- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THÁNG 4 VÀ THƠ LỮ THI MAI

01 Tháng Tư 20182:48 CH(Xem: 27474)




lu mai4F- 2018
Nhà thơ Lữ Thị Mai - VN 2018

 

MẮT SƯA

 

Trắng đẩy vào ô cửa phố Phan

không qua nổi chiều sương mù ẩm cánh

từ đấy về vòm cầu Phùng Hưng

áo mỏng phù dung họa bích

 

làm sao thấy được em

ngày xuân tuyết trinh kỳ trăng quên hẹn

những đôi mắt tự tìm mình

những gót giày nhỏ xinh lười bách bộ

 

lạ thay phố ngày toàn khói

hơi người thơi thới trời mây

không gì thật hơn ánh nhìn màu trắng.

 

MƯA ĐỒNG VĂN

 

Mắt người đã khô

mưa vẫn trũng tim đá núi

đêm nay mình không ngủ được

vơ vất rượu ngô khèn lá chợ phiên

 

người Mông bán mua gì

hơi cỏ Mã Pì Lèng ngai ngái

sa mộc sóng đôi vẽ lại đỉnh trời

 

đèo sau mưa khởi toàn mây trắng

người tìm người vắng trong mơ

tường đá ấm mùa đào chín lựng

má bừng vía lửa đêm đông

 

triệu người bóng nhòa lưng núi

váy xòe theo đuôi ngựa cuối thung xa

chúng mình cứ nhìn nhau mà khóc

tia mắt lịm hơn bát rượu dốc sau cùng

 

bỗng chốc chân người bất động

những cung đường xa khuất lang thang.

 

MƠ LẠ

 

Bỗng thấy mắt mình rụng rơi

bỗng thấy đôi tay lần tìm trong bóng tối

ta đuổi miết theo những hòn bi

bình minh lăn phía nào chưa rõ

 

còn bây giờ

hoa sữa thơm đến bất đồng ngôn ngữ

một thoáng mưa mắt phố hai hàng

ký ức đổ vào ta gốc rạ

tháng Chạp vọng về hoàng hôn sương sa

 

tỉnh dậy chẳng tìm ra cặp mắt

trời đông sang da thịt buồn căng

cơn mơ lấy đi những điều rất thật

may ra còn trí nhớ ăn năn.

 

 

KHAI XUÂN

 

Lộc biếc vừa đơm nhức áo

núi in giấy mới chùng chình

ý nghĩ vượt vùng yên tĩnh

mây lành tạo tác đào phai

 

nơi này sót bụi mưa tháng Chạp

lau sậy qua tay rức hơi người

ai hát lại bài ca vách núi

muôn lối mòn thui thủi vắt lên cao

 

trẻ con ùa vào

lòng ta...

má hồng, chân không, mắt ướt

giỏ nan đựng đầy quả dại

ta mua thêm nỗi bâng khuâng

 

áo người một hàng lộc biếc

năm tháng trổ ra hờn tiếc...

 

NHỮNG GIẢ DỤ

(1)

Em bỏ đi khuôn mặt rườm rà

bức tượng cổ hắt vào muôn điệu sáng

son môi in màu nắng

hoa loa kèn mang mùi áo rất xa

 

thuở ấy có người theo ta

hỏi gì đều không nói

khóe cười váng đầu nghĩ ngợi

dẫn về sân ga lên mười

 

đường lá rụng phập phù ngọn lửa

vỉa hè bùng đám cháy nhỏ

chỉ riêng mình biết thôi

đời sống kia tươi tốt ngời ngời

 

bức tượng an vui đêm nào phẫn nộ

mắt trùng khơi bờ cõi chân mày

mi ướt ken dày mưa lũ

ta bắt đầu nghi hoặc mọi cơn mơ.

 

(2)

 

Khuya nay phên giậu quỳnh dao

ai vào phải mang đồ trắng

hẳn có người đang sợ lắm

trò chơi ám phận đàn bà

 

thì thôi

tắt đèn

vào nhà

nửa chừng thinh không áo mỏng

thềm rêu hút chặt bàn chân

 

quỳnh cười rất trong

dao sắc mật thư nghìn đêm có lẻ

tình ái mong manh chuyện kể dư thừa

 

ai lỡ vào đây chưa thể ra

nhớ đọc ba lần câu thần chú

tôi đã vào đây như phù du...

 

(3)

 

Mưa từ bên kia hoang dã

trà ấm lòng ban mai

ta tưởng tượng thêm một vài mùa hạ

gieo phong ba đâu đó bên mình

 

nước mắt có từ thời chưa sinh

ấy là dòng sông nhỏ

vắt qua đồi má khô

vô thức điềm nhiên thổ lộ

 

biển quanh ta quạnh đắng chén trà

muối trắng ân tình hữu hạn

nói gì cũng mặn

mọi ngôn từ đều dẫn đến ăn năn.

 

(4)

 

Buổi chiều thắp nến lên

nắng chói mờ đuôi mắt

lòng dửng dưng rụng đầy thanh xuân

chưa kịp nhớ nhung gì

đã tắt

 

người ta đối thoại với nhau

sao mình đau

thấy như tim ngừng đập

thấy đón đầu cửa ngực một dòng sông

 

bóng núi trăm năm chảy thành sáp nến

tên chiều nhạt hơn mưa đêm

ta chợt thấy những tàng cây luống tuổi

gọi mây trôi ngun ngún khói trời

 

ai cũng nói ngôn từ quá mới

tấc lòng độ lượng mồ côi

tận cùng mọi cuộc đối thoại

là chiếc gai đau nhói chôn vùi

 

(5)

Huyên náo vầng trăng mê rong chơi

trần thế có người suốt đời trồng cỏ

mong đổi màu khu vườn

nghìn lá đỏ nghiêm trang như mực

 

người búng vào lau sậy niềm tin

lỡ chết đi đời tuốt cờ bông trắng

nào ngờ chỉ là mây sà xuống

cho vay

 

thực ra vườn vẫn lay lắt cây

ai giả dụ thì tự bày câu chuyện

ý nghĩ lên rêu biết lối mà xanh

hoặc tàn lụi sẽ an lành trong đất

 

vì ta vầng trăng chợt thức

treo giữa trời mưng mưng vành nôi

người trồng cỏ đánh rơi đôi hài gió

từ đó mộng mơ nhân bản thăm dò.

 


 

LỮ THỊ MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 98826)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32258)
Đến nay người mình thấy Tây học rực rỡ mà cái học của ta khi xưa mập mờ không rõ, sách vở không có mấy, liền cho cái học của ta không có gì. Đó là một điều mà các học giả trong nước nên chú ý mà xét cho kỹ, đừng để cái hình thức bề ngoài làm hại mất cái cốt yếu bề trong. Nho Giáo tuy không gây thành được cái văn minh vật chất như Tây học, nhưng vẫn có cái đặc tính đào tạo ra được cái nhân cách, có phẩm giá tôn quí.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 110666)
Tin từ quê hương cho biết tin vui cuối cùng nguyên văn, “các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế đã hứa cấp... khoảng một ngàn mét vuông đất để xây dựng Khu lưu niệm” Trịnh Công Sơn. Tin cũng cho biết Nhà Nước, cũng như thân nhân Trịnh Công Sơn, không dính líu gì đến việc xây dựng và nội dung trưng bày khu lưu niệm này.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 128067)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
31 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 84045)
... lịch sử Việt Nam, dưới mắt nhiều học giả thế giới, chỉ là một thứ câu chuyện thêm thắt vào [anecdotes] chính sách và sự can thiệp của các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Hoa, Pháp, Bri-tên, Nhật, v.. v... Người Việt cũng có lý do riêng để không muốn thấy có một tiểu sử chính xác về Diệm, từ chính trị, tôn giáo, tới ý thức hệ. Nên chẳng ngạc nhiên khi khối văn chương hiện hữu về họ Ngô hay Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa tràn ngập những lời “cung văn” hoặc “đào mộ,” bất chấp sự thực... Bài viết này nhằm điền vào khoảng trống nói trên.