- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TIN NHẮN

13 Tháng Năm 20154:18 SA(Xem: 31591)
tinnhan1-BW

 

          Nga có ba bạn trai.

          Không phải Nga lăng nhăng như mọi người hay nghĩ. Nói không ai tin, nhưng đến giờ Nga vẫn là gái trinh. Một ca rất lạ ở cái thành phố mà bọn trẻ thành thạo dắt nhau vào nhà nghỉ từ khi mới nứt mắt.

         Mấy tay bạn trai của Nga nhiều lúc cũng âm mưu, đưa Nga vào những chỗ nhạy cảm, rồi đòi hỏi này nọ, nhưng Nga cương quyết từ chối. Không phải là Nga không thèm muốn. Thì thịt da ai chả là người. Nhiều lúc ở bên các chàng chuyện trò tâm sự. Rồi chân tay đụng chạm, ôm ấp hôn hít, cũng rực hết người lên. Những muốn mặc kệ cái sự đời… Nhưng mà những lúc như thế, Nga hay thấy hiện lên đôi mắt đanh thép của bố, một ông giáo nghiêm khắc, thủ cựu. Ông dạy Nga từ bé là chuyện nam nữ nay không còn như xưa, thụ thụ bất thân. Nhưng cũng không thể có cái lối, sáng ra phòng cưới, tối vào phòng đẻ được. Loại con gái như vậy vẫn phải như các cụ ngày xưa, đóng bè đem trôi sông.

        Nga rất sợ bố. Bình thường thì ông rất cưng chiều cô gái út. Nhưng hễ có vấn đề gì mảy may liên quan đến chuyện tình ái của Nga là ông soi xét kỹ. Nào là tư thế tác phong. Nào là trình độ học vấn. Nào là xuất thân gia đình…vân vân và vân vân. Nhiều tay trai định đến mon men, ngồi uống nước chè một buổi, nói chuyện với ông một thôi là một đi không trở lại. Bố bảo Nga, những cái thằng thanh niên ba lăng nhăng, đừng có mời về nhà làm gì cho tốn thời gian và mất giá trị của mình đi. Khổ, Nga đâu có mời. Mấy tay trai ấy là bạn học phổ thông, bạn đại học, bạn cao học, bạn đồng nghiệp, bạn xã hội…thấy Nga xinh thì cứ lao tới thôi. Cần gì ai mời. Xưa nay đi tán gái thì ai mà lại đợi mời mới tới bao giờ.

        Chuyện tình duyên của Nga đâm ra khá lan man.

Người mà Nga thích thì bố không đồng ý. Người mà bố chọn, thì Nga lại không ưng. Cứ nhùng nhằng mâý năm. Dịp gần đây, xuất hiện nhân vật nữa, có vẻ như là hội tụ được cả yêu cầu của cả nhà. Bố vừa lòng mà Nga cũng thấy xiêu xiêu. Chàng này cao to đẹp trai, học Thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Pháp quốc về. Nhà trên Kim Mã. Hiện đang làm ở ngân hàng ngoại thương. Chàng theo đúng phong cách Tây, sau một tháng làm quen, tỏ tình với Nga bằng bó hồng to, một trăm linh một bông đỏ thắm.

       Thỉnh thoảng Nga vẫn đi uống nước, giao lưu chuyện gẫu với một chàng. Nga tự cho mình cái quyền như vậy. Vì chưa “chung kết” anh nào.

        Cũng may cho Nga ba chàng ấy ở ba quận khác nhau, nên cũng chưa có dịp va chạm. Hà Nội bây giờ quá đông, vẩn lên những người là người. Ra ngoài đường, chỉ mươi mét là ai nấy cứ như tàng hình vào dòng sông phố cuồn cuộn, lúc nhúc, gầm gào, rú rít của xe máy, ô tô vậy.

        Chàng mối tình đầu của Nga, nhà bên Long Biên quận. Hiện chàng là giảng viên Trường Dược. Chàng đang nghiên cứu một đề tài, về cái cây thuốc có rất nhiều tiềm năng, có thể trị bách bệnh như chàng nói. Chàng dong dỏng, hào hoa phong nhã, kiểu như Kim Lang (trong Kiều) nên Nga thích từ lâu. Nga là giáo viên văn ở trường phổ thông trong Bách Khoa. Ngặt một nỗi, ông bố Nga biết một chút tử vi tướng số lại bảo là thằng này tướng mạo thế, không làm nên tích sự gì. Đàn ông con trai gì mà ẻo lả xanh mướt. Đã thế lại còn nói giỏi. Nói như đài. Trên thông thiên văn dưới tường địa lý, thao thao bất tuyệt. Lấy nó thì chỉ có làm con ở không công, khổ suốt đời. Bố Nga nói chắc như thánh phán. Ông còn đem âm dương ngũ hành, kim mộc thuỷ hoả thổ, tương sinh tương khắc ra dẫn giải. Làm cho Nga hết sức rối trí, không quyết được.

         Chàng thứ ba thì do gia đình giới thiệu.

         Nhưng thành ngay fan của Nga. Có thể gọi là fan cuồng. Chàng làm ở công ty bên cạnh trường Nga dạy. Đồng hương với ông anh rể. Từ hôm quen cô giáo dạy văn trường TL, lập tức theo mê mải. Nhưng mà tay này không được xinh trai cho lắm, lại vụng ăn nói nên Nga không thích. Nhưng nể ông anh rể, đành tiếp nước vài buổi với thái độ rất ơ hờ. Nhưng mặc kệ, hàng ngày chàng lặng lẽ ngồi sẵn ở quán nước bên kia cổng trường, đợi Nga tan lớp, lẽo đẽo theo Nga về đến nhà ở khu Phương Mai, rồi mới về nhà mình đằng Định Công. Hôm nào tâm trạng không tốt, công việc giảng dạy ở trường có vấn đề. Hoặc lại bị ông bố lên lớp về cái vụ không dứt điểm với chàng giảng viên. Hoặc chàng ngân hàng đi công tác lâu lâu chưa về, không có người đưa lên Hồ Tây ngắm sen. Nga cho phép chàng crazy fan rẽ vào một quán cà phê nào đấy, ngồi uống nước, nói chuyện linh tinh,  xả bớt stress rồi về. Chàng này khá được lòng bố Nga, vì biết đánh cờ tướng hầu ông cụ. Gia đình cơ bản, bố đảng viên mẹ hiền nhất phố. Nhưng Nga thì vẫn chưa cảm nhận được điều gì.

        Nhưng mặc Nga có để ý đến hay không, chàng Định Công vẫn nhẫn nại theo nàng mỗi chiều tan trường. Ngay cả cái dịp mà Nga nhận một trăm linh một bông hồng nhung đỏ thắm của tay Kim Mã. Chàng vẫn hàng chiều yên lặng bám xe sau Nga, cách một khoảng xa hơn. Có lẽ vì chàng không muốn nghe tay thạc sĩ Pháp quốc về ấy, thao thao với người đẹp về vẻ lãng mạn của sông Seine.

        Năm nay tính ra thì Nga đã hai mươi chín tuổi ta.

        Nhưng Nga trắng, xinh. Nom trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Bố mẹ Nga phát sốt, phát rét. Năm nay mà nàng không chọn lấy một đám thì sang năm, ba mươi, có thể chính thức phân loại nàng sang hệ các bà cô già, ế chồng. Nhưng Nga thấy bình thường. Sự đời thì người dưới đất vẫn hay lo hơn người trên cây. Nga chả thấy lo. Vẫn ăn ngủ đều. Đến trường lên lớp giảng bài đều. Lâu lâu lại đi chơi loanh quanh thành phố. Cũng vui mà.

        Hôm đầu năm, bố mẹ Nga ra tối hậu thư: “Muốn lấy ai thì lấy, chọn một trong số những thằng đang theo đuổi, cuối năm nay phải cưới”

        Nhưng Nga vẫn phân vân. Chưa biết chọn ai.

        Chàng bên Long Biên quận, biết nhau lâu rồi. Thật ra là có thể gọi là yêu nhau rồi. Nói chuyện hợp. Lấy nhau có lẽ được. Nhưng bố Nga kiên quyết quá. Thậm chí ông còn bảo, lấy thằng ấy thì thà rằng cứ ở nhà bố nuôi cho gọn chuyện. Khỏi phải chồng con chi cho nặng đũng quần. Quá khó.

       Chàng Kim Mã thì mạnh mẽ, si mê. Cứ có cơ hội là chàng lại thể hiện cái chất nam tính đang rừng rực trong huyết quản của mình. Chàng muốn cưới ngay và luôn. Nhiều lúc ngồi ở quán cà phê ban ngày, mà chàng chỉ chực ăn tươi nuốt sống. Ai đời chàng ta ôm Nga chặt cứng, không cả cựa được. Rồi cứ thế hôn những cái thật mãnh liệt, sâu. Chàng bảo đấy là nụ hôn kiểu Pháp. Nhưng mà nhỡ bọn học sinh nó cũng dắt nhau vào quán ngồi, trông thấy thì ngượng chết.  Hơi khiếp.

       Còn chàng Định Công, lành quá. Thời buổi này, lành không phải là một cái đức được đề cao. Lành dễ đụt. Có lẽ Nga check out chàng này. Mặc dù, theo tiêu chí của bố Nga thì đây là một đám rất ổn. Nhà chỉ có một con. Kinh tế khá. Bố công tác trên bộ, hàm vụ trưởng. Mẹ đã về hưu, không thèm để ý đến sự gì. Suốt ngày đi sinh hoạt hội thơ và thể dục dưỡng sinh trên vườn hoa con cóc. Kể ra giải tán cũng hơi phí. Nhưng cũng đành.

       Bố mẹ Nga quyết chọn chàng ngân hàng. Dịp này mời cả bố mẹ chàng đến chơi. Nga cũng thấy lựa chọn này có vẻ hợp lý hơn cả. Thôi chốt hạ.

         Chàng giảng viên biết tin, hờn lắm.

         Chàng gọi điện cho Nga, đòi một cuộc gặp mặt, nói cho hết nhẽ. Gặp nhau, chàng bảo sẽ không lấy ai, sẽ ngồi chống mắt lên để thấy tình đời phụ bạc. Nhưng chia tay về, Nga lại thấy xao xuyến. Dù gì thì cũng tình cảm bao năm. Có lẽ nên từ từ rồi dứt cho chàng đỡ sốc. Không gặp nữa, thỉnh thoảng vài phút điện thoại, giữ lấy cái nghĩa bạn bè. Cũng chả thiệt hại gì.

       Cuối năm, chàng ngân hàng đi công tác mãi Sài Gòn. Điện thoại, tin nhắn suốt đêm. Đang tin nhắn với chàng, thì chàng giảng viên cũng nhắn đến thở than giận hờn, nhớ nhung trách móc. Chàng nói đang viết những dòng cuối cùng của luận văn Tiến sĩ Dược học, mà tim bỗng cồn lên nỗi đau đớn, không thể viết nốt được. Nga nằm lơ mơ trên giường, kiên cường nhẫn nại đáp trả những đợt xung kích tình cảm của cả hai gã trai qua sóng điện từ. Khuya. Mệt. Nàng muốn đi ngủ, mai có tiết một. Nhắn tin cuối: “Thôi anh yêu viết nốt luận án cho xong đi. Em đi ngủ đây. Kiss you. G9”. Gửi xong, định soạn một cái tin khác gửi cho chàng ngân hàng thì...Thôi rồi.! Trong danh bạ, chàng ngân hàng HƯỞNG và chàng giảng viên HƯỚNG, đều lưu không dấu: A.HUONG. Nhầm. Sóng điện từ Sài Gòn ra rớt cái rụp. Xong.!

        Một tháng sau, Nga lấy chồng.

       Chú rể nhà dưới Định Công. Hôm cưới, không thấy chàng Kim Mã, cũng không thấy chàng Long Biên quận đến. Mấy con bạn thân cùng trường với Nga, tủm tỉm cười với chú rể, rồi quay ra tán chuyện, cười rinh rích với nhau. Chỉ vì cái tin nhắn gửi nhầm, mà anh Hà (tên chồng Nga) đâm ra vớ bẫm...


TRẦN THANH CẢNH
05/2015

Ý kiến bạn đọc
12 Tháng Năm 20183:45 SA
Khách
Quá hay ấy chứ lị,phong cách của đám con gái thời đại mới nó rõ như này
27 Tháng Tư 20171:09 CH
Khách
Hay, nhưng mà không hiểu ý nghĩa của tác giả lắm ạ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97223)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92724)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91393)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99746)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106480)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91764)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105919)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105464)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 127463)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41414)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...