- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

SINH LINH CỦA ĐẤT

02 Tháng Chín 201511:35 CH(Xem: 30202)

NHAThu-Hue 2015
Nguyễn Hoàng Anh Thư - Huế 2015



Có một sự xáo trộn trong mùa đông năm nay bắt đầu từ chiếc áo màu đỏ cô mặc. Đó là chiếc áo len mang hơi ấm của ba con người, ba cuộc đời kéo dài trọn một thế kỷ trừ ra những năm nó nằm vạ vật ở một nơi nào đó mà cô đã làm thất lạc. Nó đã cũ, đã ngả màu gần như màu huyết dụ. Những sợi len được bện thật chắc chắn, cô hình dung nó được bện từ sự tin cậy của những người thân.

Mẹ cô nói, mùa đông chải thật ấm mái tóc trước khi bước ra đường, khi những làn bụi sương mới không làm lạnh được đầu của con gái mẹ. Cô lại rất lười, thường hay vấn cao mái tóc, như thế nó làm cô trông già dặn hơn rất nhiều. Cô thích thế, mặc, cô thấy mình thật kiêu hãnh với cái ót cao lên sau cái áo khoác cao cổ.

Hôm nay đã mồng một, hoa cúc vàng rực một góc chợ với mùi nhang trầm thoang thoảng. Cô đi lễ chùa cúng vía bà và mẹ. Ngôi chùa cô đến nằm hẻo hút ở một góc phố xưa. Con đường nhỏ vòng vòng với những hàng cây tự nhiên như chưa bao giờ có sự tỉa tót của bàn tay con người. Nó giống vườn của ngoại: có cây ổi xá lị già, có chậu hoa hòe xanh um, có cây lựu, chậu hoa sói ... tất cả đều gợi nhớ ở cô một điều gì rất gần gũi. Cô cảm nhận được mùi vị ở đây. Thứ mùi vị của thời thơ trẻ. Cái mùi nồng nồng cay cay chực xộc lên làm nước mắt cô trào ngược. Cái mùi mằn mặn quyện vào nhau thành thứ không khí mà cô thèm được hít thở giữa cuộc sống nóng chảy tất bật này. Hầu như tháng nào cũng vậy, từng ngón tay đan trần của cô vân vê những lời cầu nguyện và đôi mắt xa xăm hình dung.

*

 Cô cười phá lên:

- Haha...cái ông sếp ấy chỉ giỏi nũng nịu !

Mọi người cụt hứng, im bặt. Câu chuyện giữa giờ giải lao đã chấm hết chừng đó. Cô thường không ngồi chung một bàn trò chuyện với mọi người, cô vẫn ngồi nơi bàn làm việc, ăn cơm tự mang và uống thứ nước lá của cô tự nấu, thứ lá bướm bạc thơm thơm dìu dịu thật dễ chịu. Ngoài kia, câu chuyện của mọi người lao xao quá, về chiếc áo mới của sếp hôm nay sực nức mùi dầu thơm và cô nghe rất nhiều tiếng khen của mọi người. Quái! cô bị dị ứng với những thứ mùi nhân tạo. Nhiều khi cô tự hỏi: tại sao người ta không tạo ra được thứ mùi của người thân quen nhỉ? Cô nhớ phảng phất, rồi có ngày cô nhớ quay quắt, một thứ mùi mà cô không thể gọi tên được.

Rẹc rẹc ... những tờ fax chuyển tới khi cô chưa kịp ăn hết phần cơm. Cô nuốt nghẹn vì hôm nay cơm không có canh. Rẹc rẹc ..., công việc cứ trôi chuyển, ăn gian cả giờ giải lao. Tiếng rầm rì đã vãn trên những gương mặt đã mỏi mệt. Đã quá 5 giờ chiều.

*

Hình như tiếng cầu kinh đang rì rầm ở hóc tủ, khi cô đang đi tìm chiếc áo len của mẹ. Nó đang ở đâu đây. Cô không còn nhớ thật rõ về buổi cuối cùng mình mặc nó vào khi nào, vào năm nào ấy nhỉ. Mùa đông năm nay lạnh buốt. Dãy bàng nơi con đường trước nhà sắt se lên tận ngọn. Trời đã gần giáp Tết mà chẳng báo hiệu cho một sự khởi xanh. Cô vẫn đang loay hoay tìm. Cô cẩn thận lật từng thớ áo quần trong cái tủ cũ kĩ của mẹ. Nó yên phăng phắc, màu áo quần mỏng mảnh khói hương. Rồi cô xáo tung cả tủ áo quần của mình. Tiếng mối mọt từ đâu đó phát ra trên căn gác xép, rít rít những âm thanh nhỏ như xé toang sự im lặng mang đầy tiếng thở mệt nhọc. Cô vẫn đang tìm. Hôm nay cô quên bấm cái máy cát sét mở kinh cầu an.  Một mớ áo quần hỗn độn, ngổn ngang còn đậm mùi long não. Nó không có ở đấy. Cô đã bỏ quên từ rất lâu.

*

Sáng nay thành phố thức dậy muộn. Cô vẫn còn ngái ngủ và mang máng nhớ về giấc mơ đã trôi tuột trong sự tiếc nuối không thể cứu vãn đêm qua. Hình như nó chớp đỏ. Cô thấy vậy. Nó chớp đỏ cả một khu vườn, chớp đỏ cả những bàn chân chạy nhảy trên gương mặt nhễ nhại mồ hôi trong cái lạnh buốt của mùa đông xác xơ thuở nọ. Mẹ bảo: “Con gái con lứa mà cứ ưa leo trèo, có ngày xoạc nết như chơi, mẹ cấm con đấy!” Thuở tung tăng còn đèo bòng lắm những điều nghịch ngợm, cô có nghe mẹ nói điều ấy đâu, cô đã quên.

Cô thấy một chớp đỏ trên những con thuyền ngược xuôi đi về trên một dòng sông hẹp. Ước muốn đóng băng. Cô chạy nhảy khắp những nẻo nhớ nẻo quên mà về.

Bây giờ có ai đi cùng cô đâu. Ngày xưa người ta gọi nhà cô là nhà “ mẫu hệ”. Ngôi nhà của mấy bà cháu cô chỉ có những bóng hồng tha thướt, những đôi bàn tay đảm đang gói trọn hạnh phúc cho nhau. Ngôi nhà có những đôi quang gánh dẻo quánh, mòn cả hai vai áo và bóng nhẵn mồ hôi.

- Nó đang bị móc trên ngọn cây đấy, rách hết cả rồi con ạ ! – tiếng mẹ cô

Cô giật mình, một thoáng nhớ quay quắt. Mặt trời đã ló những tia nắng thật lạnh lùng vào sáng hôm sau, qua cửa sổ và dửng dưng nhìn cô nằm chèo qoeo trên giường .

*

Leng keng…tiếng xe đổ rác như thường lệ. Chực nhớ ra, cô hớt hải chạy ra tìm gặp chị lao công.

-    Cô còn nhớ không ? cô nhớ lại đi ! làm ơn giúp cháu tìm lại! trong đống áo quần năm ngoái cháu đã cho cô đấy !

Hôm sau, tiếng leng keng đến hơi muộn. Cô chờ.

-    Không tìm thấy cháu à, cảm ơn cháu nhiều lắm nhưng cô cũng không biết làm sao.

*

Dòng xe chạy ngược chạy xuôi, không lẽ, mẹ trách mình quá đấy, cô đau đáu. Ngõ về trống rỗng phố người. Cái mênh mang ở phố chợ nhiều khi làm cô không kịp níu, lắm lúc chực ngã, chực sượt soài cả những năm tháng còn quá trẻ.

- Mại dô…mại dô…mua hai tặng một ! áo siêu ấm siêu nhẹ đây bà con – tiếng rao hàng đến rát cả họng của họ.

 Cô nhìn những gương mặt đang trả giá. Cái cảm giác như cô đang trả giá gương mặt của chính cô.

-Mại dô…mại dô…!

Cô đi thật nhanh,  ra khỏi con phố bán buôn và thở phào.

*

Sáng sớm nay chậu cúc kim đã nở thật vàng dù gốc cây đã thật già cỗi. Trời sắp Tết chỉ còn se se lạnh. Vẫn những cơn mưa phùn phủ bụi đầy ngõ. Giá như mà ngày xưa, cô sẽ được ngửi cái mùi trà thơm đang bốc khói xông lên đôi mắt nhăn nheo của bà bên cái bàn nhỏ nơi ô cửa sổ. Giờ cô phải vội dắt xe ra, bươn bả đi về trên đường phố, lại với những câu chuyện tầm phào vu vơ cười cợt, với những cái mùi mà cô dị ứng, hay với cái mùi khét của vỉ thịt nướng ở quầy bánh mì. Ánh mắt cô thỉnh thoảng nháo nhác nhìn quanh. Cô sẽ phải tìm mãi chiếc áo màu đỏ mang mùi nhớ quay quắt cho đến khi nó quên đi trong giấc ngủ, ở đó cô ngửi được cái mùi những tháng năm rướm đỏ bàn tay của bà và mẹ.

Con đường ướt đẫm. Mặt đường đang trơn trượt, cô thoáng thấy một cái bóng đỏ đang lướt đi dưới lòng đất. Nó đang đồng hành với cô như là cái linh hồn từ một sinh linh của đất.

 

Nguyễn Hoàng Anh Thư

Huế, tháng 5, 2015

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97237)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92731)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91397)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99751)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106489)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91778)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105925)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105477)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 127469)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41423)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...