nề trong cái kén của mình.

Bạn đồng nghiệp nói tôi ngủ vật vả cả đêm.

Tôi không nghĩ mình vật vả.

Vì tôi chỉ thấy tôi mụ mẫm và tê liệt đi trong đêm.

Ở một nơi nào đó, ngoài ánh sáng, tôi thấy anh cười, mà tôi thì khóc! Cô gái nào tắm trong ánh sáng đểu đẹp, bộ ngực lấp lánh tráng bằng men sứ. 

Thế còn người phải chìm trong bóng đêm? Nhìn xuống bộ ngực trần của mình trũng hai hố sâu. Nước mắt tôi chảy tràn trong bóng tối của tôi.

Save Your naked body only for those who loves your naked soul.

Anh không cần linh hồn trần trụi của tôi nữa.

Tôi đã dành trọn linh hồn mình cho tình yêu này, trong bóng tối linh hồn kiêu hãnh của tôi cúi đầu run rẫy.

Anh không cần linh hồn ấy nữa.

Đó là khi tôi vật vả cả đêm.

Quyết định đó đến trong cơn đau vật vả mỗi đêm, bằng một nửa bên não tê dại.

Nên phần còn lại của con đường tôi đi là trong mụ mẫm và vật vờ như người trải qua chấn thương.

Dù thế nào cũng phải bước tiếp.

Dù thế nào cũng phải đứng dậy và đi.

Xa khỏi một nơi không ai cần mình nữa hết.

15.05.17

Yêu

Tôi chưa từng biết yêu một người có thể làm mình đau đớn đến như vậy!

Trên con đường tôi đi, trên ngọn đồi Mount Royal, trên từng nhánh cây Ash còn trơ cành sau mùa Đông Quebec, từng chiếc lá, từng giọt mưa đều làm tôi nhớ người , mỗi một mảnh nhỏ của ký ức đều cứa vào tôi và làm tôi đau. Có hàng trăm ngàn mảnh vụn lả tả của ký ức như thế trong suốt 6 giờ đồng hồ lái xe đi và thêm 6 tiếng trên đừơng về, gồm 43,200 mảnh cứa, mỗi cơn đau cách nhau 1 giây, có 43,200 cơn co giật âm thầm nhưng chấn động dẫn truyền làm toàn thân tôi run rẫy.

Tôi không cố tìm quên. 

Tôi ngồi chăm chú lắng nghe quan sát mỗi cơn đau đến rồi đi. 43200 lần như vậy!

Không hề giảm cường độ và cao độ và độ sắc bén.

Và tôi biết rằng tôi sẽ phải đau thương như thế cho tới chết.

Có phải tôi sẽ vì như vậy mà yêu cho tới chết hay không?

Có phải tình yêu này đã kết thúc bi thương như thế với mình tôi hay không?

Anh ạ, anh không bao giờ biết nữa!

Mà anh cũng không cần!

Trên con đường tươi đẹp anh chọn, anh cũng không cần biết nữa.

Đau chỉ nên một người!

16.05.2017

Mưa trên cây Tần bì

Tôi nói với bạn tôi là tôi muốn đứng dưới cây Ash trong mưa.

Mưa suốt trên đường Steele

Mưa suốt 6 tiếng đồng hồ chúng tôi lái xe về phía Bắc.

Mưa không ngừng rơi trên nhũng cánh rừng Ash- cây Tần bì- cây Phong, cây Dương.

Thi thoảng tôi lại thấy mình đứng dưới tàng lá màu xanh non đến ngã sang vàng rung rinh như hàng ngàn trái tim lóng lánh nước mưa, ngửa cổ lên cao cao mãi cho đến khi mắt chạm được vào màu trời xám đục pha sắc hồng tím. Cho đến khi trái tim tôi đau nhói lên.

Thi thoảng tôi ngừng áp một bên má vào kiếng xe, len lén giấu khăn giấy loang lỗ máu đỏ tươi rỉ ra từ mũi vào trong túi áo khoác.

Tôi không ngừng rỉ máu.

Tôi nghĩ tôi sẽ phải rỉ máu cho đến chết.

Và cho đến lúc đó, tôi nói, tôi muốn nằm dưới một cây tần bì, ngắm nhìn thân cây loang lỗ bạc như giấy trắng, đứng thẳng tắp và cô đơn với tàng lá màu xanh nõn chuối vào mùa xuân rung rinh như hàng ngàn trái tim lảo đảo trong bầu trời xám nhạt của mùa xuân.

Và cho đến khi giọt mưa xuân giá lạnh chạm vào má tôi, tôi sẽ thôi không còn thở nữa.

Và thôi không nhớ nữa!

Alexander Rybak sẽ hát bài Tôi hỏi cây Tần bì, như mọi khi anh cất tiếng hát lên, mọi thứ ngưng đọng lại;

Tôi hỏi cây Tần bì

Người yêu tôi ở đâu?

Tôi hỏi cây Tần bì...

17.05.17

Cây Dương lá rung

Tôi gọi cây Aspen là cây Dương lá rung- trembling Aspen. 

Aspen là loại cây dương đặc biệt của xứ lạnh vùng Bắc Mỹ. 

Có một đỉnh núi ở Montreal phủ trong màu lá xanh bạc của cây Aspen, người ta đặt tên đình Trembling, vào mùa xuân từ xa cả trăm dặm, người ta vẫn nhìn thấy được lá reo như hàng trăm ngìn chiếc chuông bạc lấp lánh trên đỉnh núi, càng lại gần tiếng lá reo càng trong trẻo như tiếng chuông loang đi trong gió.

Vê mùa hè, dòng xe đổ về xếp hàng ngoằn ngèo trên đỉnh Trembling chỉ để ngắm nhìn và nghe tiếng lá reo.

Nhưng tôi thích cây Aspen vào mùa chớm xuân, tàn đông hơn. Khi ấy trên cành xương lạnh khẳng khiu lú nhú những mầm lá xanh non tơ gần như màu nõn cỏ, và từ từ những chiếc lá hình trái tim bắt đầu ngã sang màu xanh lục thật nhạt cùng với cơn mưa xuân tới. Đứng dưới gốc cây đủ lâu, có thể nghe mùi bào tử lá cây dương thấm đẫm mưa xuân phả ra mùi hương mát lạnh như thể giọt mưa thành từng chuỗi thủy tinh trong vắt kia vừa chạm vào má bằng bàn tay dịu nhẹ non nớt.

Mùa xuân còn mỏng quá, ban ngày không thề nghe tiểng lá reo.

Nhưng về đêm, trong ngưng đọng của màn đêm bao la bàng bạc của Bắc Mỹ, có thể nghe tiếng lá chạm khẽ vào nhau, xuyến xao, thầm thĩ, nếu không để ý, sẽ ngỡ như tiếng rung động từ trong tim mình.

Mà khi con tim đang thắt thõm đau thương, thì tiếng lá run rẫy như đang cứa vào lòng.

Đến độ tôi chợt nghĩ trong lòng tôi có một cây dương non trong đêm đang kêu rên khe khẽ.

18.05.17

Hôm nay trời nắng đột ngột.

Mùa hè rồi cũng đến. 

Không gian thơm nồng mùi nhựa cây, gió và nắng phát tán phấn hoa bay mù mịt.

Đa phần người dân địa phương bị bệnh dị ứng với phấn hoa vào mùa xuân và mùa hè.

Đường phố làm thành bức tranh trường phái ấn tượng sắc màu rục rỡ, đến bãi cỏ cũng ngập tràn hoa cúc vàng chói lọi sau một đêm. 

Sau một vài ngày nữa thôi, hoa Peony sẽ nở khắp Bắc Mỹ.

Mùa hè đến thật rồi. 

Ngoài lá cây Dương rung rảy khắp những con đừơng tôi đi qua, lấp lánh phản chiếu ánh nắng như hàng chục ngàn mặt trời màu xanh bạc, tôi không thực sự ấn tượng với mùa hè Bắc Mỹ. Vī quê hương tôi là bầu trời mùa hè khổng lồ đục ngầu ẫm ướt và kéo dài.

Thêm nữa, ngày Hè Bắc Mỹ dài mõi mòn và tôi luôn thèm ngủ.

Thường khi tôi đã gà gật lúc mặt trời vừa xuống ngang đưỡng chân trời vào 8 giờ tối. 

Nên đêm của tôi luôn dài hơn tất cả.

Có một cây dương bên ngoài cửa sồ, đêm qua trời nóng đến nỗi ai đó mở cửa sổ suốt đêm. Mùi nhựa cây dương ùa vào trong phòng lúc nửa đêm, là khi chất cacbon hydrad hoạt động mạnh nhất, nhựa cây màu vàng trong như hồ phách ứa ra từ thân cây, tỏa mùi cay nồng ngây ngất. Tôi như loại côn trùng mụ mị đi vì mùi nhựa cây, thức dậy và ngay lập tức bị bao vây bởi mùi hương đêm hè say đắm. Nhiều con côn trùng say lử đử vì mùi hương này rồi bị hút vào hạt nhựa cây và chết tê cứng trong hạt nhựa trong vắt, làm nên giá trị của hồ phách lâu năm.

Những hạt hồ phách này ngàn năm sau sẽ còn lưu giữ linh hồn tôi trong đó!

18.05.17

Tôi chợt nghĩ, nếu được chọn nhạc nền cho cuộc tình của tôi, tôi sẽ chọn bài nhạc nào?

Chắc chắn đó là nhạc không lời.

Từ lâu tôi đã không tin vào lời nói nữa, chỉ là cái vỏ bọc hoặc tinh vi xảo quyệt hoặc thô kẹch tầm thường che đậy cảm xúc và suy nghĩ. 

Cứ để âm nhạc dẫn dắt suy nghĩ và trái tim. Có khi trôi giữa một dòng mênh mang và bi thương người ta sẽ tìm ra bến quạnh quẽ nào đó neo đậu thê lương của mình.

Và để cho cái kết của một cuộc tình không quá trơ trọi, không gì bằng một Epilogue rời rạc minh chứng cho tuyệt vọng, dưới đáy tuyệt vọng.

Một Epilogue đẹp sánh bằng khúc Prelude màu cánh hoa hồng nhạt rơi như mưa trên thãm cỏ xanh khi tôi nói "tôi thương anh" ( sao tôi không biết là prelude của tôi đã dự báo một Epilogue tan tác như cánh hoa hồng trong cơn phàm ăn của con chó con?)

Meditation de Thais hay Appasionata của Secret garden?

Hanh khô cuồng ngạo

Trời đột ngột nóng.

Hôm qua là một ngày nắng tràn trề. Nắng mãi tận vào khuya. Đến giấc ngủ cũng còn nắng.

Ở đây trời nắng hanh khô, không ẩm ướt như Saigon- quê hương tôi bao phủ trong một màn hơi nước hầm hập. Ở đây mặt trời Bắc Mỹ hút cạn đi nước từ mặt đất và trả lại một không gian hanh khô.

Trong trẻo.

Mà trống rỗng.

Ngay cả suy nghĩ cũng khô cong và cuồng ngạo.

Tôi trở nên nông nổi và cười cả ngày.

Nhưng đêm qua tôi lại khóc (khi không có mặt trời tôi trở lại ẩm ướt), nửa đêm tôi vùng dậy, người bạn bên cạnh nắm lấy tay tôi. Tôi nói:

- để tôi chặt một cái cây.

Rồi khóc tức tưỡi.

Giờ thì tôi ngồi đây. Trong bóng tối Bắc Mỹ.

Suy nghĩ trở nên cuồng ngạo trong bóng tối Bắc Mỹ.

Tôi thậm chí không còn thích TCS.

Người ta nói trái tim ông ấy mênh mông.

Ông ấy là người viết tình ca nhân hậu và dịu dàng bằng trái tim mênh mông ấy, bước hết từ cuộc tình này qua cuộc tình khác, lần nào cũng yêu thật thà say đắm như lần đầu. Lần nào cũng ngọt ngào, ngọt ngào cả trong bội bạc.

Người ta thích đọc thư tình ông viết cho DA. Những lời Ánh ơi, Ánh à thật thà và say đắm. Tôi chỉ nghĩ ông ấy viết cho chính mình cho chỉnh tình yêu cuộc sổng sôi nỗi dâng trào của tuồi trẻ, một nhan sắc , một cuộc tình không thể chứa đựng nổi trái tim bao la như thế. Chỉ cần một Ánh bất cứ Ánh nào để yêu và để viết, và để viết và để yêu. Và rồi đi qua trăm ngàn nhan sắc khác, trăm ngàn say đắm mới như lần đầu. Trái tim đàn ông , trái tim nghệ sỹ dể bội bạc vì vốn dĩ nó yếu mềm và bao la, và to lớn trùm lên nhiều cuộc đời nhiều thân phận và đi qua nhiều cuộc tình.

Tôi không có trái tim bao la mênh mông thế.

Trái tim tôi nhỏ bé ngu muội và cuồng điên.

Tôi chỉ chứa được một người, một người thôi và khư khư giữ lấy. Trái tim tôi không còn là máu thịt , nó là thân gỗ mộc, nó tứa ra nhựa sống khi yêu, càng đau thương nó càng ứa ra nhiều giọt nhựa từ những vết rạch, và mặc nắng, mặc gió, mặc thời gian, những giọt nhựa đó trơ trơ, như "giọt máu cuồng điên"ngày càng trong veo, cho đến trăm năm thì thành hổ phách. Khư khư giữ trong lòng di tích của nổi đau vặn xoẵn và thời gian vặn xoắn.

Một trái tim nhỏ bé ngu muội và cuồng điên như thế không có chổ cho nhiều người, chỉ chứa được một cho một đời và thôi rung động.

Ai cần trái tim to lớn để vĩ đại và sống mãi?

Tôi chỉ cần một trái tim nhỏ bé tầm thường, yêu một lần và chết một lần!

21.05.207

Mùa Xuân Bất hối

Mai tôi bay rồi!

Nếu phải trả lời, tôi chỉ có thể cúi đầu, nói nhỏ một câu:

- Tôi không hối hận!

Tôi không hối hận.

Không phải vì mùa xuân, vì mùa xuân thơm ngát mùi hoa cỏ, trên tất cả con đường tôi đi qua, lá màu xanh nỏn trên cành, hoa Lilac nở từng chùm trĩu nặng màu xanh ngã sang tím biếc, mưa phùn li ti bất tận. Mùa xuân đẹp đến nỗi không còn gì để hối hận.

Nếu ngày mai tôi không trở về được, cho dù một năm sau hay hàng chục năm sau nữa, anh mới đọc những dòng này, thì anh phải biết rằng tôi chưa từng hối hận, tôi không bao giờ hối hận vì đã nói thương anh vào mùa Xuân ba năm trước, tôi không hối hận từng giây từng phút từng giờ từng ngày của 1200 ngày yêu anh chờ anh, tôi không hề hối hận. Ngay cả khi tôi nông nồi bốc đồng bồng bột ngông cuồng lưu manh thô lỗ ngạo ngược và sai trái. Tôi không hề hối hận vì tôi đã là chính mình và sống hết mình chưa một phút nào suy tỉnh lưởng lự cho mình.

Tôi đã đi trọn cuộc tình từ ngày đầu cho đến cuối bằng cả trái tim chân thành và say đắm.

Tôi không còn gì để hối hận nữa.

Cho dù duyên đã cạn mất rồi.

Cho dù thế nào rồi, tôi vẫn không hề hối hận.

Và tôi vẫn yêu anh.

Dù anh không cần biết nữa.

Dù mai tôi không thể về với anh nữa.

- Tôi không bao giờ hối hận. 

Tôi vẫn yêu anh!

24.05.207

Tóc ướt và hoa Tử đinh hương

Không thể đủ lời để diễn tả được mùa Xuân ở đây. Tôi đi lạc vào đường John, hoa Lilac , Tử đinh hương nở từng chùm trĩu nặng ở đường John. Khi hoa Tử đinh hương nở là mùa xuân đang tàn. Vì thế hoa càng đẹp não nùng.

Như tôi không đủ lời để diễn tả tình yêu của mình.

Tôi đã quen anh vào mùa đông và yêu anh vào mùa Xuân. Cho đến bây giờ tình yêu của tôi vẫn là mùa Xuân bất tận.

Anh có bao giờ nhìn lại và nói:

- Em viết thư nhiều kinh khủng!

1200 ngày và 12000 lá thư hay hơn như vậy tôi viết cho anh. Khi tôi bắt đầu viết là tôi viết cho anh. Tôi viết cho anh ở mọi nơi, mọi lúc, ngay cả suy nghĩ của tôi cũng hướng về một người.

Mùa xuân ở đây ngắn lắm, hoa lá bị kiềm hãm bởi mùa đông dài hơn 6 tháng, nên khi gặp hơi ấm ngắn ngủi của mùa xuân là bừng bừng nở như trong cơn sốt. Tình yêu của tôi bị kiềm hãm bởi không gian và khoảng cách nên tôi đã trút vào anh trận trận nhớ nhung khao khát giận hờn yêu thương và cả tuyệt vọng!

Và cả tuyệt vọng!

Hãy nhìn hoa Lilac mà xem, là loại hoa nở cuối cùng của mùa xuân, mùa xuân ngắn lắm, chỉ còn vài ngày của tháng Năm là tàn mùa Xuân. Mới hôm qua Lilac còn là những chùm nụ màu xanh lơ, sau một đêm mưa phùn, một ngày nắng ấm đã bùng nở rực rỡ tràn ngập con đường John màu tím biếc và mùi hương nồng đậm héo hon. Cô bạn cùng phòng nói, ở đây người ta sợ hoa Lilac, nó tượng trưng cho một cuộc tình buồn, có một nàng công chúa bị phụ tình, héo hon đi mà chết, trên mộ nàng mọc lên nhánh hoa Lilac trĩu nặng. Như tình yêu của nàng. Như nỗi đau đớn của nàng.

Tình yêu càng lớn thì nỗi đau càng nặng.

Cô bạn cùng phòng nói với tôi, sáng nay khi mọi người chia tay:

- Ban ngày mắt mày cười nhưng đêm ngủ mày khóc. Tóc mày ướt. Đừng để tóc ướt. Nhìn buồn hơn mắt ướt nữa!

Tôi định nói là ở nhà tóc tôi không ướt thế này. Tôi cũng định nói ở nhà đêm tôi không khóc thế này.

Ở nhà tình tôi không tuyệt vọng thế này.

Khi tôi phải xa anh ấy đến như vậy.

Trong im lặng và xa Vĩnh viễn.

Như mùa xuân sắp tàn rồi!

27.05.2017

Ước gì có anh ở đây!

- Anh, em sợ bay. Em luôn sợ bay. Ước gì anh ở đây giờ này để em níu chặt tay và thầm thì 

- "Anh, em sợ bay lắm!" 

Và anh sẽ nói gì:

- Có anh! Em đừng sợ.

Em sẽ bật cười phải không? Anh luôn biết cách làm cho em cười, ngay cả khi em đang giận hờn hay hét la ầm ĩ.

Em kể chuyện chuyến bay trước. Em ngồi dãy ba ghế. Bên cạnh em là một ghế bỏ trống. Ngoài cùng là một bà già người Đông Âu không biết nói tiếng Anh đeo thánh giá. Giữa 18 giờ bay, em nằm lăn ra ghế trống ngủ ngon lành, bên cạnh là bà già cầm thánh giá tụng kinh rầm rì không ngừng, đến giờ ăn bà già giựt tóc cho em thức dậy vừa càm ràm bằng thứ tiếng Slovak của bà ấy.

Máy bay lắc lư như chiếc lá vì thời tiết xấu. Em vừa hoảng sợ vừa buồn cười, có phải vì không thể có anh nên Người đã gửi em một bà già như thế bảo vệ suốt chuyến đi không?

Bây giờ, anh có ở đây với em không? (Không, không phải là một bà già đeo thánh giá khác!)

Mà em mơ thấy anh, điềm tĩnh và bao dung:

- Anh ở đây rồi, cô Ng. Em cứ bay đi, tội gì về nhà tính!

Em cứ bay đi, có anh ở đây rồi!

Lê Uyên

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1485)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2288)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2261)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4698)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5537)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1215)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2507)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 1798)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1235)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1408)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.