- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHƯ CÂY QUÊN HOA MÙA CŨ…

01 Tháng Tám 20153:37 SA(Xem: 32768)
DMH- photo ANDY
Đặng Mỹ Hạnh- photo by Andy



1.

Sàigòn ngày trở lại.  Bầu trời nắng vẫn một màu bơ vơ.  Tôi đi giữa dòng người xuôi ngược, giữa những hàng quán, những ánh nhìn căng thẳng, giữa những bước chân vội vã.  Tôi nhìn Sàigòn vừa quen, vừa lạ - cái đã vỡ tan - cái mới dựng lên - tất cả đều xa khuất như không thể nắm giữ, cũng chẳng thể lìa bỏ.

Sàigòn và nỗi nhớ giăng mây, tôi giấu mưa đầy trong mắt.  “Chiều nhã nhạc, chỗ anh ngồi đã nghiêng hết nắng. Chỉ còn một mình anh bên ly cà phê.  Anh cần đốt một điếu thuốc, và để mường tượng khuôn mặt em sau làn khói mỏng.  Giờ đây, anh cảm giác mình bệ rạc như căn nhà ngói cũ, che nỗi đau sau bức tường rêu.  Anh lẫn lộn nỗi buồn và nỗi nhớ em.  Bao giờ em về?  Để Sàigòn và anh nguôi ngoai nỗi nhớ?...”

Những ngày ở Hải Sơn bên nỗi chờ đợi.  Tôi với những khoảng trống lúc đầy, lúc rỗng; lúc có, lúc không…  Một tình yêu màu hồng, đầy những lãng mạn màu tím.  Tôi pha trộn những màu sắc thi vị của tình yêu chỉ để khoả lấp những trống rỗng trong đời sống.  Tâm hồn tôi chỉ nhàu nỗi nhớ về Sàigon và anh.


2.


Tôi dắt chiếc xe đạp, thở gấp.  Niềm vui quàng ngang, quýnh quáng khi tìm được cái địa chỉ nhà anh.  Gặp mẹ anh, ngôn ngữ như đóng băng trong vòm miệng, suýt nữa tôi đã gọi anh bằng tiếng “Thầy Hưng” của thuở nào.

“Hưng có cuộc họp trong trường hôm nay. Mai cháu trở lại nhé!”  Mẹ anh giọng Bắc ngọt ngào.

Tôi tuột rơi niềm vui, rồi cụt ngủn trong mảnh tin nhắn lại, “Chiều mai em đến lại.”

Nhà Anh- Nhà Em- cách hai… chục đoạn đường dài.  Đạp bở hơi tai, anh lại vắng nhà.  Tôi nhìn cái bóng mình rớt dài trên mặt đường nhựa.  Sài Gòn vẫn nắng miệt mài.  Khi yêu.  Máu sôi, tim chín.  Nhưng chẳng biết bao giờ thì… tắt lửa.  Tôi đang rì rào lời yêu hay buồn giận vô cớ?


3.

Tôi thức dậy như chiếc đồng hồ hết pin.  Đêm Sàigòn ngột ngạt.  Giấc mơ mất ngủ.  Thời gian mất ngủ.   Tinh cầu cũng mất ngủ.  Chỉ vài ngày ở lại Sàigòn, tôi chẳng mong rấm rứt với một nỗi lòng như sa mạc.   Mẹ tôi lạc quan, “Con nhớ ghé thăm ông bà nội, ngoại, cô dì lần cuối.”

Tôi tìm tôi trong gương, mái tóc thề ngủ vờ rối rắm.  Sự chờ đợi làm trái tim tôi bồn chồn.  Nỗi buồn dát mỏng trên đôi guốc lộp cộp đi ra đi vào.

Chiều Thứ Bảy.  Tôi và cây kim đồng hồ giẫm lên nhau.  Chiếc áo màu mây, son môi thịnh hành màu sen hồng.  Cơn nồng nả của nắng Sàigòn, tôi nhoài lên cái bóng tôi, lả mệt.  Rồi cũng xong cái thủ tục “tạ từ” nội ngoại.  Ngày mai, con sóng biển đen mênh mông vô chừng, dạt trôi vùi lấp.  Đời đã thừa bi lụy, tôi chẳng muốn run thêm chi những tiếng kinh cầu.  Cái tin nhắn, chẳng biết anh có đọc để chờ đợi.  Mấy tháng xa anh, xa Sàigòn; nỗi buồn như con tằm cuốn kén, chờ ngày mọc cánh thoát thai.

Núi có lúc cũng u trầm, đa cảm.  Vẫn biết mình tự chọn tiếng “đau” trong bài thơ tình đã cũ.  Tôi lặng lẽ chất nỗi buồn, gắng giữ cho lòng mình đừng đắng,  “Tình yêu nào mà chẳng có nỗi buồn - nỗi buồn nào lại chẳng biết… lang thang.”  Tôi ca cẩm.

 


4.

Anh đón tôi trên bực cửa.  Ánh nhìn đầy những yêu thương tròn vành vạch.  Cơn nắng bên ngoài nhà anh hoe vàng, cắt vào hiên nhà những mảng vụn xéo xiên.

Anh nhích chiếc ghế lại gần, khẽ chạm vào tay tôi, “Anh thật tiếc, đã chẳng có mặt khi em đến.”  Hơi ấm trượt qua tay, tôi mang máng nỗi thẹn thùng, “Em chỉ muốn dành cho anh sự ngạc nhiên nên không báo trước,” tôi vờ hờ hững trong nỗi nhớ, bộ tịch với cuộc đời ngoài cửa sổ; những cánh hoa bay lưng lửng, trái tim tôi  xôn xao trong bình lặng.

Ly café anh vẫn đậm chất Sàigòn xưa.  Điếu thuốc tham lam cuộn tròn làn khói bạc.  Bỗng dưng một chiều Thứ Bảy, cơn mưa chiều tụ lại trong khoảnh khắc thật gần.

“Mưa giữ em lại rồi, ngồi đây tí nữa với anh. Kể anh nghe, em đã làm gì trong những tháng ngày xa anh?”

Tôi lấy ra cuốn Nhật ký trong cái túi xách da, “Em đã kể hết trong đây. Anh đọc đi!”  Tôi chỉ muốn viết cho anh, điều gì đó trong tôi- không rõ. Hôm nay - Ngày mai - và những ngóng chờ…

Anh nhìn tôi, ánh mắt màu mật ngọt dấu sau cặp kiếng cận đang cố thăng bằng cơn xúc cảm. “Anh pha thêm ly café nữa.  Đêm nay, anh sẽ thức thâu đêm để đọc hết những trang Nhật ký của em yêu.”

Tuổi thanh xuân tôi, và tình yêu đầu đời như những ước mơ của mây trời ngoài vuông cửa.  Lòng chợt dấy lên sự rộn rã ngắn ngủi.

Anh lại đi pha thêm ấm trà.  Tôi chống cằm, trầm ngâm liếc mấy cái bông cúc oai oải thở trong cái bình bông nhỏ; những xấp bài vở đang chấm dở, ngổn ngang trên mặt bàn.  Căn phòng mang vẻ mệt mỏi, bề bộn.  Có lúc, anh than vãn trong những cánh thư, “Đời sống như một sợi xích.  Đã có lúc, anh như một kỵ sĩ ngã ngựa.  Em biết đó, làm gì có cuộc đời bình thường - chỉ là cuộc sống - để mà sống thôi!”

Anh trở lại với ấm trà hôi hổi, háy mắt trêu, “Em cũng biết làm thơ khi buồn?!”

“Anh đừng tin mấy câu thơ thiếu ngủ ấy!”  Tôi đỏ mặt, lại vờ chăm nhìn vào một con mèo mũi trắng nằm thở khan trong xó tủ.

Anh gọi cô đơn là một mình, một bóng.  Tôi lý sự, “Một mình cũng đủ cả mùa yêu rồi.  Và yêu, hẳn nhiên anh sẽ chẳng còn cô đơn nữa.”  Anh kéo tôi lại gần, hôn lên tóc,  “Em bướng bỉnh, nhưng yêu thật thà.”

Bóng tối của màu café chưa tới.  Biên giới ngày và đêm loang loang trong mắt nhau.  Vòng tay anh siết tôi, như cây leo ôm lấy bức tường sầu.  Tôi đón nụ hôn đầu đời trên vành môi run run, đợi chờ cái quyện hòa thật chặt.  Trong vòng tay anh - giữa đời hư - mà rất thật. Tôi mềm như miếng xốp.

Lá thư, anh trao tay, chỉ vài ngày sau đó…

“… Em yêu có biết, từ lúc em từ biệt;  điếu thuốc cháy trên môi như một người bạn chết.  Anh đã mường tượng những dày vò ngày mai.  Anh sợ lắm một ngày, mình sẽ chẳng còn nhớ gì về nhau.  Như cây quên hoa mùa cũ. Rồi em, sẽ bỏ anh mà đi…” (*)

Về lại với Sàigòn, tôi tiễn mối tình đầu của mình ra sân bay.  “Anh gửi lại em nỗi nhớ trong cơn bất lực của định mệnh.”  Ôi tình yêu đầu đời của tôi đã thiên di về miền trời tuyết lạnh.

Tình xa lối nhàu, chỉ còn hình hài của những nụ hôn đau.  Tình yêu, giờ cũng chỉ là dấu chấm lặng cuối hàng.  Lựa chọn gì vào những điều mênh mông.  Khi cơn mê đã tan và màu mây xanh đã lãng?

Tôi lặng cho nỗi buồn an táng.   Ảo hoá tình yêu chỉ là đám mây trôi.  Rốt lại, nỗi đau là có thật.  Giữa những ngày buộc rời nhau, tình yêu - tựa những hạt mưa đắng mình trên lá…


 Đặng Mỹ Hạnh
(Và Những Mùa Yêu đã cũ.)
(*)  Anh sợ lắm một ngày
  Mình sẽ chẳng còn nhớ gì về nhau
  Như cây quên hoa mùa cũ
  Rồi em sẽ bỏ anh mà đi...
(thơ Nguyễn Văn)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Tám 20235:00 CH(Xem: 5372)
bơ phờ là lúc em ánh sáng / ngàn năm mỏi mệt ngân hà / thiên thu bay mãi trời xa / nông nổi ẩn mờ hoài niệm
04 Tháng Tám 20234:38 CH(Xem: 7074)
tôi đã tha hương bên bờ sông nước chảy / một viên sỏi một nhánh rong / như mắt thủy xanh rêu tiền kiếp / tôi nỡ nào để thủy trôi đi làm giọt mưa tan / vào tiềm thức mịt mù của số phận
04 Tháng Tám 20233:39 CH(Xem: 7024)
tôi về đây nghe hết một thời / thân này hồn sẽ bỏ, chia đôi / còn xin giữ lại cho mình chút / nắng sớm mưa chiều … theo mây trôi
04 Tháng Tám 20233:26 CH(Xem: 5728)
mùa xuân/ em đến/ ngại ngần/ mùa hè/ ta ngủ/ căn phần/
15 Tháng Bảy 202311:26 CH(Xem: 6502)
Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn kính báo tin cùng Chư Tôn Đức, Thân Bằng Quyến Thuộc và Bạn Hữu xa gần: Con, cháu chúng tôi là: Phật tử: PHẠM TRƯỜNG SONNY / Pháp danh: TRÍ LẠC / Sinh ngày: 11 tháng 9 năm 1994 tại Orange County, California./ Mất ngày: 11 tháng 7 năm 2023 tại Orange County, California. Hưởng dương: 30 tuổi
13 Tháng Bảy 20235:38 CH(Xem: 6402)
con lòng tong nhỏ / trôi đi / bâng khuâng / buồn lại phương phi / giữa trời
10 Tháng Bảy 20235:10 CH(Xem: 5389)
cửa em / không phải cửa mình / cửa ta / nhà bạn / thình lình mở toang
10 Tháng Bảy 20231:55 CH(Xem: 6932)
PHỤ NỮ GIỮA CHIẾN TRANH VIỆT NAM: THỜI ĐIỂM 1969 Tầm nhìn Chiến tranh, Giấc mơ Hòa bình [Visions of War, Dreams of Peace] [1] là nhan đề một tuyển tập thơ của các nhà thơ nữ; nếu là Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, họ đã là những nữ quân nhân như y tá, bác sĩ đã từng chăm sóc các thương bệnh binh; nếu ở những ngành nghề khác, họ đảm trách các dịch vụ không tác chiến như chuyên viên truyền tin, tiếp vận, kiểm soát không lưu, nhân viên Hồng Thập Tự... Nếu là người Việt, họ là những phụ nữ thuộc hai miền Nam hay Bắc, với những trải nghiệm khác nhau, qua những năm tháng chiến tranh. Và như từ bao giờ, cho dù ở đâu, phụ nữ và trẻ em vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh. Trong tập thơ này, có 34 nhà thơ nữ Hoa Kỳ, và sáu nhà thơ nữ Việt Nam: Xuân Quỳnh (My Son’s Childhood), Hương Tràm (The Vietnamese Mother), Hà Phương (To An Phu, From This Distance I Talk To You), Trần Mộng Tú (The Gift In Wartime, Dream of Peace), Minh Đức Hoài Trinh..., Nguyễn Ngọc Xuân...
28 Tháng Sáu 20239:58 CH(Xem: 7502)
anh là chim cánh mỏi / bay về tổ chiều hôm / không còn ai ngóng đợi / tay với cành hoa thơm
18 Tháng Sáu 20236:37 CH(Xem: 6191)
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ. Truyện & kịch của Trần C. Trí mở ra cho ta thấy một cách sáng rõ ngôn ngữ là những quan hệ. Là giao tiếp. Là tâm hồn con người. Nó phả ra cái hơi thở, cái tình cảm của con người. Nó soi chiếu và phóng lên màn hình nội tâm chúng ta những phác đồ tâm lý người. Tôi lại nghĩ đến Heidegger với ý tưởng Ngôn ngữ là nơi an cư của tính thể. Con người cư ngụ trong chính ngôn ngữ của nó.