- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÊN NÀY THÌ VUI HƠN BÊN KIA

12 Tháng Mười 20187:27 CH(Xem: 24346)

nguyen thi hau
Nhà văn Nguyễn Thị Hậu




Trên con đường dẫn ra ngoại ô của thành phố P. có một đoạn đường mà bên kia là nhà tù còn bên này có một khách sạn nhỏ và quán cà phê.

 

Nhà tù ngăn cách với bên ngoài bằng bức tường gạch không cao lắm nhưng chắc chắn, phía trên không có những vòng thép gai hay mảnh thủy tinh như thường thấy ở nhiều nhà tù khác. Góc hai bức tường gặp nhau là một “cổng giả” hình vòm cuốn, phía trên có dòng chữ “Nhà tù trung tâm” bằng kiểu chữ nghiêm ngắn màu xám, sự khác biệt duy nhất trên bức tường dài màu nâu sẫm cho biết chức năng của các tòa nhà bên trong mà mới nhìn trông giống như một chung cư bình dân.

 

Khách sạn là tòa nhà cũ có 3 tầng, những cửa sổ bằng gỗ sơn màu xanh cũ kỹ nhưng sạch sẽ, luôn rộng mở, cửa kính trong veo phất phơ rèm trắng, chậu hoa tươi tắn trên bệ cửa sổ. Tầng trệt là quán cà phê cũng là sảnh khách sạn. Dưới bảng hiệu có dòng chữ trình bày kiểu cọ vui mắt “Bên này thì vui hơn bên kia”. Ai đi qua nhìn thấy mấy chữ này cũng phải mỉm cười, ờ thì đúng rồi... Không biết nhà tù và quán cà phê cái nào có trước, chỉ biết là cả hai đã hiện diện từ khi nơi này còn là một làng nhỏ giữa cánh rừng thưa, xe ngựa đi gần ngày đường mới tới trung tâm thành phố. Nhưng khách sạn thì chỉ có khi một sân bay được xây gần đó.

 

Dân cư quanh vùng đã quen với cổng nhà tù có con đường nhỏ thỉnh thoảng vài chiếc xe bịt bùng ra vào. Nhìn vào chỉ thấy barie trạm gác, vườn hoa và hàng cây cao vút, xa hơn là những ô cửa sổ của mấy dãy nhà nhiều tầng mỗi tối sáng đèn đến khoảng 9g thì đồng loạt tắt. Xung quanh, bên ngoài bức tường là con đường nhỏ xanh mát, hàng ngày người lớn trẻ nhỏ vẫn đi lại trên vỉa hè, chiều tối dưới lòng đường hàng dài xe hơi đậu qua đêm. Thỉnh thoảng một nhóm hoặc vài người mặc thường phục từ phía trong đi ra. Qua khỏi cổng họ ôm hôn nhau và chia tay. Có người được người thân đến đón bằng xe hơi nhưng phần lớn bọn họ đi đến bến xe bus gần đó hoặc đi xa hơn đến ga metro, họ tách ra đi một mình, lơ đãng ngắm nhìn đường phố hoặc cắm cúi đi nhanh. Sau vài phút lao xao nơi này trở lại yên tĩnh.

 

Một buổi sáng có một người từ cổng nhà tù đi ra, đứng tần ngần ở cổng rồi chậm rãi đi ngược qua bên kia đường. Đó là người đàn ông nhìn qua khó đoán tuổi, vóc dáng cao ráo, mái tóc bạc trắng nhưng gương mặt còn khá tinh nhanh, có lẽ ông chưa đến tuổi 60. Trong bộ quần áo vừa vặn, còn mới, là mode của khoảng mươi năm trước, ông bước vào quán cà phê bằng bước chân nhẹ nhàng có gì đấy đầy cẩn trọng. Đến bên chiếc bàn cạnh cửa sổ, trong tích tắc ông quyết định ngồi xuống chiếc ghế nhìn về phía cửa. Ông gọi một tách cà phê, mở tờ báo ai đó để trên bàn ra đọc... Khi cà phê được mang đến, ông ngẩng lên nhìn quanh rồi dừng lại ở chiếc đồng hồ treo phía sau quầy hàng.

 

Trên tay ông không đeo đồng hồ như nhiều người đàn ông khác, cũng không thấy ông có điện thoại như mọi người bây giờ. Ông chăm chú nhìn chiếc đồng hồ cổ đang tích tắc với con lắc đong đưa đều đặn, vẻ mặt thoáng buồn... Chậm rãi uống cà phê, ông cầm miếng đường nhỏ ngắm nghía rồi bỏ vào miệng, ngậm một chút và nhai ngon lành như một cậu bé. Nụ cười thoáng qua làm ông trẻ hẳn ra. Tách cà phê đã hết, tờ báo cũng đã được đọc đi đọc lại... Như đã quen với những vị khách như thế, người phục vụ mang đến một tờ tạp chí và chai nước lạnh. Ông khẽ cám ơn và lại chăm chú đọc...

 

Thời gian chậm chạp trôi qua... quán cà phê có khách rồi lại vắng khách. Người đàn ông vẫn ngồi đọc tờ tạp chí mà không ngẩng lên lần nào như không muốn ai nhìn thấy mình. Khi chiếc đồng hồ buông tiếng chuông báo 12 giờ người khách giật mình dợm đứng dậy, nhưng cũng rất nhanh ông sựng lại, ngồi yên trên ghế, hai tay ông từ từ ôm lấy mặt như bị một cơn choáng bất ngờ. Đây là tiếng chuông ông đã chờ đợi nhiều năm… ngay lúc đó một người phụ nữ bước vào quán cà phê.

 

Người phụ nữ đứng tuổi thân hình mảnh mai, nước da hơi khô phủ một lớp phấn mỏng để che bớt gương mặt xanh xao. Mái tóc xoăn xoăn trước trán, đôi mắt to đượm buồn còn giữ được nét đẹp của thời thanh xuân. Chị bước nhanh về phía ông gần như nhận ngay ra ông, và lao vào vòng tay ông khi ấy vừa kịp đứng lên.

 

Họ ngồi đối diện, im lặng, tay đan vào nhau. Ông hôn mãi những ngón tay gầy của chị. Còn chị cứ áp bàn tay ông vào đôi má nóng bừng như đang sốt của mình... Rất lâu, họ vẫn không nói gì. Rồi đồng hồ điểm chuông... rồi lại vội vã điểm chuông. Chị chợt tỉnh, chậm rãi đứng lên như hết hơi hết sức... Ông bước đến ôm siết đôi vai chị đang run lên rồi gần như ông đẩy chị ra khỏi vòng tay mình và ngồi phịch xuống ghế, quay đầu nhìn ra cửa sổ. Ngoài đó... một chiếc xe hơi vừa lướt qua. Trưa tháng bảy nắng đến nhòa mắt...

 

Đến lúc cũng phải đi thôi. Qua quầy hàng ông nghiêng mình cám ơn một cách trịnh trọng và tự nhiên như một quý ông... Đứng dưới bảng hiệu quán cà phê “Bên này thì vui hơn bên kia” ông nhìn sang “Nhà tù trung tâm”. Có lẽ phải ngược lại mới đúng. “Bên kia” là nơi ông đã gửi lại gần cả cuộc đời nhưng “bên này” lại là nơi tuổi trẻ vừa rời xa ông, mãi mãi...

 

***

Tôi được nghe chính người phục vụ quán cà phê kể câu chuyện này trong lần đến P. vừa rồi. Bây giờ anh không còn làm ở đấy nữa, quán cà phê và khách sạn đã đóng cửa. “Bên này” đang xây dựng một siêu thị nhưng nhà tù thì vẫn ở “bên kia”.

Thật thế, anh nói, chẳng biết bên nào vui hơn... Khi hiện diện trong cuộc đời này là chúng ta đã ở trong một thế giới cũng chật hẹp và nhiều ràng buộc như phía “bên kia”. Chỉ khi nào số phận đã “hết hạn” ta sẽ trở về một nơi nào đó, như “bên này”... Biết đâu sẽ vui hơn…

NGUYỄN THỊ HẬU

Sài Gòn ngày 18.8.2018
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33787)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33858)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31132)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30886)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31069)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31768)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 32464)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34438)
Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.(TCHL)
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35283)
C ánh tay tôi rơi dài bên tôi, tựa tiếng thở sâu từ ngàn năm trước. Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dồn dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Nước sông Hồng mùa đông cạn ráo. Dầu cho Hồ Tây tràn nước ra đường, sương mù dăng trắng thành phố. Không khí ẩm ướt đọng thành vũng trong những ngôi nhà phố cổ. Không ai, không gì biết đến sự tồn tại của tôi. Đồng loã cùng thân thể mát thơm, uốn dẻo và trái tim hỗn mang của tôi là màu đêm tối.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34471)
Tôi xô nó ra nói thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngữa ra nền xi-măng. Bóng tối như đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.