- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÀI THƠ CHO THÁNG MƯỜI

22 Tháng Mười 201810:18 CH(Xem: 23574)


dalat10- photo UL
Bềnh Bồng - ảnh UL



Bài thơ cho tháng mười

Trời tháng mười nắng mưa giễu cợt
Nắng nghiêng vai mà mưa rớt lưng chừng
Ta bỗng nhớ lâu rồi mình không khóc
Vậy mà hôm qua nức nở với người dưng

Tháng mười ta mang thân lang bạt
Bàn chân sao mệt mỏi đến tận cùng
Như mây trắng bay hoài bay suốt kiếp
Toạc gót mà không biết lúc nào ngưng

Đôi khi so sánh mình thua cây cỏ
Mặc bão giông vẫn đứng mĩm cười
Ta mặc cảm cuộc đời ở trọ
Mà trần gian một quán trọ đấy thôi

Cứ loanh quanh cơm đình cháo chợ
Cứ rong rêu xuôi ngược hết nửa đời
Cả câu thơ cũng buồn như con ở
Ta gieo vần lạc đến tận mây trôi

Tháng mười ta gạ lòng sư sải
Gióng giùm ta mấy tiếng hồng chung
Sớt cho ta chén cơm hoa từ ái
Ngăn lại giùm giọt lệ đã rưng rưng

Nguyễn thị Bạch Vân

 


Tối thứ bảy trời mưa


Tình người nhẹ hề như chiếc lá
Một sớm chiều rơi giữa phố đông
Tình ta nặng hề như sỏi đá
Cả một đời chìm ở đáy sông

Ta chất buồn lên con thuyền giấy
Thả xuôi theo con nước giữa dòng
Rồi an nhiên giữa đời thị hiện
Mở lòng... độ lượng với bao dung

Lá ơi bao nhiêu lần lá rụng
Sỏi đá nằm lạnh lẽo biết gì không
Có biết thu tàn hay thu đến
Chỉ ngậm ngùi buốt giá một mùa đông

Ta đi nhặt loanh quanh xuân cạn
Ướm vào trong máu chảy trong thân
Xin cúi đầu hôn bàn tay nhỏ bé
Tạ đôi chân đã dẫn bước đời trần

Nguyễn thị Bạch Vân

 

Sáng ra chợ

Sáng trên đường ra chợ
Tôi nhặt một câu thơ
Dấm dúi vào tâm thất
Mà buồn đến bây giờ

Trên đường đi lên núi
Muốn cạo đầu lại thôi
Cái nghiệp đời còn bám
Tu như thể tu mồi

Tâm nửa đi nửa ở
Mà thân đã định nơi
Bao nhiêu năm ương dở
Cũng một kiếp con người

Sáng trên đường ra chợ
Tôi không nhặt được đời

Nguyễn thị Bạch Vân

 

Gió sang mùa

Biết còn kịp cho tôi nữa không
Ngoài kia ai áo đỏ áo hồng
Tôi xếp lại hành trang ngay ngắn
Khoác lên thân một vạt nâu sòng

Phố xá chiều nay như đám ma
Mưa chập chùng chẳng thấy ai qua
Tôi ngồi xếp chân trì đại chú
Thấy lòng mình như những cội hoa

Tôi ném sầu bi xa rất xa
Mỗi bước chân một niệm di đà
Ngoài hiên trước lá rơi từng lá
Trong lòng mình rụng một Thích Ca

Cất ở trong ngăn chuyện nắng mưa
Những cơ cầu đi sớm về trưa
Giũ áo phong sương đời đã mỏi
Ngồi xuống đây nghe gió sang mùa

Nguyễn thị Bạch Vân

 

Chiều rơi

Tôi bây giờ đi đâu
Sông nước chảy qua cầu
Đám lục bình tim tím
Ngơ ngác buồn như nhau

Con dốc cuối mù sương
Với mưa nắng vô thường
Mùa tóc xanh tóc bạc
Khóc cười với phấn hương

Loanh quanh đời mệt mỏi
Chân qua suối qua đồi
Thức ngủ cùng duyên phận
Trầy xước với đơn côi

Một ước mơ đơn giản
Là được sống bình an
Hồn tan vào mây gió
Biền biệt cõi đại ngàn

Tôi bây giờ ra sao
Huyệt mộ dắt tôi vào

Nguyễn thị Bạch Vân

( Bình Thuận buổi sáng 12-10-2018)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 20149:44 CH(Xem: 30705)
“Hoàng Ngọc Thư nói về con đường văn chương chữ nghĩa của chị, cùng những nhận xét, đánh giá của hai nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn về tác phẩm của Hoàng Ngọc Thư.” (SBS)
23 Tháng Chín 20149:32 CH(Xem: 30139)
"Đến Úc lúc mới 15 tuổi, Hoàng Ngọc Thư là cây bút thuộc thế hệ 1,5, sớm chứng tỏ tài năng và đặc biệt nỗi bật với những bài thơ, những truyện ngắn, tùy bút đậm màu sắc chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, mảnh đất chưa có nhiều nhà văn Việt Nam khai phá." (SBS)
23 Tháng Chín 20141:06 CH(Xem: 31220)
Chiều nghiêng, nghiêng sầu xuống đầy Ngồi hong sợi tóc ru tình ngủ say Một mai tình úa mộng phai Em nghiêng áo lệch ngồi hong lệ người
22 Tháng Chín 20142:00 SA(Xem: 32529)
Hiện nay con người gần như không đủ kiên nhẫn cho những cái gì hơi cũ và dài dòng. Tuy nhiên, nếu thưởng thức thơ mà bạn bảo rằng không có nhiều thì giờ thì thật tội nghiệp cho thơ...Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những bài thơ tiêu biểu của Ngô Đại Nguyên đến với quí bạn đọc và văn hữu của Hợp Lưu.
22 Tháng Chín 20141:40 SA(Xem: 33690)
Hàng phi lao run rẩy dưới ánh trăng. Loáng thoáng hai dấu giày hằn rõ trên cát. Đặng Lân bật dậy, hú xé màn đêm như con sói cô độc. Xẻng và đá dội lên không trung những âm thanh khô khốc. Lân điên dại, hoang dã…đào mộ. Thúy hốt hoảng chạy đến, dừng tay anh… Nhìn tấm bia, rùng mình, Lân nhớ năm Kỷ Dậu.
20 Tháng Chín 20145:29 SA(Xem: 31561)
Trong số 26 con đập dòng chính Sông Mekong, thì Noạ Trát Độ / Nuozhadu 5,850 MW trên Vân Nam là con đập lớn nhất, và Don Sahong 260 MW là con đập nhỏ và quan trọng nhất thuộc địa phận Nam Lào (không kể tới Thakho Diversion, cũng của Lào, 50 MW được bảo trở bởi CNR & EDL). Bài viết là một phân tích về hai thái cực của sự huỷ hoại: từ con đập lớn nhất tới con đập nhỏ nhất trên toàn hệ sinh thái Sông Mekong.
20 Tháng Chín 20145:03 SA(Xem: 32258)
Trong đám anh em thúc bá, chỉ có mình tôi được học ở Hà Nội. Tôi học trường tiểu học Nguyễn Du, gọi nôm na là trường Hàng Vôi. Bà tôi hãnh diện lắm vì có thằng cháu học trường công nơi đất ngàn năm văn vật. Bà thường khen tôi thông minh, sáng dạ. Bà lấy ngón tay dí vào trán tôi: - Cái trán này này!… Mai sau thế nào cũng đỗ ông Nghè, ông Cống nuôi bà.
20 Tháng Chín 20144:30 SA(Xem: 36393)
Một người ngồi trong ghế bành trích từ tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, nxb Sóng, Sàigòn, 1974. Đặc điểm của truyện ngắn này là xây dựng trên đối thoại nhân vật trong một không khí Tây phương xám lạnh dưới trần mưa ám khói thuốc, và cách dứt truyện đột ngột. Truyện mang khí hậu riêng của những quán hầm lạnh lẽo và ảm đạm. . trong cùng tập truyện... [Trần Vũ]
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 34103)
tôi thường nhớ rất viễn vông sớm nay đặc biệt nhớ ông thôi à nhớ nụ cười nhẹ như là có mang hương của loài hoa thân tình
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 36504)
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng...Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo…