- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

LÂU ĐÀI TRÊN BÃI CÁT

28 Tháng Tư 20181:03 SA(Xem: 37469)

 

 

nhatrang1975
Nha Trang 1975 - ảnh Internet

 


Từ ngày 7/3, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày.

Thật khó ngỡ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người—có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa—bị sụp đổ hoàn toàn. Cảnh tượng “bỏ của chạy lấy người” suốt tháng 3/1975 của các đơn vị Nam quân khiến đó đây vang lên những lời chỉ trích nặng nề như “hèn nhát,” “tồi dở” v.. v...

Sự thảm bại ấy, thực ra, chỉ là đoạn kết bi phẫn ngắn ngủi khó tránh của một cuộc chiến kéo dài đã hơn 30 năm. Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.

 

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thảm kịch 55 ngày và 55 đêm suốt mùa Xuân Ất Mão ấy.

Trên bình diện quốc tế, 20 năm hiện hữu của một thực thể chính trị—với danh hiệu Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]—là hai thập niên của chiến tranh tiền đồn, ủy thác. Thực ra, từ năm 1947, cuộc chiến tranh giành độc lập của dân Việt đã bị quốc tế hóa thành một chiến trường nóng, đầy xương máu, khói lửa, trong một cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu, giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản. Chế độ Quốc Gia Việt Nam [QGVN] với Quốc trưởng Bảo Đại, và rồi VNCH—giống như chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] ở miền Bắc—là những sáng chế của ngoại cường. Nguyễn Sinh Côn, bí danh Hồ Chí Minh, chẳng hạn, và các cán bộ đầu tiên của Đảng Cộng Sản như Mikhail Litvinov/Lê Huy Doãn, Cinitchkin Hà Huy Tập, “Fan Lan” Nguyễn Thị Vịnh [Minh Khai] đều do Liên Sô Nga và/hay  Trung Hoa huấn luyện. Chính phủ VNDCCH là sản phẩm của cơ quan Tình báo Chiến Lược [OSS] Mỹ, rồi được duy trì và bao bọc bởi cả hai thực thể chính trị Trung Hoa trong tiền bán thế kỷ XX. Bên cạnh chủ đích chiến đấu để sống còn của những người chống hoặc không Cộng Sản, VNCH trở thành một tiền đồn của “thế giới tự do” dưới sự lãnh đạo của Liên bang Mỹ. Phía VNDCCH, với tấm bình phong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam [MTGPMN] (12/12/1960-12/1975), thì giữ vai tiền đồn của khối “Chủ Nghĩa Xã Hội” do Liên Sô và Trung Cộng tranh nhau cầm đầu trong hai thập niên 1950-1960. Tính cách ủy thác của cuộc chiến lên cao điểm năm 1965, khi chính phủ Lyndon B Johnson (22/11/1963-21/1/1969) đưa quân chiến đấu vào Nam Việt Nam và oanh tạc miền Bắc. Vì thế, Liên Sô và Trung Cộng—dù rất miễn cưỡng, và với những mục đích khác nhau—đổ viện trợ vào miền Bắc cho Hà Nội có khả năng đương đầu với Mỹ. Ngắn và gọn, vũ khí cùng tăng, pháo, hỏa tiễn [tên lửa, nếu muốn] cùng máy bay, tầu biển được sản xuất từ ngoại quốc, do ngoại nhân "cố vấn" cách sử dụng, nhưng xương máu là xương máu người Việt; làng mạc, thành phố, ruộng đồng, núi sông bị tàn phá là gia tài tổ tiên người Việt truyền lại. Đó là chưa nói đến những cao địa biên giới, lãnh hải cùng tài nguyên đã cắt dâng cho kẻ thù truyền kiếp là Hán tộc.

Trong khuôn khổ cuộc chiến ủy thác ấy, vai trò quyết định là các siêu cường. Phía Mỹ, từ năm 1968—nếu không phải sớm hơn—đã duyệt xét lại chính sách về Việt Nam và đi đến quyết định giải kết. Ngày 31/3/1968—với sự khuyến khích và tiếp tay của Kremli—Tổng thống Johnson tuyên bố không ra tái tranh cử nhiệm kỳ 1969-1973, và ngưng oanh tạy phía bắc vĩ tuyến 20, để sớm có thương thuyết.

 

Có nhiều nguyên do. Trước hết là kinh tế. Vào giữa thập niên 1960, sự phong phú, giàu có sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) đã trở thành dĩ vãng. Chiến phí ở Việt Nam tạo nên những lỗ hổng khổng lồ cho công quĩ chính phủ Liên Bang. Chỉ có một thiểu số đại tư bản Mỹ cùng những quốc gia thứ ba như Nhật, Nam Hàn, Indonesia, Thái Lan, Phi Lip Pin [Philippines], Sư Tử Thành [Singapore], v.. v... hưởng lợi—Và, như thế, đạt được tiêu chuẩn ổn định mà Mỹ mong muốn khi quyết định dùng Đông Dương làm tiền đồn năm 1950.

Về phương diện chính trị, phong trào phản chiến ngày một lan tràn. Mặc dầu tổng số lính Mỹ tử trận suốt 8 năm tham chiến không bằng số người chết vì tai nạn lưu thông hàng năm trên nước Mỹ, màn ảnh truyền hình đã mang vào hàng chục triệu phòng khách Mỹ mỗi sáng, mỗi tối những hình ảnh ghê rợn của chiến tranh. Cuộc sống cô lập, xa rời với thế giới của dân chúng Mỹ bị xáo trộn, đưa đến những phân hóa khó tránh. Các cơ quan tuyên truyền cực kỳ tinh vi của Cộng sản cũng tìm đủ cách khai thác. Bởi thế, phong trào phản chiến bùng lên, đưa bạo lực và rối loạn vào các khuôn viên Đại học. (1) Đồng thời, phong trào đòi nhân quyền của Mục sư Martin Luther King rải rắc bạo lực trên đường phố các thị xã lớn.

1. Đầu thập niên 1990, khi bị chất vấn về vấn đề tù binh (POWs) và quân nhân mất tích (MIAs) tại Quốc Hội, cựu Ngoại trưởng Henry A Kissinger đã hằn học nói về ảnh hưởng của các phong trào chống chiến tranh này. Năm 1976, một sinh viên gốc cựu quân nhân ở Eau Claire, WI, tâm sự với tôi là “bọn hippies” sỉ nhục chúng tôi là sát nhân, giết hại đàn bà, con trẻ.

 

Về phương diện quân sự, viễn ảnh chiến thắng ngoài tầm tay. Người Mỹ tự trói mình trong cuộc chiến tranh giới hạn để duy trì hai nước Việt Nam. Nỗ lực của người Mỹ chỉ có thể đạt được với hai điều kiện—xây dựng một chế độ vững mạnh ở miền Nam; và, đập nát tham vọng chiếm trọn vẹn đất nước của Hà Nội. Nhưng, vì nhiều lý do, cả hai mục đích trên đều không đạt được. Phương cách duy nhất là triệt thoái. Ngay chính ứng cử viên Cộng Hoà Richard M Nixon cũng tuyên bố với Tổng thống Johnson vào tháng 7/1968 rằng mình chủ trương “get out,” nhưng năm 1969, sau chuyến thăm bí mật Sài Gòn để cho lệnh triệt thoái quân Mỹ, vẫn được Thủ tướng Trần Văn Hương ca ngợi như “cứu tinh của những người chống Cộng.”

Trên bình diện quốc tế, các nước Tây Âu cực lực chống đối. Charles de Gaulle—người đã châm ngòi cuộc chiến Đông Dương năm 1944-1946 với ảo vọng tìm lại cho đế quốc Pháp vinh quang của thời tiền chiến, khi thế giới còn nỗ lực biện minh cho chính sách thực dân như một sứ mệnh khai hoá—không ngừng kêu gọi trung lập hoá miền Nam và yêu cầu Mỹ rút quân. Bri-tên, một đồng minh ruột thịt của Mỹ, được coi như hạt nhân của chủ nghĩa Anglo-Saxonism, cũng rất miễn cưỡng trong việc ủng hộ sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam; và trên thực tế, từ năm 1965, đã đóng góp không nhỏ trong nỗ lực tìm một giải pháp chính trị. Ngay đến Giáo hội Vatican—tử thù của chủ thuyết Marxism-Leninism, cũng nguồn yểm trợ tinh thần và nhân vật lực bản xứ cho chiến lược hoàn cầu chống Cộng—cũng cổ võ hoà bình. (2)

2. Chính Đạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 (Houston: Văn Hoá, 1994), chương VIII. Một trong những nạn nhân của sự thay đổi này có lẽ là cá nhân Ngô Đình Thục—Thục đã phẫn chí, khiến bị trục xuất (ex-communicated) khỏi Giáo hội Vatican.

 

Phần Liên Sô và Trung Cộng hớn hở nhìn người Mỹ đổ ra 7, 8 tỉ Mỹ Kim mỗi năm vào một cuộc chiến chẳng thay đổi được gì tình hình thế giới. Mặc dù hiềm khích Nga-Hoa về lập trường “xét lại” và “Trốt kít” ngày một lên cao, nhưng Lê Duẩn và Phan Đình Khải đã khôn khéo lợi dụng để xin viện trợ cả hai đàn anh.

Trong khi đó, biến loạn lan tràn tới Trung Đông—kho “vàng đen” của thế giới; nguồn gốc của nhiều biến động của cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI—nơi Mỹ có một đồng minh tí hon, nhưng được sự ủng hộ nhiệt thành của các cộng đồng Jews [Do Thái] giàu có và chi phối giới truyền thông cũng như các khuôn viên Đại học Mỹ nói riêng, và Tây phương nói chung. Ngay tại châu Mỹ, các phong trào vũ trang tả phái cũng nổi lên ở một số quốc gia thân Mỹ.

Để thực hiện chính sách giải kết, chính phủ Nixon—bên cạnh những nỗ lực ngoại giao—phát động kế hoạch Việt-Nam-hóa chiến tranh. Ý niệm căn bản chẳng có gì lạ, chỉ là một bước phải có tiếp theo những gì đã thực hiện từ năm 1950: Jean de Lattre de Tassigny chính thức khai sinh ra Quân Đội QGVN—rồi, cố vấn Mỹ huấn luyện và tái tổ chức—và, cuối cùng, cận đại hóa nó.(3)

3. Lưu ý rằng các vũ khí trao cho quân đội miền Nam hay Bắc quân sử dụng khó thể gọi là hiện đại. Phần lớn là đồ thừa của Đệ nhị thế chiến.

 

Phi cơ, tàu biển, tăng pháo được chở tới Việt Nam cùng hàng tỉ Mỹ kim quân trang, quân dụng, đạn dược. Sĩ quan, Hạ sĩ quan và binh sĩ được đào tạo và huấn luyện tại miền Nam, hay gửi sang Mỹ tu nghiệp. Trên lý thuyết, với hơn triệu tay súng thuộc đủ các quân binh chủng, và cảnh sát, an ninh, Quân lực VNCH phải đủ sức cầm cự ít nữa cũng 5, 10 năm sau ngày Mỹ rút lui trong danh dự. (Nixon chỉ mong được 5 năm)

Thực tế, đạo quân khổng lồ này hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ Mỹ, đạn dược, xăng nhớt Mỹ—và, ngay cả kỹ thuật tác chiến của Mỹ. Mặc dù sau 30 năm chiến tranh Quân lực VNCH đã có được một số cán bộ trung cấp cừ khôi, khả năng của Nam quân tùy thuộc vào tiếp vận và hỏa lực yểm trợ. Đáng sợ hơn nữa—và đó là mầm mống của đại họa—VNCH không có lãnh đạo. Người được Mỹ đưa lên cầm quyền và ra sức bảo vệ ở Hội Nghị Paris, chỉ là một loại đánh thuê không hơn, không kém—giống như cái khởi đầu binh nghiệp Thượng sĩ thông ngôn Pháp chưa xa. Chính sách, từ lớn xuống bé, đều do Tòa Đại sứ, cơ quan MACV và, sau này, cơ quan DAO, hoặc USAID soạn thảo, đôn đốc thực hiện.

Để chính sách giải kết có được cái vẻ ngoài “danh dự,” Henry A Kissinger và Phan Đình Khải [Lê Đức Thọ] hoàn tất Hiệp ước Paris 27/1/1973. Năm tháng sau, khi những cuộc bắn giết nhau để “bảo vệ Hiệp định hoà bình” ngày một gia tăng, hai người lại ra tuyên cáo La Celle St. Cloud. Về phần Mỹ, ít nữa với cách suy nghĩ của Kissinger, vậy đã đủ. Sự triệt thoái của Mỹ rất êm thấm. Không còn phải bận tâm vì những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh nữa. Chính phủ Thiệu vẫn tại chức ngày người lính Mỹ và tù binh Mỹ cuối cùng rời Việt Nam. Cá nhân Kissinger còn được Hàn Lâm Viện Sweden [Thụy Điển] trao tặng nửa giải thưởng Nobel Hòa Bình, và vào cuối tháng 8/1973, được Nixon mời làm Bộ Trưởng Ngoại Giao—một thành đạt hiếm người tị nạn thực hiện được trong lịch sử nhân loại.

Nhưng cái giá mà người Việt phải trả—Bắc cũng như Nam—quá đắt. Hơn 40 năm tuổi đảng, vào tù ra khám hay ăn bờ, ngủ bụi hàng chục năm, những Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải, Phạm Văn Thiện [Hùng] v.. v... khó thể khoanh tay nhìn miền Nam, miếng mồi ngon đầy quyến rũ. Phần Thiệu cũng biết ngày tàn đã điểm. Hệ thống kinh doanh được lệnh hoạt động mạnh mẽ hơn, vơ vét lần cuối. Để che dấu việc làm bất chính của vợ chồng, họ hàng, phe đảng mình, Thiệu cho lệnh văn công gân cổ bắc loa mồm kêu lập trường nhất định bốn không của “Nguyễn Tổng Thống.” Chỉ có đám đông thầm lặng—những nông dân, công nhân, công chức và quân nhân thấp cổ, bé họng, mà cuộc sống chẳng khác gì cảnh huống những người đứng giữa dòng nước luôn luôn ngập đến cổ, chỉ một đợt sóng gợn nho nhỏ đủ sặc sụa nếu chưa chết đuối—vẫn phải nai lưng ra chịu đựng hậu quả của tham vọng các tập đoàn tay sai ngoại cường. Tóm lại, chiến thắng quân sự của CSBV ngày 30/4/1975 là hậu quả dĩ nhiên sau khi Mỹ đã tìm được “hoà bình trong danh dự.”

Cuộc chiến Việt Nam, nếu VNCH muốn có hy vọng chiến thắng—song song với sự tiếp tay của Liên Bang Mỹ—phải được phát động trên bốn mặt trận cơ bản chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, và quân sự.

 

Về phương diện chính trị, mẫu số chung của VNCH là chống Cộng. Nhưng chống Cộng chỉ là lập trường và chính sách, chưa bao giờ được hỗ trợ bằng một học thuyết có đủ chiều sâu triết lý. Đó là chưa nhắc đến một sự thực chua chát: cả hai phe tự nhận “Cộng Sản” hay “chống Cộng” chẳng biết “Cộng Sản” là gì. Thuật ngữ này đã bị nhóm Trần Độc Tú [Chen Do-xiu], Tổng Thư Ký Đảng Cộng Sản Trung Hoa, và Lý Đại Chiêu [Li Da-chao], dịch sai thuật ngữ communism của Karl Heinrich Marx [Mã Khắc Tư,1818-1883] thành gongchan [cộng sản, tức góp chung tài sản, pooling the assets]—trong khi communism chỉ có nghĩa công hữu [muôn sự của chung] mà Marx hoang tưởng về xã hội nguyên thủy [primordial society, primitive commune] chưa ai từng chứng nghiệm. Một hệ luận của thuyết “communism” là giấc ngủ mơ giữa ban ngày “tư sản là trộm cắp [property is theft]” và “làm tùy theo khả năng, hưởng theo nhu cầu [to work in accordance with one’s ability, to enjoy in accordance to one’s needs]. Cộng Sản trở thành một thứ giả tôn giáo, công khai đương đầu với Giáo hội Vatican—đế quốc thần quyển, thống trị sinh hoạt chính trị, văn hóa và kinh tế các cường quốc Âu Mỹ tới thế kỷ XIX-XX.

Đa số những người yêu nước chân chính bị đặt vào thế tấn thoái lưỡng nan—không thể sống chung với những kẻ chẳng cần dấu diếm ý định bắt họ phải ngừng hiện hữu, và thẳng tay tàn sát, cướp đoạt tài sản, và/hay công lao đánh Pháp giành độc lập của họ; mà tự thâm tâm, chỉ nguyên việc sống dưới vùng đất phất phơ, ngạo nghễ tung bay lá cờ tam tài của Pháp đã là một hổ nhục. Bởi thế, từ thập niên 1930, người Pháp tung ra hai chiêu bài tâm linh và quốc gia để chống lại quốc tế Cộng Sản và vô thần, thường được biết nôm na như tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Nhưng cái chiêu bài quốc gia mà người Pháp, và rồi người Mỹ, khoác phủ cho chế độ Bảo Đại (1/7/1949-26/11/1955) thực tế chỉ là một thứ quốc gia hình thức. Chế độ QGVN không có được sự độc lập và chủ quyền tối thiết. Mãi tới giữa năm 1953, khi đại đa số quốc dân Pháp đã đòi hỏi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược đắt giá, Paris mới cho phép “kiện toàn” nền độc lập của chế độ QGVN, và phải tới thời Thủ tướng Bửu Lộc, ngày 4/6/1954, Hiệp ước Kiện toàn Độc lập mới được ký giữa Bửu Lộc và Joseph Daniel, để thay thế Hiệp ước Elysées (8/3/1949). Đây là nỗi khổ tâm và bối rối cho rất nhiều người quốc gia, không Cộng Sản chân chính. Họ chẳng có một lựa chọn nào khác hơn là cố gắng vun đắp cho chế độ, chống lại chiến thắng quân sự của Cộng Sản, trong khả năng hạn hẹp của mình, với hy vọng ngày càng biến thành ảo vọng là chế độ sẽ cải thiện, hiệu lực hơn. Nhưng những cá nhân và tổ chức yêu nước chân chính này hầu như bị loại bỏ sang bên lề lịch sử, với những danh hiệu như trùm chăn, hay kinh niên bất mãn. Từ năm 1946, phất cao ngọn cờ chống Cộng tại các dinh thự, công viên, nhà hát lớn nhỏ là những thành phần cựu công chức, quan lại, quân nhân của chế độ thực dân Pháp, với những chồng hồ sơ bảo đảm sự trung thành của họ với mẫu quốc, và những kẻ thời cơ cùng hủ Tây.

Thêm vào đó là những tổ chức tôn giáo—do chỉ thị từ ngoài nước như Ki-tô giáo, hoặc do hận thù cá nhân như Hòa Hảo sau cái chết của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ năm 1947, hay do nhiều lý do cá biệt như Cao Đài. Nhiều tăng sĩ Phật giáo như Hòa thượng Tố Liên, Tâm Châu, Quảng Độ, v.. v... cũng từng là nạn nhân của “bạo lực cách mạng” —tức những hành vi man rợ như chôn sống, cắt cổ mổ bụng những người không theo Cộng Sản, cùng các nhà tu hành. Chiêu bài sính dụng nhất cho các nhóm này là lấy niềm tin tôn giáo (tín ngưỡng) chống lại chủ thuyết vô thần của CSVN. Từ một mắt nhìn nào đó, lập trường này có căn bản vững chắc và khả năng thuyết phục riêng của nó. Marx và đệ tử từng công khai ví tôn giáo như thuốc phiện; và ngay chính Nguyễn Sinh Côn (bí danh Nguyễn Ái Quốc, sau đổi thành Hồ Chí Minh) đã tuyên bố tại Mat-scơ-va năm 1923 là tại Việt Nam vừa có thuốc phiện thực sự, vừa có Ki-tô giáo (thuốc phiện tinh thần), cùng với tư bản và thực dân đóng góp vào việc “câu rút” giới nông dân nghèo khổ.(4)

4. Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con Người & Huyền Thoại; tập I:1892-1924, tái bản, có bổ sung (Houston: Văn Hoá, 1997).

 

Yếu tố niềm tin tôn giáo này thủ diễn một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam; và hầu như chẳng ai dám giải thích cho họ rằng Cộng Sản tự nó cũng là một thứ học thuyết chính trị mang tính cách giả tôn giáo—nhưng khuyết điểm và sự ham hố của Karl Marx là hứa hẹn một thiên đường trong tương lai trên mặt đất, một điều bất khả; và tôn giáo sẽ tồn tại lâu hơn vì rao giảng về thiên đường tương lai ở cõi chết, một điều không ai có thể tri nghiệm để cổ võ hay bài bác. (5)

5. Năm 1999, Giáo hoàng John Paul II đã có can đảm bác bỏ hai đối cực Thiên đường (cõi thánh)/ Địa ngục (hồ lửa, hay sao chổi), cho đó chỉ là “state of mind” (tâm cảnh); Houston Chronicle, 8/18/1999. Đây là sự tiến hóa quan trọng của Giáo hội Vatican, hay chỉ ý kiến của một Giáo hoàng John Paul II?

 

Hiệp ước Geneva 20-21/7/19541954—qui định hai vùng tập trung với vĩ tuyến 17 làm ranh giới ngưng bắn trong vòng 2 năm—đánh dấu một khúc quanh mới của cuộc chiến. Người Mỹ quyết định sử dụng Ngô Đình Diệm (27/7/1897-2/11/1963) để xây dựng miền Nam Việt Nam thành một tiền đồn chống Cộng hầu “bao vây, ngăn chặn” (containment) sự bành trướng của chủ thuyết Cộng Sản xuống vùng Đông Nam Á, vựa lúa, kho dầu hỏa cùng các tài nguyên thiên nhiên khác như thiếc, kẽm, cao-su v.. v... cần thiết cho các nước kỹ-nghệ-hoá ở phương Tây. Ngô Đình Nhu (1910-2/11/1963), với sự tiếp tay của một số linh mục Ki-tô, đã đưa ra thuyết “Nhân Vị” —một thứ chow mein, gồm những mảnh vụn của thuyết “personalism” của Emmanuel Mounier, đạo đức học Ki-tô giáo, Khổng giáo, và nhất là tàn tích “phong trào cách mạng quốc gia” dưới thời Toàn quyền Jean Decoux (20/7/1940-9/3/1945). Qua thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975), dẫu chưa có một lý thuyết gia nhà nước nào xuất hiện, người ta lục lọi mớ cổ thi Trung Hoa để tìm cho truyền thống dân tộc một lớp son triết lý “vơ vào,” kiểu Khổng học hay Nho giáo vốn là của người Việt. Có người còn luẩn quẩn, lạc đường với những câu trừu tượng “một mà trăm, trăm mà một” của bộ sách bói toán mang tên Kinh Dịch. Niềm tin phổ biến nhất, oái oăm thay, là tử vi, tướng số. Tướng cầm quân xuất trận phải nhờ “chiêm tinh gia” khuyên bảo giờ tốt, giờ xấu, hay hướng xuất quân. Bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào ở các văn phòng các cấp chỉ huy phải đặt đúng hướng “địa lý” [phong thủy]. Thực tiễn hơn, phía sau cái hình thức dân chủ vàng mã phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, Thiệu khẳng định—“Hành pháp và lập pháp phải là một.” Đa số Nghị sĩ, Dân biểu biến thành “gia nô” của chính quyền. Phần đệ tam quyền, tức Tư pháp, đã trở thành một thứ công cụ, nha trảo của hành pháp từ lâu. Pháp đình và mọi thứ luật pháp, kể cả bản Hiến pháp được Tổng thống Johnson phê chuẩn trước khi ban hành, chỉ được sử dụng để trừng trị những người chống đối chế độ, hay những người nghèo khổ. Tóm lại, người ta chỉ muốn sử dụng độc tài quân phiệt chống lại độc tài Cộng Sản—dùng dịch tả chống lại dịch hạch.

Ngay đến sinh viên dự bị Triết học và Chính trị học cũng hiểu rằng sức mạnh căn bản của Cộng sản là tổ chức. Lenin từng nói: “Tôi có ba bảo bối: Tổ chức-tổ chức-và tổ chức.” Dĩ nhiên, để chống Cộng, VNCH cũng có nhiều tổ chức, do Robert Komer, Phó Tư lệnh MACV, đặc trách các vấn đề không quân sự [CORDS]. Nhưng căn bản nhất vẫn là hai cơ quan tuyên truyền và an ninh-cảnh sát. Dưới sự bảo trợ và huấn luyện của các chuyên viên Mỹ, dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa, hai cơ quan trên có những tiến bộ đáng kể so với thời Ngô Đình Diệm. Nhờ ngân quĩ dồi dào, người Mỹ tận dụng được một số hồi chính viên vào mặt trận đấu tranh chính trị. Đại tá Nguyễn Bé, một thời làm Chỉ Huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Vũng Tàu, chỉ là một thí dụ. Hàng ngàn cán bộ chiêu hồi vô danh khác trong các toán bình định nông thôn (PRU) và chiến dịch Phượng Hoàng (Phoenix) do cơ quan CIA chỉ huy một thời làm bừng lên chút sinh khí trong mặt trận đấu tranh chính trị.

Những chương trình Dạ Lan của Đài Phát thanh Quân đội hay Thẩm Thúy Hằng của Đài Sài Gòn—dù không thể so sánh với các đài Mẹ Việt Nam, Gươm Thiêng Cứu Quốc v.. v... do cơ quan Thông tin Mỹ điều khiển—quyến rũ hàng triệu thính giả. Các toán văn nghệ lưu động của Cục Chính Huấn cũng mang lại nhiều niềm vui cho các binh sĩ tiền đồn và đặc biệt là cấp chỉ huy hào hoa. Nhưng đó chỉ là một vài cánh én, không đủ mang đến mùa Xuân. Đại bộ phận đấu tranh chính trị thường nặng về hình thức, và chịu ảnh hưởng nặng nề của guồng máy thư lại cùng tình cảm cá nhân. Bởi thế, trên giấy tờ, việc tổ chức khá chi li, kỹ càng, nhưng thực tế chỉ là những bộ xương khô.

Về nhân sự, càng nhiều vấn nạn hơn. Ở thượng tầng, không có một nhân vật nào đủ tài đức thu phục nhân tâm. Trong hai năm 1954-1955, người ta đã tưởng Diệm có thể là một đáp số. Nhưng chỉ sau ít năm cầm quyền, “Winston Churchill của Đông Nam Á” bộc lộ dần nhược điểm của mình—Diệm chỉ có thể là một Tuần vũ tốt hay thanh liêm, nhưng chưa đủ tài đức cầm quyền một nước, đặc biệt là một tiền đồn của thế giới tự do. Trên thực tế, sau chín năm cầm quyền, bốn anh em Diệm, Thục, Nhu, Cẩn đã chặt cắt mọi hy vọng sống còn của miền Nam. Với chủ trương giáo phiệt Ki-tô Trung Cổ, họ Ngô chỉ đủ khả năng  loại bỏ những thành phần chống Cộng cùng các tổ chức tôn giáo không Ki-tô. Tướng Dương Văn Minh từng cay đắng than phiền với các viên chức cao cấp Mỹ vào tháng 9/1960 rằng trong khi binh sĩ giết được một cán binh Cộng Sản, chính phủ giúp khai sinh mười cán bộ mới.  (6)

6. Tel 538, 5/9/1960, 13G00, Sài Gòn gửi BNG, FRUS, 1958-1960, I:Vietnam (1986), pp. 562-563 [Doc 192]. Ngày 11/11/1960, Tùy viên KQ Toland báo cáo lên White: Có tin Big Minh, Trung tá Lộc Nhảy Dù sẽ chiếm Sài Gòn ngày 19/11/1960; Tel, 11/11/1960, 23G00; Ibid., p 639 [Doc 222].

 

Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ còn chỉ trích cả kế hoạch tâm đắc của Ngô Đình Nhu, tức quốc sách Ấp Chiến Lược, trong hai năm 1961-1963. Nông dân đang xa lánh dần chế độ, chẳng muốn báo cáo với chính quyền tin di chuyển của Việt Cộng. (7)

7. Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975, I-C: 1954-1963 (Houston: Văn Hoá, 1999), tr 360-61,
 

Tướng Lansdale đoán biết Diệm-Nhu đang làm đám tang tập thể cho họ Ngô; trong khi vợ chồng Đại sứ Trần Văn Chương-Thân Thị Nam Trân khẳng quyết không thể chiến thắng với Diệm-Nhu. Nam Trân thúc dục viên chức Mỹ áp lực Diệm-Nhu rời nước để tránh bị giết. Mùa Thu 1963, Nam Trân còn đề nghị Mỹ cho xe hơi tông chết Trần Lệ Xuân nếu “quái vật” tới New York giải độc. Nhu thì tuyên bố nếu vợ chồng Chương về nước, sẽ cho treo cổ trước chợ Bến Thành, và Lệ Xuân sẽ hớn hở kéo giây thắt cổ. (8)

8. Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975, I-C: 1954-1963 (Houston: Văn Hoá, 1999), tr 330, 352-53, 355.

 

Học giả Bti-tên Paul Honey, đại sứ Italia, đặc sứ Vatican Alvatore d’Asta và nhất là Maneli, trưởng phái đoàn Kiểm Soát Đình Chiến Poland, cùng  cung cấp thêm tin tức về kế hoạch bí mật nói chuyện với Hà Nội của anh em Diệm-Nhu, cùng thái độ “ăn không được thì đạp đổ” của vợ chồng Nhu mới khiến Đại sứ Henry Cabot Lodge và Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara đồng ý thay ngựa giữa dòng, dù chưa phát hiện được ngựa mới để thay thế. (9)

9. Về gia đình  họ Ngô nói chung, xem Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004). Hai tiểu luận “Mùa Phật Đản Đẫm Máu” và “Phiến Cộng Trong Dinh Gia Long” đã được hiệu đính trong hơn mười năm qua, phổ biến trên các wesites hopluu.net, minhtrietviet.net, và vietnamvanhien.net.

 

Những người lên thay Diệm, dù trẻ trung hơn, càng yếu kém hơn nữa. Họ không có được cái uy thế cá nhân của Diệm. Tất cả đều do viên chức Mỹ đưa lên nắm chính quyền, theo sự yêu thích của các Đại sứ hay những nhân vật quyền thế Mỹ. Người cầm quyền cuối cùng ở Việt Nam chỉ là một thứ chột trong đám mù—nghĩa là khá hơn những bạn đồng ngũ, cực kỳ khôn ngoan giảo hoạt, nhưng vẫn có những đặc tính chung như dễ bảo, vụ lợi, ích kỷ, tiện việc cho người Mỹ điều khiển chiến tranh ở Việt Nam. Nhận xét của một chuyên viên Pháp, về tương lai miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1950, quả đã được chứng thực bằng dòng lịch sử—người có khả năng lãnh đạo một miền Nam Việt Nam chống Cộng “hoặc đã chết, đang còn ở tuổi ấu thơ, hay chưa sinh ra đời.”

Xuất thân từ một gia đình đánh cá ở Ninh Chữ đất Phan Rang, từ nhỏ Thiệu đã nổi tiếng ngỗ nghịch. Cái biệt danh “Tám Lõ” thuở ấu thời đủ nói lên điều ấy. Những buổi ra sân ga bán nước trà, kẹo bỏng cho hành khách, xuôi ngược tôi luyện thêm cho Thiệu sự lanh lợi, “khôn ngoan” của nghề dành mối hay đổi chác. So với kinh nghiệm “phụ bếp” của cậu “Bồi Ba” trên thương thuyền Đô đốc La Touche-Tréville, Thiệu cũng chẳng thua kém bao lăm.

Lớn lên khi Thế Chiến II bắt đầu, Thiệu bị cuốn hút vào những cơn lốc diễn biến ở Đông Dương. Theo một nguồn tin, Thiệu gia nhập tổ chức thanh niên của Maurice Ducoroy—được người Pháp thành lập để ngăn ngừa thanh niên Việt ngả theo Nhật. Theo một nguồn tin khác, Thiệu làm thư ký cho một hãng tư ở Đà Lạt. Lại cũng có tin Thiệu từng tham gia Ủy Ban Kháng Chiến xã Ninh Chữ của Việt Minh năm 1945. Nhưng từ năm 1946, người ta thấy Thiệu mặc quân phục Pháp, với cấp bậc Thượng sĩ (phụ lực hay thông ngôn?). Năm 1947, Thiệu được gửi đi học lớp sĩ quan đặc biệt ở Đập Đá (cùng khóa với Đặng Văn Quang). Sau đó, qua Pháp tu nghiệp.

Về nước, Thiệu phục vụ tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Trong hai năm 1953-1954, Thiệu phục vụ tại Hưng Yên—đơn vị hành chính và quân sự đầu tiên ở miền Bắc được Pháp trao cho chế độ Bảo Đại quản trị. Một trong những cấp chỉ huy của Thiệu trong thời gian này là Tướng Paul Vanuxem. Cũng trong giai đoạn này—do Pháp biệt đãi Đảng Đại Việt—Thiệu đã gia nhập đảng trên ở Huế.

Một tài liệu mới khám phá năm 1995 cho biết từ năm 1954 Thiệu đã tích cực tham gia hoạt động chính trị. Ngày 5/11/1954, Thiếu tá Thiệu đã là Ủy viên Nghiên cứu của Việt Quốc Dân Xã tại Huế (Đệ Nhị Quân Khu), một cánh tay địa phương của Đảng Con Ó do Trung tá Trần Đình Lan thành lập để ủng hộ Tướng Nguyễn Văn Hinh trong cuộc tranh giành quyền lực với Diệm. Cùng trong tổ chức này có Trần Thiện Khiêm (Tổng thư ký), Hoàng Xuân Lãm, Trần Văn Trung, Nguyễn Văn Mạnh, v.. v.. —những cộng tác viên mật thiết của Thiệu từ năm 1965. (10)

10. SHAT, 10H xxx [4201]. Đa tạ cựu Trung Tướng Trần Văn Trung và Trần Văn Đôn đã xác nhận ở Paris về Việt Quốc Dân XãĐảng Con Ó.
 

Nhưng từ năm 1955, ảnh hưởng Pháp tàn lụn ở Việt Nam. Uy thế Đảng Đại Việt cũng xuống dốc dần sau biến loạn chiến khu Ba Lòng và Phú Yên/Khánh Hòa (3/1955). Đảng Con Ó trở thành lỗi thời từ ngày 1/7/1955, nếu không phải sớm hơn, khi Tướng Hinh bị Mỹ ép buộc phải trở lại Pháp ngày 19/11/1954. Thiệu bỏ Đại Việt, dấu kín tông tích đảng “Con Ó” Việt Quốc Dân Xã, sử dụng chiêu bài “công giáo” của họ nhà vợ. Có lẽ vì thế Thiệu được chức Chỉ Huy Trưởng Sĩ Quan Đà Lạt, trước khi nắm Tư lệnh Sư đoàn 1 ở Huế, rồi Tư lệnh Sư đoàn 5 ở Biên Hòa. Đồng thời, thăng tiến dần trong Quân ủy Trung ương của Đảng Cần Lao. Liên hệ giữa Thiệu và Phạm Ngọc Thảo, một gián điệp tình báo chiến lược của miền Bắc, cũng ngày một chặt chẽ. (11)

11. Chính Đạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967. Tác giả nghĩ lý do Thiệu sai người bắn Thảo ở bờ sông Biên Hòa, rồi sau đó sai Thiếu tá Nguyễn Mộng Hùng từ trực thăng thả xuống sông mất tích vô cùng phức tạp. Có thể vì Thảo nắm một bí mật rất lớn nào đó của Thiệu. Đại Tướng Nguyễn Khánh tiết lôđ đã gửi Thảo qua Mỹ để nhờ tình báo Mỹ điều tra thêm về Thảo. Giáo sư Trần Bạch Đằng khẳng định với tôi năm 2005 Albert Thảo tình nguyến ở lại miền Nam công tác sau 1954.
 

Năm 1963, khi người Mỹ muốn đảo chính Diệm, Thiệu, dĩ nhiên, ngả theo phe Dương Văn Minh-Trần Văn Đôn-Trần Thiện Khiêm, dù nổi tiếng trung thành với Nhu. Sau cái chết của Diệm-Nhu, Thiệu được thăng cấp Thiếu tướng. Đường hoạn lộ bắt đầu thênh thang từ đó. Cùng một nhóm Tướng trẻ như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi v.. v..., Thiệu tham gia gần chục cuộc đảo chính, chỉnh lý trong hai năm 1964-1965. Thêm được một sao trên ve áo, và thăng tiến từ Tư lệnh Quân đoàn IV lên Phó Thủ tướng. Sau Đại Hội “Toàn Quân” ngày 19/6/1965, Thiệu làm Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, tức Quốc Trưởng. Hai năm sau, nhờ sự tiếp tay của Hồng Y Spellman và Tòa Đại sứ Mỹ, ngày 3/9/1967 Thiệu “đắc cử” Tổng Thống nền Đệ Nhị Cộng Hòa (1/10/1967-30/4/1975).

Mặc dù thành đạt của Thiệu cũng to lớn chẳng khác gì Nguyễn Sinh Côn, hay nhân vật “Sửu đánh dậm” của một tiểu thuyết gia miền Nam,(12) thời cơ chính là quyết định của người Mỹ, nhằm tạo nên một thiểu số quân phiệt dễ bảo, tiện việc cho người Mỹ đánh Cộng sản theo sở kiến và ý thích của họ.

12. Nguyên Vũ, Đêm Da Vàng, 4 cuốn (Sài Gòn: Đại Ngã, 1973-1974). Vì bộ Đêm Da Vàng này không còn lưu truyền ở hải ngoại, tác giả đã đưa nhân vật Sửu đánh dậm vào bộ Giặc Cờ Đỏ.
 

Bởi thế, Thiệu chỉ ngày đêm củng cố uy quyền và lợi nhuận bản thân cùng họ hàng, thân thuộc. Phe đảng trở thành phương châm cai trị, với tham nhũng làm sức nối kết. Cả một guồng máy chống Cộng ở miền Nam chẳng khác gì một thứ chợ trời hay siêu thị—người ta mua bán bất cứ một thứ gì có thể sinh lợi, từ chức tước tới tấm giấy hoãn dịch. Từ hồ sơ mật an ninh quốc phòng tới đạn dược, thuốc men, phế vật chiến tranh. Từ đầu đường, góc phố tới pháp đình, nha sở, dinh thự. So với giai đoạn “kiêu binh” vào thời Lê Mạt hai trăm năm trước, “siêu thị” VNCH có lẽ còn náo nhiệt, vào ra tấp nập hơn nữa!

Cái khôn khéo của Thiệu là biết đổi chác. Thiệu chỉ chú ý tới và thu thuế từ những chức vụ Tỉnh trưởng hay Tư lệnh Sư đoàn trở lên. Còn lại, giao cho các thuộc hạ thân tín hay “đồng minh” như Khiêm, Thủ tướng từ năm 1969, hay Viên, Tổng Tham Mưu trưởng từ 1966, v.. v... Nhờ loại sức mạnh kiểu tội-ác-có-tổ-chức này, Thiệu nắm vững được quân đội, hoặc đúng hơn, những cấp chỉ huy quân đội, xương sống của chế độ miền Nam.

Vì hầu hết thanh niên đều ở trong binh ngũ—do hiệu lực của lệnh tổng động viên 1968—nắm được quân đội là có sức mạnh. Đối với các đảng phái, giáo phái v.. v... Thiệu sử dụng đúng nguyên tắc mà cố vấn thân cận của Thiệu—Vũ Ngọc Nhạ, trưởng lưới cán bộ tình báo chiến lược A. 22 của Cộng sản ở Sài Gòn—khuyên bảo: lấy lợi nhuận, danh vọng mà mua chuộc lòng người. (13)

13. Hữu Mai, Ông Cố Vấn (Hà-nội: 1987-1989), đã xuất bản 3 tập. Nhân vật “Năm Sang” trong cuốn Ông Cố Vấn tức cấp chỉ huy trực tiếp của Vũ Ngọc Nhạ, là Trương Tấn Sang, đương kim Bí thư Sài Gòn.

 

Lãnh đạo ấy, nếu muốn gọi thế, là một thứ lãnh đạo bệnh hoạn. Cuộc đấu tranh chính trị với Cộng sản trở thành việc làm vô vọng của những đứa trẻ xây lâu đài trên bãi cát. Bao nhiêu kế hoạch diệt Cộng do người Mỹ đề nghị và trợ cấp—từ xây dựng tới bình định và phát triển nông thôn—đều chỉ có hình thức, và đôi khi đưa tới những kết quả trái ngược hẳn với mong ước lúc đầu. Nội tuyến Cộng sản xâm nhập mọi cơ cấu chính quyền—ngay sát nách Thiệu, và ngay trong Dinh Độc Lập, nói chi những tổ chức công nhân, sinh viên v.. v... Đã có lúc, người ta tự hỏi phải chăng chính Thiệu là cán bộ tình báo chiến lược của Cộng sản?

 

Về phương diện kinh tế, VNCH phải hoàn toàn lệ thuộc vào ngoại viện; và nguồn ngoại viện duy nhất là Mỹ. Hai kế hoạch kinh tế được nhiều người biết nhất của Thiệu gồm có việc lấy giống lúa mới “Thần Nông” và chương trình “Người Cày Có Ruộng.” Thực ra, cả hai kế hoạch này, giống như bất cứ kế hoạch nào ở miền Nam, đều do cố vấn Mỹ soạn thảo và chi tiền. Hơn nữa, cả hai kế hoạch trên đều có nhược điểm. Giống lúa mới Thần Nông cần phân bón—phải nhập cảng. “Người Cày Có Ruộng” cũng chỉ đủ mục đích tuyên truyền—chủ điền không sử dụng tiền bán ruộng đất “từ trời rơi xuống” để đầu tư vào nền kỹ nghệ nhẹ phôi thai, hoặc chỉ đầu tư tượng trưng trong nước. Nhờ hệ thống tham nhũng, họ chuyển phần lớn tiền bán ruộng cho chính phủ ra ngoại quốc. Số vốn để phát triển kỹ nghệ nhẹ trong nước không đạt được tiêu chuẩn. Số ruộng phát cho người cày không đủ, chỉ có tính cách tượng trưng. Thêm vào đó, chiến tranh vẫn tiếp diễn. Vùng “oanh kích tự do” (Free Fire Zones) ngày một loang rộng. Diện tích ruộng đất bị bỏ hoang ngày một tăng. Có ruộng, nhưng thiếu người cày vì số dân trực tiếp sản xuất ở nông thôn giảm xuống. Chỉ còn lại nền kinh tế tiêu thụ—và, cách nào đó, một nền công nghiệp nhẹ mới chập chững—ở các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn. Tuy nhiên, đại đa số các công ty do người Việt gốc Hoa làm chủ; hoặc, chỉ là đại diện các đại công ty của Mỹ, Nhật, Pháp v.. v... Sinh hoạt sản xuất, do nhu cầu thực tế và tình trạng chiến tranh, bị hạn hẹp. Mục đích chính của các công ty chỉ nhằm thu vét càng nhiều càng tốt số ngoại tệ Mỹ kim hàng năm của Mỹ lọt vào tới Việt Nam.

Trên nền tảng ký sinh vào ngoại viện ấy, mặt trận kinh tế còn một mục tiêu chiến lược khác: ngăn chặn lúa gạo, thuốc men, hàng tiêu dùng lọt vào vùng Cộng sản kiểm soát. Những nỗ lực này đều thất bại. Màng lưới tham nhũng quá tinh vi; và hễ có tiền là mua được tất cả. Thực tế, ngay đến Tư lệnh Quân khu, Sư đoàn, Tỉnh trưởng v.. v... cũng đứng ra bảo trợ cho việc buôn lậu với mật khu Cộng sản. Được dư luận biết đến nhiều nhất có vụ lính ma, lính kiểng của Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn IV, hay đoàn xe buôn lậu có Quân Cảnh hộ tống do các mệnh phụ phu nhân—thường được gọi là “Mặt Trời Cái” —bảo trợ. Đó là chưa kể đường dây buôn lậu nha phiến, ngoại tệ và phế vật chiến tranh. (Một cựu cố vấn Mỹ Tổng Nha Cảnh Sát Công An Quốc Gia, sau về dạy sử ở Madison-Wisconsin thập niên 1980, từng công khai tố cáo  Thiệu, Khiêm và tay chân, họ hàng Kỳ cầm đầu ba đường dây buôn lậu ma túy)

Đáng sợ hơn cả là cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1974. Từ năm 1965, nhờ các dịch vụ cho đạo quân viễn chinh Mỹ, nền kinh tế ở các đô thị khá sung túc. Gần 200,000 công nhân được thuê mướn trong các công ty Mỹ. Những món hàng P.X., rác rưởi Mỹ và kỹ nghệ giải trí cho lính Mỹ cũng giúp khoảng vài triệu người có công ăn, việc làm hoặc thu nhập một số lợi tức ở ngoài ngân sách hàng năm của chính phủ. Nền kinh tế tư, hãy tạm gọi thế, được phát triển. Nhưng từ năm 1971, trên dấu chân hồi hương của lính Đồng Minh, số người thất nghiệp ngày một gia tăng, đạt chỉ số 15% vào năm 1973. Sự cắt giảm viện trợ kinh tế càng khiến nguồn lợi tức ngoại nhập ngày một thấp. Việc nhập cảng hàng ngoại quốc giảm 40% trong giai đoạn 1971-1973. Thêm vào đó là việc gia tăng giá thị trường quốc tế các nguyên liệu và nông phẩm như dầu hỏa, phân bón, sắt thép, tơ dệt v.. v... Các đô thị bắt buộc phải đối diện với khả năng kinh tế quán tính của chúng. Nhờ cần kiệm, một số người tạo được đôi chút vốn liếng, tiếp tục buôn bán. Nhưng mãi lực của dân chúng giảm hẳn. Đồng thời, nạn lạm phát gia tăng, lên tới 68% vào năm 1973.

Cuộc Tổng tấn công 1972 của CSBV cũng tạo nên những hậu qủa trầm trọng. Ngoài những thiệt hại khổng lồ về tài sản, nhà cửa, ruộng vườn của dân chúng—lên tới hàng tỉ Mỹ kim—còn có khoảng 5,000 cây số (3,108 dặm) quốc lộ và tỉnh lộ bị hư hại, 200 cây cầu lớn, 500 trường, 500 trạm y tế xã cần tu bổ tức khắc. (14)

14. Những số liệu dựa theo U.S. House of Representatives, Committee on Foreign Affairs, Vietnam—A  Changing Crucible, Report of a Study Mission to South Vietnam, persuant to H. Res.267, 93rd Congress, 2d Session, May 1974 (Washington, DC: GPO, 1974), pp 8-9.
 

Từ cuối năm 1973, khủng hoảng kinh tế lan tràn. Không còn cảnh quân nhân bắn vợ vì ngoại tình với Mỹ, hay tự tử vì vợ con cuốn gói theo bạn Đồng Minh về nước—nhưng nhiều thảm kịch còn não lòng hơn xuất hiện. Có những cô gái vị thành niên đã phải bán thân kiếm tiền giúp gia đình, vì đồng lương công chức, quân nhân không đủ chi dụng. Những quân đoàn ăn mày, gái điếm, gái bia ôm, ước lượng vào khoảng 300,000 nhân số, nghễu nghện trên đường phố.

Cơ khổ nhất vẫn là đám đông thấp cổ bé họng. Tốc độ lạm phát khiến đồng lương hàng tháng—bị mất giá trị đích thực khoảng 35% từ tháng 3/1972 tới tháng 2/1974—không đủ sống hai tuần lễ. Làm gì để có miếng ăn trong thời gian còn lại? Chẳng cần thông minh cho lắm cũng suy đoán được đủ thứ hành vi, tệ nạn ngoài lễ giáo, mực thước bình thường của xã hội.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế này gây xáo trộn trong mọi giai tầng, đưa đến sự sụp đổ chung của khả năng chống Cộng tại miền Nam.

 

Về phương diện văn hóa-xã hội, hiện tượng suy thoái cũng khởi từ cuối thập niên 1950. Suốt 3 năm đầu hiện hữu của tiền đồn chống Cộng, nhờ sự tiếp tay của các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ, Diệm đánh dẹp hoặc mua chuộc được các tổ chức tôn giáo, xóa bỏ tệ nạn sứ quân do người Pháp để lại, tập trung quyền hành trong tay. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Ki-tô giáo được đưa lên hàng “công giáo” —chỉ dưới mức quốc đạo một bậc.

Thông thường, trong một xã hội văn minh, thế quyền (state) và thần quyền (religion) đều tách biệt nhau. Nhưng tại miền Nam Việt Nam, cả thế quyền và thần quyền đều tập trung trong tay gia đình họ Ngô—Diệm, Nhu và Cẩn độc quyền cai trị và diệt Cộng hoặc móc nối với Cộng sản, trong khi Thục khống trị Giáo hội Ki-tô Việt Nam. Bởi thế, những mảnh vụn văn hoá-xã hội của Tây phương—với nền tảng thần quyền và thế quyền Ki-tô giáo kiểu “tân” [neo] trung cổ—được cấy trồng thêm ở miền Nam Việt Nam trước sự đối kháng ngày một mãnh liệt trong mọi tầng lớp quốc dân. Vì giáo dân Ki-tô chiếm chưa đầy 10% dân số, độc quyền sinh hoạt văn hoá-xã hội của giới trí thức Ki-tô từ cuối thế kỷ XIX tới giữa thế kỷ XX ngày một bị chống đối và thách thức. Dấu hiệu chống đối và thách thức đầu tiên là sự thăng tiến của Đảng CSĐD. Quan trọng hơn, số trí thức không theo đạo Ki-tô cũng không ngừng gia tăng, sau khi những biện pháp hạn chế phổ thông học vấn do người Pháp áp đặt bị loại bỏ. Sự nổi dạy của Phật giáo trong mùa Phật đản 2,507 (8/5/1963) và cái chết bi thảm của anh em họ Ngô, cùng việc Thục bị trục xuất khỏi Giáo hội Roma, tiếp nối bằng chính sách tạm ngưng chống và hòa hoãn với Cộng sản của Giáo hoàng Paul VI (1963-1978), đánh dấu nửa đường đi xuống của nền văn hoá Ki-tô tân Trung cổ tại miền Nam. Mặc dù trong những năm cuối cùng của Đệ nhị Cộng Hòa, khối Ki-tô giáo nỗ lực trở lại sân khấu chính của sinh hoạt chính trị, nền sinh hoạt văn hoá Ki-tô tân Trung Cổ không thể lội ngược dòng nước lũ suy thoái của nó.

 

Vì tình trạng chiến tranh, giai cấp quân phiệt thống trị miền Nam. Quân nhân được bổ vào chức vụ hành chính để tiện việc chỉ huy các lực lượng quân sự, Cảnh sát. Nhưng đa số giai cấp quân phiệt ở VNCH—hãy tạm gọi như thế—chỉ biết điều động phi cơ oanh tạc, pháo binh tác xạ, hay chĩa họng súng về phía người thù đao binh mà bóp cò. Phần đông yếu kém về phương diện chính trị, kinh tế cũng như văn hóa. Qua hệ thống tham nhũng, phe đảng—và trong khuôn khổ gọi là “kỷ luật quân đội” —họ chưa xứng tay đối nghịch với cán bộ hành chính và chính trị Cộng Sản. Không thể phủ nhận tài năng và thiện chí của một số người, dù chẳng được bao lăm sau sự gạn lọc của “công ty.” Đại đa số, khi được đưa vào giai tầng “lãnh đạo” đều chăm lo thu lại số vốn đầu tư, tức tiền bỏ ra mua chức vụ, và kiếm thêm số tiền lời cần thiết.

Từ đó phát sinh ra hiện tượng “làm láo báo cáo hay.” Đó là chưa nói đến tệ nạn lính kiểng, lính ma v.. v... khiến nội tuyến Cộng sản đột nhập vào mọi cơ cấu chính quyền quốc gia.

Nhưng tưởng cần nhấn mạnh, giai cấp quân phiệt ở miền Nam không có được điểm mạnh của quân phiệt Germany [Đức], Nhật hay Nam Hàn. Hệ thống quân phiệt miền Nam còn có một bạn đồng hành thân thiết là hệ thống “cửa hậu,” và nhiều khi bị hệ thống cửa hậu này lấn át. Có những sĩ quan cấp Úy, cấp Tá ngồi bổ củi, nấu bếp, sửa xe trong tư dinh ông lớn. Có những “kép trẻ” của các bà lớnùhoặc nhờ giọng ca, tiếng hát, hoặc những thủ thuật nào đóùsống như những ông hoàng. Và, dĩ nhiên, cũng không thiếu loại người tự hào tuyên bố, “Làm bé ông lớn, hơn làm lớn ông bé.” Vợ Thiệu, Khiêm, Viên v.. v... là những nhân vật quyền thế, lộng hành còn tệ hại hơn cả Trần Thị Lệ Xuân. Việc mua bán chức tước đều nằm trong tay những nhân vật mà có nhà báo gọi là “giặc cái” này. Rất nhiều cấp chỉ huy tài năng—như Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch hay Đại tá Vũ Bá Thìn tự Long—đã bị biến chất, thân bại danh liệt chỉ vì hệ thống “cửa hậu.”

Sau giai cấp quân phiệt có giới lãnh đạo tôn giáo. Trong những năm cuối cùng của VNCH, các giáo xứ Ki-tô đã chiếm lại được uy thế cũ. Theo một tài liệu Cộng sản, chính Hồng Y Spellman cùng Vũ Ngọc Nhạ—một cán bộ tình báo chiến lược len lỏi vào tổ chức Ki-tô giáo từ giữa thập niên 1950—móc nối cho Thiệu lên cầm quyền ở miền Nam.(15) Tài liệu văn khố Mỹ chỉ nhắc đến Đại sứ Ellsworth Bunker và Tướng Edward G Lansdale trong việc áp lực Nguyễn Cao Kỳ nhường cho Thiệu để duy trì sự đàn kết quân đội—và được tiếp sức bằng ba tai nạn: cái chết của Lưu Kim Cương, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan bị thương, cùng tai nạn trực thăng Mỹ bắn lầm vào Bộ Chỉ huy hành quân Chợ Lớn, chỉ có Trung Tướng Lê Nguyên Khang may mắn thoát nạn nhờ ít phút trước một cựu cố vấn mời đi nói chuyện riêng.  Thiệu được sự ủng hộ của một số lãnh tụ Ki-tô, và, đổi lại cho họ hưởng nhiều ân huệ. Từ tháng 9/1969, Thiệu còn tăng cường thêm uy quyền sau khi liên kết với Khiêm, không những chỉ gốc Ki-tô, Cần Lao, mà còn được tình báo Mỹ bao bọc.

Với các tổ chức Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo v.. v... Thiệu cũng theo đúng chính sách “trao đổi, mua bán.” Hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo được duy trì những cơ cấu quân sự riêng; và được dành cho một số ghế Nghị sĩ hay Dân biểu. Phần Phật giáo, từ sau cuộc biến động ở miền Trung năm 1966, uy thế bắt đầu xuống dốc. Mặc dù trong cuộc tranh cử 1970, liên danh Vũ Văn Mẫu của Phật giáo về đầu, nhưng vẫn chỉ là thiểu số trong Thượng viện.

Do cường độ chiến tranh, tưởng nên ghi nhận, thế lực của các tổ chức tôn giáo bị giới hạn. Giai cấp quân phiệt thống trị. Sự ưu thắng của mũi súng này bộc lộ rõ rệt vào những cuộc đàn áp đẫm máu trong ba năm 1965-1967, và nhất là mùa thu 1974 và những tháng đầu năm 1975, khi Thiệu thẳng tay đàn áp các phong trào tranh đấu của mọi giai tầng xã hội. Tổng đoàn Bảo An của Hòa Hảo bị giải tán. Thiệu cũng chẳng chút nương tình với lực lượng Ki-tô giáo Tân Chí Linh.

Phần những giai tầng khác cũng bị xáo trộn vì chiến tranh. Đại đa số nông dân vẫn tiếp tục cầy cấy ruộng đồng của họ, trong vùng bóng tối nhá nhem của bạo lực, giữa cảnh một cổ hai tròng—cướp đêm là Việt Cộng, cướp ngày là Cộng Hòa. Số nạn nhân rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa kéo về các đô thị ngày một đông. Hậu quả tất nhiên là dân chúng ở các thị xã, thị trấn ngày một gia tăng. Khối lượng thị dân “mới” này cung cấp cho Sài Gòn và các tỉnh lỵ, thị xă những quân đoàn ăn mày, gái điếm và tệ đoan xã hội khác.

Vì nhu cầu chiến tranh, vai trò các trí thức và công chức lu mờ dần. Phần đông đều bị động viên, và chỉ một thiểu số được biệt phái về trường ốc hay nhiệm sở cũ. Trước ám ảnh của chết chóc, tàn phá—trong một vùng trời bạo lực làm chủ tể—giới trí thức, công chức là giai tầng bị khủng hoảng, bối rối nhất. Là sức sáng tạo và tiến bộ của bất cứ quốc gia nào không bị guồng máy quân phiệt hay “chuyên chính vô sản” chi phối, giới trí thức, công chức tại miền Nam Việt Nam bị ghẻ lạnh, bạc đãi cùng độ. Trước họng súng kẻ thù, và do nhu cầu ngu dân để phục vụ chiến tranh, giới quân phiệt—dưới sự che chở của các viên chức Mỹ—tìm đủ cách phá bỏ vị thế cần thiết của giới trí thức và công chức trong xã hội. Bởi thế, đó đây xuất hiện những hiện tượng trái tai, gai mắt như trò hành hung thày, báo chí nhục mạ giới giáo sư Đại học bằng những ngôn ngữ thô tục, đầu đường xó chợ, hay hàng cá, hàng thịt.

Năm năm cuối cùng của miền Nam Việt Nam cũng là những năm chuyển biến của nền văn hóa chiến tranh, hãy tạm gọi thế. Có nhiều hình thái và bản sắc là hai khuynh hướng chính: sống vội và bi quan, yếm thế. Khuynh hướng sống vội chủ trương vui hưởng hiện tại, làm giàu bằng mọi cách, hưởng thụ tất cả lạc thú, trong khả năng. Người ta yêu cuồng, sống vội, trên những dấu cát lún, và dưới lớp sơn bản xứ của nền văn hóa Ki-tô/vật bản Pháp-Mỹ để lại. Khuynh hướng bi quan, yếm thế bộc lộ qua những hành vi và tác phẩm phản chiến, chống đối tệ nạn phe đảng, tham nhũng một cách tiêu cực, hoặc ngông nghênh, điên cuồng, coi trời bằng nửa con mắt. Khuynh hướng “chống Cộng” của những hồi chính viên hay “dinh tê” mất dần hiệu lực.

Tầng lớp quân phiệt cai trị—vì không đủ kiến thức để phân tích, và cũng có quá nhiều việc để lo lắng—hầu như chẳng mấy quan tâm đến khía cạnh văn hóa. Dựa trên sức mạnh họng súng ngày một yếu ớt của Thiệu, một số cựu sinh viên từ Mỹ về muốn sử dụng bạo lực để cải tổ, hướng sinh hoạt văn hóa vào mục tiêu chống Cộng và suy tôn cá nhân Thiệu. Việc làm vụng về, hồ đồ này khiến sự thù ghét của mọi tầng lớp dân chúng với Hoàng Đức Nhã, Bí thư của Thiệu, cũng hằn học không kém các mưu toan bôi nhọ Nhã của Tòa Đại sứ Mỹ hoặc Cộng sản (vì một lý do khác).

 

Trên mặt trận quân sự—mặt trận có tính cách quyết định—như đã trình bày chi tiết ở những chương trên, VNCH mất dần ưu thế từ năm 1974. Sự suy sụp này có nhiều nguyên do.

Yếu tố quan trọng, và quyết định, là việc Mỹ cắt giảm viện trợ. Được huấn luyện theo lối đánh giặc kiểu Mỹ—tận dụng hỏa lực phi pháo và khả năng vận chuyển nhanh chóng, tiếp liệu dồi dào—Nam quân khó thể trở lại với lối “đánh giặc nhà nghèo.” Tiềm năng chiến đấu ngày một giảm sút. Vào mùa Thu 1974, dấu hiệu bại trận đã biểu lộ.

Yếu tố khác chẳng kém quan trọng là lãnh đạo, chỉ huy. Tổng Tư lệnh Nam quân gần trọn đời binh nghiệp chỉ biết huấn luyện khóa sinh sĩ quan hay tân binh. Được nắm chỉ huy cấp Sư đoàn thì không vì tài điều binh mà chỉ vì với nhiệm vụ chính trị—bảo vệ lãnh tụ tối cao của Đảng Cần Lao ở Sài Gòn. Nhưng Thiệu lại tập trung hết quyền bính trong tay, biến Bộ Tổng Tham Mưu thành một cơ cấu thư lại, không hơn, không kém. Đã hẳn, 30 năm chiến tranh liên tục đã đào tạo cho VNCH nhiều cấp chỉ huy kinh nghiệm, có khả năng từ cấp Trung đoàn trở xuống. Nhưng qua màn lọc của hệ thống phe đảng và tham nhũng, những cấp chỉ huy tài ba nhất thường chết trẻ hay bị phế tật.

Một số Tướng tá tài năng, có tâm huyết nhưng không, hoặc chưa có thế lực chính trị. Nếu những ngày cuối năm 1974, hay đầu năm 1975, Tướng Trưởng cùng các Tư lệnh Dù, TQLC, SĐ 1, 2, 3, 5 v.. v... có dũng tâm lật đổ Thiệu, mọi việc đều đã khác. Cảnh tượng đau khổ, nhục nhã của Mùa Xuân Kinh Hoàng ở Cao nguyên hay Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng là cái giá mà Trưởng, Hinh, Lưỡng, Lân v.. v... phải trả cho sự ngần ngại, thận trọng quá mức.

Nền móng của quân đội, dĩ nhiên, vẫn là binh sĩ cùng cán bộ cấp nhỏ. Không thể phủ nhận được một điều là từ năm 1972-1973, VNCH đã có được những người lính thuộc hàng thiện chiến nhất trên thế giới. Phải chứng kiến tận mắt những người lính VNCH lâm trận mới hiểu được khả năng cao độ của họ. Tuy nhiên, Hiệp định Paris 27/1/1973 bắt đầu mang lại cho họ một dấu hỏi lớn: Tại sao đang đánh bỗng đầu hàng, nhìn nhận sự hiện diện của chính phủ LTMN và quân đội “giải phóng miền Nam?” Mỹ đã bỏ rơi chăng? Nếu vậy, lấy gì để chiến đấu? Có người cho rằng sớm, muộn hòa bình cũng tới, sẽ có giải pháp chính trị. Tại sao mình phải chết ở giờ cuối của trận chiến? Vợ mình thành góa phụ, con mình, trẻ mồ côi—Đồng lương tử tuất của mình sẽ bị cắt xén—Cha, mẹ mình không người phụng dưỡng—Ruộng, đất mình người khác cày xới, trồng trọt.

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1974, đồng thời với mức gia tăng cường độ các mặt trận, gọt mỏng dần ý chí chiến đấu của đa số binh sĩ. Ngoại trừ, một vài đơn vị ưu tú, khả năng chiến đấu của Nam quân nói chung suy giảm rõ rệt. Có đơn vị tự ý rút lui khi pháo địch vừa nã vào đồn, bót, hay mới chỉ gây áp lực. Nghe tiếng máy cày trong đêm, có toán tiền đồn báo cáo tăng địch xuất hiện. Dịch phá hoại thân thể để được giải ngũ, hay đào ngũ về sống chui rúc ở các xóm lao động, tụ tập thành băng đảng trộm cướp lan tràn. (15)

15. Nguyên Vũ, Sau Bảy Năm Ở Lính (Sài Gòn: Đại Ngã, 1970).
 

Những người còn ở lại chiến đấu thì ngày thêm bất mãn. Thượng cấp của họ chỉ biết thu góp vốn riêng, ăn bớt, ăn xén tiền trợ cấp hành quân; cắt giảm quân trang, quân dụng bán ra chợ trời. Không, pháo yểm trợ hay phương tiện chuyển quân ngày một eo hẹp. Quần áo, giày dép rách rưới không có để hoán đổi. Ngay đến số lựu đạn cần thiết để cận chiến cũng không đủ. Địch quân thì mỗi ngày một mạnh hơn. Nhiều người lính VNCH đã chiến đấu đến giờ phút cuối đời, nhưng uất hận khó tan—Họ chỉ là những con chốt qua sông, trước những xe, pháo, mã hùng hậu của đối thủ. Thảm kịch của 250 chiến sĩ Biệt Kích Dù ở Phước Long—những người lính Địa Phương quân đơn độc, đói khát trên núi Bà Đen—các chiến sĩ mũ nâu Tiểu Đoàn 34 trên đường 7-B—Hay những chiến sĩ Nhảy Dù từ Khánh Dương xuống Phan Rang, từ Xuân Lộc về Ngã Tư Bảy Hiền, trại Hoàng Hoa Thám v.. v... nghe bi tráng đến não lòng.

Sự sụp đổ của miền Nam, dĩ nhiên, còn do sự thờ ơ của đám đông. Mặc dù cơ quan tuyên truyền của VNCH lúc nào cũng rêu rao về chính nghĩa chống Cộng của 14, 15, 17 triệu đồng bào dân chúng miền Nam, từ năm 1973—và trước đó nữa—chế độ Thiệu chỉ có thể kiểm soát được khoảng từ 20 tới 30 phần trăm dân số. Phần còn lại, như loài lục bình nổi trôi theo những đợt sóng càn quét, tảo thanh. Là những nông dân hai sương, một nắng, họ chẳng ước mơ gì hơn được sống yên ổn, cầy sâu, cuốc bẫm kiếm miếng cơm, manh áo. Họ không ưa gì bọn Việt Cộng “láo khoét” —và, cũng chẳng có thiện cảm với “Cọng Hòa,” mà sự xuất hiện thường mang theo bom đạn, chết chóc, thương tật, tàn phá hoặc tù đày. Một cổ, hai tròng—họ muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt. Chẳng thể trách họ: Sự chống đối chế độ CSVN của nông dân các tỉnh miền Nam vào cuối năm 1988 cho thấy, và chứng thực nhận xét, rằng nông dân Việt Nam—mặc dù luôn luôn ở vào tình trạng nước ngập đến cổ, chỉ một con sóng gợn nho nho nhỏ đủ bị sặc sụa hay chết đuối—chỉ phản kháng khi quyền lợi đích thực của họ bị va chạm. Với họ, Cộng Sản hay Tư Bản, Độc Tài hay Tự Do là những từ ngữ xa vời, khó hiểu, chẳng thiết thực bằng bát cơm khi đói, ly nước khi khát, hoặc những nhu cầu văn hóa truyền thống.

Ngay trong số 20-30 phần trăm dân chúng cư ngụ trong vùng kiểm soát của VNCH, cũng có nhiều khuynh hướng dị biệt. Nhờ sự tiếp xúc với những mảnh vụn của nền văn minh vật bản, và những quầng sóng ngoại vi của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật-truyền thông—qua sự du nhập của máy truyền thanh, truyền hình, tủ lạnh, máy lạnh v.. v... —họ nghiêng về phía tự do tư sản. Nhưng dù oán ghét Cộng sản, họ cũng chẳng nhiệt tình ủng hộ Thiệu-Khiêm và phe đảng. Để đối lại câu nói của Thiệu như “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng sản làm,” người ta chỉ thay thế chữ “Cộng sản” bằng “Thiệu” hay “Tám”. Ngay các cháu nhỏ, mới bốn năm tuổi, cũng biết thêm vào khẩu hiệu “không nhường một tấc đất cho Cộng sản” bằng một câu nghe khiến thấm thía chua xót—”Vì một tấc đất quá ít!”

 

Với những người “Cộng sản,” cuộc sụp đổ của VNCH trong vòng 55 ngày và 55 đêm là một chiến thắng lớn. 45 năm sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, người Cộng sản đã chiếm được trọn vẹn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng ấy còn ngọt ngào hơn nữa khi chỉ 10 năm trước, Liên Bang Mỹ, một đại cường quốc trên thế giới—đã đưa cả nửa triệu quân vào bảo vệ VNCH.

Nhưng chiến thắng của Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng và Đảng CSĐD không “vĩ đại” như cơ quan tuyên truyền của Cộng Sản ra công tô vẽ. Về phương diện quân sự, CSBV chỉ thuộc cường quốc hạng ba. Người Mỹ đã quyết định tìm một giải pháp chính trị vì cảnh đổ nát của làng mạc, thị trấn Việt Nam khiến động lòng trắc ẩn dư luận thế giới cũng như quốc dân Mỹ, hơn vì “sức mạnh quân sự” của CSBV—thứ sức mạnh hoàn toàn tùy thuộc vào viện trợ của khối Cộng sản, và việc đẩy đưa những thanh niên vô tội ra trước họng súng đối thủ. “Sức mạnh” của CSBV, so với hơn 500,000 quân nhân Mỹ, chỉ là những hình ảnh các bà già, phụ nữ khóc lóc thảm thương, chắp tay vái lạy tứ phương cầu xin được tha thứ; hay hình ảnh những trẻ thơ kinh hoàng chạy trốn lửa đạn, hay thi thể gãy nát đẫm máu được các ống kính truyền hình cố tình đưa vào các phòng khách hay phòng ngủ của thế giới Tây phương. Ngay cả về phương diện chính trị, cũng chẳng hề có chiến thắng cho Việt Nam. Thời đại chúng ta đã vượt qua ranh giới quốc gia và lục địa. Những khuôn thước ý thức hệ đã rạn vỡ. Vấn đề đặt ra là mặt trận kinh tế, kỹ thuật. Chính nghĩa của một chế độ không nằm ở học thuyết này, chủ nghĩa nọ—mà ở hạnh phúc và sự no ấm của dân chúng, cùng trình độ khoa học kỹ thuật trong nước. Người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam vì nhiều lý do khác hơn sự hùng mạnh hay “chính nghĩa” của Hà Nội.

Quyết định chiếm VNCH bằng võ lực của Hà Nội đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Paris 1973 và bản tuyên cáo của La Celle St. Cloud vào tháng 6/1973. Sự vi phạm này khiến Mỹ—không phải là chẳng dự liệu được, hoặc không chờ đợi việc làm của Hà Nội—có lý do rất chính đáng để hủy bỏ lời hứa viện trợ tái thiết, đồng thời theo đuổi chính sách không nhìn nhận và phong tỏa kinh tế.

Nước “anh em chủ nghĩa xã hội” ở phương Bắc—chỗ nương tựa của CSVN từ thập niên 1920—cũng không thể khoanh tay nhìn thái độ “vô ơn” của Hà Nội. Vì nền an ninh quốc gia của mình, Bắc Kinh đưa đẩy Hà Nội vào thế sa lầy ở Cao Miên—một bãi lầy khiến phải hơn 10 năm sau mới có cơ hội vượt thoát. Đó là chưa nói đến những lò lửa Trường Sa, Hoàng Sa âm ỉ ngoài khơi cùng tham vọng thực dân xã hội chủ nghĩa của Trung Nam Hải. (16)

16. Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Nhục Hận Biến Đông Nam Á, 3 tập (Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2015-2016), đặc biệt tập 3 (bổ túc);

 

Sau Đại Hội 19 Đảng CSTH (18-24/10//10/2017),  Xi Jin-ping, 64 tuổi, trở thành “Chairman of every thing;” cầm đầu Ban Thường vụ BCT gồm những tội phạm hình sự quốc tế Li Ke-qiang [Lý Khắc Cường], Li Zhan-shu [Lật Chiến Thư], Wang Jiang [Uông Dương], Wang Hu-ning [Vương Hỗ Ninh], Zhao Le-ji [Triệu Lạc Tế],  Han Zheng [Hân Chính], đẩy mạnh âm mưu xâm chiếm Biển Đông Nam Á, bất chấp phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế The Hague. Việt Nam không những bị cấm đánh cá mà còn cấm khai thác thêm dầu hỏa, khí đốt. Ngày 31/3/2018, Wang Yi [Vương Nghị], Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng TH, sang Hà Nội, chuyển chỉ thị của Tập Cận Bình về việc khai thác dầu, cho lệnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Nhà Nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không được đơn phương hành động. Tình hình cũng căng thẳng hơn ở Đá Chữ Thập, Trường Sa, và Hoàng Sa, khiến ngày 25/4/2018, Hà Nội lại công khai phản đối Trung Hoa xâm phạm chủ quyền VN tại hai huyện đảo Hoàng Sa-Trưởng Sa—nhưng vẫn chưa dám khởi kiện. (17)

17. Website Đảng Cộng Sản, 2/4/2018; TTXVN; QĐND, 2, 25/4/2018; HNM, 25/4/2018. Theo Reuters, Wang Yi tuyên bố:  “The two sides should better manage disputed through talks  and refrain from taking unilateral and expand the disputes.”  Thương mại giữa hai nước hơn 100 tỉ năm 2017. Reuters, 2/4/2018. Theo các gíi chức quân sự Mỹ, tập đoàn tội phạm chiến tranh quốc tế ở Trung Nam Hải đã biến Trường Sa và Hoàng Sa thành những căn cứ quân sự hiện đại cùng các căn cứ tàu ngẩm. Mỹ đã phải sử dụng oanh tạc cơ C 130 và B1 vào các cuộc tuần tra.

 

Chiến thắng của CS cũng đưa đến sự vỡ mộng của dân chúng đối với “cách mạng” và “bộ đội giải phóng.” Trong hai năm 1975-1976, mọi người bắt đầu thấy rõ sự thực: Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chỉ là một công cụ của Hà Nội để nhuộm đỏ miền Nam. Ngay đến những cán bộ “giải phóng” gốc miền Nam cũng phải bất mãn, ngấm ngầm chống đối thái độ “kẻ chinh phục” của cán bộ từ miền Bắc vào. Tổ chức Cựu Cán Bộ Kháng Chiến của Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà và Nguyễn Hộ ở miền Nam, hay những hồi ký chống Đảng của các cán bộ về hưu như Nguyễn Văn Trấn, Trần Độ, và các tác phẩm văn chương đối kháng của Dương Thu Hương, Phùng Gia Lộc, v.. v... mới đây chỉ là một trong những thí dụ.

Đáng sợ hơn cả là sự biến chất của ngay các cán bộ trung kiên nhất. Cuộc sống vật chất tương đối cao ở miền Nam (so với miền Bắc) khiến các “anh hùng giải phóng” từ núi rừng, mật khu về thành ngỡ ngàng. Bao lời tuyên truyền về sự đói khổ của miền Nam trước năm 1975 đều phơi bày rõ bản chất dối trá, bịp bợm của các cấp lãnh đạo CS. Hiện tượng mà CS sính dùng là “tiêu cực” lan tràn khắp nơi. “Đạo đức cách mạng” trở thành tiếng cười dài mỉa mai. Niềm tin tưởng của dân chúng vào cán bộ, hay Đảng và Nhà Nước ngày một phai nhạt, Thêm một lần, trong lịch sử nhân loại, chủ thuyết Karl Marx đã bộc lộ sự ham hố, lỗi lầm của nó—Chủ thuyết này chỉ “đẹp” khi người Cộng sản chưa lên nắm chính quyền. Nó cũng không tưởng và thuần lý một cách ngây thơ như bất cứ một học thuyết chính trị nào trước đó. Đây có lẽ là sự thảm bại lớn lao nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng, và khối Cộng Sản Quốc Tế nói chung.

 

Để kết thúc tập sơ thảo này, một câu hỏi không thể đặt ra: Tại sao Hà Nội không tạm thời duy trì hai “nước” Việt Nam? Giải pháp này, theo nhiều chuyên viên, có lợi cho cả hai miền Bắc-Nam. Mỗi phần đất nước sẽ có cơ hội phát triển theo hai trào lưu hiện đại của thế giới. Và, rồi, sẽ có một ngày—như trường hợp Germany—đất nước, dân tộc Việt sẽ thống nhất trong tinh thần đoàn kết dân tộc, dân chủ, phù hợp với đặc tính đa nguyên của lịch sử xã hội và văn hóa Việt Nam.

Không dễ để tìm ra đáp án, vì hầu như tất cả những tài liệu mật liên quan đến vai trò của điện Krem-li trong cuộc tổng tấn công 1975 vẫn chưa được công bố. Nhưng có thể đoan chắc rằng Liên Sô đóng góp phần nào trong quyết định này. Mở rộng được ảnh hưởng xuống Đông Nam Á vẫn là giấc mơ, đã lâu, của Liên Sô.

Những thành viên của Bộ Chính Trị Đảng CSVN, dĩ nhiên, cũng có lý do riêng để quyết xâm chiếm miền Nam bằng võ lực. Năm 1945-1946, khi bị ép buộc phải rời bỏ Sài Gòn và đô thị miền Nam vào bưng biền, Lê Duẩn, Phạm Văn Thiện [Hùng], Nguyễn Chấn [Trần Văn Trà] v.. v... đều mơ ước một ngày trở lại vinh quang, ở phương vị người chinh phục. Sự suy yếu của VNCH trong hai năm 1974-1975 mở ra cho họ cơ hội bằng vàng để thực hiện ước mơ ấy.

Tinh thần “hủ Mác-Lênin” cũng đóng một vai trò quan trọng. Tin tưởng vào giáo điều Mác-Lênin từ những năm cuối thập niên 1920 hay trong thập niên 1930—với những tài liệu tuyên truyền kiểu “Nhời hô của Hội lao nông quốc tế,” khiến gợi nhớ những tài liệu cao rao đạo Ki-tô của các thày kẻ giảng vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, và do phản ứng trước những nghịch cảnh xã hội vừa phong kiến vừa thực dân mà các cấp lãnh đạo CSVN đã khôn lớn lên, rồi được tôi đúc thêm qua những năm tù đầy khổ sở, nhục nhã, và nhiều thập niên nằm gai, nếm mật ở chiến trường—những Lê Duẩn, Đặng Xuân Khu [Trường Chinh], Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải, Võ Giáp v.. v... khó thể nhận hiểu được rằng vào năm 1975 thế giới đã đổi thay: chế độ thực dân cũ đã bị khai tử—nhân loại đã bước vào kỷ nguyên kỹ thuật và không gian—chủ thuyết Mác-Lênin đã lung lay từ gốc rễ, thất bại đã ươm mầm từ “thành đồng vĩ đại của chủ nghĩa xã hội” là Liên Sô qua tới Đông Âu, Trung Cộng v.. v... Bởi thế, họ vẫn mơ ước “quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội,” thiết lập một lâu đài vàng mã trên giải đất bị tàn phá hơn 30 năm vì đủ loại bom, đạn, chất nổ, thuốc hóa học v.. v...

Sự hủ lậu, thiếu sáng tạo của những người kiêu căng, tự sắc phong làm “đỉnh cao trí tuệ” này có lẽ là một đặc tính của người Việt—tương tự như căn bệnh “hủ Nho” của triều Nguyễn ở thế kỷ 19, hay “hủ Tây” ở những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Để giải thích hiện tượng “hủ” —hay cực kỳ bảo thủ này—có thể đề cập đến yếu tố “nông nghiệp” của sinh hoạt kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng. Tại sao Thái Lan, hay Nhật Bản, cũng là những nước nông nghiệp, đã có can đảm uyển chuyển, đổi mới?

Cũng có thể đề cập đến cái gọi là “thủy chung như nhất” hay quan niệm “ngọc vỡ hơn ngói lành” của truyền thống Khổng học. Nhưng Nhật Bản chẳng từng chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo đó sao? Đặc tính cực kỳ bảo thủ—và, một cách nào đó, cuồng tín kiểu Trung Cổ—là do sự thiếu kém và yếu ớt của giai cấp trí thức, chuyên viên mới, với trình độ hiểu biết hiện đại.

Quan trọng hơn nữa, tại Việt Nam, chưa có được một nền quốc học chân chính. Từ thời Bắc thuộc tới cuối thập kỷ 1920, cái học “thánh hiền” chỉ là mảnh vụn từ chương của nền quốc học Trung Hoa. Những Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa về thực học có lẽ còn thua kém cả những học sinh Ban Tú Tài hiện nay. Chỉ cần đọc qua những bài “luận” của các Tiến Sĩ, Phó Bảng năm 1910 đủ thấy kiến thức lịch sử, địa lý thế giới, hay khoa học của họ sơ sài, non kém đến mức nào. Nhưng “Khổng học” vẫn được nhà Nguyễn, nhất là từ triều Nguyễn Phước Đảm (14/2/1820-20/1/1841), niên hiệu Minh Mạng, trở đi, chọn làm quốc giáo vì nó bao quanh ông vua một thứ “thần quyền” được biết như “thiên mệnh.” Sự bế tắc của dòng lịch sử Việt Nam từ triều Nguyễn Phước Đảm còn có thêm một yếu tố khác: sự tranh chấp quyền lực với giòng trưởng, con cháu Thái Tử Cảnh, người đã được Pierre [Pedro] Joseph Georges Pigneau [Bá Đa Lộc] (1741-1799), Giám mục Adran, “rửa tội.” Chính sách ngược đãi giáo dân Ki-tô, tôn sùng “thánh hiền” Trung Hoa của Nguyễn Phước Đảm đã khiến lịch sử Việt quay ngược nửa vòng 180 độ—Cơ hội tự mở cửa bước vào kỷ nguyên và vận hội mới của đất nước biến thành cuộc hành trình về dĩ vãng, và nô lệ ngoại bang.

Tinh thần “hủ nho” lên cao độ dưới triều Nguyễn Phước Thời   (10/11/1847-19/7/1883), niên hiệu Tự Đức. Bao nhiêu điều trần xin duy tân đều bị bác bỏ hay chỉ  rụt rè thực hiện. Giữa lúc nhân loại đang bước những bước dài vào kỷ nguyên kỹ thuật, nhà vua không con này tập trung hết nghị lực vào việc soạn thảo bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, vui vầy xướng họa với các văn nhân, thi xã, hoặc truy tìm thuốc tiên để có giọt máu nối ngôi. Trong khi đó, giặc giã nổi lên khắp nơi, kể cả danh sĩ Cao Bá Quát—một tay văn chương quán thế, nhưng chỉ sau một chuyến đi đày qua tô giới Sư Tử Thành (Singapore) của Bri-tên đã phải cảm khái đặt bút viết, “Giật mình khi ở xó nhà, văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.”

Cuộc xâm chiếm và đô hộ của người Pháp—từ năm 1858 tới 1945—mang lại cho Việt Nam nhiều biến đổi. Tinh thần “hủ nho” tàn lụn dần. Nhưng lại thêm một cái “hủ” mới mà Phó Bảng Phan Chu Trinh gọi là “hủ Tây.” Thay vì trích dẫn Tử viết, Tử vân, giới “trí thức” bắt đầu trích dẫn những Ronsard, Lamartine, Voltaire, Rousseau v. v... Cái tinh thần “hủ Tây” này—đại diện bằng nhóm quan lại, đốc phủ sứ hay con cháu những Bà Phó Đoan và Tư Hồng v.. v... —giúp người Pháp củng cố được nền đô hộ. Tư bản và các viên chức ngành thuộc địa của Pháp ra sức “khai hóa” tài nguyên thiên nhiên và nhân lực Việt Nam để làm giàu cho “mẫu quốc.”

Nhưng, tưởng cần nhấn mạnh, ngay từ ngày người Pháp xâm chiếm Việt Nam, nhiều phong trào kháng chiến đã nổi lên giành độc lập. Những tên tuổi như Thiên Hộ Dương, Thủ khoa Huân, Trương Công Định, đi vào lịch sử với những nét vàng son chói lọi. Rồi đến các phong trào Cần Vương, Văn Thân của những Phan Đình Phùng, Tán Thuật, Nguyễn Duy Hiệu, v.. v.... để ủng hộ chuyến xuất giá của ấu vương Nguyễn Phước Minh (2/8/1884-5/7/1885, 13/7/1885-1/11/1888), niên hiệu Hàm Nghi, hay trừng trị lực lượng Ki-tô giáo đánh thuê cho Pháp. Khi các phong trào chống Pháp trên tàn lụn dần vào cuối thế kỷ XIX, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những tổ chức ái quốc mới. Hầu hết lãnh tụ của những tổ chức này đều trốn ra hải ngoại. Tôn Thất Thuyết (Lê Thuyết) và Nguyễn Thiện Thuật ở Hoa Nam. Phan Bội Châu và Cường Để ở Nhật. Tuy nhiên, mãi tới thập niên 1920 trở đi, các tổ chức kháng Pháp mới được hình thành và phát triển trong nước. Đáng kể nhất có Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Cộng Sản Đông Dương, và giáo phái Cao Đài. Dù cùng một mẫu số chung chống Pháp, chống bọn “hủ Tây” phục vụ chế độ Pháp, những tổ chức trên luôn nghi kỵ, và tìm cách hãm hại lẫn nhau.

Nhờ Quốc Tế Cộng Sản trợ cấp và huấn luyện thành những “cán bộ cách mạng chuyên nghiệp,” phe Cộng sản có thực lực hơn cả. Trong khi đó, mặc dù đông đảo về nhân số, các phe phái chống Pháp không Cộng sản bị yếu kém về đủ mọi phương diện—từ tổ chức tới nhân sự, từ chủ thuyết tới tài vật lực. Đó là chưa nói đến sự ganh ghét, đố kÿ, tạo cơ hội cho nhân viên tình báo Pháp hoặc cán bộ chiến lược Cộng sản đột nhập để phá hoại.

Nhưng những người Cộng Sản—giống như những “Hồ nhân” thời Sĩ Tiếp/Nhiếp, phe đảng Lý Phật Tử thời Lý Nam Đế, hoặc các thiền sư đời nhà Đinh, những hủ nho của thời Hậu Lê và nhà Nguyễn, hay những hủ Tây như “cha” Lục (Trần Xuân Triêm), Trần Bá Lộc, Petrus Key, Ngô Đình Khả, Nguyễn Thân, Nguyễn Hữu Bài, Lê Hoan, v.. v... của Ki-tô giáo vào hạ bán thế kỷ XIX—cũng mắc phải căn bệnh cuồng tín vô thần, hay, “hủ Marxist-Leninist.”

Họ tự sắc phong cho mình cái sử mệnh truyền giáo, phất cao ngọn cờ “chuyên chính vô sản” ở Đông Dương; tuyên chiến với đủ loại “ma túy” tôn giáo khác. Ai thuận theo thì sống; ai chống lại thì diệt. Bởi thế, dù đã ở thời điểm 1975, khi Liên Sô đang thương thảo với Mỹ về một Hiệp ước giới hạn vũ khí nguyên tử; khi Bắc Kinh và Oat-shinh-tân bắt đầu hoà hoãn với nhau—Lê Duẩn, Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải [Lê Đức Thọ], v.. v... vẫn quyết thực hiện cho bằng được giấc mơ điên cuồng “quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội” mà không cần trải qua “khâu tư sản.” Một mặt lừa dối bóc lột tận cùng xương tủy nhân dân miền Bắc. Mặt khác, quyết tâm đánh chiếm miền Nam, biến tài nguyên nhân vật lực của miền Nam thành công cụ xây đắp tân đế quốc Liên Sô và Trung Cộng—trong một “ảo giác tự do, độc lập.” (18)

18. Giới lãnh đạo Hà Nội thường tự hào cho rằng họ đã “thống nhất đất nước.” Thực ra, từ năm 1945, việc thống nhất đất nước đã thực hiện dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim. Xem Vu Ngu Chieu. “The Other Side of the Vietnamese 1945 Revolution: The Empire of Vietnam (March-August 1945);” Journal of Asian Studies (February 1986), tr 293-338; Idem, The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945)/Phía Bên Kia Cuộc Cách Mạng 1945: Đế Quốc Việt-Nam (3-8/1945) (Houston: Văn Hoá, 1996).

 

Rồi kiêu căng ngạo mạn, đốt sách vở miền Nam, hạ ngục hàng trăm ngàn quân nhân, công chức miền Nam, đưa đến cảnh sụp đổ, ly tán của hàng triệu gia đình. Trục xuất hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa khỏi đất nước, để thu đoạt tài sản và tránh họa “nạn kiều,” khiến rúng động lương tâm nhân loại. Đất nước ngày một thêm sa lún, ngô khoai chẳng có mà ăn, nói chi cơm gạo. Từ cán bộ hạng trung xuống dân đen đều chịu cảnh bo bo ... độn gạo; trong khi đại diện chế độ mệt mỏi, ngượng ngùng bẽ bàng ngửa tay vái xin viện trợ tứ phương. (19)  Năm 1985, chính Bí thư Sài Gòn là Nguyễn Văn Linh—người trở thành Tổng Bí thư khoá VI, 1986-1991—phải than lên rằng lần đầu tiên trong lịch sử, dân Sài Gòn phải ăn độn! (20)

19. Chieu N Vu,  “From Embargo to Normalization: The Human Rights Aspects Of The United States-Vietnam Relations, 1975-1995;” unpublished J. D. Human Rights Seminar (Spring 1999) under the supervision of Professor Jordan J. Paust, University of Houston Law School, Houston, TX.

20. Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm (Sài Gòn: 1985), tr. 92-93;

 

Không đầy 10 năm sau chiến thắng Xuân 1975, Việt Nam đã bị phũ phàng đặt trả lại vị thế đích thực của nó—một quốc gia có nền kinh tế của tiền bán thế kỷ XIX, với nhu cầu tiêu thụ của hạ bán thế kỷ XX. Và, từ vị thế “chiến thắng,” suy sụp xuống vị thế “đại bại” —bại ngay với khối quốc dân cả hai miền Nam và Bắc.

Sự sụp đổ của khối CSQT và sự ngừng hiện hữu của chính đế quốc Liên Sô trong thời khoảng 1989-1991, song song với việc nối lại bang giao với Liên bang Mỹ từ tháng 7/1995 mở ra cho Việt Nam một chân trời mới. 55 ngày và 55 đêm “đại thắng” phải trả giá bằng hơn 20 năm ác mộng trong cảnh huống “bầy thợ săn già nua và đàn hươu đói lả trên cánh đồng cỏ cháy.” Cuối cùng, lại vẫn chỉ có đại đa số quốc dân Việt là người thua cuộc—khác biệt chăng là họ đã âm thầm, nhưng vô cùng can đảm, kiên cường, liên lũy tranh đấu không ngừng nghỉ cho sự sụp đổ của chế độ “Xã Hội Chủ Nghĩa,” và một tương lai tốt đẹp hơn.

Thực ra, tham nhũng và hối mại quyền thế là một di sản hàng ngàn năm của các nước Á Châu, bất kể màu sắc ý thức hệ hay tôn giáo—từ Ki-tô Philippines, Phật giáo Therevada [tiểu thừa hay nguyên thủy] Thái Lan và Myanmar, tới Muslim ở Indonesia và Malaysia, “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Trung Cộng, Việt Nam hay Bắc Triều Tiên. Từ năm 2013, Tập Cận Bình [Xi Jin-ping] đã phát động một kế hoạch năm [5] năm để “đả hổ, đập ruồi” tham nhũng, và yêu cầu Liên bang Mỹ giải giao những cán bộ nhem nhuốc đã trốn sang Mỹ. Năm 2014, nạn nhân của Tập Bình đã vượt qua 180.000 “ruồi,” cùng hàng chục “cọp” như Chu Vĩnh Khang, Bạc Nhất Ba, v.. v…Việt Nam, dĩ nhiên, cũng rất xuất sắc trong truyền thống tham nhũng, nhất là giới an ninh, ngân hàng. Tòa án Việt Nam xét xử nhiều vụ tham nhũng lịch sử—trong phiên tòa của Quân Khu 7 Sài Gòn, người tố cáo bị kết án ngang với chính phạm. Cựu Trung tướng Tạ Thái An—tức Chín Vinh Trần Độ, người bị cơ quan tuyên truyền VNCH khai tử trong cuộc Tổng tấn Công Mậu Thân 1968, nhưng tháng 9/1969 cùng Nguyễn Văn Linh bay ra Hà Nội dự lễ tang “Hồ Chí Minh”, rồi năm 1974 đi ngược xa lộ Trường Sơn Đông trở lại đất bắc—thú nhận một điều thế giới tiến bộ đã khẳng quyết từ lâu—tức tình cảnh phiêu lưu từ một xã hội nông nghiệp, nửa thực dân, nửa phong kiến đã chết, tới một thể chế chưa đủ khả năng chào đời—và chua chát nhắc đến số vốn “tư bản quyền lực” và “tư bản đảng tịch” của những đại gia tham nhũng ở Việt Nam. (21)

21. Trần Độ, Hồi Ký, tập II: Đổi Mới Niềm Tin Chưa Trọn (Westminster, CA: Văn Nghệ, 2000), tr 15-6, 308-14.
 

Hành động từ bỏ Đảng tịch của một số văn nghệ sĩ như Nguyên Ngọc, v.. v.. cho thấy nhiều người Việt đã thấy rõ sự bất lực của Mác-xít-Lê-nin-nít trong việc đổi mới và hiện đại hóa.

Đáp án của câu hỏi “Tương lai Việt Nam sẽ về đâu?” tùy thuộc ở quyết tâm của người Việt trong nỗ lực giải quyết cấp bách tinh thần hủ Mác-Lênin cùng tàn dư của mọi hình thái văn hoá thực dân-phong kiến, tức hủ Tây, còn sót lại.

 

St. Paul, 4/8/1989
Houston, 23/4/2018
Chính Đạo

 

 

__________. “Political and Social Change in Viet-Nam Between 1940-1946.” Unpublished PhD dissertation, UW-Madison. 1984.

 

 

__________. Các vua cuối nhà Nguyễn, 1884-1945, 3 tập. Houston: Văn Hoa, 1999-2000.

 

__________. “Vài Cảm Nghĩ Về Cuộc Tự Thiêu của Thượng Tọa Thích Quảng Đức.” Hợp Lưu, tháng 8-9/2005. Tr 152-206.

 

__________. Lá bài bí mật của de Gaulle: Hoàng tử Vĩnh Sang (1900-1945). Houston: Văn Hoá, 1992.

 

__________. “Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Nam đầu tiên tới Mỹ?” Hợp Lưu (Fountain, Valley), số ;

 

__________. , “Nhà Lý (21/11/1009-10 [20]/1/1226): Xây Dựng và Bảo Vệ Đất Nước;” (2014) hopluu.net; vietnamvanhien.net; minhtrietviet.net.

 

__________ & Hoàng Đỗ Vũ. Hận Nhục Biển Đông Nam Á: Kiện hay Không Kiện? 3 tập. Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2015-2016.

 

__________ & Hoàng Đỗ Vũ. Viết Từ Chân Đền Hùng: Vấn Đề Quốc Thống. Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2016.

 

__________.& Nguyễn Thế Anh. Một Ngôi Trường Khác Cho Nguyễn Tất Thành / Another School for Young Nguyen Tat Thanh / Une autre ecole pour le jeune Nguyen Tat Thanh. Paris: Van Hoa. 1983.

 

Wade, Geoffrey. Southeast Asia in Ming shi-lu: An Open Access Resource. Trans  from Chinese. Singapore: National University of Singapore database: 2005. 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 112857)
H ọ đã lặn ở một chiều sâu nhất mà họ có thể làm được. Họ không nói gì được với nhau. Người cha bao giờ cũng bám sát cạnh con, cái khoảng cách giữa hai người trước sau chỉ dài bằng đúng một chiều dài của người cha. Ông vừa lặn vừa nghĩ, một là cả hai cha con cùng thoát, hai là một mình nó thoát. Nhất định không phải chỉ một mình ta. Nó còn trẻ, nó cần sống hơn mình.
21 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 114705)
d ấu vết bàn chân trên lối đi không màu nhiều nỗi buồn trong anh đã nhập viện không có chỗ nằm sao nỗi buồn không chết ngay trên đường nhập viện mà đòi theo cái chết khốn nạn đời anh
21 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 117655)
B iển tràn vào thành phố dải Phù Tang mặn chát lệ mùa khô ... Họ đã chết nhưng những nhành hoa Anh Đào vẫn thăng hoa nỗi khốn khó trước ngọn Phú Sĩ
20 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 105408)
T ôi trở về ngôi nhà của gia đình sau hơn hai mươi năm xa cách. Ngôi nhà chừng như không thay đổi mấy ở mặt tiền. Vẫn ba gian tường quét vôi trắng, điểm một vài khung cửa khép hờ, một chái bếp ở hiên sau và mảnh sân con vuông vức nơi lối ra vào. Dấu tích của thời gian chỉ ẩn hiện lờ mờ từng đốm ố trên vách tường cũ, đã ngả màu cháo lòng và loang lổ đây đó như những vệt mụt nhọt thâm sâu...
19 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 94879)
. . Với tôi, thơ không rao truyền một ngôn ngữ nào to tát: thơ chỉ là tâm sự, là “một chút riêng tư”trao gởi người thân, bạn bè, những kẻ đồng hành biết, và sẽ quen.” . . .
17 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 76807)
C húng tôi tiếp đón những người khách đầu tiên của chương trình 500 lịch sử phỏng vấn, với niềm hân hoan xen lẫn xúc động. Tưởng rằng sẽ rất bỡ ngỡ và khó khăn khi phỏng vấn một người lạ về những gì rất riêng tư, thế nhưng mọi việc đã trôi qua thật êm đềm, nỗi thương đau cũng như niềm hạnh phúc của từng người đã được chia sớt trong ân cần và thương cảm.
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 75963)
.. . M ắt thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy là một minh chứng về kiếm tìm và kiến tạo bản sắc của một cây bút. Mười hai tác phẩm của chị đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Khi dấn bước vào con đường văn chương chữ nghĩa, có lẽ ai cũng mong cho mình sẽ có được bước khởi đầu thuận lợi. Song con đường đến thành công thường luôn chứa đựng nhiều thử thách. Một khi được tôi luyện qua thử thách, mỗi cây bút sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn: “ Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người, không phải bằng cách tự xóa bỏ mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình ” (R. Tagor)
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 90941)
N hư nhiều người, khi đọc bài “Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang” của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động. Cụ là một người xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa học, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt hơn 50 năm qua đã bị đọa đầy đến cùng cực...
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 119959)
Ơ i Hoài Khanh đang còn ở Biên Hoà tóc bạc phơ nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện Ơi Hoàng trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (7) Thiện đã về Thiện đã tới.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 100106)
N hà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời vào ngày 8 tháng 3 tức thứ ba vừa qua tại Houston Texas, hưởng thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.