- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

XUÂN BÍNH THÂN - CHÚC CHÚNG TA TÌM ĐƯỢC “THEIN SEIN”

08 Tháng Hai 20162:29 CH(Xem: 27703)
XBThan-nguyet quynh


Trong cái không khí ảm đạm của tình “đồng chí” những ngày cuối năm, sau Đại Hội Đảng 12,  tôi lại tha thiết muốn viết về tình yêu.

Tại sao vậy? Bởi khi chấm dứt cũng là điểm khởi đầu. Cái khoảnh khắc con sâu hoá bướm là sự kết thúc chuỗi ngày của nó trong cái tổ kén. Ngày cuối năm sẽ chấm dứt để bắt đầu một mùa xuân mới, và thói quen người Việt chúng ta là “tống cựu nghinh tân” để cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong ngày đầu năm. Do đó, bài viết từ giã năm cũ, tạm quên những hy vọng kéo dài đến thất vọng của thực trạng đất nước, tôi xin được viết về tình yêu.

Ở đây tôi muốn nói đến cái nghĩa rộng của tình yêu, không nhất thiết là tình cảm trai gái. Khi con người biết yêu thương, cảm thấy yêu thương thì cùng lúc họ trở nên hạnh phúc. Tôi nói điều này mà không cần minh chứng vì tin rằng ai ai cũng cảm hết được nỗi ấm áp khi biết mình được yêu thương hoặc khi mình yêu thương ai đó.

Thi sĩ Tagore, người được mệnh danh là “người tình của nhân loại” đã nói lên sự diệu kỳ của lòng yêu thương nơi con người. Trong bài thơ “Người Làm Vườn”, Tagore kể chuyện về một thương lái rời gia đình, chia tay vợ  để đi làm ăn. Không may, chàng thua lỗ, trở về trắng tay. Đã mất tiền, nay chàng lại đối diện với nỗi lo mất vợ, mất tình yêu. Chàng trở về nhà vào lúc nửa đêm, hoang mang, mệt mỏi, lo lắng:

Tôi trở về nhà vào lúc nửa đêm

với hai bàn tay trắng

Em đợi tôi ngoài cửa với đôi mắt lo âu

Lặng im và thao thức

như một con chim e sợ

Em bay đến lòng tôi yêu mến, nồng nàn

Ôi! Chúa ơi, tôi còn lại rất nhiều

Từ tâm trạng hoang mang của một kẻ thất bại, mất trắng, thế mà chàng trai đã thảng thốt kêu lên với lòng mình: Ôi, chúa ơi, tôi còn lại rất nhiều. Đủ hiểu những điều kỳ diệu trên đời này thường đến với chúng ta từ cánh cửa của yêu thương.

Nhưng nói về tình yêu giữa bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực của các vị lãnh đạo đất nước như “một thảm kịch hỗn loạn” trong Đại Hội Đảng 12, dường như là một điều ngớ ngẩn!? Không hẳn vậy, có lần tôi cũng đã được nghe trong một bối cảnh tương tự. Vào khoảng năm 1979, thời mà cả đất nước đang phải ăn cơm độn bột mì và bo bo; chúng tôi xếp hàng trước một cửa hàng rau quả để được mua phân phối bầu và rau muống. Có lẽ do cô bán mậu dịch hôm đó không khéo, hoặc có lẽ vì bầu thì có quả tươi quả héo cho nên mới xảy ra một cuộc cãi vã, tranh giành gay gắt giữa những người trong hàng với nhau. Trong không khí căng thẳng, tưởng như sắp xảy ra cảnh thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì chúng tôi nghe một giọng nói nhỏ nhẹ của một vị cao niên vang lên ở cuối hàng:

“Các đồng chí ơi, ngày xưa ở trong rừng mình chia nhau từng miếng cơm hẩm, mình chia cả mạng sống cho nhau. Sao bây giờ hòa bình rồi, có quả bầu thôi, mà các đồng chí lại thế!”

Câu nói của vị đảng viên lớn tuổi lúc ấy làm không khí chùng hẳn lại, mọi người im lặng … rồi nhìn nhau với ánh mắt áy náy. Tình cảm của con người thật lạ kỳ. Quả bầu ngày xưa, hay gì gì đi nữa của ngày hôm nay thì cũng chỉ là quả bầu, nó không thể lớn hơn mạng sống của người đồng chí, càng không thể lớn hơn những mục tiêu cao cả của những người lãnh đạo đất nước. Hình như có một thành tố quan trọng nào đó của tình yêu đã bị lãng quên hay bỏ sót, khiến đời sống chúng ta ngày nay trở nên cô độc, sợ hãi, tham lam, độc ác, … và thiếu hẳn hạnh phúc.

Hoá ra, đối tượng đích thực của yêu thương không phải là đích đến “Yêu ai? Yêu cái gì? Yêu bao nhiêu?” mà chính là “diễn trình sống thật” với những giá trị cốt lõi tốt đẹp đến từ niềm ước muốn chung của mọi người và cả môi trường xung quanh. Tôi tin rằng các giá trị này vẫn ẩn mình ngay nơi chốn và thời khắc mình đang hiện hữu.

***


Tự bao giờ, người Việt chúng ta bỏ quên những điều cốt lõi, đời sống tinh thần, văn hóa của nhiều thế hệ; để cuối cùng nhận ra rằng hàng ngày mình đang phải sống trong một xã hội xuống cấp đến vô cảm. Nếu ngày xưa, chúng ta vẫn thường tự hào về lối sống nhân ái, vị tha, đùm bọc “thương người như thể thương thân”… thì đâu rồi cái nếp văn hóa ấy? Phải chăng môi trường sống tại VN ngày nay đang giết chết dần những điều tốt đẹp, và chúng ta, vô tình lại là những người trợ giúp và tạo nên môi trường này.

Tôi có cô cháu gái được qua Nhật học ba tháng trong chương trình trao đổi học sinh. Chỉ mới tuần đầu tiên, lơ đãng cháu đã bỏ quên giỏ xách trong nhà vệ sinh một tiệm ăn ở Nhật. Trong giỏ xách có đủ cả tiền bạc, giấy hộ chiếu, thẻ tín dụng... Khoảng hai mươi phút sau mới nhận ra, cháu hớt hải quay trở lại tìm kiếm. Giữa đường cháu gặp một phụ nữ Nhật đang cầm cái bóp của cháu trên tay, bà vừa nhìn hình trong thẻ học sinh của cháu vừa nhìn chung quanh để tìm cháu. Cả hai đều mừng rỡ khi gặp nhau, người phụ nữ mừng vì tìm được cô học sinh đã để quên cái bóp. Cháu thì mừng và cảm động vì sự tốt bụng của người phụ nữ kia.

Chính phủ Nhật chắc chắn đâu có cất công dạy dân mình những điều chi tiết đó, nhưng người phụ nữ kia, tôi nghĩ ngoài lòng thương người có lẽ bà còn nghĩ đến danh dự của nước Nhật. Bà không muốn một người ngoại quốc bị mất bóp trên đất nước mình.

Giá mà 5 người Việt bị bắt ở Thái, 2 người Việt bị bắt ở Singapore vì các tội trộm cắp; trước khi hành động, họ nghĩ đến danh dự của dân tộc mình. Giá mà các nhân viên phi hành đoàn VN, trước khi chuyển đồ ăn cắp ở Nhật cũng nghĩ đến danh dự của dân tộc mình. Giá mà Đại tướng Phùng Quang Thanh khi họp với người Trung Quốc, trước khi ngồi xuống bàn với cái bảng tên của mình được viết bằng tiếng Tàu; ông nghĩ đến danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giá mà lãnh đạo chúng ta, trước khi ngửa tay nhận một tỉ nhân dân tệ của Tập Cận Bình, họ nghĩ đến thi hài của các ngư dân và những con tàu vỡ nát bị đâm chìm trên biển. Giá mà người trồng rau chỉ trồng một vườn rau “sạch” để ăn và bán cho đồng bào mình…Giá mà mỗi người trong chúng ta chịu nghĩ đến người khác một chút, hay một giá trị chung bên cạnh món lợi riêng của mình.

Người phụ nữ Nhật kia, một mình bà thôi, cũng đã làm nên bản sắc của nền văn hóa Nhật. Tôi nghĩ mỗi hành động bằng ý thức và tình yêu thương của mỗi người dân VN; chắc chắn sẽ thay đổi được tình trạng xuống cấp, vô cảm của xã hội. Như bao quốc gia CS khác, bước vào những năm thứ 70 của XHCN, chúng ta đã đụng đáy. Dân tộc Việt Nam đã hoàn toàn mất trắng, ba mươi năm chiến tranh tiêu phí biết bao xương máu của người dân cả hai miền, để bây giờ là một nền hòa bình đói nghèo, tụt hậu cả về vật chất lẫn linh hồn. Nhìn hình ảnh cuộc tranh giành sống mái của lãnh đạo, người dân còn trông mong nỗi gì! Sự thay đổi phải bắt đầu từ mỗi chúng ta.

Cuộc bầu cử dân chủ thành công của Miến Điện đã làm nhiều người Việt Nam ước mơ. Cảm động nhất là sự thiết tha và những giọt nước mắt của Ls Nguyễn Văn Đài. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, anh bảo: “… tôi cảm thấy rất là xúc động, cái cảm giác như là nước mắt trào ra khi mà Myanma có cuộc bầu cử có tự do và đảng đối lập đã dành thắng lợi đó thì mình mừng cho họ 1 phần vì đất nước mình cũng rất gần vì 2 nước đều nằm trong khu vực Đông Nam Á đều là thành viên của Asean trong khi đó trình độ phát triển của Myanmar thấp hơn VN rất là nhiều, họ cũng đã bị cai trị quân sự đến hơn nửa thế kỷ nhưng mà sự đấu tranh rất là kiên cường, dũng cảm của người dân thì bên này họ đã gặt hái được kết quả thành công.”

Sự phát triển của Myanmar có thể thấp hơn VN rất nhiều, nhưng lòng ái quốc của họ thì không. Ông Ko Ko Gyi, người đứng đầu Thế Hệ 88. Chàng sinh viên ngồi tù 17 năm, người lãnh đạo phong trào đấu tranh chống độc tài quân phiệt từ những năm 1988 đã hãnh diện chia sẻ: “chúng tôi đã thay đổi quốc gia này mà không cần bạo động”. Những Ko Ko Gyi là những Ansan Suki  thầm lặng; hàng ngàn những con người thầm lặng đó đã làm nên sự thay đổi tuyệt vời cho Miến Điện. Chính sự khao khát một xã hội dân chủ và sự cương quyết của người dân đã buộc chính quyền Thein Sein phải thay đổi. Chính họ đã tạo nên Thein Sein.

Không một chính quyền nào có thể chống lại cái khát vọng của những con người muốn sống cuộc sống có nhân phẩm và sự tôn trọng. Bước sang những ngày đầu năm, hãy cùng chúc nhau một năm mới tràn đầy tình yêu thương. Hãy là những Ko Ko Gyi, mỗi chúng ta sẽ thay đổi cái xã hội vô cảm này bằng tình yêu thương.

Hãy là những Ko Ko Gyi chúng ta sẽ tìm được Thein Sein.


NGUYỆT QUỲNH
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33929)
R ồi cũng đến lúc không còn để nói câu tiên tri nở trắng cánh phù dung rồi cũng đến lúc không còn để đợi khúc tình xa rớt lại giữa lưng chừng
22 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33637)
B ạn tôi dậy cho tôi viết ca khúc Sau 3 tuần bắt tôi viết 8 tiểu đoạn Tôi ghi note cho từng tiểu đoạn Tất cả đều không có gì sai Bạn dạo những note kia bằng dương cầm Tôi nghe những âm thanh là lạ Bạn nói với tôi  Cái này không phải nhạc Hiền ơi…
21 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31818)
MKDSNM được phát hành vào một thời điểm rất ý nghĩa, ngay sau Hội nghị Thượng Đỉnh Mekong II / MRC Summit II vừa diễn ra tại Thành Phố Sài Gòn ngày 5 tháng 4, 2014. Hội nghị này đã được giới quan sát quốc tế và các nhà hoạt động môi sinh đánh giá như một thất bại về phía Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ sự phát triển bền vững hệ sinh thái Sông Mekong, và ĐBSCL, cũng là mạch sống của ngót 70 triệu cư dân sống trong lưu vực.
21 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 36377)
K hi về đã lạnh vườn xưa Chỉ nghe giá rét sang mùa mà thôi Giờ em heo hút phương trời Biết chăng đây có một người nhớ thương
19 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34657)
Q ua một loạt truyện gởi đến độc giả Hợp Lưu gần như liêu trai và siêu thực, Uyên Lê tâm sự: “ Em chỉ thích viết về quê hương này, về Việt nam, có những điều đẹp như hoang đường ... Chỉ có yêu thật lòng người ta mới thấy cái đẹp của người mình yêu. Em viết về Phan Thiết và nước mắm rất nhiều, em cho đó là cái đẹp và tình! Em cũng viết nhiều về Huế… em không biết HL có thích chất tự tình quê hương đó của em không…” Chúng tôi xin gởi đến quí bạn đọc một bài viết về Phan Thiết của tác giả Uyên Lê.
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37294)
C hỉ còn một góc phố Và một ngã tư chơ vơ không người chờ đợi Em đi qua hôm nào anh đâu biết Một nửa tình buồn lạc nhịp ngoài đêm
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 32205)
Đ ồng hồ cũng dừng lại đối với những người phải bỏ nước ra đi, sau khi ông Trần Mai Hạnh và bạn bè của ông vào Sài Gòn. Họ ra đi từng đợt: đợt di tản, đợt thuyền nhân, đợt đoàn tụ gia đình, đợt H.Ọ Mỗi đợt ra đi mang theo một loại quê hương, và trong hoài niệm, không ai muốn thay đổi hình ảnh thân yêu ấy. Bạn bè, nhà cửa, phố xá, tên đường tên đất, cả đến ngôn ngữ trao đổi thường ngày...giống như một cuốn phim đột ngột bị đứt, ngưng lại, thành tĩnh vật.
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37718)
T hế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư. {Bây giờ} Qua hai câu thơ đó Nguyên Sa đã diễn tả tâm trạng của thế hệ ông, thế hệ của những người trai trẻ ở miền Nam thời 1954-75, đã nuôi nhiều kỳ vọng cho tương lai đất nước, nhưng chẳng bao lâu đầy tuyệt vọng trong một quê hương khói lửa.
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34670)
T ôi mãi bước trên con đường uốn cong chữ S móc nhau nối xích lại gần để biến dạng một hình lưỡi câu đu đưa trước cuống họng khát giữa tiếng rền than
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35213)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.