- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HOA TRÊN PHỐ

17 Tháng Năm 201812:16 SA(Xem: 25561)



mua xuan dau tien - photo UL
Mùa Xuân Đầu Tiên - ảnh UL

Cuối cùng thì nắng ấm cũng về, mùa đông và những cơn gió lạnh đại dương cũng lui dần…

Thấm thoắt mà đã mười mấy mùa xuân ở xứ người, lũ trẻ ngày nào đứa ngơ ngác, đứa ẵm ngửa, nay cũng đã lớn, đi trường nọ lớp kia, và chúng cũng lại làm anh làm chị của đứa bé hơn…

Những ngày được đưa chúng đến trường anh chọn đường đi bên trong, tuy xa hơn nhưng yên ả, để dẫn lũ trẻ đi và được yên tĩnh hơn lặng ngắm xuân về. Từ ngày biết được căn bệnh của mình, anh nhẹ nhàng hơn, kín đáo hơn.

Cuộc sống là thế đấy, lúc trẻ thì chưa biết gì, lúc lớn lên thì vào đời, chuyển số, đạp ga, tăng tốc, rẽ chỗ này, phanh chỗ kia, vụt chỗ nọ… Qua hết chặng này thì lại đến chặng khác, dường như chẳng có lúc nào dừng lại như các Thiền sư dạy, để mà nhìn lại cuộc đời…

Nhưng nay thì anh có thể dừng lại. Thời gian không còn nhiều… Nhưng thời gian là gì nhỉ?

Kết quả xét nghiệm lần cuối cùng cho thấy các thể bệnh đã phát triển khá nặng, nhưng anh không muốn tất cả trở thành một bộ phim, như loại phim Hàn quốc xem nát một thời bên nhà bởi các bà hàng xóm của mẹ anh và bọn trẻ cấp hai, cấp ba…

Anh cũng không bắt chước những bệnh nhân bên Phi châu gồng mình lo toan cho con cái, trồng luống rau cạnh lỗ huyệt mộ tự đào, để lo trước cho các con sau khi họ ra đi… 

Anh không nghĩ gì hết, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn trời mây và lũ trẻ…

Anh không giấu chị gì hết, hai vợ chồng hiểu mọi sự, chị cũng chăm sóc, động viên anh nhiều. Trừ đứa lớn ra, bọn nhỏ chưa biết gì nhiều, đứa nhỡ chỉ hơi biết bố dạo này mệt nhiều và phải đi bệnh viện thường xuyên hơn…

Anh sợ nhất là bạn bè… Anh ít bạn lắm, vì anh cũng quen sống khép kín lâu nay rồi.

Cuộc sống bây giờ là networking, nhưng với anh thì anh vẫn mong được ẩn mình. Anh vừa ngại phiền mọi người, và cũng ngại phải xử lý quá nhiều mối quan hệ mà anh thường nói là mình ốc không kham nổi hết.  

Đã bao lâu rồi hai vợ chồng không gần nhau. Không phải hoàn toàn do thể lực và bệnh tật, nhưng từ lâu anh thấy cũng chẳng còn nhu cầu ấy.

Anh cũng thẳng thắn với vợ, thương chị, nhưng không muốn xúc phạm chị và anh cũng không muốn ai thương hại ai…

Anh vẫn động viên chị khi nào rảnh rỗi thì nên đi chơi, gặp gỡ bạn bè, cà phê, píc-níc, hay barbecue… Những khi ấy anh lo chăm con và tổ chức cho chúng các chương trình riêng…

Có những đêm lũ trẻ đi ngủ rồi, cửa nhà khẽ mở và khép lại. Anh biết chị về…

Anh đã để phần một bữa tối nho nhỏ với mảnh giấy để trên bàn, dặn chị có thể làm gì với lò vi sóng và lũ thức ăn…

Anh nấu ăn cũng không tồi, và luôn đoán được khẩu vị của vợ… 

Cũng có khi anh ngửi thấy một vài mùi lạ từ khăn tóc của chị, dù chị dùng nước hoa khá đậm như là để át đi mùi thuốc lá, rượu hay là cả mùi nước hoa đàn ông…

Anh cũng thương vợ lắm, có với nhau mấy mặt con, đến lúc công việc tương đối ổn định hơn thì bệnh tật không thể giúp anh hoàn thành những bổn phận của một người chồng…

Thuốc thang làm cho anh thay đổi sinh hoạt và tâm tính, dù anh cố gắng làm nhẹ các tác dụng phụ của chúng, như việc chúng làm anh mệt hơn, ít muốn hoạt động, hay buổi tối thì nặng mi mắt, buồn ngủ hơn…

Chị là người quảng giao, chị ưa gặp người này, làm quen người kia…

Lắm lúc anh nghĩ là mình chẳng nên nghĩ gì cả, cái gì đến sẽ đến…

Bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ mà anh mua từ nhiều năm trước khi phát hiện bệnh chắc sẽ là một món quà bất ngờ cho chị và các con, cả bây giờ và sau này, nhưng nghĩ tới mấy thứ đó làm gì cho cuộc đời thêm mất nghĩa sống…

Đêm nay, anh sẽ nói với chị một điều, điều mà anh chưa thể nói với chị tự bao giờ…

Anh phải nói thôi, thời gian không còn nhiều…

Và chị, chị dường như cũng có điều gì đó cần phải nói với anh, bởi nếu không, những lọ nước hoa, mỹ phẩm ngày một đầy sọt rác kia càng thêm vô nghĩa…

Đêm hôm ấy dài lắm, và chị đã nói:

-Em biết chứ, anh có một người phụ nữ mà anh lâu nay vẫn chưa dứt bỏ quan hệ. Em biết tính anh, anh là người cả nể, sợ họ đau đớn.

-Em đã giải quyết xong xuôi hết rồi, em đã nói chuyện với họ, để họ biết mà liệu cách ứng xử.

-Còn em, anh cũng biết rồi, Simon rất thương em, nhưng em không thể… Không phải là vì em vẫn còn chồng còn lũ con, mà vì em thực sự yêu anh.

-Em không dối anh là giữa chúng em có thể có gì, nhưng anh đừng nghĩ em như những người đàn bà khác. Tất cả với em chỉ là công việc thôi. Công việc, gia đình với lũ con và anh!

Anh lặng yên nghe vợ.

Anh không nói gì thêm, mà biết nói gì bây giờ.

Anh chỉ biết rằng, ngoài kia, ngày mai sẽ là một ngày khác. Anh sẽ còn có thể đưa lũ con đi học… Và hoa xuân đang nở khắp con đường, đợi các con anh…

Kent, Anh quốc, 20/4/2015
NGÔ QUỐC PHƯƠNG
(truyện đăng lần đầu ở Văn Việt

http://vanviet.info/van/hoa-trn-pho/)





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 116867)
Sông như lọn tóc dài cầu gầy như cánh tay Sa Lung ga chờ anh vời vợi con tàu qua rất vội như là trốn chạy nhau
13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94104)
Khảo sát trên những văn bản tác phẩm của Trần Vũ, tôi thu được một kết quả khá thú vị: có tổng số 13 trên 27 truyện ngắn mà trong đó có sự hiện diện hình ảnh của những cơn mưa. Điều này đủ để nói lên rằng mưa chiếm một vị trí nhất định trong ký ức của anh ― có thể nói gần như một nỗi ám ảnh.
13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86377)
Tôi biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu, những trận mưa rào còn bất chợt đổ về qua qua ấp Tây Sơn, thứ mưa nóng và ẩm của vùng Qui Nhơn sỏi đá. Suốt quãng đời niên thiếu, hình như Huệ chỉ đi chơi xa có hai lần. Một lần lên Phú Xuân và một lần bơi xuồng băng ngang đầm Thị Nại.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 91157)
Ngày bốn chị em tôi đến phi trường Houston, Texas, anh Bằng ra đón chúng tôi. Tôi đã ngỡ ngàng khi trông thấy anh. Người anh cả của tôi đã mất dáng vẻ của một cậu công tử được bố mẹ nuông chiều, tóc anh để dài hơn trước nhiều, gương mặt gầy guộc hẳn đi, ánh mắt hòa nhã, không còn một chút khó khăn và bướng bỉnh của ngày xưa.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 89292)
TCHL xin giới thiệu một biên khảo mới của GS. Nguyễn Phạm Hùng tại Đại học Quốc gia Hà Nội về Nguyễn Công Trứ, dưới mắt nhìn mới, khác biệt với thành kiến bấy lâu.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 89179)
Sau đám cưới, Cung về đơn vị, tôi vẫn ở nhà với cha mẹ, đợi Cung được biệt phái về dậy học lại, (Bộ Giáo Dục hứa sẽ cho các giáo chức được về vào tháng 10/1969) rồi sẽ ra ở riêng.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 115788)
B ài thơ anh viết lại nhiều lần Ao ước xoá đi niềm đau giữa hai hàng chữ Nhưng làm sao nói lời tỏ tình Với những điều không thật...
11 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 116743)
đếm những bước chân tá túc ở xứ lạ bằng nỗi chật hẹp tù túng nơi quê nhà, mùa xuân trước tôi thấy thênh thang một nỗi buồn, khập khễnh (em đi bên cạnh, rất xa, những chân trần, thui chột gót hồn nhiên)
09 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84842)
Là một dân tộc đã có ít nhất ngàn năm lịch sử thành văn, từng nhiều phen đổ xương máu để bảo vệ chủ quyền của mình và đồng thời mở mang bờ cõi về phía Nam, từ đầu thế kỷ XX, người Việt bắt đầu chiêm nghiệm lý do thất bại của các phong trào Cần Vương, Văn Thân v... v...
08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98473)
Nguyễn Trung, để đi đến Xám Trắng Đen năm nay hay Bảng Đen năm 2004 là cả một chuổi dài rượt nà theo nghệ thuật. Kể từ những năm năm mươi tại Đàm trường viễn kiến của Nguyễn đức Quỳnh, những năm sáu mươi ký Anh Oanh viết phê bình mỹ thuật trên Văn Nghệ chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, thư ký toà soạn Ngọc Dũng, trị sự Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu )...