- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGÂU

19 Tháng Mười Hai 20189:44 CH(Xem: 22002)


Tuong - ảnh Nguyen Hoang Nam
Tượng - ảnh Nguyễn Hoàng Nam

Bắt đầu những ngày mưa rã rích, hay chỉ là lớt phớt ẩm ướt, giữa màu trời xám chì sũng nước, là khoảng thời gian chộn rộn nhất.

Của tháng 7.

Của mùa ngâu.

Không kể người lớn bận rộn, con nít cũng tíu tít. Bắt đầu từ mùng 5 tháng 7, đã nghe theo hơi mưa mà hối hả trông ngâu về.

 

Đi học về, chưa kịp tụt quai giày sandal, đã túm vội tóc loe hoe đuôi gà, chạy tót vào bếp. Từ đó bốc lên mùi thơm của cháo hoa, cùa xôi vò, của gà luộc, của đậu phộng nấu, của khoai lùi, của mè rang, của bắp ngô non luộc chín tới, của củ mì hấp dừa, rồi kẹo lạc, kẹo gừng, cốm ngào đường trộn gừng xắc lát, nào chuối luộc, nào mía cây, nào cóc chín, ... trăm thứ quà bánh thường ngày của trẻ em, nay ngập tràn trên mâm, trên khay, trên bàn, vừa chỉnh chu, nghiêm túc, vừa nho nhỏ, vui rộn, đầy màu sắc như trò chơi trẻ con. Gà thì ngậm hoa hồng, hoa thọ vào mỏ, Xôi nếp thì nắm chim chim thôi, càng nhỏ, càng vừa khéo trong lòng bàn tay, mà là bàn tay trẻ con càng tốt. Cháo hoa thì nấu thật loãng lênh, chỉ thấy gạo tẻ nở bung như hoa trắng, lục sục sôi trên bếp than đỏ hầm, rồi múc ra chỉ một muôi vừa đầy gọn trong chiếc lá đa, rồi lá đa cháo lúp xúp bày biện ra khắp các gốc cây, bụi bờ quanh nhà, nơi những linh hồn cô đơn vật vờ từ đầu tháng 7 đã đi lang thang ngóng chờ cháo thí.

 

Thì chỉ có thế, bà nói cô hồn là đấy, không nơi nương tựa, không ai cúng giỗ, quanh nặm đói khát, chỉ chực chờ một mùa ngâu khi Qủy môn quan mở rộng cửa thì túa bay lên chốn dương trần " Sống thì nhờ miếng cơm, tấm áo. Thác lại nhờ hớp cháo lá đa”.

 

Với lũ trẻ nít, thì đâu chỉ có thế, lại phải hì hục, mắm môi, vùi đầu vào cắt, dán, vẽ, chồng giấy tiền, vàng mã, áo xống, cái nào cũng nho nhỏ như đồ trẻ chơi, cái nào cũng đơn giản, cổ tròn, vạt ngắn, ống quần vừa xắn, vừa loe, màu thì chỉ vàng hoặc xám. Áo quần cho thập loại chúng sinh nên không cần cầu kỳ lòe loẹt làm gì, cũng không cần đủ kiểu cọ lệ bộ, chỉ càng nhiều càng tốt, càng đông càng tốt. Mà phải cẩn thận nhé, cắt xếp ra từng bộ, không để nhàu nhỉ, không để rách, cũng không rúm ró. Cả năm cô hồn chỉ có nhận được một bộ áo quần lành lặn, không thể cẩu thả mà được.

 

Mẹ nói làm chi cũng phải để cả tấm lòng vào đó. Dù là ngày "Ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy", thì cũng phải tùng tiệm mà tinh tươm.

 

Sau cùng, chiếc lò đốt vàng mã cũng được khuân ra, thân lò thì vàng chóe mà lại ám khói xám đen, miệng lò loe rộng ra cho dễ nuốt giấy tiền, mà lại thông được khói un và lửa xém. Mâm cúng cũng được bày biện ngoài sân vườn. Cổng vườn thì khép hờ, vừa phải, chỉ cho trẻ con đang lấp ló xếp hàng mắt liếc mày la lém nhìn qua gai rào, thấy được 3 mâm đồ ăn tú hụ, sắp xếp không lớp lang thứ tự ngổn ngang, tràn lan mà đầy ắm mùi thơm màu sắc. Nhà khá mới có thể cúng thí thực được như thế.

 

Chỉ việc trông chừng trẻ em cướp mâm thôi cũng có việc cho lũ trẻ con trong nhà nơm nớp bồn chồn. Có lúc nhang vừa được cắm trong bát muối gạo, chưa kịp bắt gió hanh hao mà cháy đều, thì cửa rào đã đổ sập. Lũ trẻ ngoài rào ùa vào, trong tích tắc, 3 mâm đã rào rào tuôn vào bị cói hay nhanh tay thì đứa to con bậm trợn nhất đám đã khuân trọn mâm chạy mất biến, rồi sau đó len lén trả lại mâm không chỏng chơ ngoài bờ rào vào buổi chiều. Cúng cô hồn là thế, có bực mấy cũng phải đứng chịu nhìn mà cười trừ thôi.

 

Vậy mà vui, chỉ sợ nhất những ngày mưa tháng 7 buồn rã rích, mâm cúng để chỏng chơ từ giờ trưa đến xế chiều, rồi phải mang ra gốc đa mà để bỏ, hoặc chia từng túi nhỏ mang đi cho, vì tục lệ thức ăn cúng thí thực thì phải tán lộc, chẳng ai mang lại vào nhà. Những năm đó là năm ma buồn, bà chắt lưỡi, ma cũng chẳng thèm tranh ăn. Những năm ma vui, chưa tàn nhang cúng, trẻ em đã hò reo giựt tung toe đến sập cổng rào, là năm ma no, ma hớn hở, thì người sẽ được an và yên. 

 

Thế là xong phần cúng thí thực, bà thì lên chùa, ba má hỉ hả đi nghỉ sớm. Chiều chạng vạng, Ngà ghé nhà, xoa đầu bé:

- Em đã cúng cô hồn rồi à? Thế có biết khấn vái đúng bài không? 

- Đúng bài là thế nào Ngà? 

- Là thế này, mời có bài có kệ hẳn hoi, cô hồn thập đại cúng sanh mới về chứng cho chứ:

 

"Cô hồn nam bắc đông tây

Trẻ già trai gái về đây họp đoàn

Dù rằng: chết uổng, chết oan

Chết vì nghiện hút chết tham làm giàu

Chết tai nạn, chết ốm đau

Chết đâm chết chém chết đánh nhau tiền tình

Chết bom đạn, chết đao binh

Chết vì chó dại, chết đuối, chết vì sinh sản giống nòi

Chết vì sét đánh giữa trời

Nay nghe tín chủ thỉnh mời

Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau"

 

- Hay quá nhỉ? 

- Chiều nay có đi xem tuồng không? Còn nhiều thứ hay hơn nữa đấy!

 

Xem tuồng à? Đi ngay chứ! Năm nào sau rằm tháng Bảy mà chẳng có diễn tuồng.

Sân tuồng chỉ dựng dưới gốc cây đa, trong sân đình. Sân khấu chỉ tấm phông vải màn chăn ra sơ sài giữa hai cây tre làm cột. Nhưng phải đợi đêm trăng sáng, nếu trăng lu hay bị quầng, bị tán báo hiệu năm hạn hoặc năm mưa, sân khấu lại phải nhờ ánh đuốc củi cao su, hay thân tre lồ ô, cháy lép bép ra lửa ngọn, sau này có nến to, mới có thể diển được tuồng. 

 

Sau khi lũ con nít đã ngồi bẹp ra đầy cái sân gạch tàu, người lớn thì lố nhố phía sau, trên ghế đẩu, hoặc ghế xếp, trên tay còn cầm theo quạt mo, quạt nan phe phẩy, gặp phải mưa lâm thâm rỉ rả, thì còn có thể che được đầu, thì tuồng bắt đầu mở màn.

 

Sau lớp phông màn trắng, hai hình nhân khệnh khạng chống tay vào hông đi ra, chiếc bóng lúc to lúc nhỏ, lúc nghiêng ngã, lúc thẳng tắp, oai vệ ca lời mở đầu:

 

" Tiết tháng 7 sắp thu phân

Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà

Âm cung mở cửa ngục ra

Vong linh không cửa không nhà..."

 

 

Thường khi ca đến đây, cỏ cây nghiêng ngã, gió heo may đâu rẻo rúc xòa qua rặng đa, trút một bầu hơi nước ẫm rượt vào không gian, nghe vừa lành lạnh, vừa gây gây, tưởng như đâu trong hơi ẩm mờ mịt ấy, có cả hàng vạn đoàn người rũ rượi, rách rưới, lang thang, vật vờ cùng về trên ngọn cây mà lặng ngồi nghe câu hát.

 

Vở mở màn bao giờ cũng là tích đức Mục Kiền Liên đem cơm xuống tận Qủy Môn quan dâng mẹ là bà Thanh đề. Bao giờ cũng thế, khi hình nộm chiếc bóng của bà Thanh đề đưa bát cơm lên tận miệng, là lúc lửa đỏ từ ngọn đuốc lồ ô xóe tới phụt ra từ trong miệng bà Thanh đề, sáng lóa cả màn hình, mọi người nhau nhau ồ lên, chen tiếng thở dài thương xót. Rồi sau đó cả bầy Ngạ quỷ hình thù nhăn nheo, xộc xệch bắt đầu ùa ra nhảy múa loạn xạ trên màn vải trắng, lôi xềnh xệch hình nhân vẹo vọ của bà Thanh đề vào trong vạc dầu, lũ con nít thét lên bấu vào nhau, vừa sợ hãi, vừa thích thú. Cũng là lúc tiếng kinh kệ, gõ mõ trầm đục loang đầy trong không gian báo hiệu tuồng tích mở đầu cho lễ Vu lan kết thúc.

 

Em thích sự tích thứ hai hơn. Dù năm nào cũng chỉ có ngần ấy tuồng bóng, chỉ có hai vở ruột, đến trẻ con cũng thuộc nằm lòng. Nhưng bao giờ mọi người cũng mong đợi đến vở thứ hai, tuồng "Chuyện Ngưu Lang Chức Nữ" mà em chỉ quen gọi "Ông Ngâu bà Ngâu" để mà được sụt sùi, bỗi hỗi.

 

Bỗi hỗi từ cảnh đầu khi chàng Ngưu cưỡi trâu thong thả lững thững đi ra từ bên trái màn hình, trên tay là ống tiêu bằng trúc thổi vang lừng khúc nhạc ngọt ngào tiêu nhã, cho đến lúc Nàng Chức nữ nghiêng nghiêng bên khung lụa, mái tóc dài đen mướt thả chảy trôi một dòng. Sụt sùi từ lúc hai hình ảnh đó trên sân khấu bị tách ra, đẩy dần đến cuối mép của màn lụa trắng, mà bốn bàn tay chới với đặc tả không thể rời nhau, cho đến khi mưa rĩ rã trút xuống khắp dãy Ngân hà. Cả đến lúc hai người từ từ lướt qua chiếc cầu Ô thước, do bầy chim quạ trọc đầu, nhau nhau ngóc mõ bắt thành cầu, gặp nhau rồi, ôm nhau trong vòng tay của nhau rồi mà khán giả bên dưới vẫn chưa nguôi cơn sụt sùi nức nở.

 

"Sông Ngân nước chảy hững hờ 

Ngưu Lang ngồi khóc bên bờ sông Ngân 

Một nǎm gặp được mấy lần! 

Anh khổ vô ngần Chức Nữ em ơi! "

 

 

Có hôm em vừa quẹt mắt lấm lem, vừa chùi ra sau màn sân khấu, để xem cảnh ông Ngâu và bà Ngâu gặp nhau thật như thế nào, thì bắt gặp anh Ngà và chị Nguyệt, hai người hai tay cầm một hình nhân ông Ngâu, bà Ngâu, xáp vào nhau giơ lên cao trên màn hình, bên dưới hai người mãi miết chúi đầu cắn vào môi nhau.

 

Lúc đó em đã ù té chạy. Và từ đó về sau không bao giờ thích xem tuồng ngày rằm Vu Lan nữa.

 

Sau ngày bà em mất, cả nhà dọn lên Sài gòn lập nghiệp, không còn có dịp về lại quê. Nghe đâu anh Ngà chị Nguyệt cuối cùng chẳng thành đôi, chị Nguyệt lên thành phố làm người ở, thế nào lại lấy ngay ông chủ nhà. Anh Ngà đi làm thợ hồ, vẫn sống độc thân có ý chờ chị Nguyệt cho đến ngày anh ấy bị lao phổi mà chết cô đơn.

 

Mỗi ngày rằm tháng Bảy, ở thành phố không còn ai cúng cô hồn đình đám như xưa. Nhưng dù thế nào chiều chạng vạng, em vẫn một mình lén chui vào buồng ngủ, mở cửa sổ, đứng sau chấn song, cầm hai con hình nhân ông Ngâu, Bà Ngâu xưa đưa lên cao, cho 2 người xáp vào nhau giữa khi mưa trời tuôn ngoài kia rấm rứt, dào dạt. 

 

Mỗi năm chỉ có 1 lần, phải cho hai người gặp nhau, anh Ngà nhỉ?

 

"Sông Ngân nước chảy hững hờ 

Ngưu Lang ngồi khóc bên bờ sông Ngân"  

 

 

 Uyên Lê

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 78328)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 100343)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 81271)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 192227)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 84773)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 114740)
Đ êm Sài Gòn đứng đường bơ vơ Dòng người mênh mang không ngày yên lặng Còn con đường nào cho em Mộng mơ là trò chơi xa xỉ
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 84758)
III. TUYÊN CÁO CHUNG 16/6/1963: Do áp lực Mỹ, từ giữa tháng 5/1963, Diệm đã gặp lãnh tụ Phật Giáo để thảo luận về 5 đòi hỏi ngày 10/5. Tuy nhiên, chế độ chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc tranh đấu.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 96373)
IV. GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY: Sau khi Nolting rời Việt Nam, anh em Diệm-Nhu quyết chào đón tân Đại sứ Lodge bằng vài món quà ngoạn mục. Hai món quà lớn nhất là cuộc tổng tấn công các chùa trên toàn quốc và công khai tiếp xúc với sứ giả Hà Nội.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 92828)
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa hoàn toàn giải mật, và số người được tiếp cận tư liệu văn khố Đệ nhất Cộng Hòa không nhiều.
05 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 100390)
( Người sống sót từ trận bom nguyên tử Hiroshima: Bà Tomiko Matsumoto ) LTS: Trần Huyền Sâm sinh năm 1973, hiện là Giảng viên Khoa văn trường Đại học Sư phạm Huế. Tác giả cuốn Tiếng nói thi ca (Nxb Văn học, 2002), giải thưởng Hội nhà văn Thừa thiên Huế 2003, và cuốn Lý luận văn học phương Tây - Tự sự học kinh điển (Nxb Văn học, 2010). Lần đầu tiên cộng tác với Hợp lưu.