- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG CON CÁ ĐỦ MÀU

28 Tháng Năm 20185:45 CH(Xem: 24415)


Kich bản BW - ảnh XuanLan
Kịch bản -ảnh Xuân Lan


Nếu An có thai, An sẽ làm gì và Khanh sẽ làm gì? Khanh không phải chồng An, An cũng không phải vợ Khanh. Vậy họ là gì của nhau? Họ sẽ tiếp tục yêu, tiếp tục sống như thế nào? An lặp đi lặp lại những câu hỏi này cho đến khi không còn đủ tỉnh táo để tự hỏi thêm bất kỳ câu hỏi nào khác nữa…

 

Sáng, An dậy sớm, ủi thẳng thớm chiếc váy đủ màu và tô lên môi màu son mới trước khi rời khỏi nhà. Đã quá hai tuần, chu kỳ hàng tháng của An vẫn chưa xuất hiện. Hôm nay, An có buổi báo cáo về kế hoạch trình chiếu bộ phim mà An đã mất ba tháng trời xây dựng kịch bản cùng các đối tác tại Singapore. Giờ này, chắc Khanh đang chuẩn bị một ngày làm việc mới. Có thể Khanh sẽ mặc sơmi sọc sẫm màu dưa cải và thắt cravat vàng. Đó là bộ áo An thích nhất vì An đã nhìn thấy nó vào đúng ngày hai đứa gặp nhau. Hôm ấy, ngày đầu tiên An đặt chân đến văn phòng TsMedia, đó là tòa nhà cao vút nằm ngay trung tâm đại lộ Victoria. Khanh lẫn lộn trong hơn năm mươi nhân viên già, trẻ, lớn, bé, Châu Á, châu Âu… nhưng An dễ dàng phát hiện ra Khanh bởi đôi mắt rất Việt Nam, dáng người cao ráo và nụ cười hồn nhiên như đứa trẻ. Trưa hôm ấy, An thấy tách cà phê pha sẵn đặt trên bàn mình, bên dưới là tờ note được ghi nắn nót bằng tiếng Việt : “Số điện thoại khi cần trợ giúp 6265653445”. An vô cùng ngạc nhiên quan sát cử chỉ mọi người trong phòng và giật thót tim khi chạm phải nụ cười Khanh giấu sau máy tính.  

 

Khanh yêu An? An yêu Khanh? Hay nói chính xác họ phải lòng nhau cũng chỉ đơn giản qua một lần chạm mặt trong thang máy. “Anh khỏe không?” “Em khỏe không?”. An chủ động gọi Khanh bằng “anh”, điều trước đây An chưa từng làm với những chàng trai trẻ. Khanh nghiễm nhiên gọi An bằng em, cố ý cười “nụ cười thần thánh”: “Sao em không gọi số điện thoại cần trợ giúp, không cần giúp gì à? Tối nay, nếu em rãnh, anh mời bữa tối”. Cười ngượng nghịu như cô gái mười sáu vừa biết hẹn hò, An di dí mũi giày xuống sàn và gật đầu đúng lúc cánh cửa thang máy mở toang.

 

Tối hôm đó, An ăn nhiều như chưa từng được ăn, nói nhiều như chưa từng được nói. An say sưa kể với Khanh về những ngày lang thang trong tiệm sách Kinokuniya của tòa nhà Takashimaya, những quán ăn ở China Town và rạp chiếu phim Cathay Cineplex trên đường Orchard luôn chật kín đám con nít mới lớn. Chúng nó ăn mặc hip hop, cặp kè và hôn nhau không biết chán. Những hình ảnh đó làm An nhớ thương tuổi trẻ của mình da diết dù khi ấy An chỉ có thể xem chương trình “Những bông hoa nhỏ” lúc bảy giờ tối mỗi ngày. Khanh tròn mắt ngạc nhiên vì những phát hiện thú vị về An, một cô gái lúc nào cũng chững chạc, nghiêm khắc trong công việc nhưng lại biến thành đứa trẻ khi nói về tuổi thơ mình. Khanh cười mải mê. Nụ cười Khanh trôi và trượt dài theo đuôi mắt An, chiếc cằm thon thả và đôi vai run nhẹ mỗi khi Khanh nhìn An chăm chú. An có cảm giác Khanh sắp té vào mình…

 

Sau buổi hẹn hò đầu tiên, Khanh cố tình đợi An ngay hành lang sau giờ tan việc. Khi cửa thang máy vừa mở, họ lẳng lặng bước vào trong, Khanh nhẹ nhàng: “Mình ăn tối nhé, rồi xem phim”. An thôi không di dí mũi giày xuống sàn, ngoan ngoãn bước theo. Ăn xong, Khanh lái xe chở thẳng An về nhà. Cũng những ô thang máy giống hệt nhau, tầng mười, quẹo phải, bỏ qua ba cánh cửa màu trắng thì đến nhà Khanh. An chầm chậm bước theo. Nếu An từ chối dùng tách cà phê như một lời mời bình thường, hóa ra An sợ Khanh sẽ làm gì mình hoặc sợ chính mình bị cuốn theo điều gì đó. Mà thực tế, An có sợ Khanh đâu. Nếu vì Khanh, An mất tự chủ có nghĩa An bị Khanh hớp hồn. Với An, đó ắt hẳn là thứ tình yêu màu nhiệm nhất mà An từng tưởng tượng. Ở tuối An, khi mọi thứ đã dần đi vào ổn định, công việc, gia đình, liệu An cần gì cho bản thân? An nghĩ, có lẽ An cần một người đàn ông để biết mình còn muốn yêu và biết yêu sau từng ấy năm chỉ làm bạn với mấy cái kịch bản và laptop.

 

Rõ ràng, An đã nghĩ, nếu Khanh trở thành người làm nên điều kỳ diệu đó thì cũng tốt. Cái ý nghĩ “cũng tốt” khiến An càng tin vào sự cảm nhận của bản thân, tin vào những va chạm da thịt khi Khanh choàng người qua thắt cho An sợi dây an toàn. Khi ấy, An có thể ngửi được mùi bàn bạc trên cơ thể Khanh. Nó gọi là mùi đàn ông và khác hẳn với những gì An tưởng tượng. Chính An cũng không ngờ mình bị nó ảm ảnh nhiều hơn là một cái hít... Vậy đó và An đoán chừng ngay khoảnh khắc An hít nhẹ mà sâu thẳm cái mùi ấy, Khanh cũng cảm nhận được tim An đập như thế nào, An đã nín thở ra sao và cả hai đều muốn hút vào nhau, cần được hút vào nhau.

 

Suy nghĩ ấy khiến An bần thần và toát mồ hôi. An tự hỏi, lẽ nào mình sẽ dành điều thiêng liêng nhất ấy cho Khanh. Nó phải được xảy ra, dành để xảy ra duy nhất một lần trong đời vào cái đêm sau lễ cưới nhằm minh chứng cho chồng An thấy, dù An có là người phụ nữ thành đạt, nói tiếng Anh giỏi hơn cả tiếng Việt thì An cũng giữ được cái cần phải giữ. An không thể làm điều đó đơn giản và nhanh chóng. Chắc gì Khanh xứng để nhận, chắc gì An sẽ không hối hận vì đã cho, dù ngay bây giờ, An nghĩ điều cơ bản nhất, cần thiết nhất chính là An thích và muốn được xem Khanh sống thế nào? Khanh sẽ trồng cây gì bên bậu cửa? Khanh có treo bức tranh nào không? Tấm ra Khanh ngủ có màu gì? Đó là lý do duy nhất và xem ra chính đáng nhất khiến An đặt chân đến đây.

 

An trấn an mình như vậy. Không lâu sau đó, An bắt đầu thấy sự thỏa mãn tan ra từ từ như một đứa trẻ sau khi trốn vào góc nhà ăn lén viên kẹo đường chợt nhận ra viên kẹo tan nhanh hơn nó tưởng. Căn phòng Khanh vừa đủ, ấm áp. An thấy bức tranh vẻ phố cổ Hà Nội treo trên đầu giường. Góc phải là chiếc tủ quần áo, tấm kính quá khổ của nó hầu như choáng hết diện tích. Bất giác An nghĩ, có bao giờ Khanh thấy bóng mình trong lúc ngủ qua tấm kính đó không? Hình như, Khanh đặc biệt yêu thích màu trắng sữa, thứ màu đùn đục vừa như tươi vui lại vừa như cô quạnh. Ngay góc trái của căn phòng là cái hồ cá được Khanh chăm chút cẩn thận với mấy chú cá vàng tung tăng bơi lội. Tiếng nước chảy róc rách, đều đều phát ra từ nó khiến An đặc biệt chú ý “Buổi tối nó cứ chảy thế này hả anh?”. Khanh cười đáp khi đang mở tủ lấy chai Black Label: “Ừ, anh cứ để vậy, lâu ngày nên quen rồi em, không có nó lại ngủ không được”. An nghĩ ngợi hồi lâu rồi bảo: “Em hầu như chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nuôi cá. Thật ra thì em không ghét cái sinh vật bé xíu và cứ bơi qua bơi lại này nhưng em nghĩ, nếu cứ nhìn nó bơi suốt ngày, tối đến cần yên tĩnh thì nó lại cứ róc ra róc rách thì chắc em phát điên!”. Khanh bật cười giòn giã rồi đặt hai ly rượu lên thành hồ: “Ôi trời, lần đầu tiên anh nghe có người nói về mấy chú cá dễ thương này như vậy đó”. An nheo mắt nhìn Khanh đắc ý. Họ cụng ly tình tứ và chỉ sau vài hớp, Khanh than đau bụng rồi gục trên giường. An hốt hoảng ngồi xuống kế bên. Khanh ôm An vào lòng, vuốt mớ tóc dài mượt. An hỏi bằng giọng lo lắng: “Anh đau lắm hả? Không sao chứ?”. Khanh dúi mũi vào cổ An: “Đau quá!”. Trong giờ phút đó, An có cảm giác họ yêu nhau từ lâu lắm, trước cả cái thời An thất tình lông ngông giữa Sài Gòn và khóc. Đôi bàn tay, cái siết vai này, An thấy nó rất gần, gần như lần An định sau khi kết thúc đợt trình chiếu bộ phim mới, An sẽ lấy người mình yêu làm chồng. Tự dưng An thấy chua chát. Cái ngày tươi đẹp ấy giờ vẫn chưa xảy đến dù An đã thực hiện xong biết bao bộ phim, biết bao thời gian trôi qua.

 

An đặt tay lên bụng Khanh, xoa nhè nhẹ như mẹ vẫn thường làm khi An đau bụng. Khanh vòng tay ôm An chặt hơn. An ngoan như con mèo ướt, không cựa quậy, phản kháng, rồi Khanh hôn lên má An, nhẹ như bước chân An rón rén bước vào căn phòng ngập mùi nước hoa Kenzo cách đó chưa đầy ba mươi phút. Khanh không nói gì, thở đều bên cổ An. An chỉ nhớ duy nhất một điều tuyệt diệu trong buổi tối hôm đó, Khanh đã đỡ An nhẹ nhàng xuống nệm, động tác Khanh từ tốn, chậm rãi, ân cần như đang chăm sóc đứa trẻ sơ sinh. An nghĩ trong đầu, mình sẽ bỏ chạy nếu Khanh không dừng lại nhưng An bắt đầu mềm nhũn và oằn người trên vai Khanh. Hai tay Khanh vuốt ve khắp An. An có thể nghe thứ âm thanh sột soạt phát ra từ chiếc váy hoa đang mặc. An nhắm mắt, lục lọi chút sức mạnh trong người để cưỡng lại cơ thể Khanh đang một lúc đè nặng trên ngực mình nhưng cứ thế, An mềm ra, dẹo quặc. Khắp căn phòng chỉ còn lại hơi thở gấp gáp của hai người và tiếng róc rách phát ra từ hồ cá. Khanh với tay tắt phụt bóng đèn neon, động tác Khanh nhanh, dứt khoát đến nỗi An chỉ kịp chộp lấy khoảnh khắc ấy cùng lúc da thịt An rướn lên mát lạnh. Trong bóng tối lằn lặn, tù mù phủ lấy mình, An thấy gương mặt Khanh ngời lên vẻ xúc động khi chạm sâu vào An. Khanh thều thào: “Ôi em, anh xin lỗi…”. Khanh không thể hình dung, đó là lần đầu tiên An trở thành đàn bà…

 

Mãi sau này, dù đã sống với Khanh những ngày đầm ấm trong căn phòng đó như nhà mình, An vẫn nhớ sâu sắc tiếng nước chảy từ cái hồ cá của ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Đó là thứ âm thanh không dễ từ bỏ, có lẽ vì An đã được nghe nó trong chính lần quan trọng nhất của cuộc đời mình. An mê muội nó như mê muội mùi cơ thể Khanh. Chỉ cần ngồi cạnh Khanh, dù trong bất cứ không gian nào, An cũng thèm khát được bấu víu, va chạm. Sau buổi sáng thức dậy trong căn phòng có màu trắng sữa, An thấy mình đang nằm gọn trong tay Khanh. Gương mặt Khanh như đứa trẻ vùi ngủ sau một ngày mải mê rượt bắt. Khanh choàng tỉnh khi An đặt lên môi Khanh một nụ hôn sâu hoắm. “Em ngủ ngon chứ? Tối qua anh quên mất là có em nên để máy lạnh hơi cao. Em có lạnh không?”. An kéo chăn che ngang ngực: “Dạ không, ấm!”. “Chúng ta đi tắm nhé, anh cam đoan em sẽ ghiền được anh tắm cho mà xem”. Khanh bế thốc An lên bằng đôi tay săn chắc, sau khi đặt An nhẹ nhàng vào bồn tắm thoảng nhẹ mùi trái cây, Khanh thì thầm: “Em có thấy chúng mình kỳ lạ không? Sẽ chẳng ai sex với nhau trước khi biết những điều cần thiết về người đó!”Ừ nhỉ! Trừ khi đó là cuộc mua bán tầm thường”Em nói đúng, nếu em bán, anh sẳn sàng mua, em là thứ tài sản quí giá vô cùng”.

 

Những ngày tiếp theo ở Sing, mọi công tác chuẩn bị cho bộ phim mới trở nên suôn sẻ. Chưa bao giờ An cảm nhận cuộc sống của mình sôi động và nhiều hứng thú đến vậy, thậm chí có lúc An nghĩ giá như cứ cùng Khanh yêu thế này thì tốt biết bao. An sẽ trở thành cô vợ đáng yêu và thành đạt. Ba mẹ Khanh chắc chắn sẽ thích An vì cô sẽ yêu thương họ như đã yêu thương Khanh một cách bất ngờ mà sâu sắc vô cùng.  

 

Một buổi tối, sau khi cả hai dùng xong bữa tối đầm ấm bên hồ cá, An bắt đầu ngà say do uống khá nhiều rượu mạnh. An đứng dậy, chiếc váy ngủ trắng lộ ra đôi bàn chân mềm mại. An choàng tay qua cổ Khanh, tóc An rũ xuống vòm ngực Khanh vạm vỡ: “Anh, chúng ta sẽ yêu như thế nào? Mình sẽ cưới nhau chứ? Em thích được mặc áo cưới màu trắng sữa như căn phòng này”. “Ồ, em muốn làm cô dâu rồi hả? Cô dâu mới thích uống Black Label và bám cổ chồng khi say thế này ư?”. An cười ngất: “Anh đúng là! Em đang nói nghiêm túc đấy. Em hoàn toàn có say đâu. Em có thể nhớ chính xác ngày chúng ta sex với nhau đầu tiên! Nhớ chính xác gương mặt anh ngủ vùi sau khi đã làm nên điều khủng khiếp đó!“Ôi cưng, điều khủng khiếp ư? Tuyệt vời chứ? Điều khủng khiếp là khi anh không còn được nhìn thấy em…”. An cười ngất ngây, hình như hơi men làm An quên mất mình chỉ còn ở đây với Khanh đúng hai mươi tám ngày.

 

Cuối cùng, An phải nhìn nhận chuyến công tác của mình đã đến hạn kết thúc. Điều đó đồng nghĩa với việc tình yêu ba tháng của Khanh và An phải được đem ra mổ xẻ, kết luận. Tại sao mãi đến lúc này, An mới chợt hỏi, liệu họ sẽ tiếp tục yêu thế nào. An không dám nói điều này với Khanh. An sợ một kết cuộc không có hậu, ví như những bộ phim Mỹ lãng mạn mà An từng xem, yêu nhanh chóng và cũng rời bỏ nhau nhanh chóng. Khanh trấn tỉnh An bằng một lời hứa: “Đợi anh thu xếp xong công việc, anh sẽ qua thăm em. Chúng ta sẽ tính đến chuyện ổn định ở VN như thế nào. Nơi đó cũng là quê hương anh, anh có gia đình mình và bây giờ có cả em, không có lý do gì để anh từ bỏ!”

 

An ngoan ngoản trở về VN cùng với kế hoạch xây dựng một gia đình nhỏ cho riêng mình. Khanh tiếp tục những ngày tự do như ba tháng về trước khi chưa có sự xuất hiện của An. Mỗi ngày Khanh gọi An đúng ba lần. Thói quen ấy kéo dài được hai tuần thì thưa thớt hẳn. Khanh giải thích: “Anh đang bù đầu với dự án mới. Em ngoan, đừng nghĩ ngợi vu vơ, nên chú ý sức khỏe”. An hào hứng trả lời: “Em biết rồi mà, nếu em không thương em thì cũng phải nghĩ đến con của anh chứ!”. Khanh hỏi dồn: “Em vừa nói gì thế? Con ai?”. An cười giòn tan: “Chẳng lẽ con em với cái gối, cái mền. Anh, em phải đi đây. Em gọi lại sau nhé, Bye!”. Cúp máy xong, tim đập thình thịch. Bên kia, Khanh buông người bần thần trên sofa, có tiếng nước chảy từ nhà bếp. Hình như ai đó đang chuẩn bị bữa ăn tối cho hai người…

 

Buổi báo cáo bộ phim mới thành công ngoài mong đợi! An bị bao quanh bởi những lời chúc mừng của đồng nghiệp. Tất cả họ đều hi vọng vào chiến dịch tung ra bộ phim sắp tới, trong đó người mong chờ nhất chính là An vì biết đâu Khanh sẽ bay về Việt Nam chia sẻ với An niềm vui này. An chợt đặt tay lên bụng mình, giống hệt cái lần An xoa bụng Khanh. Nếu nó là trai, nó sẽ lớn lên như Khanh và nếu là gái, chắc chắn nó sẽ xinh đẹp và giỏi giang như mẹ nó. An mụ mị đoan chắc mình đã có thai. Rõ ràng, An cảm nhận được điều này, nó rất giống cảm giác đầu tiên An dành cho Khanh, dù chỉ là những cái va chạm bình thường không chủ ý. An có thai rồi! An sắp được làm mẹ. An cần phải nói điều này với Khanh. Chắc chắn Khanh sẽ vô cùng sung sướng. An hí hửng chạy vào toilet gọi cho Khanh, biết đâu Khanh sẽ bay ngay sang đây và họ sẽ có một cái đám cưới to nhất, đẹp đôi nhất Sài Gòn. Đầu dây bên kia phát khô khốc “thuê bao quí khách vừa gọi đang tạm khóa...”, An bấm đi bấm lại cả trăm lần những con số “khi cần trợ giúp” quen thuộc. Nước mắt An bắt đầu chảy, từng giọt từng giọt rồi ồ ạt như sông, như suối. Trấn an mình trong vài giây, An chợt nhớ đến số điện thoại nhà của Khanh. Đó là những con số ít khi nào An cần đến nó. Phải rồi, có thể máy Khanh có vấn đề gì và Khanh đang ngồi trước máy tính trong phòng làm việc. An vội vàng nhấn nút “ok”. Đầu dây bên kia, chuông đổ dồn: “Alô, anh hả. Em – An đây mà!..” “Xin lỗi, chị gặp ai?” “Tôi…tôi…tôi cần gặp anh Khanh“À, chị đợi xíu!”. Có tiếng gác máy trên bàn, giọng người phụ nữ ban nãy reo rắt: “Ông xã, có điện thoại kìa. Ai sao lại gọi vào giờ này nhỉ?!”. An thoáng thấy cánh cửa toilet mờ đi, hình như chẳng còn cánh cửa nào che đậy An trong lúc này. Cả người An nặng trĩu như có ai vừa đưa tay kéo tuột mình xuống vực, sâu đến nỗi An nghe được cả tiếng nước róc rách phát ra từ hồ cá. An thấy rõ mồn một những con cá đang chầm chậm bơi, bơi qua, bơi lại, rất nhiều lần, rất nhiều màu sắc…

 

Nếu An có thai, An sẽ làm gì và Khanh sẽ làm gì? Chắc chắn, Khanh không phải chồng An, An cũng không phải vợ Khanh. Vậy họ là gì của nhau? An sẽ tiếp tục yêu, tiếp tục sống như thế nào? An lặp đi lặp lại những câu hỏi này cho đến khi không còn đủ tỉnh táo để tự hỏi thêm bất kỳ câu hỏi nào khác nữa...

 


Y K Đỗ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91522)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 81797)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86287)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 87322)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 78407)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 100486)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 81399)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 192424)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 84870)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 114866)
Đ êm Sài Gòn đứng đường bơ vơ Dòng người mênh mang không ngày yên lặng Còn con đường nào cho em Mộng mơ là trò chơi xa xỉ