- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MỘNG MỘT ĐỜI

08 Tháng Giêng 201711:53 CH(Xem: 40571)

 

 

Ngô Thế Vinh quý mến,

Tôi gửi Vinh bài viết này để Vinh, người duy nhất đọc, sau đó cất giữ kỹ chờ tới khi thân xác tôi đã ra tro sẽ cho một báo nào Vinh xét nên để đăng. Nếu tình cờ khi đó có báo làm một số chủ đề về đời văn của tôi, bài này đứng chung với những bài khác, thì đẹp nhất.

Từ bao nhiêu năm nay tôi muốn viết ra nhưng thấy buồn quá, mãi tháng trước tôi nghĩ nên viết khi cái đầu còn thật tỉnh, viết rồi suy nghĩ biết Vinh thật tình với tôi và hiểu làng báo và những người làm báo nên trao tay Vinh. Vinh vui lòng nhận gửi gấm cuối đời của tôi... Mặc Đỗ

 

 Mac Do 1

Hình 1: chân dung Mặc Đỗ,

photo by Trần Cao Lĩnh

*

 

      Một chú bé lớn lên hai vai đeo hai thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ mẹ dĩ nhiên và một ngoại ngữ tình cờ quen khá sớm. Đồng thời lọt tai cũng khá sớm là những tình tiết trong truyện Tàu. Quốc văn, Pháp văn cùng với Truyện in dấu sâu và đậm trong cuộc đời chú bé đó. V ì mê thích nghe đọc truyện từ khi chưa biết đọc cho nên bắt đầu đi học chú bé đã ham học để được đọc nhiều. Ngày một thêm quen đọc tự nhiên mọc trong đầu chú bé, tuần tự theo tuổi lớn, ước vọng rồi đây cũng sẽ viết.

 

      Có hai sự việc xảy ra trong dịp Hè sửa soạn lên trung học, việc thường ngày dễ quên đi nhưng hầu như định đoạt tương lai chú bé. Thằng bạn thân con một gia đình Pháp ở gần nhà đi nghỉ mát, chú bé vắng bạn chơi, quanh quẩn ở nhà chả biết làm gì, trên mặt tủ có một cuốn sách mỏng khổ nhỏ, cầm sách ra vườn tới ngồi gốc cây đọc. Thấy nhan đề trên bìa sách chú bé đã toan đem trả lại trên mặt tủ nhưng tò mò thử đọc vài trang, rồi mê mải đọc hết hơn hai mươi trang chữ nhỏ kể nỗi khổ của một cô gái, bơ vơ về nhà chồng, trải qua bao nhiêu là xét nét, bắt bẻ của bà mẹ chồng và hai cô chị chồng. Cũng phải đợi một ngày sau chú bé mới có dịp hỏi Mẹ và được Mẹ cho biết về những cảnh làm dâu khá thông thường trong xã hội ta thời đó ở tỉnh hay quê. Không phải một lần bà mẹ nói hết, rất nhiều dịp sau đó hai Mẹ con ngồi gốc cây Mẹ kể con lắng tai.

 

      Việc thứ hai xảy đến sau ngày chú bé vắng bạn và bắt được cuốn sách lạ. Thằng bạn trở về nhà, hai đứa lại thường gặp nhau. Một buổi trưa hai đứa ngồi đánh cờ ô-vuông trên lầu trong phòng bạn chợt chú bé nghe vọng từ dưới sân sau lên giọng hò Huế. Chú bé lắng tai câu được câu chăng nhưng cũng nghe rõ một câu: ‘Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu.’

 

      Câu hò rất buồn thức động trong tim chú bé những điểm đã được Mẹ kể cho nghe về cảnh làm dâu. Tiếng hò cứ như là sự thật hiển hiện từ miệng một nàng dâu bị tách biệt với gia đình mẹ.

 

      Ngay sau khi từ nhà bạn trở về chú bé tìm Mẹ, nói chắc nịch với Mẹ: Lớn lên con sẽ viết truyện, viết về những cảnh làm dâu. Đáp lời Mẹ nhắc phải theo nếp nhà học hành đến nơi rồi mới chọn một nghề nào, chú bé hứa sẽ chăm học để có một căn bản kiến thức đã. Tuy nhiên giọng hò trưa đó đã đưa lời phong dao vút cao trong trí nhớ, ám ảnh mãi, song song với cố gắng học tại trường.

 

Mac Do 2

 

Hình 2: Di bút Mặc Đỗ gửi Ngô Thế Vinh

cùng với di cảo "Mộng Một Đời", sau này được biết

"Mộng Một Đời" đã được nhà văn Mặc Đỗ cho phổ biến trước đó.

[tư liệu Ngô Thế Vinh]

 

      Trong khi chăm chỉ thâu thái kiến thức trong sách vở chú bé cũng tìm đọc truyện để gom góp hiểu biết về nghề viết qua nghệ thuật của những tác giả truyện. Cộng với lời giảng của thày ở trường qua những tác phẩm trong chương trình học, chú bé học được thêm do ham mê đọc nhiều truyện Pháp văn và Pháp dịch trên những kệ sách ở nhà. Đồng thời chú bé cũng ham đọc báo Việt ngữ và nhớ được khá nhiều chi tiết về đời sống trong những tin hằng ngày. Hồi chú bé mới lên trung học nhật báo nhà mua là tờ Trung-Bắc Tân-Văn. Cơ duyên đưa tới mắt chú bé một cơ hội học ảnh hưởng mãi tới đời văn sau này. Trong một thời gian dài chừng cả năm, mỗi sáng mở hai trang giữa của tờ báo bốn trang chú bé đều thấy một ô vuông giữa mấy cột tin ngắn trên trang 2, ô vuông quảng cáo cho cuốn sách tựa đề ‘Mặt-Nạ Cộng-Sản.’ Chú bé hỏi anh được chỉ rằng ‘Cộng-Sản’ dịch từ Pháp communisme, lớn lên sẽ hiểu rõ. Đã tò mò hỏi chú bé càng tò mò hơn bèn đến trường hỏi thày.

 

      May mắn chú bé hỏi đúng một thày rất quan tâm tới communisme. Gần trọn một buổi sáng thứ năm trò đến tận nhà thăm thày để hỏi. Thày lấy từ trên kệ xuống một cuốn sách đưa tay chú bé và bảo cuốn sách được quảng cáo là bản Việt dịch của cuốn này, cuốn này lại là bản Pháp dịch của nguyên bản Đức văn, nhưng tác giả lại là một người Bỉ. Thày giảng rất kỹ về ý niệm cộng sản được đề ra từ xa xưa lắm lắm nhưng mới được đem ứng dụng từ đầu thế kỷ Hai Mươi với những áp dụng chẳng tốt đẹp còn quá xa với ý nghĩa ban đầu. Thày cho mượn sách đem về đọc và hẹn đọc xong sẽ trở lại thày nói chuyện nữa. Trò đem sách về đọc kỹ, sáng thứ năm tuần sau đến nhà thày trả sách cùng với thắc mắc: Nhan đề cuốn Pháp dịch không giống trên cuốn Việt dịch với tựa đề Le Masque du Communisme, phải chăng hai cuốn khác nhau. Thày cầm sách mở trang bìa chỉ một hàng chữ nhỏ: Tựa đề nguyên tác Đức ngữ Moskau Ohne Maske bản Pháp ngữ dịch sát Moscou Sans Voiles chỉ thay Maske bằng Voiles văn vẻ hơn, đúng điệu Pháp văn. Bản Việt dịch đổi hẳn ra Cộng Sản dễ hiểu hơn đối với độc giả Việt-Nam. Tiếp theo thày bày cho trò hiểu dụng ý của tác giả: Thời âm mưu cướp quyền Nga hoàng những người sôviết Nga có tờ báo chui mang tên Pravda (Sự thật) phơi trần tệ trạng của chính quyền. Lật đổ Nga hoàng rồi Pravda trở thành cơ quan tuyên truyền chính thức. Tác giả bóc mặt nạ che đậy những sự thật kể trong sách ngụ ý nói chế độ sôviết cũng đầy những sự thật tương tự thời Nga hoàng. Sự thật bị Pravda đả kích của thời xưa và sự thật sôviết của thời sau đều là sự thật. Chú bé ra về ngẫm lời giảng của thày cứ lẩm nhẩm mãi: sự thật thật. Ý nghĩa của ba chữ đó theo mãi bước đường trở thành nhà văn, trong trí nhớ từ tuổi nhỏ cho tới khi thành người lớn. Sự thật nào cũng là sự thật, khi viết ta cứ bày ra những mắt-thấy tai-nghe, mô tả rõ sự thật.

 

      Chủ ý đi tìm sự thật để viết vào truyện đã khiến chú bé, cho tới khi trở thành một người trai khôn lớn, dồn hết mỗi thời gian ngoài học đường vào đi đây đi đó quan sát đời sống và cảnh trí trên một phần lớn miền Bắc. Với chiếc xe đạp khá nhẹ-kí đạp tới những nơi gần, xa hơn thì đưa lên mui xe-hàng hay toa hạng tư xe-lửa rồi đạp tới nơi gần quanh, chú bé gặp người và ghi nhớ cảnh. Đây đó vùng đồng bằng, quá lên trung du và, cũng có mấy lần có thể ở lại lâu, leo lên mấy địa điểm Đông-Bắc như Móng-cái, Lạng-sơn, Tây-Bắc như Lào-cai vào sâu tận Chapa. Đáng kể trong nhiều dịp đi đây đó có những cơ hội đến thẳng nhà quen hay được người quen giới thiệu và được nghe nhiều, biết nhiều chuyện, gặp chính những đương sự. Thu góp tài liệu không ghi nhớ trong mắt trong tai mà thôi, người trai tự bày phương pháp viết hết ra giấy trong những cuốn vở học trò ‘Cent pages’ rất phổ thông thời đó, những cuốn bìa xanh ghi về vùng tỉnh nhỏ và thôn quê, bìa đỏ dành ghi mắt tò mò và tai lắng nghe tại thành phố. Ghi chép hết sức chi tiết, chẳng hạn như có một cuốn riêng ghi tên chữ và tên tục của mỗi làng xóm đi qua. Trong nhiều ngày ở lâu một dịp nghỉ Hè tại Đồng-đăng, thị trấn gần Lạng-sơn sát biên giới Trung-Hoa với ải Nam- Quan, người trai quen thân với một cô gái Thổ. Một chiều đứng bên góc mận chi chit quả cô gái hái quả mận chín cắn một nửa rồi đưa tới môi bạn và hát lên câu phong dao: ‘Mác mận đây kin quá mác mòi’ (Quả mận ăn ngon hơn quả mơ).

 

      Lẽ tất nhiên bạn ăn nửa trái của mình, và nhớ mãi mùi vị của câu phong dao, cũng như những chi tiết khác trong những dịp đi thu góp tài liệu để dành viết. Hơn mười năm từ trung học lên hết đại học người trai tích tụ được một kho tài liệu ghi chép, và cất giữ như sách báo, tất cả chất đầy dưới gậm giường sắt cao cẳng mỗi đêm ngủ.

 

      Vừa xong đại học người trai có một công việc thích hợp tại miền Nam. Nhận việc người trai có chỗ ở riêng, một villa nhỏ không mất tiền thuê, và hằng tháng chương mục ở Đông-dương Ngân-hàng lại khá no. Hơn thế nữa thời giờ ngoài việc còn rộng để trau giồi khả năng thành nhà văn, mục đích chính trong đời. Để có thể viết người trai cần tập cho có một văn phong riêng và một vốn chữ Việt dồi dào. Từ điển Hán-Việt Đào-Duy-Anh 605 trang được người trai hầu như học thuộc. Luyện văn phong người trai chọn phương pháp đúng nhất là dịch văn ngoại qua Việt văn. Mới đầu dịch từng đoạn ngắn sau chuyển qua cách khó hơn là dịch toàn truyện. Gọn gàng từng truyện Pháp hay Pháp dịch được chuyển qua Việt văn, chồng chất sau những năm học tập. Vụ tập này sau được thiên hạ coi như một thành công trong nghề viết của người trai. Mải mê học chữ và luyện văn người trai không quên những dự tính sẽ dùng kho tài liệu đã thu góp. Kỹ thuật viết của những tác giả truyện đã dịch giúp khá nhiều vào việc hoàn thiện trong đầu những cấu trúc cho năm truyện dài dự định sẽ viết.

 

 Mac Do 3Mặc Đỗ Di Cảo 3




Hình 3: Di cảo "Mộng Một Đời" với 3 trang đánh máy và thủ bút Mặc Đỗ:

"Vinh giữ bản này làm kỷ niệm" [tư liệu Ngô Thế Vinh]

 

 

      Trở lại trước khi dời Hànội vào Nam nhận việc vấn đề lớn của người trai là thu gọn và cất giữ kho tài liệu dưới gầm giường ngủ. Người trai đến phố Hàng-Hòm tính mua một cái thùng gỗ lớn bắt gặp hai cái thùng bề ngoài cũ nhưng rất chắc chắn lại có khóa tốt với đủ hai chiếc chìa khóa của mỗi thùng. Nhà hàng cho biết đó lả thứ hòm tư trang réglementaire của binh sĩ Pháp. Tuy cũ nhưng khá rẻ người trai mua liền hai cái hòm lính, đem về xếp vừa đầy chỗ cho mớ tài liệu. Hai chiếc hòm được gửi lại nhà cha mẹ. Bà Mẹ bấy lâu vẫn để mắt dõi theo công khó chuẩn bị viết truyện của cậu cưng, hai hòm tài liệu sẽ được Mẹ lo cất giữ cho.

 

      Bao nhiêu là thay đổi lớn đã xảy ra trên đất nước từ sau ngày người trai dời Hànội. Khi người trai trở lại bộ mặt thành phố thân yêu cũng không thay đổi mấy ngoài sự hiện diện khác xa trước của đông binh lính Pháp, khá nhiều bộ mặt Phi-châu.

 

      Về tới nhà bà Mẹ đã sẵn đợi. Con chưa kịp chào, mẹ chẳng nói, hai Mẹ con ôm nhau. Mẹ bỗng òa một tiếng khóc, bốn dòng nước mắt chan chứa nặng muối mặn vì chuyện mất mát do nửa ngôi nhà bị cố ý đốt cháy người con đã được cho biết từ trước. Đám cháy bạo tàn âm ỷ trong mấy ngày, khi bộ đội rút khỏi Hànội, đã thiêu rụi hai cái hòm tài liệu cùng với những đồ vật quý khác của gia đình. Mẹ từng quý báu lượng giá bao nhiêu năm công lao của con, trong khi con hiểu rõ chẳng còn cách chi viết ra được những ấp ủ, không riêng về thân phận những bà mẹ, những chị em gái khổ, nâng niu trong dự định viết. Sau nhiều kinh nghiệm đã học được, qua những tác phẩm đã đọc, người trai cần đề ra, với bao nhiêu chi tiết đã gom góp, những cảnh đời lớn trong đó thướt tha những bóng dáng nữ. Trong đầu hai mẹ con lúc đó chỉ còn thấy một rỗng không man mác đáng khóc hết nước mắt. Mộng một đời đã bay theo luồng khói đen trong đám cháy ác ôn.

 

      Sau đó người trai lo mưu sinh theo khả năng nhưng không bỏ ham mê từ khi chưa biết đọc và trải qua bao nhiêu năm học, tập. Mỗi khi in xong một tác phẩm người trai đều đem tới trình Mẹ. Mẹ cầm cuốn sách trên tay ngắm nghía mặt bìa trước rồi lật lại ngắm bìa sau, ngước lên nhìn con với tia mắt xót xa thốt ba tiếng buồn ơi là buồn: Thôi cũng được!

 

      Cuối Thu Tân-mão 2011, tập truyện ngắn thứ ba, tác phẩm cuối đời, được in xong, một bịch 20 cuốn mới ra khỏi nhà in Viên Linh gửi từ Cali qua. Tôi cầm một cuốn trên tay, lật qua lật lại ngắm bìa trước bìa sau, mường tượng nghe ba tiếng yêu thương buồn Mẹ nhiều lần nhắc: Thôi cũng được!

 

 

MẶC ĐỖ

[Di cảo Mặc Đỗ gửi Ngô Thế Vinh]

 

 

Tham Khảo:

1/ Tưởng Niệm Ngày Giỗ Đầu Nhà Văn Mặc Đỗ. Ngô Thế Diễn. Đàn Thế Kỷ

http://www.diendantheky.net/2016/09/ngo-vinh-tuong-niem-ngay-gio-au-nha-van.html#more

2/ Con Đường Mặc Đỗ, từ Hà Nội Sài Gòn tới Trưa Trên Đảo San Hô. Ngô Thế Vinh. Diễn Đàn Thế Kỷ

http://www.diendantheky.net/2015/06/ngo-vinh-con-uong-mac-o-tu-ha-noi-sai.html#more

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20256:00 SA(Xem: 3261)
Dưới màu hoa, như lửa cháy khát khao / Anh nắm tay em, bước dọc con đường vắng / Chỉ có tiếng ve, trong trưa hè yên tĩnh / Không cho lòng ta yên
16 Tháng Tư 20259:59 CH(Xem: 2803)
Em hoa quỳnh nở về đêm / Tôi thằng trộm đứng bờ phên ngập ngừng / Hương một làn bỗng thơm lừng / Tôi hoàn lương chỗ đã từng lưu manh
16 Tháng Tư 20259:16 CH(Xem: 2685)
PHIM “ĐỊA ĐẠO” của Đạo diễn BÙI THẠC CHUYÊN “Từ sau 1975 đến nay, Địa đạo Củ Chi được tô vẽ thành một biểu tượng chiến thắng và kích động lòng yêu nước trong nhân dân bằng văn chương, phim ảnh, mô hình, du lịch… nhằm mục đích tuyên truyền; và phim “Địa đạo…” có thể nói là một đỉnh cao của chiến dịch tuyền truyền đó góp phần tạo ra “Huyền thoại Địa đạo” ít có sự thật lịch sử, và đồng thời cũng tạo ra “cơn sốt” truyền thông” ghê gớm, tựa một “huyền thoại truyền thông” chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt… Có thể nói, đó là điều đáng tiếc đáng kể đối với một bộ phim “bom tấn” được thực hiện nhằm chào mừng ngày 30 tháng 4 và 50 năm Thống nhất Đất nước. Với bộ phim “Địa đạo…”, những điều đáng tiếc nói trên cũng là sự thất vọng cho tài năng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đồng thời gửi gắm hy vọng anh sẽ có những sáng tạo nghệ thuật xứng đáng với nguồn lực khổng lồ mà nhân dân và quân đội dành cho những bộ phim lịch sử lớn mà anh đang ấp ủ!” TRẦN KHẢI.
16 Tháng Tư 20255:33 CH(Xem: 2543)
Ngày 29 tháng 4, tôi nhờ chú em con bà cô chở ra bến Bạch Đằng, Saigon xem tình hình và thấy rất nhiều tàu kể cả chiếc Việt Nam Thương Tín, Trường Xuân, Tàu Hải Quân, trong số này có một số tàu đánh cá của một công ty Đức, to rộng rãi và bằng sắt đàng hoàng. Trở về nhà, tôi hối Ba đi trước với chú em. Hai chú cháu lọt được vào căn cứ Hải Quân và đi theo họ. Riêng tôi còn lần khân ở lại, hy vọng đến phút chót có thể gặp lại được Quỳnh Hoa, người yêu đầu đời của mình, nhưng phép lạ không xẩy ra.
16 Tháng Tư 20254:33 CH(Xem: 3059)
miên man nắng dọi qua đèo / đường sông mấy nhánh hoa leo vào lòng / nhủ thầm đừng có mùa đông / kẻo lưng em đậy kín bưng tóc dài
16 Tháng Tư 20253:38 CH(Xem: 3914)
Tuổi đã về chiều. Cải tuổi dần hiểu đời sâu đậm hơn trong tháng ngày còn lại bên đời, để biết mình không còn trẻ nữa và thời gian ngắn dần lại. / Năm ngày trước. Buổi sáng thức dậy tôi bỗng bị choáng váng cả đầu. Có lẽ là do huyết áp tăng sao?/ Tôi cố nhớ, mình đã không ăn thức ăn nhiều đạm và nước chấm mặn quá thì không thể do huyết áp. / Nhưng tôi cũng uống một viên huyết áp, cộng một viên trợ tim, rồi cho rằng mình ổn nên đi ra đường cùng con cháu. Khi về nhà tôi nấu cơm cho các cháu, tôi giặt và phơi đồ rồi lau nhà và bưng chậu, đem hoa đi phơi, đi tưới. Tôi nghĩ chắc sẽ không sao đâu! / Cho đến khi tôi thắp hương lạy Phật thì đầu óc bỗng quay cuồng và tôi té xuống dưới đất bất lực không ngẩng lên được, phải điện thoại cho con gái về. Và nó đưa tôi đi bịnh viện.
16 Tháng Tư 20253:29 CH(Xem: 3226)
Tiếng chuông nhà thờ đã chìm sâu vào giấc ngủ / để lại những khoảng trống / đầy vết bụi thời gian / những giọt nước mắt hòa chung dòng máu Thánh nơi đây / giờ chỉ còn rêu xanh phủ kín / mọc từ vết thương xưa
16 Tháng Tư 20252:23 SA(Xem: 3139)
Em vẫn đợi hoài, mà chẳng thấy… Thơ của anh . Chắc khó lắm sao ? Người ta bảo : làm….thơ dễ lắm ! Anh làm…đi ! Hãy cố lên nào .
15 Tháng Tư 202511:27 CH(Xem: 2841)
Tôi đã trở lại Mỹ vừa tròn một tháng, sau chuyến về thăm quê hương dài ngày. Cưỡi mây lướt gió, tổng cộng hơn 20 tiếng đồng hồ, suốt chặng đường dài nửa vòng trái đất, chỉ một lần chuyển máy bay ở Đài-Bắc, Đài-Loan. Với tuổi đời khá cao, giờ giấc khác biệt, nên tôi cần một thời gian điều chỉnh để sống lại đời bình thường. Quê hương tuy xa rồi nhưng vẫn còn đó. Những ghi nhận, những suy tư, cảm xúc; những tao ngộ khó quên; những ước mong đã thành hiện thực; vẫn còn đây, còn trong trí tưởng, chưa phai mờ. Lòng tôi chất đầy luyến lưu thương nhớ khi rời xa và hòa quyện với những niềm vui khó tả. Đôi lúc tôi tự trách: đã một tháng trôi qua mà đầu óc còn mơ mơ màng màng, mgười bồng bềnh như đi trên mây, ngẩn ngơ ngơ ngẩn; đáng tiếc nhất là chưa ghi lại một dòng chữ nào, chưa đem tâm tình trải dài trên trang giấy.
15 Tháng Tư 202510:49 CH(Xem: 3513)
Trước mắt tôi là hình ảnh chị Vân Anh, một người phụ nữ đẹp, thành đạt. Chị vừa bước vào tuổi ngũ thập, dáng người nữ tính, nhanh nhẹn hoạt bát, đôi mắt đẹp toát lên vẻ thông minh, điềm đạm. Chị là người mẹ đơn thân, nuôi con từ khi 25 tuổi đến bây giờ. Các con của chị đã trưởng thành, các cháu cũng đã trên dưới tam thập rồi!