- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

PHẢI CHĂNG TÁC GIẢ TRUYỆN PHAN TRẦN LÀ NGUYỄN HUY LƯỢNG ?

08 Tháng Tư 20199:47 CH(Xem: 24298)

Khoảng thời gian ba thế kỉ XVII-XVIII-XIX là thời thịnh của thể loại truyện nôm. Các nhà văn thời này đều có chấp bút và đã lưu lại nhiều tác phẩm văn chương lôi cuốn nhiều thế hệ người đọc. Truyện Phan Trần là một truyện nôm ra đời trong thời kì này, cụ thể là khoảng cuối thế kỉ XVIII, trễ lắm là đầu thế kỉ XIX.

 

Nội dung truyện là câu chuyện tình yêu của hai người trẻ tuổi tên là Phan Tất Chính và Trần Kiều Liên. trước kia, khi hai bên cha mẹ là Phan công và Trần công cùng làm quan trong triều vua Tĩnh Khang nhà Tống, đã có lời đính ước với nhau khi hai phu nhân cùng thụ thai. Không bao lâu cả hai ông về trí sĩ thì loạn li khiến hai nhà lạc nhau, hai người trẻ tuổi cũng lưu lạc, Phan sinh thì lên kinh học thi, cô gái Kiều Liên thì cha mất và rồi lạc mẹ sau cơn biến loạn, phải vào chùa tu. Cuộc sống run rủi cho hai người gặp nhau, và yêu thương nhau thầm lén trong khung cảnh nhà chùa. Hai người dần biết là họ chính là những người con đã đính ước từ lâu, nên đã thành hôn với nhau. Khi Phan sinh thi đỗ, hai người trở về đoàn tụ với gia đình đôi bên. Từ đó hai người sống hạnh phúc tròn vẹn trong cuộc đời thành đạt.

 

Chuyện tình ái đầy chất đam mê của đôi nam nữ trong truyện được kể lại tường tận qua văn từ cũng sôi nổi, cụ thể không kém, từ khi chàng thư sinh lên vãn cảnh chùa đã si mê sư cô trẻ mà quên mất lời đính ước hôn nhân gia nghiêm đã từng dặn dò, đến khi chàng thanh niên ốm tương tư và chỉ nhờ cuộc viếng thăm mầu nhiệm của sư cô trẻ mà khỏi bệnh để rồi lại càng đắm say với tình yêu không bình thường giữa một thư sinh và một ni cô tươi trẻ. Cũng may là khi họ đi lại với nhau, dần dà mới cùng nhận ra họ chính là đôi trai gái đã từng được đính ước từ nhỏ, chỉ vì xiêu tán mà lạc nhau. Thế là nhờ may mắn mà tình yêu lãng mạn đắm say và lệch khuôn thước xã hội đã được kết thúc có hậu trong khuôn khổ lễ giáo.

 

Đương thời, có người đã phê phán chuyện tình Phan-Trần qua câu vè:

 

        Đàn ông chớ kể Phan Trần

        Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều

 

có lẽ là do lối hành văn nhã luyện, lôi cuốn của các tác giả dành cho hai câu chuyện tình lệch khuôn thước xã hội, và xem như là hai tác giả nhà văn nho sĩ tài hoa này đã cổ vũ cho lối sống lãng tử, vượt bỏ lề thói xã hội chăng? Nếu thế thì có phần khắt khe quá đối với  tác giả truyện Phan Trần và truyện Kim Vân Kiều, vì có phải riêng hai truyện nôm này như thế đâu, mà đấy cũng là nét chung của dòng văn chương tài tử thời đó, dù có vượt bỏ khuôn thước gò bó của lễ giáo Nho gia nhưng cũng chưa hẳn đoạn tuyệt được với hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội. Thời ấy đã như làn sóng tràn những câu chuyện tình yêu tươi trẻ chưa từng thấy xuất hiện trong kho tàng văn học nôm cổ, nào có riêng gì hai truyện nôm nhắc tới trong câu vè kia! Chúng tôi thiển nghĩ câu chuyện ngự sử văn đàn này, không phải là chuyện thuần văn học hay luân lí, mà mang đậm chất chính trị-xã hội của một thời xã hội còn đang dao động sau cuộc sang trang đổi đời của chính trị xứ ta sau 1802, như sẽ nói ở phần dưới bài.

 

Phong thái phóng túng của nhà nho tài tử thời kì này rốt cùng cũng chỉ được trút ra trên trang văn thơ trữ tình, và những nhà văn nho sĩ được gọi là những nhà nho tài tử vì phong thái lệch khuôn thước của họ. Chỉ nói riêng về phong cách ngôn từ cùa thế hệ những nhà nho tài tử này thì có thể nói thời kì thịnh đạt của văn nôm này cũng là thời của những câu thơ chuốt lọc nhất, kĩ xảo nhất. Chất thơ, chất trữ tình đã được thể hiện ở mức tinh luyện nhất của câu văn nôm. 3254 câu văn Kiều nôm là những câu văn giàu tính văn nhã, tiêu biểu cho trình độ trang nhã cao nhất của ngôn ngữ văn học thời thịnh nôm. 938 câu lục bát của truyện Phan Trần cũng có vô vàn những câu văn nhã luyện không kém văn Kiều. Và cũng trong dòng chữ nghĩa đẹp và nhã như thế, câu văn trong truyện Hoa Tiên, truyện Nhị Độ Mai hay những bài ngâm nổi tiếng như Chinh Phụ Ngâm, Bần Nữ Thán... đều cho ta niềm tự hào về tầm cao nhã của câu văn nôm Việt thời thịnh nôm này. Cho nên cũng không lạ gì khi một số nhà nghiên cứu trước đây đã lẫn lộn chất trữ tình và chất nữ tính trong câu văn nôm thời này, và đã bảo lưu một định kiến lâu dài là câu văn trữ tình và giàu nữ tính hẳn phải là sản phẩm của nhà văn nữ. Đó là khi các vị biện hộ cho bà Đoàn Thị Điểm vì muốn giành tác quyền bản diễn ca Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng cho bà, làm như thể Phan Huy Ích không có khả năng cao diệu như thế.

  

Trở lại Truyện Phan Trần. Nhìn lại tất cả các bản in thì có thể thấy ngay là cho đến nay, Truyện Phan Trần không thấy có tên tác giả, cho nên vẫn thường được xếp vào kho truyện nôm khuyết danh (1). Trong điều kiện tài liệu hiện nay, có thể nào truy tầm tác giả truyện nôm này không? Để trả lời câu hỏi này thiết tưởng cũng nên để ý qua hiện tượng văn nôm khuyết danh của thời kì thịnh nôm cuối Lê-đầu Nguyễn.

 

Sự kiện một khối lượng lớn các truyện nôm khuyết danh là điều khó hiểu nhưng lại là điều thường xảy ra trong dọc dài lịch sử văn học hán-nôm nước ta trước đây. Hiện tượng này có nguyên do xã hội của nó. Trong thời đại mà văn chương chỉ là thứ văn chương nhàn phóng, trà dư tửu hậu, thì chuyện đề tên người trứ thuật không phải là chuyện đáng quan tâm hàng đầu của nhà văn nho gia. Tác giả có thể viết tay đề tặng bạn tri âm tri kỉ một bài văn khi có cuộc bình văn. Người bạn yêu thích bài văn lại có thể chia sẻ với bạn bè. Trong khi ngâm ngợi, nhóm bạn lại còn có thể nhuận sắc, thay đổi một vài chữ chỗ này chỗ khác cho "đạt" hơn, "nhã" hơn... Có thể bản văn truyên nôm Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) hay Phan Trần cũng như bao nhiêu tác phẩm văn nôm của ta đã chuyên tay trong tình cảnh như thế mà nay khó có thể truy nguyên bản văn gốc và những tác phẩm văn nôm đã bị "nhuận sắc". Hoạ hiếm lắm mới có được một trường hợp như Truyện Hoa Tiên mà ngày nay ta còn may mắn giữ được bản văn nguyên tác (của Nguyễn Huy Tự) và nhuận sắc (của Nguyễn Thiện).

 

Trong hoàn cảnh chung thì đã như thế. Đến những thời kì khá đặc biệt như trong hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương thời cuối Lê - đầu Nguyễn (thế kỉ XVIII-XIX), lại còn một tình cảnh khác thường, "nhạy cảm". Trong hoàn cảnh tế nhị đó, nhiều nhà văn nhà thơ có để lại nhiều di cảo hoặc bản khắc in lúc sinh tiền; nhưng con cháu đã phải cất giấu sách vở của cha ông, hoặc có giữ lại thì cũng cắt bỏ phần lạc khoản, như thể các di cảo kia là của những người vô danh nào đó. Chỉ đến khi xã hội đã hết nhập nhằng, tạm gọi là ổn định, người đời sau có quý chuộng sách hay thì lôi ra khắc in, cũng mặc nhiên bỏ trống phần lạc khoản nêu rõ danh tính người soạn sách.

 

Trường hợp điển hình mà chúng ta nay còn biết được là bản sách chép-in tập Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc của Phan Huy Ích, được biết là bản rập của bản khắc in khoảng sau 1814 (năm ông soạn xong bản diễn ca này). Bản rập này chỉ khác bản in từ ván khắc ở điểm là nét chữ sắc sảo, chân phương. Sách có đầy đủ khung chữ đề danh tính tác giả ở trang đầu nhưng đã để trống. Một sự lạ. Sách có bài nguyên tự dài khoảng ba hoặc bốn trang, nhưng đã bị tháo bỏ tờ có hai trang cuối ấy, chắc chắn phải có ghi đầy đủ lạc khoản nêu rõ danh tính người làm sách và những người liên quan đến bản khắc in. Ngày nay ta biết được tác giả của bản Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc này là nhờ vào những dữ kiện khác về tác giả của nó chứ không dựa vào bài tựa thiếu trang kia.

 

Tại sao một tác gia nổi tiếng như Phan Huy Ích mà số phận sách in phải truân chiên như thế? Chỉ vì ông sống đúng vào thời mà đất nước chưa qua buổi tao loạn nhiễu nhương. Ta không quên rằng năm 1802, ông và người anh vợ  (Ngô Thì Nhậm) là hai ông tiến sĩ đã phải bị đòn roi ngoài Văn Miếu! Cho nên cũng là sự thường (!) thôi, nếu những năm đầu triều Nguyễn sách vở của những nho thần triều Lê-Trịnh hay Tây Sơn có bị vùi dập, đẩy lùi vào vòng ẩn danh, rồi rơi xuống khuyết danh, thậm chí vô danh (!), khi đời sau in lại các di cảo của họ.

 

Trong số nhiều danh sĩ tiền triều ở đầu thế kỉ XIX có Nguyễn Huy Lượng (?-1808). Ông là văn thần và là nhà thơ sống cuối đời Lê trung hưng, có ra làm quan với nhà Tây Sơn, và đến đầu đời nhà Nguyễn có được vời làm chức tri huyện rồi chết vì lí do mờ ám, khi ông mới trên dưới tuổi 60.

 

Cho đến nay chúng ta biết được là Nguyễn Huy Lượng có bút hiệu Bạch Liên Am. Người đương thời vẫn gọi ông là Bạch Liên Am Nguyễn. Trong Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, Hoàng Xuân Hãn đã sao lục và phiên chuyển ra chữ quốc ngữ một bài văn lục bát 246 câu của Bạch Liên Am Nguyễn, phỏng dịch ra văn nôm từ nguyên tác hán văn Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn (2). Một số tài liệu trích diễm còn cho tác giả của tập Cung Oán Thi là của Bạch Liên Am Nguyễn (3), số tài liệu khác lại cho là của Nguyễn Huy Lượng (4). Có lẽ cho đến nay chỉ có Maurice Durand là người đầu tiên nhận ra sự kiện Bạch Liên Am Nguyễn và Nguyễn Huy Lượng là cùng một người (3).

 

Tiếc thay, Maurice Durand và Trần Nghĩa đã bỏ mất cơ duyên khảo sát văn phong Cung Oán Thi, phú Tây Hồ, văn tế Tướng Sĩ Trận Vong, hay gần hơn là bản phỏng dịchChinh Phụ Ngâm (là những chứng tích văn chương của Nguyễn Huy Lượng) để từ đó nhận ra văn phong khá thống nhất với tác phẩm truyện nôm mà các ông đã dày công khảo đính và phiên chuyển: Truyện Phan Trần. Văn phong ấy chỉ có thể là của nhà văn Nguyễn Huy Lượng thôi.

 

Thật vậy, Nguyễn Huy Lượng là người viết văn không ngại liên hệ bản thân khi làm văn. Ông đã có lần cho biết khi làm bài phú Tây Hồ, ông đã ngoài 50 tuổi: "Ngoài năm mươi thẹn bóng tang du" (Tụng Tây Hồ). Mở đầu truyện nôm Phan Trần, ông cũng bảo:

 

        Liên Am  庵 nhân gặp hội vui

        Tưởng ân tình nghĩa, xem chơi quyển vàng

 

Chúng tôi trích theo bản phiên chuyển từ bản nôm Phan Trần Trùng Duyệt do Thần Khê Đồng Phong Thừa Thư khắc in (1904). Đây là một bản khắc in khác hẳn hệ ván khắc của một số lớn các bản khắc in đầu thế kỉ XX.

 

 PhanTran-Durand-Nghia3

 PhanTran-Durand-Nghia2

 

Trang đầu Phan Trần Truyện Trùng Duyệt (1904)

 

Các bản khắc in khác thì khắc  "trên 𨕭 (am)" với chữ nôm liên + thượng, và lại đổi thành câu khác hẳn:

 

        Trên am thong thả sách cầm

        Nhàn nương án ngọc buồn ngâm quyển vàng

 

 

 PhanTran-Durand-Nghia4

 PhanTran-Durand-Nghia5


Trang đầu Phan Trần Truyện bản Văn Đường (1867)

 

Trước nay chúng ta biết khá nhiều trường hợp người đời sau tự tiện nhuận sắc văn người xưa theo ý mình, hoặc có khi vì không hiểu ý văn người xưa mà đổi ra cho dễ hiểu theo ý mình. Chỉ xét riêng trường hợp hai câu mào đầu khác nhau này, chúng ta có thể nhận ra ngay hai phong cách khác nhau của hai câu mào đầu. Câu mở đầu của bản Trùng Duyệt cho ta thấy phong cách thoải mái, an nhiên của nhà văn khi đặt bút xuống trang giấy; ông nói về cảm nghĩ của bản thân mình trong buổi đầu lúc khai mào truyện. Phong cách ấy nhất quán với phong cách sảng khoái của nhà văn khi tụng cảnh Tây Hồ hay khi viết bài tế tướng sĩ trận vong. Thật khác với phong cách nhàn rỗi, thừa thãi thì giờ của một người ra ngẩn vào ngơ như hai câu mở đầu của bản văn khác.

 

Nguyễn Huy Lượng còn để lại nhiều tác phẩm văn nôm. Phong cách văn ông vừa tài hoa, vừa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Trước nay học giới đã quen với phong cách mạnh mẽ hùng biện của ông qua các bài phú, văn tế. Trong khung cảnh học thuật cổ thời, văn biền ngẫu mà có phong cách lôi cuốn như bài Tụng Tây Hồ Phú và bài Văn Tế  Nghĩa Sĩ Trận Vong thì phải là người văn tài hơn người.

 

Cho đến nay, chúng ta biết được văn tài Nguyễn Huy Lượng qua các bài văn Tụng Tây Hồ Phú và Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong. Hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Lượng qua những câu văn biền ngẫu trên là một người học rộng, thấm nhuần phong cách văn chương cổ điển, chữ nghĩa người xưa đầy ắp trong câu văn ông mà quý thay con người cá nhân nhà văn vẫn không chìm ngập trong kho chữ nghĩa tập cổ đó; ông đã lặn sâu trong chữ nghĩa mà vẫn nổi lên khỏi nó để chữ nghĩa văn từ trong bài văn vẫn là mình, phản ảnh bản sắc con người mình. Một bài phú Tây Hồ đã tập đại thành đầy đủ phong cách văn chương này. Hiểu và thích thú với văn chương bài phú đòi hỏi công phu làm quen với phong cách từ chương cổ điển; nhưng chữ nghĩa vần không làm mờ nhạt bản sắc văn phong cá nhân tác giả bài văn biền nổi tiếng (5).

 

Bên cạnh con người nhà văn nho sĩ có khẩu khí hào sảng, tràn đầy sức sống, từ nay chúng ta còn biết thêm là có một Nguyễn Huy Lượng tài hoa, văn chương nhã luyện của phong cách văn chương thời đại ông: văn chương lãng mạn, tài tử. Phong cách bài phỏng dịch Chinh Phụ Ngâmcủa Bạch Liên Am là phong cách tài hoa, giàu mĩ cảm. Những câu thơ tự tình lục bát mềm mại của bài ngâm cũng đã thể hiện nữ tính đa cảm của người chinh phụ, khắc hoạ một chân dung cảm xúc phong nhiêu của một nhà văn giàu sức liên cảm với số phận nhưng con người quanh ông, cụ thể trong bài văn Chinh Phụ Ngâm này là của người phụ nữ mong chồng chinh chiến sớm trở về. 246 câu thơ lục bát đó còn là biểu hiện của tấm lòng liên ái những phận người kém may mắn, thua thiệt trong một xã hội đã quá nhiều tao loạn. Tấm lòng rộng lớn của nhà văn chưa đủ làm nên nhà văn lớn nếu ông không có một tài năng hơn người khi vận dụng ngôn từ để trải lòng mình ra trên giấy. Những cung bậc tình cảm của người phụ nữ trong bài Chinh Phụ Ngâm lục bát đã phản ảnh con người tài hoa đa cảm của nhà văn Bạch Liên Am.

 

Phong cách văn nhã của nhà văn nhà thơ Bạch Liên Am đã một lần nữa phả vào từng câu thơ lục bát trong Truyện Phan Trần. Từ lối văn lục bát tự tình trong bài ngâm chuyển sang lối tự sự trong thể truyện, nhà văn đã gói vào trong câu văn tự sự những mẩu suy nghĩ, những cảm nhận của ông về những cảnh đời của những con người dù là hư cấu đấy mà vẫn mang đậm những tình cảm thật của nhưng con người thật mà ông từng gặp gỡ, từng chung sống và chia sẻ tâm tình thời đại trong những khung cảnh xã hội khác nhau.

 

Trong Truyện Phan Trần, những nhân vật (vốn xuất thân là những người thuộc đẳng cấp nho sĩ) đã nếm trải hết mùi vị cuộc sống, từ dùi mài kinh sử, đến yêu đương nồng nhiệt của tuổi trẻ, từ những thất bại trong khoa trường và tình trường đến những hạnh phúc gia đình yêu thương và vinh hoa của đời phục vụ xã hội. Những hạnh phúc và đau khổ, những khuôn thước xã hội và những quá đà trong đời sống tình cảm tuổi trẻ, những cảm nhận về nhân tình thế thái mà ta thấy trong dọc dài câu chuyện kể về một mối tình lãng mạn hẳn phải là phản ảnh kho kinh nghiệm sống của tác giả truyện nôm này. Nói cách khác, Bạch Liên Am phả vào từng câu thơ phong cách con người đa tình tài hoa của một nhà văn nho thần.

 

Nói về phong cách văn chương Truyện Phan Trần, không thiếu những câu lục bát giàu chất thơ như ta thường gặp trong kho tàng truyện nôm lục bát ở thời kì cuối thế kỉ  XVII-đầu thế kỉ XIX. Phong cách chung những câu lục bát trong truyện nôm là những kĩ xảo tiểu đối, cân phương, hô ứng, ý ở ngoài lời..., tạo nên phong cách bóng bẩy của văn chương, của ngôn từ văn học một thời. Trong chừng mức này, Truyện Phan Trần là một truyện nôm sánh ngang cùng những danh tác cùng thời đại của nó.

 

Tính đến khi bản khắc in sớm nhất mà nay ta còn được biết là năm 1867, Nguyễn Huy Lượng mất đi chỉ nửa thế kỉ thôi. Chỉ trong 50 năm ấy mà tác phẩm còn lại của ông đã trôi lạc lênh đênh qua mấy thể dạng sau:

 

(1) Có tác phẩm bị gán nhầm tác giả, như trường hợp tập Cung Oán Thi bị gán cho Nguyễn Hữu Chỉnh, và bài Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong bị gán cho tổng trấn Nguyễn Văn Thành;

 

(2) Có tác phẩm  bị những người hẳn là ở vị thế của những chủ nhân ông mới của xã hội Bắc hà sau 1802 dè bỉu qua một câu vè tưởng như vô tình nhưng có mang màu thù nghịch thường thấy trong buổi giao thời: "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều". Hai tác phẩm liên can chính là Truyện Phan Trần và Đoạn Trường Tân Thanh. Trước nay các nhà bình luận chỉ nhìn ở khía cạnh phê phán bản thân hai quyển truyện nôm mà quên rằng hai tác phẩm văn chương này không khác là bao về nội dung tài tử, lãng mạn vượt khỏi quy lệ Nho gia. Tính cách chung của văn nôm thời kì cuối Lê - đầu Nguyễn là như vậy chứ có riêng gì hai tác phẩm trên đây! Từ Song Tinh Bất Dạ (thk XVII) đến một loạt những truyện nôm ở thk. XVIII-XIX như Hoa Tiên Truyện, Nhị Độ Mai, Sơ Kính Tân Trang, và hàng loạt truyện nôm mà nay còn khuyết tên tác giả như Tống Trân, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh, Phương Hoa, Lý Công..., ở những mức độ khác nhau, tính cách lãng mạn vượt qua những quy ước ứng xử Nho gia đã là nét chủ đạo của những truyện nôm này. Sao lại phê phán chỉ hai truyện nôm Phan Trần và Kim Vân Kiều? Sự thực là thời tranh tối tranh sáng những năm đầu triều Gia Long là những năm tháng không êm ả cho rất nhiều những nhà văn nho thần đã từng phục vụ tiền triều. Họ có thể bị căng nọc trước văn miếu vì cái tội là tiến sĩ mà không chọn đúng chủ mà thờ! Họ có thể bi triệu phái, lưu dung một thời gian trước khi bị thải hồi khi hết cần thiết (như Phan Huy Ích) hoặc thậm chí chết thảm (như Nguyễn Huy Lượng). Một câu vè "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều" chỉ có thể hiểu cạn lẽ trong bối cảnh xã hội cụ thể đó thôi;

 

(3) Có những tác phẩm thời cuối Lê - đầu Nguyễn, nhất là vào triều đại Tây Sơn đã vì thời cuộc mà bị đẩy vào kho văn chương khuyết danh một thời gian dài. Khi hậu thế lục tìm lại trong kho sách cũ những sách vở giá trị để khắc in thì chỉ có thể tìm được những quyển văn mất đầu thiếu đuôi... Khối lượng những tác phẩm truyện nôm thường bị coi là khuyết danh, vô danh (!) trong khoảng thời gian này nhiều lắm, nhiều một cách bất thường, phần lớn là vì lí do xã hội của chúng.  

 

Tóm lại, trong chừng mức hiện nay, với những chứng liệu có từ văn bản truyện nôm Phan Trần và một vài tài liệu liên quan, có thể đã đến lúc trả lại tác quyền truyện nôm Phan Trần cho nhà văn Nguyễn Huy Lượng. Trước tiên là phong cách văn chương khá sát sao giữa bản phóng dịch Chinh Phụ Ngâm mà tác giả kí tên Bạch Liên Am Nguyễn và văn phong truyện nôm Phan Trần; bên cạnh đó, chứng từ khá hiển nhiên là tác giả tự nêu danh tính ở câu đầu tiên truyện nôm này. Thêm một bàng chứng nữa là những sự kiện chung quanh cảnh ngộ cá nhân nhà văn trong một hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương đã khiến sự nghiệp văn học của ông bị phủ mờ khói bụi của thời gian. Có thể trong tương lai, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra thêm những cứ liệu xác tin hơn để trả lại cho Cesar những gì của Cesar, trong ý hướng đẩy lùi dần tình trạng khuyết danh tác giả những áng văn chương trong kho tàng văn học hán-nôm nước nhà.

 


Đoàn Xuân Kiên


Chú thích:

(1) Cho đến nay, tác phẩm này đã được khắc in nhiều lần. Bản in chữ nôm cũ nhất còn giữ được là Phan Trần Truyện, bản khắc in vào mùa thu năm Đinh Mão (1867), thời vua Tự Đức (hiện còn một bản lưu tại thư viện École des Langues Orientales, Paris). Sau đó nhiều bản in khác hiện còn bản in lưu tại các thư viện hán nôm các nơi: bản in Phan Trần Truyện khắc in năm Nhâm Thìn (1892), đời vua Thành Thái (hiện còn bản lưu trữ tại Bibliothèque Nationale, Paris) ; một bản Phan Trần Truyện khác in năm Nhâm Dần (1902), cũng vào đời Thành Thái (một bản in hiện lưu tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội); một bản in Phan Trần Truyện nữa khắc in mùa đông 1926, vào đời Bảo Đại (hiện còn một bản in tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội). Một bản khắc in khác được thực hiện mùa hạ năm Giáp Thìn (1904), đời Thành Thái, có tựa đề Phan Trần Truyện Trùng Duyệt, có khi gọi là Phan Trần Truyện Tăng Đính (có bản in hiện lưu tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội).

 

Bản in chữ quốc ngữ cũng có khá nhiều, rải rác từ cuối thế kỉ XIX đến nay. Bản in sớm nhất là Phan Trần Truyện do Trương Vĩnh Ký phiên chuyển, và do nhà in A. Bock in năm 1889 (có một bản lưu tại thư viện École des Langues Orientales, Paris); Phan Trần Truyện Dẫn Giải do Đinh Xuân Hội biên tập tại Toà Hán Việt Tu Nguyên, và do nhà Tân Dân Thư Quán xuất bản năm 1930; Truyện Phan Trần do Đinh Gia Thuyết đính chính và chú thích, và do nhà Tân Việt xuất bản tại Sài Gòn (1952); bản in Truyện Phan Trần, do Nguyễn Trác, Lê Tư Thực và Nguyễn Tường Phượng hiệu đính, khảo thích và giới thiệu, do nhà Văn Hoá xuất bản (Hà Nội, 1961). 

Ngoài ra, phải kể đến hai bản in vừa nôm vừa chữ quốc ngữ sau đây: bản thứ nhất là Phan Trần (roman en vers), do Maurice Durand khảo đính, phiên chuyển và giới thiệu từ văn bản Phan Trần Trùng Duyệt (do Thần Khê Đồng Phong Thừa Thư khắc in năm 1904), do École Francaise d'Extrême-Orient xuất bản (hai tập in ronéo, Paris, 1962); và bản in mới: Truyện Phan Trần do Trần Nghĩa khảo đính, phiên chuyển từ bản in cổ nhất hiện còn (bản in đời Tự Đức, 1867), và giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) in năm 2009. 

PhanTran-Durand-Nghia


Hai bản phiên chuyển ra chữ quốc ngữ có kèm bản nôm này đã chọn hai bản in thuộc hai hệ khắc bản khác nhau, và dù hai bản khắc mà hai vị sử dụng có quãng cách thời gian khác nhau 42 năm thì chúng cũng chỉ là các truyền bản từ những bản in cũ trước đó mà thôi. Tính cách chung của các khắc bản ra đời cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX đều mang sắc thái chữ nôm thế kỉ XIX đã được điển chế nhiều so với chữ nôm những thời kì sớm hơn. Sắc thái chữ nôm điển chế này có lẽ đã định hình từ khi có bộ từ điển Nhật Dụng Thường Đàm của Phạm Đình Hổ (1851). Vì lẽ trên, chúng tôi chọn dùng bản phiên chuyển từ Phan Trần Truyện Trùng Duyệt (1904).

 

(2) Hoàng Xuân Hãn, Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (Nxb. Minh Tân, Paris, 1953), tr. 207-218.

 

(3) Theo Maurice Durand. Xem: Digital Collections: Cung Oán Thi (AB. 549):http://findit.library.yale.edu/catalog/digcoll:4671

 

(4) Xem: Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam (Tân Việt, 1960), tr. 659.

 

(5) Tương truyền là khi "bài phú ông Lượng" được lưu hành từ buổi tế hạ năm Tân Dậu hoàng triều Bảo Hưng (1801), bài văn đã mau chóng trở thành một hiện tượng văn học đương thời: dân Hà thành hồi ấy đổ xô đi tìm mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên.(Theo sách Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nxb. Lao động, 2009, trang 312.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 7320)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 12534)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 357)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 303)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 283)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 311)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 363)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 371)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.
24 Tháng Chín 202412:07 SA(Xem: 627)
ừ có lụt thiên nhiên / nhưng có ai quên khuấy / vẫn còn cơn lụt kia / vẫn quanh năm thường trực ru ngủ / và đánh chìm
23 Tháng Chín 20241:01 SA(Xem: 981)
Lời giới thiệu: Thủ tướng Hun Manet với hậu thuẫn của cha ông, người đã đề xướng ra công trình kênh Funan Techo như một Đại vận hà của dân tộc Khmer, đồng thời là di sản triều đại của cha con họ. Về địa chính trị, tuyến đường thủy vận này cho họ phương tiện chuyển hàng hóa từ Phnom Penh ra biển, không còn phải theo tuyến đi trên Sông Tiền hay Sông Hậu, sẽ giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào Việt Nam. Cha con Hun đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng khi đặt cho dự án này dưới tên Funan, khơi động lên tinh thần dân tộc bài Việt, và soi sáng lại lịch sử Đế chế Funan của họ. Theo giới chuyên gia quốc tế, và phân tích trên Viet Ecology Foundation, lợi ích kinh tế của công trình này chắc chắn không khả thi, tác động nặng trên môi sinh cho Cam Bốt và xuyên biên giới xuống Việt Nam nhưng đã bị chính quyền Phnom Penh giảm thiểu hóa và gạt bỏ. Phnom Penh không giải trình toàn bộ chi phí và việc di dời đền bù cho người dân họ như thế nào. Họ cung cấp thông tin bất nhất và sai lệch ...