- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TẠP BÚT, TÌM TÔI

01 Tháng Tám 20153:20 CH(Xem: 31870)


LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu. Đoàn Khuê định cư ở Canada, anh có một lối viết thật đặc biệt... Nói một cách khác là Đoàn Khuê viết "trúng tim đen" và thật hay. Chúng tôi hân hạnh mời quí bạn đọc và văn hữu cùng đi vào thế giới tạp bút của tác giả "Tạp bút, tìm tôi".  

Tạp Chí Hợp Lưu

 

mua chieu-dh
Mưa - ảnh ĐH 2015


L
ần đầu nghe tới hai chữ tạp bút là tôi đã không ưa rồi, thấy tạp nhạp, thấy nhiều chuyện, thấy… vô duyên. Bộ hết chữ nào khác hay ho hơn sao, sao không tùy bút, phóng bút, tản mạn bút, hay gì gì bút đi, có phải nho nhã văn vẻ hơn không. Tới giờ tôi cũng còn nghĩ vậy. Dù, tự sâu trong lòng mấy năm nay, tôi thầm biết đấy là con đường của tôi, dù muốn hay không muốn. Tôi không muốn mình như một người cha, sau bao năm tìm cách muốn đổi tánh con mình, dù thầm biết mình sẽ không thể nào đổi nó được, nhưng không chịu nhắm mắt chấp nhận, cho yên ổn tình cha con đi, để hậu quả là, cha con cãi nhau hoài, để rốt cuộc, con không còn cười khi gặp cha nữa, chắc cả đời, vì mặc cảm cha không coi con ra gì, nó phải là nó, như một định mệnh, mà khi cha hiểu ra, đã hơi muộn.

Tạo bút là tôi ư. Chớ còn gì nữa. Tôi không viết gì khá hơn đâu. Bỏ truyện ngắn đi. Tôi đã tự nhủ thầm từ lâu như thế. Chỉ là tôi chưa hề đủ can đảm để chấp nhận sự thật. Bên cạnh chừng 80 bài tạp bút ngăn ngắn, tôi đã viết gần 80 truyện ngắn đăng báo rồi chớ ít gì, trong hai năm qua, mà tôi có thấy thích truyện nào, cải lương sao đâu, dù lắm người thích. Vợ bảo, bè bạn tôi bảo, lắm người ngoài đường bảo, các bà bác già trong bếp chùa đều bảo, truyện ngắn tôi tình cảm lắm, hấp dẫn lắm, đọc không ngưng nửa chừng được, có khi còn hấp dẫn hơn truyện ông Ngạn viết... Mấy câu khen dễ dãi này hình như chỉ làm tôi… nản truyện ngắn hơn.

Tôi không tha chữ nghĩa của tôi đâu, cũng như tôi ít khi tha tôi. Tôi làm gì nhỏ mọn, tầm thường, tôi đều ghi nhận thật rõ trong lòng, chỉ chờ ngày viết hết ra… cho vui. Còn chữ nghĩa tôi, tôi không có nhiều đâu, tại nhiều người đọc tôi không biết. Sang Canada từ năm 17, sợ nụ cười mấy cô giáo Việt văn từ nhỏ, tới giờ bên Canada đã 37 năm, mà tôi có đọc bao nhiêu văn Việt, trừ mấy tờ báo tạp nhạp, phát không ngoài chợ, và vài cuốn sách mượn thư  viện free trên mấy kệ sách Việt nhỏ bé, âm thầm, buồn buồn, mà mấy khi đọc cho xong. Có thì đọc, không có thì thôi, bạ đâu đọc giải trí rung đùi đó. Chỉ may là, tôi ham đọc magazine tây, ham đọc báo tây Toronto Star, đọc gần 35 năm, nên có cơ may góp một số kiến thức vu vơ, và tánh tôi hay thích tự suy luận, tự ưu tư lắm chuyện đời xa gần, nên có chút vốn mà viết.

Gần đây, mỗi lần tôi gửi một bài truyện ngắn, hay tản mạn văn chương gì đó cho vài mạng văn chương, tôi đều ngại ngùng. Đều thấy mình nhỏ bé, không che nổi sự khao khát ham chút danh phận vu vơ gì đó với người ta. Tôi càng hiện rõ ra như thế, dù ấy thì có gì lạ, trong giới cầm bút thì ai chả ham danh, như tôi chứ, chỉ là, lắm người không dám tự nhận, chỉ quen nghĩ họ cao cả hơn. Nghiệp bút mà, là vậy, văn ai tự chả thấy hay, mà sao ít ai biết tới, chắc tại người ta ngoài kia không biết… thưởng thức văn mình. Cũng chút ham danh, tự tin, vô tội thôi mà. Dẫu danh không nuôi được ai, chỉ lâu lâu làm cho vợ cười với chút hãnh diện ngoài tiệc cưới khi thấy ai chào chồng mình như chào một nhà văn nặng ký, trân trọng, ngưỡng mộ.

Tôi biết, khi viết tạp bút, tôi có thể viết dễ dàng như đi bộ, mỗi ngày một bài cỡ 3 đến 6 trang không trở ngại gì, ngồi đợi vợ đi chợ cũng viết được. Chắc do tôi là tạp bút, tạp bút là tôi, viết là thở, thở là viết, viết dễ như trở bàn tay. Không so đâu với viết truyện ngắn, hay viết nhận định gì đó, viết từng hàng là nhức đầu, là muốn đứng dậy suy nghĩ tiếp, viết xong thì quay lại sửa, sửa mãi mãi, gửi tới người ta sắp đăng rồi mà mình ngồi đây cứ muốn đổi thêm chút đỉnh chỗ này chỗ kia cho sát ý nữa…

Trong làng phiếm, tính chung tạp bút, tản mạn bút, tùy bút mà chưa phải tùy bút, vu vơ bút… tôi cũng đã quan sát chung quanh ai viết gì, viết ra sao, tới hay không tới, già nua hay trẻ trung mới mẻ, ham dạy đời già nua hay không, hấp dẫn hay không hấp dẫn… chứ. Anh Trà Lũ xưa nay viết quanh làng nhậu, làng ăn uống của anh, anh vốn nhà giáo, nhưng khoái tếu, ăn nói hay, ca hát cũng hay, đẹp trai, đẹp lão, rành món 3 miền, con cái thành đạt, con trai anh hay nhậu với tôi hồi đó đều, tôi hay đi bộ ngang và nhìn vào nhà anh ở Toronto hoài mà. Anh Song Thao thì ai nhắc tới phiếm mà quên, viết như chạy chớ không phải đi bộ, anh sưu tầm dữ kiện tài, chủ đề nào cũng sâu và ra riêng chủ đề ấy, có thể nói đấy là những bài viết phiếm công phu nhất trong làng phiếm, có khi cần chuẩn bị dữ liệu từ trước, từ lâu. Không ngờ Canada lại đẻ ra hai cây phiếm hàng lớn nhất ở hải ngoại. Ngoài ra còn có các anh Tràm Cà Mau, Tiểu Tử… nhưng họ chắc lớn tuổi, hay sức khoẻ kém hơn, ít mau mắn chữ nghĩa như hai anh, nhất là anh Tiểu Tử, theo tôi, viết truyện ngắn độc đáo hơn viết phiếm xa. Tôi còn nhớ Cathy Trần, một nữ phiếm, cỡ tuổi tôi thì phải, mà hình như Cathy không mặn mà lắm với nghiệp phiếm. Phải kể luôn, còn lắm người viết khác, nhưng chỉ cỡ một quyển tình cờ rồi thôi, do họ hay bận viết những thứ khác, và đương nhiên không phải dân phiếm.

Lắm người cho rằng văn chương phiếm, không đúng văn chương. Tôi không phản bác, cũng không thấy nhận định ấy đúng hẳn. Theo tôi, hai chữ văn chương nên được hiểu rộng ra, để ai ra về cũng được một miếng bỏ túi cho vui vẻ đi, chớ áp đặt chi, văn chương phải là gì, chi gay gắt thế mà tạo thêm xích mích. Như nhan sắc của một cô gái vậy, hãy cứ tự do, để cô nào, bà bác nào, cũng có một nhan sắc nào đó riêng đi, đẹp đi, khó khăn nhau chi. Dành tiếng hay chia phần văn chương chi, sao cho công bằng, hữu xạ tự nhiên hương gì đó cho khoẻ đi, các bạn nhé.

Tạp bút tâm tư của tôi chưa hẳn là phiếm thực thụ, thiếu mấy nụ cười xa gần hóm hỉnh gì đó của phiếm, nhưng có chứa phiếm chứ, chứa cả truyện ngắn, cả thơ của… tôi nữa, cũng được mà, nhiều hay ít cứ tùy bài, tùy hứng, đã gọi là tạp mà. À, còn lãng mạn, hay trữ tình gì đó, cũng dễ thêm vào thôi, khó gì. Tôi cũng thích nụ cười, thích gửi ai nụ cười bất chợt khi đọc mình, nhưng chắc không rộn ràng như những nụ cười giữa tiệc nhậu đâu, bạn đọc đừng chờ mà thất vọng. Tôi hứa sẽ viết mạnh, như tôi đã viết 2 năm qua, mạnh như tôi đang viết bài này vậy. Bạn có tin tôi xong bài này trong 3 tiếng đồng hồ không, và chỉ cần quay lại sửa sơ chừng 2 lượt đã thấy quá ổn rồi không…

Đời sống này đối với tôi là tạp. Ngay cả mọi tôn giáo, nói chung, là chốn cao cả nhất, mà… tạp trước tiên, dù tôi vẫn chưa đủ can đảm để viết nhiều về đề tài này do dân Việt mình còn nặng tính cấm kỵ cổ hủ, không như tây. Vì có quá nhiều tôn giáo, mà lắm tôn giáo còn hay thích chê khéo tôn giáo khác là thấp kém hơn tôn giáo mình. Tạp vì, ngay cả hai nhà tu cùng một đạo mà vẫn không nói về đạo cùng sách, có khi không ưa cả nhau, cơ hồ tạo ra quá nhiều đạo, quá nhiều nhóm, trong một đạo... Tạp vì lắm tu sĩ phạm tội mà đạo vẫn cố làm ngơ, hay không dám, hay không thèm biết, hay không có cách nào trừng trị họ thấu đáo trong khi phải còn sợ thiên hạ  dị nghị đạo mà xa lánh nữa... Còn nhiều thứ lắm, chắc cần cả pho sách dày để nói cho hết mấy chuyện tạp này…

Hạnh phúc hay khổ đau tạp. Lời tỏ tình, lòng chung thủy cũng dễ tạp. Tình yêu là tạp, là do nhiều cân nhắc nhiều hơn tình cảm thật, kiểu anh bác sĩ thì em bác sĩ mà bảo do trời kia xui khiến vậy, thiệt oan cho… ông trời. Tâm tư con người tạp. Đạo đức con người tạp quá tạp. Đất nước con người tạp. Sự yêu thương, sự tha thứ, của con người tạp, tùy tiện, dễ sáo… Đâu đâu cũng ôm đầy mâu thuẫn, tạp nhạp, óng ánh, đến thế giới văn chương là chốn vốn vô tội ở đây, cũng còn tạp nhì nhằng. Còn cả tỉ thứ tạp khác, viết sao cho hết…

Viết tạp bút tâm tư theo kiểu tôi thì, bữa hay bữa dở, tùy ngày vợ có vui không, tùy hôm ấy có khoẻ không, nhớ lượng thứ nhé bạn. Xin lưu ý nhỏ với bạn, tạp bút tôi ít viết hoa, không có những dấu hỏi, chấm phẩy, chấm than, hai chấm, gạch ngang, ngoặc đơn, ngoặc kép, vì sợ lỉnh kỉnh nặng nề đến mất bớt lan man, nên viết hơi… cực tí, như phải ráng kiếm những câu khác mà thế vào câu đang cần mấy dấu chấm câu đó, chẳng hạn. Tôi yêu lan man hơn rõ nghĩa.

Tạp bút, tìm ra tôi, nhiều hơn tôi tìm nó, và chắc sẽ, ở lại, giờ tôi mới thấy.

 

 

ĐOÀN KHUÊ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89853)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75478)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103556)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86972)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92471)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109124)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84197)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83243)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75574)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80532)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.