- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHUYỆN Ở BIỂN

28 Tháng Ba 201911:32 CH(Xem: 21993)


troi giac me chieu - anh UL
Trôi giấc mê chiều- ảnh UL

Mấy ngày tết tôi đi biển với cả gia đình.


Ba tôi được sắp xếp ở chung phòng với tôi, đứa con gái út, vì anh chị lớn đều đã có gia đình. Tôi trách thầm, không ai có thể rời gia đình của mình dù chỉ một đêm để ngủ canh chừng ba tôi sao?

Ba tôi già rồi, lục đục cả đêm, nửa tiếng đồng hồ lại thức giấc một lần, rồi loay hoay mở đèn, làm tôi ngủ cũng không yên.

Sáng sớm 5 giờ, là lúc ba tôi ngủ say được một chút, thì đến lượt tôi lò mò lồm cồm bò dậy, tôi náo nức muốn thấy cảnh mặt trời lên.

Cảnh mặt trời lên ở cực Đông này thật khác thường, mặt biển thay đổi màu sắc liên tục, từ sắc lam nhạt của sóng biển trộn lẫn với lam tím của làn hơi nước mờ mờ như khói phủ, rồi dần dần một đợt màu cam pha ửng hồng trào lên đầu con sóng, sau đó nhường chổ cho sắc tía loang loáng khắp mặt nước. Cuối cùng khi mặt trời như trái cam vàng vàng chói lọi nhô lên hẳn khỏi đường chân trời, cả mặt biển nhấp nhô trong nhiều luồng khúc xạ đan xen, xanh, lam, chàm, tím, hồng rực và rồi đỏ tía.

Tôi ngồi bệt sát mép nước, bấm máy điện thoại liên tục, cho tới khi ánh nắng chói gắt bao trùm lên tôi hoàn toàn và bóng biển mờ dần sau camera vì bị ngược sáng.

Khi tôi quay về phòng, ba tôi đã thức dậy, ngồi nhìn ra biển đăm đăm, vừa bồn chồn. Ba tôi giữ tâm trạng bồn chồn nôn nóng ấy cả ngày, ngay cả khi tôi dắt ba đi qua bãi cát dài, ra tới biển. Ba tôi vẫn như thế, như mong ngóng đau đáu điều gì đó. Ngồi một chút, ba tôi nói nhỏ, gần như thì thầm:

- Con gọi giùm ba số phone này-rồi ba đọc con số nào đó, rất lạ, kiểu số ngày xưa, lúc còn ít số, không có cả mã địa phương.

Tôi thử vài lần, rồi lắc đầu:

- Ba nhớ số sai rồi, số này đâu có thật.

Ba tôi thở dài , quay mặt đi. Sau đó chỉ ít phút lại, khẩn nài, giọng dường như có chút áy náy:

- Hay là con thử số này.

Con số sau đó cũng không liên lạc được. Tôi bắt đầu bực dọc:

- Ba quên số rồi, đọc lúc này lúc khác, làm sao con gọi cho được!

Ba tôi cúi đầu như người biết lỗi, sau đó im lặng hẳn, không bắt tôi gọi nữa.

Chiều đó, mấy anh em tôi đi riêng một xe về nhà ngoại thắp nhang. Nhà ngoại trong thị xã, đã lâu lắm tôi ít về thăm. Thường anh em tôi chỉ chạy thẳng đến khu nghĩ dưỡng resort, ngoại tôi mất đã hơn hai chục năm rồi, giờ không ai còn ở nhà cũ nữa.

Cơn bồn chồn của ba tôi tăng dần, trước giờ đi , ba tôi ra vào, chốc chốc lại sửa sang áo quần, vuốt nếp áo, chải lại tóc, nhìn ông già 80 như thanh niên lần đầu hẹn hò. Tôi không giấu được tò mò.

Nhà ngoại vẫn xưa như 20 năm trước, không ai sửa sang, giờ tôi mới biết chỉ có mỗi dì út tôi ở lại chăm sóc bàn thờ gia tiên. Hơn chục người con đã ra đi tứ tán lập nghiệp phương  xa, lâu rồi ít ai quay trở về ngôi nhà cũ kỹ nằm cuối hẻm đường đất đỏ đó nữa.

Sau khi thắp nhang, và chúc tết dì út xong, mấy anh em tôi hối nhau đòi về, chỉ có ba tôi lần chần mãi sau lưng dì út, tần ngần, mà hể ba tôi đứng chỗ nào thì dì út tránh xa chổ đó, len lén như người có tội.

Vậy rồi cho đến lúc chúng tôi lên xe, ba tôi vẫn chưa nói được gì.

Tối đó, ngồi ngoài biển, chỉ có hai cha con, mấy gia đình khác đã rủ nhau đi ăn hải sản rồi uống cà phê. Đêm ở bãi biển tấp nập khách du lịch và rực rỡ đèn các kiosk như bãi biền Phuket thu nhỏ. Tôi nằm dài trên ghế dựa, vừa đọc sách, vừa nghe nhạc, ba tôi ngồi một bên , thỉnh thoảng lại thở dài.

- Con gọi số này cho ba lần nữa- Ba tôi nhìn qua tôi, vẻ khẩn thiết trong mắt.

Tôi ậm ừ:

- Ba phải nói số này ở địa phương nào, con mới gọi được.

- Ở đây.- ba tôi lại thở dài.

Lần này, sau khi thêm mã địa phương, số điện thoại này đổ mấy hồi chuông dài, đã có người nghe máy. Tôi giật mình, khi nghe tiếng a lô mệt mõi u sầu từ đầu dây bên kia:

- Ủa, dì út hả?

Ba tôi vội vàng giật lấy điện thoại:

- Để ba nói chuyện với dì út- ba tôi nhỏ giọng thì thầm, có lúc tắt nghẹn

“Em khỏe không? Hồi chiều anh quên dặn, anh có gửi tiền bưu điện cho em trước tết, nhận được chưa mà không báo cho anh biết. Nhớ là rút mỗi lần một ít tiền thôi, ở có một mình, giữ tiền trong người nguy hiểm lắm biết không?”

Chừng như ngại tôi bên cạnh, ba tôi nhỏ giọng dần, hay vì cơn cảm động chặn ngang cổ họng:

- Chiều thấy em khỏe mạnh, anh mừng. Vậy thôi nghe em. Vậy thôi.

Nói chừng mấy lần vậy thôi, mà ba tôi vẫn áp chặt điện thoại vào tai, cho đến khi tôi nghe vọng tiếng tút tút dài từ bên kia, ba tôi mới ngần ngừ trả máy cho tôi.

Sau đó ba tôi im lặng hẳn.  Cơn bồn chồn của buổi sáng cũng không còn. Chỉ có lại nỗi ủ rũ , u ám mà tôi cảm nhận được, hay vì tôi quá nhạy cảm?

Đêm đó, ba tôi ngủ yên, hay vì tôi bơi cả ngày nên ngủ mệt. Nửa đêm tôi chợt tỉnh, nghe như có tiếng ai khóc nấc lên.

Tôi bước vội lại cạnh giường, ba tôi nằm yên, hai tay khoanh chặt trước bụng, như đang thở đều đều. Như có linh tính, chưa yên tâm quay đi, tôi sờ tay vào má của ba tôi.

Nước mắt ràn rụa nóng hổi trên hai gò má của ba.

Tôi đứng lặng một lúc, không nói được lời nào. Ba tôi từ từ quay mặt vào tường.

- Con đừng nói với ai là ba gọi điện cho dì út nhen con.

Tôi lập cập mở cửa phòng đi ra ngoài hiên, tàn cây tối đen in hình bóng lạ kỳ chập chờn trên mặt cỏ, lan can ướt đầm đìa sương khuya, có con gì đó kêu bi thương trong bóng tối. Và sóng biển từ xa ầm ì không ngừng nghĩ.

Biển bồn chồn cả đêm chờ mặt trời lên.

***

Thật ra câu chuyện Biển không dừng lại ở đêm đó, đêm 13/2. Cái đêm tôi ngồi ngoài lan can chờ trời sáng, cùng lúc với "biển bồn chồn cả đêm chờ mặt trời lên".


Mặt trời của ngày 14/2.
Thật ra là tôi rất sợ hãi, tôi không dám ôm trong lòng bí mật của ba tôi một mình.
Tôi tìm người để kể ra, trước tiên cho tội lỗi của tôi giảm nhẹ đi một nửa. Không phải người ta nói khi người ta thú tội, là đã được giảm tội mội nửa hay sao? Hay đó chỉ là cách nhà thờ tuyên truyền cho việc con chiên đi xưng tội?
Tôi không kể cho Anh Hai nghe, anh Hai sinh năm Thìn, tính tình vừa cô độc vừa quái dị, sau này lập gia đình lại thêm gia trưởng, chắc chắn anh không bao giờ chấp nhận mấy chuyện "lộn xộn" này.
Càng không thể kể với chị ba , chị Tư, mấy chị này thế nào cũng làm um sùm lên, rồi kể lể lung tung tới tai má tôi, chuyện đã rối, càng thêm rối.
Cuối cùng chỉ còn có anh Năm, sinh trước tôi 3 năm, mẹ nói anh tuổi con mèo, mà mèo đẻ về đêm, lúc 10 giờ đêm, nên mèo hoang lắm. Chị dâu của tôi sau này nghe chuyện cứ thở dài sườn sượt:
- Tại má không cho con hay trước ảnh là con mèo đêm.
- Biết trước rồi sao? - anh tôi hất hàm hỏi.
- Biết trước thì em không lấy anh, hoặc lấy rồi thì không đẻ con gái, kẻo nó gánh tội cho cha nó, đời cha ăn mặn, đời con gái khát nước.
Mỗi lần nghe tới đó là anh Năm sạm mặt lại. Anh biết chị Năm nói xa gần chuyện gì. Anh Năm đã có lần đi hoang sau khi đã lập gia đình, lần đó anh gặp lại chị Nghi. Chị Nghi là người yêu đầu tiên của anh tôi, lúc hai người còn học chung lớp đại học, dạo đó hai người quấn quít nhau lắm, ai cũng tưởng là cưới tới nơi. Đùng một cái, anh tôi bỏ chị Nghi, bỏ đột ngột, chia tay dứt khoát làm chị Nghi khóc ngược khóc xuôi mấy tháng trời. Đàn ông đúng là thứ bạc tình! Dạo đó tôi cũng giận anh Năm vì thương chị Nghi, chị Nghi đẹp lắm, đẹp nhất trong mấy người con gái anh thương, người nhỏ xíu, mỏng mảnh, tóc và lông mày đen nhánh, con mắt cũng đen nhánh như trẻ thơ, eo , hông đều nhỏ xíu vừa một tay ôm thôi, hai tay ôm thì rộng. Cũng vì lý do đó mà anh Năm bỏ rơi chị Nghi, lần đầu gặp má tôi chỉ nói một câu: con nhỏ ốm yếu xanh xao quá, sợ không đẻ con được. Vậy thôi. Sau khi chia tay được một năm, thì anh tôi cưới chị Năm, chị cũng giống chị Nghi y khuôn, chỉ được cái tròn trịa, nẩy nở hơn. Sau khi có đứa con gái, anh Năm tình cờ gặp lại chị Nghi trong bệnh viện, chị ấy bị bệnh ung thư đến thời kỳ cuối, chỉ sống được vài tháng nữa. Anh đã bỏ nhà đi, ở bên cạnh chị Nghi ba tháng cho đến lúc chị qua đời.
Chị Năm đau đớn lặng thầm vì chuyện này lắm, đau khổ mà không dám nói ra, mỗi ngày chị mỗi héo hắt đi. Mẹ tôi nghe chuyện chỉ thở hắt một câu:
- Thì người ta chết rồi còn đâu!
- Người chết mới đáng sợ. Người ta chỉ nhớ thứ gì mình không bao giờ có được thôi má à!- chị Năm cúi đầu cay đắng.

Vậy là tôi kể hết chuyện với anh Năm. Anh ngồi im lặng, nhìn tôi trân trân, tôi thè lưỡi, sợ anh sẽ nói: "Ai biểu mày thày lay, gọi điện thoại giùm ba làm chi?"
Nhưng anh chỉ thở nhè nhẹ:
- Chuyện 30 năm rồi mà, ai dè ba còn nặng lòng quá vậy!
- Sao em không nhớ gì chuyện này!
- Lúc đó em nhỏ quá biết gì mà nhớ!
Tôi nhớ chứ sao không nhớ, nhưng ký ức chỉ như dòng sông chảy siết và rối rắm. Tôi nhớ má tôi nuôi dì út trong nhà từ nhỏ, tôi nhớ dì út da trắng, mặt hay cười ngồ ngộ. Rồi bất ngờ dì út bỏ đi đâu không rõ, sau đó tôi chẳng bao giờ gặp lại dì út nữa, mà cả nhà cũng không ai dám nhắc đến tên dì út. Dần rồi tôi cũng quên rằng má còn có một cô em út không chồng , chúng tôi cũng không ai nhắc mình còn có một bà dì ế chồng ở vậy đến già. Cho đến ngày hôm qua, trở về lại quê ngoại.

- Giờ em làm sao đây anh Năm? Má biết chuyện này là em chết, mà còn xảy ra vào ngày Tình Nhân nữa chứ!
- Không phải ngày Tình Nhân. Ngày Tình yêu- anh Năm tôi chau mày gắt nhẹ- là ngày Tình yêu, nhớ chưa! Không có ngày nào cho Tình Nhân, chỉ có ngày cho Tình yêu. Có thể không là tình nhân, nhưng tình yêu thì không ai bỏ được.
Rồi anh nói trước khi quay lưng đi:
- Chuyện này để anh lo, anh biết phải nói gì với má.

Tôi nhìn theo anh đi, cái lưng còng xuống, tóc trên đỉnh đầu chưa gì đã lốm đốm bạc. Chợt nhớ lời của chị Năm, nhớ cái cách chị vừa nói, vừa cúi gằm đầu đau đớn lắm:
- Người được thương nhớ hoài là người mãi mãi không bao giờ thuộc về mình. Khi người ta đã có một hình bóng trong tim rồi, thì người ở một bên sẽ biến thành cái bóng.
Phải như thế không? Tình yêu là gì mà ray rứt tâm hồn người ta như thế? Sao người ta không biết nâng niu quý trọng một người cả cuộc đời sống bên cạnh mình, bỏ cả năm tháng tuổi trẻ, thanh xuân, dành cho riêng mình, dâng cho mình đam mê tận tụy, âu yếm và chờ đợi không bao giờ mong đền đáp lại? Có phải con người chỉ mãi tiếc nuối những gì không có được trong tay, mà không nhận thấy một con tim đau đớn phập phồng thon thót nhịp đập vì mình ngày này qua tháng khác?
Có phải tình yêu chỉ là thứ vô thường, đỏng đảnh, chua chát vậy không?

UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99244)
Về Mùa biển động... V ới đôi mắt tinh tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước... Là nhân chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên 70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản, thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ.. .
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 96693)
Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây". ( Tha hương , Văn Nghệ xuất bản 1989, trang 1849). Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Mùa biển động.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 72459)
M ùa biển động tập 5, Tha hương là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc «đổi đời» tháng 4-1975.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85787)
H ồi xưa, mẹ tôi thường theo mùa mà gọi những người đàn bà bán hàng rong vào nhà để mua hàng của họ. Mùa sen, mẹ tôi mua sen để lấy nhụy ướp trà, mùa cà cuống, mùa cốm, mùa sắn dây…
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 92133)
T ôi có thể kể một câu chuyện giống như diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Tất nhiên điều đó không có hại gì cho sự nghiệp văn chương của tôi. Trừ phi tôi muốn dây dưa bằng những thứ ì xèo người ta gọi là vạ miệng. Con chữ giết người. Sự sứt mẻ tinh thần đem đến những mớ bòng bòng rắc rối. Và họa vô đơn chí sẽ có một vài kẻ bắt vạ không lương thiện. Họ làm tổn thương tâm hồn nhà văn của tôi.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 88024)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 91066)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 78242)
Một phóng sự ngắn về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa ra đi trong sự tiếc thương của bằng hữu. Mời quý vị theo dõi trong phóng sự sau đây  (video 3 phút).
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 100195)
V ì người tụng một thời Kinh Tôi đi rước nắng về in hiên trời Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà...
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85163)
T ừ xưa tới nay chúng ta cứ nghĩ rằng sở dĩ con người biết đọc là vì i biết nói, nghĩa là biết tạo ra ngôn từ và phát biểu - còn thú vật vốn không biết nói thì làm sao biết đọc cho được. Thế mà các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm khoa tâm lí và khả năng nhận thức gọi là laboratoire de la psychologie cognitive thuộc trung tâm nói trên, chỉ sau một tháng rưỡi trời khảo sát, đà có thể phủ định điều mà chúng ta hằng tin chắc, khẳng định ngược lại rằng loài vượn babouin tuy không biết nói nhưng biết đọc hẳn hòi.